(Bút ký về 2 nữ chiến sĩ thi đua Diệu Linh và Nguyễn
Thị Thắm)
I
Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua, dũng sĩ là đại hội
của những con người kỳ diệu. Mỗi cuộc đời, mỗi quá trình đi vào cách mạng, quá
trình công tác và chiến đấu đều mang theo một màu sắc đặc biệt, đều quan hệ với
một tập thể và mỗi tập thể đều có muôn vàn sự tích sáng ngời chủ nghĩa anh hùng
cách mạng.
Trong Đại hội không thể nào nghe hết, hỏi hết được mọi
người. Thường có một sự tình cờ nào đó làm cho ta chú ý và hỏi han được nhiều một
hay hai người mà thôi.
Cũng sự tình cờ đó làm tôi quen được với hai cô gái rất
trẻ, nhỏ nhắn, dịu hiền, mà lại nhiều sự tích anh hùng. Hai cô cùng ở một đơn vị
vận tải, cùng ở một tiểu đội, cùng là chiến sĩ thi đua xuất sắc của đơn vị. Vậy
thì hai cô đã có những hoạt động mật thiết với nhau nhiều và chắc chắn là nhiều
thành tích xuất sắc. Hai cô đó tên là Diệu Linh và Thắm đều có cấp bậc là tiểu đội
trưởng; hai cô đã xa nhau và phụ trách 2 tiểu đội khác nhau từ mấy tháng nay.
Cô Diệu Linh sắp đi học lớp cán bộ trung đội. Hai cô cùng công tác chung với
nhau gần một năm rưỡi, rồi xa nhau mấy tháng và mới gặp lại nhau ở Đại hội mừng
công Quân khu và bây giờ ở Đại hội mừng công toàn Miền.
* * *
Tôi chưa kịp tưởng tượng những
“chiến sĩ vận tải” chân đồng vai sắt, có nhiều thành tích kỳ lạ ấy như thế nào
thì đã gặp hai người con gái ấy với tất cả hình dáng nhỏ nhắn dịu dàng, mềm mại
của những “cô gái nhỏ” Việt Nam. Diệu Linh tuy đã hai mươi mốt tuổi mà thon nhỏ
và mảnh dẻ như một cô gái 16 tuổi, có dáng dấp một học sinh trung học. Cô có
một khuôn mặt trái xoan với màu da trắng hơi xanh và một vầng trán khá cao.
Nhưng đôi mái tóc đen mượt của cô từ đường ngôi xoã xuống che mất hơn nửa vầng
trán đó, có nhiều sợi lẻ loà xoà trước mắt, làm cho gương mặt sáng sủa mang
theo một vẻ khắc khổ ưu tư. Khi Linh không cười thì nét mặt già dặn, có dáng
dấp nét mặt của một cán bộ lo công việc, nghiêm trang. Nhưng lúc Linh cười,
toàn bộ khuôn mặt thay đổi. Cái miệng xinh xắn với hàm răng trắng rất đều và
đẹp sáng bừng lên làm cho khuôn mặt của Linh non trẻ, tươi tắn như khuôn mặt
một em bé đang vui đùa. Chiếc khăn rằn sọc xanh nhạt quấn hờ hững quanh cổ thả
hai vạt xuống tấm áo bà ba đen càng tăng thêm vẻ dịu hiền. Linh nói đến công
việc của mình một cách rất hăng say với một lòng tin giản dị và sâu sắc: công
việc vận tải là một công việc không thể thiếu được của sự nghiệp cách mạng, nó
liên quan đến xương máu của chiến sĩ, liên quan đến mồ hôi và máu của đồng bào,
đồng chí; nó nối liền hậu phương với tiền tuyến. Linh nói chuyện nhanh và giòn
và luôn kêu Thắm nhắc lại những kỷ niệm trong quá trình công tác của hai người
với những câu thân mật: “Mày nhớ không, Thắm?”.
Cô Thắm thì lùn, nhỏ và tròn người. Thắm có khuôn mặt
tròn, tóc kẹp gọn về đằng sau, có đôi mắt sáng và mũi hơi tẹt. Thắm ít linh hoạt
hơn Linh, nét mặt hơi buồn, miệng Thắm tròn tròn, ở giữa đôi má phinh phính, có
một vẻ vừa như giận hờn vừa như nũng nịu. Cô cũng hay cười; nhưng khi nói đến
những chuyện không vui, trong cái cười của cô có đượm nước mắt. Ngược lại khi cô
khóc thì lại gạt nước mắt mà cười. Nghe cô kể chuyện hoạt động của cô thì thấy
cô mang cái tên Thắm thật hay và nhiều ý nghĩa. Đời cô Thắm đượm nhiều tình cảm,
tình quê hương, gia đình, thắm tình đồng chí đồng đội, thắm tình cách mạng. Tình
cảm của Thắm chân thật, đơn sơ và sâu sắc, nó phát triển từ một tình yêu bẩm
sinh tốt đẹp của loài người như một cây hoa quý tự nhiên nở ra những bông hoa
thơm ngát.
* * *
Trung đội của các cô là một trung đội vận tải nữ. Nó được
thành lập do nhu cầu bước phát triển mạnh mẽ của các lực lượng giải phóng hồi
giữa năm 1965. Diệu Linh là một trong những chiến sĩ đầu tiên của đơn vị.
Con đường mà Diệu Linh đi vào cách mạng cũng là con đường
tất yếu của những người trẻ tuổi có tấm lòng trong trắng muốn đi tìm một cuộc sống
có ý nghĩa, làm được nhiều việc tốt đẹp.
Linh quê ở Quảng Nam, những ngày thơ ấu đã trôi qua ở nơi quê hương có vườn
dâu xanh mướt bát ngát, những nong kén tằm óng ả và những nồi ươm tơ lóng lánh
tơ vàng, những xa quay tơ có tiếng xè xè nhè nhẹ dịu hiền như tiếng ru con. Nhưng
Linh đã phải sống những ngày thơ ấu trong những luồng gió xoáy của cơn bão táp
cách mạng. Linh không biết mặt cha. Cha Linh đã mất khi Linh mới ra đời được 18
ngày, để lại mẹ Linh mới 30 tuổi nuôi sáu đứa con nhỏ, mà đứa lớn nhất, chị Hai
của Linh mới 10 tuổi. Mẹ Linh buồn phiền phát điên lên và đau ốm mãi nên Linh
phải đi bú nhờ sữa mà sống. Người mẹ trẻ yêu nước đó đã chịu nhiều đau khổ.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, giặc đã bắt bỏ tù bà một lần. Chúng đến cướp
phá làng xóm, lấy báng súng đập chết đứa con thứ 5 của bà là chị Sáu của Linh,
lúc Linh mới 6, 7 tuổi. Bà phải đi lượm xác con bị bỏ phơi nắng bên bờ sông Thu
Bồn. Bác của Linh cũng bị giặc Pháp bắn chết. Mẹ Linh lại phải nuôi thêm hai người
con trai của bác. Những năm 1957-1958 đến 1962, 1963, gia đình Linh luôn luôn sống
trong sự khủng bố tàn bạo của Mỹ - Diệm. Mới lên 5, 6 tuổi, Linh đã cùng các
anh, các chị đi khóc lóc đấu tranh đòi mẹ, không cho bọn Pháp đày mẹ đi Côn Đảo.
Lúc hơn 10 tuổi, Linh phải đem cơm cho mẹ và khi mẹ ở tù. Linh đã trông thấy mẹ
bị đánh què chân què tay, ra nhận cơm xong phải bò lê trở vào trong khám. Mẹ
Linh bị tù 1 lần vào năm 1958, một lần năm 1962. Đến lúc Ngô Đình Diệm đổ, bà mới
ra tù với thân hình ốm đau tiều tuỵ. Tuy nhiên gia đình Linh là một gia đình bất
khuất như muôn gia đình cách mạng Việt Nam khác. Chị Hai của Linh thoát ly đi làm cách mạng, chị
Ba bị ở tù, anh Ba (con ông bác) đã khai với bọn giặc về nghề nghiệp của mình là
“chuyên môn đi ở tù”, cả hai chị đầu của Linh cũng đi ở tù để lại đứa con vừa 3
tháng cho mẹ Linh nuôi. Anh Năm (anh ruột) của Linh đi bộ đội giải phóng, về
sau hy sinh trong trận Đồng Dương (1965). Chú Linh và người anh họ bị giặc giết
hại và Linh đã biết rõ cảnh chị dâu của Linh đấu tranh quyết liệt với giặc khi
giặc gọi chị đi nhận người chồng bị đánh đến hấp hối.
Tâm trí nhỏ dại của Linh trong tuổi để nhận mặt chữ,
nhớ những câu hát hay, những trò chơi vui vẻ, đã buộc phải nhận thấy “Quốc gia”
và “Việt cộng”. Linh đã thấy “Quốc gia” là những tên lính hống hách đã bắt mẹ
Linh, doạ đồng bào, giết người ở chợ Được và Vĩnh Trinh. Chợ Được và Vĩnh Trinh
ở ngay trong huyện của Linh, đã làm hằn lên những vết thương căm thù trong tâm
hồn thơ dại của Linh. Cũng như Trần Dưỡng, Linh đã đến đập Vĩnh Trinh để nhìn
thấy những đám quạ đen vừa kêu những tiếng ghê rợn vừa vây kín lấy những mảng
thịt rữa nát của những người yêu nước nổi lềnh bềnh trên làn nước xanh đục,
tanh hôi, phủ đầy ruồi nhặng. Trong tâm trí Linh tự nhiên hiện lên những câu hỏi
chua cay của cuộc sống ngột ngạt, căm thù: “Phải sống thế nào đây? Phải lớn lên
thế nào đây?”. Linh thấy đồng bào ghét bọn “Quốc gia” và âm thầm bí mật nấu nhộng
với muối, chà tróc vỏ, gói thành những gói bột nhỏ gửi lên chiến khu. Linh biết
chiến khu là nơi ở của các Chú, các anh “Việt cộng”. Tình yêu ghét cứ nảy nở phát
triển lên trong tâm hồn Linh và tự nhiên đưa Linh đi theo một con đường không cần
mất công chọn lựa. Nhưng con đường đó không phải thẳng băng và nhẵn nhụi,…
Những trận mưa lụt dữ dội năm 1964 chìm ngập quê hương
của Linh đưa Linh phải phiêu bạt xa mẹ, xa nhà. Từ những ngày còn rất ít tuổi
Linh đã đi làm thuê kiếm sống và nuôi dưỡng mẹ già. Những trận bão lụt đã cuốn
mất cả cái nguồn sống ít ỏi của Linh. Linh xin mẹ vào Sài Gòn tìm cô để kiếm việc
làm. Linh hy vọng sẽ kiếm tiền nuôi mẹ qua cơn đói kém. Linh chẳng biết Sài Gòn
ở đâu, chỉ đôi lúc Linh thấy những người đi làm ở Sài Gòn về đều ăn mặc sang trọng,
nên Linh mong rằng vào trong ấy dễ kiếm tiền hơn. Mẹ Linh đã phải đành lòng chạy
vạy 2000 đồng để đưa Linh đi. Cũng may Linh vào gặp được cô và nhà cô có mấy
khung dệt, bà nhường hẳn cho Linh hai khung. Linh bắt tay vào làm ăn thì bắt gặp
người em họ, nhưng vì lớn tuổi hơn nên Linh gọi bằng chị. Chị Hai hỏi thăm Linh
về tình hình quê nhà và băn khoăn sao Linh không đi theo đường của các anh chị
mà vào đây làm gì? Linh kể lại hoàn cảnh gia đình và thổ lộ với chị là ở nhà
Linh xin đi nhiều lượt nhưng mẹ không cho vì nói Linh còn nhỏ dại. Qua nhiều câu
chuyện tâm tình, chị Hai thành thật bảo Linh: “Tôi không biết Giải phóng đâu?
Nhưng tôi có thể giúp chị đi tham gia cách mạng ở vùng giải phóng được”. Linh
sung sướng quá muốn đi ngay bây giờ nhưng rồi nghĩ đến mẹ ở nhà còn nợ 2000 đồng,
nếu Linh đi mẹ làm sao trả được? Linh quyết định ở lại ít lâu làm kiếm tiền gửi
về cho mẹ. Linh dồn hết nhiệt tình của mình vào việc làm ăn với ý nghĩ cố gắng
làm dịu bớt nỗi vất vả lo âu của người mẹ thân yêu đáng kính. Linh không thiết ăn
uống, đi chơi. Ngày nào Linh cũng thức từ 3 giờ sáng cho đến 9 – 10 giờ đêm, dệt
hàng trăm thước vải. Linh làm thế suốt 4 tháng liền không hề nghỉ ngơi. Nhiều lúc
bà cô sợ Linh bệnh, khuyên Linh nên nghỉ nhưng lòng mong sớm được đi làm cách mạng
làm Linh chẳng hề biết mệt. Kết quả, Linh dành được món tiền khá lớn. Linh gửi
về cho mẹ 3000 đồng và Linh ra chợ sắm ít đồ gửi về cho mẹ. Linh nhớ mẹ chỉ có độc
nhất một cái áo dài đã rách mà bà hay dùng đi chợ hoặc đi đám. Linh định mua
cho mẹ đã lâu mà không có tiền, nay Linh quyết định mua cho mẹ một cái áo và ít
thuốc men, còn Linh mua 1 cây viết, 1 áo ấm và vài thứ lặt vặt để đi…
Ngày Linh ra đi, Linh gặp rất nhiều ngạc nhiên và bỡ
ngỡ. Linh phải thuộc cả ám hiệu và tín hiệu rồi đến gặp người đón ở một tiệm nước.
Người đón Linh là một cô gái ăn mặc lố lăng mà hồi đó Linh rất không ưa. Chị này
đưa Linh ra ngoại thành và giới thiệu Linh cho một thanh niên ăn mặc chải chuốt.
Sau khi học thêm ám tín hiệu, Linh lại được giới thiệu với một bà má. Bà má dặn
dò Linh cách thức đi đường và cách đối phó với những lúc gặp khó khăn rồi bà đưa
Linh đến vùng giải phóng.
Ở đây Linh trông thấy khẩu hiệu của Mặt trận treo la
liệt, Linh mừng thầm là đã gặp “Giải phóng”. Hôm sau Linh được đưa đi tới “Phòng
tuyển mộ tân binh”. Linh hình dung phòng này sẽ là một căn phòng to lớn có bàn
ghế hẳn hoi. Linh đi đến một khu rừng anh em cho mượn võng mắc nằm chờ. Linh hỏi
các anh đi bên cạnh “Phòng tuyển mộ tân binh” đâu, chưa thấy. Anh em giải thích
rõ cho Linh “Phòng tuyển mộ tân binh” chính là khu rừng này. Linh nhớ lại khi đi,
chị Hai có dặn, khi ai hỏi nguyện vọng thì trả lời: “Đảng phân công đâu tôi làm
đó” và đối với Linh, Đảng bấy giờ như một vị thần linh tài giỏi như Phật hoặc
như Chúa Trời. Khi Linh đi lĩnh đồ, người ta bảo đi tới nơi Đảng phát đồ. Đến nơi
Linh nhìn xung quanh không thấy bức tượng nào mà chỉ thấy một ông già có vẻ nông
dân cục mịch, mặc quần áo rách, da dẻ khô sạm và nhăn nheo đứng phát đồ. Linh hỏi
Châu là em giao liên:
- Đảng đâu không thấy hở Châu?
Châu chỉ ông già rồi nói:
- Đảng đó
Linh cãi lại:
- Thôi đừng nói bậy. Và Linh cứ thắc mắc trong lòng: ông
này là Đảng thì sao lãnh đạo được toàn dân. Sau này, Linh mới dần dần hiểu rõ Đảng
là một tổ chức tập thể lớn gồm những người hăng hái đi đầu làm cách mạng. Cái tập
thể ấy sau này thu hút cả Linh, Thắm và nhiều cô gái khác trong đơn vị của Linh
nữa. Thế là Linh trở thành “Tân binh” trong một đoàn tân binh gồm mấy chục
thanh niên nam và 8 cô nữ. Trải qua 2 tháng tập dượt thử thách trong công tác
phục vụ chiến dịch Đồng Xoài, Linh cùng các bạn cô chính thức gia nhập đơn vị vận
tải mới thành lập. Sau mấy tháng công tác thì Thắm cũng được bổ sung vào tiểu đội
của Linh.
* * *
Thắm đi vào cách mạng bằng cả tuổi thơ tươi thắm của mình.
Thắm kém Linh 1 tuổi và quê ở Long An. Má Thắm mất sớm. Ba Thắm có má ghẻ.
Trong những năm bọn Diệm dồn dân vào ấp chiến lược, Thắm còn là một đứa bé dại
dột. Ba Thắm hứa với Thắm sẽ kiếm cái xe bán nước đá. Thắm mê lắm và thúc giục
ba hoài. Trong thời gian này, Thắm có quen với mấy anh du kích, Thắm khoe chuyện
“bán nước đá” với các anh. Mấy anh ái ngại và giảng giải Thắm nghe: “Em bán nước
đá, tụi lính nó ăn không trả tiền làm sao em đòi. Gặp tụi Mỹ nó không biết tiếng
mình, đòi nó đánh mình thêm”. Thắm suy nghĩ và cảm thấy rõ rệt sâu sắc là “mấy
anh du kích thương mình thiệt nên mới khuyên mình thế”. Thắm nhất định không thèm
nghĩ đến chuyện “bán nước đá” nữa. Thắm bảo thẳng với ba. Ba cũng phải chịu. Càng
ngày Thắm thấy cuộc sống chiến đấu của mấy anh du kích hấp dẫn Thắm. Thắm đâm
“mê” đi làm cách mạng. Thắm thấy bà con ai cũng thương các anh du kích, bà con
ai cũng hăng hái tham gia công việc phá đường, đắp công sự, giúp các anh đánh
giặc. Thắm thấy rõ một bên là bà con mình và các anh du kích, một bên là bọn Mỹ
và bọn lính nguỵ gian ác. Bà con đua nhau làm cách mạng, cả anh Thắm cũng thế.
Ba Thắm không làm gì nhưng cũng không hề có ý phản đối cách mạng, mà chỉ lo Thắm
còn nhỏ không làm được việc gì, nên ngăn cấm và hay chửi mắng Thắm. Nhưng khi tình
cảm của Thắm đã gắn bó với bà con, với cách mạng thì tình cảm ấy lôi cuốn Thắm
mạnh mẽ lạ thường. Thắm đã nhất định chống ý kiến ba, kiên quyết ở lại xóm cũ,
không vào ấp chiến lược. Thắm rủ đứa em ở lại với Thắm, hai đứa ngủ tròn trong
một cái nia đút ở gầm gường, mặc cho pháo địch bắn chung quanh. Đêm đêm Thắm thường
trốn nhà đi theo bà con ra đường, đắp cản. Đã mấy lần Thắm quyết tình thoát ly đi
làm cách mạng. Thắm ôm quần áo trốn nhà ra với các anh du kích. Thắm năn nỉ xin
đi, các anh bảo Thắm còn nhỏ quá và gia đình cũng chưa đồng ý cho Thắm đi, nên
các anh không cho. Thắm khóc và lủi thủi ôm quần áo về. Nhờ đứa em đồng tình giúp
đỡ, nên Thắm khỏi đòn. Đến khi 16 tuổi, Thắm thiết tha xin các “chú Chi bộ” cho
Thắm thoát ly đi làm cách mạng. Các chú không cho bảo Thắm còn bé. Mà thật thế,
Thắm lùn ốm nên nhỏ xíu. Thắm khóc mãi và năn nỉ thiết tha trình bày hoàn cảnh
gia đình và ý nguyện của mình. Cuối cùng các chú thương hại, cho đi. Trong một
chuyến đi phá hoại, Thắm quyết định giấu ba, ôm quần áo đi luôn và không trở về
nữa. Chuyến phá hoại đó có anh Thắm cùng đi. Thắm nói với anh là Thắm đi. Anh tưởng
Thắm đùa nên mắng yêu: “mày đi ăn cứt chớ đi đâu”, nhưng đến lúc đoàn dân công
liên hoan tiễn các anh chị em “tòng quân” thì anh Thắm không nói được gì, chỉ
nhìn Thắm chăm chăm mà rưng rưng nước mắt. Thắm hết sức xúc động vì biết là anh
thương Thắm lắm nhưng Thắm làm bộ như không để ý, thản nhiên như không. Thắm nhớ
mãi đến phút cuối, anh Thắm mới hỏi: “Mày đi thiệt hả Thắm?”. Thắm thương anh
quá nhưng để nén xúc động, Thắm nói ngang “không đi thiệt thì đi chơi à!”. Anh
Thắm yên lặng nhìn Thắm hồi lâu rồi lục vét túi mãi lấy ra mấy chục đồng đưa
cho Thắm và dặn dò: “Em đi ráng làm nhiệm vụ cho tốt, cất mấy chục đồng mua đồ
xài, vì anh đâu biết em đi mà đem tiền”. Thế là anh bật khóc hu hu. Thắm lên đường
vừa nén xúc động vừa nói thêm một câu thật ngang nữa: “Em đi làm cách mạng chớ
chết đâu mà anh khóc?”.
Thế là Thắm đi tòng quân. Trải qua 3, 4 lượt người ta
nhận quân đều chê Thắm con nít đòi trả lại. Thắm năn nỉ mãi mới qua được những đoạn
gay go ấy và cuối cùng mới được nhận và phân công tác. Các anh hỏi nguyện vọng,
Thắm lo quá, chờ các chị trả lời sao, Thắm bắt chước nói vậy. Nhưng các chị nói
thích “quân trang”, người nói thích “y tế”, Thắm không hiểu nên Thắm không thể
nói được. Cuối cùng Thắm nhớ hồi đi các chú dặn “Đảng phân công gì, tôi làm nấy”.
Thắm thấy câu nói ấy có đường hay hơn và Thắm nói câu đó. Thế là Thắm được phân
phối đi làm giao liên hoả tốc.
Gần một năm Thắm làm giao liên hoả tốc, Thắm cũng gặp
lắm nỗi gian nan, gay nhất là Thắm không biết chữ thành ra không biết đưa thư
cho ai, đưa thế nào. Thắm phải ghi nhớ trong đầu tên những người nhận thư rồi đánh
dấu riêng bằng dấu của mình như buộc chỉ xanh chỉ đỏ vào thư. Khi các anh nhận
quân thì hay chê Thắm bé yếu, nhưng nay chính nhờ Thắm còn bé mà Thắm hoàn thành
nhiệm vụ giao liên một cách thuận lợi. Đã nhiều lần Thắm phải đóng kịch, khi đi
tìm “bà mụ” cho mẹ sắp sinh, khi thì đi mua thuốc cho bà nội, để vượt qua đồn địch
hoặc vượt qua trận địa phục kích của địch. Thắm rất thương ba và nhớ ba, thế mà
một lần đi đưa thư, Thắm thấy ba đi ngoài đường phố mà không dám nhận sợ ba làm
ầm lên, hỏng việc. Thế rồi vì một hoàn cảnh đặc biệt, đơn vị giao liên của Thắm
không còn nữa, Thắm được bổ sung vào trung đội vận tải nữ, vào tiểu đội của Diệu
Linh.
* * *
Trung đội nữ vận tải thành lập vào cuối tháng 4, thì
Diệu Linh cùng 7 bạn nữ tân binh sau khi phục vụ chiến dịch Đồng Xoài được bổ
sung vào khoảng tháng 5-1965. Trừ một cô chuyển sang giữ kho còn 7 cô chia ra bổ
sung vào 3 tiểu đội: Thơ, Huệ về tiểu đội 1; Yến, Em về tiểu đội 2, còn Dôm,
Linh, Út Lệ về tiểu đội 3. Mỗi tiểu đội này là một gia đình thân thiết. Mọi người
gắn chặt với nhau bằng tình cảm cách mạng, một tình bạn, một tình đồng chí, một
tình chị em ruột thịt sâu sắc nhất. Ngay khi gặp nhau ở Phòng Tân binh và trải
qua một chuyến phục vụ, tình cờ có một cuộc kết nghĩa thống nhất Bắc Nam rất hay của ba cô. Linh quê ở miền Trung, Dôm quê Nam bộ, Huệ vốn là một gia đình người Bắc vào Nam từ lâu. Linh 19 tuổi là chị cả, Huệ 17 tuổi là em út.
Mỗi tiểu đội đều luôn có thay đổi tổ chức, cuối năm
1965, Linh làm tiểu đội phó vào đầu năm 66 là tiểu đội trưởng. Nhưng bất cứ lúc
nào tiểu đội cũng là một sự tập hợp kỳ diệu của các cô gái dũng cảm và đáng yêu
của cách mạng. Nghe Diệu Linh và Thắm nhắc đến bạn mình thì không ai có thể quên
được những cô gái được sinh ra trong những năm bão táp cách mạng đã biết nếm mùi
đau khổ và căm thù bọn xâm lược gây nên và đã tìm thấy hạnh phúc cao đẹp nhất của
mình trong công tác cách mạng. Đó là cô Tuyết, cô Cọp, Sương, Oanh, v.v… không
thể không nhắc Tuyết, một cô gái rất đẹp. Ba Tuyết đi làm cách mạng biệt tăm.
Nhà nghèo, Tuyết phải đi làm thợ hồ sớm để kiếm ăn. Nhưng tên chủ thầu, tay sai
giặc Mỹ đã tìm mọi cách tung tiền ra để phá hoại cuộc đời của Tuyết, đẩy Tuyết
vào con đường “bán thân nuôi miệng” từ năm 18 tuổi. Khi ba Tuyết liên lạc được
với Tuyết, đưa Tuyết đi ra vùng giải phóng thì Tuyết đã sống một cuộc sống cực
nhục nguy hiểm gần một năm bên cạnh bọn lính Mỹ hung bạo, thú vật rồi. Khi Tuyết
tới đơn vị vận tải, Tuyết đã khóc không biết bao nhiêu đêm và nói lại những nỗi
niềm đau khổ, uất ức và ân hận của mình. Tuyết lao vào công việc một cách say sưa
để chuộc lại những ngày đáng tiếc đã qua để góp phần phá tan chế độ thối tha đã
làm hại cả đời Tuyết, để trả thù cho Tuyết và nhiều chị em khác. Nhưng rồi những
bệnh khốn nạn của bọn lính Mỹ đã phá hoại sức khoẻ và thân thể Tuyết làm Tuyết
phải bỏ lỡ công việc…
Cọp là em út nhỏ tuổi nhất trong tiểu đội được cả
trung đội thương mến. Má Cọp bỏ nhà ra đi để Cọp lại cho Ba từ khi còn 3 tuổi.
Má ghẻ Cọp là người tốt, thương Cọp như con và cũng đặt tên cho con riêng má kém
hơn Cọp một tuổi là Cọp em. Cọp chị và Cọp em thương yêu nhau như chị em ruột.
Khi Cọp được 15 tuổi, vào dịp Tết, hai chị em Cọp đi xem chiếu bóng, ở nhà bom
Mỹ ném trúng nhà, ba má và mấy đứa em chết cả, nhà cửa tan hoang. Cô bác giúp đỡ
cho hai chị em chôn cất ba má và các em xong xuôi thì hai chị em tìm đến các
anh xin đi làm cách mạng trả thù cho ba má. Thế là hai chị em từ giã quê hương đi
làm cách mạng. Cọp em đi một đơn vị xa, Cọp chị vào đơn vị Diệu Linh. Suốt mấy
năm trời ròng rã, hai chị em không được tin nhau. Mãi đến năm 1967, Cọp mới nhận
được thư em. Cầm phong thư nhầu nát, nhìn bên ngoài có đề “Cọp em, HT… Kính gởi
Cọp chị, HT…”, Cọp run run mở ra xem, nước mắt chảy ướt cả tờ giấy, cả tiểu đội
xúm lại đọc thư, cả tiểu đội cùng ôm nhau khóc ròng.
Sương chỉ vì bị hoãn lại ngày kết nạp vào Đoàn mà đâm
ra bất mãn không chịu học tập công tác gì cả. Cứ mỗi lần nghe trong trung đội nữ
có ai được kết nạp vào Đoàn là Sương khóc suốt, không thèm ăn uống gì cả. Ban
Chỉ huy thấy vậy nên đưa Sương về tiểu đội Thắm và Linh. Gần một tháng, Linh và
Thắm thay nhau dỗ dành, giúp đỡ Sương lại hăng say công tác rất tốt và lại được
vào Đoàn.
Toàn Trung đội là một gia đình. Các cán bộ trung đội là
những người chú, người anh dày dạn kinh nghiệm dìu dắt dạy dỗ các cháu các em.
Tiểu đội của Linh là một gia đình nhỏ có 10 chị em thương
nhau rất mực. Sau khi đã tâm tình và hiểu rõ hoàn cảnh gia đình của nhau, mỗi
người đều thấy ở các bạn mình một người chị, một người em thân thiết không thể
thiếu của mình trong đời sống cũng như trong tình cảm. Mỗi người bằng những nẻo
đường khác nhau đều đi trên một con đường thống nhất; sống một cuộc sống cách
mạng với những tình cảm trong sạch, đem tuổi trẻ hiến dâng cho sự nghiệp cách mạng,
chiến đấu giành độc lập cho Tổ quốc. Họ thấy ý nghĩa cuộc sống trong tình thương
yêu đồng chí. Họ tưởng chừng không thể xa nhau, không thể sống cách nào khác
ngoài cách sống của họ: thương yêu nhau, đùm bọc nhau, đem sức lao động và làm
việc phục vụ cho nhân dân, phục vụ cho cách mạng. Họ tự hào và say sưa trong công
việc. Nhiều khi trong tiếng nổ rung chuyển của bom đạn, khói bụi mù mịt, họ chỉ
cần nghe tiếng nhau, trông thấy nhau là lòng họ vui lên phơi phới, lại tiếp tục
hăng say làm việc. Họ mặc chung quần áo, giặt chung, phơi chung và chia đều vào
các bòng, không phân biệt của chị của tôi. Không mấy khi họ để người có nhiều
tiền, người không có, hễ có tiền họ lại chia đều. Xa nhau một chút là họ nhớ.
Xa nhau họ khóc, lâu ngày mới gặp nhau họ cũng ôm nhau khóc, khóc chán rồi lại
cười. Có lúc trung đội phải chia đi công tác làm nhiều cánh sau thời gian dài về
gặp nhau, họ lại ôm nhau khóc quá trời. Các đồng chí trong Ban chỉ huy nhìn, cũng
muốn khóc. Các đồng chí đó nói: “Mấy con nhỏ nầy nó thương nhau thiệt tình, chúng
bây khóc gì mà khóc quá, làm tụi tao cũng muốn khóc luôn…”. Họ dạy nhau học,
quyết tâm không để người nào không biết chữ, mỗi người luôn mang theo sách bên
người, rảnh là học. Một tiểu đội mà phải học đến 3, 4 lớp họ cũng dìu dắt nhau
học, không có sách giáo khoa họ nghĩ ra sách dạy nhau. Họ hẹn nhau nhất định chưa
lấy chồng. Từ năm 1965 có một cán bộ nói đùa:
- Hễ tụi bây bảo nhau giữ được đến năm 1967 không đứa
nào hứa hẹn yêu đương, chưa đứa nào lấy chồng, tao cho con bò. Và đến năm 1967
họ đã thắng cuộc thật sự. Thắm đã thường tâm sự với các chị em trong tiểu đội một
cách ngớ ngẩn: “Rủi mà tao có việc gì đào ngũ, chắc tao đào ngũ không nổi vì
nhớ tụi bây quá trời, đi sao được”.
Mục tiêu phấn đấu và niềm hạnh phúc hàng ngày của họ là
làm tròn nhiệm vụ, trở thành Đoàn viên và Đảng viên. Họ chưa hề biết Pa-ven và
Hải Âu, nhưng mỗi người trong họ đều là hình ảnh sinh động của một Pa-ven, một
Hải Âu hoặc một đội viên của đội Thanh niên Cận vệ. Họ rất gần gũi với Nguyễn Văn
Bé, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Lịch và họ đã đặt tên cho chi đoàn thanh niên của
họ là chi đoàn Nguyễn Văn Bé. Cho đến nay, tất cả trung đội trở thành Đoàn viên
hết và có 7 người đã trở thành Đảng viên và là cán bộ tiểu đội. Đơn vị của họ hiện
nay đã phát triển lên thành đại đội và chuẩn bị để trở thành tiểu đoàn. Tiểu đội
của Linh phải phân tán đi để hoà trong đơn vị lớn đang được xây dựng ở đó.
Quá trình công tác của họ là một quá trình chiến đấu đầy
gian khổ hy sinh và cũng là một quá trình rèn luyện đưa họ đi những bước vững
chắc để trở thành những con người của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
* * *
II
Nói là chiến sĩ vận tải, nhưng cuộc sống của Linh, Thắm
và các bạn không chỉ có mang vác, đi lại. Thực ra Linh và Thắm tham gia một cuộc
chiến đấu rất kiên trì khẩn trương với một cường độ lao động rất cao. Linh, Thắm
đã chiến đấu, nghĩa là vào sanh ra tử thường xuyên trong suốt thời gian hoạt động
của mình. Thông thường công việc có từng đợt; mỗi đợt, đơn vị Linh nhận nhiệm
vụ chuyển một số hàng 5, 6 tấn hoặc 15 hay 20 tấn, hoặc mấy trăm trái đạn pháo,
v.v… ở một địa điểm nào đó để trao cho một đơn vị khác ở một địa điểm khác. Nhận
nhiệm vụ xong thì đơn vị Linh phải tìm mọi cách tổ chức, huy động phương tiện,
tổ chức vận chuyển. Xong đợt thì lại kiểm điểm, học tập, củng cố công sự, chuẩn
bị kho tàng và sẵn sàng đi nhận những chuyến hàng khác. Có chuyến phải đi 1 – 2
ngày đường nhưng cũng có chuyến đi 4 – 5 ngày đường hoặc hơn nữa. Khu vực mà đơn
vị Linh hoạt động là khu vực sát địch, lại là khu vực mà bọn Mỹ nguỵ tìm hết cách
đánh phá để đánh bật các lực lượng vũ trang của ta ra, chúng đốt sạch, phá sạch,
khai quang hết cả rừng cây, vườn tược của đồng bào, tàn sát nhân dân, giết chết
trâu bò, bắt nhân dân về tập trung vùng chúng kiểm soát. Vì vậy, công việc vận
tải của các cô trong đơn vị của Linh là việc vận tải hoả tuyến, là một cuộc chiến
đấu gay gắt quyết liệt. Trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn như vậy, nhưng Linh
và các đồng chí của Linh đã sống và chiến đấu với tất cả nhiệt tình yêu nước và
tấm lòng trung hậu. Linh đã bước vào cuộc đời chiến đấu như vậy, với tất cả cái
trong trắng thanh thản và hăng say của tuổi thiếu niên cũng như những bạn của
Linh, Linh đi làm cách mạng với một lòng vui náo nức, một sự hiểu biết mơ hồ mà
dứt khoát. Linh chưa biết cách mạng tổ chức thế nào, Đảng là gì, Mặt trận là gì,
Đoàn là gì, bộ đội là gì? Linh chỉ biết “đi”, “đi” tức là làm những việc gì như
các anh, các chú đã làm để đánh bọn “Quốc gia” tức là bọn giết người, gây nhiều
đau khổ cho đồng bào. “Đi” tức là đi làm những việc mà bà con cô bác yêu mến,
thiết tha giúp đỡ. “Đi” để khỏi phải sống mãi một cuộc sống ngột ngạt tù túng về
tâm hồn. “Đi” là đi làm những việc hết sức tốt đẹp.
Vì thế khi vừa nhận được võng mùng, bòng dép, v.v… và được
lệnh chuẩn bị đi công tác là Linh hăm hở đi liền, chưa hiểu “công tác” là gì.
Khi đến nơi tập hợp, Linh hơi buồn. Anh chị em xúm nhau lại hỏi: “Có ai Bến
Tre không? Có ai Mỹ Tho không? Có ai Củ Chi không? Có ai Bình Tân không?’ và
tuyệt nhiên không thấy ai hỏi “Có ai Quảng Nam không?” và khi Linh hỏi: “Bây giờ ta đi mô chị hỉ?” thì chị bạn không hiểu bỏ đi. Tuy vậy nhiệt tình hăng hái của Linh đã làm
cho không có sự buồn nản khó khăn nào át được niềm vui đang dào dạt trong lòng.
Cả đoàn tân binh hơn 30 người được hướng dẫn đi “công tác”. Trên đường hành quân,
thỉnh thoảng pháo địch bắn vu vơ chặn đường, nhiều người thông thạo nghe pháo nổ
nằm rạp xuống tránh đạn, Linh ngơ ngác chỉ biết ngồi thụp xuống rồi lại đứng lên
đi. Nghe tiếng nổ choáng tai, Linh hơi rờn rợn, chứ cũng chưa hình dung ra những
quả pháo đó giết người thế nào? Khi đến nơi công tác, Linh được cán bộ giải thích
công việc và động viên.
Linh được biết Linh đi làm việc
tải đạn ra mặt trận cho bộ đội đánh giặc và mọi người phải hết sức quý trọng
viên đạn. Một viên đạn nhỏ kê các thứ phí tốn 120 đồng 1 viên mà một hòm 350
viên giá trị hơn 4000 đồng. Một viên đạn lớn cho pháo giá tiền nuôi sống cả một
gia đình trung nông trong một năm. Đó là chưa kể công lao xương máu của bao
nhiêu đồng bào đồng chí, v.v… Linh thấy rõ công việc của mình rất quan trọng và
cùng anh em bắt tay vào việc. Linh chỉ biết ra sức coi các anh các chị cũ làm
thế nào, Linh làm thế ấy. Linh lại gặp những khó khăn mới. Các chị cũ công tác
đã lâu, nên vừa thành thạo, vừa đủ phương tiện và khoẻ mạnh. Các chị đeo hai
hòm đạn nặng gần 30 kí lô. Các chị nhìn Linh với con mắt ngờ vực và hay nói:
“Dân ở thành, dân ở đồng bằng lên làm ăn gì được, đi tải không bằng người ta
tải ráng”.
Linh không biết nói sao, chỉ biết tranh làm sao tải bằng
các chị. Linh cũng không hiểu tại sao các chị tải nặng thế, nhưng cán bộ ít
khen mà ai gặp Linh cũng khen là giỏi. Linh được khen, phấn khởi bước đi lâng lâng
tưởng chừng như bòng hàng nhẹ bớt rất nhiều. Nhưng các chị vẫn cứ lạnh lùng với
Linh. Một hôm vì yêu cầu khẩn cấp, phải tải đêm. Linh không có đèn, kêu các chị
soi đèn, các chị cũng phớt đi. Linh trượt chân ngã xuống dốc đứng gần bờ sông và
nằm bẹp xuống, rồi bị bòng hàng nặng trên 30 kí lô đè lên người, không sao bò dậy
được. Mãi đến lúc có anh cán bộ đến đỡ cho Linh dậy, Linh mới đi được, Linh tức
muốn khóc. Nhưng sau Linh nghe nói anh cán bộ họp với chị em cũ thảo luận kiểm điểm
thái độ đối với các chị em mới và Linh thấy các chị cũ ngày càng thân mật với bọn
Linh. Các chị hỏi han, giúp đỡ, trao đổi tâm tình và rất thương bọn Linh.
Một bữa, Linh được phân công nấu cơm cho các anh đi tải
về ăn, Linh chưa quen nấu nồi lớn nên cơm sống. Linh sợ quá, bỏ bếp lên nằm võng
đắp mền kêu là bị sốt, không ăn cơm, nhưng kỳ thật là Linh nằm khóc suốt đêm vì
ân hận dày vò với những ý nghĩ:
“Mấy anh đi làm mệt về cơm sống, ăn không được thì làm
sao mà đủ sức sáng mai đi tải nữa”. Sau cán bộ biết chuyện đến an ủi và bày cho
Linh biết cách chữa cơm sống.
Một buổi tối cán bộ giao cho Linh giữ một đống hàng giữa
rừng sâu hoang vắng. Linh nằm bên đống đạn lắng nghe từng tiếng động soàn soạt
của những con thú đi ăn đêm. Tiếng động nào Linh cũng soi đèn pin vì Linh sợ người
ta ăn cắp hàng. Mãi đến 3 giờ sáng các anh mới trở lại và tấm tắc khen Linh:
“Khá đấy, mới lên rừng mà dám ở rừng sâu một mình suốt đêm là dũng cảm đấy”.
Thế là sau 2 tháng phục vụ ở Mặt trận, Linh đã vượt
qua những trở ngại đầu tiên, nghiễm nhiên trở thành một chiến sĩ giải phóng quân
vững chắc. Điều quan trọng nhất là Linh đã được thực sự sống trong một tập thể
cách mạng, trong cuộc đời cách mạng. Từ ngày nhận biết cuộc sống, Linh chỉ gặp
những cảnh nghèo khó, ngang trái, cuồng bạo và uất ức tủi hờn. Cho đến năm 17
tuổi chưa bao giờ Linh ăn cơm được trọn tháng mà không độn sắn khoai. Lúc nào
Linh cũng sống trong cảnh mẹ bị tù, anh chị bị đánh đập, chú bác bị bắn chết, bà
con hàng xóm bị tàn sát hàng loạt. Khi đi học dệt, Linh được thấy rõ cảnh học
việc, không ai dạy Linh cả, chỉ có người sai vặt, Linh không hề được học, chỉ có
gánh nước, quét nhà 4 tháng trời không công. Khi đến Sài Gòn, Linh cũng chỉ thấy
một sự sống vất vả, đầy đua chen hại nhau để sống. Linh chỉ thấy những sự gằn hắt,
rầy la, không ai thương ai. Toàn bộ hoạt động hàng ngày chỉ xoay quanh việc giành
giữ cho được miếng ăn cho mình. Cuộc sống tư tưởng thật nhạt nhẽo trống rỗng.
Nhưng bây giờ, hàng ngày Linh được hiểu biết công việc
của Linh, Linh biết rõ việc mang vác đạn quan hệ đến đồng bào, đến các đồng chí
bộ đội ra sao. Linh có kẻ thù trước mắt để
chiến đấu. Linh sống giữa những người cùng lý tưởng cùng mục đích cùng cuộc
sống của mình. Gặp những chuyện khó khăn, đều có sự ân cần chỉ bảo. Cuối đợt
Linh ngạc nhiên và sung sướng khi nhận được một giấy khen, nhưng cũng từ đó
Linh biết rất rõ bất cứ ai làm được việc gì dù nhỏ cũng được sự khuyến khích
khen thưởng đầy tình thương mến. Linh như tìm thấy cuộc sống của mình, Linh
thấy rõ mỗi cử chỉ hoạt động hàng ngày của Linh đều có ý nghĩa tốt đẹp, đều
được đánh giá cao quý.
Linh cảm thấy tự bản thân Linh hiểu rõ được “đi làm cách
mạng” là thế nào. Linh phấn khởi nhận lệnh lên đường đi công tác mới.
* * *
Từ khi trung đội thành lập thì Linh bắt đầu những chuyến
tải đạn ra hoả tuyến rồi tải thương binh về. Ngay những buổi đầu, Linh với Hồng
đã bảo nhau nằm che cho thương binh khi máy bay oanh tạc trên đường tải với ý nghĩ
rất đơn giản: Nếu anh thương binh bị thương lần thứ hai thì chắc đau lắm! Còn
mình có bị thương cũng chả sao và Linh đã thực hiện tốt. Ở trận địa, Linh đã được thấy các chị dân
công, các chị du kích đi lại chiến đấu như thế nào. Khi ở “căn cứ”, mấy chị em
nấu cơm lóng ngóng làm cháy nhà, Linh đã biết cùng chị em lao vào lửa vác đạn
ra trước cho an toàn rồi lấy bòng sau. Làm việc đó mà bọn Linh không hề biết
rằng đạn gặp lửa có thể nổ tung và nguy hiểm đến tính mạng. Sau nghe có người
giải thích Linh “mới hoảng hồn” nhưng Linh cũng nghĩ dù có biết như thế thì
hành động cứu đạn trước vẫn là đúng và cần thiết.
Có lần đi lấy gạo gặp máy
bay oanh tạc, Linh đã chỉ huy cả tiểu đội chạy tránh và nấp để đối phó với 6
đợt máy bay trong ngày xung quanh một số ít công sự. Linh đã trông thấy rõ từng
trái bom, có trái nổ gần, Linh bị văng đi hắt lại trong công sự đến ê ẩm cả
người. Nhưng cuối cùng cả tiểu đội của Linh vẫn thắng. Cả đàn máy bay và hàng
chục tấn bom đạn của Mỹ chẳng làm cho các cô gái nhỏ nao núng chút nào, mà chỉ
làm cho các cô càng cười vui thêm, càng thân thiết cứu giúp nhau thêm, tăng
năng suất công tác lên thêm mà thôi.
Cứ mỗi chuyến đi công tác
là mỗi chặng đường tiến bộ của Linh. Dần dần Linh biết phân biệt các loại đạn
pháo, biết tính toán trọng lượng, biết các tổ chức quân sự, dùng các danh từ
quân sự một cách thành thạo. Linh nói “vận động qua chỗ trống” chớ không nói đi
qua… Nhưng quan trọng nhất là Linh và một số bạn nữa được vào Đoàn thanh niên
Nhân dân cách mạng, biết rõ Đảng là tổ chức gồm nhiều người và Đoàn là “cánh
tay” và “đội hậu bị” của Đảng. Linh biết rất rõ và rất sâu Đoàn là tổ chức của
những người trẻ tuổi hăng hái cách mạng, có đạo đức tốt đẹp và nếu ai rèn luyện
học tập có đạo đức cao hơn nữa, có năng lực lãnh đạo sẽ gia nhập vào Đảng. Ngày
Linh vào Đoàn là một ngày Linh nhớ mãi mãi. Hôm đó Linh đang đào hầm thì được
chị X báo cho biết cần về ngay, tắm giặt để dự lễ kết nạp Đoàn. Linh vừa sung
sướng vừa lo lắng.
Sau khi được kết nạp,
Linh nằm suy nghĩ suốt đêm không ngủ được, Linh nghĩ đến sự nghiệp cách mạng to
lớn, đến công lao của Đảng đến yêu cầu của một người Đoàn viên, đến vinh dự và
giá trị trong sạch của một Đoàn viên. Linh kiểm điểm lại từ trước để tìm xem
mình phải làm thế nào hơn nữa, để xứng đáng với danh hiệu. Linh nhớ lại những
hình ảnh của mẹ, của các anh chị, của bà con trong xóm, của đập Vĩnh Trinh và
những nỗi bực bội về tinh thần khi Linh còn ở nhà. Linh nhớ đến những lời dặn
dò, dạy bảo ân cần của các anh cán bộ đến gương hy sinh của các Đảng viên. Linh
thấy cuộc đời của Linh bây giờ thật nhẹ nhàng thoải mái, đầy tình thương yêu,
sức lực và tinh thần hăng hái của Linh luôn được dùng vào những công việc bình
dị mà quan trọng sôi nổi đầy ý nghĩa. Linh phấn khởi định ra cho mình những mục
tiêu phấn đấu trong công tác. Linh nghĩ đến các bạn Linh như : Cọp, Thắm, v.v…
chưa biết chữ, Linh thấy có thể đặt ra việc học văn hóa cho đơn vị. Lúc này
Linh đã là tiểu đội trưởng.
* * *
Mỗi chuyến đi công tác
của Linh và các bạn là một trận chiến đấu.
Có lần Linh và Cọp đi nhận
đón 4 thuyền hàng để giao cho một đơn vị trên dòng sông. Nửa chừng, địa điểm
đón nhận lại có địch phục kích. Linh phải khẩn trương chạy ngược sông tìm chỗ
đón chặn 4 thuyền. Thuyền chạy bằng máy, kêu không thể nào nghe được. Linh phải
bắn súng ra hiệu. Vì thế Linh gặp bao nhiêu chuyện rắc rối, nào du kích xét hỏi
việc bắn súng vô cớ, nào đồng bào kéo ra xem, dễ lộ bí mật hàng, v.v… Nhưng rồi
mọi việc qua đi, Linh phải cùng các đồng chí đem thuyền đi giấu. Suốt đêm hôm
đó, Linh và Cọp phải dùng tay moi đất để đặt giấu mấy trăm thùng đạn liền nhưng
sáng hôm sau vẫn còn 1 thuyền đầy đạn. Linh và Cọp được phân công cùng với đồng
chí Tám Tiến giữ thuyền này. Thế rồi trong lúc giữ thuyền đạn thì oái oăm thay,
một máy bay Mỹ bị bắn ở đâu lại chúc đầu xuống chết rụi ở ngay miếng ruộng cạnh
thuyền Linh. Bọn Mỹ cay cú đem hàng chục máy bay đến thả bom để phá nát và xóa
hết dấu vết cái thất bại của chúng. Bom đạn nổ chung quanh làm bọn Linh vất vả,
nhảy xuống nước để tránh và làm quần áo tóc tai đều ướt cả. Nhiều trái bom nổ
gần quá làm Linh tức ngực đến nghẹt thở, hai lỗ tai điếc ngắt. Nhưng cuối cùng
chính bọn Linh cũng lại là những người chứng kiến rõ nhất cái điên cuồng bất
lực của không lực Hoa Kỳ.
Có chuyến hàng, đơn vị
Linh, Thắm phải tải qua một con sông sâu nước lũ. Các cô đã dùng dây cột ngang
sông mà tải hàng qua. Giữa chừng vì mệt quá, chẳng may tuột tay, Thắm ôm cả
thùng đạn chới với và chìm nghỉm. Linh vội vàng lặn xuống đội Thắm lên. Thắm
thở được một cái rồi lại chìm xuống. Linh lại trồi lên thở. Cứ thế làm được ba
lần thì Linh đuối quá không còn đủ sức lặn nữa, nên kêu cứu. Các anh nghe tiếng
kêu nhào xuống sông, lặn sâu xuống đáy tìm Thắm thì Thắm đã chết ngất, tay còn
ôm thùng đạn. Các anh gỡ thùng đạn ra và đưa Thắm lên bờ cứu chữa hồi lâu, Thắm
tỉnh dậy và ngơ ngác hỏi:
- Thùng đạn tôi đâu rồi,
tôi phải đi mò mới được.
Các bạn gái xúm quanh
Thắm nói:
- Các anh mò đem lên rồi.
Nhiều chị âu yếm trách Thắm:
- Sao mày ngu thế, thả
hòm đạn ra phải nổi người lên được không?
Thắm cười ngượng nghịu:
- Tao cứ nghĩ hòm đạn hơn
300 viên, anh nào bắn dở lắm cũng độ hơn 100 Mỹ. Thế mà bỏ hòm đạn đó, các anh
mình không có đạn giết Mỹ thì uổng lắm, cho nên tao không nghĩ đến có chết hay
không, tao chỉ tiếc hòm đạn, bao nhiêu công sức của đồng bào mới đưa đến đây!
Những ý nghĩ đơn giản,
trong sáng và cao đẹp ấy được tất cả mọi người trong đơn vị học tập làm cho đơn
vị ngày càng tăng nhiều sức mạnh như được trang bị những thứ vũ khí thật kỳ
diệu.
* * *
Một lần khác Linh, Hiền
và anh Tám Tiến phải đi đón để giao hơn 2 tấn đạn cho một đơn vị. Nhưng không
hiểu cách ấn định địa điểm thời gian thế nào mà không gặp. Việc này cũng thường
hay xảy ra luôn. Ba người bàn nhau và phân công anh Tám Tiến về báo cáo với Ban
chỉ huy ở nhà để giải quyết, còn Linh và
Hiền ở lại coi đạn. Rủi thay anh Tám Tiến đi dọc đường gặp pháo địch bắn anh
nhảy xuống công sự núp rồi mệt quá ngủ quên. Hai chị em Linh cứ ôm nhau giữa rừng
khuya mà thức đợi. Linh, Hiền được thấy bộ đội ta hành quân và phấn khởi khi
nghĩ là các anh đó đang chiến đấu với súng đạn mà mình mang đến. Sau đó độ nửa
giờ pháo địch dồn dập bắn vào khu vực này. Linh, Hiền bảo nhau khuân hết 2 tấn
đạn cất rải rác trong các công sự quanh đó để tránh thiệt hại. Cứ như thế hết
đêm. Sau khi thấy đạn giấu tạm ổn, hai chị em lại dắt nhau về Ban Chỉ huy với
tâm trạng lo lắng: anh Tám Tiến có thể gặp tai nạn giữa đường. Ở nhà, chính
đồng chí thủ trưởng cũng đang thức suốt đêm chờ Linh, Hiền. Các bạn
Linh, nhất là Cọp hò reo chạy ra ôm lấy Linh. Thủ trưởng đơn vị cảm động phủi
đất cát trên tóc Linh, Hiền và bảo:
- Tao để cho tụi bây trăm
bánh tráng kia, lấy mà ăn đi. Tụi bây làm tao lo muốn chết.
Về sau, nói chuyện này,
Linh bảo rằng “lúc ấy Linh thấy rất thấm thía tình cảm cách mạng sâu đậm giữa
cán bộ và chiến sĩ”. Linh cảm động và tự nhiên thấy mình “có một quyết tâm, một
sức mạnh, thấy hết mệt mỏi và sẵn sàng nhảy vào lửa cháy để hoàn thành bất cứ
nhiệm vụ gì”.
Đúng thế: Sống trong một
tình cảm cao đẹp của cách mạng, tâm hồn của Linh và các bạn Linh càng trong
sáng thêm, mạnh mẽ thêm. Sức mạnh của đơn vị Linh cứ tăng mãi lên, không có gì
đo nổi.
* * *
Còn Thắm thì gặp một
chuyến cũng khá gay go. Thắm và 2 bạn phụ trách hướng dẫn 4 xe bò chở đầy đạn
pháo đến giao cho một kho. Bốn xe bò này là của 4 bác nông dân ở gần đó, ra chở
giúp.
Gần suốt một đêm trường,
xe lọc cọc gập gềnh kéo qua một quãng đường đầy hố bom lỗ pháo. Cứ 1 chiếc sa
một bánh xuống hố thì ba cô lại hè nhau xúm lại bắt bánh cho xe qua rồi lại bốc
đạn xếp lên những xe khác. Xe này chưa qua khỏi thì xe khác lại sập bánh, ba cô
không hề được ngơi nghỉ một phút. Các bác nông dân thì cằn nhằn:
- Tụi bây cứ cố xác chở
cho nặng, chết bò tao còn gì!
Thắm lo quá! Sắp hết đêm
mà xe không qua khỏi cánh đồng này là gay go. Thắm bàn với các bạn chất đạn
xuống bớt cho xe nhẹ rồi đánh nhanh vào mí rừng giấu đạn tạm, rồi trở lại chở
một chuyến nữa thì mới kịp vì vùng này mấy hôm nay có triệu chứng địch sắp càn!
Nhưng gay go thay, khi
chở được một chuyến vào, các bác nông dân sốt ruột vì trời sắp sáng, nằng nặc
đòi đánh xe về. Thắm nằn nì vừa giải thích lợi hại, vừa nêu lên yêu cầu cách
mạng, vừa khóc và giữ chặt lấy bò như kiểu con gái làm nũng cha, làm bác nông
dân phải buột miệng:
- Bác thấy các cháu là
con gái mà làm quá trời thế này không lẽ bác không vì cách mạng được hay sao?
Thắm vui sướng lau nước
mắt, tung tăng chạy đi bẻ lá ngụy trang cho các xe, xong rồi Thắm hăm hở nắm
càng xe bò cùng đi…
Nhưng khi đạn đã đến đủ
thì trời sáng rựng. Máy bay địch gầm rú và có trực thăng đổ quân gần đó. Tình
hình khẩn trương, các đồng chí trong kho không sao nhận được đạn, chỉ cho Thắm
một chỗ, yêu cầu Thắm cất giấu hộ, Thắm không để chậm trễ, phân công ngay cho
Súc và Dung về trước báo cáo Ban chỉ huy, còn một mình Thắm ở lại chuyển đạn. Tất
nhiên là 3 người lại dùng dằng tranh luận. Thắm thì lo Ban Chỉ huy ở nhà không
biết tin, hai bạn thì lo Thắm ở lại một mình. Sau cùng thì lý lẽ của Thắm
thắng.
Thế là Thắm ở lại một
mình với 200 trái đạn lớn. Thức suốt một đêm trắng, bây giờ lại không một hạt
cơm trong bụng, nhưng Thắm vẫn thấy mình khỏe mạnh tỉnh táo. Thắm ôm một lần 2
trái đạn chạy đi giấu, rồi lại chạy lại ôm hai trái khác. Pháo địch bắn ở phía
xa, rồi cứ xích gần đến khu vực của Thắm. Thắm nóng ruột. Thắm thi đua với
địch. Pháo địch bắn nhiều thì Thắm ôm nhiều hơn (3 trái một lần) và Thắm chạy
mau hơn. Có lúc Thắm vấp ngã, trầy da, máu chảy loang cả đầu gối Thắm cũng
chẳng kể chi. Thắm chỉ nghĩ có 1 điều: Nhất định phải bảo vệ cho được 200 trái
đạn pháo này. Một cuộc chiến đấu thầm lặng như thế kéo dài từ 7 giờ sáng đến 3
giờ chiều. Một mình Thắm lao động khẩn trương giữa rừng vắng, giữa những tiếng
nổ choáng tai, thuốc súng khét lẹt, cây gãy, mảnh đạn bay rào rào,… Tuy vậy,
Thắm không cảm thấy cô độc. Thắm biết rõ Ban Chỉ huy ở nhà đang mong tin Thắm,
biết rõ các đồng chí giữ kho cũng đang chiến đấu quanh đây. Thắm biết rõ những
viên đạn Thắm đang bảo vệ bây giờ, sẽ có ngày nổ xuống đầu giặc. Thắm nhớ rất
rõ có một lần đơn vị Thắm chuyển đạn đánh sân bay. Đánh xong, bộ đội về báo cho
bọn Thắm biết là bắn hơn 200 đạn mà chỉ có 5 trái lép, khen bọn Thắm vận chuyển
và bảo quản giỏi. Lúc ấy cả Linh và Thắm đã nhảy lên reo mừng như được 1 phần
thưởng không gì sánh nổi. Chính cái phần thưởng cao quý ấy đã làm cho cô gái
thấp nhỏ bỗng cao lớn lên và chiến thắng tất cả sự điên cuồng tàn bạo của giặc
Mỹ giữa khu rừng này.
Chiều hôm đó, lại một lần
nữa Thắm chiến thắng oanh liệt trở về, mệt, đói và vui. Và chắc bọn Mỹ không
thể biết được rằng: từng giờ từng phút trên khắp đất nước miền Nam này, chúng
đều gặp phải hàng trăm, hàng ngàn thất bại cay đắng như chúng đã thất bại trước
những “dũng sĩ” bé bỏng của chúng ta như Linh và Thắm ở khu rừng này.
* * *
Những chuyến tải bằng xe
bò như thế cũng xảy ra luôn. Có những lúc Linh và tiểu đội nhận những nhiệm vụ
hết sức gay go. Trong hai ngày phải nhận và chuyển cho xong 20 tấn đạn qua một
chặng đường. Với sự giúp đỡ của Ban Chỉ huy, Linh phải khẩn trương chạy đi vận
động thuê mượn hàng mấy chục xe bò, phải hướng dẫn tổ chức, bốc vác để hoàn
thành nhiệm vụ với các khối lượng nặng nề ấy.
Thế mà đến phút cuối
cùng, về tới địa điểm, kiểm lại thấy thiếu một trái đạn pháo, Linh lại chạy
ngược trở lại đường đi hơn 7 km để tìm cho được trái đạn rơi vác về, trên đường
về còn bị lạc đường, đói, v.v… nhưng cuối cùng nhiệm vụ của Linh cũng được hoàn
thành trọn vẹn.
Tải bằng xe có những cái
nặng nhọc phức tạp của xe. Tải bộ thì lại có những cái nặng nhọc riêng của nó.
Có
lần cả trung đội của Linh đi đã 4 – 5 ngày đường để nhận vũ khí về cho đơn vị.
Đơn vị Linh chuẩn bị 15 ngày lương ăn. Nhưng tới nơi lĩnh hàng thì lại gặp địch
càn quét khu vực này. Thế là cả đơn vị của Linh phải tránh càn, chơi hú tim với
giặc trong rừng mất hơn 20 ngày và cuối cùng chuyến công tác của Linh kéo dài
thành 42 ngày. Trong những ngày gian khổ thiếu thốn đó, Linh đã gặp được các
đơn vị bạn giúp đỡ, chia cơm sẻ muối, Linh thấy thêm được tầm rộng lớn của tình
cảm cách mạng và của lực lượng cách mạng.
Linh và các bạn Linh phải
khắc phục nhiều khó khăn đặc biệt trong sinh hoạt của phụ nữ để làm nhiệm vụ.
Có nhiều ngày Linh đã phải vác một bàn đế cối 82 với 4 – 5 cây súng, phần của
các bạn bị đau, cộng tất cả lại thì khối hàng cũng nặng hơn sức nặng của người
Linh hàng chục ký lô. Trước đây cũng đã có nhiều lần Linh vác hai hòm thuốc nổ
hoặc ba hòm đạn nặng tới 60 – 70 ký lô.
Cứ như thế, với một trái
tim sôi nổi, một tình cảm thiết tha với tập thể, một nhận thức sâu sắc về nhiệm
vụ, các cô đã dùng đôi vai mảnh dẻ và đôi bàn tay thon nhỏ mỗi năm chuyển hàng trăm
tấn sắt thép qua những chặng đường đầy khói lửa nguy hiểm và gian lao và đưa
đến tay bộ đội (Theo tổng kết của cấp trên, tiểu đội của Linh nửa năm cuối 1965
chuyển được 50 tấn, 1966 chuyển được 120 tấn và 3 tháng đầu năm 1967 chuyển
được 84 tấn hàng. Riêng Linh đi tải trong gần hai năm đó được hơn 200 chuyến).
Và nhiều viên đạn nổ sấm sét trên đầu bọn giặc xâm lược đã có thấm những giọt
mồ hôi hiền dịu và trung hậu của các cô.
* * *
Cuộc sống của các cô là
một cuộc chiến đấu sôi nổi và hùng tráng. Các cô đã trải qua những cuộc chiến
đấu thầm lặng, khẩn trương. Những cuộc chiến đấu mà vũ khí của các cô chỉ là
một tâm hồn trung hậu, bất khuất và các cô thường là những người chiến thắng,
vô địch. Khi đi vận tải, các cô chiến đấu chống pháo binh và máy bay địch. Các
cô đã làm thất bại bao nhiêu máy bay hiện đại với những máy trinh sát điện tử.
Các cô vượt qua bom nổ chậm, bom nổ ngay, bom bi, bom phá. Khi trú quân, các cô
biến đất bằng thành những “lâu đài công sự”, các cô vẫn nuôi gà, đọc sách, chải
đầu, kể chuyện tâm tình,… Các cô cứ kiên trinh bình thản vượt qua những ác
liệt gay go ; hàng nghìn cái chết ngày đêm
lởn vởn chung quanh các cô mà vẫn không sao đánh ngã được các cô. Các cô cứ
tươi cười vượt qua hết. Ngay cả những trò chiến tranh tâm lý của địch như hàng
triệu truyền đơn chiêu hồi, hàng trăm lần máy bay gọi loa léo nhéo nói về những
cảnh ác liệt, về những tên đầu hàng,… cũng không thể reo rắc chút bụi bẩn vào
những tâm hồn trong trắng của các cô. Có sự chỉ đạo của cấp trên, các cô thường
xuyên học tập. Các cô cũng tự động thảo luận phân tích về ý nghĩa cuộc sống của
các cô. Các cô đi tới kết luận dứt khoát: những bọn đầu hàng đều là những bọn
người đốn mạt, ngay khi ở trong hàng ngũ cách mạng, chúng cũng đã mắc những sai
lầm xấu xa. Vì vậy kẻ địch trước sau vẫn là nơi tập hợp những cái gì xấu xa
nhất, hèn mạt nhất của loài người và các cô chỉ bận tâm vào công việc của các
cô mà thôi.
Có lần Linh và các đồng
đội đi công tác gặp một trận càn lớn rất tàn ác của Mỹ. Các cô đã cùng nhau len
lỏi tránh né và sau gần 20 ngày trời gian khổ, các cô vẫn vượt qua được hàng
trăm xe tăng, hàng vạn đạn pháo, hàng ngàn giặc Mỹ, trở về với đội ngũ, sâu
nặng thêm tình nghĩa đồng chí, đồng bào. Lần ấy Linh đã ngâm mình dưới nước
trong liền hàng 7 ngày trời, bữa ăn bữa nhịn, lấy hết trong bòng của mình cả
cuộn băng cá nhân rất đẹp và là phần thưởng kỷ niệm của Hội nghị thi đua của
Linh ra để băng bó cho những đồng chí qua đường gặp pháo địch, bị thương. Linh
đã ở trong địa đạo hơn 10 ngày trời. Linh đã tự tay chèo thuyền hàng 5 – 6
chuyến liền để đưa đường cho đồng đội và đồng bào qua sông dưới hỏa lực của địch,
đã đi suốt đêm vượt qua nhiều phòng tuyến của địch, vừa đi vừa đỡ cô Oanh bị
sốt rét quá nặng. Cho đến sáng, Oanh hai ba lần khẩn thiết nói với Linh:
- Linh ơi, mày ghé mặt
lại gần tao, nhìn tao một lần nữa, cho tao hôn mày một lần nữa rồi mày đi đi. Tao
không thể nào đi được nữa.
Linh không nghe, cô
khuyến khích Oanh và dìu kéo Oanh đi, Oanh vẫn nói:
- Thôi mày đừng vì tao mà
bỏ bao đồng chí, tao có súng, tao còn băng đạn, tao nhất định chia đôi với Mỹ,
chứ tao không để nó bắt đâu ! Nhớ trả thù cho tao…
Nhưng cuối cùng với sự cố
gắng của cả Linh và Oanh, hai cô đều về được đến đơn vị an toàn, thắng lợi.
Còn Thắm thì khi chuẩn bị
đi dự hội nghị thi đua của Quân khu còn vướng một trận càn lớn của Mỹ. Một mình
Thắm ở trong căn cứ, cũng hơn 20 ngày, loanh quanh trong mấy khúc địa đạo, ngay
bên cạnh xe tăng của địch. Xe tăng Mỹ đã tràn qua căn cứ, đã ủi vỡ và lấp mất
cả miệng địa đạo của Thắm. Thế nhưng Thắm vẫn ung dung, chăm chỉ săn sóc đồ đạc
và quân trang quân dụng trong kho chưa kịp chuyển đi… Thắm chuyển từ địa đạo
này sang địa đạo khác. Một mình Thắm vừa phải cảnh giác theo dõi địch vừa phải
nắm thời cơ nấu cơm, lấy nước, bảo vệ của cải cách mạng. Thế mà Thắm còn thừa
thời cơ lên mặt đất lấy được cả “chiến lợi phẩm”. Thắm tiếc Thắm không có khẩu
súng và một trái mìn. Hơn 20 ngày Thắm chỉ nấu cơm có 4 lần, mỗi lần nấu thật
nhiều để dành ăn làm nhiều bữa. Đến khi địch rút đi, Thắm liên lạc ngay được
với một số anh em ở cơ quan bên cạnh. Ngay khi đó, Thắm thấy công sự trong căn
cứ bị hư hại, Thắm lo cho các bạn trong tiểu đội về không có chỗ, Thắm yêu cầu
anh em cơ quan bên cạnh cho “vần công”: Thắm tham gia sửa cộng sự bên đó và
các anh đó lại giúp làm công sự thêm cho bên Thắm. Cứ thế Thắm lại khẩn trương
và liên tục lao động cho đến lúc cán bộ và các bạn Thắm trở lại tìm Thắm. Thắm
ôm các bạn, khóc vùi, vừa khóc vừa chuẩn bị đi dự Đại hội thi đua. Sau này Thắm
cũng lấy làm lạ suốt trong 20 ngày đương đầu với một kẻ địch tàn ác, sống trong
một hoàn cảnh quyết liệt gay go, Thắm vẫn bình thản vui vẻ. Thế mà gặp các bạn
thì tự nhiên Thắm lại không sao giữ được nước mắt, mà nức nở khóc hoài…
* * *
Tôi viết đến những dòng
kết thúc của bài bút ký này giữa mùa xuân Mậu Thân vang lừng tiếng hát của non
sông: “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”. Công tác vận tải để phục vụ tiền
tuyến khẩn trương và nặng nề hơn bao giờ hết. Và cũng trong những ngày Xuân ấm
áp dồn dập tin mừng thắng trận, tôi lại được nghe những tin tức về Diệu Linh và
đơn vị vận tải của cô.
Trên đường hành quân, tôi
gặp em Trúc Linh, em gái nhỏ trong đội văn công Quân giải phóng, cũng là chiến
sĩ thi đua dự Đại hội anh hùng. Trúc Linh
và Diệu Linh quen nhau trong Đại hội. Em Trúc Linh kể với tôi rằng mới gặp Diệu
Linh đang đi tải vũ khí bằng xe thồ. Em nói rằng Diệu Linh mập và khỏe lắm, đẩy
xe rất nặng và đi rất nhanh.
Thế rồi tôi cũng lại hành quân qua đường vận tải của
Diệu Linh. Tôi mong gặp Diệu Linh mà không gặp. Tôi chỉ gặp rất nhiều thiếu nữ
đẩy xe thồ chở hàng đi hoặc đạp xe không trở lại vượt qua chúng tôi ào ào như
gió, cười nói vang rừng át cả tiếng máy bay địch gầm rú lượn trên đầu.
Đoàn xe thồ của các cô rất dài, đi trong đêm. Mỗi xe
có một cái đèn dầu đằng trước, có đèn làm bằng nửa cái bi đông hư, có đèn làm
bằng hộp sữa bò không, v.v… ngọn lửa đỏ lung linh nhảy nhót theo nhịp xe đi.
Nhìn các cô gái đẩy xe mà tôi chợt nghĩ riêng hình ảnh này cũng thể hiện được
hai phẩm chất đặc biệt của người Việt Nam dũng cảm tuyệt vời và thông minh rất mực. Đưa xe đạp
ra làm xe vận tải là thông minh và táo bạo. Phụ nữ đi đẩy xe thồ là một cái
dũng cảm đặc biệt, xe đạp tiết kiệm, thắp đèn dầu đi nhanh được mà không tắt,
lại là một cái thông minh đặc biệt.
Tôi cứ cố tìm trong đoàn xe để tìm thấy bóng dáng của
Linh, tiếng nói của Linh, nhưng có cái lạ là nhìn ai tôi cũng tưởng là Linh,
nghe tiếng ai nói tôi cũng thấy giống Linh mà không phải Linh, Thì ra tất cả
các cô đều có phong thái dũng cảm, yêu đời, hăng hái say sưa trong công tác như
nhau cả. Mỗi cô gái Việt Nam mà tôi gặp thì đều có thể là Diệu Linh, là Thắm cả… Tôi được biết Linh đang làm trung đội trưởng một trung đội tải và đang rất
bận rộn đáp ứng nhu cầu của tiền tuyến, mọi người làm việc không kể ngày đêm –
cứ hết chuyến này thì đi chuyến khác không tính thời gian. Các cô đang thi đua
giành danh hiệu phân đội Nguyễn Văn Bé và phấn đấu đạt kỷ lục nữ kiện tướng,
mỗi xe tải 180 kg.
Thế đấy! Tôi nghĩ tới mùa xuân đầy tính chiến đấu của
tuổi trẻ, tôi đang hình dung hàng ngàn vạn Diệu Linh nhỏ bé, dịu hiền mà lớn
lên hùng vĩ giữa cơn bão táp cách mạng đang cuồn cuộn dâng lên. Các cô cũng
chính là hình ảnh nước Việt Nam ta với một hình thù mạnh mẽ đã vụt sáng quắc lên hùng
vĩ, tỏa ánh hào quang ra tràn ngập cả Thái Bình Dương.
Xuân 1968
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà văn, 2012)
Chiến tranh Việt Nam 'the Viet Nam war', bài viết phân tích mọi vấn đề cho nhân dân thế giới, nhân dân Mỹ, nhân dân Việt Nam, các thủ tướng, tổng thống, các tướng lĩnh hiểu các khía cạnh cuộc chiến, mời xem ở: https://sites.google.com/site/weblethanhduc/chien-tranh-viet-nam-the-viet-nam-war
Trả lờiXóa