Thứ Năm, 5 tháng 5, 2022

Về Nghị quyết của Bộ Chính trị về văn hóa văn nghệ

(Trả lời phỏng vấn báo Thể thao và Văn hóa, số 50, ngày 12-12-1987)

Phóng viên: Thưa đồng chí Trưởng ban, xin đồng chí cho biết vị trí, ý nghĩa Nghị quyết của Bộ Chính trị về văn học, nghệ thuật và văn hóa vừa được công bố.

Đồng chí Trần Độ: Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng luôn luôn phát triển, ngày một có hệ thống toàn diện và hoàn thiện hơn, thể hiện trong các văn kiện chính thức của Đảng – các chỉ thị, nghị quyết, các bức thư của Ban Chấp hành Trung ương gửi các Đại hội Văn nghệ. Gần 60 năm qua, các nghị quyết về văn hóa, văn nghệ của các Đại hội, của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị phần lớn đều nằm trong các văn kiện chung. Bộ Chính trị và Ban Bí thư vẫn thường xuyên cho ý kiến chỉ đạo công tác văn hóa, văn nghệ. Nhưng Nghị quyết này là Nghị quyết riêng đầu tiên của Bộ Chính trị về văn hóa văn nghệ.


Trong Nghị quyết chuyên đề này, Bộ Chính trị có điều kiện tập trung xem xét, đánh giá tình hình, định hướng cho hoạt động văn học, nghệ thuật và văn hóa một cách cơ bản, toàn diện, sâu sắc và cụ thể.
Xác định một loạt quan điểm then chốt của Đảng trên lĩnh vực tinh thần, về cuộc cách mạng tư tưởng và văn hóa, về đường lối, về chính sách văn hóa văn nghệ, Nghị quyết có giá trị đề ra phương hướng chỉ đạo chiến lược, lâu dài, đồng thời đặt ra yêu cầu cấp bách phải đổi mới theo tinh thần cách mạng, khoa học, chỉ dẫn những vấn đề cần kíp trong những năm trước mắt nhằm giải phóng tiềm năng sáng tạo của văn học, nghệ thuật và văn hóa, đáp ứng những yêu cầu của xã hội, của nhân dân, lòng mong muốn nóng bỏng và sâu sắc của giới trí thức văn hóa, văn nghệ.
Nghị quyết ghi một cái mốc quan trọng về sự phát triển và hoàn thiện đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng ta, thể hiện đầy đủ ý chí quyết tâm đổi mới tư duy, đổi mới cách nghĩ, cách làm của Đảng, của giới trí thức văn hóa văn nghệ và nhân dân ta trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ dưới ánh sáng của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI.
Nghị quyết là thành quả tổng kết kinh nghiệm về lãnh đạo văn hóa, văn nghệ của Đảng nhiều năm qua, biểu hiện bước trưởng thành về trình độ lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ - một lĩnh vực quan trọng, phức tạp và tế nhị.
Nỗ lực phấn đấu đưa Nghị quyết của Đảng vào đời sống, chắc chắn những tiềm năng sáng tạo dồi dào, đa dạng của giới trí thức văn hóa, văn nghệ và đồng bào ta sẽ được khơi dậy mạnh mẽ, đời sống văn hóa – tinh thần sẽ được nâng cao, nền văn nghệ Việt Nam xã hội chủ nghĩa sẽ phát triển lên một bước mới.
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết sự đóng góp của giới trí thức văn hóa văn nghệ trong quá trình xây dựng Nghị quyết ?
Đồng chí Trần Độ: Một trong những công việc lớn mà Ban Văn hóa - Văn nghệ Trung ương đã làm để chuẩn bị Dự thảo Nghị quyết này của Bộ Chính trị là thu hút trí tuệ của giới trí thức văn hóa văn nghệ qua tổ chức 10 cuộc hội thảo khoa học về các vấn đề văn hóa chung, các vấn đề văn học và nghệ thuật sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, tạo hình, kiến trúc, nhiếp ảnh ở Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Hơn 200 nhà hoạt động văn hóa và văn nghệ sĩ tiêu biểu (có nhiều giáo sư, tiến sĩ, phó tiến sĩ, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhiều người quản lý chủ chốt, sáng tác, nghiên cứu lý luận, phê bình, giảng dạy có uy tín và kinh nghiệm) đã hào hứng tham dự các cuộc Hội thảo. Một số người không có điều kiện tham dự Hội thảo đã viết ý kiến gửi đến Ban hoặc gặp gỡ các đồng chí có trách nhiệm để phát biểu. Thấm nhuần tinh thần Nghị quyết Đại hội VI, Ban khuyến khích những người tham dự Hội thảo nhìn thẳng vào sự thật, mạnh dạn, thẳng thắn nêu hết những suy nghĩ, kiến nghị của mình. Những người dự Hội thảo đã phát biểu ý kiến rất trung thực, xây dựng và tâm huyết, nêu lên những suy nghĩ, nguyện vọng đã nảy sinh, nung nấu và tích tụ từ hàng chục năm nay.
Cán bộ chuyên viên Ban Văn hóa - Văn nghệ Trung ương tổ chức thảo luận nhiều lần, tổng hợp "chưng cất" những ý kiến đó lại thành nội dung Dự thảo.
Sau khi có Dự thảo, Ban lại tổ chức trình bày trong một số đồng chí có trách nhiệm quản lý, một số nhà văn hóa và văn nghệ sĩ để các đồng chí góp ý kiến cho Dự thảo. Rồi lại thảo luận, rà soát, sửa sang.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã gặp gỡ gần 100 nhà văn hóa, văn nghệ sĩ, trực tiếp lắng nghe ý kiến phản ánh tình hình, ý kiến đề nghị, đề xuất với Đảng.
Đồng chí Tổng Bí thư, nhiều đồng chí có trách nhiệm lãnh đạo của Trung ương Đảng, các cơ quan Đảng đã lắng nghe và tập hợp được nhiều ý kiến quan trọng của một bộ phận lớn giới trí thức văn hóa, văn nghệ, cả những người là đảng viên cũng như những người chưa là đảng viên.
Như vậy, giới trí thức văn hóa, văn nghệ đã có đóng góp rất quan trọng xây dựng nên Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết là trí tuệ của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư của Đảng, đồng thời cũng là trí tuệ của đông đảo các nhà văn hóa – văn nghệ sĩ của cả nước. Do thế mà Nghị quyết nâng cao được tính cách mạng và khoa học, đáp ứng được những điều mà anh chị em trong giới và đồng bào ta mong muốn chờ đợi.
Phóng viên: Đề nghị đồng chí Trưởng ban cho biết những nét nổi bật của Nghị quyết.
Đồng chí Trần Độ: Nét bao quát nhất của Nghị quyết là sự cụ thể hóa những tư tưởng của Đại hội VI. Đó là tư tưởng đổi mới, tư tưởng dân chủ hóa. Điểm nổi bật trước hết là những vấn đề lý luận nhận thức về vị trí, vai trò, chức năng của văn học, nghệ thuật và văn hóa.
Văn học nghệ thuật và văn hóa là nhu cầu thiết yếu của đời sống tinh thần của xã hội, thể hiện trình độ phát triển chung của đất nước, là lĩnh vực sản xuất tinh thần. Nó gắn bó với nhiệm vụ chính trị và giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng con người mới, bồi dưỡng đạo đức, tình cảm và năng lực thẩm mỹ cho con người, thỏa mãn những nhu cầu văn hóa ngày càng tăng của nhân dân.
Nghị quyết đã đặt ra cho công tác văn hóa, văn nghệ cần giải quyết một cách đúng đắn những mối quan hệ dân tộc và quốc tế, truyền thống và hiện đại, tư tưởng và kỹ thuật, trước mắt và lâu dài, ...
Nét nổi bật thứ hai là những chính sách văn hóa (là chính sách đồng thời cũng là quan điểm). Đó là hai loại chính sách lớn: chính sách kinh tế trong văn hóa và chính sách tự do sáng tạo.
Nét nổi bật thứ ba là vấn đề đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo và quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa với một loạt biện pháp tương đối cụ thể.
Tất cả những cái đó chứa đựng tư tưởng chủ đạo bao trùm là nhằm khai thác mạnh mẽ tiềm năng sáng tạo, tạo ra chuyển biến thực sự, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa đất nước ta phát triển lên một bước mới.
Phóng viên: Ý kiến của đồng chí Trưởng ban về vấn đề tổ chức thực hiện Nghị quyết?
Đồng chí Trần Độ: Nghị quyết về văn học, nghệ thuật và văn hóa của Bộ Chính trị, cùng với việc xác định một loạt lý luận, quan điểm và tư tưởng, đã nêu khá rõ một số chủ trương chính sách, biện pháp lớn nhưng lại tương đối cụ thể. Những chủ trương chính sách này là sự cụ thể hóa lý luận, quan điểm tư tưởng và là cơ sở khoa học, pháp lý và chính trị cho các cấp ủy Đảng, các cơ quan quản lý Nhà nước, dựa vào đó mà đề ra những quy định, thể chế, pháp luật bảo đảm thực hiện được quan điểm đường lối.
Xin nêu một ví dụ: Nghị quyết nêu lên một quan điểm lớn và rất quan trọng “Tự do sáng tác là điều kiện sống còn để tạo nên một giá trị đích thực trong văn hóa, văn nghệ để phát triển tài năng”. Tiếp đó, Nghị quyết nêu lên một chủ trương để bảo đảm thực hiện quan điểm lớn ấy: “Tác phẩm văn nghệ không vi phạm pháp luật, không phản động (chống lại dân tộc, chống lại chủ nghĩa xã hội, phá hoại hòa bình), không đồi trụy (truyền bá tội ác, sự sa đọa, phá hoại nhân phẩm) đều có quyền lưu hành và đặt dưới sự đánh giá phán xét của công luận và sự phê bình”.
Tuy cùng đứng trên quan điểm, chủ trương trên đây, nhưng khi vận dụng xem xét vào những tác phẩm cụ thể lại có thể sẽ nảy sinh những quan niệm và sự đánh giá khác nhau. Tác phẩm như thế có người cho là đồi trụy, không được phép lưu hành, có người lại cho là không đồi trụy phải được phép lưu hành. Mà ý kiến của người có quyền lực kết luận là đồi trụy (nếu chưa phải chân lý) thì sẽ lại gây tình trạng khó khăn trong tự do sáng tác. Cho nên Nghị quyết nêu lên biện pháp tổ chức các Hội đồng nghệ thuật gồm những người có uy tín và am hiểu nhất để đánh giá chính xác tác phẩm văn học, nghệ thuật – Như vậy thì kết luận về tác phẩm có nhiều khả năng khách quan đúng đắn hơn, quyền tự do sáng tác của văn nghệ sĩ được đảm bảo đúng như quan điểm lớn Nghị quyết đã nêu ra.
Đương nhiên, Nghị quyết của Bộ Chính trị không thể cụ thể hóa được tất cả các vấn đề, và cụ thể hóa đến chi tiết. Công việc này Ban Bí thư sẽ làm tiếp. Ban Văn hóa - Văn nghệ Trung ương đã đặt chương trình cụ thể hóa các vấn đề lớn trong Nghị quyết thành 20 đề án có tính thể chế, báo cáo Ban Bí thư để Ban Bí thư ra Chỉ thị. Các Chỉ thị này sẽ có hướng dẫn thực hiện cho rõ hơn của Ban Văn hóa - Văn nghệ Trung ương.
Đó chính là công việc không thể thiếu, cực kỳ cần thiết, tạo ra một điều kiện để bảo đảm thắng lợi việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Bộ Chính trị, đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống.
Việc đưa Nghị quyết này vào cuộc sống sẽ không đơn giản, không dễ dàng, cần phải thay đổi nhiều nếp nghĩ thô thiển đã hằn sâu từ lâu đời trong đầu óc nhiều người. Phải khắc phục một cách vất vả những sức mạnh của sự bảo thủ, trì trệ. Phải khắc phục những lệch lạc có thể xảy ra.
Phải xây dựng nhiều quan niệm mới trong cả các hoạt động sáng tạo và cả trong sự hưởng thụ, thưởng thức rộng rãi của công chúng. Phải xây dựng được nhiều thể chế mới hợp lý và đúng đắn. Nâng cao trình độ ở mọi mặt không phải là một việc làm đơn giản. Phải tính đến tất cả những điều đó. Đó là hàng loạt công việc nặng nề để thực hiện Nghị quyết này.
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết theo tinh thần đổi mới của Nghị quyết Bộ Chính trị, Trung ương Đảng có chủ trương xem xét, đánh giá lại một số vụ việc văn hoá văn nghệ trước đây không? Lúc này chúng ta suy nghĩ về vụ “Nhân văn Giai phẩm” thế nào cho đúng?
Đồng chí Trần Độ: Xem xét lại một số vụ việc về văn hoá, văn nghệ trước đây theo tinh thần đổi mới hiện nay của Đảng là một trong những việc đặt ra cần phải nghiên cứu và giải quyết. Nhưng chúng ta chưa thể xem xét ngay lúc này tất cả mọi vụ, mọi việc.
Trước mắt có thể xem xét một số tác phẩm, tác giả mà sự đánh giá trước đây không đúng đắn, dẫn đến việc đối xử không công bằng (tác phẩm thì không được lưu hành, tác giả thì không được viết và xuất bản tác phẩm).
Thực tế lại có trường hợp, có những tác phẩm, không có văn bản chính thức nào cấm lưu hành nhưng lại không được lưu hành do ý kiến của một vài đồng chí có trách nhiệm nào đó hoặc ý kiến phê bình mạnh mẽ của một số nhà phê bình nào đó.
Cần thấy rõ là các tác phẩm trước đây bị “cấm lưu hành” không phải tất cả đều bị “cấm sai”.
Việc có thể giải quyết ngay là đối với các tác phẩm không có văn bản “cấm lưu hành” thì tác giả và các nhà xuất bản được phép xuất bản, nếu như thấy tác phẩm còn bổ ích, giá trị.
Đối với các tác phẩm đã có văn bản “cấm lưu hành”, nếu có ý kiến đề nghị cho lưu hành, xuất bản thì cơ quan có trách nhiệm sẽ xem xét và giải quyết cụ thể từng trường hợp.
Đối với tác giả, văn nghệ sĩ trước đây đã mắc sai lầm, hoặc bị kỷ luật nhưng hiện nay có quyền công dân thì có quyền sáng tác, được đứng tên các sáng tác của mình như mọi văn nghệ sĩ khác. Các quyền lợi khác của những người này cần được xem xét từng trường hợp cụ thể.
Vụ “Nhân văn Giai phẩm” là một “vụ án chính trị”. Nhà nước đã xét xử và bản án đã được thi hành. Đây là vấn đề ngoài phạm vi văn học, nghệ thuật.
Điều đáng lưu ý là chúng ta cần phân biệt tổ chức chính trị phản động “Nhân văn Giai phẩm”, những người hoạt động chính trị phản động trong tổ chức này với những văn nghệ sĩ lầm lẫn có dính líu đến bọn chúng ở mức độ này hay mức độ khác, đã tự kiểm điểm, phê bình và chịu kỷ luật. Nếu những anh em này nhận ra sai lầm, hiện nay là công dân tốt và có mong muốn tiếp tục dùng ngòi bút để phục vụ Tổ quốc và nhân dân thì chúng ta cần đối xử với anh em bình thường và tạo điều kiện cho anh em làm việc, sáng tác, đóng góp tốt vào sự nghiệp cách mạng.
Hiện nay chúng ta nên hiểu như vậy. Tôi được biết Ban Bí thư đang nghiên cứu để sớm có ý kiến chỉ đạo cụ thể về những vấn đề này theo hướng như trên.
Phóng viên: Với cương vị là một nhà văn, xin đồng chí cho biết một số cảm nghĩ của mình trước sự ra đời của Nghị quyết quan trọng này?
Đồng chí Trần Độ: Cũng như nhiều anh chị em sáng tác, nghiên cứu, lý luận phê bình, tôi đón chào Nghị quyết với một niềm tin, vui lớn, bởi vì Nghị quyết đã đem đến những cơ sở pháp lý đúng và tốt, bảo đảm những điều kiện thuận lợi hơn về tinh thần và hứa hẹn sẽ tạo điều kiện thuận lợi về vật chất cho công việc của mình.
Đảng và Nhà nước đã khẳng định quyết tâm “đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa”, để phát huy khả năng sáng tạo của các nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ, thì đến lượt mình những nhà văn hóa, những văn nghệ sĩ cũng phải chăm lo tự “đổi mới và nâng cao trình độ” trong công việc sáng tác để tự phát huy tốt tiềm năng của mình, sản xuất ra nhiều sản phẩm có giá trị, có chất lượng và hiệu quả cao, đem lại món ăn tinh thần vừa ngon, vừa bổ hơn cho nhân dân.
Yêu cầu về sự rèn luyện bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm của văn nghệ sĩ ghi trong Nghị quyết là rất cần thiết, rất cao. Mỗi văn nghệ sĩ có một trách nhiệm lớn lao trước nhân dân và nhất thiết phải làm tròn.
          Nghề nhà văn của tôi là “nghề phụ” nên cảm nghĩ cũng mới chỉ có vậy. Xin mời Nhà báo đến phỏng vấn những văn nghệ sĩ tiêu biểu hơn trong sáng tác.

         (Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét