Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2021

Hoạt động văn học của Trần Độ



Thạc sĩ Ngữ văn Đinh Thị Thanh Huyền
 
       Trần Độ có một khối lượng lớn tác phẩm về nhiều vấn đề xã hội, có tác động sâu sắc đến nhiều bạn đọc. Song, cho đến nay tác phẩm văn nghệ của Trần Độ chưa được giới thiệu đến nhiều tầng lớp trong xã hội. 


Là một người yêu văn nghệ, người lãnh đạo văn hóa, văn nghệ, Trần Độ đã viết rất nhiều tác phẩm nghị luận. Trong đó thể hiện quan điểm sâu sắc, khá toàn diện về văn nghệ nói chung, văn học nói riêng. Bên cạnh nhà chính trị, nhà quân sự tài giỏi, nhà hoạt động văn hóa,  ông còn là nhà văn đã gắn chặt đời mình vào cây súng và cây bút đi cùng dân tộc suốt hai cuộc kháng chiến vĩ đại.
Nhà văn Trần Độ, tên thật là Tạ Ngọc Phách, sinh ngày 23 tháng 9 năm 1923, tại làng Thư Điền, tổng An Bồi, huyện Trực Định (nay thuộc xã Tây Giang, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Cha ông làm thông phán tại Phủ Thống sứ Hà Nội, mẹ ông làm ruộng tại quê nhà.
Giai đoạn trước năm 1945 là thời kì hoạt động cách mạng bí mật của Trần Độ. Trần Độ t  một thanh niên yêu nước, sớm giác ngộ và tham gia đấu tranh cách mạng. Ông bị địch bắt và tống giam hết nhà lao Thái Bình đến Hỏa Lò, rồi lại đưa lên nhà tù Sơn La. Năm 1943, trên đường giải từ Sơn La ra Côn Đảo, Trần Độ đã trốn thoát và tiếp tục hoạt đông cách mạng. Ông lãnh đạo giành chính quyền ở Đông Anh, Hà Nội rồi bước vào cuộc đời binh nghiệp.
Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cùng với nhiều tướng lĩnh sáng danh như Lê Trọng Tấn, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Cầm…Trần Độ đã đóng góp nhiều công lao trong công cuộc chống quân xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Giai đoạn sau năm 1975, khi đất nước thống nhất, ông rời quân đội và giữ nhiều trọng trách quan trọng, ông được cử làm Trưởng Ban kiêm Thứ trưởng Bộ Văn hóa. Ở chức vụ này ông đã soạn nghị quyết số 5, củng cố tiến trình “cởi mở” văn hóa trong thời kỳ đổi mới.
Trong cuộc đời, ông say mê làm công tác báo chí, văn học, nghệ thuật. Ông đã cống hiến cả đời mình cho nhân dân, Tổ quốc và đấu tranh không mệt mỏi cho những lí tưởng cao quý của nhân loại. Với gia đình, ông là tấm gương về tính giản dị, liêm khiết, tận tụy với công việc, một lòng vì dân, vì nước. Do những công lao, đóng góp với nhân dân, với Tổ quốc, ông đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Trần Độ là một vị tướng nổi tiếng, tài kiêm văn võ. Suốt cuộc đời Trần Độ, gắn bó với cách mạng như thế nào thì ông gắn bó với văn chương như thế. Ông có nhiều đóng góp cho đường lối chủ trương phát triển văn nghệ của đất nước từ thời chiến sang thời bình, đặc biệt là trong thời kì đổi mới. Quá trình hoạt động văn học của ông gắn liền với những giai đoạn quan trọng của lịch sử đất nước.
Với Trần Độ viết văn không phải là việc chính. Điều thu hút toàn bộ trí tuệ và sức lực của ông là hoạt động cách mạng, nhằm khẳng định “mục đích của chủ nghĩa xã hội là vì hạnh phúc của nhân dân”. Nhưng từ thuở nhỏ, Trần Độ đã yêu thích văn chương và từng là học sinh khá về văn. Thời kì học sinh Trần Độ luôn khát khao được cầm bút.
Vốn có tư chất thông minh, lại được sinh ra trong một gia đình có giáo dục, Trần Độ sớm có điều kiện tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại qua các tác phẩm của các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng như Lỗ Tấn, Tào Ngu, Lép Tônxtôi, Vichto Huygô…
Với những tên gọi, bút danh khác nhau, lúc mang tên Trần Độ, khi là Cửu Long, Chín Vinh hay Trần Quốc Vinh, Trần Độ đã viết ở nhiều thể loại như: tùy bút, bút kí, truyện ngắn, hồi ký, bình luận, chính luận, báo chí, nêu gương... Dù ở thể loại nào, ông cũng thể hiện một ngòi bút sắc sảo, có tầm nhìn bao quát thời thế, có lí có tình, giàu chất nhân văn. Chúng tôi sẽ khái quát đặc điểm hoạt động văn học của nhà văn Trần Độ qua những giai đoạn cơ bản sau:
* Trước thời kì đổi mới 1986
Trải qua một quá trình dài, dù hoạt động bí mật, ở tù, tham gia kháng chiến hay hoạt động trong hòa bình thống nhất đất nước, ở bất cứ một hoàn cảnh nào, cương vị nào ông cũng say mê viết. Với hàng ngàn trang sách về nhiều thể loại văn học nghệ thuật. Trần Độ bám sát đời sống, lịch sử, sự kiện, ứng với những giai đoạn khác nhau của lịch sử, ông đều có những tác phẩm thể hiện sự đắm say của nhiệt huyết, sự bao quát của tầm nhìn. Một số tác phẩm tiêu biểu: Kể chuyện Điện Biên (bút ký), Lý tưởng, ước mơ và nghĩa vụ, Nhà xuất bản Thanh niên, 1964 (tái bản 1968)… Mấy em Giải phóng, Nhà xuất bản Quân Giải phóng, năm 1966, cuốn sách Bên sông đón súng (Hồi ký cách mạng) được tái bản nhiều lần, Anh bộ đội (tập tuỳ bút), Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, 1975. Bên cạnh đó, Trần Độ còn dịch và lược dịch các truyện chiến đấu của nhân dân Liên Xô, in và phát cho bộ đội đọc trong lúc hành quân vào chiến dịch.
* Sau thời kì đổi mới 1986
Thời kì này, Trần Độ trong vai trò người lãnh đạo văn hóa văn nghệ, tiên phong trong phong trào đổi mới văn nghệ theo quan điểm của Đảng mà Đại hội VI đã đề ra. Tự do sáng tác ” là vấn đề tiêu biểu trong lí luận văn nghệ của ông. Trần Độ đã có nhiều bài viết xung quanh vấn đề đổi mới văn hóa, văn nghệ được đăng trên các tạp chí, chủ yếu là tạp chí Văn nghệ. Trong giai đoạn này, Trần Độ có hàng loạt các bài lí luận về văn hóa văn nghệ,  được tập hợp và in trong cuốn Văn hóa văn nghệ trong cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Nhà xuất bản Văn hóa, 1986. Những bài viết đó sau được tập hợp trong cuốn Trần Độ tác phẩm, Nxb Văn học năm 2012.
Bên cạnh vị trí nhà văn, Trần Độ rất say mê chụp ảnh, ông còn được đánh giá là nghệ sĩ nhiếp ảnh. Trần Độ đã chụp hàng nghìn bức ảnh ghi lại một cách chân thực nhiều cảnh thiên nhiên, cảnh đời, gương mặt làm ông xúc động. Những bức ảnh đó có thể là nguồn tư liệu phong phú, góp phần làm cho văn nghị luận của Trần Độ thêm sắc bén, thuyết phục.
*Tiểu kết: Văn nghị luận là một thể văn đã hình thành từ lâu trong lịch sử và phát triển đến thời đại cách mạng hiện nay. Nhiều nhà văn cách mạng của chúng ta đã sử dụng văn nghị luận như một lợi khí trong công cuộc đấu tranh tư tưởng trên cả mặt trận văn học và đời sống.
Trần Độ là một nhà cách mạng, nhà văn. Hơn ai hết, ông là người đã nắm rõ và sử dụng thể văn này phục vụ cho con đường hoạt động cách mạng của mình, nhằm mục đích đấu tranh vì tự do độc lập, xây dựng cuộc sống mới, xây dựng nền văn nghệ văn minh, hiện đại. Cuộc đời hoạt động cách mạng và cuộc đời văn nghệ của ông có sự gắn bó hòa nhập với nhau. Làm cách mạng không thể bỏ qua ánh sáng, vai trò của văn nghệ. Và văn nghệ không bao giờ tách rời con đường cách mạng. Vì thế, những tác phẩm văn nghị luận của Trần Độ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong văn học Việt nam hiện đại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét