Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2020

Những bài viết về hoạt động văn hóa, văn nghệ của Trần Độ


Thạc sĩ Ngữ văn Đinh Thị Thanh Huyền
Ở dạng bài này phải kể đến bài giới thiệu “Văn của một vị tướng” của Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, các bài giới thiệu cuốn Trần Độ tác phẩm của Nhà văn quân đội Tô Đức Chiêu.


Qua bài viết của tác giả Hữu Thỉnh, chúng ta thấy nhà văn Trần Độ không chỉ có tài kể chuyện mà còn sử dụng thành thạo nhiều thể loại khác, bút ký, hồi ký, bình luận, chính luận, báo chí, nêu gương, thuyết giảng các vấn đề chính trị, thời sự quan trọng và cả say mê chụp ảnh. Ông còn cho thấy, đề tài trong sáng tác của Trần Độ rất phong phú nhưng có 2 lĩnh vực được ông quan tâm đó là: chiến tranh nhân dân với công tác chính trị, tư tưởng của quân đội và xây dựng nền văn hoá mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trong đó có văn học nghệ thuật.

Tô Đức Chiêu là người đầu tiên tiếp xúc với bản thảo Trần Độ tác phẩm từ cuối năm 2010. Từ những tiếp xúc này ông đã viết loạt bài: “Văn của một vị tướng”, “Đọc bút kí của nhà văn Trần Độ”, “Trần Độ và những trang văn”, “Nhà văn Trần Độ bàn về văn hóa”, “Chuyên luận quân sự qua giọng văn của tướng Trần Độ… giới thiệu về từng thể loại trong tác phẩm và công bố trên trang trannhuong.com trình bày những nhận xét của mình về văn học của Trần Độ.

Những bài viết của nhà văn Tô Đức Chiêu là những nhận xét khái quát về những trang văn của Trần Độ ở thể loại kí, truyện, lí luận về văn hóa văn nghệ, quân sự. Tô Đức Chiêu nhận thấy giữa kí và truyện của Trần Độ không có sự phân biệt rạch ròi. Đọc văn của Trần Độ thấy dấu chân ông trên các nẻo đường. Ông vừa hoạt động vừa viết, vừa lăn lộn với nhiệm vụ chiến đấu của đơn vị vừa cầm bút. Ngoài bút kí, truyện, bình luận quân sự… Trần Độ còn làm thơ. Với sự ngưỡng mộ phẩm chất cao quí của liệt sĩ tiền bối, ông đã làm bài thơ “Khóc anh Hoàng Văn Thụ” in trên tờ báo phát hành bí mật của Đảng xuất bản năm 1944. Sau này, nhà văn Hoàng Tiến đã công bố bài thơ này trên trang trandotacpham. Bên cạnh đó, khi đọc những bài bàn về văn hóa, quân sự của Trần Độ, Tô Đức Chiêu thấy nhiều bài được viết dưới bút pháp văn học khiến người đọc cảm nhận vấn đề qua văn học.

Nhìn chung, ngoài một số bài của tác giả Hữu Thỉnh, Tô Đức Chiêu như đã kể trên, số lượng các bài nghiên cứu về Trần Độ trong lĩnh vực văn học còn hạn chế. Hơn nữa, các bài viết chỉ dừng lại ở những nhận xét khái quát về giá trị, ý nghĩa những tác phẩm văn nghệ của ông. Trần Độ có nhiều đóng góp về tư tưởng văn nghệ nhưng cho đến nay chưa có một công trình nào nghiên cứu về Trần Độ một cách có hệ thống, toàn diện những thành công và hạn chế của ông về quan điểm văn học nghệ thuật. Do đó, chúng tôi kết hợp sưu tầm các bài phê bình, khảo sát trình tự các bài viết về quan điểm của Trần Độ ở nhiều góc nhìn khác nhau:

 Những ý kiến bàn về quan điểm văn nghệ của Trần Độ trên báo Văn nghệ, Tạp chí văn hóa nghệ thuật, mạng văn học. Các bài phân tích ý kiến của Trần Độ trong các cuốn sách lí luận hay các công trình nghiên cứu đề cập đến. Từ đó, chúng tôi sẽ khái quát thành hệ thống các quan điểm của ông về văn nghệ.

1 nhận xét:

  1. Sao Hữu Thỉnh không viết bài về HỒI KÝ CỦA BÁC TRẦN ĐỘ nhỉ ???

    Trả lờiXóa