Thứ Ba, 10 tháng 5, 2022

Mấy ngày tự do đầu tiên


Ở trong tù có cái gian truân của cảnh ở tù. Khi tự do rồi lại có cái gian truân của cảnh tự do. Đó là cái gian truân liên tục của người cách mạng khi cách mạng chưa cướp được chính quyền, khi những người cách mạng chỉ mới là những đốm lửa le lói trong đêm dày đặc, chỉ mới dựa vào vùng ánh sáng nhỏ bé của mình mà sống, phấn đấu kiên trì, căng thẳng để sống. Mấy ngày tự do đầu tiên của chúng tôi cũng đầy những nỗi gian truân một cách lý thú… và chúng tôi cũng đang sống trong những vùng ánh sáng ngày càng rộng lớn của cách mạng.




Đồng chí Diện đặt kế hoạch bắt liên lạc. Trước hết là nhờ ông cậu tìm người em giai họ của đồng chí Diện vốn là một công nhân giác ngộ có hoạt động từ trước; nhờ anh đó qua tổ chức cơ sở báo cáo với cán bộ, để báo cáo lên thành ủy rồi lên xứ ủy. Vì chúng tôi trốn ra không có sự bố trí trước ở ngoài, nên xứ ủy và Trung ương thẩm tra kỹ lắm. Chúng tôi phải viết tóm tắt báo cáo nói rõ cuộc trốn, nói rõ họ tên và ngày giờ. Sau đó Trung ương lại nhắn hỏi lại mấy điểm để điều tra thêm, lúc đó mới được chính thức bắt liên lạc. Chúng tôi phải chờ đợi như thế đến năm ngày. Trong năm ngày ấy chúng tôi sống như sau:

Ông cụ cho chúng tôi ăn rất đầy đủ. Ông cụ yên trí là chúng tôi ở trong tù ăn uống khổ cực nhục lắm, nên ông cụ thương chúng tôi quá mà muốn bù lại cho chúng tôi chút ít. Nghĩ lại, tôi thấy chắc ông cụ tốn kém về chúng tôi mấy ngày đó nhiều lắm. Ông cụ cho uống bia, cho ăn bánh rán, cho ăn thịt lợn luộc, thịt gà luộc, v.v… Chúng tôi nhớ lại khi còn ở trong tù Hỏa Lò, những lúc quá thiếu thốn, cực khổ, chúng tôi chỉ ngồi bàn với nhau những món ăn hết sức thú vị, cầu kỳ để cho đỡ thèm. Có một anh, cứ theo dõi các cuộc trao đổi như vậy, thu thập giấy gói thuốc lào, ghi chép lại các món ăn mà thành ra một cuốn sách dày đến hơn mấy trăm trang. Tôi nhớ nhất có một anh gợi nên một món ăn đầy hình ảnh đầy hương vị. Anh ta ước thế này: Khi nào ra khỏi nhà tù, anh ấy sẽ kiếm một đùi lợn luộc thật ngon, chuẩn bị một con dao thật sắc, một món muối hạt tiêu thật ngon, rồi cứ thế ngồi tự tay xẻo từng miếng một mà ăn một mình cho thật hết. Tôi cứ tưởng như đó chính cũng là mơ ước của tôi.

Bây giờ, trước sự chăm sóc của ông cụ, tôi không còn nghĩ gì khác nữa. Tôi cảm thấy quá thỏa mãn, mà còn mải nghĩ đến những ngày hoạt động sắp tới… Nhưng khổ thay, mấy ngày đó tôi lại bị đi kiết lỵ lại.

Chúng tôi ở trong một gian buồng nhỏ ngay cạnh đường đi có một cửa sổ nhỏ. Do đó chúng tôi như ở trong một cái cũi. Chúng tôi có một cái gường, ban đêm thì ngủ ở đó, nói thì chỉ nói thầm. Có một cái thúng tro để ở góc buồng để đái và ỉa. Đêm lại có người đi đổ cho.

Nhưng rồi năm ngày nằm gầm gường hết sức nóng ruột và bức bối đó cũng đã qua đi. Dù cho mấy ngày ấy có lẽ còn tù túng hơn là những ngày nằm trong các gian nhà tù ở Sơn La, nhưng nó có cái thú vị của hy vọng, của nóng ruột, của chờ đợi, lại là ở ngay bên cạnh những người thân thiết, nghe được những tin tức của cuộc sống bên ngoài đang sôi nổi, tai được nghe các thứ tiếng của cuộc sống bình thường của xã hội.

Chúng tôi nhận được tin nhắn của anh H. lúc ấy là cán bộ của Trung ương có đi về Hà Nội và cũng quen biết chúng tôi. Anh H. nhắn chúng tôi một buổi sáng sớm ra gặp anh ở con đường gần Cầu Giấy để anh ấy đưa đi. Chúng tôi mừng lắm. Chúng tôi từ biệt cụ chủ nhà và sắm sửa ra đi. Sáng sớm hôm đó, trời còn tối, chúng tôi đã rời căn nhà nhỏ đó ra đi. Nhưng ra đi, chúng tôi cũng gặp bao nhiêu khó khăn. Bước ra đường, chúng tôi bâng khuâng như là đi vào những nơi xa lạ lắm. Chúng tôi chưa có quần áo gì khác hơn, mỗi người lại đi một đôi guốc lẹp kẹp, có lẽ trông nó không ra làm sao. Đầu tóc chúng tôi đã rậm lắm rồi, tóc đâm chờm xuống cả mang tai, nhưng chưa có dịp nào đi cắt tóc cả. Lại thêm bệnh kiết lỵ của tôi tái phát. Khi sáng rõ thì chúng tôi đến chỗ hẹn. Bà con nông dân ở khu vực này đã đi làm đồng. Tôi lại bị đi ngoài, phải ngồi lâu quá. Anh Diện thì đi đi lại lại chờ tôi ở đường.

Bỗng chúng tôi nghe những câu nói lạ tai:

- Tiên sư bố nó, chỉ chờ mà ăn sẵn của người ta.

- Của ấy cứ phải cho nó vào ăn cơm nắm Hỏa Lò, nó cứ vờ vờ ngồi thế kia rồi vào đớp của người ta đấy.

- Cho nó ra chợ…

- Sao lại cho nó ra chợ?

- Ấy ở chợ hôm qua người ta chém mấy thằng ăn cắp đấy mà.

Thế là chúng tôi biết rõ những điều họ nói đó nhằm vào ai rồi. Tôi biết không thể ngồi lâu được nữa và có thể có những nguy hiểm bất ngờ. Vì trông tướng mạo chúng tôi với đầu tóc và quần áo quá khác thường, người ta nghi chúng tôi là ăn cắp. Chúng tôi tụt guốc ra cắp nách, cố lấy dáng điệu tự nhiên đi cho khuất nơi nguy hiểm này…

Một lúc sau chúng tôi gặp anh H. Từ đó anh Diện và tôi chia tay mỗi người đi một ngả.

Không biết đi thế nào, tôi quên mất rồi, chỉ biết là sau đó tôi gặp chị Sáu. Chị người bé nhỏ, nhưng cử chỉ hết sức nhanh nhẹn, tháo vát. Gặp tôi, chị gọi ngay là “cậu”, tôi cũng gọi chị là chị và cũng có cảm giác thú vị như gặp một người chị hiền vậy. Chị có vẻ rõ rệt một người buôn bán ngược xuôi, chị tất tưởi trong chiếc áo dài nâu thắt vạt rất khéo, gọn và lịch sự. Tôi còn khâm phục chị ở chỗ là chị rất lắm người quen, gặp ai chị cũng chào hỏi, tôi cũng phải chào theo; thỉnh thoảng có người nhìn tôi có vẻ tò mò thì chị lại đon đả giới thiệu:

- Ấy hôm nay đưa cậu nó mới ở ngược về, sang bên sông chơi một chút. Ở trên ngược về chả biết ăn mặc gì cả, cứ lôi thôi như anh thua bạc ấy.

Đi một lúc chúng tôi đến bờ sông Hồng, nơi tiếp giáp giữa Hà Đông và Phúc Yên (vùng Chèm).

Khi còn đang ngồi ở đò sang ngang, nhìn sang bên kia sông tôi hơi chột dạ, vì thấy trên bờ vắng có một người mặc áo dài thâm, quần trắng, che ô đi đi lại lại. Nhưng tôi hoàn toàn tin tưởng vào chị Sáu, vì tôi chắc chị Sáu nắm chắc mọi tình hình ở đây, tôi thấy chị vẫn thản nhiên vui vẻ nên lại yên tâm.

Lên đến bờ, thì tôi càng vui sướng vì chính người che ô kia là đồng chí đi đón chúng tôi. Đồng chí người nhỏ nhắn, trán cao, da trắng, chào chúng tôi, hỏi qua loa vài câu, rồi dặn chị Sáu mấy điều. Sau đó chúng tôi chia tay. Tôi yên trí đó là một đồng chí địa phương, chắc là một hương sư hay một trưởng bạ giác ngộ trong làng đó. Chị Sáu dẫn tôi vào một làng ở Hải Bối (nhân dân gọi là làng Bỏi) - gọi là cơ quan nằm chờ (như là trạm trú xá của ta ngày nay vậy). Tôi đang chờ đợi là đến nhà một đồng chí hoặc một gia đình cảm tình, giác ngộ cách mạng, ở đó tôi sẽ sống một cách thoải mái, tự do vài hôm, tự đi nói chuyện về các chuyện cách mạng, sống như trong gia đình mình vậy, như trước đây tôi đã từng sống, tôi nhớ lại biết bao gia đình trước đây tôi đã ở hồi trước khi vào tù. Nhưng chị Sáu dẫn tôi đến lại giới thiệu một cách tự nhiên với một cung cách khác hẳn trí tưởng tượng của tôi:

- Gửi các cụ “cậu” nó vài hôm. “Cậu” nó mới ở ngược về, ở đây vài hôm chờ ông Cả đấy, các cụ ạ…

Chị lại dặn tôi là: “Không có tuyên truyền gì cả… Vì gia đình này không biết gì đâu”. Tôi hỏi gặng nữa. Chị chỉ cười và bảo: “Thôi, “cậu” cứ biết ở đây vài hôm cái đã”. Thế rồi chị bỏ đi. Thế là tôi bơ vơ và lo lắng hết sức, không biết xoay xoả ra sao. Tôi bèn giả ốm để nằm trong buồng và để tránh những đối đáp nguy hiểm. Thế mà tôi lại ốm thật. Vì tôi tiếp tục đi lỵ.

Gia đình này có hai ông bà già. Ông cụ làm ruộng, bà cụ bán hàng cơm ở ngoài chợ Bỏi. Hai ông bà có một người con trai mới độ mười sáu, mười bảy tuổi, cao lớn, khoẻ mạnh, nhưng coi bộ ngốc nghếch, thật thà. Anh ta lại có vợ rồi. Chị vợ có vẻ nhiều tuổi hơn, chị ấy xinh giòn, chăm chỉ làm lụng suốt ngày. Cả ngày tôi nằm trong buồng một mình vì cả nhà đi vắng. Tối đến tôi ra ngồi uống nước với ông cụ. Ông cụ to lớn, khỏe mạnh, ít nói. Vợ chồng anh con thì như kiểu sợ người, chỉ ngồi dưới bếp. Tôi được cái tên là “ông Hai”. Bà cụ thỉnh thoảng hỏi thăm sức khoẻ tôi và hỏi bao giờ ông Cả về. Tôi không biết vở kịch chị Sáu sắp xếp ra sao, nên chỉ trả lời bâng quơ, ba phải. Tôi đi lỵ ngày càng nặng. Tôi tìm một cách chữa riêng của tôi: nhịn cơm mấy bữa rồi ăn cơm muối.

Số là hồi ở Hỏa Lò, một lần tôi bị phạt ở trong xà-lim một tháng. Lúc đó tôi cũng bị đi lỵ, không có cách chữa khỏi - Bị đi ngoài luôn mà đi ra nhiều máu mũi, tôi lý luận: Nếu cứ ăn cơm, nó có phân nữa thì cứ đi mãi; nhịn quách đi, không có phân nữa thì nó không đi. Nhưng tôi nhịn hai ngày, thì càng đi tợn và chỉ có mũi không, người mệt lả đi. Tôi lại lý luận: bây giờ ăn cơm muối không ăn thức ăn, không có chất tanh, như vậy phân nó “lành”, nó cuốn hết mũi đi thì khỏi. Và quả nhiên sau hai ngày ăn cơm muối tôi khỏi đi lỵ. Lần này tôi áp dụng kinh nghiệm độc đáo đó.

Bà cụ thấy tôi không ăn cơm và biết tôi đi lỵ nên thương tôi lắm. Cụ kho thịt nạc bảo tôi ăn, tôi cũng không ăn, mua nước mắm ngon, tôi cũng không ăn. Cụ phàn nàn: sao lại có người lạ thế, gan góc, khắc khổ như thế. Và do đó tự nhiên tôi được cảm tình đặc biệt của cả gia đình. Mấy hôm sau chị Sáu trở lại, cả nhà phàn nàn với chị Sáu là tôi không chịu ăn. Chị Sáu tất tưởi đi lấy thuốc lỵ cho tôi và nói: “Anh Toàn sắp đến để trao công tác”. Nghe giọng chị Sáu nói đến chữ anh Toàn một cách kính trọng, tôi yên trí anh Toàn là cán bộ quan trọng lắm, và phấn khởi chờ đợi ngày đi công tác.

Thế rồi anh Toàn đến! Anh Toàn lại té ra là anh mặc áo dài cầm ô hôm nọ chờ tôi ở bờ sông. Tôi khâm phục cách hoạt động của các đồng chí ở đây ghê. Vì trước đây tôi chỉ mới biết có mỗi một cách cổ điển: đi lại thì mặc quần áo nâu rách và phải ở nhà đồng chí hoặc nhà quần chúng cách mạng. Ở đây tôi thấy mới mẻ quá: ở nhà hàng cơm không biết đến cách mạng, đi lại có thể ăn mặc quần áo kiểu lý dịch trong làng.

Xin nói thêm, sau này tôi trở lại đây hoạt động thì tôi cũng vẫn “quản lý” cơ quan nằm chờ này như cũ. Và những người hay đi lại chúng tôi hợp thành một hệ thống gia đình. Anh Sao Đỏ được gọi là “ông Cả”, là trùm của chúng tôi. Tôi là cháu “ông Cả” nhưng được gia đình này gọi là ông Hai – Anh Toàn cũng là “ông Cả”, v.v… Gia đình này không biết chúng tôi là hạng người gì nhưng cùng chúng tôi đóng kịch. Che giấu cho chúng tôi dưới nhãn hiệu là một đám buôn bè từ ngược về, là khách trọ quen. Nhưng chính họ thì cho chúng tôi là bọn làm giấy bạc giả, và về sau lại cho là mật thám Mỹ. Vì họ bảo cứ chúng tôi đi khỏi là lại thấy máy bay Mỹ ném bom Hà Nội, v.v… Nghĩ lại thấy ghê ghê. Họ quý chúng tôi nhất là ở chỗ sòng phẳng, đứng đắn, nhũn nhặn biết điều. Do đó, chúng tôi chinh phục được lòng họ một cách chắc chắn. Chúng tôi cũng tiến hành tuyên truyền, nhưng phải nói xa xôi lắm và mãi đến đảo chính Nhật Pháp, gần khởi nghĩa, họ mới hiểu rõ chúng tôi và trở thành cảm tình cách mạng.

Anh Toàn gặp tôi, anh hỏi:

- Anh có biết chữ không?

- Có

- Có đọc nhanh không?

- Đọc được

- Thế thì tốt lắm! Anh làm công tác thanh niên ở nông thôn thì tiện lắm.

Lúc đó tôi đen lắm, đầu tóc rợp rạp, nên trông rất cục mịch và hợp với nông dân lắm. Thế là anh hẹn tôi là hôm sau sẽ giới thiệu cho một đồng chí cán bộ phụ trách tôi để tôi đi nhận công tác. Tôi sướng quá, ra chợ cắt tóc và chuẩn bị lên đường.

Lúc này tôi vẫn chưa biết anh Toàn là đồng chí Trường Chinh.

Hôm sau chị Sáu và tôi đi ra khỏi làng, đi dọc đê sông Hồng ra gốc gạo Ba Đê. Ở đó anh Toàn giới thiệu tôi với đồng chí Kiểm (tức Ngô Thế Sơn bây giờ). Trong khi anh Toàn giới thiệu, tôi nhìn anh Kiểm và cố nhịn cười. Vì lẽ ra, có việc gì phải giới thiệu. Anh Kiểm chính là bạn học từ ngày còn nhỏ của tôi. Anh là người ở làng bên cạnh làng tôi. Lúc này tôi được biết thêm anh Đệ bắt được liên lạc với xứ uỷ rồi. Còn Lợi toét thì bị bắt lại ngay ở Hoà Bình.

Khi anh Toàn, chị Sáu trở lại, tôi và anh Kiểm mới phá lên cười với nhau. Tôi sướng quá bá lấy cổ anh, ghé vào tai anh gọi tên cúng cơm của anh lên chửi một câu. Anh cũng bá lấy tôi, gọi tên cúng cơm của tôi lên chửi một câu. Chúng tôi cũng không có cách nào khác để bộc lộ tình cảm với nhau. Chúng tôi nói bao nhiêu là chuyện với nhau. Anh Kiểm chưa hề bị bắt, nhưng anh rất nhiều chuyến bị bắt hụt…

Ngày hôm đó chúng tôi đi một mạch từ vùng Đông Anh giáp sông Hồng lên tận làng Kha Sơn thuộc huyện Phú Bình (Thái Nguyên), có lẽ đến năm chục cây số.

Cái ngày đi đầu tiên này của tôi hết sức gian khổ. Từ trưa trở đi, tôi mệt quá, hai bàn chân rát lên như phải bỏng, hai bắp đùi đau như dần, hai bắp chân “chuột” cứ rút cứng lại. Từ lúc đau chân, tôi xin nghỉ luôn. Lúc đầu độ một, hai cây số nghỉ một lần, về sau có lẽ chỉ độ năm trăm thước lại xin nghỉ. Anh Kiểm đi khỏe quá, tôi trông thấy mà thèm. Trời đã chiều, mà hỏi anh Kiểm thì cứ thấy nói “còn độ ba, bốn cây”. Đến tối mịt hỏi lại, thấy cũng vẫn bảo “còn ba, bốn cây”. Tôi sốt ruột hỏi: “Thế ở đây, cậu có cơ sở không, cho tớ ngủ nhờ một tối, mai đi, không tớ chết đấy, không đi được nữa”. Anh Kiểm lại cười và khuyến khích tôi. Tôi cũng biết yêu cầu như thế là vô lý, tôi cũng cười, nhưng tôi cảm thấy không thể chịu đựng được nữa.

Thế nhưng dù sao thì cũng cần đi và phải đi, tôi lại nghiến răng khập khễnh đi theo. Mỗi bước đi tôi thấy như bàn chân mưng mủ nhức nhối sắp vỡ bục ra, hai bắp đùi như có người đánh. Tôi chịu đựng trận “đòn” vô hình một cách dai dẳng. Cuối cùng rồi cũng phải đến. Trông thấy trước mắt một vệt đen dài, trong đó le lói một ánh đèn như con đom đóm đỏ quạch, và anh Kiểm bảo: “Kia rồi!”. Tôi sung sướng lắm. Nhưng không biết làm sao đường cứ như là xa thêm.

Tôi nghiến răng nhích từng bước, mắt không rời đốm lửa đỏ và nhẩm bụng tính: ba trăm bước nữa, hai trăm năm mươi bước nữa, hai trăm bước nữa, v.v…

Vào đến nhà, vừa cất bước qua ngưỡng cửa là tôi bổ nhào luôn vào một cái ổ rơm, nằm thẳng cẳng với một cảm giác “thắng lợi hoàn toàn”… Và vừa nằm, tôi vừa chào bác chủ nhà. Đây là một cái trại nhỏ của gia đình bác Hiếu, một người miền xuôi di cư lên lập nên. Trại chỉ có một nhà nằm cách xa các xóm, và ở rìa một rừng thông nhỏ. Trại này là một cơ quan rất tốt của chúng tôi. Tối hôm đó bác Hiếu và anh Kiểm pha rượu với mật ong cho tôi uống, cho tôi ăn cháo rất ngon.

Kể từ khi nằm gầm gường ở ngõ chợ Khâm Thiên, Hà Nội mà chờ đợi liên lạc, đến khi phấp phỏng nằm ăn cơm muối ở làng Bỏi bên sông Hồng, đến nay nằm ở đây thì cái thắng lợi của cuộc “Vượt tù” của tôi được củng cố từng bước. Lúc này tôi hết sức sung sướng và nếu lúc này có bị bắt lại thì cũng là một chiến sĩ đang ở “chiến trường”, đang đấu tranh trực diện với kẻ địch, chứ không phải là một người thất thế đang lẩn trốn nữa.

Nghĩa là lúc này vị trí “chiến thắng” của tôi với bọn đế quốc đã rõ ràng. Ngay từ hôm sau, tôi bắt tay vào công tác, tôi là một cán bộ trong đội công tác của ATK (An toàn khu) số một (thuộc Thái Nguyên, Bắc Giang) phụ trách phong trào một số xã…

Tháng 12 năm 1962

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét