Đại hội IV của Đảng diễn ra suôn
sẻ, tưng bừng như là một Đại hội mừng công. Những tràng vỗ tay dài như những
đợt sóng liên tục vang lên trong hội trường Ba Đình. Hơn một nghìn đại biểu từ
khắp các địa phương, các chiến trường tụ hội về đây, tay bắt mặt mừng. Những
cuộc gặp gỡ cảm động, những vòng tay ôm nhau thân thiết.
Nét mặt ai nấy rạng
ngời một niềm vui, phơi phới tự hào. Không vui sao được, không tự hào sao được,
bởi đây chính là ngày hội của những người chiến thắng. Di chúc thiêng liêng của
Bác Hồ: “Dân tộc ta sẽ có vinh dự là một dân tộc nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng
hai đế quốc to là Pháp và Mỹ” đã được thực hiện. Đây là chiến công chung của
toàn dân tộc nhưng lực lượng tiền phong đi đầu, vừa dẫn đường chỉ lối, vừa xông
pha trận mạc chính là những người cộng sản mà tiêu biểu là những đại biểu đang
có mặt trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV hôm nay.
Đối với tôi, những ngày đại hội
thực sự là những ngày vui. Không khí tưng bừng của đại hội, những cuộc gặp gỡ
thân tình với bạn bè, đồng chí. Có người từ Điện Biên Phủ nay mới gặp lại tính
ra đã hơn 20 năm, có người suốt 16 năm từ Đại hội Đảng lần thứ III. Đặc biệt là
các đồng chí ở 312: Lê Trọng Tấn, Đàm Quang Trung, Hoàng Cầm,... Những tướng
lĩnh từng xông pha trăm trận, đều gặp nhau đông đủ ở đây. Đoàn đại biểu Quân
đội trong Đại hội với tư thế hiên ngang, quân phục mùa đông thẳng nếp, trên
ngực lấp lánh huân chương, tạo nên vẻ đẹp hào hùng cho Đại hội với đầy đủ ý
nghĩa là một đại hội của những người chiến thắng.
Bụt mọc dầm chân đứng chờ ai? (Nhà Bác Hồ tại Hà Nội năm 1976). Ảnh: Trần Độ |
Trước Đại
hội, tôi có viết một bài tùy bút với tựa đề: “Sự nghiệp vẻ vang của nhiều thế
hệ” nói lên những suy nghĩ của mình trước chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Nhân
đang nói về Đại hội IV, tôi muốn trích vào đây một số đoạn. Có thể nói đây là
những suy nghĩ bước đầu của tôi về thời kỳ mới của dân tộc.
“Mùa xuân năm 1975 đến và qua đi
để lại trong lịch sử của Việt Nam và của thế giới một mốc son chói lọi: ở Việt
Nam, một thắng lợi trọn vẹn của độc lập, tự do; ở thế giới, một thắng lợi của
chính nghĩa và nhân phẩm.
Ngày tháng cứ qua đi, nhưng ý
nghĩa của thắng lợi mùa xuân năm 1975 cứ còn vang mãi, vang xa mãi,... Những
nhiệm vụ mới, tình hình mới, những vấn đề mới cứ đặt ra dồn dập, tới tấp, nhưng
ý nghĩa của thắng lợi vẫn cứ như ánh sáng lấp lánh, chói lòa ngày càng rực rỡ
hơn.
Lịch sử đã sang trang. Từ sau mùa
xuân năm 1975, toàn bộ cuộc sống của mọi người dân Việt Nam đều gặp một sự đảo
lộn sung sướng: bỏ lại sau một cuộc sống của tiền phương lớn, hậu phương lớn
và bước vào một cuộc sống hòa bình vững chắc trong độc lập, tự do, cả nước sum
họp một nhà, giang sơn liền một giải. Đất nước chuyển mình vào một thời kỳ lịch
sử mới.
Thời gian cứ qua đi. Có những sự việc đã quên đi,
nhưng có những sự việc còn nhắc mãi, càng nhắc, sự việc càng lớn lên mãi. Ta
quên đi những hận thù, những đau xót, những khổ nhục. Ta nhắc mãi những chiến
công, những đóng góp, hy sinh và những yêu thương. Thời gian cứ đi, nhưng những
cảm xúc, những tình cảm, những suy tư cứ lớn lên mãi, dài mãi ra và dày dặn mãi
lên, phong phú mãi lên.
Những giọt nước mắt tức tưởi trước đây chỉ rơi dè dặt
dưới bụi dừa nước, trong hầm bí mật, nay nó sẽ rơi trước lăng Bác và long lanh
dưới ánh nắng của khoảng trời Ba Đình lồng lộng. Những niềm vui sướng trước đây
thường tắc nghẹn ở từng nơi hoặc chỉ bừng nở vội vàng, thì nay có thể tràn ngập
khắp không gian đất nước, khắp cả Hà Nội, đồng thời ngập cả Sài Gòn, dạt dào
sông Hồng, đồng thời rộn rã khắp Cửu Long,...
Những sum họp trước đây ngắn ngủi, bất ngờ hoặc chỉ
gián tiếp qua những tờ giấy mỏng, thì nay được hẹn trước, được thể hiện trong
những vòng tay, những bông hoa, những kỷ vật, những buổi liên hoan và những
cuộc kể lể tâm tình vô tận, nhắc đi nhắc lại nhiều lần về những dự kiến tương
lai.
Bao nhiêu việc cấp bách đã đặt ra: nào công ăn việc
làm cho hàng triệu người, nào những hậu quả đau đớn và bẩn thỉu của bọn xâm
lược để lại trong mỗi gia đình, mỗi tâm hồn con người, nào cải tạo những nếp
sống, những nếp suy nghĩ không phù hợp nữa, nào tổ chức lại mọi việc theo quy
mô nhà nước, nào những nhu cầu cấp bách: sách học, cơm ăn, vải mặc, củi đốt,
phân bón, giống má, nguyên liệu cho những công trình cấp bách,...
Nhưng lại còn phải nghĩ các bước đi cho 10 năm, 20
năm, cho 50 năm, cho 100 năm, bước đi của đất nước, của nền kinh tế, của những
con người, những thế hệ. Muốn tính được bước đi đó, muốn giữ vững non sông đất
nước, lại phải còn xem lại đất nước ta hơn 4000 năm qua ra sao, hơn 100 năm qua
thế nào và nhất là hơn 30 năm qua ta đã làm những gì. Những điều đó tiếp tục
trong tương lai ra sao? Hình thành trong đầu óc những lớp người hôm nay hai
mươi tuổi, mười tuổi và cả những lớp người đến nay chưa ra đời nữa, ra sao? Tài nguyên đất nước có những gì? Trong thế giới
hiện nay, đất nước ta đi lên ra sao?
Kinh nghiệm nào hay, kinh nghiệm nào dở? Những thất bại và thành công? Phấn khởi, vui mừng, cảm động, náo nức và có
những lo nghĩ, suy tư, những bực bội, những sốt ruột, vừa làm mở mang
tâm trí, lại vừa quặn thắt nỗi lòng.
Nhưng dù sao một suy nghĩ bao trùm vẫn là một suy nghĩ
cho riêng ta, riêng dân tộc ta, riêng giai cấp công nhân cách mạng, cho hiện
tại, cho tương lai và cho chung cả nhân dân thế giới: Đó là suy nghĩ về “Sức
mạnh Việt Nam”, sức mạnh của cách mạng và sức mạnh của phản cách mạng, sức mạnh
Việt Nam và sức mạnh đế quốc Mỹ trong thời đại này.
Trong Đại hội IV hầu như ai cũng thấy rõ một nỗi buồn
vắng Bác, nhất là những đồng chí có mặt từ Đại hội III. Dạo đó Bác đã 70 tuổi,
nhưng còn khỏe mạnh và nhanh nhẹn lắm. Bác ngồi ghế Chủ tịch đoàn, một bên là
đồng chí Trường Chinh, một bên là đồng chí Lê Duẩn. Trong không khí tưng bừng
của Đại hội IV hôm nay, tôi càng nhớ một đoạn trong diễn văn khai mạc Đại hội
III của Bác:
“Đảng ta có thể tự hào là người kế tục những truyền
thống vẻ vang của dân tộc ta, là người mở đường cho nhân dân ta tiến lên một
tương lai rực rỡ”.
Và Bác nhấn mạnh:
“Tất cả những thắng lợi đó không
phải là công lao riêng của Đảng ta. Đó là công lao chung của toàn thể đồng bào
trong cả nước. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự
nghiệp của cá nhân anh hùng nào”.
Rất tiếc là không còn Bác cho đến hôm nay. Nếu còn thì
trong Đại hội này, Bác lại sẽ nói: “Đây chỉ
là thắng lợi bước đầu...” như sau thắng lợi ở Điện Biên Phủ năm 1954. Sau này
khi di chúc của Bác được công bố toàn văn, chúng ta mới biết, Bác đã dặn dò rất
kỹ những công việc phải làm sau chiến tranh:
“Ngay sau khi cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta
đã hoàn toàn thắng lợi, công việc toàn Đảng, toàn quân toàn dân ta phải ra sức
làm là mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong
cuộc chiến tranh xâm lược dã man”.
Và Bác nhắc nhở dặn dò:
“Đó là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó
khăn. Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo để tránh khỏi bị
động, thiếu sót và sai lầm”.
Thực là những
lời Bác dạy sáng suốt biết bao, nếu không nói đấy là một nhà tiên tri vĩ đại.
Tại Đại hội IV, tôi trúng cử Ủy viên Trung ương. Lúc
này tôi bước vào tuổi 53. Như người ta nói: "49 chưa qua, 53 đã tới"
lẽ ra là năm hạn, nhưng tôi chưa thấy có điều gì không may xảy ra trong cuộc
sống của mình. Cũng như cả cuộc đời tôi, từ năm 17 tuổi tham gia hoạt động cách
mạng cho đến nay nói chung là suôn sẻ, thuận lợi. Có bị bắt vào tù, bị tra tấn
dã man, nhưng đã dũng cảm vượt qua, chiến thắng trở về đội ngũ. Cuộc đời tôi
hơn 35 năm qua là những năm tháng đẹp đẽ, thật sự đáng tự hào: 18 tuổi vào
Đảng, 19 tuổi đã là Tỉnh ủy viên dự khuyết Thái Bình, 23 tuổi là Chính ủy Mặt
trận Hà Nội, 27 tuổi là Chính ủy Đại đoàn, 32 tuổi là Chính ủy quân khu, 35
tuổi được phong hàm Thiếu tướng. Như vậy là vào quân đội, tôi không qua binh
nhất, binh nhì, không qua cấp úy, cấp tá, mà khi Quân đội có chế độ quân hàm
năm 1958, tôi được nhận ngay quân hàm cấp tướng.
Sau Đại hội IV, tôi chính thức được chuyển ngành sang
làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa, phụ trách bí thư
Ban cán sự đồng thời kiêm nhiệm chức phó Ban Tuyên huấn Trung ương phụ trách
văn hóa văn nghệ. Đây chủ yếu là do nguyện vọng của tôi. Còn một số đồng chí
quen thân thì thành thật khuyên tôi nên ở lại tiếp tục phục vụ trong Quân đội.
Nhưng cái duyên nợ với văn hóa văn nghệ đã lôi kéo tôi vào con đường mà sau này
tôi mới nhận ra là rất lắm chông gai.
* * *
Sau 30 năm chiến tranh, toàn dân tộc vẫn tiếp tục sống
trong nghèo khổ, thiếu thốn. Tiềm lực thì lớn lao mà trí tuệ thì hạn hẹp. Những
người lãnh đạo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong chiến tranh tưởng rằng vẫn
có thể tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ trong xây dựng hòa bình. Nhưng quy luật của
cuộc sống là khắc nghiệt, nó có con đường đi của nó, loại ra ngoài mọi thứ duy
ý chí.
Hai khóa Trung ương trước, tôi rất ít phát biểu. Nhưng
trong khóa V, tôi phát biểu khá nhiều, hầu như phiên họp nào tôi cũng chuẩn bị
một bản tham luận. Trong bài phát biểu nhan đề : “Một vài ý kiến về những vấn
đề chung của công tác tư tưởng và tổ chức” tại phiên họp Trung ương 4, khóa V
tuy còn mang nặng tính giáo điều và tư duy cứng nhắc, nhưng cũng có một số ý
kiến về dân chủ tập trung và tổ chức cán bộ, cho đến nay tôi thấy vẫn còn có
giá trị, xin trích lại đây để nhớ về một Đại hội V buồn vui lẫn lộn :
“Ta đang ở trong một quá trình cách mạng sôi nổi, cách
mạng xã hội chủ nghĩa trên cả nước, mà nội dung của nó là một sự chuyển biến
sâu sắc, toàn diện triệt để mọi mặt trong xã hội như Nghị quyết Đại hội Đảng IV
và V đã chỉ rõ, đồng thời phải làm nhiều việc để bảo vệ Tổ quốc.
Vì vậy, những vấn đề cấp bách về tư tưởng và tổ chức
của ta hiện nay cũng là những vấn đề cơ bản, những vấn đề then chốt trong quá
trình cách mạng đó, nó vừa cấp bách vừa lâu dài, vì nó cần tác động trong tất
cả các mặt và trong suốt thời gian lâu dài của quá trình cách mạng.
Ta cần đề phòng một tình hình là điều đó sẽ dẫn đến sự
đơn giản trong công tác tư tưởng, bất cứ một biểu hiện nào cũng quy về hữu
khuynh, mỗi chỗ người ta cố tìm ra một khía cạnh của hữu khuynh. Như thế liệu
có thể có hiệu quả trong tình hình cách mạng lúc này không ? 1954 ở Điện Biên
Phủ có cuộc vận động chống hữu khuynh, có hiệu quả lớn, nhưng lúc ấy mục tiêu nhiệm
vụ rõ rệt, cụ thể, phạm vi có hạn. Nay không thể như vậy.
Đồng thời có sự hiểu phương hướng tăng cường chuyên
chính vô sản thì chỉ là tăng cường kiểm soát, tăng cường nghiêm trị và tăng
cường xử phạt như vậy cũng không đúng với tinh thần của học thuyết Lê-nin về
chuyên chính vô sản.
Trong quá trình cách mạng hiện nay, luôn luôn có những
hiện tượng mới mẻ xuất hiện và phát triển và có những cái gì cũ lạc hậu bị đào
thải, những cái gì mới xuất hiện thì gặp khó khăn, có khi còn phải xuất hiện
chui, hoặc bị coi là bất hợp pháp bị lên án.
Thí dụ rõ rệt nhất là xí nghiệp đánh cá Côn Đảo và
việc khoán trong nông nghiệp. Hiện nay ở một số địa phương và đơn vị cơ sở, có
những đồng chí phụ trách đứng trước tình hình làm những việc mà có thể trở
thành anh hùng hoặc vào tù.
Thứ hai là vấn đề dân chủ tập trung, tôi thấy không
phải chỉ là ý thức mà là cơ chế. Cơ chế phải bảo đảm các cấp lãnh đạo Đảng và
Nhà nước nắm chắc được bản chất tình hình xã hội (thông tin) về các mặt, đồng
thời bảo đảm sự huy động các nguồn trí tuệ trong xã hội để giải quyết các vấn
đề do xã hội đặt ra.
Không nên quan niệm dân chủ chỉ là nghe ý kiến của
người trực tiếp sản xuất (nông dân và công nhân) mà phải là vấn đề phát huy các
nguồn trí tuệ, trong đó có một nguồn trí tuệ quan trọng là các cơ quan khoa
học, cán bộ khoa học, cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp các ngành.
Các cấp khoa học vốn là của Đảng, do Đảng tạo ra, cán
bộ khoa học cũng thế, phải có cơ chế làm việc thu hút các cơ quan này quây quần
chung quanh các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng. Các cấp của Đảng phải coi
các cơ quan khoa học có liên quan là trợ thủ của mình. Phải tăng cường việc xây
dựng nhiều cơ quan thông tin phục vụ cho công tác nghiên cứu.
Không thể có một cấp nào hay một người nào hiện nay có
thể biết hết mọi vấn đề, phải có sự phối hợp và liên kết các cơ quan khoa học.
Về mặt khác, phải thúc đẩy tốc độ việc xây dựng pháp
luật, thể chế các mặt cho kịp với yêu cầu quản lý và đổi mới quản lý, phải nâng
cao trình độ “lập pháp” ở tất cả các cơ quan nhà nước.
Đó là những nội dung quan trọng trong toàn bộ nội dung
của vấn đề dân chủ kỷ luật.
Nên quan niệm tăng cường chuyên chính vô sản không
phải chỉ là tăng cường kiểm soát, tăng cường nghiêm trị, tăng cường xử phạt. Đó
là mặt cần thiết, nhưng không phải chỉ có thế. Tăng cường chuyên chính vô sản
còn phải là “nâng cao kiến thức, bản lĩnh và năng lực lãnh đạo” của Đảng, nâng
cao trình độ tổ chức, năng lực tổ chức và hiệu quả của tổ chức, bao gồm việc
định ra các loại chính sách, các thể lệ quy chế quản lý có hiệu lực, bảo đảm
phát huy mọi tiềm năng ở mọi lĩnh vực để tăng hiệu quả rõ rệt ở các mặt kinh
tế, quốc phòng, văn hóa, xã hội, khoa học giáo dục, tạo nên thành quả mới, lực
lượng mới cho cách mạng. Như vậy, cũng cần quan niệm “chống chiến tranh phá
hoại nhiều mặt của địch”, thực chất là phải đẩy mạnh ba cuộc cách mạng như ý
kiến đồng chí Tổng Bí thư phát biểu. Nhiều đồng chí phát biểu đã nêu lên những
dẫn chứng về vấn đề này.
Thứ ba là tổ chức và về cán bộ: Nhất thiết cần nghiêm
khắc phê phán và xử trí nghiêm minh những cán bộ, đảng viên hư hỏng thoái hóa
biến chất. Đồng thời cũng cần có thái độ như vậy với một loại cán bộ cơ hội bất
tài, bảo thủ và vô vị, có khi không có một khuyết điểm nào nhưng chỉ có một
khuyết điểm là chỉ biết nhắc lại chỉ thị nghị quyết như con vẹt và không hề làm
được việc gì có ích cho xã hội, đã như thế lại còn chiếm chỗ quan trọng trong
các cơ quan Đảng và Nhà nước, và có lúc là đầu mối cho mọi sự bất hòa xích mích
của tổ chức.
Loại cán bộ đảng viên này tai hại cho sự nghiệp cách
mạng không kém loại cán bộ đảng viên hư hỏng thoái hóa biến chất chút nào.
Mặt khác cần khẳng định mạnh mẽ một phương hướng tuyển
chọn và bố trí cán bộ : Khuyến khích những người có kiến thức, trung thực, năng
động, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm, đạt tới những hiệu quả cụ thể trong phạm
vi công tác phụ trách. Thực tế trong xã hội cũng đang xuất hiện các loại cán bộ
có những phẩm chất như vậy.
Có thể nói chắc chắn rằng trong
xã hội ta về tất cả mọi mặt, không thiếu nhân tài, nhân tài kinh tế, nhân tài
quản lý, nhân tài sáng tạo khoa học và văn học.
Cần có những chính sách khuyến khích nhân tài, chiêu
hiền đãi sĩ, dám nghe những điều nói ngược tai, mới lạ để cho sĩ tử xa gần nô
nức đem tài năng ra thi thố, giúp ích cho dân, cho nước.
Cần có những chính sách thi cử, tuyển cử, ứng cử để
thực hiện được việc phát hiện nhân tài và sử dụng nhân tài.
Ảnh: Bên dòng thác Dray Sap hùng vĩ |
Đối với loại cán bộ mới, có tài, nên có thái độ độ
lượng với điểm gọi là khiêm tốn. Thật ra, ai là có tài và khiêm tốn thì thật là
tốt và hoàn toàn. Nhưng thông thường những người có tài năng cũng kèm theo một
cá tính là tự tin một cách mạnh mẽ. Do tự tin mạnh, nên có những biểu hiện
thiếu khiêm tốn, nhưng lòng tự tin lại là một đức tính nên khuyến khích, vì đó
cũng là một mặt của tinh thần dám chịu trách nhiệm, không nên chỉ vì đi tìm cán
bộ bằng cách cơ quan tổ chức nắm lý lịch rồi đi thăm hỏi và dò tìm.
Cần mau chóng có một đội ngũ cán bộ có năng lực thích
hợp với tình hình cách mạng mới, chính sách đó được khẳng định sẽ tác động mạnh
mẽ vào tâm lý thanh niên và là một việc góp phần rất hiệu quả vào sự nghiệp xây
dựng con người mới xã hội chủ nghĩa và một chính sách cán bộ đúng sẽ đập tan
một tâm lý “chỉ cần biết sống” nghĩa là biết ngậm miệng, ăn tiền, biết tìm ghế,
nịnh nọt để giữ ghế và chính sách đúng cũng tạo nên một tâm lý hăng hái trau
dồi kiến thức, hăng hái sáng tạo, hăng hái cống hiến”.
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét