Thứ Tư, 30 tháng 12, 2020

Tôi viết Chuyện Tướng Độ (*)

Nhà văn Võ Bá Cường
(Trích Thời tôi sống, Nxb Hội Nhà văn, 2012)


Từ hôm đó tôi chú ý về Tướng Trần Độ, trong tôi đang bùng nổ về “việc mình, việc người”, tôi biết cái giá trước sau cũng sẽ “lòi tói”, ví như nhân dân ta hôm nay dùng hàng giả, gặp lời phù phiếm. Tôi đã từng nghe lời “oán” của dân về Đài Truyền hình mấy ngày nay, đôi lúc quảng cáo sai, quảng cáo vô tội vạ làm dân ta lầm lẫn. Nếu không vạch ra thế hệ mai hậu chịu biết bao hậu quả. Tôi chú ý đến cuộc đời chiến trận của ông là người “Thật” mà người ta bảo là “Giả”. Câu nói đó đã gieo vào đầu. Bắt tôi tìm đến sự thật.

Tôi giành thời gian đọc tài liệu của ông để lại qua người thư ký trung thực, cần mẫn Nghiêm Hà và đại tá Trần Thắng, con trai cả của Tướng quân. Tôi nhờ ông Đặng Khiêu – Giám đốc Sở Thương binh – Xã hội Thái Bình đưa vào nghĩa trang Trường Sơn làm lễ tế 10.324 liệt sĩ, xin những người lính của ông cho tôi sức khỏe để đi đến cùng việc tìm hiểu tài liệu và gặp được các nhân vật lịch sử với thái độ trung thực, khách quan.

Tôi rút điện thoại gọi ông Nguyễn Ngọc Trìu là bạn tâm giao với Tướng Độ và ông Nghiêm Hà. Ông Khiêu đứng ra mời hai ông về nhà nghỉ Đồng Châu để cung cấp tài liệu. Chẳng hiểu mô tê chi, chiều hôm đó đã có công an về báo cáo lãnh đạo Sở về việc tôi đang ở Đồng Châu lấy tài liệu viết về Tướng Độ. May sao lúc đó anh Ngữ là Phó Giám đốc Sở Công An gạt đi nói rằng “việc đẩy anh Độ tới con đường đó là do ta, chứ đâu ở anh Độ”. Nhưng tôi bắt đầu được các vị theo dõi văn hóa, văn nghệ của Sở Công An “luôn đến thăm hỏi sức khỏe”. Có lần các vị đòi tôi cho xem bản thảo. Buộc lòng tôi điện cho anh Khổng Minh Dụ - theo dõi văn hóa văn nghệ của Bộ Công An hỏi rằng: “Đảng có Nghị quyết số bao nhiêu? Hoặc Bộ có công văn nào, chỉ đạo việc nhà văn phải nộp bản thảo cho các vị bên Công An đọc?”. Anh Dụ nghe xong. Tôi đưa máy đề nghị anh nói chuyện với anh em công an đang ngồi ở nhà tôi. Sau khi nghe máy, anh em rút rất êm, rất từ tốn. Tôi biết mình không được vinh dự công khai “thăm hỏi”, thế nào các anh cũng “ưu tiên” thăm hỏi theo kiểu khác.

Tôi luôn được nếm vị cay, chua, cuộc đời cũng dần quen, nhưng lần này gặp anh X bên Công An tỉnh cứ vụng trộm để ý, xem xét, đôi lúc còn lên gặp ông “Chủ tịch văn nghệ tỉnh” bàn thời thế, luận anh hùng, rồi thăm dò thái độ nhau đối với “người” viết Tướng Độ.

Cả hai đều chẳng ghét gì tôi, nhưng tỏ ra mẫn cán. Tôi như người ăn phải lá “diếp cá” lúc nào cũng muốn nôn ọe, khi bất thần gặp hai vị ghé đầu vào nhau, miệng cười tủm.

Lại nhận được thư của đại tá Trần Thắng. Thư viết độ hơn một dòng, trong miếng giấy “…Anh có vào Sài Gòn, nhớ cẩn thận. Ở đâu điện. Tôi đến”. Ông đại tá rào ngõ không cho tôi vào nhà, bởi trong đám tang ông đã dám phản đối điếu văn của Trưởng ban Tổ chức Lễ tang Vũ Mão và ông đã bị kỷ luật trong quân đội. Sau này tôi gặp ông Thắng, quả thấy ông sống “co mình”. Tôi xuống thắp hương Tướng Trần Độ, ra mộ ông ở nghĩa trang xã Tây Giang – Tiền Hải – Thái Bình với cháu Nguyễn Văn Chung vừa đi Nga về. Tháng Sáu trời mưa, nước ngập, mộ cũ, mộ mới, đều nồng nặc mùi. Hai bác cháu tìm ra được mộ Tướng quân thật vất vả, ướt ối. Tối đó về tôi lên cơn sốt, vợ tôi gàn việc đi Sài Gòn. Nhưng vé đã mua rồi. Sao ở nhà được. Tôi an ủi vợ:

- Cụ Độ thử thách tôi qua trận ốm này xem có quyết tâm đi vào con đường “mực đọng trong nghiên sầu” không? 
Nhà văn Võ Bá Cường hóa sách Tướng Độ tại làng Thư Điền - Tiền Hải - Thái Binh

May quá ông Hà Mạnh Trí đã thu xếp chỗ ở cho tôi ở đường Hoàng Văn Thụ (Nhà khách Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao), ông cho ở luôn phòng riêng của Viện trưởng, có máy điều hòa. Ông dặn “ăn cũng ở nhà khách, rất rẻ!”. Tôi chui trong cái vỏ bọc thật an toàn, không ai nghĩ tới chẳng thằng ăn cắp nào lại đứng giơ mặt ra ở chân cột đèn đường.

Tôi gọi điện cho anh Thắng đến. Anh vào đến ngõ bị giữ lại, tôi phải xuống đón. Mắt anh trợn lên “Không ngờ. Tôi không ngờ” anh chọn chỗ ở kín đáo quá!

Hàng ngày tôi thuê xe ôm đi xuống những nơi cần đến, gặp những người cần gặp, như chị Mười Mẫn, trước phục vụ anh Nguyễn Chí Thanh, vị tướng luôn “tắm lửa”, anh Thanh mất quay về phục vụ chị Ba Định, hiện còn sống ở Sài Gòn, trông nom nơi nhang khói thờ chị Ba. Con người mà anh Nguyễn Chí Thanh, Lê Trọng Tấn, Trần Độ lần đầu gặp chị ở Đại hội Phụ nữ miền Nam (1965). Tôi gặp chị Mười Mẫn đâu chỉ một lần. Tới bốn lần gì đó tại số nhà 218 đường Paster – Sài Gòn. Nhờ đi kỹ như vậy nên trong tay tôi có được hàng đống tài liệu do đồng bào Campuchia làm rẫy phát hiện được trong cái hòm đựng đạn đại liên chôn trong rừng. Tài liệu này được chuyển về cho Công An Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2006 chuyển về cho Công An Bến Tre và chuyển cho Mười Mẫn. Lúc đó, mới tìm được tài liệu ghi chép của Tướng Độ.

Tôi gặp giáo sư Nguyễn Văn Hạnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục, Phó ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương, người đọc lá thư đầy tâm huyết của Tướng Độ gửi cho Đại hội Nhà văn lần thứ IV. Nói lên tư tưởng của Tướng Độ về đất nước trước các nhà văn, nên buộc ông phải về hưu sớm và chấp nhận cuộc sống vô cùng lao đao trong căn nhà sâu trong hẻm Quận 5.

Trời mưa, anh xe ôm không việc, tôi cũng không việc, muốn xuống nhà cô Khánh Trâm, con dâu út của Tướng Độ lấy tài liệu viết tay của ông để lại trên ba trang rưỡi giấy A4. Đấy là lời tâm huyết. Nhà Khánh Trâm ở quận Tân Bình, khu K300, cách xa chỗ tôi giấu mình hàng chục ki lô mét. Trời mưa, không có người để ý. Tôi biết công an phường nơi Khánh Trâm ở đã từng lấy tài liệu ở tay cụ Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Độ khi bước ở quán phô tô ra. Họ cũng chẳng dè cụ. Mặt tôi đáng gì khi ở nhà Khánh Trâm ra? Quả hôm đó đường đất ngập lụt, không một bóng người, vào nhà cuỗm được tài liệu gốc, mừng rớt nước mắt và lủi nhanh như thằng ăn cắp ra chỗ anh xe ôm chờ nổ máy “xéo” ngay.

Về chỗ ở, ngồi đọc lại sáu điều cụ ghi từ tháng 12/1998, sửa chữa lần cuối vào tháng 9/2000. Cụ gọi là: “Ghi trước mấy lời dặn lại cháu con và người thân”… Cụ lo đất cát chật hẹp xin được hỏa táng ở Đài hóa thân… và mong con cháu luôn là người tử tế. Di sản để lại cụ rất yêu quý và tôn trọng, đó là những ý kiến ghi chép từ 1992 cho đến lúc kết thúc cuộc đời. Những lời tâm huyết đối với đất nước, với tình hình trong Đảng, ý kiến đó theo cụ có thể đúng, có thể không, nhưng mong đời sau coi trọng và sử dụng… có lợi cho đất nước.

Đọc xong cho vào hộc tủ, nghĩ mà lo… Lỡ có ai đó nhìn thấy mình từ nhà Khánh Trâm bước ra và bây giờ tự nhiên có tiếng gõ cửa thì sao?

Tắt đèn nằm một lúc để hồi tưởng. Không ngủ được, ngó ra đường đèn đóm lập lòe sáng tối trong các hàng quán. Dân kê bục bán hàng rong, dân lang thang hè phố vẫn chen vai đi lại. Thi thoảng nhìn thấy anh tuần đường. Không tiền, tốt nhất “chớ ra ngõ”, đem bản kiểm điểm của Tướng Độ ra đọc, lấp lỗ hổng là hay nhất, đến giấc, ngủ vùi… Bản kiểm điểm ông đọc trước chi bộ Vụ Văn hóa Giáo dục – Văn phòng Quốc hội năm 1998. Mốc thời gian kiểm điểm lấy từ năm 1992 khi Tướng Độ nghỉ tất cả các chức vụ công tác về Đảng, cũng như Quốc hội. Trong kiểm điểm, Tướng Độ bộc lộ những băn khoăn, trăn trở của ông về các vấn đề trong Đảng. Điểm sáu, Tướng Độ viết: “Đảng phải làm thế nào tự “đổi mới” về mọi mặt, có thể xứng đáng với vai trò lãnh đạo của mình trong tình hình mới”… Đảng có nhiều ưu điểm trong lãnh đạo cách mạng và chiến tranh. Nhưng ngày nay tình hình nhiệm vụ đã khác. Thế là, ưu điểm kéo dài sẽ trở thành khuyết điểm.

Một nhà báo nước ngoài đã nhận xét: “Trần Độ chẳng qua là con ngựa già đang tìm cách bảo vệ cho cái Đảng của ông ấy!”. Ông cho đó là một nhận xét đúng. Tuy họ có ngụ ý chê bai ông.

Ông đã từng vượt qua những lời khuyên tiêu cực của bạn bè: “Nói làm gì! Nói có ai nghe? Thôi thì cứ mũ ni che tai mà an hưởng tuổi già”.

Ông cũng đã từng vượt qua những lời tâng bốc, kích động. Tất cả chỉ để ngoài tai. Ông chỉ nói theo lương tâm của người cộng sản.

Có người trách cứ “tán phát tài liệu”… ông không chấp nhận. Điểm 10… ông nói:

“Lẽ ra tôi phải kiện cơ quan Công An và Bưu Điện đã xâm phạm vào quyền công dân của tôi. Có thể kiện về tội vu cáo, vu khống, bôi nhọ danh dự tôi… nhưng tôi đành im lặng. Vì ta không có cái dân chủ tối thiểu, công khai và sòng phẳng thì đành chịu vậy. Tình trạng như thế này nói lên “thực trạng của xã hội ta là như thế nào?”

“Tôi lo lắng băn khoăn, trăn trở cho tình hình đất nước, phải làm gì lúc này? Tình thế sẽ đi về đâu?... Tôi vẫn giữ quyền là một đảng viên, một người cộng sản. Tôi không có lời lẽ nào, một hành động nhỏ nào làm xấu cho Đảng, làm hại cho Đảng…”

Đọc xong, tôi như người bước ra giữa những tiếng nổ. Tôi tưởng tượng ngôi nhà tôi đang ở như bị đánh sập, chỉ còn mờ mịt bụi trong ánh điện… Trước tâm trạng của vị tướng như thế đó, nhà văn im lặng thản nhiên, hay tự mình phải vượt qua những hồi còi báo động, những ánh chớp nhằng nhịt, đi tìm sự thật, cất lên tiếng nói sự thật… như Tướng Độ đã sống và nói.

Chuyện của ông ngày càng hấp dẫn bởi sau mấy ngày, tôi và Thắng chui rừng miền Đông, nơi Bộ Tư lệnh Miền đóng. Tôi xuống hầm ông ở, đến nơi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, ông tướng nông dân đóng. Vào hầm chị Ba Định và tướng Trần Văn Trà, đọc rồi đi thực địa càng sáng mắt, tự răn mình hết sức cố gắng, đừng làm con trâu chạy nhông nhông trên cánh đồng gặm cỏ, mà làm con trâu của nông dân chăm chỉ kéo cày.

Trở ra Bắc, tìm đọc toàn bộ những bài phát biểu của ông qua Đại tá Nguyễn Trần Thiết. Nhà văn, nhà báo, người hiểu Trần Độ và qua ông tôi biết kỹ lưỡng đám tang Trần Độ với bốn cái “bất” mà nhà văn Nguyễn Trần Thiết đặt ra sau đó.

Nhà văn Nguyễn Trần Thiết hôm đó đang dọn nhà, bề bộn quá, xô bồ quá. Từ phố Lý Nam Đế sang đường Phan Đình Phùng có một đoạn, ông nhà văn già đưa tôi ra quán để phô tô lá thư ông gửi cho Nguyễn Thanh Hải, lúc ấy là Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh phản đối công an phường “đoạt” tài liệu của Tướng Độ. Thư nhà văn danh xưng là “chú” gọi ông Hải là cháu. Ông nói với đứa cháu chủ tịch trong “nớ” rằng, tình trạng “đoạt” tài liệu đừng để nó tái diễn.

Ông chia sẻ sự gian khổ và nguy hiểm của tôi khi đi lấy tài liệu và không quên nhắc tôi “cẩn thận” cũng như hôm trong Sài Gòn, giáo sư Nguyễn Văn Hạnh nói trong nước mắt khi thấy nhà văn “túng nõ đít” lang thang vào Sài Gòn, cơm quán, ngủ nhờ, xe ôm đi khắp đó đây… để làm việc nghĩa, rồi giáo sư ấn vào túi tôi “một triệu đồng” chỗ đám giỗ Tướng Độ ở nhà đại tá Trần Thắng, giáo sư bảo:

- Cầm lấy để lộ phí đường xá.

Nhà văn như anh em mình lấy tiền đâu ra, đỡ nhau một chút có sao. Còn nhà văn Nguyễn Trần Thiết, hôm nay, ghé tai tôi nói nhỏ:

- Cuốn viết về Dương Văn Minh của mình được ông Kiệt ủng hộ, hơn hai mươi năm rồi vẫn chưa ra được.

Rất mừng, sau lời phàn nàn, từ tháng 7 năm 2007 qua đi. Hôm rồi cuốn sách đã được ra mắt bạn đọc một cách đàng hoàng ở nhà xuất bản Văn hóa, tức là sau ba mươi năm tác giả cùng long đong với số phận của tác phẩm. Cho nên tôi tin, đến lúc nào đó, bạn đọc trong và ngoài quân đội sẽ được đón đọc tập hai Tướng Độ của tôi để thấy sự bùng nổ tư tưởng của ông Độ đòi hỏi chỉnh đốn Đảng và đổi mới đất nước. Từ năm 1974, qua lá thư 13 trang đầy tâm huyết gửi cho anh Trường Chinh, Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. Thư này tôi đã cho in nguyên vẹn trong tập “Chuyện Tướng Độ” do Nxb Quân đội Nhân dân phát hành tháng 7/2007. Có lần Tướng Độ phải hét to rằng “tôi không chống Đảng, mà chống sự ô nhiễm trong Đảng”.

Lời kêu than ấy lúc ông tranh biện với người ta khi ông bị buộc tội “chống Đảng”. Hôm nay tôi đọc lại thấy mình đi lẫn trong tiếng gió hú, hoặc tiếng sóng biển vỗ vào kè đá.
(*) Đầu đề do chúng tôi đặt.

2 nhận xét:

  1. đang tìm mãi bài của GS Tương lai viết về Ông Già nhà Quang nhân dịp giỗ cụ mà chưa tìm đc. Nếu có Quang cho đăng lên nhé. NTTM- K16A

    Trả lờiXóa