Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2023

Người của một thời


Nghiêm Hà
Cuối mùa mưa năm 1967, Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ II được tổ chức trọng thể ở một khu rừng già thuộc chiến khu miền Đông Nam Bộ; hồi đó tôi là phóng viên nhiếp ảnh của Quân Giải phóng được cử đi phục vụ Đại hội này. Trước ngày Đại hội khai mạc, anh Trần Độ (còn có tên là Trần Quốc Vinh và thường gọi thân mật là anh Chín Vinh) Phó Chính uỷ các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam có cuộc gặp các anh em phóng viên báo chí, quay phim, nhiếp ảnh để bàn một số nội dung, hình ảnh và công tác tuyên truyền phục vụ Đại hội; biết tôi là phóng viên nhiếp ảnh của Xưởng phim Quân Giải phóng, anh hẹn có buổi làm việc riêng.

Ngay buổi trưa hôm sau, tôi được gọi lên Bộ chỉ huy đến tận hầm của anh Trần Độ để báo cáo tỷ mỉ kế hoạch, mục đích yêu cầu và nội dung cũng như những hình ảnh cần chụp trong Đại hội; nghe xong anh Độ bổ sung ngay những việc cụ thể phải làm như: chụp ảnh chân dung những cán bộ chiến sĩ biệt động, những anh chị em hoạt động trong nội thành, trong chiến tranh du kích; những con người này anh Đinh Thuý bên Thông tấn xã Giải phóng sẽ không chụp. Tôi liền báo cáo ngay với anh: “Nội dung nhiều như thế, nhưng Cục Bảo vệ chỉ cho chụp khoảng 100 phim trong Đại hội”. Vừa lúc đó đồng chí Cục trưởng Cục Bảo vệ (Anh Năm T.) đến, lập tức anh Độ nói ngay: “Năm T. ơi! Nghiêm Hà nó đang khiếu nại cậu đây này, cả Đại hội mà cậu chỉ cho chụp 100 phim (bằng 3 cuộn phim cỡ 24 x 36) thì nó biết làm ăn ra sao, cậu chẳng thông cảm chuyên môn của anh em gì cả".
Anh Năm T. đột ngột bị anh Độ chỉ trích, chắc cũng bực, mặt đỏ gay thanh minh “Đâu có, tôi dặn cậu ấy chụp những hình ảnh gì phải báo cáo tôi”, thế rồi anh Độ giải thích đôi điều về chuyên môn và nghiệp vụ để tôi và anh Năm T. cùng nghe, cả hai không ai cấn cá gì, vui vẻ ra về.
Từ ngày ấy, thỉnh thoảng anh Độ đi công tác tiện đường lại ghé thăm nơi ăn chốn ở và điều kiện làm việc hoạt động của Xưởng phim Quân giải phóng, những lần đó Ban phụ trách Xưởng phim đều để tôi được tiếp xúc với anh Độ, các đồng chí đó nói “Anh Chín mến cậu thẳng thắn, vì nhiệm vụ không biết sợ; hồi nào, trước mặt ổng cậu dám kể tội Năm T. và đặc biệt dám tranh luận về nghệ thuật, về máy móc, phim ảnh, dám công khai chính kiến của mình".
Tết Mậu thân năm 1968, tôi theo một mũi tiến công của Quân giải phóng vào Sài Gòn và bị thương mất ½ bàn tay phải, đến cuối năm 1970 đầu năm 1971, sau nhiều lần bị thương nữa tôi được ra miền Bắc an dưỡng và cuối năm 1972 về công tác ở Tỉnh đội Hà Tây để ổn định và lập gia đình, mọi chuyên chiến trường đi vào dĩ vãng.
Cuối năm 1974 anh Trần Độ ra Hà Nội họp Hội nghị Quân sự toàn quốc, sau đó được giữ lại đi nghiên cứu và thăm một số địa phương ở miền Bắc làm tốt công tác chi viện cho miền Nam, trong đó có Hà Tây quê hương tôi.
Anh Trần Độ về thăm tỉnh đội Hà Tây vào một buổi sáng, hôm đó tôi lại đi công tác vắng, anh xem những pa nô ảnh giới thiệu về hoạt động của các lực lượng vũ trang Hà Tây treo ở phòng truyền thống và hội trường đều thấy ghi: Nghiêm Hà chụp. Anh Trần Độ hỏi tỉnh đội trưởng Lê Hiền Hữu và Chính uỷ Nguyễn Ngọc Diệp về tôi và anh đã nhận ra Nghiêm Hà nhiếp ảnh B8 (Điện ảnh Quân Giải phóng); anh ấy yêu cầu Tỉnh đội Hà Tây rút tôi về làm thư ký cho anh ấy!
Ngay ngày đầu về nhận nhiệm vụ, tôi đã báo cáo ngay: “Thưa thủ trưởng, theo lệnh điều động của Thủ trưởng Tổng cục Chính trị (đồng chí Song Hào ký) tôi nhận nhiệm vụ, chứ tôi lo là không giúp được gì cho thủ trưởng”. Anh Trần Độ nói luôn “Hoạt động của tớ nhiều lĩnh vực lắm, vừa là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, vừa là Phó Ban miền Nam”, rồi anh hóm hỉnh nói tiếp “còn hoạt động nghệ thuật nhiếp ảnh quay phim nữa chứ, làm thư ký không có nghĩa là chỉ có viết cho thủ trưởng”; tôi tươi tỉnh hẳn lên và yên tâm làm nhiệm vụ mới.
"Chỉ đạo" cả người chụp ảnh.
Ở với anh Độ càng lâu, tôi càng thấm thía điều mà anh Độ nói hôm tôi nhận nhiệm vụ trước anh, đó là : mọi vấn đề, mọi bài vở, mọi phát biểu đều phải do chính tự tay anh viết, không ai viết thay được, anh có cách viết riêng, với một tư duy rất độc đáo, cách hành văn, cách đặt vấn đề rất Trần Độ, rất lý luận nhưng cũng rất thực tiễn, chân thật, giản dị dễ hiểu đi vào ngóc ngách của đời sống con người. Đã có một thời anh là tác giả Xuân Hồng của Báo Tiền phong trong chuyên mục Giải đáp Tâm tư tình cảm của thanh niên nam nữ đang tuổi yêu đương, với cách viết hóm hỉnh, dí dỏm nhiều bạn trẻ bốn phương tưởng Xuân Hồng hơn tuổi mình không nhiều, biết đâu đó là một ông già ngoài 60 tuổi. Tôi từng chứng kiến lúc anh làm Thứ trưởng Bộ Văn hoá, làm Trưởng ban Văn hoá – Văn nghệ Trung ương ; làm Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá – Giáo dục của Quốc hội khoá VII, khoá VIII; có nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực hăng hái nhận viết cho anh những bài phát biểu, những báo cáo, nhưng khi đọc lại để ký anh phàn nàn: “Viết thế này thì không phải của tớ nữa”. Ngay cả những báo cáo thẩm tra và kiến nghị của Ủy ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội, được thông qua tập thể anh cũng là người chắp bút.
Tôi rất khâm phục anh, một con người cũng vào loại hiếm, công việc quản lý bận rộn thế, anh vẫn đọc được rất nhiều sách, đi xem được rất nhiều và rất nhớ, thường kể lại cho tôi nghe và đặc biệt viết được rất nhiều. Những bài viết của anh Độ tôi chỉ có nhiệm vụ chép lại cho rõ ràng để đưa xuống phòng đánh máy kẻo chị em suy luận không ra. Anh Độ nhiều lần khen tôi “Cậu cũng giỏi, tớ viết thế nào cậu cũng luận ra được, ít có trường hợp phải hỏi lại tớ”.
Mười bảy năm làm thư ký cho anh Trần Độ, tôi còn học tập được ở anh đức tính tự tin và quyết đoán, kiên trì và nhẫn nại, bất cứ việc gì dù lớn nhỏ, đã bàn bạc và thống nhất là tìm cách làm bằng được, bởi vì trong quá trình đó anh rất bình tĩnh lắng nghe ý kiến của người khác, kể cả ý kiến khác với anh. Tôi chưa bao giờ thấy anh tỏ vẻ khó chịu khi có ý kiến trái với anh trong hội nghị, hoặc quyền phủ quyết để cắt ý kiến người đang phát biểu ; tôi chưa bao giờ thấy anh giận dữ, cáu gắt chán nản bất mãn điều gì. Dù ở cương vị nào cũng suy nghĩ tìm việc ra mà làm để phục vụ cho một cái chung lớn lao. Ngay cả những năm tháng nằm trên giường bệnh đi lại bằng xe lăn, tôi thấy anh vẫn nghĩ, vẫn viết, vẫn trăn trở đau đáu một cái gì. Tôi khuyên “anh nên nghỉ ngơi, dưỡng sức tuổi già, cái gì phải đến nó sẽ đến” thì anh lại phê phán tôi, tranh luận với tôi, cho tôi là “xuôi chiều, cứ như cậu thì làm gì có cái gì mới”.
*   *
*
Anh Trần Độ thôi tất cả các chức vụ từ năm 1992, tôi được tổ chức giao nhiệm vụ khác, tuy không còn làm thư ký cho anh, nhưng tôi vẫn thường đến thăm anh, trao đổi tâm tư nguyện vọng. Mười năm sau tôi có quyết định nghỉ hưu, cầm quyết định đến khoe với anh trong tâm trạng vừa vui vui vừa buồn buồn. Anh Trần Độ nói “Cậu là người làm thư ký cho mình lâu nhất đấy, nên cũng thiệt thòi, mình coi cậu như cánh tay phải cứ giữ, đáng lẽ phải đào tạo cậu sớm hơn”. Tôi cảm động quá, hoá ra anh Trần Độ cũng dám nhận cái sai với cấp dưới của mình, không hề sĩ diện.
Mười bảy năm gắn bó với anh, thân thiết với gia đình anh như người nhà, giỗ tết hàng năm gia đình anh Độ đều mời vợ chồng con cái tôi đến ăn cỗ. Anh hiểu và coi chúng tôi như con cháu trong nhà và tôi cũng hiểu anh từ tuổi vị thành niên - lứa tuổi chín mọng ước mơ tươi đẹp anh đã tìm đến với cách mạng như tìm ra lẽ sống của đời mình. Vì thế hơn một nửa thế kỷ hoạt động, anh thường xuyên đứng ở mũi nhọn của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Anh có mặt ở hầu khắp các chiến trường quan trọng từ Tây Bắc, Việt Bắc, Lào đến B2. Ở tuổi 60 ngày nay hẳn còn nhiều người nhớ những bài tuỳ bút, ký sự nổi tiếng một thời của một chính uỷ, một nhà văn Trần Độ về chiến trường Điện Biên Phủ gian khổ và hào hùng. Rồi bài “Lý tưởng và ước mơ” đã thúc giục hàng triệu thanh niên lên đường chống Mỹ. Rồi bài “Thư cho con” và bài “Thế hệ anh hùng của một dân tộc anh hùng” sau ngày giải phóng miền Nam, vừa là tổng kết vừa là định hướng để xác định lý tưởng cho thanh niên hãy hiến dâng tuổi trẻ cho sự nghiệp xây dựng lại đất nước.
Với "bộ máy" giúp việc.
 Hoàn thành nhiệm vụ của người chiến sĩ giải phóng dân tộc, anh được chuyển sang làm công tác tư tưởng – văn hoá – giáo dục. Phát huy tính tiên phong của người chiến sĩ cách mạng, trên lĩnh vực hoạt động này anh đã mạnh dạn tìm tòi, góp phần vào sự nghiệp đổi mới đất nước theo hướng đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong sự nghiệp đổi mới lãnh đạo và quản lý thuộc lĩnh vực văn hoá – văn nghệ - giáo dục, anh Độ đã góp nhiều tiếng nói mạnh mẽ và nhiệt thành, thúc đẩy sự nghiệp phát triển và bảo tồn văn hoá dân tộc Việt Nam.
Anh là một người trung thực, trung thực một cách kính nể và đáng thương. Anh sống giản dị thanh bạch, tôi nghĩ anh xứng đáng là học trò của Bác Hồ và thực sự kiên trì đi theo con đường Bác Hồ đã chọn. Trước lúc lâm chung anh viết di chúc dặn vợ con, nếu anh đi theo Bác thì hoả táng, mang tro về quê Thái Bình để bên hai cụ song thân để được hầu hạ bố mẹ nơi chín suối khỏi mang tiếng đứa con bất hiếu. Không nên làm bất cứ một nghi thức gì ngoài phong tục tập quán của quê hương, sinh tốn kém.
Ôi! Xin thắp nén nhang, kính cẩn nghiêng mình trước vong linh anh, mừng anh đã về với thế giới người hiền; thành tâm chia sẻ nỗi buồn phiền và mất mát lớn lao này với chị và các cháu.

Hà Nội, ngày 09/8/2002

(Trích Nhớ Nhà văn Trần Độ, Nxb Văn học, 2013)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét