Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Nhớ Chính ủy Trần Độ


Đại tá, Nhà văn – Nhà báo Nguyễn Trần Thiết, 84 tuổi 
Đầu năm 1950, tôi đang là trung đội trưởng, cán bộ huấn luyện của Trường Quân chính Quân khu IV đóng quân tại hậu phương Nghệ An thì được điều động bổ sung về Đại đoàn 312. 

Tôi bỡ ngỡ quá vì tôi chưa qua chiến đấu làm sao chỉ huy được anh em đánh “công kiên”, đánh “tao ngộ chiến”…? Chúng tôi chưa được phân công về các trung đoàn mà được ở lại Đại đoàn bộ hai ngày để nghe Chính ủy Trần Độ nói chuyện. Anh xuất hiện. Ấn tượng đầu tiên của tôi là anh rất trẻ, trẻ hơn nhiều so với tuổi 27 của anh năm đó. Anh đẹp trai, có vẻ thư sinh, công chức hơn con nhà võ. Anh có năng khiếu lên lớp chính trị, thu hút người nghe đến mức kỳ lạ. Vài chục năm sau, các cán bộ trung đội, đại đội, tiểu đoàn hồi đó gặp lại nhau đều trầm trồ thán phục tài nói chuyện vô cùng hấp dẫn của Chính ủy Trần Độ.
 Đại đoàn 312 vấp phải trận chiến đấu ở Ninh Mít, Chẹ. Trung đoàn 209 húc phải cứ điểm rắn quá, chỉ trong một đêm đã có tới 298 thương binh. Trong số liệt sĩ có cả Trung đoàn trưởng Nguyễn Bàng, tham mưu trưởng Nguyễn Tâm. Lấy lại khí thế cho cán bộ, chiến sĩ; giữ danh dự và tiếng thơm cho Đại đoàn 312, Chính ủy Trần Độ cùng Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn tập trung chỉ đạo trung đoàn 141 gặt được chiến thắng vang dội, nhổ bật được hai cao điểm 400, 600 (quatre cents, six cents), mở toang cánh cửa, tạo thế cho quân đội ta thắng lớn trong chiến dịch Hòa Bình.

Đại đoàn 312 được lệnh hành quân lên Tây Bắc. Trong những đại đoàn chủ lực, 312 có duyên nợ với Tây Bắc nhất. Những lần hành quân trèo đèo lội suối vô cùng gian khổ đó, chính ủy Trần Độ thường bất ngờ xuất hiện ở từng đơn vị để trò chuyện, nắm tâm tư nguyện vọng chiến sĩ, để động viên các đại đội,… và để bị lính bắt nạt, lính vòi vĩnh :
- Chính ủy kể chuyện tiếu lâm đi!
- Tụi em chưa ai lấy vợ, thủ trưởng phổ biến kinh nghiệm cho chúng em với!
Trong hành quân, chính ủy cũng cuốc bộ như lính nhưng ưu tiên không phải mang ba lô. Trông thấy nắm cơm nắm toòng teng ở dây lưng chính ủy, một tay lính tinh nghịch đề nghị ăn cơm chung. Nắm được thóp lính trẻ, anh Trần Độ chơi bài ngửa:
- Các cậu định kiểm tra xem cơm của tớ có thịt gà, thịt lợn hay dùng gạo trắng hơn chứ gì?
Một tay lém lỉnh chống chế:
- Cả Đại đoàn không lo nổi bữa ăn cho Chính ủy tươm tất được hay sao? Chúng em chỉ muốn kiểm tra xem Chính ủy ăn có khỏe không?
Anh Trần Độ vỗ vào nắm cơm, cười:
- Xin bảo đảm tớ đả hết ba bát còn thòm thèm.
Có lần “đi thực tế”, Chính ủy Trần Độ không truy xét tại sao lính biết chuyện bí mật của “thiên đình” mà chỉ cười xòa, giải đáp các câu hỏi của “quan tòa”…
Số là Tiểu đoàn trưởng T. đang gặp chuyện mà anh gọi là rất buồn. Anh buộc lòng xin Chính ủy cho phép ly dị vợ vì vợ anh ở trong lòng địch đã “cam tâm làm tay sai cho giặc!”. Dư luận không đồng tình với những bằng chứng anh đưa ra để kết tội vợ vì anh đang yêu cô nữ sinh ở nơi đóng quân. Chính ủy Đại đoàn Trần Độ can thiệp bằng cách nào đó mà cho đến một hôm, có một cô gái ngoại thành xuất hiện ở Đại đoàn bộ. Tiểu đoàn trưởng T. được Chính ủy đặc cách cho phép nghỉ một tuần lên sống chung với vợ là huyện ủy viên từ địch hậu mới ra. Anh em truy anh Trần Độ:
- Báo cáo! Tại sao Chính ủy lại nhường phòng làm việc của mình cho cấp dưới?
- Chả lẽ tớ ra lệnh cho cảnh vệ vào rừng làm lán hạnh phúc không đủ tiện nghi như buồng của mình?
- Vì sao Chính ủy ra lệnh cấm vợ chồng thủ trưởng T. tiếp khách trong bữa ăn?
- Ơ hay, mấy cậu này! Tớ không nhắc các đồng chí cấp dưỡng nấu thêm vài món mà cấp thực phẩm tươi để vợ nấu phục vụ chồng, sẽ đằm thắm hơn, có ý nghĩa hơn? Khách đến là vi phạm chế độ ăn tươi và thiếu tế nhị với phụ nữ. Hơn nữa, còn phải giữ nguyên tắc bảo đảm bí mật cho cán bộ hoạt động trong lòng địch. Vợ cậu T. ra hậu phương được nghỉ một tuần, tớ xin cho cô ấy nửa tháng sống với chồng.
Tháng 12/1953, để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Tổng tư lệnh điều động gần 100 cán bộ từ đại đội trở lên của Đại đoàn 312 đến các đơn vị mới. Trước khi rời đại đoàn 312, tôi không chỉ nghe mà được chứng kiến một chuyện vui, cách hành xử khác lạ mà chỉ có Chính ủy Trần Độ mới dám “trổ tài” vì anh cũng trẻ như lính.
Chuyện là: cô Kim Ngọc, một nữ văn công trẻ trung, xinh đẹp, tươi tắn của Đại đoàn đến gặp Chính ủy, nũng nịu: “Em bắt đền anh, anh xui em bỏ nghề y tá sang làm tổ trưởng đội múa hát của văn công Sư đoàn. Em đã báo cáo với anh là chồng em không đồng ý. Anh hứa là sẽ đả thông cho chồng em, thế mà anh ấy vẫn không nghe. Anh ấy vừa đi qua đây, dứt khoát không ghé vào thăm…” Chính ủy liền viết mấy chữ giao cho Trưởng phòng Hành chính dùng xe đạp đuổi theo anh Thân, tham mưu phó của Đại đoàn 320, yêu cầu quay lại theo  lệnh của Chính ủy.
Thân buộc phải quay lại, trình bày:
- Thưa anh, tôi phải về gấp để báo cáo nội dung chỉ thị của Bộ Quốc phòng cho Tư lệnh kiêm Chính ủy Đại đoàn 320.
- Nếu có thể, anh báo cáo nội dung cho tôi, được không?
- Được ạ!
Nghe xong, anh Trần Độ quyết định: “Tôi sẽ chuyển nội dung này tới anh Văn Tiến Dũng. Tôi sẽ trình bày với anh Dũng là tôi cho phép anh nghỉ một tuần với vợ”. Sau đó, Chính ủy còn mời vợ chồng Thân – Ngọc ăn bữa cơm do Bộ Tư lệnh Đại đoàn 312 chiêu đãi.
Do Kim Ngọc rất có duyên, khéo chiều chồng, lại được anh Trần Độ biết cách vun vén nên hai người quấn quýt bên nhau. Có một khó khăn mà vào những ngày đó và cả hôm nay không ai tin là đích thân Chính ủy Đại đoàn đã “vào cuộc”, nhưng vì anh còn quá trẻ và tinh nghịch nên mới còn “bia miệng” truyền tụng ca ngợi anh.
Anh Vũ Sắc, Trưởng đoàn Văn công báo cáo những băn khoăn trong việc thu xếp buồng hạnh phúc cho Thân – Ngọc, anh Trần Độ tham gia luôn:
- Kéo dài thêm lán của Văn công. Bên trái của kép, bên phải của đào. Các cậu dồn chỗ cho nữ sang ngủ ở phòng nam, giành phòng nữ cho vợ chồng Thân – Ngọc. Sẽ có một chỗ màn của một nam và một nữ sát nhau, liệu có xảy ra chuyện gì không?
Anh Vũ Sắc khẳng định:
- Thưa anh, tôi sẽ bố trí cô Vóc và cậu Leng. Anh biết là cô Vóc rất đứng đắn. Còn cậu Leng là người dân tộc Tày, mới được kết nạp Đảng, nên không dám giở trò gì đâu…
Thế nhưng, sáng sớm hôm sau, Trưởng đoàn Vũ Sắc báo cáo chuyện xảy ra đêm qua với Chính ủy. Khác với mọi người, anh Trần Độ nói ngay:
- Phải giữ kín chuyện này. Tối nay để Thân – Kim Ngọc ở phòng mình. Nữ về phòng nữ. Cậu mắc màn để tớ nằm cạnh Leng.
Đến tối, thấy Chính ủy nằm bên cạnh, Leng tưởng bị hỏi tội, đã kể lại:
- Báo cáo Chính ủy. Nằm sát màn với cô Vóc, em không sao ngủ được. Em trằn trọc mãi. Quá nửa đêm em mới đưa tay sang màn cô ấy. Cô Vóc hất tay em ra dọa báo cáo. Em sợ quá. Từ ngày nhập ngũ đến hôm qua, em chưa gặp nhiệm vụ nào khó khăn như thế. Em xin nhận kỷ luật.
Chính ủy Trần Độ muốn giữ bí mật nhưng không ngờ người lộ chuyện ra công khai lại là Leng. Leng quá cảm động vì được “tha tội” nên cán bộ chiến sĩ Đại đoàn 312 mới biết thêm về Chính ủy của mình.
* * *
Tôi được điều động về Báo Quân đội Nhân dân. Ra mặt trận, tôi mơ ước được gặp lại chính ủy đại đoàn Trần Độ cùng đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn, trung đoàn trưởng Nam Long, chính ủy Mạc Ninh và đồng đội thuộc trung đoàn 141 cũ của tôi nhưng vì tôi là phóng viên mới chưa được phép đi đơn vị. Anh Trần Cư, thư ký tòa soạn có danh sách các cộng tác viên thân thiết, tin cậy nhất, trong đó người xếp hàng đầu và có nhiều bài đăng báo hơn cả là anh Trần Độ.
Ngày 7/5/1954, quân Pháp đầu hàng. Tôi “phi” từ Mường Phăng ra lòng chảo Điện Biên Phủ. Tôi gặp toán áp giải tướng Đờ Cát xtơ-ri nhưng vì tay nghề tôi còn quá non, tôi không biết cách bám theo “miếng mồi” quá ngon. Giá tôi đi theo độ 40 phút nữa, tôi sẽ gặp anh Trần Độ, anh Lê Trọng Tấn và được chứng kiến câu chuyện của các anh “tiếp khách”. Tôi biết hai anh đều rất thạo tiếng Pháp. Trong một buổi lên lớp, theo yêu cầu tha thiết của thính giả, anh Trần Độ đã phải kể lại những ngày anh bị quân Pháp bắt giam ở ngục Sơn La: “Tớ được phân công vào tổ nhà bếp, chuyên đảm nhiệm tiếp tế vì tớ giỏi tiếng Pháp, dễ giao dịch với tụi Tây và tớ khỏe”. Anh Trần Độ kể tiếp:
- Để chuẩn bị cho đợt tù vượt ngục, anh em ta thường giấu gạo, muối vào chiếc đòn càn (đã đục rỗng ruột, dùng để khiêng thực phẩm). Tớ phải vừa chạy, vừa múa đòn càn có vẻ nhẹ tênh để che mắt địch. Tích tiểu thành đại, anh em ta có kho lương thực, thực phẩm dự trữ riêng.
Tuy nói thạo tiếng Pháp, anh Tấn, anh Độ vẫn chỉ định đồng chí Nho, sĩ quan trinh sát làm phiên dịch. Ngay lúc đó, anh Lê Trọng Tấn gọi điện thoại báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp là đã bắt được tướng Đờ Cát xtơ-ri và cả bộ tham mưu của ông ta. Đại tướng yêu cầu kiểm tra lại, Đại đoàn trưởng khẳng định: “Báo cáo Anh! Tụi nó đang đứng trước mặt tôi và anh Trần Độ”.
* * *
Vừa thắng Pháp oanh liệt, quân dân ta lại dốc toàn bộ lực lượng để đánh Mỹ. Là phóng viên chiến tranh của Báo Quân đội Nhân dân, tôi luôn có mặt ở các chiến trường miền Nam và lúc nào tôi cũng tìm gặp anh, người đang giữ cương vị Phó Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam. Thật bất ngờ trong dịp Tết Mậu Thân, tôi có trong tay tờ báo Chính luận ra hàng ngày của chế độ Sài Gòn. Tôi ngạc nhiên tới mức sửng sốt. Ngoài ảnh anh, tờ báo có đăng kèm ảnh xác chết họ chú thích là của anh với hàng tít lớn, chữ rất to chạy ngang hết cả trang và dọc quá nửa trang, viết “Tướng Trần Độ, Tư lệnh Trung ương Cục Mặt trận Dân tộc Giải phóng vừa bị hạ sát. Chính Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan đã đích thân chỉ huy cuộc săn đuổi; khép chặt vòng vây, dồn địch vào tử lộ 46 Chợ Lớn. Tướng Trần Độ cùng 8 người khác gục ngã tại phường Phú Định, quận 6. Ông Nguyễn Ngọc Linh; Tổng Giám đốc thông tin báo chí đã giao cho cảnh sát giảo nghiệm hình (chỉ ảnh anh Trần Độ và xác chết). Cảnh sát đã kết luận tên Việt Cộng này chính là Trần Độ.
Theo giới chức có kinh nghiệm thì Bộ Chỉ huy tiền phương của Việt Cộng luôn có mặt bên cạnh cấp chỉ huy. Như vậy có thể kết luận là quân lực Việt Nam Cộng hòa đã tiêu diệt Bộ Chỉ huy Mặt trận Dân tộc Giải phóng và do đó Bộ Chỉ huy này cũng không còn nữa” (tôi chép đúng từng câu, từng chữ trên báo).
Tuy không tin thủ đoạn tuyên truyền xảo quyệt của địch nhưng dù sao chúng tôi cũng bán tin, bán nghi. Phải mất ba ngày sau, qua bạn bè và gọi điện thoại ưu tiên, chúng tôi mới biết anh Trần Độ vẫn hoàn toàn khỏe mạnh. Chúng tôi có thêm bài học cảnh giác trước luận điệu đổi trắng thay đen của kẻ thù.

Trước Nhà Con rồng, trưa ngày 01/5/1975
 Từ sau Đại thắng mùa Xuân (30/4/1975), tôi gặp anh luôn. Tôi rất mừng vì anh lên Trung tướng, giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; được bầu vào Trung ương rồi chuyển sang làm Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương. Có lần gặp anh, tôi đã lớn tiếng “Chào quan to!”. Vẫn như xưa, anh đùa: “Tớ đang khổ bỏ sừ đây. Nếu cậu thích, tớ đổi cho…”. Anh kể: “Các cậu ra nước ngoài được đi lại tự do, giao dịch thoải mái, còn tớ rất bị gò bó. Có lần tớ dùng “mẹo du kích” lừa được ông bạn bảo vệ để trốn ra phố. Chưa đến 10 phút sau, tớ đã được mời về”. Anh bảo tôi: “Hồi cậu làm phóng viên báo Anh Dũng ở đại đoàn 312, tớ tin là cậu có năng khiếu. Được kết nạp vào Hội Nhà Văn, cậu thả sức tung hoành, tha hồ viết”. Tôi trả lời là tôi đâu dám qua mặt nhà văn thuộc lớp sáng lập Hội năm 1957 như anh. Anh cười: “Tớ bận quá! Thèm viết cháy ruột cháy gan mà rất khó xếp thời gian”.
Những năm cuối đời, anh bị nhiều bệnh rất nặng. Hàng ngày anh phải ngồi xe lăn, muốn di chuyển phải nhờ cây gậy và người dìu. Trong một lần đến thăm anh, tôi hỏi: “Anh là Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Quân đội Nhân dân?”. Anh cho biết là ngày 30/5/1946, báo Sao Vàng số 1 chính thức ra mắt độc giả. Trụ sở Tòa soạn đặt ở số 28 phố Triệu Quang Phục (nay là Hàng Bài). Ban Biên tập gồm có các anh Trần Huy Liệu, Phó Chủ tịch nước; Lê Tất Đắc, Nguyễn Công Hoan, Tô Ngọc Vân (họa sĩ)… Anh Trần Độ chịu trách nhiệm chính nhưng lúc đó chưa có chức năng Tổng Biên tập.
Ngày 09/8/2002, được tin anh Trần Độ đã về với Bác Hồ, tôi vô cùng thương nhớ anh. Đồng đội gặp nhau, nhắc đến Chính ủy Trần Độ, chúng tôi không thể nào quên được những câu chuyện cảm động, thấm đẫm tình người, tình đồng đội… mà sâu sắc của anh. Xin anh nhận những dòng này của một chiến binh đã gắn bó 52 năm cuộc đời binh nghiệp, cùng làm báo, viết văn theo bước chân anh.
(Trích Nhớ Nhà văn Trần Độ, Nxb Văn học, 2013)

1 nhận xét: