(Nói với hương hồn anh Lê Trọng Tấn)
Anh Tấn ơi,
Hôm nay anh được đưa đến chỗ an nghỉ cuối cùng. Tôi
không thể không nghĩ đến anh, nghĩ về anh. Tôi đã viết nhiều bài về Anh bộ đội,
kể cả nói về anh Nguyễn Chí Thanh.
Nhưng nay nghĩ tới anh, tôi lại muốn nói về
một Anh Đại tướng. Tôi nói thế, không phải vì anh là Đại tướng - Trong chữ “Anh
Đại tướng” của tôi có hai yếu tố, yếu tố “Anh” và yếu tố “Đại tướng” - cả hai
yếu tố đó thống nhất trong một con người - nhưng tôi muốn nói về “Anh” nhiều hơn
về “Đại tướng”. Và dù cho có nói về một Đại tướng thì đó không phải là ngài Đại
tướng, ông Đại tướng, vị Đại tướng, dù anh đã thọ ngoài 70 tuổi, thì anh vẫn là
“Anh Đại tướng”. Anh đã dành gần như toàn bộ cuộc đời ở trong Quân đội và có
mặt ở hầu hết các chiến trường trên đất nước Việt Nam và ở các nước ở bán đảo
Đông Dương, anh đã góp phần xứng đáng vào các chiến công lớn của Quân đội nhân
dân Việt Nam, và sự phát triển của nghệ thuật Quân sự Việt Nam và vì vậy anh đã
là một Đại tướng. Nhưng trong anh, có một “Anh” với ý nghĩa là một “con người”
đáng yêu và tôi thực sự yêu quý cái “Anh” ấy ở trong anh. Và cái đó quý hơn
nhiều thứ ở đời.
Tôi với anh rất nhiều duyên nợ, rất nhiều “cùng” - Tôi
với anh cùng chỉ huy và xây dựng Trung đoàn Sông Lô, cùng xây dựng Đại đoàn rồi
Sư đoàn 312, Sư đoàn mang một tên rất đáng tự hào “Chiến thắng” - Tôi với anh
cùng nhau đi chiến dịch biên giới, trung đu, đường 18, Nghĩa Lộ, Hòa Bình, Tây
Bắc, Thượng Lào, Điện Biên Phủ, đã trải qua những giờ phút hào hùng của thắng
lợi và giờ phút đắng cay của thất hại. Rồi anh lại cùng tôi trong một tổ học
tập ở Học viện Quân sự cao cấp ở Liên Xô, cùng nhau đi B, cùng nhau ở Bộ chỉ
huy Miền và Quân ủy Miền, cùng nhau đi chiến dịch Đồng Xoài, cùng nhau nhận
huân chương Quân công sau kháng chiến chống Pháp, sau kháng chiến chống Mỹ.
Những cái “cùng nhau” ấy để lại trong tôi bao kỷ niệm
đẹp đẽ và sâu sắc cũng như những ấn tượng thú vị về con người anh.
Chúng ta đã cùng nhau chia sẻ nắm cơm với muối vừng
trước trận Đông Khê và cùng nhau uống rượu chiến lợi phẩm sau trận Biên Giới.
Chúng ta đã nằm cùng một sàn, đắp cùng một chăn và gửi
lưng vào lòng nhau, hô “một hai” để cùng trở mình trong những đêm giá lạnh dưới
chân núi Ba Vì, cùng nhau ngồi một thuyền vượt Sông Đà ở gần núi Chẹ, lại cùng
nhau lần dây vượt Sông Đà ở Tây Bắc để đánh Bản Hoa và Ba Lay, cùng nhau ăn củ
chuối và nõn chuối trong cuộc truy kích địch ở Cao Phụ, cùng nhau đánh tú lơ
khơ trong những đêm hành quân dài dằng dặc. Tôi lại cùng anh có những cuộc hành
quân liền 36 tiếng đồng hồ, bắt vắt cho nhau trên địa bàn khu 6, cùng ăn thịt
voi ở trước trận đánh Đồng Xoài. Chúng ta chưa bao giờ nói với nhau những lời
to tát và hoa mỹ về tình yêu, tình bạn và tình đồng chí, nhưng chúng ta đã đi
với nhau bằng ấy chặng đường trong sự tôn trọng, thương yêu và chăm lo nhau
thật lòng. Chúng ta cũng chưa hề tỷ tê với nhau những nỗi niềm riêng tư, nhưng
chúng ta đã bao lần trao đổi với nhau về từng nhiệm vụ, từng công tác, từng
tình thế cách mạng và tình hình quân đội, trong trường hợp cán bộ và chiến sĩ “có
vấn đề” trong đơn vị. Và hầu như chẳng bao giờ anh với tôi phải tranh luận,
phải cãi nhau. Tôi thấy tôi không có điều gì phải phàn nàn về anh, cũng như
chắc anh cũng chưa bao giờ phải phàn nàn với ai về tôi. Tuy rằng tính nết ta
khá khác nhau. Anh nóng nảy nhưng cũng còn ít nóng hơn anh Vương Thừa Vũ, anh
khẩn trương vì anh là chỉ huy quân sự, còn tôi thì ôn hòa, thường hay chậm
chạp. Anh thiết thực trong cuộc sống hàng ngày, ít nói, ít cười, tôi thì nhiều
ham say văn chương nghệ thuật, hay cười hay nói. Anh biết tôi vậy và tôi cũng
biết anh vậy và hai đứa mình hoàn toàn trọng
nhau, ủng hộ nhau trong cách sống. Tôi với anh cùng nhất trí tổ chức cuộc họp
tâm sự khi mới thành lập Đại đoàn, cùng tích cực tự phê bình sau chiến dịch
đường 18 và nhất là sau chiến dịch Lý Thường Kiệt, đánh Nghĩa Lộ không xong. Ta
xác định được trách nhiệm của Đại đoàn, cùng với trách nhiệm các Trung đoàn, vì
vậy ai nấy nhận phần trách nhiệm của mình và thực hiện được điều “Thắng không
tranh công, thua không đổ lỗi”.
Ảnh: Ngày đầu tiên gặp Lê Trọng Tấn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Sông Lô (209) |
Ấn tượng của tôi về anh là ấn tượng về một con người
nhân hậu và trung thực. Và tôi mơ ước biết bao để người ta có thể sống với nhau
nhân hậu và trung thực. Tôi biết rõ tính nóng của anh và tính nóng ghê gớm hơn
của anh Vương Thừa Vũ. Nhưng đó là cái nóng nảy của người có trách nhiệm và đặc
biệt là của người nhân hậu. Nóng giận vì công việc, vì kỷ luật, chứ không phải
để làm oai, để biểu dương quyền lực. Tôi còn nhớ anh Vũ đánh một chiến sĩ vô kỷ
luật lấy ngựa của anh ấy đi chơi. Nhưng đánh xong, anh lại làu bàu bảo cậu
chiến sĩ như bố nói với con: “Còn ngồi đấy hả? - Vào ăn cơm đi!” Còn anh,
trong chiến dịch Biên Giới, chúng ta rất thú vị vì lần đầu tiên được “chỉ huy
bằng điện thoại”. Thế mà cái lúc khẩn trương vây đánh Charton, anh cầm máy nói,
bị đứt liên lạc, anh quát mắng anh em thông tin ầm ỹ lên rồi anh giơ cao cái tổ
hợp định đập nó vào một tảng đá trong hang, nhưng anh giơ tay thật cao, xong
anh lại hạ từ từ và thả nhẹ cái tổ hợp lên một lùm cỏ. Tôi vừa buồn cười vừa
yêu, anh giận mà vẫn khôn, vì anh biết ta còn quá nghèo, đập một máy nói thì
tai hại bao nhiêu. Anh Vương Thừa Vũ cũng có lần chụp ảnh cứ bị mắc phim, giận
quá đem đập cái máy ảnh vào... chăn bông. Anh với tôi tự nhiên phân công nhau,
mà không cần văn bản, không cần nghị quyết, không cần thảo luận. Khi có nhiệm
vụ chiến dịch, tự nhiên là anh lo tổ chức trinh sát và chuẩn bị chiến trường,
vạch kế hoạch hành quân, còn tôi lo chỉ đạo tổ chức hành quân, kiểm tra và bảo
đảm hậu cần. Tôi thường nhớ mãi mỗi khi sau trận đánh, tôi tự động lo việc chấn
chỉnh tổ chức, bổ sung vật chất, anh tự động lo tổng kết kinh nghiệm và chuẩn
bị kế hoạch cho trận đánh sau. Không bao giờ chúng ta có ý kiến khác nhau về
cách đánh. Nếu tôi không có ý kiến thì ý kiến của anh cũng là ý kiến của cả hai
người và ngược lại.
Anh nhân hậu và trung thực, nên tâm trí anh có thể
chứa đựng được tâm trí tôi, tâm trí anh luôn mở rộng để đón nhận tâm trí tôi.
Cũng như tâm trí tôi cũng sẵn sàng hấp thụ được tâm trí của anh. Rất khó nói
được rằng tôi học được ở anh cái gì vì những ý nghĩ hay của anh tự nó biến
thành của tôi tự bao giờ, không ai hay. Ta nghe nhau thì đầu óc ta thêm giàu có.
Chúng ta khác nhau khá nhiều về tính cách nhưng trong
mỗi chúng ta chỉ cháy bỏng một ngọn lửa: Lòng yêu nước, ý chí trung thành với
cách mạng. Mục đích cuộc sống của anh và của tôi chỉ là một. Chúng ta đánh giặc
mà không hề nghĩ rằng mình sẽ làm tướng, cho dù bây giờ anh là Đại tướng. Chúng
ta làm tướng để đánh giặc, chứ không phải đánh giặc để làm tướng. Và đó là điều
gắn bó anh với tôi, không có sức mạnh và trở ngại nào phá vỡ nổi sự gắn bó đó.
Chúng ta sống với nhau tự nhiên, hồn hậu không cần
phải bàn luận và nói nhiều điều to lớn về đoàn kết.
Nghĩ đến đây, tôi bỗng thấy mình ngớ ngẩn mà tự hỏi
mình rằng: Tại sao có những người không chấp nhận được nhau, không chấp nhận
được những ý tưởng, thậm chí quan điểm khác nhau và cả những điều khác nhau
trong cách sống. Người ta phải gào to lên: Đoàn kết! mà thật sự lại sống với
nhau “không đoàn kết”. Phải chăng người ta có thể tự tin vào ý tưởng và phương
pháp của mình, cho nó là đúng nhất, là duy nhất cần thiết cho mục đích của cách
mạng mà không chấp nhận bất cứ ý kiến nào khác. Nếu họ thành thật nghĩ như vậy
thì có thể cho rằng đó là cách nghĩ ngu ngốc nhất. Còn nếu không thì hẳn là
phải có những động cơ cá nhân rất xấu xa, tồi tệ mà họ không dám nói ra, không
dám thừa nhận.
Và khi người ta đã có những động cơ xấu xa, người ta
không từ bỏ một thủ đoạn hiểm độc nào kể cả thủ đoạn lừa lọc, cạm bẫy nhau và
vu cáo, xuyên tạc, v.v... Đó là một nỗi đau cho mỗi chúng ta. Chúng ta đã không
như vậy - Và chúng ta có quyền tự hào về điều đó. Tôi nhớ lại và cảm thấy thực
sự có hạnh phúc khi cùng sống, cùng công tác với anh. Điều đó có được là nhờ ở
bản chất nhân hậu trung thực của anh. Qua anh, tôi nhìn rõ được tôi, tôi cần
phải cảm ơn anh và vui lòng vì không đến nỗi phải xấu hổ với anh.
Anh và tôi cùng các đồng chí trong Đảng ủy Sư đoàn tạo
cho Sư đoàn được truyền thống Đoàn kết. Chiến thắng và Đoàn kết. Anh và tôi cũng
có những bạn chiến đấu tuyệt vời như Nam Long, Hoàng Cầm, Lê Thùy, anh và tôi
cùng nhau thương tiếc Thiết Cương, Thăng Bình, v.v...
Chúng ta không cần nói với nhau về tình người. Nhưng
chúng ta ăn ở với nhau như những con người trung thực.
Anh Tấn ơi,
Có lẽ anh không biết những điều này.
Khi tôi còn làm chủ nhiệm báo Vệ Quốc quân, một lần
được dự nghe anh báo cáo sau chiến dịch Lê Lợi của anh ở Suối Rút. Tôi thèm
cuộc sống chiến đấu, tôi thú vị mãi hình ảnh của anh, một người chỉ huy chiến
trường báo cáo. Thế rồi tôi bộc lộ nguyện vọng muốn ra đơn vị chiến đấu. Về
ngay Trung đoàn 209 làm Chính ủy để đỡ cho anh một nhiệm vụ mà anh phải gánh
vác kiêm từ trước. Ngay bữa đầu anh đã cho tổ chức đón tôi trong bữa họp mặt
thân mật có liên hoan văn nghệ: mọi người nhảy múa xòe Thái Sơn La, tôi còn
nhớ có cả Lê Linh, Hùng Tráng, Phi Hùng. Rồi ngay sau đó, anh đưa tôi đi thăm
các đơn vị, xem một đơn vị diễn tập đánh đồn bằng cách nằm bò ra sát hàng rào
lông nhím của đồn địch và chặt rào bằng dao rựa. Anh giới thiệu với tôi một
cách hào hứng về trình độ chặt rào của anh em công binh. Quả thật lúc ấy tôi
thấy hơi thất vọng với cái thô sơ quá đỗi của quân ta, nhưng tôi vẫn hào hứng
cùng anh.
Mười năm sau này, khi học tập ở Liên Xô, có lúc làm
bài tập, anh đóng vai Tham mưu trưởng Tập đoàn quân, tôi đóng vai Chủ nhiệm
pháo binh, tôi còn nhớ lại cái cảnh “chặt rào” năm trước.
Tôi nhớ mãi anh hay nói “có phỏng?”. Cái lần vượt
sông Đà ở gần núi Chẹ, nơi mà Nguyễn Bàng hy sinh, nơi mà Bạch Đăng Hội đón ta
ở bên kia sông, lúc đó pháo sáng địch bắn liên hồi, anh thì cứ sốt ruột gặp
thuyền nào cũng muốn kéo tôi sang ngay và luôn mồm “có phỏng?” – “Ta sang đi,
có phỏng?”. Còn tôi thì vẫn cứ thong thả chờ anh em xếp thuyền nào thì đi
thuyền đó.
Ảnh: Với Đại tướng Lê Trọng Tấn trong Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng miền Nam |
Lại có lần trong chiến dịch Tây Bắc, anh với tôi đến
một bản Mèo trước khi đổ dốc xuống La Hầu Peng và về cách đồng Nậm Mười, ta gặp
đội trinh sát Sư đoàn ở đó, anh em cho ta ăn một bữa ngô luộc. Anh hỏi tình
hình địch mà vẫn cứ luôn mồm “có phỏng?”.
Anh với tôi hay trao đổi nhận xét
anh em cán bộ trong đơn vị. Chưa bao giờ chúng ta phải bực bội về một ai, có
những cậu chày bửa không chịu công tác, nói năng lung tung, khi gọi đi học
chỉnh huấn, còn lẩy Kiều thách thức:
Cũng liều nhắm mắt đưa chân.
Thử xem chính ủy xoay vần ra sao?
Có cậu ruồng rẫy vợ một cách vô lý. Chúng ta chỉ cười,
cùng thương anh em, cùng bàn cách vun đắp cho anh em. Tôi cũng không biết tôi
bị ảnh hưởng của anh, hay anh bị ảnh hưởng
của tôi. Chỉ nhớ rằng về những việc như vậy, ta không bao giờ cãi cọ nhau. Cũng
có những thời gian xa nhau, tôi theo dõi tin anh khi thấy anh ở chiến trường
này, lúc thấy anh ở chiến trường khác, anh luôn là một tướng chỉ huy nhiều khả
năng được tin cậy ở nhiều mặt trận.
Năm ngoái (1985) chúng ta cùng về kỷ niệm 35 năm ngày
thành lập Sư đoàn, ta gặp lại nhiều cán bộ cũ. Sư đoàn ta có đến mấy chục người
cấp tướng đủ cả thiếu, trung, thượng, đại... Anh em Sư đoàn đã rất tự hào có
anh là người Sư trưởng thân yêu đầu tiên của anh em, nay có trách nhiệm lớn
trong toàn quân đội. Chúng ta ngậm ngùi thương tiếc bao đồng chí đă không còn.
Nhưng chúng ta cũng nói vui: chúng ta còn sống nhiều, và lại còn sống dai nữa.
Thế mà bây giờ anh lại không còn!
Tất nhiên anh đã hưởng thọ kha khá, nhưng anh mất đi
đột ngột quá, và vào cái lúc rất không nên vắng mặt. Thế mà anh lại đi đến với
Bác Hồ một cách bất ngờ quá! Cũng gần sắp đến ngày kỷ niệm Quân đội và kỷ niệm
thành lập Sư đoàn rồi đấy. Anh Tấn ơi! Anh đã sống rất đẹp. Cái đẹp ấy không
phải chỉ ở những chiến công, ở quân hàm Đại tướng và ở những huân chương. Anh
sống đẹp vì anh đã có tinh thần trách nhiệm cao, anh tận tụy hoàn thành các
nhiệm vụ, anh được nhiều người yêu mến, tin cậy. Anh không phải bực mình vì ai,
không phải ghét ai, mà anh chỉ có tôn trọng và thương yêu. Cái đẹp ấy của cuộc
đời anh để lại là quý giá vô cùng. Tôi rất hạnh phúc được sống lại những kỷ
niệm với anh. Và đó là một hạnh phúc, một niềm vui chân chính. Nó giúp ta vượt
qua được nhiều nỗi quay quắt, ô trọc trong cuộc sống hôm nay. Những kỷ niệm đã
qua bây giờ bỗng lại trở thành mơ ước cho cuộc đời.
Cuộc đời còn muốn anh sống thêm nữa, cũng như cuộc đời
đã thương tiếc bao người đã ra đi. Nhưng anh có thể hoàn toàn yên lòng mà nghỉ
ngơi và báo cáo với Bác Hồ. Anh mất đi nhưng những gì anh làm được, những gì
anh có được, là những giá trị cao đẹp của cuộc đời này.
Không còn được gặp anh nữa, không còn có được những
giờ phút tâm tình nữa, tôi muốn có vài dòng tâm tình này với anh và với nhiều
người.
Đêm 9-12-1986.
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)
Đêm 9-12-1986.
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)
Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cụ Tấn sang làm TQ hiệu trưởng, còn cụ Trần Tử Bình là chính ủy trường Lục quân VN. Hai ông cũng thân tình.
Trả lờiXóaNay đọc bài này mới biết Tướng Độ và Tướng Tấn gần nhau hầu hết cá chiến dịch thời chống Pháp rồi chống Mỹ.
Đọc bài này thấy rất cảm động về thế hệ ông cha qua hai cuộc kháng chiến.
Trả lờiXóaVới tướng Giáp không ai hiểu và tin tưởng hơn Lê Trọng Tấn! Dù ở kế hoạch tác chiến hay trực tiếp chỉ huy!
Trả lờiXóa