Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2020

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hoá, văn nghệ


Coi văn hoá, văn nghệ là một bộ phận quan trọng trong đấu tranh cách mạng, Đảng ta luôn luôn quan tâm lãnh đạo văn hoá, văn nghệ cả về chính trị, tư tưởng và đường lối, chính sách, cả về quan điểm nghệ thuật và tổ chức thực hiện.

Sự lãnh đạo toàn diện đó của Đảng mấy chục năm qua đã là nhân tố quyết định tạo nên những thành tựu to lớn trên mặt trận này, tạo nên nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa Việt Nam trẻ tuổi, đầy sức sống, đậm đà tính dân tộc, mang tính Đảng và tính nhân dân khá sâu sắc.
Gắn liền với sự nghiệp cách mạng của nhân dân, văn nghệ ta đã trở thành một vũ khí tư tưởng rất sắc bén, có tác dụng to lớn và rõ rệt trong đời sống tư tưởng và tình cảm của nhân dân, phục vụ đắc lực hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, “xứng đáng đứng vào hàng ngũ tiên phong của những nền văn học, nghệ thuật chống đế quốc trong thời đại ngày nay” (Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1977, tr.121).
Một đường lối văn nghệ đúng đắn, nhất quán theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê-nin thể hiện nhất quán trong đường lối chính trị của Đảng từ năm 1930 đến nay ; một thái độ minh bạch, ân cần đối với đội ngũ văn nghệ ; những cố gắng bền bỉ trong điều kiện vật chất còn eo hẹp cho các hoạt động văn nghệ, cho việc đưa văn nghệ đến với quần chúng và tạo cho văn nghệ một công chúng mới xứng đáng, v.v… Bấy nhiêu điều đó đều là vinh dự và tự hào cho tất cả chúng ta.
Song, trong giai đoạn mới của cách mạng, sự lãnh đạo của Đảng đối với văn nghệ vẫn cần được tăng cường hơn nữa nhằm phát huy sự đúng đắn và tính hiệu quả tích cực của nó, đồng thời khắc phục những thiếu sót của nó trong chỉ đạo cụ thể, trong việc quán triệt tính cách mạng và tính khoa học của đường lối văn nghệ của Đảng.
Báo cáo chính trị của Trung ương trong Đại hội lần thứ V của Đảng đã chỉ rõ :
“Văn hoá, văn nghệ là một lĩnh vực rất quan trọng và rất phức tạp của đời sống xã hội. Đảng phải tăng cường sự lãnh đạo đối với lĩnh vực này, đồng thời phải cải tiến sự lãnh đạo cho phù hợp với tính đặc thù của văn hoá, văn nghệ”.
Sự lãnh đạo của Đảng đối với văn nghệ hiện nay cần được tăng cường hơn nữa chủ yếu là vì trước những yêu cầu mới của cách mạng và trong những điều kiện xã hội mới, văn nghệ - “vũ khí cách mạng”, “hoa quả của một xã hội, của một dân tộc, của một thời đại” (Phạm Văn Đồng. Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1969, tr.66 và 67) – càng có vai trò cực kỳ quan trọng. Mục đích của chủ nghĩa xã hội không chỉ là thoả mãn nhu cầu vật chất của mọi người, mà còn là đem lại cho xã hội một đời sống văn hoá, tinh thần phong phú và cao đẹp, tạo điều kiện cho sự phát triển tự do, toàn diện của con người. Hạnh phúc trong chủ nghĩa xã hội không chỉ là cơm no, áo ấm, mà còn là có được một cuộc sống vui tươi, lành mạnh, chan hoà tình thương và lẽ phải, bình đẳng và hoà hợp, quý trọng và giúp đỡ nhau trong lao động và chiến đấu cho sự phát triển tốt đẹp cho cả cộng đồng xã hội, cho sự phát triển đầy đủ nhân cách, tài năng, năng khiếu của mỗi cá nhân trong tập thể. Công chúng của văn nghệ ngày nay đông đảo và rộng rãi hơn, có nhu cầu và trình độ thẩm mỹ cao hơn, nhiều vẻ hơn. Cơ sở vật chất kỹ thuật của văn hoá tinh thần, phương tiện kỹ thuật thông tin đại chúng làm môi giới giữa nghệ sĩ và công chúng ngày nay cũng phát triển hơn. Văn nghệ vừa phải thoả mãn nhu cầu to lớn và thị hiếu nhiều vẻ của công chúng, vừa phải hướng công chúng vươn tới những mục tiêu cao quý của chủ nghĩa xã hội, giáo dục cho họ tính năng động sáng tạo của người là chủ tập thể, làm cho đời sống tư tưởng và tình cảm của họ ngày càng thêm phong phú và cao đẹp. Nhằm phương hướng đó, sự phát triển của bản thân nền văn nghệ, theo quy luật của nó, về chất lượng và số lượng, về nội dung và hình thức, chủng loại, v.v… đều đòi hỏi sự tăng cường lãnh đạo của Đảng.
Đảng lãnh đạo văn nghệ là nhằm bảo đảm cho văn nghệ phát triển theo đúng đường lối của Đảng. Yêu cầu đó được phát biểu đơn giản và rõ ràng như vậy, nhưng hiểu thấu đáo và thực hiện đầy đủ yêu cầu đó không dễ dàng.
“Bảo đảm cho văn nghệ phát triển theo đúng đường lối của Đảng” là một yêu cầu có hai vế liên quan chặt chẽ với nhau, nếu muốn nói tách bạch làm hai yêu cầu thì đó cũng là hai yêu cầu có quan hệ biện chứng, làm tiền đề lẫn cho nhau : Có theo đúng đường lối của Đảng - đường lối chính trị và đường lối văn nghệ - văn nghệ mới phát triển được ; văn nghệ không phát triển chỉ có dẫm chân tại chỗ, quẩn quanh ở những lối mòn nhỏ hẹp, đi vào đường lối nhỏ hẹp thì đã là không đi vào đường lối của Đảng, không phục vụ đường lối của Đảng.
Thế nhưng, ở đây nhiều khi vẫn có lệch lạc cả về hai phía : hoặc coi nhẹ yêu cầu “đúng đường lối của Đảng” do quá mải mê háo hức đổi mới và sáng tạo ; hoặc không quan tâm đầy đủ đến yêu cầu “phát triển”, chỉ một chiều thủ thế lo sao cho văn nghệ đừng có những tác phẩm xấu và có hại. Thiên hướng thứ nhất dễ dẫn đến nguy cơ lạc hướng, làm nảy sinh “những hiện tượng lệch lạc” và “một số khuynh hướng không lành mạnh” như trong thời gian qua. Thiên hướng thứ hai có những nguyên nhân khách quan và lý do lịch sử của nó. Nền văn hoá, văn nghệ mới của ta ra đời trong đấu tranh chống mọi thứ văn hoá nô dịch, đế quốc, phản động và cho đến nay, cuộc đấu tranh giai cấp vẫn diễn ra gay gắt, liên tục trên mặt trận này. Báo cáo chính trị trong Đại hội V ghi rõ : “Cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, cái tiên tiến và cái lạc hậu, cái tiến bộ với cái phản động trên lĩnh vực văn hoá tư tưởng, lối sống đang diễn ra hàng ngày rất phức tạp, mà chúng ta không thể nào xem nhẹ”.
Tình hình phức tạp không những ở chỗ cái mới và cái cũ cùng với cái tiên tiến và cái lạc hậu cứ xen kẽ nhau. Có cái mới tiên tiến và cũng có cái mới lạc hậu, thậm chí phản động. Có cái cũ lạc hậu nhưng cũng có cái cũ chính là tinh thần dân tộc và truyền thống cách mạng phải được trân trọng và phát huy. Tình hình phức tạp còn ở chỗ kẻ địch nhiều loại luôn tìm cách xen kẽ vào mọi kẽ hở của cái phức tạp trong văn hoá, văn nghệ.
Tình hình ấy cùng với tình hình nền văn nghệ nước ta đã trưởng thành đòi hỏi một sự lãnh đạo tỉnh táo, một sự hiểu biết rộng rãi và sâu sắc.
Sự lãnh đạo của Đảng đối với văn nghệ nước ta hiện nay hơn bao giờ hết đòi hỏi làm cho văn nghệ phát triển và phát triển đúng đường lối của Đảng. Sự lãnh đạo của Đảng đối với văn nghệ nước ta hiện nay hơn bao giờ hết đòi hỏi phải bảo đảm tính vững chắc, kỷ luật chặt chẽ trên mặt trận tư tưởng, văn hoá, vừa đòi hỏi tạo cho được một không khí sáng tạo hồ hởi trong văn nghệ sĩ, tạo điều kiện cho mọi người phấn khởi đua nhau sáng tạo, làm nên nhiều tác phẩm tốt và hay, đưa nền văn nghệ ta phát triển lên một bước mới cao hơn, vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và vì hạnh phúc của nhân dân. Trong những điều kiện đó, điều kiện vật chất đương nhiên là cần thiết tuy hiện nay chưa thể có nhiều, song quan trọng hơn, có thể tạo ra dồi dào hơn là những điều kiện tinh thần chắp cánh cho sự sáng tạo.
Văn nghệ ta thể hiện đường lối chính trị của Đảng, thực hiện những nhiệm vụ chính trị của Đảng trong từng giai đoạn cụ thể, góp phần bảo đảm thắng lợi chung của cách mạng. Nhưng bản thân văn nghệ - nói rộng ra là văn hoá – cũng là một mục tiêu lớn của cách mạng xã hội chủ nghĩa nước ta bên cạnh mục tiêu lớn khác là nền kinh tế mới, chế độ mới, con người mới …
Tất cả những điều đó đã được Đảng ta khẳng định từ lâu. Nhưng trong thực tiễn vẫn có người chia cắt máy móc các chức năng của văn nghệ ra và chỉ chú ý, và thậm chí tuyệt đối hoá một chức năng nào đó. Chẳng hạn, tuyệt đối chức năng thẩm mỹ, chạy theo những thủ pháp hấp dẫn chỉ để mà hấp dẫn, lấy cớ văn nghệ phải thu hút được người xem, người nghe. Hoặc giả, cắt rời chức năng giải trí ra khỏi các chức năng khác, đưa lên sân khấu những cái cười rẻ tiền, những pha ly kỳ quái đản chỉ cốt “vui vẻ một tí”, viện lẽ rằng trong thế giới hiện đại, người ta coi giải trí là một vấn đề rất lớn. Hoặc giả tuyệt đối hoá chức năng giáo dục, đòi hỏi văn nghệ phải thuyết lý, răn dạy điều này điều nọ một cách sống sượng. Hoặc giả, nói đến chức năng nhận thức của văn nghệ thì lại hiểu vấn đề phản ánh chỉ như một tấm gương phản chiếu hiện thực, máy móc, đơn giản, sơ lược ; không ít trường hợp cứ muốn biến văn nghệ thành chiếc xe ba gác chồng chất công việc của ngành này ngành khác, ngành nào cũng muốn có mặt trong một vở kịch, một cuốn truyện cụ thể, v.v…
Những thiên hướng sai lầm đó đã cắt xén, tước bỏ khá nhiều khả năng của văn nghệ, khiến cho văn nghệ không làm tròn được những chức năng vốn có, và do đó hạ thấp vai trò, tác dụng của văn nghệ trong đời sống xã hội.
Hiểu rõ vai trò và chức năng của văn nghệ theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, của Đảng ta là cả một công phu, bởi vì ở đây có những vấn đề lý luận cơ bản phải đi sâu nghiên cứu, lại có những vấn đề đang phát triển chờ được khảo nghiệm trong thực tiễn. Lúc này, cần làm sáng tỏ thêm mấy vấn đề sau đây :
Trước hết vẫn là vấn đề quan hệ giữa văn nghệ và chính trị. Chúng ta nói văn nghệ phục vụ chính trị hiểu theo nghĩa là nó gắn bó khăng khít với chính trị, văn nghệ không thể làm tròn được chức năng của nó nếu không hiểu, không nắm chắc , không lấy nhiệm vụ chính trị làm phương hướng hoạt động của mình. Mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị như vậy là khách quan, là tất yếu. Ngay bọn tư bản bấy lâu chê bai văn nghệ xã hội chủ nghĩa là chính trị nên “khô khan”, “xơ cứng”, “văn nghệ sĩ không có tự do”, bây giờ cũng yêu cầu gắt gao chính trị hoá văn nghệ, đòi văn nghệ phải biểu hiện một tư tưởng dứt khoát, phải công khai ca ngợi một cách có nghệ thuật cao chủ nghĩa tư bản, xã hội tư sản. Về điều này không thể mơ hồ được : văn nghệ xã hội chủ nghĩa đi theo đường lối chính trị xã hội chủ nghĩa, văn nghệ ta phục vụ những nhiệm vụ chính trị của Đảng ta, của cách mạng nước ta. Đây là một điểm then chốt trong vấn đề tính Đảng của văn nghệ.
Song, phải hiểu chính trị và nhiệm vụ chính trị cho đúng. Nhiệm vụ chính trị được đặt ra từ tình hình cụ thể của xã hội, của đất nước, từ thực tiễn của cuộc đấu tranh cách mạng, nó thuộc về đường lối chung của Đảng, thuộc về phương hướng, phương pháp của Đảng giải quyết những vấn đề chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội trước mắt hay lâu dài để đưa xã hội tiến lên. Hiểu như vậy thì văn nghệ phục vụ chính trị, phục vụ những nhiệm vụ chính trị có nghĩa là nó đi theo, thực hiện đường lối chính trị của Đảng, linh hồn của nó là chính trị và bởi nó xây dựng đời sống tinh thần của xã hội theo đường lối chính trị của Đảng nên bản thân nó cũng là một nhiệm vụ chính trị. Không nên hiểu nhiệm vụ chính trị chỉ là những nhiệm vụ công tác hàng ngày.
Liên quan đến vấn đề trên là vấn đề vai trò tích cực và chủ động của văn nghệ trong cuộc sống. Thật là hời hợt và dung tục nếu coi văn nghệ phục vụ chính trị chỉ là chạy theo minh hoạ, giải thích công tác hàng ngày của ngành này hay địa phương nọ như một cái loa đơn giản. Đảng ta luôn luôn khẳng định nhiệm vụ cao quý của văn nghệ là giúp sức cải tạo xã hội, cải tạo con người, xây dựng nên cuộc sống mới ngày càng tươi đẹp hơn. Văn nghệ là “một công cụ để hiểu biết, khám phá và sáng tạo thực tại xã hội”. Văn nghệ là một sự hiểu biết, mà thường là đòi hỏi một sự hiểu biết sâu sắc ; đừng bằng lòng để cho nó chỉ nói những điều nông cạn, tầm thường. Văn nghệ có khả năng khám phá ra chân lý, mà thường là chân lý mang tính toàn vẹn, được trình bày một cách độc đáo, đơn nhất, không lắp lại ; không nên yêu cầu nó chỉ minh hoạ những chân lý có sẵn và bằng những cách thức cũ mòn. Văn nghệ phản ánh hiện thực nhưng là phản ánh theo cách của nó, nghĩa là xuất phát từ hiện thực nhưng lại sáng tạo ra một thế giới mới, lạ mà quen, khác mà vẫn là hiện thực, với những hiện tượng nghệ thuật ghi tạc những tính cách và hiện tượng quan trọng nhất, nổi bật nhất trong cuộc sống, tác động toàn diện đến tư tưởng và tình cảm, gây nên những ấn tượng sâu sắc, những rung cảm mãnh liệt trong tâm hồn người thưởng thức. Mỗi tác phẩm như vậy là một thế giới nghệ thuật. Đi vào những thế giới nghệ thuật ấy, người đọc, người nghe, người xem dường như được sống một cuộc sống khác, sống nhiều cuộc sống khác, thấy lắng đọng trong lòng mình bao tư tưởng và tình cảm đẹp, thấy tâm hồn mình ngày càng nhạy cảm, tinh tế, phong phú, phát triển toàn diện hơn. Đừng biến văn nghệ thành một thứ giấy bóng mờ, đồ lại những mảnh đời vô vị.
Từ những điều nói trên, càng thấy tính Đảng trong văn nghệ không đơn giản chỉ là ở chỗ đề tài và chủ đề tư tưởng, mà còn đòi hỏi nghiêm khắc một trình độ nghệ thuật cao. Đã là nghệ thuật thì phải cho ra nghệ thuật, trong sáng tác cũng như trong biểu diễn, trong tổ chức môi trường sinh hoạt văn nghệ, nghĩa là phải hay, phải giỏi, phải công phu. Nghệ thuật tuyệt đối không chấp nhận sự dễ dãi, bôi bác, tuỳ tiện. Tính Đảng trong văn nghệ ta chống lại chủ nghĩa duy mỹ, nhưng bao gồm tính thẩm mỹ. “Tác phẩm có tính Đảng còn là một tác phẩm mang tính nghệ thuật cao, nó tiêu biểu cho giai cấp công nhân là giai cấp duy nhất kế thừa toàn bộ truyền thống tốt đẹp trong lịch sử và đứng ở đỉnh cao của trí tuệ loài người mà phát minh khoa học và sáng tạo nghệ thuật”.
Lãnh đạo văn nghệ không những cần hiểu rõ nó là cái gì, nó có khả năng làm được những gì, mà còn cần biết rõ nó làm những gì đó như thế nào, cần nắm vững tính đặc thù của nó.
Văn nghệ là một hoạt động sáng tạo, nhưng sự sáng tạo ở đây có những điểm khác biệt so với sự sáng tạo nói chung, với sự sáng tạo trong khoa học chẳng hạn. Một công thức, một quy luật khoa học không do người này tìm ra thì rồi cũng do người khác tìm ra, khi có hai người ở hai phương trời tìm ra thì công thức đó, quy luật đó cũng vẫn là một và có giá trị như nhau. Nhưng chỉ có một Truyện Kiều của Nguyễn Du, Nguyễn Du không sáng tạo ra Truyện Kiều thì không có Truyện Kiều, ngay Nguyễn Du cũng không lặp lại Truyện Kiều của mình. Sáng tạo trong văn nghệ mang dấu ấn cá nhân, có cá tính rõ rệt nhất, đó là những sáng tạo đơn nhất, độc đáo, không lắp lại, rất đa dạng và phong phú. Trong sáng tạo văn nghệ có cái thành công lớn, và cái thành công nhỏ, có cái thành công ngay, có cái trải qua nhiều thử nghiệm, nhiều thất bại rồi mới thành công, có cái thất bại hẳn. Tóm lại, sáng tạo trong văn nghệ là công việc của từng cá nhân, đòi hỏi công phu và tài năng.
Dĩ nhiên, tài năng không phải chỉ là bẩm sinh, tài năng cũng là công phu, tài năng cũng phải có đất mới sinh sôi phát triển được. Thực ra cũng có những người cứ tự cho mình là tài năng, thậm chí là tài năng lớn, Song, nói đến văn nghệ là phải nói đến năng khiếu, tài năng và trước sau tài năng vẫn là của hiếm, tài năng phải trở thành tài sản của nhân dân. Thế giới quan sai lầm có thể giết chết tài năng, nhưng thế giới quan cũng không thay thế được tài năng để tạo ra những giá trị nghệ thuật. Trái lại, tài năng lớn có thể khắc phục được những  hạn chế, những khía cạnh sai lầm trong thế giới quan để tạo nên những giá trị nghệ thuật tiến bộ. Đó là trường hợp Nguyễn Du, Ban-dắc, Tôn-xtôi, v.v… Nếu vừa có tài năng lớn lại vừa có thế giới quan đúng thì có thể tạo nên những giá trị nghệ thuật tuyệt vời. Cho nên lãnh đạo văn nghệ phải chú ý đến tài năng, chăm lo phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng, tôn trọng và ưu ái tài năng, có phương thức công tác riêng đối với các tài năng.
Bởi nói đến văn nghệ là nói đến năng khiếu và tài năng của từng nghệ sĩ, nên lãnh đạo văn nghệ là tác động vào thế giới quan của văn nghệ sĩ chứ không can thiệp vào công việc sáng tạo cụ thể của văn nghệ sĩ. Điều này, Lê-nin đã nói từ lâu. Lê-nin nói văn nghệ là một bộ phận trong công tác của Đảng, là “một cái bánh xe nhỏ và một cái đinh ốc nhỏ” trong bộ máy vĩ đại, thống nhất của Đảng, nhưng Lê-nin cũng nói rằng văn nghệ “là một ngành mà người ta càng không thể áp dụng biện pháp bình quân máy móc, san bằng và đem số đông thống trị số ít. Trong lĩnh vực này, cần phải tuyệt đối bảo đảm một phạm vi rộng rãi hơn cho sáng kiến cá nhân, cho các thiên hướng cá nhân, cho tư duy và cho trí tưởng tượng, cho hình thức và cho nội dung”. Đảng ta cũng đã nhiều lần khẳng định như vậy.
Tác động vào thế giới quan của văn nghệ sĩ là giúp cho văn nghệ sĩ nâng cao trình độ nhận thức chính trị, tư tưởng để nhìn nhận sự vật cho đúng, tìm đến bản chất, phát hiện ra chiều hướng phát triển tất yếu của sự vật, trên cơ sở đó bằng cảm xúc của mình tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tốt và hay. Thế giới quan càng được nâng cao thì văn nghệ sĩ càng nhạy bén nhận thức được hiện thực, càng tự do thoải mái trong sáng tạo. Còn can thiệp, nhất là can thiệp thô bạo vào công việc sáng tạo cụ thể của văn nghệ sĩ thì chẳng giúp ích gì, nhiều khi còn làm hỏng cả tác phẩm. Thường là một hệ thống hình tượng nghệ thuật gắn bó hữu cơ với nhau, độc đáo, không dễ dàng tuỳ tiện thêm bớt được trong cảm xúc, suy tư, thai nghén của nghệ sĩ. “Nhận rõ những đặc điểm của văn nghệ, Đảng ta chủ trương và trong thực tế đã phát huy tính chủ động sáng tạo của văn nghệ sĩ, giúp cho văn nghệ sĩ chọn lấy chủ đề, những hình thức nghệ thuật thích hợp với khả năng và sở nguyện của mình, chỉ yêu cầu văn nghệ sĩ luôn luôn tự giác “thật sự đặt mình dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Đối với một nghệ sĩ chân chính là trái tim anh ta thuộc về Đảng và anh ta cứ việc viết theo chỉ thị của trái tim mình, hoàn toàn tự do trong sáng tạo. Cho nên, công việc của người lãnh đạo văn nghệ là giúp cho trái tim của văn nghệ sĩ thuộc về Đảng và khi trái tim của văn nghệ sĩ đã thuộc về Đảng thì hãy để cho họ sáng tác theo chỉ thị của trái tim.
Cũng bởi văn nghệ là cuộc đời, rất đa dạng và rất phong phú ; cảm xúc của mỗi người trước cuộc đời, thị hiếu của mỗi người đối với văn nghệ đều có thể rất khác nhau nên người lãnh đạo và quản lý văn nghệ, theo gương Lê-nin, rất nghiêm túc yêu cầu văn nghệ sĩ đi đúng đường lối chính trị của Đảng chứ không đem thị hiếu riêng, sở thích riêng của mình áp đặt cho văn nghệ. Sự áp đặt đó không những không khuyến khích sự sáng tạo chân chính và có khi có tác hại, làm cho nghệ thuật trở thành khuôn sáo, thiếu chân thực, khô cứng và sơ lược.
Cuối cùng, lãnh đạo văn nghệ là quán xuyến toàn bộ nền văn nghệ trong sự phát triển, bao gồm hết thảy các thành tố của nó.
Đảng ta coi trọng lực lượng văn hoá, văn nghệ, trao cho văn nghệ sĩ một sứ mệnh nặng nề và vẻ vang. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, văn nghệ sĩ ta đã làm tròn nhiệm vụ của mình trong đấu tranh giành độc lập và tự do cho Tổ quốc, ngày nay lại tiếp tục nhiệm vụ chiến sĩ, xây dựng tình cảm và tâm hồn của con người mới, xây dựng đời sống tinh thần của xã hội mới. “Đảng tin tưởng và đánh giá cao sự cống hiến của anh chị em văn nghệ sĩ, luôn luôn mong mỏi trên đất nước ta xuất hiện nhiều tài năng sáng tạo, nhiều bông hoa nghệ thuật, nhiều sản phẩm văn hoá có giá trị cao, xứng đáng với đất nước nghìn năm văn hiến và với dân tộc anh hùng. Đảng khuyến khích sự phát triển của phong cách và tài năng nghệ thuật nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân, lợi ích của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng nền văn hoá mới, con người mới” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, Nxb. Sự thật, 1982, tr.102).
Đội ngũ văn nghệ sĩ là đội ngũ chiến sĩ của Đảng. Đảng yêu mến văn nghệ sĩ, tôn trọng tự do sáng tác của văn nghệ sĩ, đồng thời cũng yêu cầu ở văn nghệ sĩ một tinh thần trách nhiệm đầy đủ đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân. Văn nghệ sĩ muốn được tự do sáng tạo phải nâng cao thế giới quan, nâng cao trách nhiệm chính trị đối với công chúng, đối với xã hội, có được những tình cảm, những xúc động phù hợp với lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc. Tự do sáng tạo không có nghĩa là muốn nói gì cứ nói, thích viết gì cứ viết, không cần biết điều mình nói ra, viết ra có lợi, có hại cho ai. Thế thì “bức bối”, “trăn trở” – hay như có người nói “tự kiểm duyệt mình” – trong sáng tạo cũng là điều tự nhiên và cần thiết, cũng là một giai đoạn trong quá trình nhận thức tất yếu. Tự do là cái tất yếu đã được nhận thức, tự do chân chính gắn liền với trách nhiệm, Đảng yêu cầu và giúp đỡ đội ngũ văn nghệ sĩ có được cái tự do ấy.
Quá trình sáng tạo ra những tác phẩm, những giá trị nghệ thuật rất phức tạp. Đã là sáng tạo thì thường có những cái mới lạ. Những sản phẩm mới lạ này nhiều khi không dễ dàng được chấp nhận ngay, hoặc chỉ được chấp nhận ở nơi này mà không được chấp nhận ở nơi kia. Thế là sinh ra nhiều chuyện rày rà, phiền phức. Phải có một thái độ đúng đắn đối với những sáng tạo, phân biệt được cái mới thật và cái mới giả. Có những tác phẩm mà tác giả viết cả chục năm, thậm chí suốt đời, mà thất bại, đau khổ. Vậy giúp đỡ tác giả, đầu tư vào quá trình sáng tạo ấy như thế nào để có được tác phẩm hay ? Có những tác phẩm muốn có được sự đánh giá công bằng và chính xác thì phải được tiếp xúc với công chúng, được thử thách qua sự tiếp xúc đó. Cho nên có vấn đề đặt ra là cần có sự thể nghiệm. Thế nhưng có tổ chức sự thể nghiệm ấy không và tổ chức thể nghiệm ấy như thế nào ? v.v… Hàng loạt vấn đề như vậy chung quanh khâu tác phẩm đòi hỏi một sự lãnh đạo có hiểu biết, trân trọng và chu đáo.
Khâu cơ sở vật chất và phương tiện kỹ thuật cho hoạt động văn hoá, văn nghệ cũng cần được Đảng quan tâm. Ngày nay, chúng ta đã thấy rõ cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, tài chính là rất cần thiết để phát triển văn hoá, văn nghệ, để tạo điều kiện đưa nghệ thuật đến với nhân dân và đưa nhân dân đến với nghệ thuật. Mỗi địa phương nên có quy hoạch và kế hoạch văn hoá, văn nghệ để cùng các ngành khác xây dựng đất nước, xây dựng địa phương mình một cách toàn diện và hợp lý. Vấn đề kinh tế trong văn hoá, văn nghệ càng được đặt ra rõ ràng và cấp bách : tích cực sản xuất và gia công các phương tiện chuyên dùng ; đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm văn hoá ; ngoài số đầu tư của Nhà nước, cần huy động sự đóng góp của nhân dân, dùng những nguồn thu văn hoá, văn nghệ để mở rộng hoạt động văn hoá văn nghệ.
Công chúng văn nghệ nước ta hiện nay có nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ nhiều vẻ khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Đó là do xã hội ta đang phát triển lên một giai đoạn mới, công chúng văn nghệ chẳng những ngày một đông đảo hơn mà trình độ kiến thức cũng ngày càng phát triển, do đặc điểm của lứa tuổi, của địa phương, do giao lưu văn hoá với nước ngoài được mở rộng. Mặt khác, địch có âm mưu lợi dụng văn hoá, văn nghệ vào mục đích đánh phá nước ta, lại còn có tác dụng của tàn dư văn hoá thực dân mới gieo rắc những yếu tố phức tạp, mơ hồ trong thị hiếu của công chúng, v.v… Lãnh đạo văn hoá, văn nghệ cần quan tâm đến tất cả những nhu cầu và thị hiếu ấy, vừa hết sức cảnh giác với các âm mưu về văn hoá, văn nghệ và tiến hành đấu tranh, vừa quan tâm hướng dẫn, thoả mãn những nhu cầu hợp lý, những thị hiếu lành mạnh. Thoả mãn nhu cầu thẩm mỹ to lớn, nhiều vẻ và ngày càng tăng của quần chúng không phải là chiều theo bất cứ thị hiếu nào, mà là nhằm nâng cao năng lực thẩm mỹ của quần chúng. Hướng dẫn giáo dục và nâng cao năng lực thẩm mỹ của quần chúng chủ yếu bằng các tác phẩm nghệ thuật tốt và bằng sự phê bình tốt, chứ không phải chỉ bằng giảng dạy lý luận, càng không phải là bằng những thủ pháp nghệ thuật rẻ tiền, hoặc bằng sự áp đặt thô bạo.
Khâu cuối cùng là công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình. Phải thừa nhận rằng công tác nghiên cứu lý luận, phê bình văn nghệ của ta có nhiều thành tựu. Tuy nhiên, còn nhiều điểm chưa tốt : phê bình còn ngẫu nhiên, tuỳ tiện, tuỳ  hứng, sự vụ hàng ngày. Đội ngũ phê bình chưa được đào tạo, xây dựng hoàn chỉnh. Nhiều ngành nghệ thuật thật ra chưa có nhà phê bình chuyên ngành, cũng chưa có những cây bút phê bình có uy tín đánh giá đúng đắn và sâu sắc các tác phẩm nghệ thuật, đủ sức hướng dẫn sự sáng tạo của nghệ sĩ và sự thưởng thức của công chúng. Đảng lãnh đạo văn nghệ chủ yếu là thông qua công tác lý luận phê bình văn nghệ. Để có được một nền lý luận phê bình văn nghệ có tính Đảng, có trình độ triết học, chính trị và nghệ thuật cao, am hiểu cuộc sống, thấm nhuần tư tưởng đường lối của Đảng, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến việc đào tạo và bồi dưỡng có hệ thống một đội ngũ nghiên cứu lý luận, phê bình vững mạnh, đưa công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình văn nghệ đi vào nền nếp.
Tóm lại, lãnh đạo văn hoá, văn nghệ là lãnh đạo cả các khâu nói trên trong một thể thống nhất hoàn chỉnh, chứ không phải chỉ tập trung vào một khâu tác phẩm là đủ. Nói theo lý thuyết thông tin là phải theo dõi, xúc tiến và tăng cường chất lượng quá trình thông tin, từ khâu nguồn tin đến tin, phương tiện truyền tin, công chúng và cuối cùng là hiệu quả của tin trong công chúng.
“Trong nước ta, bất cứ ngành chuyên môn nào cũng đều đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Muốn cho Đảng lãnh đạo được chuyên sâu thì các cán bộ đảng viên ở mỗi ngành phải am hiểu chuyên môn, cố gắng học tập khoa học, chuyên môn từng ngành, từng nghề, đào tạo mình trở thành một người cán bộ vừa có tư tưởng chính trị tốt, vừa nắm vững tri thức khoa học”. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hoá, văn nghệ, trước hết là phải bảo đảm cho văn nghệ thực sự là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng trong cuộc đấu tranh cách mạng hết sức gay gắt và phức tạp hiện nay, đồng thời phải bảo đảm cho văn hoá, văn nghệ một phương hướng phát triển tốt đẹp và thuận lợi, bảo đảm các điều kiện tinh thần vật chất tốt đẹp để tạo ra một không khí sáng tạo hào hứng và sự thưởng thức tiếp thụ lành mạnh và bổ ích của công chúng.
Lãnh đạo văn hóa, văn nghệ vừa là lãnh đạo một mặt trận tư tưởng nhiều tính chất phức tạp, vừa là lãnh đạo một sự nghiệp và đời sống của nhân dân (đời sống tinh thần của xã hội). Chỉ có hiểu và làm như thế mới là quán triệt tinh thần nghị quyết của các Đại hội Đảng. Những người lãnh đạo văn hoá, văn nghệ cần đi sâu nghiên cứu kỹ hơn nữa các văn kiện của Đảng về văn hoá, văn nghệ, cố gắng tiếp xúc thường xuyên với nghệ thuật, trau dồi thêm hiểu biết về nghệ thuật để có thể nâng cao trình độ và hiệu quả công tác của mình trong lĩnh vực tinh tế, đa dạng, rất quan trọng và rất phức tạp này.


(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét