Thứ Năm, 5 tháng 8, 2021

Về mối quan hệ giữa quản lý và tự do sáng tác trong văn học nghệ thuật


Để thi hành đúng đắn Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về văn học nghệ thuật và văn hóa, có một vấn đề được nhiều người quan tâm và cần thống nhất quan niệm là mối quan hệ giữa quản lý và tự do sáng tác. 

Điều hiển nhiên là văn học nghệ thuật cần có sự quản lý, nhưng vấn đề ở đây là quản lý một sự nghiệp tự do, quản lý nhằm bảo đảm sự phát triển tự do. Cái khó là ở đó. Và đổi mới tư duy cũng chính bắt đầu ở đó: từ chỗ quản lý bằng nắm chặt, bằng ra chỉ thị, mệnh lệnh, đến chỗ quản lý nhưng vẫn bảo đảm tự do. Tất nhiên sẽ vẫn có những chỉ thị, mệnh lệnh nhưng mục đích của nó là làm sao cho tiềm năng sáng tạo được tự do phát triển. Như vậy sự quản lý này ít nhất phải có mấy điểm sau:
Một là phải chấp nhận sự phong phú đa dạng; chính vì đa dạng cho nên văn nghệ rất phong phú, kể về số lượng thì sẽ rất nhiều. Chấp nhận điều này là phải đổi mới tư duy ghê gớm lắm, có khi phải chấp nhận cả những cái mình không thích. “Mình” ở đây có thể là một cấp ủy, một người quản lý, và có khi là cả một nghệ sĩ nữa. Hiện nay đang xuất hiện tình hình là có những cái anh không thích nhưng nó vẫn cứ có, cứ tồn tại, bởi vì nó chính là sự sống. Từ đây đặt ra vấn đề phải có những tiêu chuẩn thẩm mỹ tối thiểu để định giá tác phẩm. Tất nhiên cần nhận rằng những tiêu chuẩn này cũng phức tạp, tinh tế như bản thân tác phẩm văn học nghệ thuật. Cái đẹp được nhận ra có khi do sự cảm thụ chứ không phải do nhận thức lý tính. Mà cảm thụ thì lại liên quan đến trạng thái tâm hồn của con người. Nhưng nếu nói như vậy thì quản lý cái gì? Lâu nay ta vẫn hiểu quản lý một cách hẹp hòi và có phần tủn mủn. Bây giờ ta nhìn rộng một chút, tự nhiên thấy vai trò của quản lý có phần như bị hạn chế đi. Thật ra không phải như vậy. Vấn đề này liên quan đến điểm thứ hai mà người quản lý phải chấp nhận.
Hai là phải quản lý theo kiểu định hướng rộng. Quản lý một sự nghiệp tự do là quản lý theo hướng, quản lý theo những đề tài lớn chứ không quản lý theo đề tài cụ thể như kiểu hôm nay nói khoán sản phẩm, mai nói thuế, ngày kia nói phân phối lưu thông, ... phải quản lý theo định hướng rộng, trong định hướng ấy, người nghệ sĩ phát huy tài năng sáng tạo và tìm cảm hứng, chứ không phải sự đặt hàng đơn giản. Tất nhiên trong định hướng rộng vẫn có những đề tài, ví dụ: ca ngợi chủ nghĩa xã hội, ca ngợi Đảng, ca ngợi lãnh tụ, đề cao lòng yêu nước, v.v... Về điều này, tôi nghĩ yêu cầu như trong Nghị quyết là có tính định hướng cho người quản lý rồi. Cụ thể:
Thứ nhất, chỉ chấp nhận văn nghệ xã hội chủ nghĩa, văn nghệ bảo vệ độc lập tự do cho Tổ quốc.
Thứ hai, chỉ chấp nhận văn nghệ bồi dưỡng tình cảm tốt đẹp cho con người. Anh nào phá hoại nhân phẩm, phá hoại bản chất con người, làm tha hóa nó, là anh có tội, phải dùng chuyên chính để trị.
Có đồng chí nói: định hướng như vậy thì rộng quá, khác gì không có sự quản lý. Đúng là cái hướng ấy rộng lớn. Nhưng dần dần ta phải quen. Vấn đề bồi dưỡng tình yêu chủ nghĩa xã hội, bồi dưỡng lòng yêu nước, vấn đề nâng cao tình cảm con người không thể ngày một ngày hai, làm trong một tác phẩm cụ thể. Mỗi tác phẩm tác động vào con người ta một ít, theo nhiều cách khác nhau. Mà như vậy là liên quan đến tính phong phú đa dạng như đã nói trên, chứ không thể mong muốn một cách thô sơ rằng mỗi tác phẩm xây dựng được ngay một thứ tình cảm. Trong chiến tranh có thể có một bài hát, một bài báo kích động người chiến sĩ rất mạnh. Nhưng không phải vì thế mà ta khái quát rằng văn nghệ có thể tác động tức thời một cách mạnh mẽ đối với tất cả mọi trường hợp được. Không thể có một vở kịch xem xong là thanh niên hết nói tục, hoặc một cuốn tiểu thuyết lưu hành trong xã hội là sau đó hết tệ hối lộ, tham nhũng, ... Không thể có thứ văn nghệ như vậy. Nhưng lại có thứ văn nghệ mà nhiều tác phẩm đa dạng, mỗi tác phẩm tích góp một ít, sau năm, mười năm sẽ bồi bổ cho người ta một khía cạnh tình cảm. Lúc đầu nó còn mờ mờ, sau nó rõ rệt thêm, dần dần đi đến mãnh liệt. Từ đó đi đến phương pháp nhận định, đánh giá tình hình văn nghệ. Phải phân tích giá trị tác phẩm từ những vấn đề, những nhân vật, tìm ra được những kiến thức xã hội cần thiết, những tác động tích cực đến tư tưởng, tình cảm con người, chứ không phải từ đề tài tác phẩm.
Cũng có ý kiến cho rằng trong văn nghệ hiện nay có quá nhiều nhân vật tiêu cực mà thiếu nhân vật con người mới, như vậy là văn nghệ sai đường lối. Dĩ nhiên cần phải khẳng định là văn nghệ phải thực hiện chức năng cao cả của nó hướng con người tới chân, thiện, mỹ. Trong tình hình hiện nay không phải không có những anh em nghệ sĩ do chưa đủ trình độ và bản lĩnh, nên chỉ thiên nhìn về những cái tiêu cực, phản ánh những cái tiêu cực. Về lâu dài, ta phải uốn nắn vấn đề này. Nhưng nếu nhận định do có nhiều nhân vật tiêu cực mà văn nghệ sai đường lối, theo tôi đó là cách nghĩ giản đơn. Có khi tác phẩm chỉ toàn chuyện tiêu cực, nhưng với tâm huyết và tài năng nghệ sĩ, anh ta đã đánh thức lương tri con người, gợi cho con người những tình cảm tích cực : căm ghét cái tiêu cực, muốn đánh đổ nó để xây dựng một cuộc sống công bằng tốt đep hơn.
Tóm lại, quản lý bằng định hướng rộng là nắm tư tưởng, nắm đường lối rồi mỗi người tự nâng cao mình lên mà suy nghĩ, hành động chứ không phải lâu lâu lại lên cấp trên nhận một số tư tưởng bao cấp rồi về thực hiện. Tất nhiên vẫn cần có ý kiến chỉ đạo của cấp trên. Và trong quá trình thực hiện, người quản lý còn vấp phải một cơ chế mà từng địa phương khó vượt qua được. Nhưng vấn đề là phải bồi dưỡng một năng lực tự giải quyết các vấn đề đặt ra ở địa phương mình, đồng thời báo cáo đề xuất với Trung ương. Chắc là không có mâu thuẫn giữa ý kiến của địa phương và Trung ương. Chúng ta đủ sức nhận xét, giải quyết những vấn đề đặt ra. Không có sách vở nào thay thế bộ óc và con tim của mình.
Ba là, quản lý bằng lý luận, bằng thuyết phục kết hợp với việc đưa vào các chế độ, quy định. Lâu nay chúng ta quản lý chủ yếu bằng các quy định, các chế độ. Bây giờ cần lưu ý khâu lý luận, khâu thuyết phục. Muốn thuyết phục được, phải có lý luận cao. Sau khi được thuyết phục, người ta sẽ làm việc tốt hơn nhiều. Luật lệ bắt người ta phải làm, nhưng như thế sẽ gây ức chế, tổn thương đến sự sáng tạo.
Như vậy, người quản lý phải chấp nhận tình hình không có nhiều lệnh cấm như trước đây nữa, hoặc bớt đi những “hàng rào”. Lãnh đạo quản lý mà cứ lập hàng rào, rồi cuộc sống theo quy luật của nó lại “xé rào” sinh ra mất trật tự, đến lượt chúng ta phải “lập lại trật tự” cứ như thế thì suốt đời người quản lý bị động chạy theo cuộc sống. Phải có cách suy nghĩ như thế này : khi thấy xuất hiện một hiện tượng văn nghệ rất sôi nổi, hào hứng (tất nhiên trong hào hứng có lộn xộn) thì ta phải bình tĩnh để nó hoạt động nếu nó không vi phạm điều cấm. Ta chưa nên vội nghĩ đến việc cấm hay không cấm, mà xem nó hay hoặc dở, có ý nghĩa gì với công chúng. Mà điều này thì cứ để cho người sản sinh ra nó là nhà hát, nhà xuất bản, … chịu trách nhiệm trước công chúng. Nếu ta cứ bắt nó vo tròn lại, bắt nó đừng hào hứng sôi nổi nữa mà phải đi từ từ, thì còn gì là sáng tạo, còn ai có phấn hứng mà sáng tạo nữa!
Từ đây đặt ra cấp bách vấn đề đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo quản lý văn hóa, văn nghệ. Cách làm dễ nhất lâu nay là : thấy tác phẩm có “vấn đề” là ta ra lệnh cấm. Nhưng bây giờ như thế là vi phạm quy định tự do sáng tạo. Trong đổi mới tư duy, cán bộ lãnh đạo quản lý văn hóa văn nghệ phải nhìn nhận văn nghệ như chính văn nghệ. Văn nghệ phục tùng chính trị, phục tùng chế độ chính trị, đường lối chính trị. Đó là điều hiển nhiên, phải khẳng định. Nhưng văn nghệ có cuộc sống riêng của nó. Nhìn văn nghệ như nhìn chính trị thì không thể hiểu văn nghệ được. Ngay cả quan niệm về sự “lộn xộn”, “hỗn độn” trong văn nghệ cũng cần phải có tư duy văn hóa, văn nghệ chứ không thể chỉ thuần túy áp dụng tư duy pháp chế. Lâu nay cán bộ lãnh đạo chúng ta được rèn luyện, bỗi dưỡng về trình độ chính trị, trình độ quản lý, còn vấn đề rèn luyện sức cảm xúc nghệ thuật, khả năng cảm xúc thẩm mỹ thì chưa được chú ý. Người quản lý phải cố dành thời gian để đọc một tác phẩm cụ thể, xem một vở kịch cụ thể, sống với số phận nhân vật cụ thể ấy trong các tác phẩm ấy. Tất nhiên rèn luyện như vậy không phải để trở thành một ông toàn quyền phán quyết tác phẩm nghệ thuật mà để có khả năng hiểu được tác phẩm và nếu chưa tự mình đánh giá một cách toàn diện thì cũng đủ trình độ nghe những người am hiểu trong Hội đồng nghệ thuật đánh giá tác phẩm.
Cuối cùng trong vấn đề quản lý, phải chấp nhận việc để cho cấp dưới có thêm nhiều quyền hạn để có thể xử lý những hiện tượng nảy sinh. Vấn đề này nói lý thuyết thôi không được. Phải có cơ chế. Nhưng trước hết phải có tư tưởng chỉ đạo. Có tư tưởng chỉ đạo mới nảy sinh cơ chế. Ở ta hiện nay có tư tưởng không tin cấp dưới, sợ cấp dưới làm sai. Tất nhiên, một khi ta đã mạnh dạn để cấp dưới làm chắc là có sai, có chệch choạc. Nhưng thà để cấp dưới chủ động làm theo một phương hướng chung đã xác định, sai thì sửa, còn hơn cấp trên nhảy xuống làm hộ, mà làm hộ chưa chắc đã sát hơn, đúng hơn. Ngược lại, nếu cấp dưới cứ ngồi chờ chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên, cứ gò cấp trên ra quy định thì không khỏi có những cái không phù hợp. Cho nên ngoài yêu cầu cơ chế ra, vẫn có yêu cầu về tư tưởng. Tôi thích thú với câu nói của đồng chí M. Gorbachev: “Sai lầm lớn nhất của chúng ta là chỉ sợ sai lầm, sợ có vấn đề, vì thế mà không dám làm gì cả. Đây là khuynh hướng tư tưởng nên cấm”.
          Ý kiến trên đây mới chỉ xoay quanh một số vấn đề lý thuyết. Lý thuyết có thể suông mà có thể không suông nếu vận dụng nó một cách tích cực. Nghị quyết của Bộ Chính trị là một bước mở đầu bằng lý thuyết rất quan trọng. Cần nghiên cứu, thể chế hóa bằng một loạt văn bản pháp luật để thật sự đưa những tư tưởng của Nghị quyết vào cuộc sống.

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà Văn, 2012) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét