Sống như thế nào là đúng, là
hay, là đẹp? Đó có lẽ là một câu hỏi luôn luôn được đặt ra ở tất cả các thời đại.
Và cũng đã có hàng ngàn cách giải đáp. Nhưng chắc chắn là không thể nào có một
câu giải đáp có thể đúng cho mọi thời đại, mọi giai cấp, mọi nhóm người.
Thanh niên là lớp người
quan tâm sâu sắc và sôi nổi đến vấn đề này. Mối quan tâm này nhiều khi tạo nên
cả một “cơn khủng hoảng”, vì người ta phải đứng trước nhiều việc lựa chọn phức
tạp, gay gắt, quyết định toàn bộ cuộc đời. Chính người viết bài này cách đây trên
bốn mươi năm đã trải qua “cơn khủng hoảng” như vậy. Và đã vượt qua được, đã đạt
tới hạnh phúc và cũng phải trải qua những bất hạnh lớn lao.
Lẽ sống! Sống để làm gì?
Sống thế nào? Bao giờ cũng gắn liền với vấn đề quan niệm về hạnh phúc, vấn đề
tìm để đạt hạnh phúc.
Vậy hạnh phúc là gì?
Trong văn kiện Đại hội lần
thứ V của Đảng có đoạn viết: “Trong chặng đường trước mắt này, có những điều
kiện khách quan và chủ quan cho phép chúng ta bước đầu tạo ra một xã hội đẹp về
lối sống, về quan hệ giữa người và người: một xã hội, trong đó nhân dân lao động
cảm thấy sống hạnh phúc, tuy mức sống vật chất chưa cao…” và: “Làm chủ tập thể
là hạnh phúc lớn nhất”, đồng thời là cái đẹp cao nhất của con người. Hạnh phúc
là từng bước thực hiện làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân, mọi
người cùng nhau lao động và chiến đấu cho sự phát triển của cộng đồng xã hội, để
có đủ cơm no, áo ấm đồng thời có cuộc sống vui tươi lành mạnh bình đẳng và hoà
bình trong lao động, tự do, tình thương và lẽ phải, mỗi người được phát triển đầy
đủ nhân cách, tài năng, trong mối quan hệ hài hoà giữa cá nhân, gia đình và xã
hội, thực hiện đạo lý cao cả “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”.
Như vậy hạnh phúc không chỉ có nghĩa là sung sướng, mà thế nào là sung sướng, cũng
có nhiều cách hiểu khác nhau.
Hạnh phúc có nhiều ý nghĩa
rộng rãi hơn.
Tôi tạm nêu ra một suy nghĩ
như sau:
Hạnh phúc là niềm vui, một
niềm vui lớn, khi ta được thoả mãn một nhu cầu nào đó của cuộc sống hoặc khi ta
nghĩ được cái gì, làm được việc gì, tạo ra được một cái gì hoặc được thưởng thức,
hưởng thụ một giá trị nào mà ta cho là tốt đẹp của đời và cho đời.
Vì hạnh phúc không chỉ có ăn
ngon mặc đẹp. Mặc dù khi ta được ăn một món ăn ngon và mặc bộ quần áo đẹp, ta cảm
thấy sung sướng, cảm thấy một niềm vui. Nhưng thực ra ta chỉ có thể cảm thấy
sung sướng và niềm vui khi ta được ăn bữa ăn ngon và mặc bộ quần áo đẹp trong một
mối quan hệ xã hội, quan hệ gia đình và bạn bè tốt đẹp. Do ta lao động chân chính
tạo ra được sự thu nhập chân chính đem đến bữa ăn và bộ quần áo, hoặc ta được ăn
và được nhận bộ quần áo từ những tình thương sâu sắc, chân thành, cao cả.
Chứ còn nếu được ăn ngon và
mặc đẹp như kiểu bạn Vũ Thị Hiền Lương trong bài “Cuộc sống thực tế của tôi”, đăng
trên báo Tiền Phong số 31 ngày 3-9-1982 hoặc như cuộc sống của bạn Nga trong thư
bạn Đặng Quốc Trịnh, hòm thư PA-12-1262 Quảng Ninh thì không thể nói là hạnh phúc.
Nga đã từ bỏ người yêu để chạy theo việc
“lấy chồng giàu”, rồi sau đó phải đau khổ về sự giàu sang của nhà chồng và phải
ly dị… Khi ân hận thì việc đã quá muộn.
Đó thật là những bài học hết
sức sinh động và sâu sắc về quan niệm hạnh phúc một cách đơn giản và sai lạc. Xét
cho cùng, có được hạnh phúc là có được một trạng thái tinh thần: sung sướng,
vui sướng. Khi ta được thoả mãn một yêu cầu nào đó, về vật chất hoặc về tinh thần,
ta cảm thấy một sự thoả mãn, một niềm vui – thì đó là một phần của hạnh phúc.
Cho nên được ăn ngon, được mặc đẹp mà không có một niềm vui thật sự thì làm gì
có hạnh phúc. Mà niềm vui thật sự chỉ có thể nảy sinh trong mối quan hệ tốt đẹp
giữa người với người mà thôi.
Khi ta nói xây dựng chủ nghĩa
xã hội để đưa lại hạnh phúc cho nhân dân là ta vừa tạo ra những điều kiện vật
chất để bảo đảm đời sống vật chất no đủ cho nhân dân. Nhưng cái bản chất nhất,
cái quan trọng nhất là ta phải xây dựng được một mối quan hệ giữa người và người,
dựa trên cơ sở của quan hệ sản xuất không có người bóc lột người. Đó mới là hạt
nhân của hạnh phúc mà ta quan niệm.
Thực ra trong các xã hội tư
bản chủ nghĩa hiện nay, nền sản xuất tư bản chủ nghĩa cũng tạo ra nhiều của cải
vật chất lắm, cho nên trong các xã hội đó, người nghèo nhất cũng có những điều
kiện sống vật chất tương đối. Nhưng trong xã hội tư bản chủ nghĩa hoàn toàn không
có hạnh phúc. Kể ngay cả những người trong giai cấp thống trị, mức sống hết sức
cao, thừa thãi và phong phú, nhưng họ sống trong mối quan hệ luôn luôn thù địch
nhau, lo sợ và nghĩ kế hại nhau. Họ không có một lối sống tốt đẹp được và do đó
họ cũng không có hạnh phúc thật sự được.
Trong xã hội ta hiện nay, có
nhiều hiện tượng tiêu cực, bất công. Những hiện tượng ấy phát triển và lôi cuốn
một số bạn trẻ lao theo, tạo nên một sự lo ngại chính đáng của các người lớn tuổi
và của cả những bạn trẻ có tinh thần trách nhiệm.
Hiện nay, đời sống cán bộ và
công nhân viên chức, giáo viên, bộ đội - những người trong khu vực ăn lương, đang
gặp nhiều khó khăn. Mức lương không bảo đảm mức sống, cho nên tự nhiên xuất hiện
những hoạt động (mà có bạn gọi là xoay xở) để tăng thêm thu nhập, bảo đảm một mức
sống vừa phải. Đó quả là một thực tế.
Nhưng còn một thực tế khác
là: Những hoạt động tăng thêm thu nhập này nhất định có ranh giới của nó. Có
những hoạt động hợp lý và chân chính, đó là những hoạt động tuỳ theo điều kiện
cụ thể của từng người mà trồng trọt, chăn nuôi thêm hoặc gia công các mặt hàng
thủ công, mỹ nghệ hoặc tạo ra những sản phẩm tinh thần như viết sách, dịch sách,
viết báo, hoạt động xã hội có thù lao, v.v… Những hoạt động trên vừa tăng thêm
của cải xã hội và tận dụng được mọi sức lao động trong những thời gian “tự do” để
nâng cao thu nhập chính đáng.
Còn những hoạt động khác,
như buôn bán trái phép, “xoay xở” theo kiểu lừa bịp, ăn cắp, v.v… thì dứt khoát
không thể nào chấp nhận được.
Nhưng thực tế cũng có những
hoạt động mà mới nhìn ta khó phân biệt được
ranh giới. Thật ra trong các hoạt động “xoay xở” có nhiều mức độ phức tạp.
Trong khi cuộc đấu tranh giữa
hai con đường đang diễn ra gay gắt trên tất cả mọi lĩnh vực thì cứ ở chỗ nào những
yếu tố xã hội chủ nghĩa không chiếm lĩnh thì các yếu tố tư bản chủ nghĩa nảy
sinh và chiếm lĩnh một cách tự nhiên, ngoài cả ý thức chủ quan của con người.
Những người mang vài ba cân
chè hoặc một thứ gì đó từ nơi này sang nơi khác bán, những hoạt động ấy thoạt
nhìn thì rất không đáng kể và hợp lý, nhưng chính nó lại tất yếu tạo nên một yêu
cầu phải suy tính, cân nhắc trong đầu óc: “Làm sao cho “kinh tế” nhất”, nghĩa
là có lợi nhuận nhất, và do vậy người tham gia những hoạt động ấy đã góp phần
không nhỏ vào việc làm rối thị trường : phát triển thị trường tự do, làm phương
hại đến thị trường có tổ chức. Như vậy là những yếu tố tư bản chủ nghĩa cứ nảy
sinh và cứ phát triển. Cuộc đấu tranh để xây dựng chủ nghĩa xã hội gặp thêm những
trở ngại khó khăn. Những người “xoay xở” giỏi, tự an ủi rằng: “Mình tự lo cho
mình, khỏi phiền đến xã hội”, nhưng thực tế đã làm hại cho cộng đồng xã hội, làm
hại đến con đường đi tới cuộc sống tốt đẹp, dọn đường cho những đau khổ của con
người. Trong những hoạt động “xoay xở” nói trên, ở mức thấp thì người ta tự an ủi
là “khắc phục khó khăn”, “tăng thêm thu nhập để bảo đảm đời sống”. Dần dần, đến
bước thứ hai là “tạo thêm thu nhập khá hơn, để đời sống được “cải thiện” hơn”,
nghĩa là dễ chịu hơn, đầy đủ hơn và họ vẫn tự thấy mình rất lương thiện. Khi có
một vài dấu hiệu cảnh cáo, vài lời nhận xét chê bai, thì những người đó tự vạch
cho mình một giới hạn, tự trang bị cho mình
một bộ “áo giáp” hoặc một “thành trì” vững chắc: “Không làm cái gì đến nỗi có
thể vào nhà đá” và rất yên tâm với cái thành trì đó. Nhưng thế thì có gì để đảm
bảo được nào? Nếu mỗi người không ý thức được sự vận động rất khắc nghiệt của
các quy luật trong xã hội, nếu mỗi người không xác định được rõ rệt trong lòng
một niềm tin vững chắc vào mục đích của đời mình: bênh vực, bảo vệ và luôn luôn
hướng tới những cái cao cả, tốt đẹp? Chỉ có lương tri mới soi sáng cho ta trông
thấy con đường đáng tránh và những con đường tốt đẹp, nhưng gian khổ.
Ảnh: Những ngày vui sum họp với gia đình |
Trong cuộc sống hiện nay, có
người bi quan trước tình hình một số giá trị bị đảo lộn tạm thời trong các mối
quan hệ: kẻ ngay người gian, thày và trò, cha mẹ và con cái, v.v… Và thường tự
cho là mình vì mọi người đã quá đủ rồi, mà mọi người vì mình thì chẳng có gì.
Thôi thì phải quay lại với đạo lý “mình vì mình” thôi. Đó là một cách nghĩ quá
nông cạn, mà lại cứ tưởng là sâu sắc “hợp thời”(?)
Đã là con người thì sống phải
có đạo lý và phải là đạo lý cao cả. Đạo lý “mình vì mọi người” là một đạo lý
cao cả. Vì nó phản ánh đúng bản chất mối quan hệ công bằng giữa người với nhau.
Nhưng từ lâu trong xã hội loài người trước đây, các giai cấp thống trị đã xuyên
tạc đảo lộn nó đi. Địa chủ sống nhờ nông dân, bóc lột nông dân, mà lại hoá ra
người làm ơn và nuôi sống nông dân. Nhà tư
bản cũng vậy. Đạo lý của chủ nghĩa xã hội thực ra chỉ là khôi phục một chân lý,
ta sống theo chân lý đó là sống một cách cao cả và công bằng. Sống cao cả không
có nghĩa là chỉ mơ ước viển vông, cao đạo mơ màng, mà là sống theo một chân lý
rõ rệt của loài người. Trong một hoàn cảnh xã hội phức tạp, quả thực đôi lúc có
một số giá trị được biểu hiện ra với những sự trái ngược, nhưng không vì
thế mà những giá trị thực sự của nó thay đổi. Những giá trị thực sự đó vẫn còn
mãi mãi, và nó sẽ được khôi phục đúng như nó có: chủ nghĩa xã hội sẽ là sự
khôi phục chân chính những giá trị như vậy.
Hạnh phúc bao giờ cũng đi đôi
và gắn chặt với tình yêu, thực chất là một hạnh phúc lớn của con người. Quan niệm
sai về hạnh phúc sẽ có quan niệm sai về tình yêu. Đi tìm một thứ hạnh phúc phàm
tục thì cũng sẽ đến với một tình yêu bất hạnh.
Tình yêu về bản chất là một
tình cảm đẹp đẽ và cao cả, nó nâng cao tâm hồn, trí tuệ, nghị lực và khả năng của
con người. Khi người ta yêu nhau thực sự, người ta chỉ cảm thấy được mà không
thấy mất, chỉ cảm thấy lợi mà không thấy chút gì thiệt, người ta vui cả lúc hờn
giận bực bội, như Xuân Diệu đã viết “được giận hờn nhau, sung sướng bao nhiêu”.
Nó tạo ra một số say mê đẹp đẽ và từ đó tạo ra những sức mạnh lao động và sáng
tạo rất lớn. Nhưng nó phải là tình yêu thực sự.
Tình yêu thực sự phải gắn
chặt với đạo lý cao cả, nó phải thoát khỏi vùng vụ lợi phàm tục, nó tạo ra cho
hai người một sự “chia sẻ” và một sự “bù đắp” hết sức đầm ấm và vui sướng. Tôi đã
được nghe có người nhắc đến một câu tục ngữ Nga nói về nỗi buồn vui của hai người
yêu nhau: “Khi một nỗi buồn được chia sẻ thì chỉ còn một nửa nỗi buồn. Nhưng
khi một niềm vui được chia sẻ thì sẽ thành hai niềm vui”. Và một câu khác mà
nhiều người đã biết: “Người mình yêu là
người đẹp nhất” hoặc “Không phải đáng yêu vì đẹp mà đẹp vì đáng yêu”. Tình yêu
vốn nó là như vậy, nhưng hiện nay có nhiều cặp thanh niên do chạy theo ý nghĩa
“thực tế”, thực dụng trong cuộc sống gia đình, thành lập gia đình trên cơ sở
những tính toán vụ lợi, rồi sau đó xảy ra nhiều bi kịch gia đình không cứu vãn
nổi, đưa đến những sự tan vỡ không tốt đẹp.
Trong cuộc thảo luận này,
nhiều bạn đã kể lại rất rõ các trường hợp đáng buồn nói trên. Trong tình yêu có
vấn đề chung thuỷ hay không chung thuỷ, tiếp theo những ý kiến đã nói trên, sự
chung thuỷ chỉ có ý nghĩa thật sự khi hai người yêu nhau thấy rõ mình chỉ có thể
yêu được người mà mình đã yêu, người mình yêu đã thật sự trở thành một nửa cuộc
đời mình về tất cả mọi mặt, nhất là về mặt đời sống tinh thần.
Người yêu không chung thuỷ,
thay lòng đổi dạ, đó là vì tình yêu chưa đạt được tới mức “đích thực” của nó, còn
bị những tác động của những yếu tố ngoại lai, những suy tính thiệt hơn. Các bạn
thấy người yêu đổi lòng phụ bạc, cảm thấy đáng tiếc và đáng trách thì đúng. Nhưng,
khi thấy người yêu phụ bạc, chạy theo những tính toán tầm thường mà tự thấy bình
thường thì hãy coi chừng, đó là bắt đầu sự sa sút về phẩm giá của bản thân.
Chỉ có chủ nghĩa xã hội phát
triển, chủ nghĩa cộng sản mới có đủ điều kiện vật chất và tinh thần để bảo đảm
tình yêu lý tưởng, hôn nhân lý tưởng. Đó là điều ta hướng tới, ta hy sinh phấn đấu
thực hiện.
Sống đẹp là sống hạnh phúc.
Muốn sống đẹp và hạnh phúc, điều cơ bản quyết định nhất là trong tinh thần mọi
người có một niềm tin sâu sắc, hướng tới những điều tốt đẹp cao cả.
Chính những kẻ sa đoạ lại
hay lớn tiếng chế giễu những người muốn có lối sống tốt đẹp và cao cả, là “hâm”,
là “bôn sệt”, là “không thức thời”, “không thực tế”. Phải nói rằng ở đời thật cũng
có những người “vụng dại” và “đần độn” một cách vô tích sự trong việc tổ chức
cuộc sống cá nhân và gia đình. Nhưng sự “tháo vát” và có tài “tổ chức” chân chính
không bao giờ đồng nghĩa với sự “xoay xở” một cách bất chính, làm hại đến lợi ích
người khác, lợi ích xã hội. Những người tự hào với tài “xoay xở” của mình, bất
chấp mọi thứ, trừ lợi ích cá nhân mà lại chế giễu mọi ý định tốt đẹp cao cả là
một sự sa đoạ không thể chấp nhận được.
Quả thật có những người mắc
bệnh mơ mộng viển vông, nhưng mơ mộng viển vông mà vẫn có ý thức hướng tới, vươn
tới cái cao cả, cái tốt đẹp thì vẫn cứ tốt gấp ngàn lần kẻ tự cho mình là thực
tế, vùi đầu vào những tính toán nhỏ nhen, chạy theo những thủ đoạn thấp hèn.
Trong lịch sử xã hội xưa, ngay trong các xã hội phong kiến, thường những người
giữ được “tiết sạch” “giá trong” cũng là những người phải chịu trăm cay ngàn đắng
về cả vật chất lẫn tinh thần.
Vì vậy tôi cho rằng thanh
niên ta cần rèn đúc một nghị lực đặc biệt để bảo đảm cho phương hướng sống của
ta luôn luôn vươn đến cái cao cả tốt đẹp, biết khinh bỉ và coi thường lối sống
thấp hèn đẻ ra những quan niệm hạnh phúc tầm thường và sa đoạ.
Nhất định thanh niên ta sẽ
như vậy.
Tháng 8-1982
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà văn, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét