Thứ Tư, 25 tháng 5, 2022

Tản mạn về “anh hùng”


Anh hùng là một phẩm chất cao đẹp. Anh hùng cũng là một người có phẩm chất anh hùng. Ta thường hay nói “Chủ nghĩa anh hùng”, chỉ nói thế thì ý nghĩa rất mơ hồ. Có lẽ cần nói rõ “Chủ nghĩa anh hùng cá nhân” và “chủ nghĩa anh hùng cách mạng”. Đó là hai khuynh hướng đối lập nhau.


Anh hùng là một phẩm chất có tính lịch sử. Thời đại nào cũng có những anh hùng được kính trọng, được đề cao, được noi theo. Anh hùng của những thời đại trước có những phẩm chất mà nhiều thời đại sau còn phải noi theo, học tập. Mỗi thời đại, mỗi xã hội yêu cầu các phẩm chất anh hùng khác nhau. Nhưng có lẽ anh hùng có hai phẩm chất (hay là hai yêu cầu) thông thường giống nhau qua tất cả các thời đại và cả các xã hội khác nhau. Đó là quên mình và phi thường. Phi thường là không bình thường, cao hơn bình thường. Cái khác nhau của anh hùng các thời đại là ở chỗ quên mình cho ai và vì cái gì?
Người ta có thể quên mình vì vua, vì chủ tướng hay minh chủ, vì lãnh tụ, vì tri kỷ hoặc cả vì mỹ nhân nữa. Quên mình thực là một phẩm chất đặc biệt của con người. Con người có thể ý thức về mình rất rõ. Nhưng lại có thể quên mình một cách có ý thức đầy đủ. Có một nguyên lý của Đạo Nho dạy người ta phải biết hết sức trân trọng giữ cái thân mình, cả hình hài và sự trong sạch để giữ hiếu với cha mẹ, vì thân mình là do cha mẹ tạo thành, không được tự tiện coi thường, huỷ hoại, thế mới là hiếu với cha mẹ. Điều đó phát triển thành phong tục (có nơi nào đó, tôi chỉ được nghe mà chưa được thấy) là khi để tang cha mẹ ba năm không được cắt tóc, cắt móng tay, móng chân, không được tắm gội… để tôn trọng triệt để cái hình hài cha mẹ sinh ra. Thế nhưng bất cứ thời đại nào sự quên mình vẫn là phẩm chất được ca ngợi, được truyền tụng, được sùng bái. Quên mình là có thể quên cái quý nhất, cái mạng sống của mình vì một cái gì khác, không phải mình. Cái gì đó thường đối với người quên mình là nghĩa lớn, nhưng cũng có thể đối với người khác là một cái gì đó vô nghĩa, là dở hơi, là hâm, …
Cái gì đó mà người ta có thể vì nó quên mình phải là cái mà nhận thức xã hội thừa nhận là lẽ phải cao đẹp chung, thì cái quên mình mới được coi là cao đẹp. Trong khi chúng ta ca ngợi sự quên mình vì lao động xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc thì sự quên mình vì bạn tri kỷ (mà có khi bạn tri kỷ lại đi ăn cắp, tham ô) và vì mỹ nhân, chỉ có thể là một sự ngớ ngẩn.
Quên mình có thể có nhiều mức độ và quên mình đến mức phi thường, nghĩa là cao hơn bình thường mới được coi là anh hùng. Lê Lai “liều mình cứu chúa” và Phạm Hồng Thái hy sinh vì lý tưởng cách mạng là những hình tượng anh hùng được kính trọng và ca ngợi nhiều đời cho đến nay.
Đó là những anh hùng có một hành động nổi bật làm chói sáng lên cái phẩm chất một cách hết sức rõ rệt, hành động nhiều khi ly kỳ, lạ thường như trong truyền thuyết. Nhưng cũng còn có rất nhiều anh hùng, cả đời quên mình, cả đời đem tài năng ra làm được nhiều việc lợi ích, mọi người khâm phục. Những nhân vật như vậy thường là những bậc danh nhân tuấn kiệt một thời, không có danh hiệu anh hùng cụ thể, nhưng vẫn được coi là những vị anh hùng của lịch sử, những nhân vật vĩ đại được mọi người ca ngợi, kính trọng.
Chủ nghĩa anh hùng cách mạng có những đặc điểm và yêu cầu mới mẻ. Anh hùng cách mạng vẫn là những người quên mình, có thành tích cao hơn bình thường, nhưng đó là quên mình vì lợi ích cách mạng và những thành tích phi thường của họ góp phần vào thắng lợi của cách mạng. Những anh hùng cách mạng lại thường gắn liền với sự bình dị, cái bình thường hàng ngày. Đó là những con người bình thường, chan hoà với mọi người, sống như mọi người, không lúc nào “làm ra vẻ ta anh hùng” mà lại rất anh hùng ở cái đức khiêm tốn, quên mình và do tài năng độc đáo hoặc do cần mẫn tận tuỵ mà tạo được nhiều thành tích phi thường. Những thành tích phi thường ấy lại cũng chỉ nảy sinh từ công việc lao động, chiến đấu bình thường. Cái bình thường và cái phi thường ở đây quyện với nhau làm một và cái phi thường nảy sinh từ cái bình thường. Anh hùng cách mạng là thứ anh hùng không khoa trương, không ầm ĩ là sự kết tinh của những phẩm chất của con người mới xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Anh hùng cách mạng là người có niềm tin vững chắc vào lý tưởng sống cao đẹp của mình, cũng có những vui buồn bình dị hàng ngày, những lo toan lớn nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, nhưng luôn luôn kiên định trong niềm tin, bền vững trong lẽ sống và trên cơ sở lẽ sống như thế mà năng động, sáng tạo trong hoạt động hàng ngày, đồng thời trung thực và chân thành trong cuộc sống nhân hậu, yêu mến mọi người, tạo ra những thành tích ngày càng lớn cho đến mức phi thường của cái bình thường. Thành tích của anh hùng là thành tích phi thường của cái bình thường. Anh hùng cách mạng có thể có tài năng độc đáo, cũng có thể không có tài năng gì độc đáo và đột xuất, nhưng sự cần mẫn và tận tuỵ thì được thể hiện ra ở mức cao hơn bình thường, cao hơn trung bình. Anh hùng cách mạng là biểu hiện của đạo đức cách mạng. Người có tài năng có thể là anh hùng, nhưng không phải cứ có tài là thành anh hùng, nếu tài năng đó không tổng hoà với những phẩm chất đạo đức cách mạng để tạo nên những thành tích cách mạng cao hơn bình thường.
Trong thời đại cách mạng xã hội chủ nghĩa, anh hùng cách mạng là biểu hiện cao của nhân cách xã hội chủ nghĩa, mỗi một anh hùng là một nhân cách xã hội chủ nghĩa cao đẹp. Những phẩm chất cần có ở anh hùng cũng là những yêu cầu của đạo đức xã hội chủ nghĩa. Văn hoá xã hội chủ nghĩa là thứ văn hoá có ý nghĩa nhân bản sâu sắc nhất của lịch sử loài người. Văn hoá xã hội chủ nghĩa nhằm vào xây dựng và nâng cao con người với tư cách là con người (viết hoa) mà vai trò cốt yếu của văn hoá là có đạo đức. Đạo đức xã hội chủ nghĩa là đạo đức nâng cao con người, con người có đạo đức là con người biết quên mình vì lao động và vì tập thể, con người trong tập thể. Con người xã hội chủ nghĩa là con người được xã hội, được tập thể chăm chút cho mọi yêu cầu hạnh phúc của cá nhân và của gia đình, có quyền chân chính hưởng thụ thành quả lao động của mình xứng đáng với sức lao động cống hiến. Con người xã hội chủ nghĩa cống hiến cho xã hội, đồng thời chính là cống hiến cho bản thân mình. Đạo đức xã hội chủ nghĩa đối lập gay gắt và không thể chấp nhận cá nhân chủ nghĩa. Anh hùng cách mạng thời nay phải hội tụ được nhiều yếu tố đạo đức xã hội chủ nghĩa, mà trước hết là ý thức và tinh thần lao động, có ý thức bình đẳng chính trị cao, biết tôn trọng và yêu mến mọi người, quan tâm và tôn trọng đến từng niềm vui nỗi buồn, từng nguyện vọng và phẩm giá của mỗi người trong xã hội, biết tự tôn mình và tôn trọng toàn xã hội. Anh hùng cách mạng không thể là người ở trên các người khác. Đạo đức xã hội chủ nghĩa không thể chấp nhận chút nào những ý thức lạc hậu, luôn luôn coi cá nhân mình trọng hơn xã hội, chỉ biết chăm lo quyền lực, danh vị, lợi ích cho cá nhân, bằng các thủ đoạn lừa bịp người khác, đàn áp người khác, nịnh bợ người khác và bằng các thứ thủ đoạn như luồn lọt, vu cáo, gian dối.
Đạo đức xã hội chủ nghĩa coi trọng ý thức lao động và ý thức tập thể, ý thức xã hội.
Những ý thức đó chỉ có thể có được trên cơ sở của sự trung thực, trong sáng của tâm hồn và những ý thức đó tất yếu làm cho mỗi người dễ dàng quên mình trong sự nghiệp chung và tạo tiền đề rõ rệt nhất cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Anh hùng cách mạng không yêu cầu khắc khổ, không phải quên mình một chút hư vô, mà yêu cầu mỗi người lao động với ý thức cống hiến rất cao, cống hiến cho xã hội và cũng là cống hiến cho bản thân, hai mặt cống hiến này hoàn toàn nhất trí trong các mối quan hệ xã hội chủ nghĩa trong xã hội. Chỉ có một tâm hồn trong sáng, một lòng trung thực vô tư mới ý thức được sâu sắc sự nhất trí này. Anh hùng cách mạng biết quên mình là vì biết tin yêu đồng chí, đồng đội, đồng bào, tin yêu con người, tin yêu cuộc sống, tự hoà mình vào cuộc sống chung của xã hội, coi cuộc sống xã hội chính là cuộc sống bản thân. Đạo đức xã hội chủ nghĩa là phẩm chất của con người cao đẹp phát triển toàn diện và hài hoà. Những anh hùng cách mạng tạo ra và bồi đắp cho đạo đức xã hội chủ nghĩa. Đạo đức xã hội chủ nghĩa lại tạo ra anh hùng cách mạng ngày càng nhiều. Sống theo chủ nghĩa anh hùng cách mạng là lối sống mới, đẹp nhất và cao cả. Anh hùng cách mạng có những phẩm chất và thành tích phi thường, nhưng lại là những người sống bình thường nhất, anh hùng một cách bình dị, hồn nhiên vì cái anh hùng nảy sinh từ sức mạnh và vẻ đẹp của tâm hồn nhân hậu. Anh hùng bình dị vừa là đặc điểm của anh hùng cách mạng vừa là bản sắc vốn có của tâm hồn dân tộc Việt Nam.
Sự xuất hiện ngày càng nhiều anh hùng cách mạng với những sự phong phú của thành tích, sự nhiều vẻ của phẩm chất đạo đức và tâm hồn là một quá trình tốt đẹp của việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Nó liên quan toàn diện đến việc xây dựng nhân cách xã hội chủ nghĩa, lối sống xã hội chủ nghĩa. Con người sống trong xã hội chủ nghĩa là con người được toàn xã hội chăm sóc từ khi còn chưa lọt lòng. Đó là một điều mơ ước ngàn đời của người lao động, là sự phát triển tính người của loài người ở trình độ cao. Nhưng trong điều kiện xã hội như vậy, mỗi con người lại phải biết sống cho phù hợp với quy luật xã hội, biết tôn trọng và chăm sóc mọi người, biết quên mình cống hiến cho xã hội, biết sống một lối sống “Mình vì mọi người”. Phẩm chất anh hùng cách mạng chính là sự biểu hiện cao của lối sống đó. Người đã được nhận danh hiệu anh hùng chưa phải đã có đầy đủ yêu cầu cao nhất của nhân cách xã hội chủ nghĩa, nhưng là người đã có những yếu tố cơ bản nhất, năng động nhất để hoàn thiện nhân cách của mình. Nhân cách không phải chỉ có đạo đức, tư tưởng, mà còn yêu cầu tình cảm, tâm hồn. Đó là con người được phát triển cao. Những kẻ không biết tôn trọng người khác, ích kỷ, kèn cựa, làm hại người khác, thu vén lợi ích và danh vị một cách vô liêm sỉ là những con sâu độc làm hại lối sống xã hội chủ nghĩa, đi ngược và phá hoại quy luật xã hội của chủ nghĩa xã hội. Xây dựng chủ nghĩa xã hội có một nhiệm vụ cao cả là vun đắp và bồi dưỡng đạo đức, lối sống xã hội chủ nghĩa, bồi dưỡng, xây dựng những con người mới xã hội chủ nghĩa, những con người phát triển cao. Để làm việc đó phải cố gắng phi thường để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho xã hội, xây dựng một nền kinh tế phát triển cao để bảo đảm một đời sống vật chất dồi dào. Nhưng tất cả những cái đó đều phải nhằm vào một mục tiêu cao cả hơn, nhiều ý nghĩa hơn là vì hạnh phúc con người, vì sự hoàn thiện của con người.
Ý nghĩa then chốt và đích thực của sự phát triển chủ nghĩa anh hùng cách mạng là ở đó.
Vun đắp chủ nghĩa anh hùng cách mạng còn là phải đấu tranh chống lại, phê phán và tiêu diệt mọi biểu hiện và mầm mống của những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, những ý thức và tâm lý vô đạo đức, giả đạo đức, những ý thức lạc hậu và phản động. Và đó là cuộc đấu tranh toàn diện, đầy ý nghĩa cách mạng cao cả và sâu sắc. Xã hội càng tiến lên, càng nhiều anh hùng cách mạng. Càng nhiều anh hùng cách mạng, xã hội càng tiến lên, càng bớt đi những kẻ “phi nhân”, xã hội càng trong sạch và cao đẹp hơn. Và cuộc sống càng nhiều cảm hứng anh hùng, lý tưởng hơn.

Tháng 1-1986

 (Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét