(Trích Thời tôi sống, Nxb Hội Nhà văn, 2012)
Tôi về dự trại sáng tác Hội nhà văn ở Đại Lải năm
2008. Trại viên hầu hết là những gương mặt tiêu biểu, những nhà văn, dịch giả
nổi tiếng văn đàn… Trong đó có vợ chồng nhà văn Nguyễn Quang Thân và chị Dạ
Ngân, đang nghỉ trong khu nhà biệt thự nhỏ ven hồ.
Chiều muộn tôi thường ghé thăm vợ chồng chị Dạ Ngân và
nhờ nhà văn Nguyễn Quang Thân đọc tập 2 Tướng Độ. Tập này đã được nhà văn hóa –
nhà văn Nguyên Ngọc giành thời gian quý hiếm đọc giúp và góp ý kỹ lưỡng cho
tôi. Hôm tôi đang tụt dốc sỏi nhỏ qua cây cổ thụ do nữ sĩ Anh Thơ trồng, dưới
nữa khóm tre Đăng Ngà, bỗng hiện ra ông già dáng vẻ nhà giáo mái tóc bạc. Khi
bước gần tới, ông già ôm chầm tôi reo lên “Có phải nhà văn Võ Bá Cường không?
Tôi được anh Nguyễn Quang Thân cho biết chiều nay anh tới. Tôi chờ thiếu thụt
hai con mắt mới gặp”. Không rào đón, ông nói luôn. Tên tôi là Nguyễn Văn Cộ, trước
được tướng Độ chỉ định làm Trưởng ban xây dựng khu nhà sáng tác Đại Lải, do
kiến trúc sư Nguyễn Thị Thục thiết kế. Tướng quân dặn tôi kỹ lo từng căn phòng
ở sao thích hợp với tâm hồn nhà văn. Màu sơn tường, mành che ánh sáng, cửa lấy
nắng. Nhìn vào đâu cũng thấy tươi vui lấp lánh gợi lên điều gì xa xăm…
Nhà văn Nguyễn Quang Thân trước phần mộ Tướng quân Trần Độ tại làng Thư Điền - Tiền Hải |
Ông Cộ nói: Anh Độ bị oan quá! Nghiêm Hà thấy thủ
trưởng của mình cũng cần có chỗ ngồi viết, bèn gợi ý lúc anh Độ đang nằm võng
phì phèo điếu thuốc hôm lên Đại Lải.
Nghiêm Hà bảo: - Anh Độ ạ! Anh em tôi bàn giữ lại một
gian để anh ở. Vì đấy cũng là nhu cầu công việc. Tướng Độ trơn mắt “Không được.
Làm thế tức là mình lợi dụng của công đấy!” Nhưng rồi anh lại nói: “Ông giúp
mình mua lại cái lán của công nhân cũng được, cái lều đựng xi măng ấy. Sửa lại lấy chỗ tàm tạm, để chủ nhật lên đây viết”.
Thế rồi có thằng về tâu với ông Lê Đức Thọ “anh Độ
chiếm công vì tư”. Ông Thọ bực mình cho người lên kiểm tra. Việc “trắng phớ” ra
chẳng có gì cả. Cuộc đó xảy ra vào thời kỳ chuẩn bị nhân sự cho Đại hội V của
Đảng.
Ông Cộ lôi tay tôi khỏi khu biệt thự, lên ngọn núi
Thằn Lằn, chỉ vào khuôn viên nhà sáng tác Đại Lải bảo:
- Chỗ kia anh Độ cho dựng tượng Nguyễn Trãi, tượng giờ
họ đập rồi – Buồn quá! Tôi cảm thấy cuộc đời Tướng Độ như bị ám vào Nguyễn
Trãi. Nỗi oan không bao giờ kêu được, bởi những câu chữ cửa miệng của người đời
gán cho “dễ dãi”, “lỏng lẻo”, là cái cớ để hại nhau.
Chị Dạ Ngân nghe chuyện, mặt đượm buồn, chị kể:
- Bữa anh Độ kêu vợ chồng Dạ Ngân lên đây nghỉ, anh
cho nhậu thịt chó lá mơ ở cái lán đó, nó chỉ độ hơn 20 mét vuông, trước cửa thả
dàn hoa tigôn. Bây giờ họ nhượng lại lều đựng xi măng của anh Độ cho công ty du
lịch Mai Linh khi anh Độ đã trả lại nhà sáng tác, kèm theo cái hóa đơn 5 đồng
Nghiêm Hà mua nhà của chủ cũ. Chẳng biết có lấy lại được “vốn” không? Nói gì
lãi.
Cũng lần đó anh Độ kêu anh em công trường cho Nguyễn
Quang Thân – Dạ Ngân mượn một con thuyền nhỏ để bơi quanh hồ, anh Thân kiếm đâu
được tấm ni lông căng lên làm buồm đón gió. Cuộc chơi ngoạn mục. Anh Độ đùa,
khi hai người bước xuống thuyền “Phạm Lãi đưa Tây Thi bơi thuyền trên Tây Hồ”
hẳn lúc đó Tướng Độ mang tâm trạng Phạm Lãi, sau khi hạ Cô Tô Thành, muốn từ bỏ
tất cả để cùng Tây Thi sống cuộc đời thường…
Cuộc gặp với ông Cộ bất ngờ quá, khiến tôi nhớ lại
cũng vì duyên cớ cuốn sách Tướng Độ mà Tướng Nam Long bay từ Sài Gòn ra, cười
nói ồn ã chửi vui tôi: Tao ra Hà Nội, để gặp cái “thằng quỷ” dám dỡn mặt viết
Tướng Độ, Thủ trưởng của tao. Tao đã viết mấy trăm trang sách kể cuộc đời và
chiến trận của Nam Phong. Nhiều lúc muốn hạ bút viết một câu một chữ ca ngợi
người thủ trưởng của mình mà không dám. Tao vốn là thằng chẳng biết “sợ” là gì.
Chiến dịch Điện Biên phủ bước vào đợt 2, tao bắt cả đơn vị cạo trọc đầu, thể
hiện quyết tâm chiến đấu. Chúng nó nghe tao thằng nọ xén tóc thằng kia. Cả đại
đội thành “sư chùa”. Sau chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn nhắc đến cái
biệt danh “Đại đội trưởng trọc đầu”. Rồi thằng chiến sĩ Phạm Quốc Ân của tao
cởi truồng để cái “của ấy” tồng ngồng chạy trong chiến hào. Vì cậu ta bị đi “ỉa
chảy”, bận đánh giặc lấy thì giờ đâu mà mặc quần, “ỉa” rồi lại đánh. Đánh xong
một trận rồi lại “ỉa”, có lúc vừa “ỉa” vừa bắn tỉa giặc… Thế rồi nó dẫm trúng
mìn để lại cả đùi và chân trái ở miền Tây Bắc. Tất cả chuyện tao nói Tướng Độ
đều biết cả, ông thương thằng Ân, thương lính lắm. Tao đi theo ông bao chiến
dịch, sau tao đánh Xuân Lộc, giải phóng Sài Gòn, được cấp trên giao cho đánh
Dinh Độc Lập. Ba lô tao chưa hết mùi thuốc súng, vừa đặt xuống đầu gường “bà
ấy”, trên lại gọi tao ra làm Quân đoàn trưởng Quân đoàn I đánh Tàu.
Giặc Pháp không sợ, giặc Mỹ không sợ, giặc Tàu tao
chẳng coi ra gì, bây giờ bỗng nhiên tao sợ… Sợ ai chứ? – Tôi hỏi. Sợ viết một
câu cho Tướng Độ, thì bị ai quy kết tao là thằng chống Đảng? Sợ cái đó, “thằng
quỷ” ạ! Mày là thằng nào mà dám viết Tướng Độ của tao mấy trăm trang, mày không
sợ sao?
Tối đó tôi đưa Trung tướng Nam Phong về nhà anh Nguyễn
Ngọc Trìu, nguyên Phó Thủ tướng, là bạn tâm giao của Tướng Độ ăn cơm. Hai ông
già ôm nhau ôn lại chuyện xa, chuyện gần. Về sự đời và chiến trận, có những
người lính ngã xuống tới nay chưa tìm được xương cốt. Rồi khóc…
(*) Đầu đề do chúng tôi đặt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét