(Bài nói tại Hội nghị Ban Chấp hành Hội nghệ sĩ sân
khấu lần thứ V)
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI chứa đựng
nhiều quan điểm về văn hoá, văn nghệ sâu sắc và mới mẻ. Ở đây tôi chỉ nói hai
quan điểm cơ bản, đó là quan điểm về chính sách xã hội và vai trò con người,
quan điểm về vai trò, chức năng của văn học, nghệ thuật.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI hết sức coi trọng chính
sách xã hội, coi chính sách xã hội ngang hàng với các chính sách kinh tế, chứ
không coi chính sách xã hội chỉ là những chính sách có ý nghĩa phúc lợi, ban ơn.
“Chính sách xã hội bao trùm mọi mặt của cuộc sống con người; điều kiện lao động
và sinh hoạt, giáo dục và văn hoá, quan hệ gia đình, quan hệ giai cấp, quan hệ
dân tộc…” (Nghị quyết Đại hội VI).
Tư tưởng về chính sách xã hội và vai trò con người là
một tư tưởng lớn của Đại hội VI và cũng là vấn đề văn hoá lớn. Chúng ta đã nhận
thức về vai trò con người như thế nào? Đây là việc tưởng dễ mà hoá khó. Có người
cho rằng quá phức tạp: “Con người là phức tạp lắm”. Có người lại nhận thức đơn
giản, quan niệm rằng: chính mình đang là con người rồi, đang sống cuộc sống
con người rồi, yên trí, không cần tìm hiểu nữa. Vì thế, khi Nghị quyết Đại hội Đảng
lần thứ VI khẳng định: “lấy việc phục vụ con người làm mục đích cao nhất của
hoạt động” thì phải nhận thức điều này kỹ càng. Mục đích cao nhất của mọi hoạt động
xã hội vì mọi con người chứ không phải vì máy móc, vì vật liệu. Như vậy, khi nói
đến “Tất cả vì sản xuất” là phải hiểu mục đích cao hơn là phục vụ con người.
Trong xã hội ta còn không ít những nơi, những giám đốc
chỉ quan tâm đến sản xuất, nhưng không quan tâm đầy đủ đến con người. Tôi đã đến
những nhà máy, những công trường, gặp những ông giám đốc chỉ lo sản xuất, không
để tâm đến đời sống của công nhân. Có một cách nghĩ như thế này: để thời gian
vào vật tư, vào kế hoạch thì ông giám đốc thấy mình hoàn thành nghĩa vụ với Tổ
quốc, còn chỉ lo cho con người thì vẫn thấy không hoàn thành. Vì thế có khi lo
cho con người không bằng lo xi măng, sắt thép, gạch ngói. Từ đó, dẫn đến không
trọng con người bằng vật tư. Con người là thứ yếu, là phụ. Xi măng, sắt thép, gạch
ngói mới là chính. Đúng ra con người là yếu tố quan trọng nhất của sản xuất. Điều
này không ít người đã nhận thức không đầy đủ.
Lâu nay người ta cứ tính gộp lại những yếu tố của sản
xuất: nhân lực, vật lực, tài lực,… Tính như thế con người trở thành số lượng
của công cụ lao động, chứ chưa tính đến nhu cầu sống và các mối quan hệ con người
trong cuộc sống. Những người sản xuất chỉ coi con người là yếu tố lao động, không
lo toan đến nhu cầu con người là một lệch lạc, là nhận thức không hết về quan điểm
con người của Đảng.
Con người có vui, có buồn. Có khi
do một sơ suất của công tác tổ chức trong việc điều động, bố trí công tác không
hợp lý mà làm tan nát cả cuộc đời một con người, tan nát một số phận. Có khi, có
người lãnh đạo thốt lên: không có gạo mới chết, không có phim không chết! Nhận
thức về vai trò của văn hoá nghệ thuật như thế là không đúng. Ngay trong xã hội
chúng ta, có những cái chết phải đâu vì thiếu gạo? Đây là một vấn đề văn hoá lớn.
Tôi đến một nông trường cao su của
bà con mới tới xây dựng quê hương mới, nhân dân hỏi: tôi ở đây cũng được, nhưng
con tôi học ở đâu? Người lao động không chỉ đòi hỏi có cơm ăn đủ no mà còn những
đòi hỏi khác như quan hệ gia đình, quan hệ quê hương,… Tóm lại con người có nhu cầu đời sống văn hoá lớn.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI có đúc lại: Chính sách xã hội nhằm phát huy khả năng con người và lấy việc phục vụ con người
làm mục đích cao nhất. Coi nhẹ chính sách xã hội là coi nhẹ yếu tố con người. Từ
nội dung trên, có thể thấy một loạt quan điểm quan hệ với nhau có tính hệ thống
và đó cũng là những vấn đề cần lý giải kỹ hơn về mặt lý luận, cần được các cấp
lãnh đạo nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn,…
Một vấn đề nữa mà Nghị quyết Đại
hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đề ra là chính sách xã hội trong mục tiêu kinh
tế, quan hệ kinh tế, văn hoá và con người.
Chính sách xã hội thống nhất với các chính sách kinh tế.
Các vấn đề xã hội phải được đặt ra và giải quyết trong từng mục tiêu kinh tế. Các
chính sách xã hội phải nhằm phát huy mọi khả năng của con người, nghĩa là phải
nhằm bồi dưỡng mọi mặt cho con người, con người với tư cách chủ thể tích cực, sáng tạo và xây dựng xã hội chứ không phải
con người cần ban ơn, làm phúc. Những tư tưởng trên là nhất quán với tinh thần
tư tưởng lấy dân làm gốc.
Với quan điểm về vai trò con người được đặt ra mới mẻ
như trên thì vai trò về chức năng văn học nghệ thuật như thế nào? Hiện nay, không
ít người trong chúng ta nhận thức vai trò chức năng văn học nghệ thuật chưa đầy
đủ, ấy là chưa kể có những lệch lạc. Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc
lần thứ VI viết: “không có hình thức tư tưởng nào có thể thay thế được văn học
và nghệ thuật trong việc xây dựng tình cảm lành mạnh, tác động sâu sắc vào việc
đổi mới nếp nghĩ và nếp sống của con người”. Và Báo cáo chính trị nói về chức năng
của văn học nghệ thuật: “tạo nên những giá trị tinh thần, bồi dưỡng tâm hồn và
tình cảm, xây dựng nhân cách và bản lĩnh của mọi thế hệ công dân, xây dựng môi
trường đạo đức trong xã hội”. Ở đây ta cần đặc biệt chú ý mấy chữ: “tạo nên những
giá trị tinh thần”.
Ở nước ta có hai biến động lớn về vấn đề xã hội dẫn đến
biến động mới mẻ về văn học nghệ thuật. Biến động thứ nhất là Cách mạng tháng Tám.
Sau cuộc biến động lớn này đã chuyển văn học nghệ thuật từ là phương tiện để
con người thoát ly khỏi cuộc sống thực tại, là phương tiện để đầu độc nhân dân
thành một nền văn nghệ được sử dụng để con người tham gia vào cuộc sống. Những tác phẩm ra đời suốt hai cuộc kháng
chiến đều chứng tỏ điều này.
Biến động thứ hai là kết thúc chiến tranh, cả nước xây
dựng chủ nghĩa xã hội. Giai đoạn này cuộc sống thay đổi hẳn. Trước kia, lo đánh
giặc, con người rất ít nhu cầu hoặc nhu cầu đơn giản, bây giờ đòi hỏi nhiều nhu
cầu. Ngày ấy, cuộc sống không bình thường, bây giờ là bình thường. Văn nghệ cũng
thay đổi về chức năng của nó, nó phải xây dựng bản lĩnh, nhân cách toàn diện,
giáo dục tình cảm toàn diện cho con người.
Chúng ta phải nhận thức lại vai trò chức năng văn học
nghệ thuật mới này như thế nào?
Bàn về chức năng văn học nghệ thuật phải nghiên cứu văn
nghệ tác động vào điều kiện cụ thể của xã hội như thế nào? Có anh bảo có chức
năng giải trí, có anh bảo không. Liệu có hai thứ nghệ thuật giải trí và nghiêm
túc hay không? Giải trí là gì? Ở Nam Bộ, anh em coi giải trí có nghĩa là xả hơi.
Lại có thứ nghệ thuật xả hơi ư? Nghệ thuật nào cũng mang trạng thái giải trí
tinh thần. Không có thứ nghệ thuật chỉ để giải trí. Nhưng có một văn hoá giải
trí, có cả nền công nghiệp phục vụ cho nhu cầu giải trí. Vấn đề cần nhận thức đúng
là: giải trí là khoái cảm thẩm mỹ, chứ không phải xả hơi. Tác phẩm nghệ thuật
tác động vào con người bằng tất cả các chức năng, đừng dung tục hoá các chức năng
của nó.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI coi trọng
văn hoá nghệ thuật, coi là lĩnh vực sản xuất ra giá trị của con người. Đó là một
nhận thức cơ bản. Giáo dục tình cảm thực sự là xây dựng con người toàn diện. Đồng
chí Lê Duẩn nói: “Lý trí làm cho con người nhận thức, tình cảm mới làm cho con
người hành động”, là rất sâu sắc.
Hoạt động văn học nghệ thuật không phải là những hoạt động
phi sản xuất, mà là tạo ra giá trị tinh thần, làm cho đời sống tinh thần của xã
hội ngày càng giàu có, càng đẹp. Nó làm cho xã hội giàu có hơn, đẹp hơn cả ở chỗ
xây dựng môi trường đạo đức cho xã hội. Văn học nghệ thuật thực hiện chức năng
giáo dục nhưng không nên hiểu giáo dục là lên lớp, là dạy bảo thiên hạ,… Lại còn
cần thấy văn học nghệ thuật làm ra những giá trị tinh thần được vật thể hoá như
tượng đài, kiến trúc và các văn hoá vật chất khác như đồ dùng, quần áo, nhà ở…
Như vậy là văn học nghệ thuật làm việc sản xuất chứ không phải tiêu phí.
Chúng ta sử dụng vũ khí nào thì phải hiểu vũ khí đó.
Phải hiểu chức năng của nó mà sử dụng. Những người quản lý, lãnh đạo càng phải
hiểu kỹ càng, nhất là trong lúc rất nhiều vấn đề đổi mới được đặt ra trong xã hội
ta.
Về đổi mới, phải quan niệm như thế nào? Bây giờ tất cả
mọi người đổ xô vào nói đổi mới. Làm gì khác một tí là bảo đổi mới. Hơi có kết
quả một tí là bảo đổi mới. Nghiều khi gán ghép đổi mới rất vô duyên. Đổi mới cách
ăn tết chẳng hạn. Thế thì ăn bánh gì, bánh mì hay bánh chưng? Quan niệm đổi mới
như thế nào cho đúng? Phải hiểu đổi mới là sửa chữa khuyết điểm, là làm đúng.
Các gì trước sai bây giờ sửa lại. Đổi mới phải là sửa cái sai.
Ở Hội nghị Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ Sân khấu, lắng
nghe ý kiến tham luận của các đồng chí, thấy các đồng chí nêu ra rất nhiều vấn đề
và các vấn đề đều có lý cần phải tiếp tục trao đổi và có kết luận.
Vừa qua, tôi có đi xem một số tiết mục sân khấu. Chúng
ta trong vài năm lại đây, nhất là trong Hội diễn sân khấu năm 1985 và liên hoan
sân khấu chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, sân khấu có nhiều tiết mục
mới, nhiều vở diễn được quần chúng hoan nghênh. Những tiết mục như thế khẳng định
vị trí cần thiết của sân khấu trong đời sống văn hoá hôm nay, đáp ứng nhu cầu
thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Những tiết mục tốt đã tham gia tích cực
vào cuộc đấu tranh xã hội trong ngày hôm nay, khẳng định nhân tố mới, con người
mới. Nhưng cũng có thể nói nhiều vở diễn không để lại ấn tượng sâu sắc trong người
xem. Bây giờ chúng ta còn những vở diễn dễ quên. Những tác phẩm như thế thường
mới chỉ dừng lại ở kể chuyện. Các tác giả, các đoàn nghệ thuật sân khấu mới chỉ
dừng lại ở chỗ đi tìm đề tài, tìm cốt truyện nhưng chưa dựng lên được hình tượng
nghệ thuật để lại sâu sắc trong lòng người xem.
Nhìn chung, trừ một ít vở diễn khá, còn sân khấu chúng
ta chưa có nhân vật còn đọng lại với khán giả. Điều này so với văn học thì văn
học có những hình tượng tương đối sâu sắc. Khi xem những vở viết về đề tài lịch
sử, người ta vẫn thấy không khác xa bao nhiêu câu chuyện trong sách, nghĩa là
nhớ cốt truyện mà chưa có nhân vật với những phẩm chất nghệ thuật của nó.
Sự hấp dẫn quan trọng nhất của sân khấu là hình tượng
nghệ thuật. Nếu chỉ dựng được những vở diễn hấp dẫn bằng chủ đề, bằng câu chuyện
lạ, mà chưa có hình tượng nghệ thuật thì chưa đạt tới sự hấp dẫn của sân khấu.
Rất nhiều ý kiến của các đồng chí nói về khán giả. Cũng
có nhiều ý kiến khác nhau. Tôi cho rằng trước hết là phải coi trọng công chúng.
Nhưng đừng tạo cho công chúng thói quen thưởng thức nghệ thuật hời hợt, cười
vui. Nếu làm cho công chúng bằng lòng với những tác phẩm thiếu tính nghệ thuật
sẽ có tác động trở lại với chính người làm nghệ thuật, rất nguy hiểm.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI có đề ra
những quan điểm về chính sách, về nâng cao trình độ lãnh đạo của Đảng với văn
hoá, văn nghệ. Những quan điểm đó có thể tóm lại là để cho hoạt động nghệ thuật
được phát triển thì ba khâu: Người sáng tạo, người tổ chức và người làm chính
sách phải gắn bó với nhau.
Đối với trí thức, Nghị quyết Đại hội Đảng nói: điểm
quan trọng nhất là đánh giá đúng năng lực và tạo điều kiện cho các khả năng sáng
tạo được sử dụng đúng và phát triển.
Hiện nay lao động nghệ thuật chưa được đãi ngộ xứng đáng,
vì thế Đảng yêu cầu phải cải thiện chính sách.
Các nghệ sĩ phải sống, đương nhiên là như thế. Muốn sống phải kiếm sống. Nhà hát là tổ chức văn hoá, nhưng phải có nhiệm vụ kinh tế. Thực hiện nhiệm vụ kinh tế của sân khấu là tất yếu, là nhiệm vụ. Chúng ta không chống kiếm sống, mà chống tuỳ tiện và dễ dãi. Bệnh này khá phổ biến, thành tâm lý của không ít người hoạt động nghệ thuật. Đó là cái bệnh phải phê phán, chứ không phê phán cái gọi là kiếm sống. Phải khuyến khích kiếm sống bằng chất lượng nghệ thuật cao chứ không dựng một vở diễn dễ dãi rồi đem xuống cho nhân dân xem. Chúng ta hiện nay có rất nhiều hiện tượng dễ dãi. Muốn nâng cao chất lượng nghệ thuật thì phải khó tính, hết sức khó tính. Đó không phải chỉ là chúng ta đòi hỏi với chính chúng ta, mà công chúng cũng đang đòi hỏi chúng ta như vậy để có những tác phẩm có tính tư tưởng và nghệ thuật cao, đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển sân khấu hôm nay.
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)
Các nghệ sĩ phải sống, đương nhiên là như thế. Muốn sống phải kiếm sống. Nhà hát là tổ chức văn hoá, nhưng phải có nhiệm vụ kinh tế. Thực hiện nhiệm vụ kinh tế của sân khấu là tất yếu, là nhiệm vụ. Chúng ta không chống kiếm sống, mà chống tuỳ tiện và dễ dãi. Bệnh này khá phổ biến, thành tâm lý của không ít người hoạt động nghệ thuật. Đó là cái bệnh phải phê phán, chứ không phê phán cái gọi là kiếm sống. Phải khuyến khích kiếm sống bằng chất lượng nghệ thuật cao chứ không dựng một vở diễn dễ dãi rồi đem xuống cho nhân dân xem. Chúng ta hiện nay có rất nhiều hiện tượng dễ dãi. Muốn nâng cao chất lượng nghệ thuật thì phải khó tính, hết sức khó tính. Đó không phải chỉ là chúng ta đòi hỏi với chính chúng ta, mà công chúng cũng đang đòi hỏi chúng ta như vậy để có những tác phẩm có tính tư tưởng và nghệ thuật cao, đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển sân khấu hôm nay.
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét