Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014

Hai việc chính phải làm ngay sau khi chiến đấu




Sau một cuộc chiến đấu, có rất nhiều việc phải làm một lúc.

Nhưng theo tôi có hai việc chủ yếu, phải làm ngay lập tức và làm bằng được, thì các việc khác cũng tiến hành được tương đối dễ dàng:


Một là củng cố và đề cao tư tưởng, hai là nắm ngay thực lực, chấn chỉnh tổ chức, hồi phục sức khỏe để sẵn sàng chiến đấu.

Vừa qua, ta mắc nhiều khuyết điểm. Sau chiến đấu thấy nhiều việc, cán bộ cứ tung quân đi làm, không có kế hoạch. Do đó, về đến vị trí trú quân chỉ biết đếm mặt những người còn lại, không rõ được con số thương vong. Thế là việc nắm thực lực và chấn chỉnh tổ chức chậm. Sau đó, một mặt anh em mệt mỏi, mặt khác công việc lại dồn dập lấy gạo, súng, thu chiến lợi phẩm, tiếp tục làm trận địa, v.v… Cán bộ và chi ủy không nắm được tình hình tư tưởng. Anh em không biết mình thắng thế nào? Có gì hay dở, bây giờ nên làm thế nào? Vì thế có người tếu, chủ quan, có người thương nhớ bạn đâm ra buồn. Có người mệt mỏi uể oải. Thế là thắng xong mà không củng cố và đề cao được tư tưởng.

* * *

Tôi đề nghị 3 ý kiến:

1- Về nắm thực lực và chấn chỉnh tổ chức

Dứt tiếng súng phải làm ngay việc này, không đợi về vị trí trú quân. Trong khi có việc gì gấp ai làm cứ làm, nhưng cán bộ tiểu đội phải nắm ngay tình hình bộ đội mình, thương vong những ai, tên gì, nặng nhẹ, súng đạn mất gì? Được gì? Hội báo ngay cho cán bộ trung đội. Nếu 3 trung đội đều nắm và kiểm tra, cán bộ đại đội nên chia nhau đi các trung đội. Việc này tôi cho rằng làm chậm nhất mất 10 phút. Nếu đại đội nắm được rồi thì đại đoàn cũng sẽ nắm rất nhanh. Có nắm được như thế, khi hành quân về, cán bộ và chi ủy mới có ngay dự kiến chấn chỉnh tổ chức cho sát được.

Việc này cần giáo dục đầy đủ ý thức trách nhiệm cho tất cả các cấp cán bộ tiểu, trung, đại đội. Cấp nào cũng làm hết trách nhiệm thì được ngay.

2- Về củng cố và đề cao tư tưởng

Sau trận đánh lập tức có một nhận xét sơ bộ về trận đánh. Ta thắng thế nào? Nguyên nhân ở đâu? Việc này thường ở cấp đại, trung đoàn từ trước có làm kịp thời. Nhưng ở dưới không tranh thủ phổ biến. Nếu chưa có, tiểu đoàn, đại đội cũng có thể nhận xét ngay xem đơn vị mình hoàn thành nhiệm vụ thế nào? Sau đó nêu cao căm thù, chuyển thương nhớ thành sức mạnh, nhắc lại quyết tâm liên tục và các kỷ luật sinh hoạt để đề phòng chủ quan tự mãn.

Việc này làm cũng không lâu, nếu làm chung được càng hay, nếu không nắm lấy cán bộ tiểu đội, tổ trưởng Đảng, chiến sĩ thi đua (tức là cốt cán) phổ biến rồi do đó mà truyền đạt cho cả đơn vị. Sau đó có những nhận định sâu sắc hơn của cấp trên, phải tranh thủ phổ biến lại (lối phổ biến theo như trên). Đánh xong một trận, mọi người chờ mong điều này lắm. Làm được xong việc này, Chi ủy phải nghiên cứu ngay tư tưởng diễn biến trong khi đánh và những biểu hiện sau khi đánh, phát hiện vấn đề phân tích kỹ rồi tiếp tục lãnh đạo giải quyết.
Trên sông Nậm Rốm. Ảnh: Trần Độ
3- Có một việc rất quan trọng nữa là tuyên truyền chiến thắng và nêu cao gương anh dũng. Đại đội phải phát hiện ngay những gương xuất sắc nhất báo cáo lên trên. Cấp trên tổ chức lấy ngay tài liệu để phổ biến và nêu cao gương học tập.

Nếu làm được như thế thì chỉ sau khi dứt tiếng súng từ nửa giờ đến một giờ có thể tạm thời ổn định được cả về tư tưởng và tổ chức, nếu có tác chiến ngay cũng không lo ngại gì lớn. Cố nhiên sau đó tình hình còn có nhiều thay đổi (như khi hành quân về bị thương vong v.v…). Nhưng căn bản cũng đã giải quyết được vấn đề. Sau 2 giờ đồng hồ, trung đoàn cũng có thể nắm vững tình hình. Nếu đã ổn định tương đối được tình hình về tổ chức và tư tưởng thì về sau những công việc khác như bổ sung đạn dược, quân số, đi lấy gạo, bình công đều dễ dàng tiến hành.

Vài ý kiến trao đổi. Mong các đồng chí hưởng ứng.

TRẦN   

(Báo Quân đội Nhân dân, số 137, ngày 25/3/1954)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét