Thứ Tư, 5 tháng 10, 2022

Cần hoàn chỉnh về con người trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội hay là “Người là vốn quý nhất”


(Tham luận đọc tại Hội thảo khoa học của tạp chí Cộng sản về đề tài “Vai trò con người…” tháng 10-1986)

Để xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện lịch sử cụ thể của đất nước, Đảng ta chủ trương tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng – văn hoá, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt.
Đảng ta lại xác định nhiệm vụ trung tâm của cách mạng tư tưởng – văn hoá là xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa và vận dụng một nguyên lý của chủ nghĩa Mác, nêu lên: Con người vừa là chủ thể tích cực của xã hội, vừa là sản phẩm của xã hội.
Đồng thời trong nhiều văn kiện, Đảng ta còn vạch rõ: mỗi một thành tựu bất cứ về mặt nào, đều là kết quả tổng hợp của ba cuộc cách mạng.
Từ đó suy ra ta có thể thấy, con người Việt Nam vừa là chủ thể tiến hành và thúc đẩy ba cuộc cách mạng và vừa là sản phẩm của cả ba cuộc cách mạng. Đó là một luận điểm cực kỳ hay. Đó là một nguyên lý rất chính xác. Đó là chân lý.
* * *
Tuy nhiên trong toàn bộ các hoạt động hết sức phong phú phức tạp của xã hội, chúng ta có thể thấy ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực, cách đặt vấn đề chưa thật ăn khớp với nguyên lý nói trên. Ở nhiều nơi đã hình thành một ý thức sâu sắc đến mức biến thành tiềm thức, thành một nếp tư duy quen thuộc. Ý thức đó “chênh” với nguyên lý về con người nói trên rất nhiều. Ý thức này biểu hiện trên cách kết cấu kế hoạch Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội và trên kết cấu ngân sách, trên các loại tính toán về kinh tế - xã hội. Ý thức này còn biểu hiện rõ hơn ở trong các hoạt động chỉ đạo điều hành của nhiều cơ quan có trách nhiệm.


Ta có thể phân tích một vài sự kiện như sau:
1. Ta chia ra khu vực sản xuất vật chất và khu vực không sản xuất hay phi sản xuất. Khu vực không sản xuất lại là khu vực có những việc chăm sóc đến đời sống con người như học hành, chữa bệnh, đào tạo, thưởng thức và sáng tạo văn nghệ, nghiên cứu khoa học, chăm lo thương binh, gia đình liệt sĩ, người già, v.v…
2. Đã là khu vực không sản xuất, thì tức là khu vực tiêu dùng, và chỉ có tiêu dùng mà thôi, và tiêu dùng thì không tích luỹ và ngược lại với tích luỹ. Rõ ràng là không có tích luỹ thì không có tiêu dùng. Không có sản xuất ra của cải vật chất thì không có gì tiêu dùng.
Vậy, ai sản xuất ra của cải vật chất? Mọi người đều thấy rõ là con người. Khoa học kỹ thuật phát triển là làm tăng năng lực của con người, làm nhân lên nhiều lần khả năng của con người. Còn trước sau, con người vẫn là yếu tố quyết định, là chủ thể tích cực trong sản xuất.
3. Từ đó có vấn đề con người trong khu vực sản xuất vật chất và con người trong khu vực “phi sản xuất”. Con người trong khu vực sản xuất, được coi là “nhân lực” là một yếu tố, yếu tố lao động của sự sản xuất vật chất. Còn con người ở khu vực không sản xuất là những con người hưởng thụ phúc lợi, chỉ có tiêu dùng.
Nhưng con người ở khu vực sản xuất vật chất lại có những mối quan hệ không thể cắt rời với con người trong khu vực phi sản xuất vật chất. Đó là cha mẹ, con cái của những con người “nhân lực sản xuất” và con người “nhân lực sản xuất” chỉ có thể có trạng thái tinh thần và điều kiện sức khoẻ để hoạt động sản xuất cho tốt khi mà cha mẹ, con cái họ được nuôi dưỡng tốt, học hành tốt, đào tạo tốt. Đẻ con, nuôi dạy con tốt là chức năng “tái sản xuất thế hệ lao động” của người lao động sản xuất. Thế hệ mới phải được phát triển cao hơn thế hệ cũ về thể lực, trí tuệ và các năng lực khác.
Muốn thế lại phải có những con người “phi sản xuất” khác để đảm bảo điều đó: Đó là các thày giáo, các bác sĩ, các nhà nghiên cứu khoa học, văn nghệ sĩ và nhiều người khác để nâng cao năng suất lao động và để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, dạy học, chữa bệnh và đào tạo, nâng cao đời sống tinh thần cho những “nhân lực sản xuất” và toàn xã hội. Thực tế cuộc sống đòi hỏi như vậy.
4. Vậy thì khi tính toán trong khu vực sản xuất vật chất, cách tính toán cần phải tính đến con người sản xuất. Có nhiều trường hợp tính toán đầu tư cho một cơ sở sản xuất, thường ta chỉ tính cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật, yêu cầu năng lượng, yêu cầu nguyên vật liệu là chu đáo, đầy đủ (tất nhiên cũng có trường hợp chưa chu đáo đầy đủ) với một ý thức quan tâm rõ rệt. Còn con người sản xuất thì ta chỉ coi như một “yếu tố lao động”, chỉ tính đến những nhu cầu duy trì “yếu tố lao động” mà không tính đó là những con người – con người với tất cả nhu cầu sống của con người, mà nhu cầu sống của con người phải gồm nhu cầu vật chất, nhu cầu văn hoá của bản thân người lao động và của cả gia đình họ. Một con người không thể sống không có gia đình.
Khi tính toán đầu tư cho một xí nghiệp công nghiệp hoặc một khu kinh tế mới, trong đó có việc phải tính toán đến những công trình văn hoá như các câu lạc bộ, thư viện, rạp chiếu bóng, trường học, nhà trẻ, trạm xá hay bệnh viện. Đối với loại tính toán vừa nói, ta thường có ấn tượng như đó là những khoản chi xa xỉ mà trong lúc nghèo chưa nên đặt ra, cần cất tiền để có thể có thêm xí nghiệp khác hoặc khi thiếu vốn thì dễ dàng cắt bớt ngay những khoản đó trước hết. Như vậy là quan niệm không đúng vai trò chủ thể của con người trong sản xuất, không quan niệm đúng nhu cầu sống của con người.
Ở nhiều xí nghiệp công nghiệp hoặc cơ sở sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, những người giám đốc điều hành công việc sản xuất cũng có hai tình hình.
Có giám đốc dốc sức lo nguyên vật liệu, mặt hàng, khách hàng. Các vấn đề gọi là “đời sống” thì cho là việc phụ, thường phân công cho một phó giám đốc kém năng lực, kém cả quyền lực phụ trách. Trong các chương trình nghị sự, mục đời sống thường được coi là mục phụ có thì giờ thì bàn, không có thì giờ thì dẹp. Có giám đốc khác thường là những giám đốc thông minh, năng động, đủ sức tính toán các mặt tổ chức và kỹ thuật sản xuất, giải quyết giỏi các vấn đề nguyên liệu, khách hàng và mặt hàng nhưng cũng phải dành từ 60 đến 70 % tâm lực và công sức cho việc lo đời sống cho công nhân, nào là nhà ở, nhà ăn, quần áo, bệnh xá, ngày lễ, ngày Tết, nào là nhà trẻ, trường học, văn nghệ quần chúng, câu lạc bộ và sân khấu ngoài trời, v.v… Có lúc đồng chí giám đốc này tự nhận thấy “khuyết điểm” là chưa dành đủ thời gian và công sức cho việc lo cho sản xuất. Tôi đã được quan sát vài cơ sở: loại cơ sở thứ nhất thông thường sản xuất không phát triển mà lại gặp nhiều khó khăn. Loại cơ sở thứ hai thì không chỉ hào hứng phấn khởi mà hiệu quả sản xuất cũng tốt đẹp. Ở loại cơ sở này, con người, từ giám đốc đến người công nhân thường đóng vai trò chủ thể tích cực một cách rõ rệt. Đồng thời con người được chăm sóc và trong chừng mực nào đó có được hạnh phúc trong lao động của mình, qua đó con người được hoàn thiện mọi mặt, được nâng cao cả thể lực, tư tưởng tình cảm và tất yếu về một mặt nào đó cũng trở thành sản phẩm tốt đẹp của hoạt động sản xuất. Điều đó rất hợp với quy luật: Con người có điều kiện sáng tạo ra của cải và đồng thời sáng tạo ra bản thân. Tất nhiên con người muốn được hoàn thiện và trở thành sản phẩm tốt đẹp của lịch sử, lại còn cần rất nhiều hoạt động “phi sản xuất” khác tác động. Muốn cho con người hoàn thiện là mục tiêu của cách mạng, cách mạng phải nhắm đến mục tiêu một cách toàn diện hơn.
Từ những tình hình trên suy rộng ra trong phạm vi toàn xã hội, cần phải hoàn chỉnh quan niệm về vai trò con người. Thực ra không ai phủ nhận vai trò con người. Nhưng cần cụ thể hoá quan niệm này thành những chính sách cụ thể trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Quan niệm đầy đủ cần được thể hiện ở hai phạm vi:
1. Trong phạm vi một cơ sở sản xuất công nghiệp hoặc nông nghiệp, cần phải quan niệm đầu tư cơ bản bao gồm cả phần đầu tư cho đời sống con người sản xuất. Phải thấy việc đầu tư cho việc bảo đảm nhu cầu sống cho con người sản xuất là việc cấp bách và thiết yếu, nếu không hơn thì cũng phải bằng việc lo đầu tư nguyên vật liệu, thiết bị, năng lượng, vì con người là một năng lượng đặc biệt của sản xuất. Đồng thời quan niệm nhu cầu sống con người phải gồm nhu cầu vật chất và nhu cầu văn hoá cho bản thân người lao động và cho cả gia đình họ. Người lao động không thể tồn tại như một công cụ lao động mà một con người với các mối quan hệ của nó, phải tồn tại trong gia đình họ với tất cả lo toan cho sự phát triển của con cái. Mỗi con người riêng biệt có những niềm vui, nỗi buồn, những lo toan riêng cần được thông cảm và chia sẻ, để xoá bỏ tình trạng “cô đơn” của con người trong xã hội tư bản. Phải khắc phục quan niệm coi những nhu cầu về gia đình là nhu cầu của con người ăn theo, là gánh nặng cho sản xuất, là những phúc lợi cần ban ơn bằng những phụ cấp và trợ cấp. Tất nhiên các chính sách cụ thể có thể thể hiện bằng trợ cấp và phụ cấp, nhưng phải thay đổi quan niệm, không thể cho rằng những trợ và phụ đó là thứ yếu, là phụ, có thì cho, không có thì thôi. Các chính sách xã hội không thể chỉ được quan niệm như sự ban ơn và chỉ đặt ra khi có tiền hoặc đặt ra và thi hành một cách tuỳ tiện. Phải quan niệm đó là mối quan tâm hàng đầu của người lãnh đạo và điều hành sản xuất, phải thấy đó là động lực hàng đầu của sự đẩy mạnh sản xuất, không thể quan niệm đó là thứ ơn huệ, khi có thì cho, khi giàu có mới cho, v.v…
Trong các thứ vốn bỏ ra để sản xuất, thì con người vẫn là vốn quý nhất ; không nên chỉ hô hào đẩy mạnh sản xuất và chỉ biết chờ đợi khi nào sản xuất phát triển có của rồi mới lo đến con người. Lo cho con người chính là lo cho vốn quý nhất, cho động lực quan trọng nhất để phát triển sản xuất. Có lẽ khi Xta-lin nói con người là vốn quý nhất là ý nói nghĩa bóng, nhưng vận dụng cụ thể vào việc sản xuất thì câu này cũng có nghĩa đen rất chính xác.
2. Suy rộng ra trong phạm vi toàn xã hội, cần phải quan niệm lại hai khu vực: sản xuất vật chất và phi sản xuất vật chất. Vì trong khu vực gọi là phi sản xuất này rất nhiều con người và sự nghiệp tác động trực tiếp vào sản xuất vật chất. Chi phí cho khu vực phi sản xuất không phải chỉ là tiêu dùng mà có nhiều món chi thực sự là sự đầu tư cơ bản và lâu dài vào sản xuất vật chất. Đó là sự đầu tư đã đào tạo con người để nâng cao thể lực và tinh thần con người để mang lại hạnh phúc cho con người từ đó mà nâng cao năng lực con người trong lao động sản xuất ra của cải vật chất. Đó là một sự đầu tư thông minh nhất, đem lại nhiều “lãi” lâu dài và to lớn. Nhiều nhà khoa học trong thế giới tư bản cũng đã phát biểu như thế. Không nên quan niệm máy móc rằng chỉ sau khi đã có của cải vật chất mới có điều kiện mang lại hạnh phúc cho con người, mà phải nghĩ muốn có của cải vật chất, trước hết phải lo đến cuộc sống của con người. Đó chính là tư tưởng nhân đạo chân chính của chủ nghĩa xã hội. Lo cho con người là thực hiện ngay mục đích của chủ nghĩa xã hội ngay từ bước đầu. Lo cho con người không phải là sự ban ơn, sự ban phát những phúc lợi do lợi nhuận của cải vật chất mang lại. Điều đó phải chăng chỉ diễn ra trong xã hội tư bản.
Quan niệm con người là vốn quý nhất dẫn đến quan niệm về tích luỹ và tiêu dùng. Trên mặt của cải vật chất của xã hội mà nói thì đúng là có sự tích luỹ của cải vật chất như tích luỹ tiền bạc, xăng dầu, sắt thép, máy móc vật liệu xây dựng và có sự tiêu dùng những thứ đó. Nhưng tiêu dùng thì lại là tiêu dùng cho những nhu cầu sống của con người. Mà tiêu dùng cho những nhu cầu sống của con người chính lại là sự tích luỹ con người, đó là sự tiêu dùng cho các hệ thống giáo dục để đào tạo con người; tiêu dùng cho các sự nghiệp để bảo vệ, nâng cao sức khoẻ, để phát triển tốt nòi giống và kéo dài tuổi thọ; tiêu dùng cho đời sống văn hoá tinh thần để nâng cao tình cảm, đem lại niềm vui cho con người.
Như vậy tiêu dùng này không hề là tiêu phí, làm tổn hại của cải vật chất, mà là sự tích luỹ một thứ vốn quý giá của xã hội là con người có thể chất tốt, năng lực lao động cao và có sự phát triển tinh thần tốt đẹp. Đó là một sự tích luỹ cao quý, vì sự tiêu dùng này mang lại cho xã hội một sản phẩm cao, quý là những con người ngày càng được hoàn thiện. Xây dựng con người mới không phải chỉ là nhiệm vụ của công tác văn hoá hay của cách mạng tư tưởng – văn hoá, mà là nhiệm vụ tổng hợp của ba cuộc cách mạng. Không nên tách rời chiến lược kinh tế với chiến lược con người. Khi ta nói chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phải trên cơ sở quan niệm đúng đắn vai trò con người, con người chủ thể và con người sản phẩm của xã hội.
Nếu quan niệm trình bày ở trên được công nhận, đề nghị cần phải xem xét lại kết cấu của các kế hoạch Nhà nước và kết cấu của ngân sách, không nên tách rời một cách máy móc khu vực sản xuất vật chất và khu vực không sản xuất vật chất, tách rời và đối lập hai mặt tích luỹ và tiêu dùng và không chỉ hạn chế ở chỗ tích luỹ và tiêu dùng của cải vật chất. Phải lấy con người, con người với tất cả nhu cầu sống của con người là nhu cầu vật chất và văn hoá của bản thân một người và của gia đình họ làm hạt nhân để tính toán kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách. Đó là điều hợp quy luật và chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cho việc thực hiện các kế hoạch.
* * *
Đồng chí Trường Chinh nên lên yêu cầu đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, đổi mới phong cách lãnh đạo, đổi mới công tác tổ chức và cán bộ. Tôi nghĩ quan niệm cho đầy đủ hơn vai trò con người trong xã hội và trong kinh tế cũng là một điểm quan trọng của đổi mới tư duy nói chung và tư duy kinh tế nói riêng. Việc quan niệm cho rõ hơn vai trò chủ thể của con người trong xã hội còn quan hệ cả đến việc đổi mới phong cách lãnh đạo. Nếu những người lãnh đạo quan niệm được rõ rệt tư cách chủ thể của những người cấp dưới mình thì có thể tránh được những bệnh bao biện, hách dịch, độc đoán, có phong cách dân chủ một cách chính xác, mỗi người cán bộ bất cứ ở cấp nào đều có thể nhận xét được những kẻ cơ hội chỉ tự nguyện làm công cụ cho các thứ ô, dù, mưu lợi ích cá nhân, sẵn sàng nịnh bợ, vu cáo, xuyên tạc và bao vây cấp trên bằng một đám hoả mù thông tin sai lệch. Cấp trên tránh được quan niệm coi cấp dưới như một loại công cụ bị động chỉ biết phục tùng và ca ngợi.
Mỗi người bất cứ ở cương vị nào ý thức được sâu sắc tư cách và trách nhiệm làm chủ của mình, biết tự trọng và tôn trọng người khác theo đúng giá trị, tư cách và trách nhiệm của người ta. Đó là cơ sở để xác định phong cách làm việc. Phong cách làm việc như vậy là phong cách tiên tiến, có hiệu quả và lại là phong cách có thể xây dựng, nâng cao được nhân cách mọi người.
Yêu cầu phong cách nói trên cũng là yêu cầu của công tác tổ chức và cán bộ. Đảng ta đã nhiều lần nói “theo việc mà đặt người”, sắp xếp cán bộ là đặt người để làm việc. Cơ quan có trách nhiệm đặt người phải hiểu công việc cần đặt người và phải đặt người làm được việc cần đặt. Phải khắc phục những tệ nạn đặt người không biết việc, đặt người vì cảm tình, đặt người để dễ sai khiến, đặt người theo sự ưa, ghét của cán bộ cấp trên, đặt người để đãi ngộ. Phải phân biệt đãi ngộ và phân công. Người có công cần được đãi ngộ xứng đáng. Nhưng người làm việc phải biết làm việc và chỉ được đãi ngộ xứng đáng với thành tựu công việc làm được mà thôi. Phẩm chất và năng lực có ý nghĩa là phẩm chất và năng lực bảo đảm làm việc có hiệu quả. Phẩm chất và năng lực không phải là hai thứ tách rời. Phẩm chất không phải là thứ của quý để tôn thờ. Chỉ có ai làm được việc có hiệu quả, có ích cho xã hội mới được coi là người có phẩm chất.
Từ quan niệm chính xác về con người có thể còn quy ra nhiều việc, nhiều lĩnh vực khác nữa. Ở đây tôi góp một số ý kiến sơ sài…
                                                                                             8-8-1986

         (Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét