Mỗi người khi đã lớn tuổi thường hay nhớ lại những
quãng đời đã qua, nhất là những quãng đời của tuổi thơ và tuổi trẻ; như một
phần của cuộc sống.
Khi nhớ lại ta thường
không thể khôi phục được đầy đủ các chi tiết sự việc và cũng không thể khôi
phục được trạng thái tinh thần chính xác của lúc đó. Khi nhớ lại, người
ta thường tưởng như đã theo dõi một cuộc sống của người khác không phải mình và
thường có xu hướng phân tích phê phán để đánh giá các hành động đó, có xu hướng
rút ra những bài học sống, những bài học của cuộc đời trên cơ sở trình độ nhận
thức và cảm xúc của tuổi đang sống. Vì vậy những nhận xét có thể khách quan;
mà cũng có thể không khách quan.
Bản thân tôi đôi khi được một số người yêu mến khái
quát cuộc đời “vào tù ra tội – mấy chục năm chiến đấu”, tôi vừa cảm thấy tự hào
vinh dự, đồng thời lại cảm thấy xấu hổ, ngượng ngùng. Vì rằng trong tuổi trẻ,
khi sống sôi nổi với các công tác cách mạng, quả thật tôi đã sống một cách hồn
nhiên vô tư, có ý thức rõ rệt với một lẽ sống cao cả, nhưng đồng thời tôi cũng
đã sống với một trạng thái hời hợt, nông cạn, ngây ngô, chỉ biết say sưa với lẽ
sống, với hoạt động mà không có đầy đủ ý thức trách nhiệm với mỗi hoạt động của
mình. Cho nên nhiều lúc nhớ lại những hoạt động cách mạng hồi trẻ như là nhớ
lại những hoạt động vui vẻ, trẻ trung, đầy thú vị. Lúc đó tôi và những người
như tôi đi vào cách mạng như đi vào ngày hội, đi vào những môi trường và những
hành động để thỏa mãn chí phiêu lưu, tâm hồn lãng mạn và sự thiêng liêng của lý
tưởng sống chứ không có được ý thức đầy đủ về trách nhiệm chính trị của mình.
Những năm 1945 và 1946 là những
năm mà cả dân tộc ta cũng như từng cá nhân có ý thức đều phải sống trong hai
biến động lớn, hai bước ngoặt lớn:
- Từ số phận nô lệ sang cuộc đời độc lập tự do,
- Rồi những ngày thắng lợi tưng bừng của cách mạng
tháng Tám chuẩn bị và bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Trước tháng Tám năm
1945, chúng tôi đi hoạt động cách mạng, trong hoàn cảnh bí mật, vẫn lạc quan hò
hẹn nhau “Đến ngày thắng lợi…”. Đến ngày thắng lợi: đi học, đến ngày thắng
lợi: lấy vợ lấy chồng, v.v… nhưng chưa ai hình dung được ngày thắng lợi đó thế
nào. Khi nhận được chỉ thị “chuẩn bị tổng khởi nghĩa…” ai nấy hăm hở tổ chức
tự vệ, tập luyện quân sự, sắm dao sắm súng, nhưng thực ra, cũng chưa ai tưởng
tượng được khởi nghĩa như thế nào, cần phải hành động ra sao, cũng sơ sơ biết
được rằng sẽ có chiến đấu, có hy sinh và cũng tự nhủ: sẵn sàng hy sinh, cũng
cảm thấy sâu sắc một niềm vinh dự: “Hy sinh cho Tổ quốc” và rồi cũng không bao
giờ để ý suy nghĩ sâu hơn, không bao giờ có sự suy tính, không hề gợn chút cân
nhắc “được mất” trong sự hy sinh. Hy sinh là một lẽ tự nhiên, là điều tất yếu
của người cách mạng. Hầu như cách mạng là đồng nghĩa với hy sinh, tôi chưa hề
biết đến những lý thuyết về con người và hạnh phúc con người. Lúc ấy hạnh phúc cũng đồng nghĩa với hy sinh; thà
chết, không chịu làm nô lệ là một chân lý hiển nhiên và sâu sắc, và là hạnh
phúc.
Cách mạng tháng Tám là điều mọi người chờ đợi và chuẩn
bị nhưng nó bùng ra cũng tạo nên một sự bất ngờ lớn, nó đảo lộn cuộc sống mỗi
người. Trước tháng Tám dù cho có náo nức chuẩn bị khởi nghĩa, tôi cũng hoàn
toàn ổn định với cuộc sống mà tôi cho là đầy thú vị: Hầu như không có quần áo
riêng, không có chút gì là tư trang, không có bữa ăn nhất định, chỗ ở nhất
định. Hàng ngày gặp đâu cũng ăn được, gặp gì cũng ăn được, không bao giờ cần
suy tính bữa sau ăn gì, ngày sau ăn gì, ghé đâu cũng là nhà, chỗ nào cũng có
Mẹ, Cha, nhất là các anh, chị, các cháu bé, rất nhiều cháu gọi bằng cậu, bằng
chú ; không bao giờ không có gia đình, lúc nào cũng có sự chờ đợi, săn đón, chỗ
nào lúc nào cũng ấm áp, ân tình, rất ít khi phải tiếc thương gia đình ruột
thịt, không lúc nào thấy cô đơn, bơ vơ. Thế mà đùng một cái phải “nhận công
tác”, có giấy chứng nhận, rồi ở doanh trại, làm chỉ huy. Lúc ấy, có ở doanh
trại, làm chỉ huy thì cũng ở và làm một cách rất tùy tiện và rất “nhà quê”. Tôi
và anh Vương Thừa Vũ ở trong doanh trại, nhưng không biết thu xếp chỗ ăn chỗ ở
thế nào. Có cái phòng, có một cái bàn. Cái bàn ít khi để viết vì chẳng có gì để
viết. Cái bàn đó để ăn cơm và để ngủ, không cần có gường. Không cần chỗ mắc màn
và xếp quần áo, vì chỉ cần mỗi bộ quần áo mặc vào người còn hầu như không cần
có bộ thứ hai, đến bữa thì anh em cùng nhận một rá cơm, trong đó có cả rau
muống luộc và một vài miếng thịt hoặc cá cùng ít muối, mỗi anh em có một cái
bát và một đôi đũa, ăn xong đem rửa rồi đặt vào ngăn kéo bàn để bữa sau lại ăn.
Hàng ngày chúng tôi đều có “đi làm việc”. Nhưng
bây giờ nhớ lại, tôi không còn biết lúc bấy giờ làm những việc gì.
Tôi được nhận chức “chính trị viên”, tôi hiểu là phải
làm việc chính trị. Nhưng việc chính trị là những việc gì, khác việc quân sự
thế nào? Hầu như cũng chẳng có lúc nào dành thời gian để suy tính và phân
tích, mà cũng chẳng thắc mắc. Gặp việc gì cũng làm, kể cả việc đôn đốc cơ quan
tham mưu chạy đi xin bản đồ Hà Nội treo đầy tường, đánh dấu vị trí ta, địch, kể
cả việc lốc cốc chạy theo Khu trưởng (có lúc là anh Quang Trung, anh Lê Quảng
Ba) để xem bộ đội tập nghiêm nghỉ, tập đi đều. Có mấy việc rõ rệt “chức trách”
của tôi nhất là: - tìm và tập hợp anh em đảng viên lại, lập chi bộ trong quân
đội, lập chi bộ rồi báo cho Thành ủy biết, khi họp chi bộ mời cả Tổng bí thư
của Đảng đến dự. Việc thứ hai là mở lớp huấn luyện chính trị. Mà huấn luyện
chính trị cũng có một số chương trình: Đó là chương trình Việt Minh – Hàng
ngày thì làm quen với anh em, đùa cợt với anh em.
Tuy nhiên, tôi cũng còn gánh những việc to lớn hơn một
tý : Tổ chức ra báo “Quân giải phóng” tiếp tục báo Quân giải phóng đã xuất bản
ở chiến khu và là tiền thân của báo Vệ quốc quân và báo Quân đội Nhân dân sau
này. Tôi còn giúp Bộ Quốc phòng tổ chức cục chính trị, phụ trách lớp chính trị
viên đầu tiên. Lớp này tuyển sinh có đăng báo, học ở trường võ bị Trần Quốc Tuấn
trên Sơn Tây, nhưng tôi phải phụ trách phân phối công tác và chỉ đạo thực tập
khi anh em học xong.
Lúc ấy cũng không biết việc nào là việc của Bộ, việc
nào là việc của khu Hà Nội. Bất cứ việc gì Bác Hồ bảo, anh Trường Chinh bảo,
anh Võ Nguyên Giáp bảo, thì đó là “chỉ thị thượng cấp” cứ vậy mà làm, việc cách
mạng cả. Có lúc tôi còn được Bác Hồ bảo đi đàm phán với quân Tưởng Giới Thạch ở
Phú Thọ, anh Trường Chinh và anh Sao Đỏ (Nguyễn Lương Bằng) bảo đi mua súng và
vận động quần chúng của “Việt cách” ở Móng Cái hoặc anh Trường Chinh bảo báo
bênh vực cho việc xây dựng chế độ, công việc chính trị trong quân đội. Tuy thế
mà lúc ấy còn nhiều hào hứng viết văn viết báo, viết bài đăng ở báo Cứu quốc,
báo Tiền Phong (của Hội Văn hóa cứu quốc) là quen với anh em nhà văn như Nguyễn
Huy Tưởng, Nguyên Hồng, v.v… gặp việc gì cũng hăng hái vô tư làm, vì chỉ có một
ý thức đơn giản nhưng rất vững chắc : Đó là công tác cách mạng. Nói thực không
thắc mắc không suy tính cũng vì không biết đường thắc mắc suy tính thôi. Làm gì
lúc ấy đã biết được cái lý thuyết về hệ thống, về chức trách, về chức năng
nhiệm vụ. Lúc ấy chỉ biết có mỗi một chức năng: Người đảng viên cộng sản, và
có một chức trách: Công tác cách mạng. Hàng ngày vui đùa với anh em, gặp tình
hình trại quân mà cơm ăn khổ quá; cơm sống, cơm khê, cơm không đúng giờ thì
nghĩ ra việc phải tổ chức nhà bếp có người chuyên nấu bếp, chứ cũng chẳng có ý
thức về đời sống chiến sĩ về quyền lợi quần chúng gì cả. Anh em chiến sĩ nhiều
nguồn, nhiều mối: nào là người ở chiến khu về, thanh niên công nhân ở Hà Nội,
anh em bảo an cũ, v.v… thế thì phải tổ chức sinh hoạt để tạo không khí chan
hòa, đoàn kết, viết báo phê bình anh em cán bộ thiếu gương mẫu và hống hách,
cũng với chân lý đơn giản là làm cách mạng phải đoàn kết, không được hống hách,
không được thiếu gương mẫu. Thế thôi.
Tình thế cách mạng diễn biến phức tạp, ngày càng nhiều
chỉ thị phải chuẩn bị chiến đấu, tôi cũng có chân trong tổ chức gọi là “Ủy ban
bảo vệ thành phố Hà Nội” có cả anh Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Trân, Lê Quang
Đạo, Vương Thừa Vũ, … nhưng tôi cũng chỉ biết thỉnh thoảng đi dự họp rồi về lo
một số công việc cụ thể trong quân đội mà việc quan trọng nhất là động viên
tinh thần chiến đấu, tổ chức sinh hoạt Đảng để đảng viên hăng hái chiến đấu và
có ý thức phát triển thêm đảng viên mới. Các vấn đề phương châm kế hoạch tác
chiến đều do anh Vương Thừa Vũ suy nghĩ, báo cáo cấp trên, hoạch định và chỉ
đạo thực hiện. Tôi chỉ biết có khi cùng anh Vũ, có khi một mình đi đôn đốc các
tổ chức tự vệ chiến đấu và kiểm tra việc xây đắp các chiến lũy. Anh Vương Thừa
Vũ không còn nữa nhưng tôi mãi mãi yêu quý anh, một con người cương trực, nóng
nảy nhưng hết sức trung thực, tận tụy và khiêm tốn, càng quý anh, càng căm ghét
những điều ngược lại tính cách của anh.
Một công việc mà tôi thích thú, say sưa nhất là việc
tổ chức các đơn vị quyết tử, động viên tinh thần quyết tử, tổ chức các cuộc tập
dượt cho chiến sĩ quyết tử ra quân. Tôi có nhiều kỷ niệm thú vị về các chiến sĩ
quyết tử. Với ý thức một cách sâu sắc về hoàn cảnh chiến đấu của ta: quân ta
hầu như tay không trước một đội quân nhà nghề trang bị khá hiện đại. Hoàn cảnh
đó đòi hỏi ta phải phát huy cao độ yếu tố tinh thần, yếu tố tinh thần trong
chiến đấu thể hiện tập trung ở chỗ dám
hy sinh, quyết hy sinh. Cùng lúc ấy ta lại có một số trang bị đánh gần và đánh
xe tăng đòi hỏi người sử dụng phải hy sinh, tiêu biểu là loại bom “ba càng”.
Tôi đi tới tin chắc rằng một trận chiến đấu cần phải có một số người sử dụng
những vũ khí nhất định phải hy sinh, phải có số người quyết hy sinh. Vì vậy
xuất hiện mấy chữ quyết tử. Tôi không rõ từ đâu ra trước, rất có thể nó xuất
hiện ngay từ đầu óc một số chiến sĩ, chứ không phải từ trên xuống. Tôi hào hứng
phân tích và giải thích quyết tử khác cảm tử, cảm tử là dám chết, dám chết cũng
còn có khả năng không chết. Còn quyết tử là nhất định chết, là quyết hy sinh và
mỗi cái chết là một chiến công. Trong hoàn cảnh đất nước lúc ấy, chỉ có quyết
hy sinh mới vượt qua được những khó khăn, trở ngại, vượt qua được nguy hiểm,
gian khổ và vượt qua được bao nhiêu cám dỗ, bao nhiêu giao động, so đo. Bởi vì
tôi đã cảm thấy sâu sắc: đứng trước kẻ thù, mình không nghĩ đến mình thì tự
mình không cần phải khiếp sợ, không cần phải nghe những lời dọa nạt thô bỉ, nói
cho đúng hơn những lời dụ dỗ và hăm dọa lúc ấy trở nên nhạt nhẽo vô duyên, vô
vị.
Quyết tử là một vũ khí tinh thần cực mạnh, là sức mạnh
của tinh thần “thà chết không chịu làm nô lệ”. Mỗi một quyết tử quân có sức
mạnh như một vũ khí có sức nổ cực lớn, có độ chính xác tuyệt đối. Sức mạnh tinh
thần đã chuyển hóa thành sức mạnh vật chất. Tinh thần quyết tử được thanh niên
hưởng ứng rất nhiệt tình và sôi nổi. Nhân dân cũng hưởng ứng mạnh mẽ, mỗi người
đều có cách biểu lộ cảm tình với các quyết tử quân. Nhiều người nô nức dự lễ
tuyên thệ của quyết tử quân. Có người ít đọc sách mô tả lễ với những khái niệm
dân gian: “Lễ tế sống các quyết tử quân”. Những người có đọc sách chút ít đều
liên hệ những lễ ấy với Thái tử Đan tiễn Kinh Kha bên sông Địch thời Chiến quốc
bên Tàu. Thật là hào hùng, thật là phơi phới! Những buổi đi thăm các phố đắp
chiến lũy cũng rất hào hứng vui tươi : nhiều cậu thanh niên quen tôi nhờ gửi
thư cho mẹ, cho em gái, nhưng đều dặn tôi giấu kín địa chỉ vì không muốn mẹ bắt
tản cư. Nhiều cậu nhất định đòi ở đơn vị này không chịu đi đơn vị khác chỉ vì
có một nhóm bạn bè đã thân thiết gắn bó với nhau và thề sống chết có nhau trong
tình thế “tổ quốc chiến đấu” thế này. Ai cũng muốn cống hiến một cái gì đó, một
phần hoặc tất cả cuộc sống của mình cho Tổ quốc. Rất nhiều người muốn quyết tử.
Tôi đã tổ chức diễn tập thử một đội quyết tử trong trại vệ quốc đoàn: Ra lệnh
nửa đêm sẽ đi nhận nhiệm vụ và yêu cầu các chiến sĩ viết thư về cho người thân
nhất. Tôi đã được đọc toàn bộ thư đó. Rất tiếc sau này, trong những bước đường
kháng chiến ở Việt Bắc, tôi đã không giữ được những vật quý giá ấy. Tôi còn nhớ
rằng có hơn hai chục bức thư, hầu như không có thư cho người yêu, chỉ là những
bức thư cho bố, mẹ, ông, bà và có đôi thư gởi cho anh chị hoặc cô dì, mà tôi
chắc chắn đó là những người mồ côi. Có bức thư dài nhất chỉ hơn một trang, ngắn
nhất có vài ba dòng. Tất cả đều toát ra một tinh thần bình thản và tự hào,
tuyệt nhiên không có hơi hướng của sự luyến tiếc, vướng mắc. Thật ra lúc ấy,
tôi cũng muốn được quyết tử. Lúc ấy tôi đã lấy vợ, nhưng tôi không có chút ý niệm
nào về cuộc sống gia đình. Tôi cảm thấy vợ cũng là một thứ đồng chí, tiện thì
gặp nhau, không thì thôi, ai lo việc người ấy. Tôi không thể tưởng tượng và có
chút ý thức gì chuẩn bị cho một cuộc sống gia đình như tôi có hiện nay có con
trai, con dâu, cháu nội, v.v… Vì vậy đón nhận tin bắt đầu kháng chiến và chuyển
chỉ huy sở ra ngoại thành cũng như đón tin nhận một nhiệm vụ công tác: ra tờ
báo, hay tổ chức một cuộc họp; tôi vẫn một mình phóng mô tô hoặc ô tô đi các
phố. Cho đến khi cuộc chiến đấu đã diễn ra nhiều ngày, điều hứng thú đối với
tôi vẫn là lên các tiền duyên. Tôi đã bò lên tiền duyên ở vùng Thụy Khuê, ở đó
tôi đã gặp một căn phòng sang trọng, bị thủng tường và vỡ trần vì pháo địch.
Nhưng đó là căn phòng đầy sách quý, tôi đã mải mê với đám sách, nghĩ rằng thế
nào cũng tổ chức chuyển ra vùng ta, đặc biệt có bộ bách khoa toàn thư tiếng
Pháp. Hình như tôi cũng có lấy một cuốn trong kho sách đó, cuốn từ điển
Larousse thì phải. Nhưng rồi ý định chuyển kho sách ấy không thực hiện được. Ở
đó tôi đòi anh em cho tôi đến chỗ có thể trông thấy quân Pháp, rồi tôi lại đòi
mượn một khẩu carbin; bắn sang vị trí quân Pháp mấy phát và khi địch bắn lại
nhiều loạt đạn dài tôi khoan khoái tính với anh em chiến sĩ là ta đã lãi to:
ta mất có vài viên đạn mà địch mất hàng trăm viên.
Ảnh: Gặp ông Vũ Sắc ở đình Hoàng Mai năm 2000 |
Tôi cũng đã đi lên con đường chợ Mơ và phố Huế, chui
từ nhà này sang nhà khác qua các lỗ đục tường, trong khi cối của địch bắn rải
rác xuống phố. Khi đi gặp những anh em chiến sĩ quen mời tôi ăn đường phèn và
kẹo dân để lại. Tôi còn gặp một chú bé người cùng phố, chú ôm chầm lấy tôi mà
kêu lên: “Ôi cậu! Cháu tưởng cậu chết rồi. Cháu ném được hai quả lựu đạn”. Và
cậu ấy đã tham gia tự vệ ở phố Huế. Tôi cũng ra trận địa đê Thanh Nhàn, ở đây
tôi đã kết nạp Đảng cho một thanh niên học sinh tên là Nguyễn Như Trang, nhưng
cậu ta lại lấy tên là Trần Quốc Tuấn để chiến đấu. Như Trang sau này là một cán
bộ đại đội nhiều tài hoa, chiến đấu dũng cảm, bị thương rồi sau đó bị sốt rét
và hy sinh ở mặt trận miền Tây.
Tôi lên phố Huế và đê Thanh Nhàn vào dịp địch đưa xe
thiết giáp đẩy quân ta từ chợ Hôm phải lùi về tận Văn Điển, rồi ta tổ chức bắn
cháy xe thiết giáp địch và ta lại tràn lên trở lại đến gần chợ Hôm.
Trong hồi ký của mình, anh Vũ có viết là tôi đi động
viên tinh thần chiến đấu các mặt trận. Nhưng thực ra tôi đi như vậy có động
viên ai đâu, chỉ biết đi để được gần anh em chiến đấu, xem anh em chiến đấu. Có
mỗi một việc làm có ý nghĩa là tôi giới thiệu và kết nạp Nguyễn
Như Trang vào Đảng. Cũng có điều kỳ diệu là sau hơn một
tháng chiến đấu, tôi kiểm điểm lực lượng Đảng thì thấy đã có khoảng 150 đảng
viên, nghĩa là gấp mười lần lúc nổ súng mà chưa kể liên khu I.
Tôi không được biết gì về liên khu I vì mọi sự bố trí lực
lượng và chỉ huy tác chiến là anh Vũ suy tính và thực hiện, tôi đều được biết,
nhưng rồi vì hời hợt, tôi không nhớ được gì. Chỉ nhớ là tôi hết sức khâm phục
các trận chiến đấu ở liên khu I và náo nức cũng muốn tìm cách vào liên khu I
xem sao, nhưng không ai cho đi.
Bây giờ nhớ lại những năm tháng
hào hùng và ngây thơ ấy, nhiều anh em lứa tuổi tôi đều thấy có nhiều niềm nuối
tiếc và phàn nàn : Những ngày ấy sao đẹp thế: tinh thần cách mạng thật trong
trắng, người đối với người có một tình đồng chí thật thiêng liêng. Đến bây giờ,
những giá trị ấy hầu như mất đi rồi. Quả là tôi cũng có nhận thấy một sự thật
như vậy. Nhưng bây giờ làm sao trở lại được những cái đẹp đẽ tuyệt vời lúc ấy?
Những giá trị đẹp ấy mất thật không?
Bây giờ đặc biệt từ năm 1975 cuộc sống khác hẳn. Muốn
hay không muốn, mỗi người đều có một gia đình, không phải gia đình nhỏ mà một
gia đình lớn gồm nhiều gia đình nhỏ, mỗi người không phải chỉ có con mà còn có
cháu nội, cháu ngoại. Mỗi người có một “phận” riêng – có yêu cầu nhà cửa, tài
sản, cuộc sống và hàng trăm thứ lo toan. Không lo toan lại là vô trách nhiệm,
bởi chính tôi nhiều lúc cũng cảm thấy mình không tròn trách nhiệm với gia đình.
Mỗi người lại đã thu nhận cho mình được khối lượng kiến thức và kinh nghiệm
sống to lớn vô cùng, đã đi sâu vào một lĩnh vực hoặc một nghề. Hàng ngày giải
quyết việc gì, ứng xử ra sao, đều phải có một lô những “lý sự” cần thiết, cần
vận dụng, bản thân cuộc sống tự nhiên đòi hỏi phải “lý sự”. Không lý sự không
sống được. Vậy thì hoàn toàn không thể cứ ngây thơ, cứ hồn nhiên không thể nào
gạt bỏ mọi thứ dính đến người để lại một thân một mình mà “ăn đâu là nhà, ngủ
đâu là gường” được.
Trong cuộc sống phức tạp quả cũng xuất hiện nhiều tiêu
cực, có những người mất đi động cơ cách mạng trong sáng mà lại vướng nhiều vào
toàn tính toán cá nhân trong tổ chức, trong quyền lợi vật chất, quyền lợi gia
đình, thậm chí có người biến chất trở thành sâu mọt, tai họa cho xã hội. Cũng
có người tham gia cách mạng không trải qua những năm tháng hào hùng cao cả ấy,
mà đi vào cách mạng trong một bối cảnh có hưởng thụ theo phân công, có vấn đề
chức và quyền – mà chức quyền thì đi đôi với bổng, lộc, đi đôi với quyền lực cá
nhân; trong những người này có người có sự phát triển xấu cũng thường suy nghĩ
và hành động ngược lại hành động cách mạng, v.v…
Thế là xuất hiện những bệnh mới:
bệnh tự tư, tự lợi, bệnh kéo bè kéo cánh, bệnh cơ hội chủ nghĩa, dối trên lừa
dưới, nịnh bợ, luồn lọt. Các bệnh ấy làm xấu đi rất nhiều đạo đức xã hội, tổn
thương nặng nề đến cả tình nghĩa con người.
Đó là một tình trạng rất phức tạp của sự phát triển xã
hội, ta đang phải đấu tranh kịch liệt để xóa bỏ nó, để xây dựng những đạo đức
mới, phẩm chất mới nhưng dù sao cũng có hai điều ta có thể khẳng định và yên
tâm:
1. Những giá trị tinh thần cao cả tốt đẹp đã qua vẫn
luôn luôn là những giá trị cao quý đã có thật trong lịch sử, không ai có thể
phủ nhận nó. Nó vẫn là tài sản quý giá của Đảng, của dân tộc, nó vẫn được coi
là cao đẹp, có kẻ phản bội nó, nhưng cũng không thể nào coi là không đẹp được.
Nó vẫn là những điều mọi người phải hướng tới.
2. Ngày nay cho dù có những kẻ đã biến chất, có xuất
hiện những tệ nạn xấu xa ngược với những điều cao đẹp đã có trong lịch sử,
nhưng trong cuộc sống mới vẫn luôn xuất hiện những phẩm chất cao đẹp, những con
người mang theo những phẩm chất đó càng ngày càng nhiều. Những phẩm chất mới
đáp ứng với nhiệm vụ cách mạng và cuộc sống mới xuất hiện liên tục và có tác
dụng đấu tranh, vạch mặt đẩy lùi những hiện tượng biến chất. Lý tưởng cộng sản
chủ nghĩa ngày càng đi vào cuộc sống, kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa ngày càng
phong phú và tích cực sẽ là lực lượng tấn công mạnh mẽ, sẽ là quy luật phát
triển của cuộc sống xã hội. Quy luật này sẽ nghiền nát những bệnh hoạn tiêu cực
cho xã hội, tạo ra những phẩm chất mới, con người mới cao đẹp, phù hợp với cuộc
sống mới giống như những tinh thần cao đẹp đã xuất hiện trong các đợt cao trào
cách mạng trước đây. Hiện nay toàn Đảng đang tiến hành một đợt tự phê bình rộng
lớn, ở tất cả mọi nơi ta đang vạch trần, lên án các tệ nạn hối lộ, ăn cắp, lười
biếng, quan liêu, bóc lột, ăn bám, nịnh bợ. Dư luận xã hội cũng nổi lên ở khắp
nơi những tiếng nói bất bình phẫn nộ về cái tệ nạn nói trên. Nhân dân đang tích
cực đòi hỏi Đảng và bộ máy Nhà nước phải trong sạch, có sức chiến đấu mạnh mẽ,
có trình độ cao.
Như vậy rõ ràng đang diễn ra cuộc đấu tranh giữa giá
trị tinh thần của cách mạng xã hội chủ nghĩa và các phần giá trị. Đó là cuộc
sống. Cuộc sống đang sản sinh ra những giá trị mới. Những giá trị mới có thể
không giống hệt những giá trị cũ, nhưng nó cũng là sự nối tiếp của giá trị cũ
mà phát triển lên.
Bốn mươi năm sau, nhớ lại để mà xác nhận một niềm tin.
Niềm tin trước đây là sức mạnh, sẽ luôn luôn là sức mạnh. Niềm tin này là niềm
tin vào lý luận cách mạng, kinh nghiệm cách mạng và tin vào cuộc sống, tin vào
quy luật của cuộc sống, chính cuộc sống sẽ quét sạch rác rưởi của cuộc sống.
Cuộc sống đang vận động, ta không tránh khỏi những tổn thương những đau xót,
nhưng ta vẫn đủ căn cứ để tin vào cuộc sống.
Tháng 9-1986
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)
Tháng 9-1986
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét