Hồi ấy đội công tác giúp việc Trung ương có anh
Phong, chị Sáu, chị Cương, tôi và vài đồng chí nữa. Một buổi trưa, tôi đi công
tác về nhà anh Hợi ở làng N.G. một “trụ sở cơ quan” mà anh Toàn (tên bí mật của
đồng chí Trường Chinh lúc đó) hay hẹn gặp chúng tôi.
Đó là một căn nhà lụp xụp,
không cửa không ngõ, không sân. Chỉ có mấy bức phên rách che phía mặt trước.
Thế nhưng mỗi lần về đấy chúng tôi đều cảm thấy vui. Các cháu nhà anh Hợi rất
ngoan, anh chị Hợi lại vui tính.
Hôm ấy, trên đường về, trong lòng tôi cũng chờ đón
những điều vui vẻ như mọi khi. Nhưng vừa bước đến cửa, tôi cảm thấy một không
khí buồn đến lạnh người. Chị Sáu gục đầu trên bàn thờ bụi bặm. Chị Cương xoài
người bên đống thúng mủng rách, khóc nức nở. Ngó vào bếp, anh chị Hợi cũng đang
sụt sịt. Không thấy anh Toàn đâu, ngó vội vào buồng, tôi thấy: anh đang ngồi
vê vê một tờ giấy nhỏ, mắt đỏ hoe. Tôi rón rén để nón vào một góc nhà, tháo tay
nải trên vai xuống. Chị Sáu ngước nhìn tôi buồn bã. Tôi khẽ lại gần. Chị gắng gượng
nói được hai tiếng “Anh Lý…”, rồi lại gục đầu nức nở. Tôi hiểu. Lòng tôi thắt
lại. Tự nhiên tôi bồn chồn, thương tiếc, xót xa, căm giận, nhưng nghiến răng cố
trấn tĩnh ngồi xuống chõng.
Tòa án binh của đế quốc Pháp đã tuyên bố tử hình anh
Lý. Hồi đó tôi chưa được gặp anh, chỉ biết anh là một đồng chí ủy viên trung
ương. Từ khi anh bị bắt, anh Toàn, chị Sáu và rất nhiều người đều nhắc đến anh,
lo cho anh, đều có ý muốn tìm mọi cách cứu anh. Ai cũng mong có ngày còn gặp
anh. Vài hôm sau tôi mới biết anh Lý chính là anh Hoàng Văn Thụ. Tin anh bị
giết đã làm mọi người xúc động mạnh mẽ. Chưa hề được gặp anh mà tôi cũng cảm
thấy một nỗi đau xót, thương tiếc cứ như nghe tin người ruột thịt mất vậy.
Mấy hôm sau, phải đi công tác qua các làng, tôi thấy
ai cũng hỏi chuyện anh Lý và đều khóc. Khi đến nhà anh Thu, anh Thu đẩy tôi vào
một chái, chỉ vào một bàn thờ nho nhỏ, trên có bày bài vị. Mấy nén hương cháy
nghi ngút… Tôi đang ngơ ngác nhìn, thì anh Thu nói:
- Bà cụ nhà tôi đã biết tin anh Lý mất! – Anh Thu nghẹn
ngào quay mặt đi.
Và cụ bảo tôi:
- Anh vái vong linh anh Lý đi! – Nói xong, cụ quay
mặt về phía bàn thờ lẩm nhẩm như nói riêng với anh Lý: - Thôi, sống khôn chết
thiêng, anh phù hộ cho cách mạng chóng thành công! – Cụ lấy vạt áo chấm mắt
sụt sịt và lặng lặng bước ra.
Trước bàn thờ tôi đứng cúi đầu mặc niệm, lòng bùi
ngùi thương tiếc. Hình ảnh một người quắc thước, thông minh đại để như anh
Toàn, cứ hiện lên trong đầu óc tôi ngày một rõ hơn… Tôi vừa ngậm ngùi, vừa
thấy hăng lên, như được truyền thêm sức mạnh, một niềm tin lớn, tin vào những
con người tài đức của Đảng, tin vào quần chúng, vào cách mạng. Tôi thầm hứa với
anh Thụ: “Chúng tôi sẽ trả thù cho anh!”.
Hôm sau, anh Toàn bảo tôi:
- Anh Lý là một người sáng lập báo “Cờ giải phóng”
(cơ quan của Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương lúc đó). Báo nên có một bài
khóc anh. Một bài thơ thì càng hay!
Tôi im lặng không nói. Nhưng tôi bắt đầu nghĩ và cố
gắng thực hiện ý kiến của anh Toàn. Bài thơ này hồi đó được nhiều người thuộc.
Có người đã chép và đem dán ở ngay trường bắn Tương Mai, nơi đế quốc đã xử bắn
anh Hoàng Văn Thụ.
“Tiếng súng thét, anh Hoàng Văn Thụ
Thân đổ nghiêng máu đỏ tuôn
tràn
Pháp trường ảm đạm màu tang
Cây rung hạt lệ khóc trang
anh hùng.
Mười lăm năm vẫy vùng ngang
dọc
Anh đã vì dân tộc hy sinh
Phong trần dầu dãi đầu xanh
Trán nhăn tư lự, thể tình
thương đau
Mắt anh đã say màu lý tưởng
Đường anh đi, không lượng
gần xa.
… Tám năm xa nước, xa nhà
Đời anh bao cảnh phong ba
dạn dày
Cùng đồng chí ra tay chèo
chống.
Anh đưa thuyền vượt sóng
trùng khơi.
Bàn tay cứng cáp đâu rồi?
Con thuyền cách mạng bùi
ngùi xót thương.
Anh kiêu hãnh giữa trường
tra tấn
Dù gân run máu cạn không
phai.
Dập vùi chớp điện, mưa roi
Quân thù hằn học, anh cười
khinh khi
Gan chiến sĩ sá gì sấm sét
Bước đấu tranh, khí tiết
quang vinh.
Ba mươi tám tuổi, đời anh
Tắt trong một buổi bình
minh khói mờ.
Thế là hết, bên bờ tất
thắng.
Anh Thụ ơi! đời vắng anh
rồi!
Kìa trông mây vẩn ngang
trời,
Để tang chiến sĩ ngậm ngùi
không bay.
… Hỡi đế quốc ! một bầy ác
nghiệt
Tay
nhuốc nhơ nhuộm huyết sôi nồng,
Của người chiến sĩ anh hùng
Sa cơ để nổi sóng lòng muôn
dân,
Bay những tưởng dẹp tan uất
hận.
Nhưng mà không! Gươm vẫn
đang mài,
Tội bay chồng chất ngất
trời,
Tha làm sao được, bão đời
đang lên!
Anh Thụ ơi! Kìa xem muôn
vạn
Lớp hùng binh ngạo nghễ
tưng bừng,
Tuốt gươm thề thốt vang
lừng
Gương Hoàng Văn Thụ ta cùng
noi theo.
Cờ khởi nghĩa bay reo trước
gió,
Đoàn quân đi cây đổ núi
rung
Xông pha rửa nhục non sông
Và cùng rửa hận Anh hùng
Việt Nam”.
Thác Liên Khương, Đức Trọng, Lâm Đồng. Ảnh: Trần Độ |
Sau đấy ít lâu, một buổi sáng tôi đi công tác với
anh Toàn. Trên đường đi, thấy anh không vui, tôi cũng yên lặng đeo khẩu súng
lục giấu trong người, đi trước. Bỗng anh đi kịp tôi, bảo:
- Anh đọc cho tôi nghe bài thơ “Khóc anh Hoàng Văn
Thụ” đi!
Tôi đọc được mươi câu, anh Toàn ngắt lời:
- Thôi, thôi, đừng đọc nữa!
Và anh xúc động kể lại cho tôi nghe nhiều kỷ niệm giữa
anh và anh Hoàng Văn Thụ trong những ngày cực kỳ gian khổ, thiếu thốn và nguy
hiểm hồi những năm 1940 – 1941. Những kỷ niệm và câu chuyện về Anh, cuộc đời và
lý tưởng của Anh, lòng trung thành và tính kiên định cách mạng ở Anh… tất cả
cứ như hòa hợp lại với nhau thành một nguồn ánh sáng vừa soi rọi tâm trí tôi,
vừa thúc đẩy tôi tiến tới theo bước chân Anh và những người như Anh.
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét