Ngày
5-8 năm 1964, Mỹ mở đầu ném bom miền Bắc. Một tháng sau, ở một hội nghị Trung
ương, đến giờ nghỉ giải lao, anh Nguyễn Chí Thanh kéo tôi ra sân, vỗ vai và bảo: “Chuẩn bị đi B”.
Lúc ấy cuộc đồng khởi của nhân dân miền Nam diễn ra được ba bốn năm. Tâm lý của mỗi người cán bộ,
chiến sĩ, đảng viên ở miền Bắc đều háo hức khao khát muốn được tham gia cuộc
chiến đấu ở miền Nam.
Trước đó, khoảng 1961-1962 đã có những cuộc đi B bí mật. Từ việc chuẩn bị đến
lúc lên đường đều hoàn toàn bí mật, phong thanh nghe đã có những chuyến đi vào Nam, nhưng chưa ai hình dung là việc đó diễn ra như thế
nào. Phần tôi có biết một số anh em bạn thân tập đeo ba lô đầy gạch đi bộ hoặc
đi lên miền núi. Có chuyến ô tô chở họ đến Xuân Mai để tập leo núi. Tôi cứ nghĩ
rằng nếu đến lượt mình thì cũng phải qua thời gian luyện tập như thế.
Chuyến
đi B đến trong tình thế hết sức tự nhiên không có gì để phải suy tính, như lệnh
anh Thanh đưa ra: “Chuẩn bị đi B” là đầy đủ, khỏi phải nói mục đích, ý nghĩa,
yêu cầu... tôi đã trả lời: “Vâng” và chuẩn bị sẵn sàng. Sau đó anh Thanh
thông báo thêm với tôi: “Chuyến đi này có tớ (tức anh Thanh) có cậu, Tấn và
Cầm. Tớ đã chọn mấy tay này cùng đi với tớ”. Tôi không nhớ anh có nói hay không
nhưng đây là nhóm cán bộ quan trọng vào Nam
để giúp chiến trường miền Nam
việc tổ chức những đơn vị chiến đấu tập trung. Tôi nhớ anh Lê Duẩn đã phát biểu
trong hội nghị Trung ương: “Đã đến lúc lực lượng vũ trang ở miền Nam
phải tổ chức lại đội ngũ: Nếu ba vạn người mà lẻ tẻ chiến đấu ở mọi nơi, thành
từng nhóm, từng tổ, từng người thì chỉ là những hoạt động du kích. Nếu ba vạn
người tổ chức thành những binh đoàn, thành những đơn vị thì sức mạnh sẽ khác”.
Hồi đó, nhu cầu của chiến trường miền Nam
là phải tổ chức quân chủ lực, vì vậy anh Thanh được Bộ chính trị phân công vào
chiến trường. Anh đã chọn một số cán bộ có nhiều kinh nghiệm tổ chức và chỉ huy
chủ lực đi cùng với anh. Việc anh chọn tôi, anh Tấn, anh Hoàng Cầm có lẽ cũng
là tự nhiên. Cả ba chúng tôi đều là cán bộ sư đoàn 312. Chúng tôi thấy vinh dự,
niềm tự hào và thấy sự trưởng thành của Sư đoàn 312 đã tạo cho mình cái vốn
kinh nghiệm có thể giúp ích cho chiến trường. Bước vào giai đoạn chuẩn bị, anh
Thanh bảo tôi trao đổi thêm với anh Tấn về kế hoạch chung. Đang là chính ủy
quân khu ở miền Bắc, tôi có một thư ký giúp việc. Tôi có hỏi anh Thanh rằng đi
vào chiến trường có được phép mang thư ký đi không? Anh ấy hồ hởi bảo ngay: “Thôi,
đừng mang đi, tớ cũng không mang. Vào chiến trường tìm anh em trong đó thiếu gì
người tốt và nhanh nhẹn làm được việc”. Tôi gặp đồng chí thư ký giải thích để
anh rõ. Tôi tìm gặp anh Tấn hỏi: “Bây giờ anh Thanh bảo tôi và anh bàn chuyện
chuẩn bị thì phải làm những gì?”. Anh Tấn cũng đã nhận được chỉ thị này nói: “Tôi
có mua cho ông một cây bút máy và một cái
đồng hồ để đem theo mà làm việc”. Anh Thanh có dặn riêng tôi: “Cậu phải
kiếm một máy ảnh thật tốt”. Tôi liền vào Tổng cục Chính trị xin. Bấy giờ ai đi
B đều được ưu tiên hàng đầu nên các anh ở Cục Cán bộ lập tức cho lục kho, lấy
giao cho tôi chiếc máy ảnh Pratika, thời đó loại máy này oai lắm. Còn phương
thức đi như thế nào thì tôi cũng không biết gì hơn là sẽ đi bằng phương thức
đặc biệt và bằng con đường đặc biệt. Anh Thanh còn bảo bốn người sẽ đi làm hai
đợt. Đi bằng phương thức đặc biệt có lẽ là đi bằng con đường hợp pháp, phải đi qua một số đô thị, qua Phnôm Pênh hay Sài Gòn gì
đó? Tôi nghĩ mà lo. Từ 15-16 tuổi đã thoát ly đi làm cách mạng, có tiếp
xúc với xã hội nhưng vẫn thấy bản thân còn nhiều sự vụng về kém cỏi. Tôi hy
vọng là được đi với anh Tấn như mấy lâu nay sống, làm việc cùng anh. Anh ấy lớn
hơn tôi hàng chục tuổi, cũng vào đời lâu và có kinh nghiệm nhiều hơn tôi. Đùng
một cái vào khoảng tháng mười thì có thông báo anh Thanh và anh Tấn đi trước.
Thế là tôi mất chỗ để dựa rồi. Còn lại tôi và anh Hoàng Cầm. Đi cùng anh Cầm mà
lại đi bằng con đường hợp pháp, phải qua đô thị và với những phương tiện giao
thông hiện đại thì cái nông dân của ông ấy cất vào đâu nổi. Tôi hóa thành người
đứng mũi chịu sào, đâm lo ngại nhiều. Lúc này tôi đã giao lại việc quân khu cho
người khác rồi. Cho nên ngày qua ngày chỉ một việc ngồi ngóng tin lên đường,
lâu lâu nóng ruột lại chạy lên Bộ tổng hỏi dò, rồi trở về nhà nằm đọc tiểu
thuyết, có lúc nghe phổ biến tình hình miền Nam rồi tiếp tục chờ... Còn được
bồi dưỡng chế độ rất đặc biệt với cả sâm nhung, người thành béo khoẻ nặng nề
ra, cân tới 65 kg. Nhưng vẫn chưa thấy gì cả. Ông Hoàng Cầm hỏi tôi, tôi lên
hỏi Bộ Tổng tham mưu, lại được trả lời là cứ sẵn sàng, có lệnh là đi ngay. Rồi
đến Tết, vui vẻ với gia đình nhưng lòng thì băn khoăn lắm, chẳng rõ chuyện đi
đứng ra làm sao cả. Cái Tết vừa qua thì một tối nhận được điện của Bộ Tổng tham
mưu: Sáng mai lên tập trung ở Bộ đúng 7 giờ sáng để đi. Chưa biết đi bằng cách
nào nhưng vẫn chuẩn bị tư trang đi đường. Tôi bỏ hết đồ quân phục lại, bận
thường phục, tay xách chiếc va ly nhỏ. Rồi lại phải giúp ông Hoàng Cầm chải
chuốt cái đầu cợp của ông ấy cho dễ coi. Có lẽ là lần đầu tiên ông diện quần áo
thành thị! Lên tới Bộ hỏi đi như thế nào thì họ bảo là ra sân bay. Tới đây thì
tôi yên trí là đi máy bay rồi, có lẽ sẽ bay thẳng Phnôm Pênh! Nhưng lại thấy
là một chuyên cơ - loại máy bay thường nhưng chỉ có hai chúng tôi đi. Các phi
công bảo: “Chúng tôi có nhiệm vụ đưa các đồng chí đến Quảng Châu”. Sang Trung
Quốc sao? Tôi lại hoang mang không hiểu đường đi thế nào mà phải vòng sang
Trung Quốc? Đến Quảng Châu, các đồng chí Trung Quốc đón tiếp niềm nở, đưa vào
nhà khách ăn uống, nghỉ ngơi. Bấy giờ tôi mới biết tương đối rõ là đi bằng
đường biển. Tôi và ông Hoàng Cầm sẽ xuống một tàu biển đi tới cảng Xihanúc-vin
ở Tây Nam Campuchia. Trên tàu chúng tôi đóng giả làm thủy thủ. Đây là tàu vận
tải chở hàng cho Campuchia. Lại chờ đợi khoảng một tuần lễ. Ngày ngày đi thăm
thú cảnh vật địa phương. Thăm Hoàng Hoa Cương, thăm mộ Phạm Hồng Thái, mộ 72
liệt sĩ, trèo núi, ngắm cảnh. Có lần tỉnh ủy Quảng Đông, Quảng Tây mời bữa cơm
với thịt chó. Món thịt chó ở đây chẳng giống tí nào với lối nấu ở Hà Nội. Vừa
lạ và không ngon. Sau này tôi mới hay là món thịt chó Quảng Đông làm giống cách
nấu ở miền Nam
ta, không có riềng, không có mẻ, không lá húng. Suốt mấy ngày họ đều thay đổi
món ăn. Mỗi lần có món mới lại giới thiệu, lại giải thích. Có người cho chúng
tôi biết là ở Quảng Châu, Quảng Đông này có nhiều món ăn khác nhau để mời
khách. Mỗi ngày ăn ba bữa với các món khác nhau cũng đủ để mời khách ba năm
không lặp lại món nào! Cũng ghê thật nghệ thuật ăn uống của người Trung Quốc!
Hôm xuống tàu các đồng chí Trung Quốc cũng tiễn đưa cẩn mật và nồng nhiệt lắm.
Họ dẫn chúng tôi vào phòng của thủy thủ. Mỗi phòng chừng 4-5 mét vuông có kê
hai giường một, cửa đóng im ỉm suốt ngày. Tàu nhổ neo đi, vài ngày sau họ mới
dẫn chúng tôi đi xem phần đầu và cuối con tàu. Trên boong thấy mấy khẩu đại
liên, chắc là loại 12 ly 7 nhưng phủ bạt kín. Họ nói là tàu buôn không có quyền
mang vũ khí. Nhưng lần này có nhiệm vụ chở chúng tôi nên trang bị thêm song bất
đắc dĩ mới dùng tới còn thì phủ kín. Tàu trọng tải ba ngàn tấn, chở hàng gì họ
không nói. Năm ngày đường, lênh đênh giữa trời biển. Hai anh em ngồi đánh tú lơ
khơ và nói chuyện vui với nhau.
Ngày
thứ năm thì tàu cập bến. Chúng tôi lại bận quần áo thường phục. Ông thuyền
trưởng tới mời chúng tôi lên khoang chỉ huy ngồi nhưng cửa khoang vẫn đóng
chặt. Ông nói: “Các đồng chí cứ ngồi đây đừng ló ra ngoài, không để lộ gì cả”.
Rồi thấy mấy chiếc ô tô vào bến. Có người bảo là xe của cán bộ đại sứ quán
Trung Quốc ra đón tầu. Một lúc sau, có người bảo: “Mời các đồng chí ra”. Chúng
tôi đi theo cán bộ sứ quán Trung Quốc lên tuốt ô tô. Xe lao đi. Đến lúc đó tôi
mới hiểu rằng phương thức là cán bộ đại sứ Trung Quốc ra đón tàu hàng, khi lên
tầu họ đánh tráo chúng tôi vào số người của họ lưu lại trên tàu, để đưa chúng
tôi đi. Ô tô ngoại giao thì không sợ bị kiểm soát, lên xe ngồi là về Phnôm
Pênh.
![]() |
Ảnh: Chia tay ông Nguyễn Chu Phác, chuẩn bị đi B |
Tôi
xin dừng lại nói về phương thức đi B thời đó. Có phương thức là lội bộ dọc
Trường Sơn. Năm 1964 lối này còn hoang vắng lắm. Cũng từng lúc có đoàn tới trăm
người đi qua nhưng chưa đông đúc, chưa có đường ô tô như sau này. Có chuyến ô
tô chỉ tới gần giới tuyến tạm thời rồi anh em xuống lẩn vào rừng và đi bộ suốt
dọc dãy Trường Sơn. Về sau tôi biết rằng con đường ấy đi qua đường số 9 rồi số
8 gần Lao Bảo, tạt sang Lào đi dọc đường Lào tới ngã ba biên giới thì sang đất
Campuchia rồi đi xuống. Còn một phương thức khác ít dùng tới hơn, về sau này
thỉnh thoảng chúng tôi có đi: Lên máy bay Phnôm Pênh bay sang Hồng Kông hoặc
Thượng Hải. Máy bay ta sang đón về. Còn chuyến đi của chúng tôi cũng là một
phương thức.
Một
phương thức khác thời ấy đã gọi là đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Tàu không
số hoặc là cải trang thành tàu đánh cá Thái Lan, hay là thành tàu đánh cá của
ngư dân miền Nam.
Phần được quan tâm nhất là máy, tàu phải đủ sức vượt, còn vỏ tàu thì cải trang
thành nhiều dạng. Đường ngoài vào thì hết sức bí mật và phải trù liệu cách xử
trí để bảo toàn trong các tình huống trên đường. Tàu vào tới phía trong, dọc bờ
biển có nhiều bến: Bà Rịa, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau đều có bến tiếp nhận. Mỗi
chuyến tàu chở dăm bẩy tấn vũ khí, cùng đi kèm là năm bẩy cán bộ quân đội cấp
đại tá, thượng tá. Anh Văn Phác đã từng đi theo phương thức này. Phương thức
này có mạo hiểm hơn và cũng nguy hiển hơn, phải chuẩn bị cả phương án chiến đấu
khi gặp địch. Phần đường phía trong đi sát bờ biển, rất dễ gặp phải tàu tuần
tiễu của địch. Tàu ta vào phải mang theo sẵn cả khối thuốc nổ lớn để khi cần
thiết thì phải phá chìm tàu. Các đồng chí trên chuyến tàu ắt chịu hy sinh. Cũng
có phương thức nhảy xuống bơi sang tàu dân chài, nhưng vẫn phải dự phòng phương
án cao nhất là hy sinh cùng với tàu, đánh chìm tàu để phi tang. Cũng đã có
những chuyến phải phi tang như thế nhưng đa số đã thực hiện trọn vẹn nhiệm vụ.
Cũng có những chuyến bị lạc, bị giạt xa bến nhận hàng, phải đánh chìm tàu. Cán
bộ và thủy thủ len lỏi sống trong dân, được dân giúp đỡ tìm về căn cứ hoặc trở
ra miền Bắc lại. Phải nói đến những con đường cứu nước này đã có bao nhiêu
chuyện ly kỳ và bao nhiêu con người phi thường.
Còn chuyến chúng tôi đi là đi hợp pháp, tàu quốc tế và
hải trình quốc tế. Chỉ đề phòng khi nó nghi ngờ dùng vũ lực kiểm tra thôi...
Thế mà cũng có chuyện để nhớ. Lên xe của sứ quán đi, mấy ông người sứ quán nói
chuyện với nhau. Tôi nghe được, nói được tiếng Trung Quốc. Tôi thấy các vị nói
với nhau, hỏi nhau khi thấy có đoàn xe hơi phía trước là đã phải chưa? Đúng
chưa! Tôi chợt hiểu rằng các ông ấy cũng phải đón chiếc xe nào đó. Họ chẳng
trao đổi gì với chúng tôi cả. Có hỏi thì họ bảo là cứ yên trí ngồi trên xe và
họ có nhiệm vụ đưa đi. Cho đến lúc có ô tô phía trước. Không hiểu họ có ám hiệu
với nhau như thế nào mà mấy ông Trung Quốc nói với nhau là đến rồi đấy. Họ dặn
chúng tôi: “Hễ mà xe đằng trước tới thì xe này chỉ dừng lại một giây. Các đồng
chí nhảy sang xe kia cho thật nhanh”. Quả nhiên xe kia tới thì áp vào và nhoáng
cái chúng tôi đã nhảy ra. Bên kia có người xuống xe đẩy chúng tôi vào xe họ.
Thế là hai xe lại chạy ngược chiều nhau. Được một đoạn khá dài xe tôi ngồi mới
quay đầu lại trở về Phnôm Pênh. Nó vun vút vượt xe của sứ quán Trung Quốc.
Người trên xe đón chúng tôi cũng biết mình đi đón Trần Độ và ông Hoàng Cầm. Ông
mừng rỡ nắm lấy cánh tay tôi và bảo: “Anh cứ bình tĩnh, cứ bình tĩnh. Không có
việc gì đâu”. Tôi thì thấy cung cách bí mật như thế nào chăng nữa thì cũng phải
chuẩn bị đối phó với tình huống có thể xảy ra. Càng buồn cười khi nghĩ rằng
trong tay các vị mình cứ như bao gạo vứt từ xe này sang xe kia mà chẳng ai nói
với một lời vì sao. Xe chạy một lúc xem ra đã yên bề, tôi lại càng sốt ruột
nhưng phải bấm bụng mà chịu cung cách của các ông. Lát sau, ông ấy hỏi tôi giấy
tờ đâu? Tôi ngớ ra bảo giấy tờ gì? Tôi chẳng có giấy tờ gì cả! Nghe thế các
ông mới trao đổi với nhau: “Thôi chết rồi! Phải chờ xe sau tới vậy!”. Xe
chạy chậm lại. Xe sứ quán Trung Quốc tới. Hai bên trao giấy tờ cho nhau. Thì ra
đây là giấy chứng minh, chứng nhận của chúng tôi là Việt Kiều. Mỗi người chúng
tôi có một tờ để lúc cần thì dùng chúng, không còn là dân nhập lậu nữa. Lúc ấy
chúng tôi mới hiểu trước đây phải đi chụp hình đưa đi là để làm giấy này. Việc
lo giấy này cũng đến là buồn cười. Tôi hỏi: “Làm giấy giả sao?”. Trả lời: “Không,
làm giấy thật”. Thì ra ông ấy đút lót các công an chính quyền Xihanúc. Họ đưa
cho mình giấy khống chỉ, các ông ấy dán ảnh vào rồi đem lại cho họ đóng dấu. Cứ
tiền là xong hết. Có giấy là yên ổn rồi. Tuy nhiên tôi vẫn cứ nêu lên: “Các
anh cho biết một vài cách đối phó với tình huống xấu nếu xảy ra”. Ông ấy lại an
ủi, bảo: “Yên trí! Yên trí! Không việc gì phải lo cả, chúng tôi sẽ làm hết,
các anh không phải đối phó gì hết. Không phải lo gì cả!”. Đến thế thì đành
chịu vậy! Tới Phnôm Pênh, trời đã khuya lắm rồi. Ông ấy đưa vào một căn nhà và
nói ngon lành: “Thôi, về tới đây là nhà mình rồi. An toàn chu đáo rồi. Không
sợ gì xảy ra nữa. Các anh cứ yên trí ngủ nghê đến sáng mai. Sau các anh sẽ được
trang bị quần áo bà ba, rađio rồi mới đi về căn cứ được!”.
Sáng
hôm sau ngủ dậy, tôi lững thững bước ra sân. Thấy mấy đứa trẻ đang nô đùa, tôi gọi chúng lại hỏi chuyện. Giữa
lúc tôi đang hỏi các cháu đứa bao nhiêu tuổi, học lớp mấy, bố mẹ làm gì thì một
chị chạy ra xua tay rối rít và bảo: “Chú! Chú! Vào, vào đi. Đừng nói giọng
trọ trẹ. Lộ hết cả. Mật thám trên tầng ba kia kìa!”. Tôi vội vàng trở vào nhà
và hết sức bực mình. Chị ta xua thì đành phải chịu thôi. Giọng mình là giọng Hà
Nội sao lại bảo là trọ trẹ? Hôm qua thì bảo đây là nhà anh em mình, sao nay
lại nói là có mật thám. Chiều, khi các anh kia trở về tôi bèn đưa vấn đề
ra đặt một cách nghiêm túc: “Các anh ạ! Bây giờ chúng tôi phải lưu lại đây
không hiểu là bao lâu, nghĩa là phải sinh hoạt, ăn ở đây. Hàng ngày rồi phải
gặp gỡ người nọ người kia, vậy chúng tôi phải đối đáp thế nào? Các anh cũng
phải nói để có người đến chúng tôi biết đường nói chuyện chứ!”. Thế mà các anh
ấy vẫn giữ một điệu: “Xin các anh cứ yên trí. Chúng tôi bảo đảm hết không có
việc gì phải lo cả. Khi nào chuẩn bị đi thì chúng tôi sẽ phổ biến để cho rõ
đường đi như thế nào. Còn bây giờ chưa cần thiết!”. Thế là chúng tôi cứ hồi
hộp lênh đênh như vậy. Vài ba hôm sau, mỗi người trong hai chúng tôi đã nhận
hai bộ bà ba đen và một cái radio. Đồ bà ba đen đang lên ngôi như là trang phục
chính quy của quân Giải phóng miền Nam,
còn chiếc radio thuộc loại ở Hà Nội khó mà tìm ra. Hôm lên đường, các anh ấy
phổ biến cho biết sẽ từ Phnôm Pênh qua phà Niết Lương, sang đường số 7 đi về
tỉnh Prây Ven rồi đến thị trấn nhỏ. Đó là điểm sát căn cứ mình, sẽ có người từ
căn cứ ra đón. Khi đã biết rõ cả hai chúng tôi yên tâm lên đường.
Về sau mới hay ở Phnôm Pênh ta có rất nhiều cơ sở,
thường là các công chức cao cấp người Việt làm ở bộ máy chính quyền Phnôm Pênh.
Các nhà đều có ô tô riêng, họ đưa ô tô đi đưa đón cán bộ, dưới cái vỏ đưa gia
đình đi chơi. Hôm đưa chúng tôi đi có cả chị vợ đi cùng. Giờ hẹn gặp là 7 giờ
tối, nhưng ô tô tới lúc 4 giờ chiều. Thế là xe chúng tôi vượt xa hơn chục cây
số, lên tận thị trấn Xnum giữa rừng cao su. Ngồi uống nước, các anh ấy dặn
trước: “Khi có người ra đón, chúng tôi chỉ dừng lại giây lát, xe không tắt máy
và không tắt đèn, các anh chú ý nhảy nhanh ra khỏi xe”. Vì vậy, khi có tín hiệu
xe dừng lại thì chúng tôi nhảy xuống ngay. Xe lăn bánh tiếp không kịp chào hỏi
gì cả. Tôi thấy lao xao, ba bốn bóng đen súng ống lỉnh kỉnh. Một người nắm lấy
tay tôi kéo đi xềnh xệch. Một ông khác kéo ông Hoàng Cầm. Được vài ba trăm
thước thì họ tuyên bố: “Thôi thế là xong rồi - sang đất ta rồi!”. Sau này tôi
mới hiểu là con đường vừa đi chạy dọc sát biên giới nước mình, vì thế xuống xe
chỉ cần vượt qua 200 mét là sang tới đất nhà. Mỗi chúng tôi đã được chuẩn bị
sẵn một xe đạp. Người đi đón là Thượng tá phụ trách giao liên do Trung ương Cục
cử tới. Ông vốn là tham mưu trưởng một sư đoàn ở quân khu Hữu Ngạn. Ông còn
nhắc kỷ niệm đã có lần nghe tôi nói chuyện, có những chuyện vui mà ông ta còn
nhớ nhắc lại, còn tôi thì làm sao mà nhớ hết. Gặp được người quen nhắc lại
chuyện cũ thành ra thân thiết làm ấm lòng nơi rừng lạ. Đêm yên tĩnh. Máy bay
nghe phía xa, chưa có gì là quyết liệt cả. Chúng tôi lên xe đạp đi ba, bốn cây
số thì đến Trung ương Cục. Các anh Nguyễn Văn Linh và Nguyễn Chí Thanh vẫn còn
chờ chúng tôi. Gặp nhau mừng quá. Đang có cuộc họp của Trung ương Cục. Anh
Thanh trịnh trọng giới thiệu chúng tôi với các ông ở Trung ương Cục. Anh nói: “Tôi
chọn cán bộ chi viện miền Nam và chọn mấy tay này. Đều là những tay sừng sỏ của miền
Bắc cả. Lê Trọng Tấn là tay sư đoàn trưởng đã chỉ huy nhiều chiến dịch, Trần Độ
là tay có nhiều kinh nghiệm về công tác chính trị, số một số hai đấy. Hoàng Cầm
là tay chiến đấu giỏi rất nhiều kinh nghiệm về tác chiến”. Anh Linh liền hỏi
tôi bao nhiêu tuổi? Tôi lúc ấy mới bốn mươi ba. Nghe tôi nói tuổi, anh vỗ đùi
đánh đét: “Sướng quá nhỉ! Trẻ quá nhỉ?”. Tôi lại thấy mình già rồi. Bao
nhiêu năm chiến đấu, rồi làm chính ủy sư đoàn, chính ủy quân khu, thấy mình
thuộc loại nhiều tuổi. Nhiều cán bộ cấp dưới trẻ hơn nhiều. Ở đây các anh ấy
lớn tuổi hơn, mình thành là lớp trẻ. Sau đó mọi người thu xếp đi nghỉ. Tôi được
ngủ cùng một lán với anh Thanh. Trước khi ngủ, anh Thanh vui vẻ nói nhiều
chuyện và bảo rằng ở đây yên tĩnh, an toàn hơn ở Hà Nội. Cả ngày chẳng có một
tiếng vọng máy bay.
Thật vậy, vùng căn cứ lúc đó còn yên tĩnh. Nhưng chỉ sau
một tháng thì tình hình đã khác hẳn. Máy bay địch quần rà cả ngày, cơ quan phải
sơ tán vào rừng sâu. Chúng dội bom xuống bất cứ nơi nào có dấu hiệu khả nghi.
Thời đó chưa có B52 nhưng có trận chúng đã huy động tới 400 chiếc một ngày,
quần từ sáng đến tối. Bắt đầu từ hôm đó căn cứ có xáo động chút ít.
Anh Thanh đi dự Đại hội phụ nữ miền Nam về tỏ rõ lòng khâm phục phụ nữ trong này. Anh kể với
tôi chuyện bà Định và cô du kích về sau được tuyên dương anh hùng là Tô Thị
Huỳnh mà anh đã gặp trong Đại hội. Tôi cứ buồn cười khi nghe anh nói: “Tô Thị
Huỳnh mới 19 tuổi mà đánh 101 trận. Như thế mày thấy không Độ? Napoléon đánh
có 11 trận! Nhìn Huỳnh hiền khô, ngoan lắm, hiền lắm. Vậy mà đánh giặc dữ thế”.
Còn chị Ba Định chỉ huy đồng khởi Bến Tre, tiếng tăm cũng ra tới miền Bắc nhiều
người đã biết. Anh Thanh cũng gặp chị ấy ở Đại hội. Rồi anh bảo tôi: “Cậu
chuẩn bị ít lâu rồi đi họp Đại hội thanh niên. Đến đấy thế nào cũng gặp những
nhân vật thú vị như vậy”.
Phụ
nữ miền Nam
tuyệt vời và trong Đại hội được tặng danh hiệu “Anh hùng bất khuất trung hậu
đảm đang”. Danh hiệu này nghe bảo do anh Thanh khởi xướng. Mới vào, được tiếp
xúc với anh mấy ngày thôi mà đã nghe kể bao nhiêu chuyện! Đến cuộc họp mặt với
các anh ở Trung ương Cục, cũng để bàn về tình hình. Tôi có biết là trong này
người ta gọi thứ chứ không gọi tên. Nhưng tôi nghĩ rằng thứ thì chỉ từ hai đến
mười mà chắc chắn là thứ thì có nhiều thứ trùng nhau lắm. Phải chọn một thứ nào
dễ phân biệt, tôi mới xin gọi tôi là thứ mười một hay mười hai gì đó. Mọi người
đều cười phá lên vì làm gì có cái thứ tôi đề nghị. Chỉ đến thứ mười là gọi út
rồi. Lúc đó anh Nguyễn Văn Linh là Mười út, là thứ mười lại còn tên út thì gọi
là Mười út, chứ không có thứ mười một. Tôi suy tính mãi chưa biết nên thế nào. Ở
chiến dịch Điện Biên Phủ tôi lấy tên bí danh là Trần thì nay cứ mang tên ấy
vậy. Chính ủy Trần mà Trần Dần viết trong “Người người lớp lớp” chính là nói về
tôi. Tôi định mang tên này vậy nhưng lại có ông Tám Trần tức là ông Văn Phác,
Trần Văn Phác. Lấy thứ tám rồi chẳng lẽ tôi lại trùng tên với ông ấy! Xem ra
thứ hai, thứ ba thì trùng rất nhiều, thứ tư thì đã có Trần Văn Trà là Tư Chi,
lần đến thứ bảy có vẻ tạm ổn thì ông Tư Chi lại gọi trêu là “Bảy Chà” và làm
tôi e ngại không muốn mang tên đó. Xem ra thứ chín thì cũng có trùng nhưng ít
hơn. Các anh đồng ý xếp là chín, còn tên sẽ đặt sau. Lúc ấy các ông đều lấy tên
con. Ví dụ ông Cầm lấy tên con trai là Thạch. Tôi cũng tính lấy tên con. Thằng
lớn tên là Thắng nhưng đã có nhiều gọi như vậy. Tên đứa thứ hai là Quang thì
cũng trùng nhiều. Hay nó là Vinh Quang thì tôi lấy tên Vinh, gọi là Chín Vinh
vậy.
Hôm đi về Bộ chỉ huy, tôi đi bằng xe đạp cùng với ông Trà. Nhìn tôi đi, ông ta khen: “Cậu đi xe đạp cũng khá nhỉ!”. Tám Trần liền nói: “Mấy chục năm đạp xe làm gì mà chẳng khá!”. Phần tôi thì đi ở rừng miền Nam nhưng mang ấn tượng ngày đi rừng miền Bắc, cứ thấp thỏm với chuyện lên dốc xuống dốc mà chẳng thấy đâu cả. Phải thừa nhận đi xe đạp trong rừng miền Nam cũng có cái thú riêng của nó. Đường bằng, cây đủ kín che máy bay, không khí mát mẻ, cảnh vật xanh tươi. Đấy là đoạn cuối hành trình từ Hà Nội cho đến Bộ chỉ huy Miền mà tôi đã trải qua.
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)
Hôm đi về Bộ chỉ huy, tôi đi bằng xe đạp cùng với ông Trà. Nhìn tôi đi, ông ta khen: “Cậu đi xe đạp cũng khá nhỉ!”. Tám Trần liền nói: “Mấy chục năm đạp xe làm gì mà chẳng khá!”. Phần tôi thì đi ở rừng miền Nam nhưng mang ấn tượng ngày đi rừng miền Bắc, cứ thấp thỏm với chuyện lên dốc xuống dốc mà chẳng thấy đâu cả. Phải thừa nhận đi xe đạp trong rừng miền Nam cũng có cái thú riêng của nó. Đường bằng, cây đủ kín che máy bay, không khí mát mẻ, cảnh vật xanh tươi. Đấy là đoạn cuối hành trình từ Hà Nội cho đến Bộ chỉ huy Miền mà tôi đã trải qua.
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)
Từng nghe chú kể chuyến đi B, nay mới đọc kĩ. Hay!
Trả lờiXóaCung cấp tư liệu lịch sử:
Trả lờiXóaTheo "Lịch sử BCH Miền" NXB chính trị quốc gia năm 2004, trang150:
... Tháng 10/1963, BCT và QUTW quyết định thành lập BTL Miền. Nguyễn Văn Linh, UVTW Đảng, bí thư TƯ Cục, làm bí thư QU Miền; Trung tướng Trần Văn Trà UVTW Đảng, Phó TTMT làm Tư lệnh Miền; Thiếu tướng Trần Độ làm phó Chính ủy Miền...