Thứ Hai, 10 tháng 4, 2023

Thắng không tranh công, thua không đổ lỗi


Lệ thường cứ tổng kết chiến dịch là Bác Hồ đến thăm, cũng là sự mong ước của cả hội nghị như được trực tiếp báo công với Bác. Thật không gì vui hơn! Cuộc họp tổng kết chiến dịch này tất nhiên sẽ được đón Bác, nhưng mọi người đều mang tâm trạng nặng nề. Anh em chờ đón với sự lo phiền vì chỉ sợ Bác không vui. Bác vốn nghiêm sẽ phê bình việc đánh đấm vừa qua.

Hôm Bác tới, tôi nhớ câu đầu tiên Bác nói là: “Mọi chiến dịch Bác đến để khen các chú, thế nhưng lần này Bác đến để Bác đì... các chú một trận!”  Thế là tự nhiên không khí hội nghị nhẹ hẳn đi mặc dầu Bác nói trước là sẽ “đì một trận” nghĩa là có phê bình đó. Cách dùng chữ của Bác đến là tuyệt, theo lối dân ta thường nói và ai cũng hiểu cả. Không khí hội nghị đang có phần trầm lắng vì sự áy náy sợ Bác không hài lòng thì lời Bác vừa nói như giải tỏa tất cả. Việc Bác phê bình thành là điều tất nhiên và mọi người mong đợi.


Trước nay trong khi đối thoại với ai, Bác đều rất chú ý đến tâm lý kẻ đó. Từ lời nói đến chữ dùng Bác đều cân nhắc sao cho thích hợp và đạt hiệu quả mong muốn. Bác hiểu là đi chiến dịch về mà không thu được thắng lợi thì ai cũng buồn rồi. Nếu Bác đến với thái độ nghiêm khắc, nói những lời nặng nề thì chỉ làm cho không khí thêm căng thẳng không cần thiết, không lợi cho sự tiếp thu phê bình. Ở đây tôi không nói về nội dung tổng kết như nội dung Bác phê bình mà chỉ nói lại kỷ niệm này thôi. Trên đường về, tôi và anh Tấn bàn với nhau là sự tác động thuận lợi này của Bác, có thể và phải tổ chức phê bình nghiêm túc ở từng cấp một, cố gắng làm sao để mỗi cấp nhận rõ trách nhiệm của mình. Có điểm cả hai anh em đều tán thưởng. Đó là các đơn vị đã giúp nhau hoàn thành nhiệm vụ giữa lúc gay go vừa qua, là tình đoàn kết chiến đấu rất tốt đẹp, cần duy trì thành truyền thống và đề cao để mỗi chiến sĩ, mỗi cán bộ trong sư đoàn có ý thức với nhau từ nay về sau. Hai chúng tôi cũng tự xác định : Chúng mình là cán bộ sư đoàn càng phải tự phê bình nghiêm khắc để làm gương cho anh em và cũng để nhận rõ trách nhiệm bản thân chỉ đạo chiến dịch, qua đó anh em góp ý kiến sẽ đầy đủ hơn. Với tinh thần như thế, chúng tôi tiến hành cuộc phê bình và tự phê bình khi tổng kết chiến dịch Hoàng Hoa Thám. Kết quả là từng cấp, từng đại đội trở lên cho đến tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn thấy rõ phần trách nhiệm của mình không vin cớ này cớ khác, không đổ lỗi cho ai cả. Đặt giả thiết, nếu trận Tràng Bạch, trận Mạo Khê, trận này, trận khác đều thực hiện trót lọt thì chắc chắn chiến dịch đã diễn biến khác, nếu các nhiệm vụ đặt ra trong chiến dịch mà sư đoàn đều thực hiện trọn vẹn từ đầu đến cuối thì với cách nhìn nhận mỗi người đều thừa nhận trách nhiệm của mình, đều tự xác định nghiêm túc hơn trong sự luyện tập kỹ càng, chuẩn bị cho trận đánh khác. Đấy là kỷ niệm qua mỗi chiến dịch mà chúng tôi đều chú ý khuyếch trương : Tinh thần tự phê bình nghiêm túc ...
Một thời gian sau, chúng tôi nhận nhiệm vụ là riêng sư đoàn mở độc lập một chiến dịch đánh giải phóng Nghĩa Lộ tức chiến dịch Lý Thường Kiệt. Tôi không đi sâu vào trận đánh mà chỉ ghi lại kỷ niệm phải rút quân ra khi chưa đánh dứt điểm được. Chúng tôi triển khai đánh hai đêm không hoàn thành. Đêm nào cũng phải rút ra, có cả trường hợp còn một đồng chí đang bị kẹt trong dây thép gai. Hai ba ngày sau anh ấy mới thoát ra tìm vào nhà dân và được bao che cứu giúp mấy ngày sau mới trở về đơn vị. Thương vong nhiều và chịu thiệt hại lớn mà không giải quyết được vấn đề. Khi quyết định rút ra Đảng ủy có họp bàn, trao đổi với nhau khá nhiều ý kiến. Sư đoàn đã mở đầu chiến dịch, đã đánh đến hai đêm và bây giờ chuẩn bị đánh đêm thứ ba. Có khả năng giải quyết xong và cũng có khả năng không giải quyết được. Vậy phải lường trước việc ta xử lý như thế nào ? Ai cũng thấy chiến dịch này nhiệm vụ của sư đoàn rất lớn, rất nặng, nếu làm được là đạt chiến công oanh liệt và sư đoàn có bước trưởng thành đáng kể. Đã đánh hai đêm cũng rút được nhiều kinh nghiệm chuẩn bị cho đêm thứ ba. Nhưng cũng thấy nếu không giải quyết được là bị sa lầy giữa thời tiết mưa gió có nhiều khó khăn trở ngại, thương binh nhiều, đơn vị có thể phải chịu đói khát... hậu quả thật khó lường hết. Chung quy đi đến nhất trí phải rút ! Rút thì đau đớn thật nhưng mà còn hơn bị sa lầy. Với tôi, tôi thấy trong chiến đấu việc quyết định rút cũng khó khăn, thậm chí khó khăn hơn khi quyết định tấn công. Nó day dứt trong tâm trí chỉ huy cũng như chiến sĩ. Điều này còn lặp lại ở chiến dịch Đồng Xoài sau này. Cũng tôi và anh Tấn đánh Đồng Xoài cho tới sáng tình hình vẫn rất gay go. Anh Tấn và tôi lại ngồi phân tích với nhau để đi đến một quyết định chính xác, làm nhớ lại ngày ở Nghĩa Lộ, chúng tôi đã kết luận là phải rút. Quyết định phải rút thì sẽ khó khăn về tình cảm tâm lý, phải có nghị lực mới vượt qua nổi. Có sự phân tích thật khách quan và rõ ràng mọi khía cạnh thì mới dám đi tới một quyết định khó khăn như vậy. Ở đời cũng vậy. Khi gặp khó khăn thì chính là khi ta phải tính toán đến nhiều quyết định không dễ dàng gì. Rút ra xong thì lại một kỷ niệm nữa về sự xử lý. Để tổng kết chúng tôi lại thực hiện theo tinh thần tổng kết chiến dịch Hoàng Hoa Thám, nhắc nhau là sư đoàn phải nhận khuyết điểm trước trong công việc chuẩn bị chiến dịch, về quyết định phương án tác chiến như thế nào ? Trên cơ sở kiểm điểm của sư đoàn, yêu cầu trung đoàn kiểm điểm cách thực hiện của mình. Đặc biệt đối với trung đoàn 141 là trung đoàn chủ công đánh Nghĩa Lộ cũng kiểm điểm theo tinh thần như vậy. Cuộc họp này chúng tôi tổ chức quanh thị trấn Yên Bái. Tôi nhớ tôi và anh Tấn cũng thức đêm thức hôm, trao đổi và phân tích đủ các mặt, cũng day đứt cùng nhau nhiều điểm. Nhưng hai anh em đều thống nhất nhau một điểm, là xác định trách nhiệm thật rõ ràng. Chính là sau đợt kiểm điểm này trong sư đoàn đã hình thành hẳn hoi cái phương châm: Thắng không tranh công, thua không đổ lỗi. Ở chiến dịch Hoàng Hoa Thám đã không đổ lỗi thì đến chiến dịch Lý Thường Kiệt này thua hơn cũng không đổ lỗi ! Bởi vì ở Hoàng Hoa Thám thì cả chiến dịch thua trong đó có sư đoàn tham dự. Còn chiến dịch này, chỉ riêng một sư đoàn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về cái thắng, thua của trận đánh không thể đổ lỗi cho ai cả. Trách nhiệm đó là từ cán bộ chỉ huy sư đoàn đến các chiến sĩ tổ ba ba, hoả lực, xung kích, bộc phá phải gánh chịu. Mỗi người tự xác định trách nhiệm của mình trong khi thắng cũng như thua, điều đó hình thành nên tinh thần thắng không tranh công, thua không đổ lỗi. Sư đoàn lấy đó làm nội dung đoàn kết cả đơn vị. Càng về sau mấy chữ Đoàn kết, anh dũng, chiến thắng cứ nổi lên như một nhu cầu, một bản sắc của sư đoàn. Cho đến sau chiến dịch Hòa Bình, ba từ chất đó được định hình hẳn thể hiện thường xuyên trên tờ báo “Anh dũng” của sư đoàn, và danh hiệu của sư đoàn mà báo chí hay các sư đoàn khác thường nhắc đến là chiến thắng.
“Thắng không tranh công, thua không đổ lỗi” đã hình thành và trở thành là nét truyền thống đẹp của sư đoàn 312 qua quá trình như vậy. Chiến dịch Nghĩa Lộ vừa kết thúc và đang tiến hành tổng kết thì đã nhận được nhiệm vụ đi Hoà Bình vì địch vừa nhảy dù chiếm vùng này. Bác Hồ và Bộ Chính trị nhận định đây là thời cơ tiêu diệt địch và khi chúng co lại trong công sự thì ta đánh khó, nay nó kéo ra rời xa căn cứ là thời cơ để ta tiêu diệt nó.
Thế là cả sư đoàn hành quân cấp tốc để tham gia chiến dịch mới. Tôi xin ghi lại đây kỷ niệm đánh lô đồn 400, 600, núi Ba Vì. Lúc bấy giờ sư đoàn 312 được phái sang sông đánh đồn núi Chẹ, đánh Ninh Mít ... còn sư đoàn 308 và một phần 312 đánh tạt lên phía Tây chiếm Lai Đồng, Đồng Văn và thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Địch ngoan cố tung quân đánh tràn ra xung quanh Hoà Bình, điểm ác liệt nhất là Ba Vì. Thế núi cao, nó khống chế toàn bộ một vùng rộng lớn. Cấp trên quyết định đánh và giao nhiệm vụ này cho sư đoàn. Sư đoàn đưa trung đoàn 141 giải quyết trận đánh. Đây là một trận đánh rất khó khăn vì vị trí hiểm trở ở trên cao, vách đá dựng đứng. Anh em điều tra thực địa đều thấy địa hình vị trí gây khó khăn cho việc kéo quân lên, cho việc giấu quân và bố trí hỏa lực. Đó là thực tế ác liệt nhưng phải dứt điểm được trận này thì mới thay đổi được cục diện chiến dịch. Xóa sổ được vị trí này thì ta làm chủ được toàn bộ vùng rộng lớn ven sông Đà và đường số 6 bọn địch không thể ngang nhiên chiếm Hoà Bình. Trận đánh được chuẩn bị chu đáo tối đa. Tôi trực tiếp nói chuyện với anh Hoá - Tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn. Buổi trao đổi thật chân thành và cả hai bên đều rất xúc động. Nhiều vấn đề gay go thẳng thắn được đặt ra và được giải quyết theo từng tình huống cặn kẽ. Như với anh em tân binh thì giúp đỡ rèn luyện thế nào ? Cách phân công bố trí đội hình, việc tiếp tế vũ khí .... Nghĩa là cả về vật chất lẫn tinh thần đều không xem nhẹ mặt nào, khâu nào cũng được nghiên cứu dự liệu đến nơi đồng thời làm cho cả đơn vị hào hứng lập công, có tinh thần quyết thắng. Ban chỉ huy cũng bám sát diễn biến từng trận đánh với tâm trạng căng thẳng hồi hộp, bao lần tưởng đã dứt điểm đến nơi rồi nhưng hóa ra lại chưa được. Tin tức thực hư không ngớt đan xen dồn dập. Cuối cùng thì quân ta thắng, đánh chiếm cả cứ điểm. Qua kiểm tra thận trọng mới xác định là thắng lợi, là trận đánh tốt. Đi chiến dịch về, tôi viết một truyện ngắn với đầu đề “Lòng tin” đưa in trên báo Quân đội Nhân dân. Ngụ ý tôi muốn nói là để giành thắng lợi trong những trận đánh khó khăn như vậy thì lòng tin là yếu tố cực kỳ quan trọng. Tân binh tin vào cán bộ, cán bộ quân sự tin vào chính trị. Phía sau tin tưởng phía trước, nghĩa là tất cả một lòng, với quyết tâm khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.
Trong chiến dịch Hòa Bình, chúng tôi có dịp ăn Tết ngoài mặt trận. Tôi và anh Văn Phác, lúc ấy là chủ nhiệm chính trị ở lại trận địa ăn tết với dân công. Dân công đi Hòa Bình đông lắm. Bà con ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang cũng có mặt, nổi nhất là con gái Bắc Ninh. Ở đâu thì mối quan hệ giữa dân công và bộ đội cũng rất mật thiết. Vừa là ý nghĩa quân dân ra trận, chia đôi gian khổ, chung sức giành chiến công, vừa là sự chung lưng đấu cật giữa lớp trẻ vui nhộn và hồn nhiên. Đặc biệt là giới nữ. Ở các cô toát lên một sức sống khác thường, tự tin hơn, năng nổ và chủ động. Các cô tới đâu ở đấy không khí sôi động lên. Một chuyến tôi cùng sang sông với các cô. Đoàn người kéo dài, tôi đi vào phần cuối. Ai cũng ráng hết sức mình để vượt dốc bờ sông vừa cao vừa trơn, nói đúng hơn là ráng sức trụ vững đôi chân trong bùn dốc vì cả đoàn dồn lên ép cứng người lại với nhau. Trong lần cằn nhằn cực nhọc vẫn không vắng tiếng khúc khích đùa nghịch chờ từng bước nhích chân trong bùn lầy. Những bắp chân tròn lẳn trắng nõn cắm sâu vào trong bùn nhão. Những bộ ngực căng tròn hổn hển qua làn vải áo. Và những ánh mắt, những nụ cười ánh lên nỗi vất vả đến là đẹp. Bỗng một câu thơ cất lên : “Ai đưa ta đến chốn này ...” lảnh lót hào hển. Nghịch ngợm nhiều hơn là ai oán. Cái lanh lảnh trong veo làm người nghe liên tưởng đến một làn môi tươi rói, đến một khuôn mặt sắc nước hương trời. Tôi mới buột mồm : “Úi giời hay quá !”. Thế là một cô thon thả da trắng ngần – ắt hẳn gái Bắc Ninh – giẫy lên như giẫm phải tổ kiến lửa. Cô ta dậm chân nhũng nhẵng : “Ơ cái anh này ! Hay nhỉ ?”. Tôi cảm thấy thú vị vì bị trách móc. “Có gì mà người đẹp phải mắng mỏ. Tôi khen cô ngâm thơ hay, làm gì cô phải giãy lên đến vậy ?”. Cô ta thấy mình đuối lý thì im, còn tôi tiếp tục đi với chiến dịch qua những màu sắc địa phương khác nhau. Chị em Hoà Bình đon đả đem cơm ra mời làm tăng thêm nét hoang dã của chiến trường. Rồi các cô kéo đến chỉ huy sở chúc Tết. Tôi và anh Văn Phác có mặt lúc đó. Cả hai chúng tôi vui vẻ ra chào đón mời các cô uống nước, ăn kẹo và nói chuyện. Có lẽ cũng vì đột ngột nên ông Văn Phác để gỡ bí, bật hỏi một câu : “Thế các cô đây đã có gia đình cả chưa ?”. Một cô lý lắc đáp : “Chúng em đây ai mà chả có gia đình !”. Văn Phác càng lúng ta lúng túng gỡ thế bí : “Ừ, tôi hỏi gia đình là hỏi các anh ấy chứ. Các chị đã có các anh ấy chưa ?”. Thế là các cô cười phá lên như nắc nẻ. Cả tôi và Văn Phác cũng cười lấp liếm cái ngớ ngẩn vô duyên của mình.
Sau chiến dịch Hoà Bình trên đường trở về bốn anh em gồm có các ông Tấn, Nam Long, Lê Thùy và tôi thi bắn chim với súng các-bin, vừa tiêu khiển dọc đường lại có thức chén cải thiện. Điều không may cho tôi là mấy ông kia đã mỗi tay bắn được hai con thì tôi vẫn tay không. Cả ba đều là cán bộ quân sự giỏi bắn, riêng tôi lớ ngớ chưa được con nào. Cuối cùng thì cũng được một con, là ngáp phải ruồi thôi. Con chim tôi bắn lại trúng đầu (kỳ tài !). Nên nguyên cả mình không một cái lông bị rơi chứ chưa nói đến thịt, trong lúc chim của các vị bắn đều trúng ngực trúng ức. Con nào mình mẩy cũng nát nhừ. Tôi bèn lên mặt lý luận (vốn là sở trường) trêu vui : “Các ông hai con nhưng bắn như thế chỉ còn lông và xương ! Tôi một con nhưng chỉ nát đầu còn nguyên vẹn thịt. Vậy nói về chất lượng thì ai hơn ai ?”. Đùa vui thế nghĩ cũng chắc mẽ lắm. Không ngờ sự phản công của ông Tấn lại lột trần tay súng tồi của mình ra. Đã bắn thì phải ngắm hồng tâm. Hồng tâm là ngực và ức. Tôi bắn trúng đầu chim thì chỉ là tay súng vụng về và phát đạn đó thực sự là chuyện chó ngáp thật. Qua câu chuyện bạn đọc có thể thấy mối quan hệ giữa chúng tôi không chỉ có chuyện chiến trường gay cấn và căng thẳng mà còn bao nhiêu điều vui thế trong tình đồng đội đồng chí với nhau.
Đến chiến dịch Tây Bắc tôi muốn kể lại đây cảnh truy kích ở Cao Phạ. Sau khi chiếm đồn Gia Hội, ông Tấn kéo quân đuổi còn tôi thì ngồi lại phía dưới dốc, liên lạc giữa hai bên bằng điện thoại. Cậu liên lạc trực ở cạnh tôi gọi điện cho liên lạc ông Tấn. Sau công việc hai bên không khỏi dò hỏi nhau.
- Ở trên ấy có gì ăn không ?
- Chú mày ở dưới ấy chắc là sướng lắm nhỉ ?
- Đ. mẹ ! có cái đ. gì mà sướng ! Sáng thì toàn là củ chuối, bốn ngày không có gạo rồi ...
Đúng thế sau các đợt giải phóng Nghĩa Lộ, Gia Hội mặt trận quyết định phải ngừng truy kích địch lại và huy động toàn bộ bộ đội đi lấy gạo để chuẩn bị cho đợt hai vượt sông Đà.
Sông Đà có dòng chảy nổi tiếng dữ, nước chảy xiết. Qua sông lại không sẵn thuyền mảng, chỉ đóng bè thì làm sao cho cả ngàn người qua được. Cuối cùng là phải bơi qua sông và giăng dây dìu những ai không biết bơi đi qua. Các trung đoàn trưởng xung phong bơi qua thăm dò và mang đầu dây sang luôn thể. Nhìn dòng nước ai cũng ái ngại, lực lượng qua sông vừa đông vừa cồng kềnh, dòng nước thì băng băng như ngựa phi. Phải với tinh thần vì chiến dịch cao độ, quyết tâm vượt mọi trở ngại rồi người cũng như vũ khí quân trang đều qua sông an toàn. Cả đơn vị lao lên đánh Sơn La rồi cụm lại ở Nà Sản, vây đánh Nà Sản và kết thúc chiến dịch thắng lợi trở về. Đồng bào thiểu số đổ ra đón đoàn quân chiến thắng khắp các đoạn đường. Bác chỉ thị phải chuẩn bị tốt để anh em tiếp xúc với đồng bào. Đây cũng là một công việc nhiều công phu. Tôi soạn tài liệu để phổ biến cho bộ đội hiểu và nắm được phong tục tập quán của dân trên dọc đường đi. Sẵn máu văn nghệ của những cảm xúc sẵn có về đời sống và con người Tây Bắc tôi viết bài dưới dạng bút ký giới thiệu với anh em trong đơn vị về cảnh đẹp đất nước, về tinh thần phẩm chất con người ở các nơi này. Viết đến đâu tôi đưa in và cho lưu hành trong khắp đơn vị.
Đến chiến dịch Thượng Lào, chiến dịch với ý định giải phóng Sầm Nưa. Hành quân sang đất Lào lần đầu tiên tôi trông thấy nhà sư đi khất thực. Cứ sáng sớm từng tốp nhà sư bốn năm vị mặc áo vàng đi hàng dọc tay ôm cái bát to tướng. Men đường, dân đổ ra quỳ đón thành kính dâng xôi. Các sư ghé lại nhặt bỏ đầy bát của mỗi vị. Khác với cảnh ăn ở của người dân địa phương, các nhà cổ Tây ở thì sa hoa đến lóa mắt. Cứ tới đâu thì anh em đi tiền trạm lại chọn nhà sạch sẽ sang trọng để ban chỉ huy sư đoàn tạm trú. Hồi hành quân dọc ngang sông Đà, tôi và anh Tấn có máy bộ đàm nghe được radio. Chúng tôi luôn luôn phải theo dõi diễn biến trên tin tức, có bữa đến giờ chúng tôi mở đài thì chị chủ nhà hét tướng lên với anh chồng: “Ồ! Đại đoàn đến nhà ta rồi”. Tôi băn khoăn không hiểu làm sao chị ta biết là đại đoàn, lại nói trúng vào ông đại đoàn trưởng và chính ủy. Sau đó, hai vợ chồng chủ nhà ra nằm xoài trên sàn nhà cùng nghe đài với chúng tôi. Chúng tôi tới Sầm Nưa thì địch đã tháo chạy. Chúng tôi cho một bộ phận đuổi theo. Ông Hoàng Cầm truy kích đến hai ba ngày mới trở về. Ông ấy khoe là dọc đường chết mất ba con ngựa. Con ông đang cưỡi mới thay là con thứ tư và ông hết lời khen nước kiệu của ngựa Lào. Ông này lúc nào cũng là một chiến tướng tả xung hữu đột mỗi lúc tôi gặp. Sau đó đại quân kéo về theo một hướng khác. Còn tôi và các ông Trần Quân Lập, Hoàng Cầm, Lê Thùy thì đi với nhau cùng đội văn công của sư đoàn. Tôi nhớ mãi cảnh thiếu thuốc lào cho đến Mộc Châu. Gặp ai xin được điếu nào đều trao tay nhau hít tí khói. Khoái đến tận rốn.
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét