Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2022

Bài thơ viếng ông Hoàng Văn Thụ


Nhà văn Hoàng Tiến
Ngày 15/02/2002, tôi vào Hà Đông ăn cưới con anh bạn ở đơn vị cũ. Xong việc, chúng tôi vào làng Vạn Phúc, ngay sát cửa ngõ Hà Nội, một làng quê có thể gọi là cái nôi của cách mạng Việt Nam trước tháng Tám năm 1945. Ở đây nhân dân đã từng cất giấu và nuôi nấng rất nhiều cán bộ cách mạng nổi tiếng của nước ta: Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Trân, …

Chúng tôi gặp cụ Nguyễn Thực, cán bộ Bộ Lao động – Thương binh nghỉ hưu, 75 tuổi đời, 40 năm tuổi Đảng, tham gia cách mạng tiền khởi nghĩa. Cụ hiện sống an nhàn cùng con cháu và chơi nuôi chim cảnh. Trong khi nói chuyện, cụ có đọc cho chúng tôi nghe một bài thơ của ông Trần Độ khóc ông Hoàng Văn Thụ.


Khi đồng chí Hoàng Văn Thụ bị xử bắn ở trường bắn Tương Mai – Hà Nội thì sau đó cơ sở cách mạng làng Vạn Phúc tổ chức lễ truy điệu. Buổi truy điệu đồng chí Hoàng Văn Thụ được tổ chức ở nhà ông Tư Hỏa có khoảng gần 30 người dự, có canh gác hẳn hoi, đề phòng địch vây ráp. Hiện nay nhiều cụ bà và cụ ông còn sống vẫn còn nhớ sự kiện này và có thể làm nhân chứng. Trong buổi lễ truy điệu ấy, ông Trần Độ có đọc bài thơ khóc ông Hoàng Văn Thụ.
Bọn thực dân Pháp điên cuồng khủng bố, xử bắn những người yêu nước. Nhưng tinh thần các chiến sĩ cách mạng không sợ tù đày, bắn giết, người trước ngã người sau tiến tới, làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc: Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Ông Hoàng Văn Thụ mất năm 36 tuổi, lúc ấy ông Trần Độ mới khoảng 20 tuổi, còn là thanh niên trẻ măng, lời lẽ bài khóc viếng hừng hực lòng yêu nước của tuổi hoa niên, sau rồi ông trở thành một vị tướng của Quân đội Nhân dân Việt Nam và mới mất gần đây.
Nhận thấy đây là một tài liệu quý của lịch sử cách mạng Việt Nam giai đoạn tiền khởi nghĩa ở Hà Nội và được phép của ông Nguyễn Thực, cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa ở làng Vạn Phúc – Hà Đông, chúng tôi xin công bố bài thơ trên của ông Trần Độ để bạn đọc xa gần cùng biết.
Khóc anh Hoàng Văn Thụ (*)
Trần Độ

Tiếng súng thét, anh Hoàng Văn Thụ
Thây đổ nghiêng, máu đỏ phun tràn
Pháp trường ảm đạm màu tang
Cây rung hạt lệ, khóc trang anh hùng.

Mười lăm năm vẫy vùng ngang dọc
Anh đã vì dân tộc hy sinh
Giang hồ dầu dãi đầu xanh
Trán nhăn tư lự, thể tình thương đau.

Mắt anh đã xanh màu lý tưởng
Đường anh đi không lượng gần xa.
Tám năm xa nước, xa nhà
Đời anh cùng với phong ba dãi dầu.

Cùng đồng chí ra tay chèo chống
Đưa con thuyền vượt sóng trùng khơi.
Cánh tay cứng cáp đâu rồi
Con thuyền cách mạng, bồi hồi xót thương.

Anh kiêu hãnh giữa trường tra tấn
Dù chân run, máu cạn, không khai.
Nào treo, nào điện, nào roi
Quân thù lồng lộn, anh cười khinh khi.

Gan chiến sĩ coi chi sấm sét
Bước đấu tranh cái chết là vinh.
Ba mươi sáu tuổi đời anh
Đoạn trong một buổi bình minh khói mờ.

Thế là hết, bên bờ đắc thắng
Anh Thụ ơi ! Đời vắng anh rồi !
Kìa trông mây trắng ngang trời,
Để tang chiến sĩ ngậm ngùi đường bay.

Hỡi đế quốc, một bầy ác nghiệt
Bầy nhớp nhơ nhuộm huyết sôi nồng,
Của người chiến sĩ anh hùng
Sa cơ, để nỗi sóng lòng muôn dân.

Bay lầm tưởng đập tan uất hận
Nhưng mà không, gươm vẫn đang mài,
Tội bay chồng chất ngất trời,
Tha làm sao được, bão đời đang dâng.

Hà Nội, ngày 17/12/2002
(*) Bài thơ có đôi chỗ khác với bản đã công bố trong Trần Độ tác phẩm, Nxb Hội Nhà văn, 2012 (tập II, trang 92, 93). Để tôn trọng tác giả, chúng tôi giữ nguyên, coi đó như một dị bản.

(Trích Nhớ Nhà văn Trần Độ, Nxb Văn học, 2013)

1 nhận xét:

  1. Vạn Phúc là cơ sở ATK của TW và Xứ ủy Bắc kỳ trước và sau 19/8/1945. Ở đây có 2 ông Tư Thủy và Tư Hỏa được do ông Hoàng Văn Thụ đặt tên. Ông có có tính nóng như lửa nên đặt là Tư Thủy cho giảm nhiệt; còn ông hiền lành, nhu mì thjì được đặt là Tư Hỏa cho "bốc" lên. Đó là 2 cơ sở tin cậy và là bạn bè thân thiết của ông Trần Tử Bình.

    Trả lờiXóa