Thứ Năm, 5 tháng 11, 2020

Những kỷ niệm về văn học Xô viết


Nói đến văn học Xô-viết, trước hết tôi hay nghĩ đến những kỷ niệm thú vị trong cuộc đời hoạt động cách mạng của tôi. Những kỷ niệm rất sâu sắc, rất thú vị, nhưng nó không phải chỉ có ý nghĩa kỷ niệm, nó có ý nghĩa những kinh nghiệm có tính nguyên tắc rất lớn. Có thể nói, Việt Nam tiếp xúc với văn học Xô-viết gần sát ngay sau khi tiếp xúc với tư tưởng Mác – Lê-nin và vì vậy, gần như đồng thời.

Ngay từ những năm 1939 – 1940, khi mới tham gia phong trào thanh niên do Đảng Cộng sản lãnh đạo, tôi đã được tiếp xúc với Goóc-ki (tiểu thuyết “Người mẹ”), nghe nói đến Mai-a-cốp-xki, tiếp xúc với Kê-ra-phi-mô-vích (“Suối thép”) ở trong nhà tù Sơn La qua bản tiếng Pháp (Le torrent de fer). Những hình tượng nhân vật, những tư tưởng trong các tiểu thuyết đó bồi đắp nền móng cho tư tưởng cộng sản trong tôi thêm bền vững và phong phú.
Trong những năm chiến tranh chống Pháp từ 1946 – 1954, tôi là người say sưa tìm kiếm các tiểu thuyết Xô-viết để đọc. Lúc ấy chúng tôi gặp được những tiểu thuyết của Ê-ren-bua, của Pha-đê-ép, của Sô-lô-khốp, Ka-da-ki-ê-vích, Bô-rix Pô-lê-vôi, Xi-mô-nốp và bước đầu được tiếp xúc với các nhà văn cổ điển Nga như Lép Tôn-xtôi, … Lúc ấy, ta chưa có được những công trình và quy mô dịch thuật lớn như bây giờ. Chúng tôi chủ yếu dựa vào các sách tiếng Pháp. Và vì phải mượn chuyền tay nhau, nên phải tranh thủ những đêm khuya ở lán trại, lúc hành quân và trong chiến hào để đọc.
Tôi là người hăng hái đọc và hăng hái kể lại những chuyện đã đọc cho cán bộ và chiến sĩ trong Sư đoàn của tôi nghe trong các cuộc hội nghị lớn. Vì nóng lòng muốn cho chiến sĩ được biết bộ mặt tinh thần của những người anh em thân thiết của mình (chiến sĩ Hồng quân Xô-viết) trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Tôi còn tranh thủ, không quản trình độ ngoại ngữ có hạn, dịch từng đoạn hay trích trong tiểu thuyết hoặc lược thuật các truyện ngắn hay, rồi in bằng thạch bản để phát hành trong Sư đoàn. Ở mặt trận Điện Biên Phủ, tôi đã đọc “Chiến bại” của Pha-đê-ép và lược thuật nhiều truyện trong tập “Những người Xô-viết chúng tôi” của Pô-lê-vôi. Năm 1955, một bản dịch của tôi đã được Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân in lại, mà gần đây tôi được các đồng chí ở Nhà xuất bản Sự thật giữ được gửi tặng tôi. Đó là tập “Thiếu tá Lu-băng-xốp” trích trong tiểu thuyết “Mùa xuân trên sông Ô-đe” của Ka-da-ki-ê-vích. Cuốn sách rất mỏng, nhưng chúng tôi rất thú vị. Nhớ lại những kỷ niệm này, tôi rất xúc động.
Ý thức về văn học là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, được hình thành rõ rệt và vững chắc trong chúng tôi. Chúng tôi đã rất sớm biết đến bài báo nổi tiếng của Lê-nin Tổ chức Đảng và văn học có tính Đảng. Chúng tôi rất thích thú khi viện câu nói nổi tiếng của Sô-lô-khốp : “Nhà văn viết theo mệnh lệnh trái tim, nhưng trái tim của nhà văn đã thuộc về Đảng”.
Trong kháng chiến chống Mỹ và nhất là từ sau 1975, chúng tôi lại được tiếp xúc rộng rãi hơn với nhiều tác phẩm của các nhà văn Xô-viết. Đồng thời chúng tôi còn được đọc những công trình nghiên cứu lớn của Khrép-chen-cô, Xu-skốp và những công trình của các nhà văn Việt Nam nghiên cứu về văn học Xô-viết. Chúng tôi được biết những tác giả mới rất lớn của Liên Xô : Đum-bát-giê, Ai-ma-tốp, Bư-cốp, Bôn-đa-rép, v.v…
Chúng tôi hiểu thêm được thế nào là sự phong phú, đa dạng và sức vươn lên mạnh mẽ tuyệt vời của văn học Xô-viết.
Nhìn lại lịch sử Liên Xô và lịch sử văn học Xô-viết, chúng tôi rất sung sướng thấy có một sự thống nhất giữa văn học Xô-viết và văn học Việt Nam về phương hướng tư tưởng, thống nhất về yêu cầu tính Đảng và thống nhất yêu cầu phong phú, đa dạng của văn học. Những công trình lý luận văn học của Liên Xô giúp chúng tôi nhìn ra rõ hơn những vấn đề của mình.
Ảnh : Thứ trưởng Bộ Văn hóa Trần Độ thăm quan và làm việc tại Ca-dắc-tan, 1978
 Chúng tôi đang có đồng thời nhiều vấn đề mà lịch sử Liên Xô đã trải qua: những vấn đề của bước đi ban đầu, thời kỳ quá độ, thái độ đối với văn học quá khứ, những vấn đề của chiến tranh và sau chiến tranh, những vấn đề của sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển mạnh mẽ. Bởi vì lịch sử Liên Xô là một sự liên tục chặt chẽ, không thể chia cắt để tìm một giai đoạn nào phù hợp với Việt Nam được. Chúng tôi cho là chúng tôi rất may mắn có cả một kho tàng kinh nghiệm đồ sộ của Liên Xô, chúng tôi chỉ có thể đặt ngay những vấn đề mới nhất của văn học xã hội chủ nghĩa qua kinh nghiệm của Liên Xô, như vấn đề tính đa dạng phong phú của văn học, vấn đề tính Đảng và bản chất thẩm mỹ của nó, vấn đề tính nhân đạo trong văn học, thái độ đối với kho tàng văn học của quá khứ và của cả loài người, vấn đề sự phát triển mới của phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, vấn đề hình tượng tiêu cực và hình tượng tích cực, vấn đề phản ánh chiến tranh và phản ánh lao động sản xuất. Rõ ràng những vấn đề trên không phải chỉ là những vấn đề văn học của Liên Xô đang xây dựng xã hội chủ nghĩa phát triển mà nó cũng đang là những vấn đề nóng hổi của văn học Việt Nam. Việt Nam không cần phải chờ 30 hay 50 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội mới đặt được và giải quyết những vấn đề mà Liên Xô đang đặt ra.
Vì vậy, những kinh nghiệm của Liên Xô có giá trị thực sự lớn lao. Trong học tập kinh nghiệm, Việt Nam sẽ không hề máy móc, giáo điều, nhưng dù sao thì văn học Việt Nam cũng có cái may mắn vô giá là có Liên Xô và các nước anh em đã đi trước được nhiều bước có ý nghĩa rất lớn.

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét