Thứ Tư, 5 tháng 4, 2023

Từ Liễu Đôi, tiến lên như thế nào


Sau khi đọc cuốn “Khảo sát văn hoá truyền thống Liễu Đôi”, tôi có dịp về thăm khu vực Liễu Đôi huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam Ninh. Quả thật, ở vùng này có rất nhiều di tích, nhưng di tích ở đây rất đơn giản, mộc mạc. 

Đó chỉ là những cái miếu con con, đã rêu phong cỏ mọc, những gò đống, những ngôi đền, ngôi chùa nho nhỏ. Nhưng có một điều hết sức thú vị là mỗi di tích ấy đều có một truyền thuyết dân gian mà những truyền thuyết này lại mang tinh thần yêu nước, đánh giặc giữ nước. Nó biểu hiện trí tưởng tượng của nhân dân ở một thời kỳ hết sức ngây thơ, bay bổng. Chúng tôi đi qua đền Thánh Tiên, thờ vị tướng họ Đoàn - người đã nhờ có đất thiêng của quê hương xoa vào người mà chống đỡ, tránh được mọi gươm đao, tên giáo ; nhưng chỉ vì vô ý khi gặp gỡ người yêu để lở mất một mảng đất trên thân người mà sau đó bị chết giữa trận tiền. Miếu Nàng (người yêu của tướng họ Đoàn) cũng ở gần đền Thánh Tiên, chỉ cách mấy trăm mét.
Hiện nay các đô vật, khi vật nhau trên cánh đồng “Hương Cửi” ở Liễu Đôi, nếu có bị sây sát vẫn thường bốc đất xoa vào vết thương với niềm tin là đất thiêng của quê hương sẽ chữa lành vết thương đó. Một niềm tin về “đất thiêng” như vậy đã được ghi trong thư tịch cổ “Lĩnh Nam chích quái”.
Chúng tôi thăm đền Bà Áo The, mà thật ra theo thần phả thì đền này thờ một nữ tướng thời Hai Bà Trưng. Đây là một trong nhiều đền thờ các bà như: bà Giải Yếm, bà Trăm Sắc, bà Chải Đầu và các ông như: ông Mổ Bụng, ông Rút Sườn, ông Cào Gò Đống, ông Nhấc Bổng, ông Dẳng, ông Tôn, v.v… Những bà, những ông này đều là những nhân vật xuất thân nghèo khổ, rất gần gũi với cách làm ăn lao động trong vùng. Các sự tích này nếu được nghiên cứu kỹ bằng những phương pháp khoa học chuyên ngành thì chắc chắn sẽ rất bổ ích.
Chúng tôi còn được xem cái gò có tên là Mả Giấu (cái mả chôn giấu, chôn bí mật) mà trong ký ức dân gian thì đây là nơi phát tích của Lê Hoàn. Người ta kể rằng nguyên đây là mả ông nội Lê Hoàn do một con cọp có nghĩa nhưng lại “ngộ sát” ông cụ. Con cọp hối hận và bí mật chôn ông cụ ở đây. Vô tình, nó lại chôn ông cụ vào ngay một huyệt đất “phát vua”, vì thế Lê Hoàn về sau tài giỏi và trở thành vua. Cũng ở đấy, chúng tôi được nghe đọc nhiều đoạn trong một bài vè dài tên là Hoàn vương ca tích nói về sự tích Lê Hoàn. Người đọc với một lòng tin tưởng chân thành, những chi tiết nói trong bài và là những chi tiết lịch sử về Lê Hoàn. Nó bí ẩn, cao cả và thiêng liêng (Những tài liệu này cần xác minh theo phương pháp khoa học. Nếu quả thật đây là Sử ca thì rất giá trị, vì ở nước ta còn hiếm thấy loại hình văn học dân gian này). Chung quanh gò Mả Giấu là những cánh đồng có tên liên quan đến hoạt động của Lê Hoàn thuở còn là một thanh niên hàn vi.
Liễu Đôi nằm giữa một vùng có nhiều di tích. Chẳng hạn ở Thanh Liêm còn có núi Tiên, trên núi có chùa Tiên với truyền thuyết 99 cây thông và 99 con phượng hoàng. Cùng truyền thuyết về cánh Đồng Nảy là cánh đồng không cần cày cấy chăm bón, cứ tự nảy lúa lên để cung cấp lương thực cho một vị tướng vũ dũng. Sau khi thắng giặc, vị tướng lại bị phản bội, thành thương tật về núi Tiên “điều trị”.
Khi đến chính Liễu Đôi, nghĩa là đến trụ sở hợp tác xã nông nghiệp xã Liêm Túc, đặt ngay ở cánh đồng Nương Cửi, nơi đất thiêng, nơi hàng năm vẫn diễn ra hội vật võ, chúng tôi còn đang nghe giới thiệu về những nghi thức truyền thống của hội Vật Võ, thì các cụ già đã đem trống ra đầu nhà nổi lên từng hồi trống vật. Tiếng trống bất ngờ, rộn rã thúc giục làm xáo động cả không khí chung. Tự nhiên chúng tôi cũng thấy rạo rực trong người. Chung quanh sân vật vẫn là các thửa ruộng đang ngập nước. Các cháu thiếu niên cứ băng tắt qua các thửa ruộng đó đến thẳng sân vật. Thế là chỉ mấy phút sau, không khí hội đã bao trùm cả trụ sở. Hai cụ già cũng đã lội ra sân vật và tung hai lá cờ đỏ múa để mở màn cho một keo vật “chào khách”.
Ở khắp vùng Thanh Liêm, qua những cuộc gặp gỡ của chúng tôi với các cán bộ huyện, xã, các cụ già và những thanh niên nam nữ, chúng tôi đang cảm thấy và được nâng cao một ý thức đáng quý. Đó là ý thức tôn trọng và tự hào về những truyền thống lịch sử của địa phương. Ở đâu, người nào cũng muốn nơi mình có một di tích để trân trọng, để tự hào, để giữ gìn và để kể cho nhau nghe, để giới thiệu với khách phương xa một mẫu mực lý tưởng trong tình thương yêu, đoàn kết cho xứng đáng với những truyền thống tốt đẹp của cha ông, của dân tộc; đều muốn mình là con cháu của những vị anh hùng, có đời sống hào hùng, kỳ vĩ và đã hy sinh oanh liệt vì Tổ quốc. Đó là một ý thức và là một tình cảm hết sức chân thực và cao cả của dân tộc ta mà mỗi con người ngày nay cần phải tiếp thu, vun trồng. Bởi chính cái mẫu mực đó, cái truyền thống đó đã và đang góp phần hình thành nên những con người hôm nay.
Liễu Đôi chỉ là một vùng trong nhiều thôn làng của đất nước ta. Thiết nghĩ rằng mỗi thôn xóm, mỗi mái đình, cây đa, giếng nước, mỗi đoạn đường đều còn chứa đựng và ẩn giấu những di tích và những truyền thống mà nội dung rất phong phú; nếu ta có một kế hoạch rộng lớn khai thác thì đó là một kho tàng to lớn và vô giá.
Với tất cả những điều được tai nghe mắt thấy và được đọc trong sách, tôi thấy văn hoá cổ truyền của vùng Thanh Liêm mấy điểm đáng chú ý:
1) Hội Vật võ với tất cả các nghi thức đầy đủ ý nghĩa của nó là phản ánh truyền thống yêu cuộc sống, chứa đựng triết lý, nhân sinh quan của cha ông, ghi nhận vũ trụ quan cổ xưa của dân tộc. Tất cả đã thể hiện ở lòng yêu hội Vật võ và giữ gìn nó trong nhân dân. Đồng thời hội Vật võ còn thể hiện lòng yêu quê hương, lòng mến khách, ý thức trọng tài năng, ý thức ganh đua làm việc nghĩa. Đó cũng là những giá trị đạo đức xã hội chủ nghĩa.
2) Kho tàng văn học dân gian rất phong phú trong các truyện cổ, truyện vè và ca dao, tục ngữ. Tất cả các tài liệu này đều cần được thẩm tra cho chính xác và phát triển cho khoa học. Nay nhìn chung thì đều có giá trị thẩm mỹ - đạo đức, đều đề cao tinh thần dũng cảm mưu trí, tình yêu quê hương, lòng chung thuỷ, ghét bạo tàn, ghét gian ác, ca ngợi các mối quan hệ tốt đẹp giữa người và người trong nhân dân lao động. Hình thức biểu hiện phổ biến của những giá trị trên là cách kể vè – có lẽ về mặt âm nhạc không có gì đặc sắc, nhưng là một loại hình nghệ thuật diễn xướng, đơn giản, chưa được sưu tầm và giới thiệu nhiều. Ít thấy ở địa phương khác. Nếu được nghiên cứu thì chí ít cũng đóng góp cho các vấn đề lý luận, lịch sử sân khấu dân tộc. Đó cũng là điều nên quan tâm khai thác.
3) Các món ăn đặc sản của đồng chiêm gồm có: ốc, lươn, cua, cá, rắn, bún riêu, v.v… Các món ăn này cũng phải liệt vào là giá trị văn hoá, vì nó vừa phù hợp với những yêu cầu dinh dưỡng hiện đại, lại vừa khai thác tài nguyên địa phương được thuận tiện, dễ dàng, nó có thể làm phong phú thêm khoa học dinh dưỡng và phong phú thêm khẩu vị đặc sản, một nét của văn hoá dân tộc.
Tất cả ba mặt kể trên đều tập trung thể hiện trong một sinh hoạt văn hoá có tên gọi là Hội. Như vậy những giá trị truyền thống quý giá đều được bảo tồn và phát huy trong Hội kiểu như Hội Vật võ ở Liễu Đôi. Tôi nghĩ rằng tất cả những sinh hoạt văn hoá truyền thống cần được coi trọng, cần được bảo tồn trong nhân dân một cách sinh động. Làm như vậy, vừa đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân về những truyền thống văn hoá, vừa phải có chỉ đạo để ngày càng được nâng cao, có thể tạo nên được một hoạt động rất tốt đẹp trong đời sống văn hoá ở cơ sở. Những hoạt động này chắc là sẽ được sự tham gia rất tích cực và hào hứng của nhân dân. Những hoạt động truyền thống đẹp đẽ, lành mạnh như vậy sẽ làm giàu thêm đời sống tinh thần của nhân dân địa phương và có tác dụng đẩy lùi và ngăn chặn mọi ảnh hưởng của các thứ văn hoá xấu độc, lai căng. Từ đó, tôi nghĩ rằng chính quyền và cơ quan văn hoá của tỉnh, huyện nên tích cực chỉ đạo, đứng ra tổ chức những hoạt động văn hoá cổ truyền đã có sẵn như trên. Cụ thể là, nên đứng ra tổ chức một cách chu đáo ngày hội. Chẳng hạn như đối với hội Vật võ Liễu Đôi thì nên làm đầy đủ cả ba nội dung: vật võ (thể dục thể thao), kể vè (văn học nghệ thuật, âm nhạc) và món ăn đặc sản. Về vật võ thì cố giữ và nâng cao thêm những nghi thức có ý nghĩa tốt đẹp “Năm keo trai rốt” và “Đô xã làm nền”, v.v… Cần tiến hành một cách chu đáo hơn, làm nổi bật ý nghĩa của nó hơn, gây ấn tượng sâu sắc hơn.
Ra sức khai thác đầy đủ vốn văn học dân gian qua hình thức kể vè có hiệu suất cao. Ta hình dung những ngày hội, ban ngày thi vật võ tưng bừng, ban đêm thì có nhiều điểm kể vè, nội dung là những bài vè đã và đang sưu tầm được, hình thức kể vè là của những diễn viên ca hát nổi tiếng, có nhạc đệm do các nhạc sĩ giúp đỡ, có máy phóng thanh tốt truyền đi. Như vậy, thú vị biết chừng nào.
Cũng trong những ngày hội, các cửa hàng và món ăn đặc sản được mở ra phong phú, đa dạng. Ngày hội như vậy cần được cơ quan văn hoá tỉnh đứng ra tổ chức và kết hợp với nhiều ngành khác như: thể thao, du lịch, nội thương, phục vụ ăn uống và các phương pháp huy động mọi khả năng của địa phương. Cần có sự chuẩn bị sớm trước từ ba đến sáu tháng. Ngày hội ấy sẽ thu hút khách của cả nước về dự, là dịp để thanh niên nam nữ, mọi tầng lớp nhân dân được thoải mái vui chơi, là dịp bồi bổ về tinh thần, về vật chất, nhất định có tác động rất tích cực đến tinh thần lao động sản xuất của nhân dân địa phương, nó tạo ra những nhu cầu mới kích thích các ngành kinh tế địa phương (nông nghiệp, thủ công nghiệp,…) phát triển.
          Mỗi tỉnh có một số vùng có sinh hoạt hội hè truyền thống như vậy được tổ chức rải ra cả năm và thường tập trung vào dịp mùa xuân và mùa thu (tháng ba ngày tám) thì chúng ta có một đời sống văn hoá sôi nổi, hào hứng, ít tốn kém, lại có màu sắc dân tộc độc đáo, mang tính nhân dân sâu sắc. Sinh hoạt văn hoá này sẽ là một thành tố quan trọng của nền văn hoá dân tộc và xã hội chủ nghĩa của chúng ta ngày nay.

          (Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)

1 nhận xét:

  1. Với chúng ta ! Những người hậu thế cần phải biết và tự hào về nền Văn Hóa Liễu đôi. Tôi được biết không chính thức cách đây không lâu bộ văn hóa có chi một chút tiền cho việc nghiên cứu Nền Văn Hóa Liễu Đôi. Nhưng không có được kết quả nào vì kinh phí quá nhỏ. Những người làm dự án này đã sử dụng hết. Thật đáng buồn cho một vùng quê Văn Hóa Hà Nam.

    Trả lờiXóa