Thứ Năm, 10 tháng 8, 2017

Niềm say mê chụp ảnh của Cha

Nhớ đến cha tôi – ông Trần Độ - hình ảnh còn ghi sâu trong tâm trí chúng tôi không chỉ là vị tướng lừng danh trong suốt hai cuộc kháng chiến của dân tộc, không chỉ là nhà quản lý văn hóa được nhiều văn nghệ sĩ yêu mến mà là một người ham mê viết văn, đọc sách và... chụp ảnh.

Nói về chuyện say sưa chụp ảnh của cha tôi thì chúng tôi cũng được biết ngay từ lúc còn trẻ, khi ông mới ngoài 20 tuổi, công tác ở chiến khu Việt Bắc, đã chụp nhiều ảnh về sinh hoạt trong Bộ Tổng Tư lệnh Vệ Quốc Quân, nhân dân ở chiến khu và những hình ảnh của gia đình.
Năm 1964, ông được cử vào chiến trường miền Nam với vai trò là Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng miền Nam, ông tiếp tục chụp ảnh những khi rảnh rỗi. Có rất nhiều ảnh ông chụp trong thời gian này thể hiện trình độ nghệ thuật cao. Phần lớn hình ảnh ông chụp tả về phong cảnh nơi Bộ Chỉ huy miền đóng quân hoặc trên đường đi công tác. Một số không ít hình sinh hoạt thường ngày trong Bộ Chỉ huy và hầu hết chân dung các tướng lĩnh, linh hồn của cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam những năm 1965-1974.
Ông mê chụp ảnh, nên đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu, học hỏi những kiến thức liên quan đến kỹ thuật nghệ thuật chụp ảnh, về tạo hình, về ánh sáng ngược, ánh sáng ven, v.v... Ông hiểu rất kỹ các loại máy ảnh từ kiến thức cơ bản đến cấu tạo máy và một số công nghệ trong nghề làm ảnh. Ông ghi chép rất tỷ mỉ các loại hóa chất, công thức từng bài thuốc, liều lượng từng chất để nhằm hiệu quả cho tấm ảnh.
Ông còn giảng giải cho bạn bè đồng đội những kiến thức đó với một phương pháp sư phạm của người chụp ảnh nghiệp dư, nghĩa là rất dễ hiểu, dễ nhớ, thực hành ngay được.
Có một câu chuyện được nghe ông kể vừa buồn cười vừa nuối tiếc, xảy ra ở chiến trường miền Nam những năm quyết liệt nhất. Trước khi đi B, ông được Tổng cục Chính trị ưu tiên tặng cho một máy ảnh hiện đại của CHDC Đức hiệu Pratica, loại máy tốt nhất lúc đó. Nhưng so với những hiệu máy do Nhật Bản sản xuất thì chất lượng kém hơn. Ấy thế mà trong trận đánh tiêu diệt một căn cứ của địch, lúc thu chiến lợi phẩm, ông thấy một chiến sĩ bộ binh vai đeo một chiếc máy ảnh nhãn hiệu CANON, ông biết đó là chiếc máy rất tốt mà từ lâu ông vẫn mơ ước. Ông kéo người chiến sĩ lại hỏi dồn: Máy ảnh đâu? Máy ảnh đâu? Người chiến sĩ tỉnh queo: Em vứt trong góc nhà kia kìa! Theo tay người chiến sĩ chỉ, ông lao tới hy vọng cái máy còn nguyên vẹn. Nhưng khi cầm trên tay, ống kính vỡ nát, vỏ máy móp méo. Ông tiếc quá chỉ biết lắc đầu, khẽ nói: Cậu đã phá hoại một vật quý giá! Người chiến sĩ gãi đầu: Em thấy cái túi da đẹp quá, lấy đựng bàn chải và kem đánh răng ạ!
Những năm sau chiến tranh, ông Trần Độ chuyển sang làm công tác văn hóa văn nghệ, ông vẫn say mê chụp ảnh. Những chuyến đi công tác, những ngày đi nghỉ hoặc những cuộc đi thăm viếng bạn bè đồng đội, về quê hương thăm họ hàng làng xóm ông thường mang theo máy ảnh, thông thường thì mang một cái máy ảnh, kèm theo hai ống kính, một góc hẹp và một góc rộng. Có khi ông còn mang theo hai ba cái máy ảnh, có cái chụp phim cỡ 6 x 6, có cái chụp phim 24 x 36 (3 x 4), có cái chụp phim 2 x 3 (1 cuộn phim 24 x 36 chụp 72 kiểu), có cái chuyên chụp phim màu, có cái chuyên chụp phim đen trắng, lại còn lỉnh kỉnh cả chân máy, túi xách đựng các loại kính lọc màu, kính UV...

Bụt mọc. Ảnh: Trần Độ
Ông không là người chỉ biết bấm máy, mà còn thông thạo cả kỹ thuật buồng tối. Ông tận dụng một phòng trống trong nhà để làm buồng tối ngay cạnh phòng ngủ. Ngày đi làm, tối lại bận rộn với công việc tráng phim, phóng ảnh, sấy ảnh, cắt ảnh để ngày mai gửi tặng những người được chụp.
Cũng như chụp ảnh, ông còn quay phim. Trong những chuyến đi, ông thường mang theo chiếc máy quay phim 8 ly PENTAKA 8B. Mỗi lần trước khi quay phải lên dây cót cho hết cỡ, vì thế mà hành trang trên từng cây số còn có cả túi đen để thay phim, lắp cuộn mới. Phim quay về, ông và người Thư ký hì hục tráng phim, phơi phim. Phim quay là phim poditip, tráng xong phơi khô là chiếu xem được ngay. Nhiều hôm nhà tôi cứ như là một góc của phân xưởng in tráng của xưởng phim nhỏ, vì tráng phim xong phải đem phơi khô, nhưng không được phơi nắng, nên phim cứ giăng hết phòng nọ sang phòng kia, quạt chạy vù vù... Sau này, khi tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút nhưng ông vẫn vác trên vai cái máy quay PANASONIC nặng 2 – 3 kilô.


Sau ngày ông mất đi, chúng tôi có soạn lại toàn bộ những tấm ảnh mà ông chụp trong suốt hơn 50 năm cầm máy. Ảnh ông chụp rất đa dạng: Ảnh kỷ niệm có, ảnh phong cảnh có, đặc biệt có một số ảnh chân dung, đó là ảnh chân dung do người khác chụp ông và nhiều ảnh chân dung rất độc đáo do chính ông chụp đặc tả các đối tượng với những dòng chữ tự tay ông ghi chú tỷ mỉ sự kiện, tên người, thời gian và cả những cảm xúc thời điểm bấm máy. Tất cả được sắp xếp vào những quyển album to nhỏ khác nhau, hoặc đựng trong các túi nilon hoặc thùng sắt các loại. Chúng tôi cẩn thận chọn lọc và sắp xếp theo cách trình tự thời gian, theo từng chủ đề, theo các chuyến đi. Với hơn 3000 tấm ảnh được sắp xếp trong 15 cuốn album được đánh số thứ tự và ghi chú từng thời kỳ lịch sử được lưu giữ bảo quản cẩn thận, trưng bày trang trọng ở góc phòng lưu niệm của gia đình. Bên cạnh đó là số lượng rất lớn phim âm bản (negatip) gồm cả phim màu và phim đen trắng đã được ông cất giữ trước đây mỗi đoạn phim gài trong một bao giấy bóng mờ để trong những thùng sắt (loại đựng đạn của Mỹ trong chiến tranh) và hút ẩm cẩn thận bằng những túi gạo rang.
Những tác phẩm ảnh của ông Trần Độ cũng đã góp phần động viên phát triển nghệ thuật nhiếp ảnh nước nhà qua tác phẩm Những kỷ niệm… ảnh  do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Nhà xuất bản Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh ấn hành năm 1987. Những tác phẩm ảnh của ông Trần Độ mãi mãi là kỷ vật thiêng liêng quý báu trong gia đình chúng tôi.
Tháng Giêng, 2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét