Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2021

Những ngày cuối đời của Bố

                Đầu năm 2002, sức khỏe bố tôi đã trở suy yếu. Ông vốn mang bệnh tiểu đường nặng, kéo dài và đã một lần trải qua đợt chữa trị chứng hoại tử lòng bàn chân trái năm 1994. Bệnh tiểu đường của ông đã biến chứng nặng vào cơ quan bài tiết nước tiểu. Khi đó, ông lại bị ngã và gãy cổ xương đùi. Cái ngã nhẹ thôi, chỉ là buổi sáng, ông ngồi dậy và đưa chân xuống giường tìm đôi dép. Không biết loay hoay thế nào mà ông ngồi bệt ngay xuống nền nhà. Và mặc dù cái giường rất thấp nhưng do xương người già đã xốp nên sau đó ông không đứng dậy được. Đưa vào bệnh viện, các giáo sư bác sĩ, cả giáo sư Dân – chuyên gia đầu ngành về xương - đến hội chẩn và quyết định để như vậy và khuyên để Bố tôi “sống chung với cái chân gãy”. Có thể do bệnh tiểu đường nặng nên các vết thương hở khó lành mà muốn thay khớp đùi thì phải mổ. 



        
Mọi sinh hoạt trong cuộc sống của ông vốn đã khó khăn do bệnh tật, nay lại càng trở nên vô cùng vất vả. Trong mấy anh em, tôi có dịp được trực tiếp chăm sóc Bố tôi nhiều hơn. Ngoài những việc chăm lo thường ngày, vào buổi tối, trước khi đi ngủ, tôi vào lồng cái ống thoát nước tiểu cho ông (vì hồi đó chưa có khái niệm “bỉm sữa” như bây giờ). Thỉnh thoảng, Bố lại cho gọi tôi vào phòng và bảo: Tắm cho bố nhé! Gian vệ sinh kề ngay chỗ ngủ và làm việc của ông vốn trước là cái “phòng tối” để ông in tráng ảnh dạo trước, đã được cải tạo từ năm 1992 khi chú em Trần Điền đầu tư mở cửa hàng kinh doanh ở gian ngoài. Bởi thế, việc tắm rửa, đi vệ sinh của ông cũng thuận lợi hơn.

 


Đến giữa năm, khoảng cuối tháng Sáu năm 2002, sức khỏe của Bố tôi trở nên xấu đi rất nhiều. Ông liên tục đi tiểu ra máu nhiều đợt. Bác sĩ Thiện chuyên theo dõi sức khỏe cho ông nhiều năm đã thông báo với gia đình và đưa ngay vào Bệnh viện Hữu Nghị. Nằm điều trị một thời gian nhưng bệnh tình của Bố tôi không thuyên giảm. Đầu tháng Bảy năm ấy, Bố tôi được đưa xuống khoa Cấp cứu – buồng bệnh nhân được theo dõi đặc biệt. Do lúc này, Bố tôi đã được mở khí quản để đưa dưỡng khí trực tiếp vào hệ hô hấp nên khi muốn trao đổi chuyện gì, chỉ nhìn môi mấp máy mà đoán ý. Có lần, Bố tôi máy môi vài lần hỏi câu gì đó mà tôi không thể đoán ra. Nhưng sau đó, ngờ rằng ông cụ hỏi “mấy giờ rồi”. Thật đơn giản mà không luận ra được. Điều này làm tôi cứ ân hận mãi…

Khi bước sang tuổi “xưa nay hiếm”, Bố tôi đã lập di chúc. Nhưng có lẽ vì cho rằng chả có tài sản gì to tát để chia cho các con nên ông chỉ ghi là “Yêu cầu và Ý nguyện cuối cùng”. Lần đầu lập bản này vào tháng 12 năm 1998. Sau đó, vào tháng 9 năm 2000, cụ có sửa một đoạn ngắn về giải quyết ngôi nhà 97. Nội dung dặn lại các con của Bố tôi có đến 6 nội dung. Ông đã chuẩn bị tới sáu bản, cả viết tay, cả đánh máy, ép bóng cẩn thận để mỗi thành viên trong gia đình có 1 bản. Trong di chúc thì chỉ có duy nhất nội dung về việc giải quyết hậu sự là Bố tôi đồng ý sửa lại khi đã nằm trên giường bệnh, ngày 25 tháng 7 năm 2002. Việc này do anh Trần Thắng tổ chức và thực hiện có sự giúp đỡ của Luật sư bảo đảm tính hợp pháp như mong muốn của Bố tôi. Bản ghi ý nguyện bổ sung này có đoạn: “Tôi yêu cầu về đám tang của tôi được hỏa tang và đưa tro xương của tôi chôn cạnh mộ mẹ tôi”. Bố tôi khẽ gật gật cái đầu tỏ ý ưng thuận lúc đang nằm trên giường bệnh viện.


 Sang đầu tháng Tám, Bố tôi được đưa vào phòng riêng và bắt đầu hôn mê sâu. Thời gian kéo dài dằng dặc, tưởng như mỗi ngày trôi qua dài ngang năm tháng. Vậy mà khi viết lại những dòng này, tôi tưởng như đang chứng kiến từng giây từng phút ấy. Tình trạng này kéo dài đến dăm hôm thì Bố tôi được chuyển sang phòng cấp cứu tích cực với đống dây dợ, máy móc vây quanh người. Đầu giờ chiều ngày thứ Sáu, 09 tháng Tám năm 2002, bác sĩ thông báo tình hình sức khỏe của Bố tôi xấu đi nghiêm trọng. Lúc 14g15’ nhịp tim trên màn hình đầu giường Bố tôi nằm chậm dần rồi ngừng hẳn. Nhân viên y tế nhanh tay rút các dây dợ, nhưng anh Thắng đề nghị cứ để chờ khi dấu hiệu sự sống dừng hẳn. Cô nhân viên chỉ cách cho anh Thắng vuốt mặt và giữ lấy cằm cho Bố tôi trong chốc lát để cố định khuôn mặt. Mọi việc còn lại, dường như bệnh viện đã sẵn sàng, thủ tục nhanh chóng chuyển Bố tôi sang Nhà tang lễ Bệnh viện Quân đội 108. Tôi là người đi theo chiếc xe chở thi hài, chứng kiến từ lúc đưa Bố tôi lên cái cáng chuyển lên xe cho đến lúc đưa vào ngăn lạnh bên Nhà tang lễ của Bệnh viện, rồi lững thững quay về bên Việt Xô. Một chiếc xe con màu đen của Văn phòng Quốc hội đón tôi đưa về nhà.

Những ngày sau đó là các công việc chuẩn bị cho tang lễ. Các nhiệm vụ cụ thể được liệt kê và phân công người thực hiện, phối hợp thực hiện. Bên Văn phòng Quốc hội cử Trần Ngọc Hùng, Phó Chánh Văn phòng sang bàn bạc trao đổi với gia đình từng việc. Chúng tôi cũng không quan tâm lắm tới cách thức chuẩn bị và tiến hành tang lễ, và để cho Văn phòng chủ động mọi việc, gia đình cứ thế mà theo. Tuy nhiên, đến khi ông Hùng trao đổi về nội dung các văn bản tổ chức tang lễ thì có nhiều vấn đề cần xử lý. Trước tiên là nội dung của tin buồn, có ghi những thông tin cụ thể về ngày ra khỏi Đảng của ông cụ. Chúng tôi yêu cầu sửa lại là “…đảng viên Đảng CS Việt Nam từ tháng 11-1940 đến tháng 1-1999”, gọn gàng và đầy đủ. Nhưng có lẽ phức tạp nhất là nội dung trong bản Lời điếu do Ban tổ chức Lễ tang soạn thảo. Văn bản chỉ vỏn vẹn có 2 trang giấy gồm những nội dung theo công thức định trước, lạnh lùng và không hề có cảm xúc nào trước người quá cố. Nặng nề hơn, trong Lời điếu có đoạn nhắc đến những sai phạm và quy kết như kiểu đem ra làm kiểm điểm, đấu tố thời xa xưa… Chúng tôi thận trọng xem xét và thống nhất yêu cầu bỏ hết những đoạn như trên ra khỏi Lời điếu, nếu như đại diện của Ban Tang lễ đọc trong Lễ tang. Chúng tôi gửi văn bản đến Văn phòng Quốc hội ngày 10/8 nêu rõ chính kiến của gia đình mà anh Trần Thắng và tôi làm đại diện cùng ký tên gửi đi. Trong lời đề nghị, chúng tôi cố gắng phân tích lý lẽ của gia đình: "Chúng tôi cho rằng việc Cha chúng tôi chịu kỷ luật đã công bố trong toàn Đảng nên không nhất thiết phải nhắc lại việc này trong giờ phút đau buồn của gia đình chúng tôi. Chẳng lẽ khi chết rồi còn chịu kỷ luật lần nữa? Thứ hai, chúng tôi được biết từ trước đến nay, chưa có ai mà trong Tin buồn và Lời điếu của tổ chức nêu cả những thiếu sót, khuyết điểm của người đã mất. Hơn nữa, theo đạo lý "nghĩa tử, nghĩa tận" của người Việt Nam thì không ai nỡ nhắc đến điều mà những người thân còn sống cảm thấy đau buồn".


Tối hôm sau, ông Hùng quay trở lại nhà 97 gặp chúng tôi thông báo kết luận của cấp trên đối với ý kiến của gia đình. Đó là chấp nhận hoàn toàn yêu cầu sửa Tin buồn và cho đăng trên các tờ báo chính thống như báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân và Hà Nội mới. Riêng Lời điếu thì chấp nhận rút gọn lại chỉ một câu: “Tiếc rằng về cuối đời, ông đã có những khuyết điểm, sai lầm”  (trích nguyên văn).

Khi ấy, ông Hùng tỏ ra ái ngại thực sự, ông nhỏ nhẹ hơn khi giãi bày. Thứ nhất, về phân công thì Chủ nhiệm Văn phòng là người đọc Lời điếu, nhưng trên cử Vũ Mão, lúc đó là Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, hiện đang là Ủy viên Trung ương, để xứng với các chức vụ của Bố tôi. Còn mấy chữ về khuyết điểm trong Lời điếu, Hùng nói tiếp, Vũ Mão sẽ đọc nhỏ, thậm chí bỏ qua và kết hợp với người điều khiển tăng âm sẽ vặn nhỏ hoặc tắt tiếng hoàn toàn. Nghe xong là thấy bản thân những người thừa hành cũng chả thoải mái gì cho lắm khi làm công việc này. Thế nhưng, vẫn nhất quán từ đầu, chúng tôi kiên quyết phản đối và còn nhắc thêm: Trong lễ tang nếu có phản ứng của người đến dự với Ban Tổ chức thì các vị cố mà chịu nhé!


Chuyện xảy ra trong buổi Lễ tang đã làm chấn động dư luận cả nước với những thứ quy định kỳ quặc của Ban Tổ chức và những phản ứng có kiềm chế của gia đình và toàn thể những người có mặt. Lố bịch nhất là dòng chữ Vô cùng thương tiếc gắn cố định trên bức tường Nhà Tang Lễ được bịt lại và thay bằng "Lễ tang ông Trần Độ". Thôi thì “giời không chịu đất” thì “đất phải chịu giời” vậy. Một dải băng tang có dòng chữ “Gia đình cùng con cháu Vô cùng thương tiếc…” đính ngay dưới mép bàn thờ của Nhà tang lễ được chúng tôi làm bổ sung.

 Toàn bộ diễn biến chính trong Lễ tang, anh Trần Thắng đã viết lại qua bài: Có một đám tang… rất buồn, công bố năm 2017.

Bản Lời cảm ơn của gia đình cũng được chuẩn bị trước, thậm chí còn được mang ra trao đổi với Ban Tổ chức Lễ tang. Trong đó, có đoạn:

“Thưa Bố! Bố là tấm gương cho chúng con về một người Cha mẫu mực. Một người Bố giản dị, liêm khiết, tận tụy với công việc; một người Bố hết lòng thương yêu vợ, con; một người Ông yêu quý của các cháu, các chắt”.

“Trong giờ phút đau thương này, chúng con xin hứa thực hiện theo lời Bố dặn trước khi qua đời: sống làm người tử tế”.

 


Lễ Tang được tổ chức hạn chế. Nhưng suốt từ sáng sớm cho đến lúc truy điệu vào khoảng 13 giờ, có tới hàng ngàn người đến viếng. Ngoài một số đoàn của tổ chức thì phần lớn là bạn bè của Bố và các cựu chiến binh từ Nam ra Bắc. Đoàn cựu chiến binh Đại đoàn 312 có đến vài trăm người, tưởng như kéo dài vô tận. Những người chiến binh oai hùng năm xưa, nay khó nhọc lê từng bước. Nhìn họ, tôi xúc động, cay cay mắt. Hôm ấy, anh em trong cơ quan nơi tôi công tác, cũng đến viếng. Sau này tôi được biết có quy định không được mang danh cơ quan và mặc quân phục đến viếng nên các anh em này phải vận thường phục và xưng danh là bạn bè đến viếng. Phần lớn anh em trong cơ quan chỉ dám đến chia buồn tại gia đình và vào buổi tối. Gia đình tôi rất cảm ơn và thông cảm với tình thế ấy!

* * *

Dư âm đám tang có thể nói là chấn động con tim khối óc của những người có lương tâm. Sau đám tang, trong khu vực Hà Nội còn lưu truyền rất nhiều câu chuyện chê trách cơ quan tổ chức sự kiện này. Và trong những ngày đó, một chuyện xảy ra với tôi cũng đáng ghi lại. Đó là một chiều tôi đi xe máy từ cơ quan về, đến ngã tư Phan Bội Châu-Lý Thường Kiệt thì đèn đỏ. Tôi vẫn đi. Bên góc đường, có một cảnh sát giao thông, đeo quân hàm đại úy, tuýt còi vẫy xe lên vỉa hè. Tôi nghiêm chỉnh chấp hành ngay.

- Anh vượt đèn đỏ!

- Vâng!

- Tôi sẽ lập biên bản về lỗi của anh!

- Vâng, anh cứ phạt!

Cầm các giấy tờ của người và xe, nhận ra tôi là sĩ quan quân đội, anh cảnh sát nói giọng thông cảm: Thôi, cùng là lực lượng vũ trang cả nên tôi sẽ phạt ở mức thấp nhất, ba mươi nghìn!

Rồi anh mở cặp, lấy tập biên bản ra kê trên yên chiếc xe máy bắt đầu viết. Vừa viết anh cảnh sát vừa phân bua: Ở đây gần ngay trụ sở cơ quan (Phòng CSGT, 86 Lý Thường Kiệt) nên tôi phải lập biên bản cho đúng quy định!

Tôi đáp ngay: Vâng, anh cứ xử lý theo đúng quy định, tôi chấp hành!

Đột nhiên, khi ghi vào biên bản địa chỉ cư trú của tôi, anh cảnh sát lẩm bẩm: Anh ở số nhà 97 à, anh họ Trần… À mà thôi, anh đi đi! Vừa nói anh ta xé ngang tờ biên bản vừa viết và gấp cặp lại. Rồi anh ta luôn mấy câu: Thôi! Anh đi đi!

Tôi đứng ngẩn ra: Anh cứ phạt mà, tôi có ý kiến gì đâu!

Thôi anh đi đi! Anh cảnh sát phẩy tay, rồi quay ra mép đường Lý Thường Kiệt, coi như chẳng hề có tôi ở đó. Thì ra anh ta nhận thấy rằng tôi vừa là nạn nhân của một vụ việc nổi đình đám mà ai cũng biết. Vậy thì, phạt cái lỗi cỏn con này có đáng gì! Tôi đành lẳng lặng dắt xe đi, thầm nghĩ: Thế là tha bổng!

6 nhận xét:

  1. Đời cụ thật vất vả! Những ngày cuối cùng này của Cụ, mãi mãi không thể nào quên!

    Trả lờiXóa
  2. Nguyen Thi Tu: "Xin thắp nén hương thơm tưởng nhớ ông! Đọc bài viết mà thấy buồn càng thêm buồn..."

    Trả lờiXóa
  3. Babulia Minh: "...nhanh quá, thế mà đã 19 năm qua rồi, nhưng ko bh quên đc đám tang Ông năm đó"

    Trả lờiXóa
  4. Sử Bình: "Trong thâm tâm, tôi chưa bao giờ tin vào những lời vu khống về ông ! Một con người Cách mạng chân chính dám sống thật, nói thật!"

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trịnh Cường: "ah nói đúng tâm tư suy nghĩ của ae K6, cảm ơn bạn rất nhiều!!!"

      Xóa
  5. Phạm Văn Hạnh: "Thương, nhớ Ông. Hồi tưởng lại đám tang ông thấy sự hèn kém, vô đạo lý của vài người trong giới cầm quyền khi đó nhưng cuộc sống giản dị đầy nghĩa khí của ông đã được nhiều người quý mến và kính trọng đến kính viếng tiễn đưa, thật cảm động. Hôm nay là ngày giỗ Ông, an nghỉ dưới suối vàng thanh thản ông nhé và mong những ý tưởng vì dân vì nước của ông sớm thành hiện thực!

    Trả lờiXóa