Nhà văn Võ Bá Cường
(Trích Thời tôi sống, Nxb Hội Nhà văn, 2012)
Cuộc “kiếm tìm” mọi cách của tôi để cuốn sách được ra
mắt. Quả thật khó! Hôm tôi xếp lịch đi Hà Nội để gặp nguyên Tổng Bí thư Lê Khả
Phiêu, biết vào cuộc là phải “ăn đợi nằm chờ”, vợ tôi làu bàu: “Lại đi thực tế
chứ gì? Vẽ chuyện. Viết mãi chẳng nên cơm cháo gì”. Bà ấy “diễu” vậy nhưng vẫn
thương chồng, vạch vành váy đưa cho chồng mấy đồng đi tàu xe. Tôi vẫn phải cầm
lấy vì ra đường biết đâu gặp những chuyện khốn cùng. Mà nỗi bất hạnh đời này
đâu ít? Nó luôn rình rập mình, chẳng may mình quệt vào nó lúc không có đồng xu
dính túi. Thực bỏ mẹ.
Người đón tôi là anh Nguyễn Giáp Dần, thư ký nguyên
Tổng Bí thư tại ngôi nhà 65 Phan Đình Phùng.
Cuộc đến thăm có hẹn trước, từ văn phòng Đại tướng do
Đại tá Vũ Huyên mở cửa, tôi thấy lòng mình nhẹ đi nhiều. Tâm trạng đó đã đưa
tôi về 65 Phan Đình Phùng với tinh thần “vô úy”.
Sau khi nghe tôi trình bày ý đồ và nội dung cuốn sách,
tôi nhớ không sai vào buổi sáng 27/7/2006, nguyên Tổng Bí thư nói ngay: “Cuối
năm 1998, nghe tin anh Trần Độ mệt. Hồi ấy, chân anh đã đau lắm, đi lại khó
khăn, tôi đến nhà riêng để thăm anh với danh nghĩa là cấp dưới đến thăm thủ
trưởng cũ của mình. Anh em gặp nhau nói chuyện những kỷ niệm về đời lính rất
vui. Tôi chúc anh cố gắng chữa cho khỏi bệnh. Năm đó, cũng đã có nhiều chuyện ở
anh. Lúc ra về tôi có dặn Tướng Độ: “Nếu anh có ý kiến gì cứ viết đàng hoàng,
gửi văn phòng hoặc trực tiếp đến gặp tôi, sẽ cùng nhau trao đổi”. Khi bắt tay
tạm biệt tôi còn dặn thêm: “Cả cuộc đời hoạt động vào sinh ra tử cho cách mạng
cố gắng giữ gìn”. Anh Độ nghe tôi nói vui lắm. Trời cuối năm se lạnh, thoảng có
hạt mưa bay. Khi ra gần cửa anh Độ nêu ý kiến muốn gặp riêng tôi để đề đạt một
số ý kiến góp ý với Đảng và Nhà nước về vấn đề “đổi mới” dân chủ của đất nước...
Tết qua nhanh. Đầu năm
1999, tôi vẫn nhớ yêu cầu của anh Trần Độ và y hẹn, tôi nhắc anh em Văn phòng
Trung ương Đảng cho xe đến nhà đón anh Độ đến số 4 Nguyễn Cảnh Chân. Khi anh
tới nơi có người ra tận xe dìu vào phòng khách. Buổi tiếp kiến Tướng Trần Độ
lần này có cả anh Trần Đình Hoan lúc đó là Ủy viên Trung ương Đảng, Chánh Văn
phòng cùng dự. Anh Độ phát biểu rất cởi mở với thái độ đàng hoàng, con người
anh xưa nay là vậy. Người đàng hoàng thì làm việc gì cũng đàng hoàng.
Anh trình bày một số ý kiến
một cách nhiệt huyết với tôi, thời gian khá dài. Sau anh gửi lại một số tài
liệu nói về “Đất nước cần thực hiện đổi mới dân chủ”. Xong việc, tôi lại tiễn
người thủ trưởng cũ của mình lại nhà”.
Nguyên Tổng Bí thư xoay xoay ngọn bút trong tay, ông
nói thêm: “Như nhà văn đã biết trước
đó tôi đã nói với báo Tuổi Trẻ: “Những ý kiến khác nhau là bình thường, kể cả
những ý kiến khác với Tổng Bí thư cũng không được nóng gáy”. Cho nên hôm ấy dù
anh Trần Độ có ý kiến khác thường với cương vị Tổng Bí thư, tôi vẫn bình tĩnh
lắng nghe, tiếp thu lấy những ý tưởng mới tốt đẹp trong anh để phục vụ cho nhân
dân, đất nước”...
Tôi xin phép chia tay nguyên Tổng Bí thư. Ông tiễn tôi
ra tận cửa. Trời vẫn mưa. Tôi đứng mãi dưới những vòm cây to trên đường Phan
Đình Phùng, lắng thấm câu ông dẫn khi ở trong phòng của một chính khách nước
ngoài: “Đảng ta cần có bàn tay sắt nhưng phải là bàn tay sạch”.
Bằng một giọng thật ấm, thật nồng hậu, ông quay hẳn về
phía tôi nói tiếp: “Cuốn sách viết như
thế này nên xuất bản sớm. Không ở nhà xuất bản này thì ở nhà xuất bản khác,
miễn là ra mắt được bạn đọc để tuổi trẻ hôm nay học lấy cái chí của người Cộng
sản thời xưa”.
Bài viết ngắn "Một giờ với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả
Phiêu” đến ngày 13/8/2006
mới được thông qua. Ông ghi bút mực đỏ đậm nét “In nguyên bản đã sửa” ký Lê Khả
Phiêu.
(*) Đầu đề do chúng tôi đặt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét