Từ nhiều năm nay (ít nhất cũng là ba bốn năm nay) tôi
thường suy ngẫm tới vấn đề mà bây giờ chúng ta gọi là chính sách xã hội.
Trước đây, các văn bản của ta thường đề là kế hoạch phát
triển kinh tế - xã hội, hay kế hoạch phát triển kinh tế, phát triển văn hoá và
xã hội. Tuy nói như vậy, nhưng về xã hội tôi đếm chỉ được mấy dòng. Phải đến Đại
hội Đảng lần thứ VI thì vấn đề này mới được quan niệm một cách sâu sắc, toàn diện,
được đặt thành một chính sách lớn bên cạnh chính sách kinh tế.
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại
Đại hội VI nêu rõ: “Chính sách xã hội bao trùm mọi mặt của cuộc sống con người: điều kiện lao động và sinh hoạt, giáo dục và văn hoá, quan hệ gia đình, quan
hệ giai cấp, quan hệ dân tộc,…”. Báo cáo nhấn mạnh: “Cần thể hiện đầy đủ
trong thực tế quan điểm của Đảng và Nhà nước về sự thống nhất giữa chính sách
kinh tế và chính sách xã hội, khắc phục thái độ coi nhẹ chính sách xã hội, tức
là coi nhẹ yếu tố con người trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Báo cáo
còn chỉ rõ: “Trình độ phát triển kinh tế là điều kiện vật chất để thực hiện chính
sách xã hội, nhưng những mục tiêu xã hội lại là mục đích của các hoạt động kinh
tế. Ngay trong khuôn khổ của hoạt động kinh tế, chính sách xã hội có ảnh hưởng
trực tiếp đến năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, là một nhân tố quan trọng
để phát triển sản xuất. Do đó, cần có chính sách xã hội cơ bản, lâu dài và xác định
được những nhiệm vụ, mục tiêu phù hợp với yêu cầu, khả năng trong chặng đường đầu
tiên của thời kỳ quá độ”.
Trong những năm trước mắt, Nghị quyết nêu lên 5 chính
sách lớn về kinh tế và 5 chính sách lớn về xã hội. Lần đầu tiên trong lịch sử Đảng
ta, vấn đề xã hội đã được đề cập một cách bao quát, cụ thể và rất mới mẻ. Đây là
một tư tưởng lớn của Đại hội. Tôi hết sức tâm đắc với tư tưởng lớn và mới mẻ này.
Tuy nhiên, để tư tưởng của Đảng đi vào đời sống trở thành hiện thực, chắc chắn
còn rất nhiều chuyện phải bàn, phải làm và phải có thời gian. Trong bài này, tôi
chỉ nêu lên một số suy ngẫm bước đầu về chính sách xã hội đối với con người: sự
thống nhất giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội; quan hệ giữa chính sách
xã hội và văn hoá.
Lâu nay xã hội ta (trong đó có tôi) quan niệm về cái mà
giờ đây ta gọi là chính sách xã hội thường không rõ ràng và thiếu sót. Nói tới
chính sách xã hội nhiều người thường nghĩ tới một cái gì giống như là sự ban phước,
làm ơn, một sự ban phát mang tính chất phụ cấp, cứu trợ, bảo trợ, v.v… Ngay
trong kế hoạch Nhà nước cũng vậy, khi bàn định và thực hiện, đến mục này, dường
như nhiều người vẫn nghĩ đây là một sự ban phát của Nhà nước đối với nhân dân.
Từ chỗ nghĩ nó là sự ban phát nên có thì cho, có nhiều cho nhiều, có ít cho ít,
không có thì thôi. Có lúc đang phát, đang “cho” nhưng thấy kho ít, vốn cạn hoặc
thấy cái khác cần hơn thì liền cắt bớt hoặc thôi luôn.
Bây giờ, với sự soi sáng của Nghị quyết VI, ta thấy cách
nghĩ, cách xử lý những vấn đề thuộc chính sách xã hội như thế là không đúng. Đáng
tiếc là những quan niệm không đúng ấy lại đã in sâu vào ý thức, trở thành quán
tính ý thức trong không ít cán bộ phụ trách ở các cấp, các ngành, nên khắc phục
được thật không đơn giản. Trước nay ta thường chia kinh tế - xã hội thành hai
khu vực: khu vực sản xuất vật chất và khu vực không sản xuất vật chất. Nhưng rồi
lâu ngày người ta quen gọi tắt là khu vực sản xuất và khu vực không sản xuất.
Những ngành hoạt động trên các lĩnh vực giáo dục, văn hoá nghệ thuật được xếp vào
khu vực “không sản xuất”, nên không khỏi có người cho là “ăn hại” (!). Ở Quốc hội
trước đây cũng đã nhiều lần bàn về vấn đề này. Nhưng bàn mãi rồi cũng chưa đi được
đến hiệu quả rõ rệt. Bởi ấn tượng cho rằng nó “không sản xuất” nên không cấp
thiết, không quan trọng, có thì giờ thì bàn, không thì thôi. Còn ở các cơ sở sản
xuất thì người ta thể hiện cách nghĩ này ngay cả trong việc sắp xếp cán bộ. Khi
cần chọn một giám đốc phụ trách các vấn đề về sản xuất thì người ta tìm chọn những
người khoẻ mạnh, thông minh, nhanh nhẹn, thậm chí đẹp trai và nói năng lưu loát.
Nhưng khi chọn một người để phụ trách đời sống thì người ta tìm một ông sắp về
hưu, quyền hạn ít, năng lực hạn chế. Thế nghĩa là cái mà xã hội ta trước nay
quen gọi “khu vực không sản xuất” là một cái rất thứ yếu, có thì hay, không cũng
chẳng sao. Khi bàn bạc công việc của xí nghiệp, hợp tác xã, … bao giờ cũng phải
bàn kế hoạch vật tư, kế hoạch tài chính trước rồi mới đến đời sống. Mục đời sống
có thì giờ thì bàn, không thì để sau, lần sau cũng không còn thì giờ để sau nữa,
sau mãi! …
Vì vậy, Đại hội đặt chính sách xã hội ở vào một vị trí
như thế là một sự đổi mới tư duy hết sức lớn. Tôi và chắc là tất cả chúng ta đều
rất vui sướng, nhưng đều biết rằng để thực hiện được những chính sách đó, không
mấy dễ dàng. Ở các nước anh em, người ta coi chính sách xã hội là chính sách đối
với con người. Chính sách đó chăm lo đến toàn bộ điều kiện và môi trường sống của
con người: chăm lo đến các mối quan hệ của con người đối với con người. Người
ta đặt ra chính sách xã hội ở cấp xí nghiệp, cấp nhà nước và lãnh thổ, v.v…
Ảnh: Đoàn UB VH và GD của Quốc hội khóa VIII làm việc ở Đồng Tháp tháng 10/1989 |
Ở nước ta, bước đầu nghiên cứu quán triệt và thể hiện
dần những quan điểm tư tưởng về chính sách xã hội của Đại hội vào cuộc sống. Tôi
muốn nói nhiều đến điều mà lâu nay ta ít nói tới, đó là vấn đề hiểu biết con người.
Theo tôi nghĩ muốn hoạch định được chính sách xã hội đúng đắn thì nhất thiết phải
biết kỹ về con người. Và muốn thực hiện tốt các chính sách xã hội cũng cần phải
thế. Nếu hiểu con người, hay nói đầy đủ hơn là hiểu cuộc sống của con người một
cách đơn giản, sai lệch, thô thiển,… thì những chính sách xã hội được hoạch định
ra cũng đơn giản, sai lệch, còn việc tổ chức thực hiện thì càng sai hơn nữa. Thông
thường những nhà lãnh đạo, những nhà kế hoạch, nhà tổ chức phải có hiểu biết về
cuộc sống con người hơn ai hết. Nhưng không
ít khi và không ít nơi ta thấy tình hình ngược lại. Người lãnh đạo, nhà kế
hoạch, nhà tổ chức hiểu biết về con người quá đơn giản, quá cũ kỹ. Họ xem lý
lịch cán bộ để rút ra những “thông số kỹ thuật” mà xử lý một cách cứng nhắc,
đơn giản chứ không cần biết đến con người cụ thể với năng khiếu, sở trường,
nguyện vọng và tâm trạng của người ấy. Và khi nhà tổ chức chỉ căn cứ vào “những
thông số kỹ thuật” giản đơn ấy để xử lý, thì họ vẫn có đủ lý do để xử lý. Nhưng
cái đối tượng nào đó bị xử lý thì có khi tan nát cả một cuộc đời, sụp đổ cả một
số phận mà họ vẫn không (hay cố tình) không biết.
Tôi cho rằng, hiểu chính sách xã hội (và cả chính sách
cán bộ nữa) phải bắt đầu từ chỗ hiểu con người. Mấy năm gần đây, ở nước ta, đã
có những công trình nghiên cứu tiếp cận vấn đề này. Một số nhà khoa học xã hội đã
bắt đầu đi vào tìm hiểu cuộc sống con người với nhiều khía cạnh khác nhau. Còn
tôi, chủ yếu là suy nghĩ từ trong công tác thực tiễn, từ sự quan sát và ghi nhận
thực tế hàng ngày mà rút ra một đôi điều. Tôi thấy, để hiểu chính sách xã hội
theo quan điểm mới của Đảng, để xây dựng và thực hiện tốt chính sách xã hội, chúng
ta có thể và rất cần phải hiểu con người từ ít nhất là trên các mặt chủ yếu như
: vai trò con người trong lao động sản xuất, trong đời sống kinh tế và con người
trong các mối quan hệ xã hội khác, v.v…
Vai trò con người trong cách mạng
và trong sản xuất. Từ lâu ta đã nói: “Cách
mạng là sự nghiệp của quần chúng”, Đại hội IV, Đảng ta nói rõ : Con người vừa là
chủ thể vừa là sản phẩm của xã hội, vừa là động lực, vừa là mục tiêu của cách mạng
xã hội chủ nghĩa. Làm cách mạng xã hội chủ nghĩa để làm gì? Phải chăng là để
xoá bỏ mọi áp bức giai cấp và dân tộc, xoá bỏ mọi bất công, để tạo ra sự công bằng
xã hội, tạo ra hạnh phúc thật sự cho con người. Thế nhưng trên chặng đường dài
dẫn tới mục tiêu cao cả đó, chúng ta thấy có những cuộc cách mạng, hay có những
giai đoạn cách mạng, ta thường chỉ coi con người như một công cụ của cách mạng,
mà không nghĩ con người chính là mục tiêu của cách mạng, chính vì con người, vì
hạnh phúc con người mà ta làm cách mạng.
Khi nói: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” thì
cái gì ta cũng huy động thật lực, động viên thật lực. Trong kháng chiến, sự động
viên đó, sự huy động đó là điều không thể tránh khỏi, nhưng vì kháng chiến kéo
dài suốt 30 năm, nên ta thường quen nghĩ là phải như thế mới thể hiện được tinh
thần “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Nếp nghĩ này trở thành một quán tính
ý thức, nên khi cách mạng chuyển sang giai đoạn mới, lấy xây dựng kinh tế, phát
triển sản xuất làm nhiệm vụ trung tâm thường xuyên thì nhiều người vẫn quen lối
huy động thời chiến, động viên thời chiến, khiến cho sự huy động đó trở thành
nghịch lý mà vẫn không hay biết. Vì vậy mới xuất hiện tình hình hơn chục năm
qua (kể từ khi chiến tranh kết thúc) cái gì ta cũng quen đổ lên đầu nông dân, hết
nghĩa vụ nọ lại nghĩa vụ kia, cái gì cũng kêu gọi họ mang lòng yêu nước ra mà làm.
Làm không được hoặc không đủ thì ta cho họ chưa “thật sự yêu nước” hoặc chưa
huy động được hết lòng yêu nước của họ (!). Mãi đến Đại hội VI, với sự đổi mới
tư duy, nhất là tư duy kinh tế, chúng ta mới dần dần thấy rõ là, sự động viên lòng
yêu nước của nông dân như vậy không còn phù hợp với giai đoạn mới. Chúng ta bắt
đầu nghĩ tới việc phải sử dụng các quy luật kinh tế, các đòn bẩy kinh tế, phải
thực sự quan tâm tới lợi ích kinh tế của người lao động và đến khi Nghị quyết 2
của Trung ương khóa VI ban hành thì mối quan hệ giữa Nhà nước và người nông dân
mới được xác định một cách cụ thể và phù hợp
với nguyện vọng của họ. Quan hệ kinh tế giữa Nhà nước và người nông dân nêu lên
trong Nghị quyết 2 vừa là chính sách kinh tế, vừa là chính sách xã hội. Thực
ra, từ bấy đến nay ta cũng chưa làm được bao nhiêu, nhưng về căn bản đã tạo ra
sự phù hợp và đã đi dần vào quy luật.
Trở lại vấn đề: ta hay quên mục tiêu cách mạng là phục
vụ quần chúng, mà chỉ thường nhớ rằng quần chúng là động lực để làm cách mạng.
Khẩu hiệu của Đảng ta “Tất cả vì chủ nghĩa xã hội! Vì hạnh phúc của nhân dân”.
Trong khẩu hiệu này, mục tiêu cách mạng xã hội chủ nghĩa là vì hạnh phúc của nhân
dân được nêu lên hết sức rõ rệt. Nhưng tôi đi các nơi quan sát và kiểm tra thì
thấy ấn tượng chung của nhiều người thường nặng về phía “Tất cả vì chủ nghĩa xã
hội” mà nhẹ về “Vì hạnh phúc của nhân dân”. Mà khi nói “Tất cả vì chủ nghĩa xã
hội” thì lại cũng như ngày xưa nói “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”,
cái quán tính ý thức ấy cứ được đem ra mà chỉ đạo hành động, mà động viên quần
chúng làm mọi nhiệm vụ, mọi nghĩa vụ. Anh nào, nơi nào huy động giỏi, động viên
giỏi thì được tính thành tích cao, ngược lại anh nào huy động kém thì bị xem là
thiếu tinh thần xã hội chủ nghĩa, thiếu nhiệt tình xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Cuối cùng, “trăm dâu đổ đầu tằm” và tất cả lại đổ xuống đầu nông dân.
Những năm 60 và đầu những năm 70, nhiều người coi việc
“đi B” là một niềm vui, một vinh dự. Không được đi B là một nhục nhã, là một
thiệt thòi. Có người đã kêu kiện để được đi chiến đấu. Đó là hiện tượng không
hiếm thấy trong những năm chống Mỹ. Còn bây giờ trong sản xuất thì khác hẳn. Người
lãnh đạo, người quản lý không hiểu rõ đặc điểm tình hình, không hiểu rằng giờ đây
các quy luật kinh tế đã thay thế các quy luật trong thời kỳ chiến tranh nên cứ
hô hào và giao nhiệm vụ sản xuất cho mọi người một cách mệnh lệnh như giao nhiệm
vụ chiến đấu trước đây, rốt cuộc không kết quả.
Toàn bộ hoạt động sản xuất là để làm ra nhiều của cải.
Của cải làm ra là để làm no, làm đẹp, làm sung sướng cho con người. Con người sản
xuất ra của cải và bản thân con người đòi hỏi phải được đáp lại một cách xứng đáng.
Trước hết là ít nhất cũng phải được ăn no, mặc ấm để tái tạo lại sức lao động. Đáp
ứng lợi ích vật chất của người lao động, giờ đây trở thành một yêu cầu khách
quan mang tính quy luật. Bây giờ nói tất cả vì sản xuất mà để cho những người sản
xuất đói rét, ốm đau, thì sản xuất làm sao được. Vai trò, mối quan hệ của con
người đối với sản xuất là như thế. Còn để tiến hành sản xuất, ngoài yếu tố con
người, cần rất nhiều yếu tố khác như mặt bằng, kỹ thuật, vật tư, năng lượng,
thiết bị, v.v… song suy cho cùng con người là quyết định nhất. Bởi vì chính con
người là kẻ phát huy hay kìm hãm tích cực các yếu tố khác. Không có con người
thì các yếu tố khác dù thuận lợi đến đâu cũng không thể tiến hành sản xuất được.
Điều này đơn giản đến mức chẳng mấy ai không thấy. Ấy thế mà trên thực tế, khi
bàn tới việc sản xuất, thực hiện một kế hoạch sản xuất nào đó thì thông thường
người ta chỉ thấy những thứ khác, chú ý đến những yếu tố khác, chứ không mấy ai
chú ý tới con người. Và lúc tránh không được, phải bàn tới chuyện con người thì
trong ý thức của người quản lý lại coi đây là chuyện chiếu cố, làm ơn, là chuyện
phúc lợi đơn thuần chứ không phải là bản thân của việc sản xuất.
Ở ta, những công trình văn hoá, công trình phúc lợi xã
hội phục vụ nhu cầu cuộc sống của người lao động được xếp vào hàng thứ yếu, coi
như không cần thiết, không liên quan gì đến sản xuất, cho nên khi duyệt các đề án
xây dựng (kể cả những công trình lớn hợp tác với các nước bạn) những phần này đều
bị cắt bỏ một cách không băn khoăn.
Tôi được biết, có ông giám đốc xí nghiệp khi thiếu dăm
bảy bao xi-măng, mấy chục cân nguyên liệu thì chạy vạy, lo lắng, mắt sâu, má tóp
lại. Nhưng khi nghe tin trong xí nghiệp mình có dăm bảy công nhân con ốm, mẹ đau
hoặc có chuyện tang gia thì bình chân như vại. Hoá ra con người lắm khi không
quan trọng bằng mấy chục bao xi măng! Tôi giận cái ông giám đốc này. Song nghĩ
đi thì thế, nghĩ lại, lắm khi cũng phải tự cho là ông ấy có lý. Bởi thiếu vật tư,
nguyên liệu thì sản xuất của xí nghiệp đình trệ, còn con người có ốm thì rồi nó
lại khoẻ, có buồn rồi nó lại phải vui … thành ra cũng khỏi phải lo! Từ chỗ cho
là khỏi phải lo và quen không lo như vậy, lâu dần thành một quán tính ý thức:
“Tự nhiên thế”. Họ không nghĩ rằng sức khoẻ, trạng thái vui buồn của người lao
động ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất, tới quá trình và hiệu quả sản xuất của
xí nghiệp.
Trong khi nhiều đồng chí quản lý sản xuất, quản lý xí
nghiệp của ta còn chưa chú ý quan tâm tới con người thì ở một số nước công nghiệp
anh em và nhiều nước tư bản lại rất quan tâm tới vấn đề này. Có thể nói không
quá rằng, về điểm này, Thế giới tư bản, Chủ nghĩa tư bản đã “giác ngộ” hơn ta,
họ có kiến thức và kinh nghiệm nhiều hơn ta. Ở những nước tư bản phát triển, có
xí nghiệp lập cả một phòng tâm lý lao động để tác động vào người công nhân
trong quá trình sản xuất. Phòng tâm lý này nghiên cứu về công nhân rất kỹ. Nó
biết công nhân muốn có những cái gì, cần những thứ gì, rồi tìm cách giúp cho có
được những thứ đó, để cột người công nhân gắn mãi với xí nghiệp, với chủ tư bản.
Tư bản quan tâm tới nhu cầu cuộc sống của người công nhân là để người công nhân
an tâm, tự nguyện làm ra lợi nhuận không ngừng cho tư bản. Còn chúng ta, chúng
ta quan tâm đến cuộc sống con người là vì mục đích cuộc cách mạng xã hội chủ
nghĩa, là đem lại hạnh phúc cho con người, vì con người là yếu tố quan trọng bậc
nhất của sản xuất.
Do không nhận thức được đầy đủ và đúng đắn vai trò của
con người trong sản xuất, trong xây dựng kinh tế, nên nhiều khi lập kế hoạch sản
xuất, hoặc lên quy hoạch xây dựng một vùng kinh tế mới nào đó ta thường quên tính
đến yếu tố con người với những nhu cầu của nó, ta thường để thiếu những công trình
phục vụ con người. Ở các vùng cao su hẻo lánh, khi ta vận động nhân dân tới đây
lập nghiệp, bà con thường hỏi lúc ốm đau thì chữa bệnh ở đâu? Hàng tháng có được
xem phim không? Con cái lớn lên có trường lớp để học không? Có người còn hỏi
hàng năm có được về quê thăm làng xóm và mồ mả tổ tiên không? Có gần bến xe, tàu
không? v.v… Nghĩa là đối với con người cụ thể, người ta quan tâm đến tất cả những
cái gì liên quan đến cuộc sống đa diện của con người, chứ không phải chỉ quan tâm
đến sản xuất. Cho nên, người quản lý muốn mọi người trong đơn vị mình thực sự
quan tâm đến sản xuất thì không thể nghĩ đơn giản cuộc sống con người chỉ có 13
cân gạo, mấy lạng muối là xong, mà phải xem xét giải quyết nó qua nhiều khía cạnh,
nhiều chi tiết cụ thể. Và nếu nghĩ rằng quan tâm tới con người là quan tâm tới
công cụ, tới động lực của sản xuất thì lại phải chú ý đó là những con người chứ
không phải là những công cụ bằng kim khí.
Một mặt khác là con người với cuộc sống xã hội với mọi
mối quan hệ giữa họ với nhau.
Chúng ta đã nói và viết không ít về vấn đề này, nhưng
có lẽ chúng ta vẫn cần suy nghĩ nhiều hơn nữa.
Con người ta sống, ai cũng có “hàng tỷ” nhu cầu. Nó
phong phú đến mức không thể liệt kê. Song có thể quy vào hai dạng nhu cầu cơ bản.
Đó là nhu cầu về vật chất và nhu cầu về văn hoá. Nói riêng về nhu cầu ăn của
con người cũng đã khác xa biết bao lần con
vật. Ngoài chuyện ăn no, con người còn muốn được ăn ngon. Và không chỉ muốn ăn
ngon, họ còn muốn ăn cho đẹp, cho vui và cho sang trọng. Đi kèm với nhu cầu ăn,
con người còn không biết bao nhiêu là nhu cầu khác không thuộc lĩnh vực vật
chất, nên có người gọi là nhu cầu phi vật chất. Chẳng hạn nhu cầu tự nâng
cao năng lực và tự hoàn thiện nhân cách của mình theo hướng chân, thiện, mỹ, mà
theo tôi nó đặc trưng nhất cho bản chất người. Thế nên hiểu nhu cầu con người là
phải hiểu ở cả hai mặt vật chất và không vật chất, hay vật chất và văn hoá –
tinh thần.
Tại Đại hội lần thứ XXVII, Đảng Cộng sản Liên Xô chủ
trương phải đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách xã hội, phải chăm lo đến “không
gian cuộc sống của con người”. Tôi muốn nói thêm “cả thời gian” nữa. Bởi từ khi
còn là cái bào thai, con người đã được tiếp nhận sự chăm sóc của chính sách xã
hội với những chừng mực nhất định. Thế rồi ra đời, lớn lên… và cho đến khi chết,
chính sách xã hội phải lo cho trọn. Có đồng chí nói, đến lúc chết là hết, còn
phải “chính sách” làm gì nữa. Thật ra không đơn giản như vậy. Người chết, tuy đã
chết, nhưng vẫn còn những vấn đề của cuộc sống, của người sống (mà thường lại là
của người sống sắp chết, nghĩa là của những người già).
Chúng ta ai cũng là người, nên có khi ta thấy chẳng cần
nghĩ kỹ về con người nữa. Mình đã là mình rồi thì mình còn phải tìm hiểu về mình
mà làm gì. Có lẽ vì quen nếp nghĩ này, nên người lãnh đạo, quản lý, người làm kế
hoạch thấy cũng không phải tìm hiểu kỹ về con người. Từ nhiều năm nay, ta thường
chỉ chú ý dạy cho các cán bộ lãnh đạo và quản lý kinh tế những kiến thức khoa học
tự nhiên, khoa học kỹ thuật mà ít quan tâm tới những kiến thức về khoa học con
người. Hiểu biết con người về mặt sinh lý đã hết sức nông cạn, hiểu biết về mặt tâm lý – xã hội lại càng ít
ỏi hơn. Trong khi cách mạng xã hội chủ nghĩa lại cần người lãnh đạo, quản lý phải
hiểu biết kỹ để có thể xây dựng được chính sách xã hội và tổ chức thực hiện tốt
những chính sách đó.
Ngoài “hàng tỷ” nhu cầu, con người còn có “hàng tỷ” mối
quan hệ phức tạp. Một người dù sống đơn giản đến đâu cũng có vô số những quan hệ,
mà quan hệ nào cũng đòi hỏi phải có điều kiện và lối ứng xử thích hợp. Nào là
quan hệ gia đình, quan hệ họ hàng nội ngoại, quan hệ làng xóm, láng giềng, quê
hương, bè bạn. Trong đời sống ở cơ quan, xí nghiệp, mỗi người cũng đã có biết
bao mối quan hệ: cấp trên, cấp dưới, đồng nghiệp, đồng chí trong Đảng, ngoài Đảng,
… Lắm khi những mối quan hệ ấy lại đặt ra cho con người những tình huống mà nếu
không được giải quyết thoả đáng thì có thể gây ra những tổn thất cho cuộc sống.
Mà lắm khi thoả mãn được mối quan hệ này lại làm hỏng mối quan hệ khác. Nên một
con người, có thể là một đảng viên tốt nhưng lại là một ông chồng hay ông bố rất
tồi. Có người có thể là một ông bố tốt, ông chồng tốt nhưng lại là ông hàng xóm
tồi hoặc là một người bạn tồi. Và có người sống với hàng xóm láng giềng rất tốt,
nhưng đối xử với anh em lại tệ… Nên nhiều khi được mặt này, không được mặt khác,
rất khó xử.
Bên cạnh “hàng tỷ” nhu cầu, “hàng tỷ” mối quan hệ, con
người lại có “hàng tỷ” tâm trạng, nỗi niềm, mà không nghiên cứu kỹ, không hiểu
thấu đáo, chúng ta cũng không thể có chính sách tốt đối với con người, không động
viên được tính tích cực xã hội của con người và không quản lý con người tốt được.
Khác với loài vật, con người có một thế giới tâm hồn phong phú, rất đa cảm và rất
nhạy cảm với chung quanh. Động một chút có thể buồn được. Động một chút có thể
tủi thân, động một chút có thể bốc đồng. Thế rồi, trong “hàng tỷ” tâm trạng của
con người lại chia ra nhiều thứ. Có thứ tâm trạng chỉ nói được với người này mà
không nói được với người kia. Có thứ nói với gia đình được mà không thể nói với
tổ chức cơ quan và ngược lại. Trong gia đình, có những chuyện chỉ có thể nói với
anh em mà không thể nói với bố, với mẹ. Lại có những nỗi niềm không thể thổ lộ
với anh em vợ chồng con cái trong nhà mà chỉ có thể chia sẻ được với bạn bè,
v.v… Tuỳ theo điều kiện và hoàn cảnh sống mà mỗi người có nỗi niềm, tâm trạng
khác nhau.
Bây giờ trong xã hội ta, có nhiều thông tin cho thấy mức
sống vật chất còn thấp thật, chúng ta còn sống khổ thật nhưng chưa có ai chết đói.
Trong khi ấy, chết vì tâm trạng, vì tinh thần căng thẳng lại không ít. Nhiều người
thường nói, không gạo mới chết chứ không sách, không phim thì có chết ai. Thế mà
ở đồng bằng sông Cửu Long, có người trong nhà ăm ắp thóc gạo nhưng lại tự tiêu
diệt đời mình vì một khía cạnh nào đó trong đời sống tinh thần không được thoả
mãn. Số vụ tự tử tăng lên ở một số tỉnh những năm gần đây là điều không thể xem
thường. Người ta có thể chết vì tuyệt vọng, vì uất ức, oan khuất, ghen tức chứ
không phải chỉ vì thiếu gạo. Thế nên tâm trạng là một mặt quan trọng trong cuộc
sống con người. Không quan tâm đến nó, không thể có những xử lý thích đáng được.
Lắm khi ta định làm tốt cho nhau nhưng lại hoá ra làm khổ nhau.
Năm ngoái (tháng 10-1987) gặp văn nghệ sĩ, đồng chí Tổng
Bí thư Nguyễn Văn Linh có nói một ý, rất thú vị. Đó là trước đây cứ làm cách mạng
xong thì hết những cái “ai, nộ, ố, ái, dục” mà chỉ còn chữ “hỉ, lạc” nghĩa là làm
cách mạng xong chỉ còn vui suốt ngày, cuộc đời cứ phơi phới đi lên, ai cũng tốt,
lúc nào cũng tốt mà không còn những chuyện buồn phiền, lo lắng, phẫn nộ. Nay mới
biết hoá ra không phải. Làm cách mạng xong và ngay cả tiến lên chủ nghĩa cộng sản
nữa, cuộc sống con người vẫn còn những nỗi niềm. Chẳng hạn, con người vẫn phải
yêu nhau. Mà đã yêu nhau thì vẫn không ít chuyện rắc rối. Huống chi ta đang ở
trong chặng đường đầu thời kỳ quá độ, bên cạnh cái vui, những cái buồn bực, lo
lắng, phẫn nộ còn diễn ra hàng ngày, nhiều vô kể. Nhưng chúng ta có thói quen
nghĩ tới con người là nghĩ tới công cụ để sản xuất và không hoặc ít nghĩ tới họ
là đối tượng mà cách mạng phải làm cho họ có niềm vui, được sung sướng về tâm
trạng, nỗi niềm. Không ít nơi, cán bộ lãnh đạo và quản lý chẳng quan tâm gì đến
tâm lý, tâm trạng của quần chúng, thậm chí cũng không quan tâm đến cả tâm trạng
của những người cộng sự với mình ở trong xí nghiệp, cơ quan mà mình phụ trách.
Những người như thế lắm khi trở nên tàn nhẫn và vô nhân đạo. Là bởi vì người dưới
quyền có tâm trạng thế này, mà người lãnh đạo, quản lý chính quyền lại đối xử
thế kia, nghĩa là đối xử không hợp lý, thì họ sẽ đau khổ suốt đời, thậm chí dẫn
tới tự sát, … Gần đây các cơ quan Đảng và Nhà nước ta nhận được đơn thư khiếu nại,
tố cáo của nhân dân, thấy có từ “vô nhân đạo, tàn nhẫn”. Ai tàn nhẫn, ai vô nhân
đạo? Phần lớn trường hợp là những kẻ có chức có quyền đã thoái hoá biến chất ;
nhưng cũng có trường hợp do vô tình, hoặc quan liêu mà một số tổ chức, cơ quan
của ta đã rơi vào tình trạng này.
Để xây dựng được những chính sách xã hội cụ thể, để quán
triệt và chỉ đạo thực hiện tốt những chính sách đó theo quan điểm tư tưởng của Đại
hội Đảng lần thứ VI, tôi nghĩ, chúng ta cần tìm hiểu, nghiên cứu, xem xét con
người ít nhất là trên những phương diện và khía cạnh chủ yếu như vậy.
Toàn bộ chính sách kinh tế của
bất cứ một Đảng, một Nhà nước xã hội chủ nghĩa nào cũng đều nhằm phát triển sản
xuất để nâng cao đời sống nhân dân. Nhưng, như tôi đã trình bày, sản xuất muốn
phát triển được thì phải chăm lo đời sống con người ngay trong quá trình sản
xuất, nghĩa là phải có chính sách xã hội đúng đắn đối với người lao động. Và,
bằng vào năng suất lao động xã hội không ngừng được nâng lên mà tạo điều kiện
vật chất để thực hiện tốt các chính sách xã hội. Sự thống nhất giữa chính sách
kinh tế và chính sách xã hội là một yêu cầu khách quan của sự nghiệp xây dựng
chủ nghĩa xã hội.
Gần đây, Đảng Cộng sản Liên Xô và đồng chí Goóc-ba-chốp
cũng nhấn mạnh tới vấn đề này. Một viện sĩ của Liên Xô khi trả lời phỏng vấn của
một tờ báo Pháp cũng nói rằng từ trước đến nay, Đảng Cộng sản Liên Xô đặt các vấn
đề kinh tế, các kế hoạch kinh tế thường tách rời các vấn đề xã hội và chính trị; nay phải đặt nó trong mối quan hệ mật thiết và phải quan tâm đến nó nhiều hơn.
Đảng ta, trong Báo cáo chính trị Đại hội VI, mà tôi đã trích dẫn ở phần đầu cũng
nêu vấn đề này một cách rõ ràng, mới mẻ. Một thực tế phổ biến là, trong những năm
qua nhiều cán bộ quản lý, nhiều nhà kinh tế, nhà làm kế hoạch của ta cũng chưa
quan niệm vấn đề này thật rõ ràng và cũng chưa thực sự quan tâm đến nó. Đây là
một vấn đề mang tính quy luật của sự phát triển, không thể bỏ qua. Trong khi chúng
ta và một số nước anh em chưa chú ý vận dụng nó, thì các nước tư bản đã ý thức
rõ và sử dụng nó rất có hiệu quả. Cố nhiên, động cơ sử dụng của họ khác hẳn chúng
ta, nhưng dẫu sao họ cũng đem lại cho khoa học quản lý kinh tế - xã hội nhiều
kinh nghiệm tốt.
Chính sách kinh tế thống nhất với chính sách xã hội ở
chỗ: Trong các mục tiêu kinh tế phải có mục tiêu xã hội. Phải dùng các hiệu quả
của chính sách xã hội để thúc đẩy các hiệu quả kinh tế. Ai cũng biết phải có hiệu
quả kinh tế thì mới có cơ sở vật chất để thực hiện các chính sách xã hội. Nhưng
nếu không dùng hiệu quả của chính sách xã hội, không chăm sóc cho cuộc sống con
người ngay trong quá trình phát triển kinh tế thì cũng không giải quyết được vấn
đề hiệu quả kinh tế. Kinh tế cũng không phát triển được. Bởi vậy ý kiến cho rằng: “lúc này kinh tế còn khó khăn, thì tất cả hãy tập trung cho kinh tế đã, rồi
khi kinh tế phát triển lên hãy nói tới chuyện thực hiện các chính sách xã hội”, là rất sai lầm.
Do những quan niệm như vậy, trước Đại hội VI khi xây dựng
kế hoạch kinh tế, mục tiêu kinh tế ta thường tách rời những mục tiêu xã hội, thường
không chú ý những vấn đề xã hội. Lấy việc bố trí lại lao động trên địa bàn nông
nghiệp, chúng ta đặt kế hoạch di dân xây dựng các vùng kinh tế mới hết sức đơn
giản, vì vậy số người bỏ về không ít do quá thiếu thốn về điều kiện và phương
tiện sinh hoạt; gây nên một tình trạng lãng phí tiền của của Nhà nước, công sức
của nhân dân, đồng thời, dồn hàng vạn con người vào cuộc sống khốn khó, đảo lộn
nếp sinh hoạt bình thường mà ta đã tạo ra cho các gia đình người lao động, làm
tổn thất cả về mặt vật chất lẫn tinh thần của họ. Như thế thì phát triển và đẩy
mạnh kinh tế thế nào được?!
Khi nghiên cứu văn kiện Đại hội VI về chính sách xã hội
và sự thống nhất giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội, có đồng chí nói: “Đúng, chính sách xã hội quan trọng thật,
nhưng kinh tế ta bây giờ còn kém như vậy thì lấy tiền của đâu mà thực hiện chính
sách xã hội. Nêu lên và bàn chính sách xã hội lúc này chỉ là bàn bạc về mặt lý
thuyết, chứ chưa giải quyết được gì”. Tôi nghĩ, chúng ta khó khăn thật, sản xuất
của ta còn kém phát triển thật, nhưng chính vì nó còn kém như thế mà phải có chính
sách xã hội thích hợp, để thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế. Vấn đề đặt
ra ở đây là những mục tiêu kinh tế chúng ta đề ra là do con người thực hiện. Vậy
những con người ấy phải được bảo đảm cuộc sống như thế nào đó thì mới có thể tạo
ra hiệu quả kinh tế, mới đạt được mục tiêu kinh tế. Cho nên, không thể đợi đến
lúc kinh tế phát triển thì mới thực hiện chính sách xã hội. Ở đây, con người chưa
yêu cầu những chính sách xã hội gì to lớn lắm mà yêu cầu người lãnh đạo, người
quản lý phải biết quan tâm đến cuộc sống của họ đúng với bản chất một cuộc sống
của con người – nghĩa là quan tâm tới những nhu cầu, những mối quan hệ, những tâm
trạng phong phú, phức tạp. Nếu ta làm được như vậy thì dù chưa có nguồn ngân sách
lớn để thực hiện những chính sách, dù mức sống vật chất của quần chúng chưa
cao, tôi cho rằng chúng ta vẫn có những yếu tố lành mạnh để phát triển kinh tế,
sử dụng các thành tựu kỹ thuật, các vật tư thiết bị mà ta có. Còn nếu ta chỉ
loay hoay lo tính đến sản xuất theo lối cũ, mà bỏ mặc người lao động sống ra
sao cũng được thì chúng ta lại quẩn quanh trong bế tắc, sản xuất chỉ có thể dẫm
chân tại chỗ hoặc tàn lụi đi chứ không phát triển được. Chẳng hạn, thiếu vốn thì
đáng nhẽ phải xây dựng mười nhà máy, ta hãy tạm xây năm, nhưng phải có những công
trình phúc lợi, công trình văn hoá, những thứ phục vụ đời sống cần thiết của người
lao động trong nhà máy đó.
Hiện tại, ta có nhiều nhà máy chạy không hết công suất.
Công nhân làm việc không đủ tám giờ, thiếu việc làm, phải ăn cắp hoặc bớt xén của
công mà sống. Vì thế, ta phải nghĩ ra chính sách như thế nào đó, để người lao động
không ăn cắp, không bớt xén của công, phấn khởi an tâm làm việc đủ giờ giấc thì
công suất máy móc sẽ sử dụng tốt hơn, sản xuất sẽ tốt hơn và như vậy ta đã tạo được
sự thống nhất giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội ngay trong quá trình
sản xuất.
Nhân dân ta rất thực tế. Lúc này không mấy ai có ảo tưởng
sẽ có ngay được mức sống cao. Nhưng ai cũng muốn được hưởng sự quan tâm chăm sóc
và sự công bằng, phải bảo đảm cho người lao động được chăm sóc chu đáo ở những
mặt thiết yếu nhất của đời sống con người, để có thể tái sản xuất và sản xuất với
năng suất ngày một cao hơn. Đây là nguyện vọng rất chính đáng của người lao động.
Chúng ta phải có những công trình nghiên cứu kỹ về xã hội, về tâm lý quần chúng
thật sâu sắc, thật kỹ lưỡng và những công trình này phải được các cơ quan làm
chính sách xã hội sử dụng, các nhà quản lý kinh tế nghiên cứu ứng dụng.
Để thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội,
chúng ta còn phải đổi mới cách xây dựng, cách đặt các kế hoạch kinh tế của ngay
cả những nhà làm kế hoạch, những cấp làm kế hoạch.
Kế hoạch thực hiện các chính sách xã hội phải gắn rất
chặt, thậm chí phải nằm trong các chương trình kinh tế thì mới dần dần trở thành
hiện thực. Thí dụ: ta xây dựng một kế hoạch sản xuất 50 triệu mét vải thì các
cấp kế hoạch ở Trung ương và địa phương phải xác định rõ số lượng từng loại vải.
Mỗi loại đáp ứng cho mấy đối tượng, thoả mãn mấy nhu cầu, … Rồi không chỉ vải,
lại còn phải may quần áo. Cần loại bỏ những loại quần áo lạc mốt nào, cần sản
xuất những mốt mới nào, mỗi loại thoả mãn cho những đối tượng nào, bao nhiêu người,
vào những thời điểm nào, … Hiện tại, về mặt này ta còn lộn xộn. Các nhà đặt kế
hoạch kinh tế của ta còn bận bịu nhiều về những số liệu mà ít quan tâm đến chính
sách xã hội trên toàn cục, cũng như trên địa bàn lãnh thổ và từng đơn vị. Muốn
thực hiện tốt nghị quyết Đại hội VI của Đảng, về mặt này cũng rất cần phải đổi
mới.
* * *
Đối với văn hoá và văn nghệ, chính sách xã hội cũng có
mối liên hệ khá mật thiết. Bởi nói đến chính sách xã hội là nói đến chính sách
con người, mà hễ nói tới con người tức là nói tới văn hoá. Vì văn hoá thuộc về
con người, văn hoá là của con người hay có thể nói văn hoá là con người. Con người
có văn hoá là con người có đặc trưng “người” nhất, có bản chất “người” nhất. Ở đây
có hai khía cạnh ta cần xem xét.
Một là, từ trước tới nay, quan niệm về văn hoá, văn
nghệ, về công tác văn hoá và ý thức văn hoá trong các nhiệm vụ kinh tế - xã hội
của ta thường chỉ bó hẹp ở chỗ coi văn hoá – văn nghệ là một vài hoạt động cụ
thể, vài bài hát, vài buổi biểu diễn hay vài tối chiếu phim. Thêm nữa là công tác
thư viện, công tác tuyên truyền cổ động, v.v… Nhưng thực ra đây là một lĩnh vực
rộng lớn cần được quan niệm một cách toàn diện và sâu sắc hơn nhiều. Chẳng hạn,
chúng ta sẽ xây dựng một nước Việt Nam như thế nào, một xã hội có một nền văn
hoá như thế nào, một lối sống như thế nào, thì toàn bộ các hoạt động kinh tế -
xã hội đều phải hướng vào mục tiêu ấy và phát triển, để khi nhìn lại lịch sử,
chúng ta có thể tự hào rằng, sự phát triển của xã hội ta đã mang bản sắc dân tộc.
Với khoa học kỹ thuật thì không có bản sắc, hoặc bản sắc dân tộc không được thể
hiện trong đó một cách rõ rệt. Máy khoan của Nhật cũng tựa như máy khoan của
Nga, cũng cùng chạy theo một nguyên lý. Hoạ chăng người ta phân biệt là nhờ cái
mác của nó hoặc cái đặc điểm ngoại hình của nó, chứ thực ra không có bản sắc gì
trong đó cả cho nên thông thường, khi đất nước công nghiệp hoá thì bản sắc dân
tộc bị phá vỡ và thủ tiêu. Nhưng khi nó bị một thời gian rồi, nhìn lại mới thấy
đó là một tổn thất cho dân tộc.
Thường ở các nước phát triển, công nghiệp đã phát triển
đến mức cao rồi, lúc bấy giờ mới quay trở lại thiết tha với bản sắc dân tộc. Các
nước Đông Âu rất chú ý phục hồi bản sắc dân tộc trong sinh hoạt ở khắp các địa
phương. Họ khuyến khích trẻ con mặc quần áo dân tộc, dạy các cháu nấu những món
ăn dân tộc, khuyến khích thanh thiếu nhi nhảy các điệu nhảy dân tộc, hát các bài
dân ca dân tộc. Trang trí nhà cửa cũng được khôi phục lại những kiểu trang trí
cũ. Các đồng chí ở các nước Đông Âu đều nói rằng, khi chủ nghĩa tư bản phát triển
thì tất cả những cái đó bị phá vỡ, đến chính quyền xã hội chủ nghĩa mới có ý thức
khôi phục lại, bảo đảm cho các bản sắc dân tộc phục hồi và phát triển. Hoặc như
Nhật Bản, đất nước này một thời đã áp dụng văn minh phương Tây một cách triệt để
và tạo nên cuộc sống công nghiệp rất tiên tiến. Do đó, những bản sắc dân tộc
trong văn hoá cũng bị mai một. Đến khi họ có một đời sống vật chất đầy đủ rồi,
thì lại thiếu một đời sống tinh thần có nguồn gốc dân tộc sâu xa. Nên bây giờ họ
mới ra sức phục hồi và tôn tạo những vốn văn hoá dân tộc. Như vậy là ở các nước
đó (công nghiệp phát triển) đã để cho công nghiệp phá tan các bản sắc dân tộc, đến
lúc nào đó mới thấy mất mát, đau khổ và mới tìm cách quay lại.
Như vậy ý thức văn hoá trong chính sách xã hội không
phải chỉ là sự quan tâm tới các đoàn văn công, tới các nhà viết văn, tới các thư
viện hay các nhà văn hoá, mà ý thức văn hoá ở đây là ở chỗ chúng ta định xây dựng
một đất nước như thế nào. Ý thức ấy phải thể hiện trong chỉ đạo kinh tế, trong
chỉ đạo các hoạt động khác. Tôi nêu lên điều này để lưu ý bạn đọc một quan niệm
bao trùm về ý thức văn hoá và cũng mong được các đồng chí có trách nhiệm lớn
trong xã hội ta chú ý tới điều này.
Cho nên, ý thức văn hoá là ý thức về đời sống tinh thần
của một dân tộc, ý thức về những giá trị văn hoá của một dân tộc, chứ không phải
sự quan tâm hay không quan tâm đến một vài hoạt động văn hoá cụ thể.
Khía cạnh thứ hai mà tôi muốn đề cập tới là, chúng ta
cần thay đổi quan niệm về bản chất, chức năng và vai trò của văn hoá và văn nghệ.
Trước đây chúng ta quan niệm bản
chất văn nghệ là trò vui và chức năng của nó là cổ động cho các nhiệm vụ khác.
Ví dụ, xã hội có nhiệm vụ tuyển quân, có nhiệm vụ đóng thuế, thu nợ, thế là văn
nghệ cổ động cho đóng thuế, thu nợ, v.v… Nghĩa là quan niệm rằng bản thân văn
nghệ không có nhiệm vụ của riêng nó mà chỉ là một phương tiện để phục vụ các
nhiệm vụ khác.
Giờ đây, chúng ta quan niệm văn nghệ có nhiệm vụ chính
trị cao cả của bản thân nó là xây dựng tâm hồn, tình cảm và tư tưởng cho con người.
Nghĩa là nó trực tiếp tham gia một phần rất quan trọng vào việc xây dựng con người
mới. Đây là cái “thần” của văn nghệ mà không một hoạt động nào hay hình thức, ý
thức nào có thể thay thế được. Cái “thần” này tạo nên tính cách. Bây giờ ta muốn
hình thành những nhân cách xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì ta phải có một nền văn nghệ đủ sức mạnh làm được
việc này. Và phải giao cho văn nghệ những nhiệm vụ như vậy chứ không phải chỉ là
những nhiệm vụ lặt vặt hàng ngày. Đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, vì thực
ra trong cuộc sống không ai là không chịu tác động của văn nghệ, của các tác phẩm
văn nghệ mà hình thành nhân cách.
Nếu chúng ta có một nền văn nghệ lành mạnh, sâu sắc,
thì chúng ta sẽ tác động đến sự hình thành nhân cách của nhiều thế hệ, của cả dân
tộc, theo cái định hướng tích cực của ta. Quan niệm như vậy về chức năng, bản
chất của văn nghệ là rất cần thiết để ta đặt vị trí và đặt vấn đề chỉ đạo nó thích
hợp trong toàn bộ chính sách kinh tế - xã hội, đồng thời ta cũng yêu cầu bản thân
nền văn nghệ và văn nghệ sĩ phải phấn đấu vươn lên để làm tròn cái trọng trách
cao cả đó.
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét