Thứ Năm, 20 tháng 4, 2023

Vấn đề vận động lập công



Đây không phải là một vấn đề mới và cũng không phải là một vấn đề cũ (vấn đề vận động luyện quân lập công). Tất cả vấn đề chỉ là một công tác động viên tinh thần tích cực thi đua cách mạng hoàn thành nhiệm vụ trong quần chúng binh sĩ và dùng phương pháp quần chúng vận động phát huy sáng kiến quần chúng. Từ trước, chúng ta vẫn làm. Song chúng ta chưa có kinh nghiệm. Nay chúng ta học được một số kinh nghiệm mới nên đặt vấn đề lại cho có hệ thống, trật tự và rõ ràng.
Đặt vấn đề thế nào?

Nó không phải là một vấn đề bên ngoài công tác chính trị, nó là bản thân công tác chính trị trong lúc chiến đấu. Bất cứ một cuộc chiến đấu nào đều phải có cuộc vận động lập công. Từ khi bắt đầu phổ biến nhiệm vụ kế hoạch và các đơn vị các binh sĩ nhận nhiệm vụ là bắt đầu bước vào cuộc vận động lập công cho đến khi bình công khen thưởng kết thúc là xong. Toàn thể cuộc vận động có những bước công tác như sau:
1- Phổ biến kế hoạch nhiệm vụ và cổ động thi đua lập công.
Mỗi khi một đơn vị nhận nhiệm vụ tác chiến thì đều phải đặt kế hoạch của đơn vị mình, đem phổ biến kế hoạch ấy xuống cho toàn thể binh sĩ. Nhân dịp này phải nêu cao tinh thần thi đua hoàn thành nhiệm vụ, nêu rõ khó khăn thuận lợi của ta và địch trong trận đánh sắp tới, nêu rõ tính chất và những yêu cầu về tinh thần của mọi người trong trận đánh, rồi phát động cuộc thi đua lập công, thi đua hoàn thành nhiệm vụ. Cần phải giải thích cho họ hiểu rõ vì nhân dân mà họ sẽ lập công và bất cứ ai cũng có thể lập công được.
2- Quần chúng đặt kế hoạch thi đua và nêu cao quyết tâm.
Sau khi nhiệm vụ, kế hoạch chung đã rõ ràng thì mỗi người, mỗi đơn vị của mình phải có kế hoạch riêng để thực hiện nhiệm vụ đó. Ta có thể đặt kế hoạch theo cách thức sau đây:
- Kế hoạch thì có kế hoạch cá nhân và kế hoạch đơn vị,
- Kế hoạch thì căn cứ vào nhiệm vụ của mình và những khuyết điểm của mình mà đặt,
- Kế hoạch đặt rất đơn giản và cụ thể, dễ hiểu. Ví dụ: một anh cấp dưỡng trước hay làm cơm chậm giờ, thiếu vệ sinh và khi bộ đội đánh vận động, thường không mang kịp cơm theo bộ đội thì đề ra kế hoạch: “Làm cơm thật sạch, mang cơm kịp theo bộ đội”,
- Anh phụ trách súng máy trước hay bắn phí đạn và súng hay tắc vì thiếu dầu thì có kế hoạch: “Bắn ít đạn mà yểm hộ đắc lực cho xung kích, luôn có dầu dự trữ cho súng khỏi tắc”,
- Anh xung kích “nhất định bắn chết ít nhất là ba tên địch”,
- Anh khác: “lúc nào cũng có công sự sâu và ngụy trang thật kỹ”,
- Anh phòng không “khi nào phi cơ nhào gần cũng bắn – Nhất định bắn rơi một phi cơ” hay “bắn cho phi cơ địch không dám lượn trong vùng mình phụ trách”.
Đơn vị xung kích công kiên thì “nhất định mở đột phá khẩu đúng giờ - Mở xong đắp ngay lại công sự của địch, không cho địch lấy lại”.
Đơn vị đánh chặn địch: “không có một tên địch nào chạy thoát…”, v.v…
Tránh những câu “xung phong anh dũng tiêu diệt quân địch” rất mơ hồ và sáo cũ.
- Kế hoạch của Đại đội, Trung đội, Tiểu đội thì do Hội nghị toàn Đại đội, Trung đội hay Tiểu đội đồng ý quyết nghị đề ra,
- Kế hoạch Tiểu đoàn, Trung đoàn do hội nghị đại biểu cán bộ và đội viên toàn Tiểu đoàn hay Trung đoàn đề ra,
- Kế hoạch đặt xong, từng cấp phải có sổ ghi các kế hoạch đó. Kế hoạch đội viên do Trung đội ghi và giữ để theo dõi. Mỗi đội viên nhớ kỹ kế hoạch của mình,
- Kế hoạch phải gửi lên thượng cấp, kèm theo thư quyết tâm hứa nhất định làm tròn nhiệm vụ,
- Kế hoạch của đơn vị nào phải được phổ biến sâu rộng cho mỗi đội viên của đơn vị đó rõ và ai nấy đều nhất định cố gắng để làm tròn, gây thành một không khí, một dư luận sôi nổi, một sự thi đua thách thức,
- Có thể có những cuộc phê bình kế hoạch lẫn nhau để sửa chữa cho sát, đúng và có thể thực hiện được.
Tóm lại, kế hoạch lập công tránh mơ hồ, khó cho đội viên thi hành. Kế hoạch chỉ nêu lên ba điểm là cùng, trong đó có một điểm chủ yếu. Phải hướng dẫn mọi người tự đặt lấy kế hoạch căn cứ vào nhiệm vụ mới và khuyết điểm cũ của mình.
3- Ghi công trạng – Ghi công tại trận và tổ chức ghi công
Có kế hoạch rồi, khi tác chiến phải có sự theo dõi. Hội đồng binh sĩ cử người chuyên môn theo dõi trong đại đội. Các cơ quan chính trị có người chuyên trách theo dõi các đơn vị dưới. Các tổ ba người phụ trách theo dõi lẫn nhau – Mỗi khi có cá nhân hay đơn vị ngay tại trận, trong khi đang nổ súng, làm tròn nhiệm vụ có thể ghi ngay. Nhớ lấy và loan báo ngay cho các đơn vị khác biết.
Ví dụ: “Đồng chí X. đã giết được năm tên địch làm tròn kế hoạch”, “Đại đội 3 đã mở đột phá khẩu đúng giờ, làm tròn kế hoạch”, v.v…
Nếu không mọi người, mọi cơ quan như Hội đồng binh sĩ và các cơ quan chính trị, tổ ba người, sau một đợt chiến đấu phải hỏi ngay và ghi ngay nếu có thể cũng công bố ngay. Nhớ chú ý những đồng chí đã hy sinh và bị thương.
- Tổ chức những cán bộ vào ghi công tại các quân y viện,
- Phải làm cho tin tức lập công luôn luôn truyền lan rầm rộ, náo nức, tấp nập từ mặt trận đến các cơ quan hậu phương và quân y viện,
- Các cơ quan chính trị phải luôn luôn thu thập tổng hợp cho kịp thời những tin tức lập công.
4- Phê bình công trạng
Mỗi khi xong một nhiệm vụ chiến đấu hay sau một trận chiến đấu thì lập tức tổ chức phê bình công trạng.
- Toàn Đại đội họp, căn cứ vào kế hoạch của từng người và từng tiểu, trung đội kiểm điểm lại xem ai làm trọn, ai làm thiếu. Mỗi một xét định đều do toàn thể hội nghị lấy đa số quyết nghị mà thành. Cán bộ chỉ hướng dẫn, không có quyền quyết định.
Bình công trong một đơn vị có thể xếp hạng căn cứ vào những mục khen thưởng đã có mà quy định.
- Người nào làm trọn nhiệm vụ đã đặt ra là đã lập công rồi,
- Người nào làm hơn một ít (Ví dụ: kế hoạch đồng chí X giết năm địch mà sau giết được bảy địch) sẽ được bầu làm “chiến sĩ hạng ba” của đơn vị,
- Người nào làm hơn nữa sẽ được hạng hai, v.v…
- Người nào làm hơn với những thành tích đặc biệt thì được “chiến sĩ hạng nhất” của đơn vị. Ngoài ra, những hình thức khen thưởng khác như huân chương quân công… phải đề nghị lên để Ban Chỉ huy mặt trận và Bộ Tổng Tư lệnh quyết định. Một mặt khác, bình công cũng phải căn cứ vào những điều kiện để làm tròn kế hoạch mà ấn định thành tích. Ví dụ: đồng chí cấp dưỡng trong khi trời mưa leo núi đá, máy bay dữ dội mà vẫn có cơm sạch và đúng giờ thì phải xem trời mưa khó thế nào, núi đá cao dốc thế nào mà xét định công lao.
Bình công đơn vị thì do hội nghị đại biểu cán bộ và đội viên các đơn vị dưới xét định và quyết định.
5- Khen thưởng
- Sau khi các đơn vị đã bình công xong rồi, tổng hợp ngay lại gửi lên các bộ chỉ huy trận địa, BCH chiến dịch và Bộ Tổng Tư lệnh. Các cấp trên chỉ căn cứ vào những quyết định đó mà công nhận khen thưởng. Như thế sự khen thưởng hoàn toàn do toàn thể quần chúng định đoạt, rất công minh. Bảng ghi công phải ghi thành tích cụ thể rõ ràng, để các cấp trên xét cho dễ. Bảng ghi công căn cứ theo những hình thức khen thưởng đã có mà đề nghị - thường từ trước ta vẫn có từ thấp lên, những hình thức như sau:
Giấy khen của Đại đội, Tiểu đoàn, Trung đoàn, Giấy khen của Bộ Chỉ huy trận địa, BTTL.
Huân chương chiến sĩ hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất và tuyên dương công trạng.
Ngoài ra, tùy mỗi tính chất từng chiến dịch mà có những huy hiệu đặc biệt. Và những giải thưởng đặc biệt của Hồ Chủ tịch, của Chính phủ, đoàn thể.
Như thế, không nên có nhiều hình thức và huy hiệu phức tạp khó phân định.
Trên đây là căn cứ vào những ý kiến và kinh nghiệm đã thu được trong chiến dịch vừa qua đề ra một quan niệm cụ thể cho thống nhất theo quan niệm trên, ta thấy dù là một cuộc vận động thi đua thích hợp với đường lối quần chúng do quần chúng phát động, quần chúng thi đua và xét đoán. Nó sẽ không phải là một cuộc treo giải của thượng cấp, rồi thượng cấp xét và phát giải. Làm như thế không sát và nhiều khi hay có xì xào cho là kém công bằng.
Lối vận động thi đua này có thể áp dụng trong từng thời kỳ chỉnh huấn được. Ví dụ: thời gian một tháng tập luyện, hay một tháng học tập chính trị, củng cố sức khỏe, có thể áp dụng trong các trường, các lớp huấn luyện nữa.
Những ý kiến đề ra còn vội vàng nông cạn, mong được các cấp cán bộ góp ý kiến thảo luận cho phong phú, đúng hơn.
Trần Độ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét