Thoạt đầu tôi hơi ngợp trước những
bài viết về văn hoá mà bài đầu tiên tới 40 trang vi tính khổ A4 có nhan đề: Mấy vấn đề xây dựng nền văn hoá mới XHCN, nhưng đọc thấy không lí luận chung
chung chút nào. Những nội dung tưởng như khô khan, nhưng khi viết, cũng như khi
nói, dù ở tư cách nhà văn hay tư cách một nhà lãnh đạo, quản lí, ông đều dùng
hình ảnh và ngôn từ gắn liền với đời sống.
Hay như bài: Lối sống và lẽ sống,
cái tiêu đề đã mang tính kêu gọi, răn dậy, ông đã dẫn người đọc đi tới cảm thụ
của những bè bạn đang nói chuyện với nhau. Thành thử những bài viết mang tính
lí luận mà lại chẳng thấy nặng nề lí luận, qua đó, người đọc, người nghe đều
cảm nhận ông là người hoạt động thực tiễn và dù giữ cương vị cao nhưng mọi hành
động và suy nghĩ đều gắn liền với thực tiễn. Bài: Con người mới ở đâu viết tại
Đại Lải tháng 7 năm 1984 dầy 19 trang vi tính khổ A4 chứa đựng khá nhiều suy
ngẫm của một nhà lãnh đạo với vấn đề xây dựng con người đang cần có hôm nay.
Ông dẫn chứng ra cả nhân vật Ôtenlô trong kịch của đại văn hào Sêcxpia cho tới
những anh công nhân Việt Nam đang bám xưởng sản xuất hoặc anh bộ
đội Cụ Hồ trên biên giới mà người đọc vẫn thấy những gì ông đưa ra khá nhuần
nhuyễn khó bề bác bỏ. Có điều đời sống xã hội ở cả nước ta và trên thế giới
thay đổi quá nhanh, phát triển mau chóng, tới mức, hôm qua đã khác hoặc lùi lại
nhiều so với hôm nay, nên đôi chỗ cái nhìn phù hợp với đương thời của ông hơi
lạ với con mắt hôm nay. Thì năm 1984 với 2010, dù chỉ một phần tư thế kỉ, nhưng
lớp thanh niên ba mươi tuổi nghe chuyện kể về những ngày đó còn ngơ ngác như
nghe chuyện cổ tích kia mà.
Nổi lên trên tất cả những bài viết
của nhà văn Trần Độ là tầm nhìn bao quát của một cán bộ cấp cao trên lĩnh vực
mình phụ trách cộng với trái tim đầy nhiệt huyết, sục sôi ý chí, lúc nào cũng
đau đáu một lòng, một dạ vì dân, vì nước. Với ông sách vở gắn liền với thực tế,
những đúc kết lí luận gắn liền với đời sống xã hội như hai vế của một hằng đẳng
thức đáng nhớ không thể tách rời. Và đầu đề các bài viết vẫn mộc mạc, chân
thành, như kí và truyện, chẳng hạn: Văn nghệ vũ khí của cách mạng, Đổi mới và
dân chủ hoá, Phấn đấu để nền văn nghệ ta phát triển mạnh mẽ, … Song với cách
nhìn đa chiều, đa dạng, đã làm cho các bài viết người đọc dễ theo dõi và dễ
chấp nhận. Đã đành văn hoá là vấn đề rất rộng, có kinh tế trong văn hoá và văn
hoá trong kinh tế, nền văn hoá của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, cũng có những
biểu hiện khác nhau và mang tính đặc thù. Bởi vậy văn hoá không thể là sự áp
đặt. Văn hoà không bao giờ chấp nhận sự cưỡng chế. Những ai đã sống ở thập kỉ
bẩy mươi và tám mươi của thế kỉ trước, chẳng đã chứng kiến cảnh người ta rạch
quần ống tuýp, cắt ống loe, gọt đầu những anh để tóc dài, và các cơ quan, cùng
với ông gác cổng và cái barie chắn ngang, cùng với dòng chữ cảnh báo không phận
sự miễn vào, bỗng có thêm biển đề: Cơ quan chúng tôi không tiếp những ai quần
loe đầu bù tóc rối, … Một dạo như thế rồi bỗng dưng tắt lịm và cái biển thêm ra
kia cũng biến mất, chẳng ai phân định đúng sai ra sao, ấy vậy nhưng nhà văn
Trần Độ cũng đã bàn đến. Ông luôn luôn nhào lặn giữa khái quát và cụ thể trong
mỗi bài viết, không tách rời nhau, xen kẽ nhau, khi cái này đi trước cái kia đi
sau, khi cái kia đi sau cái này đi trước, bổ sung tôn tạo để cảm hoá người đọc.
Là nhà văn từ ngày thành lập Hội năm 1957, sau này ta quen gọi là hội viên sáng
lập, nhưng trong tất cả các bài viết của mình, ông không bao giờ nhấn mạnh ý
này, thậm chí dường như không hề nói đến, mà luôn coi văn chương của mình còn
phải học hỏi bao bậc tài ba khác. Là cán bộ cấp cao được đảng và nhà nước phân
công phụ trách vấn đề văn hoá ông viết hay nói cũng như đang tâm sự với người
đọc và người nghe. Chẳng hạn trong bài: Tăng cường sự lãnh đạo của đảng trong
lĩnh vực văn hoá văn nghệ, ta vẫn không thấy sự huấn thị hay hô hào khẩu hiệu,
để rồi tới bài khá dài 69 trang vi tính khổ A4: Văn hoá văn nghệ dưới ánh sáng
đại hội lần thứ sáu của đảng, ông đưa ra bao dẫn chứng cụ thể cùng với những
điều tâm huyết. Ông đắn đo, ông suy ngẫm, bằng cái nhìn mang tính tổng hợp khái
quát và bằng trải nghiệm qua hiểu biết nhận xét của bản thân mình, ông đưa ra
kết luận: Can thiệp thô bạo vào công việc sáng tạo cụ thể của văn nghệ sĩ thì
chẳng giúp ích gì, nhiều khi còn làm hỏng cả tác phẩm. Vấn đề ông kết luận nêu
lên tưởng như cũ nhưng lại luôn luôn mới. Gần đây chẳng đã có sự can thiệp vào
tác phẩm Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư đó sao. May mà Tư không để cho
luồng gió thô thiển và kiêu ngạo ấy thổi bạt đi nên đã thành công và được bạn
đọc khắp nơi yêu mến.
Là cán bộ cấp cao ông được đi tham
quan đây đó và được đi dự các hội nghị quốc tế về văn hoá. Thời ông sung sức,
phe XHCN vẫn còn, Liên Xô vẫn là hình mẫu ước mơ, tại một hội nghị ở Matxcơva
tháng 7 năm 1987, ông dự và quan sát, suy ngẫm, để rồi có những trang viết phê
phán về sự nôn nóng dẫn đến các biện pháp buồn cười như cắt quần loe, tóc dài, …
nêu ở trên. Và cũng qua hội nghị này, cùng với bao sự giao tiếp và học hỏi, ông
đã nói ra nhận xét về vị thế mỗi con người trong xã hội. Khối người chức tước
cao, nhưng do cơ chế, do may rủi, do luồn lách, do con ông cháu cha mà có,
không thể nào sánh nổi với những con người tài ba, lao động miệt mài, khiêm
nhường, luôn học hỏi, đi tới những vinh quang do chính bản thân mình vươn tới.
Do vậy việc đánh giá những con người không thể nào nhìn vào chức vụ. Ông hết
lòng ca ngợi những nhà văn Liên Xô đầy trí năng sáng tạo, đã chỉ ra cho xã hội
thấy được những mâu thuẫn có thể làm chìm đắm cả con tầu cơ chế như Aimatôp,
Maiakôpxki, … Để rồi muốn thông qua hình tượng cụ thể ấy kêu gọi hãy nhìn nhận,
đánh giá thành tích, công lao, đừng vì chức tước hay cương vị xã hội của đối
tượng đó cao hay thấp. Và ở bài: Về nhu cầu văn hoá và thị hiếu nghệ thuật,
ông phân tích khá kĩ nhân dân muốn gì trong đời sống văn hoá tinh thần và thị
hiếu của họ chắc chắn phải được nâng cao nhưng tôn trọng nét đặc trưng cội rễ
chứ nhất định không thể áp đặt. Đặc biệt không được coi thị hiếu của ai đó có
cương vị cao rồi bắt mọi người noi theo, coi đó là chuẩn mực. Ý này ta cũng
tưởng là cũ nhưng không bao giờ cũ. Mới ngày nào đây ta chả bỏ ra bao nhiêu
tiền bạc làm nhà Rông cho đồng bào thượng ở Tây Nguyên, to, đẹp, tại vị trí cao
sang, nhưng rồi dân không hưởng ứng, bởi vì có gì đó chưa hợp lòng họ, chưa đi
vào được cõi tâm linh của họ. Rõ ràng ta có ý tốt nhưng đã chủ quan và áp đặt.
Nhà văn bàn khá kĩ tới vấn đề kinh
tế trong văn hoá và khẳng định mối quan hệ không thể tách rời. Ông phê phán ai
đó cho rằng, trước tiên hãy cứ làm kinh tế, giầu có khá giả lên thì văn hoá sẽ
đến. Ông cũng phê phán ai đó coi văn hoá quần chúng là thấp kém, là hạ đẳng, mà
quên rằng, chính văn hoá quần chúng ở cơ sở đã tạo nền cho văn hoá chuyên
nghiệp phát triển, là cái nôi cội rễ cho văn hoá chuyên nghiệp phát triển. Tiếp
thu văn hoá của các dân tộc khác là đúng nhưng không thể coi đó là tinh hoa
thay thế cho nền văn hoá đặc sắc vốn có của mình. Ông bàn tới những vấn đề văn
hoá có tính chắt lọc tinh hoa của các ngành văn hoá nghệ thuật nhưng cũng chú ý
đầy đủ tới đời sống văn hoá ở cơ sở, ở mọi đối tượng quần chúng khác nhau. Ông
bàn về xây dựng đời sống văn hoá cho công nhân, cho nông dân xóm làng, cho các
đơn vị quân đội, cho thanh niên, và đến nhà giam nọ gặp gỡ giám thị cùng các
phạm nhân, ông bàn về xây dựng đời sống văn hoá cho cả những người tạm thời mất
quyền công dân. Nhớ lại một thời ta hăng say xây dựng cấp huyện. Nào là pháo
đài cấp huyện, … Ông cũng bàn nhiều về xây dựng văn hoá cấp huyện như: Từ Hải
Hậu đến xây dựng một mô hình văn hoá huyện, Chung quanh vấn đề xây dựng huyện:
qui hoạch tổng thể và qui hoạch văn hoá, hay Thủ Đức – mô hình mẫu quản lí văn
hoá cấp huyện, … Vấn đề này hôm nay chẳng ai nói tới nữa nhưng những năm đó thì
sôi nổi và người ta đã dựng lên cả những huyện điển hình toàn diện. Nhắc tới
những vấn đề này ở đây tôi muốn không quên đi kỉ niệm của một thời. Rõ ràng còn
nhiều nội dung để bàn về thời kì ấy mà dòng thác đã cuốn ta theo. Cũng như một
giai đoạn sục sôi trên báo chí và cả dư luận xã hội về văn hoá Liễu Đôi. Tôi
chưa được về Liễu Đôi mà sao thèm khát. Hôm nay dường như không thấy ai nhắc
tới Liễu Đôi nữa và người ta đã quên đi chăng? Hay tôi lầm?
Đọc những bài viết về văn hoá của
nhà văn Trần Độ tôi càng thêm ngưỡng mộ ông và điều quan trọng là những vấn đề
ông bàn mang tầm nhìn chiến lược về văn hoá mà lại rất cụ thể, rất chi tiết ,
trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ một nhà quân sự, nam chinh bắc chiến,
ông trở thành nhà lãnh đạo trong ngành văn hoá, và ông say mê, cặm cụi, không
mệt mỏi, không nản lòng. Không khí qua các bài viết từ thời vượt ngục Sơn La,
tới hoạt động Việt Minh ở vùng Đông Anh - Phúc Yên, tới ngày toàn quốc kháng
chiến ở Hà Nội, tới Điện Biên phủ và mặt trận B2 thời chống Mĩ, tới văn hoá
Liễu Đôi hay Thủ Đức, Hải Hậu, giọng văn của ông đều giữ chất sảng khoái, chiết
trung, thể hiện lòng dạ lúc nào cũng sục sôi đầy tâm huyết và sự mẫn cảm. Bàn
bạc của ông lúc nào cũng bình dẳng, nói chuyện về văn hoá với các Bộ trưởng
cùng ngành trong phe XHCN hay người nông dân ở xã Cẩm Bình, ở Liễu Đôi, ở Hải
Hậu, hay chiến sĩ trong đơn vị lực lượng vũ trang ông đều một giọng tôn trọng
và khiêm nhường: Biết lắng nghe và biết khiêu gợi!
Tô Đức
Chiêu
Kì sau: Chuyên luận quân sự qua giọng
văn của tướng Trần Độ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét