Tôi không có ý đi sâu vào những nội dung và hình thức
đổi mới sinh hoạt của Đoàn. Là cán bộ Đoàn, các đồng chí có điều kiện tìm hiểu
kỹ hơn tôi những vấn đề đó. Ở đây, tôi chỉ nêu lên một số suy nghĩ về ý nghĩa và
tác dụng của văn hoá trong sinh hoạt Đoàn hay nói cách khác là việc khai thác sử
dụng những hình thức văn hoá, văn nghệ để làm cho sinh hoạt Đoàn tăng thêm tính
hấp dẫn và bổ ích đối với đoàn viên và tuổi trẻ.
Hơn bốn mươi năm trước đây, vừa thoát khỏi nhà tù đế
quốc, tôi được Đảng phân công làm công tác thanh niên nông thôn ở Liên khu I. Bấy
giờ, vừa ở tù ra, trông người tôi còn lôi thôi lếch thếch, nhưng tôi trẻ hơn hẳn
đồng chí phụ trách thanh niên ở đấy, nên các bạn thanh niên dễ gần gũi hơn. Nhiều
bạn kéo đến kể với tôi về tình trạng tảo hôn ở trong thôn xóm. Họ muốn được đoàn
thể giúp họ “giải phóng” ra khỏi những quan hệ đó. Tôi bảo với họ: “Lúc này cách
mạng trên hết! Độc lập trên hết! Mọi thứ khác đều tạm gác”. Và tôi nói với họ
về Chương trình điều lệ của Việt Minh. Tôi biết không phải cái tài hùng biện của
mình đã hấp dẫn họ, mà chính cái nhu cầu nhận biết về Việt Minh, làm theo lời kêu
gọi của Việt Minh để giành độc lập là nhu cầu tha thiết nhất của thanh niên. Vì
nhu cầu cao cả và thiêng liêng này, thanh niên sẵn sàng hy sinh hoặc tạm quên đi
những nhu cầu khác.
Nhưng độc thoại mãi cũng chán. Tôi nghĩ ra cách đặt những
câu hỏi để họ trả lời xem họ có hiểu đúng về Việt Minh như tôi đã nói hay không.
Thế rồi, khi kiểm tra xong, tôi lại “lôi” những câu đố học được trong lúc ở tù
ra đố họ. Đại loại như: cái gì to bằng con chó mực mà sắp vỡ ra? Họ nghĩ một
lúc rồi trả lời ướm, thầm thì, rồi bỗng một anh thét to lên: “Con chó vện”. Có
lần tôi lại đố: Một đàn chim 12 con, bắn được một con, hỏi còn mấy con? Cô cậu
nào cũng bảo còn 11. Tôi bảo “chưa chắc đúng, hãy nghĩ xem”. Và rồi, một anh láu
lỉnh nghĩ ra được, trả lời: “Còn một con”. Tôi bảo: “Đúng, bắn được một con
thì còn một con, những con khác nghe tiếng súng nó bay vút lên trời, còn đâu nữa?”, v.v…
Những câu đố linh hoạt như vậy, thực ra, tự nó không có
giá trị giáo dục về nhận thức và thẩm mỹ bao nhiêu, nhưng với trình độ thanh niên
nông thôn lúc đó, với hoàn cảnh cụ thể lúc đó, nó đã tạo nên một hứng thú nhất định,
một chất kết dính vô hình nhưng rất cần thiết giữa người cán bộ cách mạng từ xa
tới với những thanh niên địa phương, tạo nên bầu không khí thuận lợi để trao đổi
bàn bạc những việc mà Đảng và Đoàn muốn trao cho thanh niên thực hiện.
Nhiều bạn thanh niên thích đi họp để được nghe, được
nghĩ và trả lời câu đố. Song đố mãi cũng nhàm, tôi xoay sang trò dạy hát, chép
thơ. Thời bấy giờ đi làm cách mạng, anh nào cũng có năm bảy bài hát mới, có thể
là ca khúc mới, cũng có thể là những điệu Hoàng Phố, Hành Vân, Lưu Thuỷ, những
lời thơ mới. Thơ thì phải thuộc lòng dăm chục bài của Tố Hữu, ai thích bài nào
thì chép bài đó. Tôi sẵn sàng chép hộ những bài hát mới và thơ cho các bạn
thanh niên. Các cô cậu nào cũng thích đi họp sớm để được chép thơ hoặc bài hát
mới. Sinh hoạt như vậy lâu dần thành thói quen, thành một nhu cầu văn hoá của mỗi
người. Cho nên những lúc công việc đoàn thể bận, tôi chưa họp được thanh niên,
thì nhiều bạn trẻ đã tìm hỏi để biết bao giờ được họp. Bấy giờ thanh niên coi
việc đi sinh hoạt hội họp đoàn thể là một niềm vui, là một vinh dự, là một cái được
rất lớn trong đời. Ý nghĩa văn hoá trong sinh hoạt Đoàn là như vậy.
Tôi nêu ý kiến “văn hoá hoá” sinh hoạt Đoàn là từ kinh
nghiệm bản thân. Văn hoá hoá sinh hoạt Đoàn không phải làm mất đi trong các buổi
sinh hoạt các yêu cầu chính trị. Trái lại, phải biết thông qua những hình thức
văn hoá đa dạng, phong phú mà đem lại cho người đoàn viên thanh niên một niềm hứng
thú nào đó, và cao hơn thế là sự thoả mãn về một nhu cầu nào đó - nếu chưa phải
là những nhu cầu vật chất như cơm áo, việc làm, thì ít nhất cũng đem lại cho họ
một khoái cảm nào đó về mặt tinh thần, một sự bổ ích nhất định về tình cảm và
nhận thức để họ thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị.
Tôi cho rằng thanh niên rất ham hiểu biết. Rất hiếu động
và tiềm ẩn một ý thức tự nâng cao trí tuệ, thể lực, năng lực. Sinh hoạt Đoàn không
nên chỉ nhằm “trao nhiệm vụ” cho thanh niên, mà phải tạo không khí sôi nổi, khêu
gợi tinh thần chủ động của thanh niên, tạo điều kiện để thanh niên tự nhận thêm
những điều cần thiết mà họ muốn có. Nguồn trí tuệ và năng lực không phải chỉ
duy nhất là của cán bộ đoàn. Cán bộ đoàn phải có phương thức huy động được mọi
năng lực trong từng đoàn viên và sinh hoạt Đoàn là những hoạt động để đoàn viên
tự giúp nhau. Sinh hoạt Đoàn không phải chỉ là “những cuộc họp” mà phải là những
hoạt động có kế hoạch, có dự tính của mọi đoàn viên trong hàng ngày, hàng tuần,
ngay trong lao động và học tập của đoàn viên. Sinh hoạt Đoàn phải tạo điều kiện
hình thành nếp sống cho mỗi thanh niên, làm cho mỗi đoàn viên có những ứng xử
nhiều dấu hiệu “văn hoá mới” ở mọi thời gian, mọi môi trường và điều đó chỉ có
thể đạt được bằng mọi sinh hoạt văn nghệ hấp dẫn có định hướng và sôi nổi.
Hiện nay, nhiều bạn đoàn viên, trong đó có con tôi,
coi việc sinh hoạt Đoàn là một nghĩa vụ chứ không phải là một nhu cầu tự thân,
một niềm hứng thú. Vì sao vậy? Có phải vì tự lúc đầu việc tuyên truyền phát
triển đoàn viên chúng ta làm chưa kỹ: nhiều thanh niên vào Đoàn không trên cơ
sở giác ngộ về trách nhiệm xã hội mà vào để lấy “mác”, bởi có “mác” đoàn viên
thì mới được thi đại học, mới được xét đi học nước ngoài?, … Hay vì sinh hoạt Đoàn
của ta bây giờ đã không quan tâm đúng mức tới cái nhu cầu văn hoá cần thiết của
tuổi trẻ, khiến cho người đoàn viên thanh niên tới cuộc họp chỉ thấy những nhiệm
vụ từ trên dội xuống. Phải thế này, phải thế kia, lắm khi còn phải kiểm điểm,
phê bình mà không nhận được một sự đáp ứng nào đó về mặt vật chất và tinh thần? Tôi nghĩ rằng, cả hai nguyên nhân ấy đều có cả. Đoàn nên làm kỹ việc tuyên
truyền giác ngộ thanh niên về mặt lý tưởng xã hội, về trách nhiệm xã hội và phải
thử thách kiểm tra họ. Rồi quan trọng và thường xuyên hơn là phải đổi mới cung
cách sinh hoạt của Đoàn để hấp dẫn các thành viên. Ở các cơ sở của Đoàn, việc
sinh hoạt nên được chuyển hướng như thế nào đó để mỗi đoàn viên thanh niên có
thể cảm nhận rõ rệt mình được thoả mãn về một cái gì ? Còn nếu chỉ có họp chay,
đọc nghị quyết, kiểm điểm và giao thêm nhiệm vụ như trên đã nói thì không tránh
khỏi tình trạng “ớn” ngại sinh hoạt dẫn tới khô đoàn.
Có người nói, mấy năm nay, tiêu cực xã hội hoành hành
dữ dội, các hoạt động của Nhà nước còn “xuống cấp”, vậy thì nêu lên vấn đề đổi
mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt Đoàn có viển vông không? Tôi thì muốn nói
ngược lại chính vì những tiêu cực xã hội đang hoành hành, chính vì chúng ta đang
sống trong một thời điểm cách mạng đầy những khó khăn, nên chúng ta càng phải
quan tâm tới việc nâng cao tính chiến đấu, nâng cao chất lượng sinh hoạt của tổ
chức Đoàn, để Đoàn có đủ sức mạnh đoàn kết tập hợp thanh niên, phát huy vai trò
xung kích cách mạng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử của mình trong chặng đường
đầu thời kỳ quá độ. Là cán bộ Đoàn, các đồng chí không nên kêu trách đoàn viên
thanh niên thiếu nhiệt tình trong sinh hoạt, mà nên nghĩ nhiều đến việc tăng không
giới hạn tính hấp dẫn của các buổi sinh hoạt đó. Cán bộ Đoàn nên bằng mọi cách
giúp đoàn viên thanh niên tự tìm hiểu và phân tích được những nguyên nhân gì đang
gây nên những tiêu cực xã hội, đang làm cản trở bước tiến của xã hội ta, để khắc
phục được tình trạng ấy thì tổ chức Đoàn phải làm gì và mỗi đoàn viên thanh niên
phải làm gì, v.v… Sự giúp đỡ của Đoàn có thể bằng hình thức cá biệt, có thể qua
tập thể, hội nghị,… nhưng cần có “văn hoá”, có “nghệ thuật”. Nếu cán bộ Đoàn
không chú ý tới cái đó, hoặc chưa có được cái đó (cái văn hoá, nghệ thuật) thì
phải chú ý rèn luyện và nâng cao mình, bởi vì nếu người cán bộ Đoàn chỉ biết nói
với thanh niên những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội một cách đơn giản, trùng
trục kiểu “cơm chấm cơm” mà không khơi gợi được sự suy nghĩ, nhận biết, không gây
được chút hứng thú nào thì người đoàn viên thanh niên họ sẽ chọn cách đọc báo,
nghe đài thích hơn là phải ngồi để nghe cán bộ.
Văn hoá trong sinh hoạt của Đoàn rõ ràng trở thành yếu
tố không thể thiếu được để Đoàn làm tốt việc giáo dục chính trị, thực hiện tốt
những nhiệm vụ chính trị. Tuy vậy cũng cần khắc phục tình trạng tầm thường hoá
hoặc tuỳ tiện trong việc sử dụng các phương tiện văn hoá, văn nghệ. Lúc nào cần
dùng và dùng ở mức độ nào là phải tuỳ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể, vào trình độ
của quần chúng và khả năng của người cán bộ. Cách đây hơn 40 năm, tôi dùng lối
diễn thuyết hoặc đặt câu đố, hoặc chép bài hát, chép thơ,… là rất hiệu quả, bởi
vì nó phù hợp với hoàn cảnh, trình độ và thị hiếu của quần chúng thanh niên lúc
đó. Nhưng bây giờ mà các đồng chí vận dụng những hình thức này một cách máy móc
thì có khi không kết quả. Chẳng hạn, với đối tượng thanh niên sinh viên hay
thanh niên đường phố bây giờ mà các đồng chí lại đứng một mình độc thoại, hoặc
mải miết chép bài hát, chép thơ cho họ, nghĩa là đem đến cho họ những thứ mà họ
đã biết, hoặc đã có thừa thì họ cũng “xin chào”, may lắm, họ không gọi các đồng
chí là “hâm”, là “khốt”.
Phải biết nhu cầu văn hoá của từng đối tượng, người cán
bộ Đoàn mới có thể tìm và đem đến cho họ những loại hình thích hợp. Tôi được
nghe, có trường Đại học ở ngoại thành, đêm đêm thường hay mất điện. Cơm tối
xong, thanh niên không biết làm gì, xem gì, đành kéo nhau tụm năm, túm ba ở quán
nước trà, hoặc kéo ra đường ô tô ngồi chuyện phiếm. Đoàn muốn tổ chức họp thanh
niên nội trú để bàn kế hoạch thực hiện chủ trương của Đảng uỷ như tổng vệ sinh,
xây dựng nếp sống sạch sẽ, gọn gàng tại khu nhà ở, xây dựng nhà ăn tập thể,
v.v… Nhưng không có điện, không họp được, nếu có điện, cuộc họp chỉ trần trụi có
vậy, thanh niên cũng ít muốn dự. Trong cán bộ Đoàn có anh nghĩ ra một cách, kê
mấy chiếc bàn dưới gốc cây xà cừ làm “sân khấu” nhỏ rồi vận động sinh viên thi đọc
thơ tình yêu của Puskin. Trong bóng tối lờ mờ đầy vẻ bí ẩn, một vài anh được
chuẩn bị trước lên đọc. Đọc sai mất mấy câu, bị anh em đứng quanh đề nghị đánh
hỏng. Lập tức có người khác, rồi người khác nữa nhảy lên “sân khấu” đọc những bài
dài hết sức lưu loát và truyền cảm. Người nghe kéo đến càng đông và sau đó,
trong không khí hứng khởi thật sự, bí thư Đoàn mới lên nói vài lời về những công
việc mà Đoàn đề nghị anh chị em sinh viên nội trú thực hiện vào buổi sáng mai,
chủ nhật. Về sau, tương tự như vậy, Đoàn và Hội sinh viên ở đây còn tổ chức những
buổi thi giọng hát hay không đèn đóm. Trong những đêm mất điện này, người nghe
không còn thấy mặt “diễn viên”, chỉ nghe giọng hát mà cho điểm và qua giọng hát
mà đoán mặt. Cuộc thi khá hấp dẫn. Xen vào giữa các tiết mục là những nội dung
sinh hoạt của Đoàn hoặc Hội.
Tôi nghĩ, biết sử dụng những hình thức văn hoá, văn
nghệ trong trường hợp cụ thể này để sinh hoạt Đoàn được tiến hành là rất tích cực,
chủ động, là rất văn hoá. Các hình thức văn hoá thường vẫn tiềm ẩn trong cuộc sống
của tuổi trẻ, trong mỗi một bạn thanh niên như vậy. Khi người cán bộ Đoàn thấy
rõ tác dụng của nó, có ý thức vận dụng nó thì nó sẽ nảy nở ra muôn hình muôn vẻ.
Đấy là sự nảy nở rất phong phú bắt nguồn từ đời sống, từ tuổi trẻ, lắm khi những
chuyên gia cao cấp của ngành văn hoá cũng khó nghĩ ra. Tôi muốn nói như vậy để
nhắc nhở điều này: văn hoá sinh hoạt của Đoàn là phải gắn với yêu cầu nội dung
công tác cụ thể nào đó của Đoàn, phù hợp với hoàn cảnh thực tế và tâm lý thị hiếu
của đối tượng. Không tách rời những sinh hoạt văn hoá ra khỏi sinh hoạt của Đoàn,
không biến nó thành những buổi biểu diễn văn nghệ thuần tuý, những buổi sinh hoạt
văn hoá thuần tuý. Bởi nếu biến thành những buổi biểu diễn thuần tuý như vậy thì
sẽ mất nhiều công phu, tốn kém, không thể tiến hành thường xuyên và cũng khó có
thể làm hay hơn các đoàn chuyên nghiệp.
Có đồng chí hỏi tôi, những hình thức văn hoá, văn nghệ
mà Đoàn sử dụng trong các buổi sinh hoạt ngoài tác dụng giúp vui, tạo cho đoàn
viên thanh niên cái tâm lý cởi mở, khoái hoạt, hứng khởi để thảo luận, bàn bạc
việc thực hiện những nhiệm vụ công tác của Đoàn, nó còn có tác dụng gì khác nữa
không? Tôi nghĩ rằng, nếu được chọn lựa tốt, được thể hiện tốt, chứ không phải
bôi bác để hạ thấp nó – những tiết mục văn hoá, văn nghệ trong sinh hoạt Đoàn
ngoài tác dụng góp vui, tạo nên khoái cảm, nó còn mang ý nghĩa giáo dục tư tưởng
rất lớn.
Một nhà văn Xô viết nói rằng, trong mỗi con người chúng
ta hôm nay thường tồn tại sự giằng kéo giữa hai hệ thống quyền lực. Một hệ thống
quyền lực hướng nội và một hướng ngoại. Hệ thống hướng nội luôn đặt người ta phải
tự vấn lương tâm mình: Mình đã sống tốt chưa? Mình đã hành động đúng chưa? Mình
có thiếu trách nhiệm với xã hội không?… Còn hệ thống hướng ngoại lại xúi giục
họ: Mình đã sống phù hợp với xung quanh chưa? Đã vừa ý cấp trên chưa? Đã có
lợi cho cá nhân chưa? Trong công cuộc cải tổ hiện nay, văn hoá văn nghệ phải
giúp con người có đủ dũng khí để đập tan cái hệ thống quyền lực hướng ngoại ích
kỷ kia đi. Tôi thấy, khi sử dụng các hình thức văn hoá, văn nghệ trong sinh hoạt
Đoàn, các đồng chí cũng nên chú ý tới mặt này. Thông qua văn hoá, văn nghệ, các
đồng chí cần khơi gợi, phát huy cái “tính bản thiện” vốn có trong mỗi bạn trẻ. Đó
là cái cảm quan chính nghĩa, nhân đạo, lòng yêu cái đúng, cái tốt, cái đẹp và sự
khinh ghét những cái xấu, những thói hư tật xấu như giả dối, lừa lọc, ích kỷ, hợm
hĩnh, lười biếng lao động, trốn tránh nghĩa vụ, v.v…
Văn hoá, văn nghệ được sử dụng như vậy không chỉ có tác
dụng giúp vui, gây một số hứng khởi nhất thời, mà nó còn trực tiếp bồi dưỡng tư
tưởng, tình cảm một cách bền vững, xây dựng nếp sống lành mạnh trong thanh niên,
lôi kéo thanh niên thoát ra khỏi những “cạm bẫy” tiêu cực và động viên họ tham
gia đấu tranh chống tiêu cực. Sinh hoạt Đoàn cần có đầy đủ tính chất và ý nghĩa
văn hoá, mà tôi gọi là “văn hoá hoá”, không phải là chỉ nhằm làm cho nó tăng tính
hấp dẫn, tính sinh động mà nó xuất phát từ nhu cầu, quyền lợi của tuổi trẻ, từ đặc
điểm tâm lý của tuổi trẻ. Nếu đáp ứng được đầy đủ những nhu cầu và tâm lý của
tuổi trẻ thì mới là quán triệt tinh thần “lấy dân làm gốc” trong công tác thanh
niên, tạo cho thanh niên có một sinh hoạt sôi nổi hấp dẫn, để thanh niên quan tâm
ngày càng sâu sắc đến quyền lợi sống của mình, tiếp xúc ngày càng nhiều với những
giá trị tốt đẹp, tạo cho thanh niên một nếp sống nghiêm túc. Vì vui hát, vui chơi
trong sinh hoạt Đoàn còn nghiêm túc và lành mạnh gấp nghìn lần tình trạng để
cho thanh niên tự tìm thú vui ở những quán trà và những cuộc tụ tập vô bổ. Đó là
con đường xây dựng nếp sống thực sự cho thanh niên hơn nhiều lần phải xây dựng
các thể thức và quy chế về nếp sống.
* * *
Tôi đã trao đổi với các đồng chí về ý nghĩa việc “văn
hoá hoá” sinh hoạt của Đoàn. Trong giờ giải lao, nhiều đồng chí tỏ ra đồng ý với
tôi về quan niệm này. Bởi nếu ta xem sinh hoạt Đoàn là một thứ sinh hoạt Chi bộ
nhạt màu thì có nghĩa là ta chỉ chú ý tới tính chất “cộng sản” mà quên rằng bên
cạnh tính chất này, Đoàn thanh niên còn mang tính chất quan trọng khác, đó là tính
chất quần chúng trẻ tuổi.
Như trên đã nói, tuổi trẻ có những nhu cầu tự nhiên hết
sức đặc biệt. Nó không giống tuổi thơ, lại càng không giống những người đứng tuổi
và những người già. Lắm người đứng tuổi, người già cho là chuyện trẻ con hoặc
“tò mò phí sức” như chuyện thách đố nhau nhảy qua một con mương rộng hay rủ
nhau mò xuống hang sâu hoặc leo lên ngọn núi cao chót vót để xem cái miếu hoang
trên đó có gì, … thì tuổi trẻ lại không cảm thấy phí sức mà còn thích thú. Vì
sao vậy? Vì đặc tính của tuổi trẻ là thích được thử sức, thích tự nâng cao năng
lực mình về mọi mặt và thích những cái phi thường, mạo hiểm, ly kỳ. Chính vì
mang sẵn trong bầu máu nóng của mình những đặc tính này mà không ít thanh niên
học sinh trước đây thích đi hướng đạo. Họ say mê những trò đánh “moóc” tạch – tè
để nhận thông tin, thích lần tìm dấu hiệu đi đường giữa rừng sâu hoặc vùng đất
lạ, thích đoán phương hướng trong đêm tối trời; thích trò cứu thương hoặc thổi
cơm không có khói, v.v…
Nhận rõ đặc tính này của tuổi thanh niên, trước Cách mạng
tháng Tám và trong những năm miền Nam còn sống dưới chế độ Mỹ - nguỵ, bọn thực
dân đế quốc đã không ngớt bày ra những trò thi thố tài năng và sắc đẹp, những
trò “vui vẻ trẻ trung” để lôi cuốn thanh niên xa rời những hoạt động xã hội và
chính trị, xa rời những hoạt động yêu nước chân chính, để rồi tiến tới làm tay
sai cho chúng. Còn chúng ta thì rất cần thiết khai thác những đặc tính trên đây
của họ để tập hợp họ, phát huy họ, hướng họ hành động theo mục tiêu lý tưởng
cao cả của chủ nghĩa xã hội.
Gần đây có đồng chí nói với tôi rằng, thanh niên ngày
nay không thích nói tới lý tưởng, rằng giữa lý tưởng và hiện thực bây giờ nó cách
xa một trời một vực: nói nhiều về lý tưởng thanh niên họ sẽ cho là viển vông,
xa rời thực tế. Nhưng có đồng chí khác lại nói với tôi là, theo đồng chí đó,
sau khi đã điều tra kỹ ở một số trường đại học và xí nghiệp thì thấy phần lớn
thanh niên vẫn thích nói tới lý tưởng, vẫn thích được rèn luyện phấn đấu cho những
mục tiêu lý tưởng. Vì sao lại có hai loại ý kiến trái ngược nhau như vậy? Tôi
nghĩ, vì hiện thực mà chúng ta đang sống đây còn lắm chuyện “trái khoáy” với lý
tưởng mà chúng ta hằng mong đạt tới. Mấy chục năm nay chúng ta đã nói không ít
với thanh niên về cái xã hội xã hội chủ nghĩa giầu có, công bằng – nghĩa là cái
xã hội xã hội chủ nghĩa phát triển đầy đủ. Trong khi đó đất nước ta lại mới chỉ
bước vào chặng đường đầu thời kỳ quá độ. Chúng ta mới chỉ có chủ nghĩa xã hội về
mặt chính trị, về Nhà nước, còn về kinh tế xã hội chỉ vừa mới có lại vừa chưa có.
Hiện tại nền kinh tế chúng ta vẫn phải chấp nhận 5 thành phần và về xã hội chúng
ta vẫn phải gánh chịu cái hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài
suốt 30 năm và về chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ. Sống giữa một thực tại
như thế, nếu người cán bộ Đoàn không biết cắt nghĩa, không biết trình bày để giúp
đoàn viên thanh niên hiểu rõ, mà chỉ nghĩ rằng chúng ta đã xây dựng chủ nghĩa xã
hội 30 năm và giải thích một chiều với họ về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa theo lối
sách vở thì họ sẽ “phát ớn lên”, họ sẽ bảo cán bộ là viển vông, là xa thực tế.
Từ chỗ họ “phát ớn lên” và ta không biết giải thích cho ra nhẽ, mà ta vội quy kết
là những người trẻ tuổi hôm nay không thích lý tưởng, không muốn phấn đấu cho
những lý tưởng cao cả thì e rằng chúng ta lại không nắm được một đặc tính khác
hết sức quan trọng của thanh niên. Đó là sự khát khao lý tưởng, thích hành động
cho những lý tưởng xã hội cao đẹp.
So với đặc tính thích được thử
sức, thích tự nâng cao năng lực của mình, thích cái phi thường, cái mạo hiểm,…
thì đặc tính ham mê lý tưởng cao cả, thích cái đẹp, thích sự hoàn thiện về mặt
nhân cách, kể cả sự hy sinh cho lý tưởng là cái đặc tính đáng quý nhất, bao
trùm nhất trong lớp người trẻ tuổi.
Chúng ta biết “tính bản thiện” vốn là cái tính chung của
con người. Từ buổi bình minh của lịch sử, con người đã ước mơ tới cái thiện, cái
mỹ, tới quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người và con người với thiên nhiên
cảnh vật. Đến khi chủ nghĩa Mác ra đời, với tư duy khoa học đúng đắn nhất của
thời đại, Mác – Ănghen mới chỉ ra đúng cái nguồn gốc đau khổ của con người. Hai
ông chủ trương phải giải phóng xã hội bằng cuộc đấu tranh giai cấp để xoá bỏ chế
độ bóc lột thì mới thực sự giải phóng được con người. Trong tuyên ngôn Đảng Cộng
sản, hai ông nêu rõ: “Sự phát triển tự do của con người”. Lý tưởng về một xã hội
công bằng, trong đó mỗi người được tự do phát triển những phẩm chất tốt đẹp nhất
mà Mác – Ănghen đề ra trong hệ thống lý thuyết về chủ nghĩa xã hội khoa học ở
thế kỷ XIX, đã được Lê-nin phát triển và trở thành hiện thực trên đất nước Liên
Xô 70 năm nay. Nó cũng đang trở thành hiện thực trên nhiều nước xã hội chủ nghĩa
ở Đông Âu và đang trở thành xu thế phát triển tất yếu của thời đại.
Ở nước ta hơn 60 năm qua, kể từ khi Bác Hồ thành lập tổ
chức “Thanh niên cách mạng đồng chí hội”, đã
có biết bao thế hệ thanh niên tự nguyện chiến đấu hy sinh quên mình cho lý
tưởng nhân văn mới – lý tưởng cộng sản chủ nghĩa – hay còn gọi là lý tưởng nhân
văn hiện thực. Ngày nay, lý tưởng đó được Đảng ta thể hiện dần từng bước trong
đường lối chính trị, trong các Chương trình kinh tế xã hội. Phấn đấu cho đường
lối đó, cho các Chương trình đó trở thành hiện thực là hoàn toàn phù hợp với
khát vọng lý tưởng của loài người tiến bộ nói chung và nhất là của lớp thanh
niên cách mạng giàu nhiệt huyết muốn xây dựng một xã hội công bằng, hạnh phúc
và văn minh.
Ở phần trên tôi đã nói, hiện tại chúng ta chưa có những
môi trường xã hội thuận lợi để bàn về các vấn đề lý tưởng cộng sản một cách
sinh động và cụ thể như ở các nước Đông Âu. Nhưng muốn có được cái môi trường
thuận lợi đó thì không thể ngồi chờ, cũng không thể dùng ngoại tệ để “nhập cảng”,
mà phải thông qua các hoạt động cải tạo và xây dựng thì mới có được. Ta không
chờ có một môi trường thuận lợi mới nói nhiều đến lý tưởng cộng sản. Nhưng cũng
không nói suông về lý tưởng cộng sản với thanh niên, mà phải tìm cách đưa họ
tham gia tích cực các hoạt động xã hội để cải tạo môi trường tiêu cực và xây dựng
môi trường mới. Vừa tìm đủ cách tập hợp họ, đưa họ vào các hoạt động xã hội, vừa
giáo dục họ về lý tưởng xã hội chủ nghĩa - cộng sản chủ nghĩa. Nhưng muốn họ không
cho đó là chuyện viển vông thì không thể không suy tính kỹ đến việc đưa ra những
nội dung và hình thức giáo dục thế nào cho thích hợp với trình độ của từng đối
tượng và phù hợp với thực trạng nền kinh tế xã hội mà ta đang sống.
Cả nước ta hiện có khoảng 17 triệu người ở lứa tuổi
thanh niên, nhưng mới có khoảng 30 % là đoàn viên. Trong số 30 % là đoàn viên ấy
lại có trên dưới một nửa ở diện trung bình hoặc yếu kém. Thế có nghĩa là, chúng
ta hiện còn có trên 10 triệu thanh niên mà trình độ tư tưởng và tính tích cực xã
hội chưa đạt tới mức tiên tiến của người Đoàn viên Thanh niên Cộng sản. Với đối
tượng đông đảo thanh niên này, nếu ta nói lý tưởng cộng sản theo nghĩa đầy đủ và
sâu xa của nó, hoặc chúng ta chuyển nó vào những bài học chính trị cơ bản để “bắt”
họ học đồng loạt, thì chắc chắn hiệu quả sẽ rất thấp.
Vì thế ta cần phải làm từng bước rất linh hoạt, theo
phương châm phát huy cái chân, cái thiện, cái mỹ vốn tiềm ẩn trong mỗi con người,
đặc biệt là lớp người trẻ. Thanh niên rất yêu cái đúng, ta hãy đem những thành
tựu to lớn và mới mẻ của khoa học tự nhiên và xã hội mà nói với họ, khuyến khích
họ tìm tòi chân lý, loại trừ mê tín, quàng xiên. Thanh niên yêu cái tốt, ta hãy
đem những gương người tốt việc tốt bình thường gần gũi mà kể với họ và khuyến
khích họ làm theo. Thanh niên yêu cái đẹp, ta hãy đem những bài hát hay, những
bức tranh đẹp, những thị hiếu thời trang tiến bộ mà giới thiệu với họ, tổ chức
cho họ nghe, nhìn,… Cần đặc biệt lưu ý tới cái đẹp. Bởi vì khác với lứa tuổi
khác, tuổi trẻ đặc biệt ham thích cái đẹp và muốn cái đúng, cái tốt được thể hiện
trong cái đẹp. Ai cũng biết Khổng Minh, Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Tử Long, Lỗ
Trí Thâm, Võ Tòng,… là những nhân vật trí, dũng và nghĩa khí rất đáng kính trọng
trong các bộ tiểu thuyết Tam Quốc và Thuỷ Hử. Nhưng
nếu hỏi thanh niên thích ai, yêu ai chắc nhiều bạn trẻ sẽ thích Triệu Tử Long,
vừa tài vừa đẹp hơn là những người nghĩa dũng nhưng lại có thân hình dị dạng
hoặc nóng nảy quá mức như Quan Vũ và Trương Phi. Họ càng không thích thói thô
lỗ của Lỗ Trí Thâm, mặc dầu biết đấy là một con người tín nghĩa.
Đem cái đúng, cái tốt, cái đẹp đến với tuổi trẻ, khuyến
khích họ suy ngẫm về nó, cảm thụ nó và biến nó thành những hành vi đẹp trong nếp
sống hàng ngày như giữ gìn trật tự nơi công cộng, kính trọng người già cả, giúp
đỡ phụ nữ trẻ em, không nói tục chửi thề, biết ăn mặc giản dị, gọn gàng mà lịch
sự, hăng hái và có kỷ luật trong lao động và học tập, sẵn sàng dũng cảm hy sinh
để làm nghĩa vụ trong lúc hiểm nguy, thẳng thắn đấu tranh với mọi hành vi tiêu
cực để thực hiện từng bước công bằng xã hội,… Theo tôi, đấy là phương hướng mà
cũng là nội dung cụ thể, thiết thực của việc giáo dục lý tưởng Cộng sản cho
thanh niên cả nước ta trong thời điểm hiện nay. Thấm nhuần và làm tốt những nội
dung cụ thể đó chính là chuẩn bị cho thanh niên giác ngộ cao hơn và sâu sắc hơn
về Chủ nghĩa Cộng sản khoa học.
Sinh hoạt Đoàn là phải tạo cho mỗi đoàn viên có một nếp
sống đẹp như vậy. Người ta có thể nhận ra một Đoàn viên thanh niên Cộng sản không
phải do huy hiệu mà do phong cách và thái độ sống. Như vậy cải tiến sinh hoạt Đoàn
cũng chính là xây dựng nếp sống thanh niên vậy.
Cuối cùng, tôi muốn lưu ý các đồng chí rằng, muốn đạt hiệu quả cao trong nhiệm vụ giáo dục này thì tổ chức Đoàn, người cán bộ Đoàn phải biết sử dụng thành thạo và linh hoạt các hình thức văn hoá, văn nghệ mà tôi đã trình bày kỹ ở phần đầu. Nghe nói ở một số nơi, Đoàn ta đã tổ chức tốt cuộc thi tuyên truyền viên trẻ và diễn viên thanh niên, để thanh niên nói cho thanh niên nghe, để thanh niên tự thuyết phục mình về những vấn đề chính trị - xã hội. Đó là những hình thức giáo dục tốt nên mở rộng. Trong không khí đổi mới theo hướng dân chủ và công khai ở nước ta và các nước xã hội chủ nghĩa hiện nay, các đồng chí nên tổ chức nhiều những cuộc trao đổi ý kiến trực tiếp giữa các đồng chí lãnh đạo của cấp uỷ đảng với cán bộ, đoàn viên và thanh niên, tổ chức nhiều những cuộc đối thoại trực tiếp giữa tổ chức Đoàn và thanh niên với các cơ quan quản lý Nhà nước ở các cấp để tìm cách giải quyết tốt vấn đề nghĩa vụ và quyền lợi của thanh niên. Hình thức tiếp xúc trực tiếp giữa thanh niên với các nghệ sĩ và nhà khoa học nổi tiếng cũng được thanh niên yêu thích. Các cuộc hành quân truyền thống, tham quan du lịch, xem triển lãm có hướng dẫn giải thích chu đáo, đều có tác dụng giáo dục rất lớn và rất hấp dẫn thanh niên. Chắc rằng sau Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V, các đồng chí sẽ phát triển thêm một bước mới trong việc “văn hoá hoá” sinh hoạt Đoàn để tiến hành giáo dục lý tưởng cộng sản và phục vụ tốt đời sống tinh thần của tuổi trẻ.
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét