Thứ Tư, 20 tháng 3, 2024

Bài học động viên đánh Mỹ


Trong thời gian vài năm qua, ta đã tiến hành một công tác tư tưởng rất lớn là động viên đánh Mỹ. Năm 1965 là năm có bước ngoặt trong cuộc chiến tranh: bọn Mỹ bị thất bại toàn diện trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, đã hùng hổ đưa quân viễn chinh Mỹ vào trực tiếp xâm lược nước ta, tăng cường rất nhiều phương tiện chiến tranh để tàn sát nhân dân ta hòng uy hiếp tinh thần của quân và dân ta. Chúng ta đang ở trên đà thuận lợi sắp đánh bại hoàn toàn đội quân tay sai gồm nửa triệu tên do Mỹ trang bị, huấn luyện và chỉ huy, thì lại quay ra đón đánh cái đội quân Mỹ chính cống.


Đứng về mặt tư tưởng mà nói, trong điều kiện đó, ta có nhiều cơ sở thuận lợi để tiến hành công tác động viên đánh Mỹ. Đó là:
1. Sau mấy năm chiến đấu với cuộc chiến tranh đặc biệt do Mỹ sử dụng nguỵ quân, nguỵ quyền để tiến hành, chúng ta đã đánh bại nhiều âm mưu, thủ đoạn của Mỹ, đánh bại chiến lược, chiến thuật của Mỹ (trực thăng vận, thiết xa vận, v.v…) đã tiêu diệt và bắt sống một số sĩ quan và binh lính Mỹ. Chúng ta có một số kinh nghiệm và có cơ sở để tin tưởng đánh thắng Mỹ.
2. Chúng ta đã ở vào một thế mạnh và thuận lợi. Khu giải phóng đã mở rộng, nhân dân rất phấn khởi và tích cực tham gia kháng chiến ; nguỵ quyền địch thối nát rã rời, đảo chính tranh ăn xảy ra liên tiếp. Các lực lượng vũ trang của ta đã hình thành đầy đủ ba thứ quân được bố trí một cách hợp lý, được trang bị, huấn luyện tương đối khá và đều đã có thành tích, nhất là các đơn vị chủ lực đã hình thành và trưởng thành nhanh chóng. Hậu phương lớn là miền Bắc cũng chiến thắng chiến tranh phá hoại của Mỹ và hết lòng hết sức ủng hộ cách mạng miền Nam.
3. Về lãnh đạo, đã có một quyết tâm dứt khoát rõ ràng, đã có dự kiến từ trước và tranh thủ đánh bại chiến tranh đặc biệt của Mỹ giành thắng lợi, nhưng đồng thời phải cảnh giác, chuẩn bị trực tiếp đánh với quân Mỹ và nhất định đánh bại chiến tranh xâm lược của Mỹ trong bất kể tình huống nào, giành cho được độc lập, tự do, tiến tới thống nhất nước nhà.
4. Quân và dân ta vốn đã căm thù sâu sắc bọn Mỹ xâm lược lại có một lòng yêu nước rất cao và đặc biệt có một tinh thần tự hào dân tộc rất lớn. Ai nấy đều tự hào rõ rệt về truyền thống chống ngoại xâm của cha ông đời trước, về cuộc kháng chiến 9 năm, về Điện Biên Phủ, về đường lối cách mạng đúng đắn, cho nên đều hăng hái nô nức đánh Mỹ.
5. Quân viễn chinh Mỹ vào miền Nam trên cơ sở đổ nát của Nguỵ quyền nên chúng ở trong tình trạng bị động, thất bại, nhất định không thể tự do phát huy được sức mạnh hung hãn của chúng. Chúng tiến hành chiến tranh xâm lược trắng trợn bằng quân đội viễn chinh, nhưng lại không thể vứt được cái mặt nạ thực dân kiểu mới, nên phải dựa vào lực lượng chiến lược ; quân Mỹ và quân nguỵ, mà quân nguỵ lại đang sa sút, rã rời nghiêm trọng. Ta có nhiều thuận lợi phát triển thế tiến công của ta.
Tuy nhiên, dù sao việc quân Mỹ ồ ạt đưa một số lượng hàng chục vạn quân, tăng cường thêm nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại để trực tiếp xâm lược nước ta cũng đặt ra nhiều vấn đề cần nhận định, đánh giá cho đúng, cho thống nhất, nhiều vấn đề cần giải quyết về các mặt phương châm hành động, về đối tượng tác chiến, tổ chức tác chiến và chiến thuật, chiến đấu, v.v…
Đứng trước một loạt vấn đề như vậy, công tác tư tưởng của ta đã tiến hành rất khẩn trương, rất phong phú, vừa để khắc phục những nhận thức sai lầm, lệch lạc, những nhận thức còn thiếu sót, những khuynh hướng tiêu cực và đập tan những luận điệu chiến tranh tâm lý của địch, vừa để thống nhất quyết tâm, thống nhất những nhận thức và những phương hướng tư tưởng đúng đắn, tích cực cách mạng, đi tới những nhận thức cho thật chính xác, cụ thể về cái gọi là “sức mạnh của Hoa Kỳ” và sức mạnh của cách mạng, xây dựng những phương châm mới, những nguyên tắc mới phong phú thêm cho nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân. Khó mà chia ra từng bước của công tác tư tưởng này, khó mà xác định rằng công tác tư tưởng bắt đầu từ bao giờ. Thực ra ngay từ khi nhân dân miền Nam đứng lên cầm vũ khí đấu tranh (khoảng trước sau cuộc Đồng Khởi 1960) đã là đánh nhau với Mỹ, với sức mạnh vật chất của đế quốc Mỹ rồi. Quân và dân ta từ đó đã được động viên lòng căm thù, lòng yêu nước, đã thấy rõ Mỹ là quân xâm lược giày xéo Tổ quốc ta, phá hoại gia đình, tàn phá quê hương ta, muốn bắt ta lại làm nô lệ. Với lòng căm thù ấy, nhân dân ta đã chiến đấu và chiến thắng. Mỗi lần đế quốc Mỹ tăng sức mạnh vật chất, lại một lần công tác giáo dục, động viên của ta rèn thêm vũ khí tư tưởng cho quân và dân ta mạnh hơn lên để chiến thắng. Và cứ thế, ta đã thắng nhiều keo. Đến keo này, nhân dân ta thực sự mặt đối mặt với đội quân xâm lược chính cống Hoa Kỳ. Việc rèn luyện vũ khí tư tưởng lần này yêu cầu chất lượng cao hơn, khẩn trương hơn, có hiệu lực hơn, nhưng dù sao nó cũng là tiếp tục của công cuộc giáo dục, rèn luyện từ trước. Nếu tính từ keo này thì ngay từ đầu năm 1965, cấp lãnh đạo đã trang bị cho toàn quân, toàn dân ta tư tưởng là: quyết đánh bại “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, đồng thời chuẩn bị mọi mặt đánh bại cả chiến tranh cục bộ của Mỹ nếu chúng gây ra. Đến giữa năm 1965, khi Mỹ chuẩn bị dư luận và thực tế đã đưa một số đơn vị đến miền Nam thì việc nhắc nhở tư tưởng này càng khẩn trương, cụ thể hơn. Kể từ đó, đại khái ta có thể thấy các bước như sau:
1. Từ tháng 10-1965 cho đến đầu 1966, mặc dầu chưa có các nhận định cơ bản và đầy đủ về sự chuyển hướng của chiến tranh, về phương châm chiến lược cụ thể, nhưng công tác tư tưởng vẫn xoay quanh chiến lược, quyết đánh bại quân đội viễn chinh xâm lược Mỹ ; nguỵ cũng đánh, Mỹ cũng đánh ; Mỹ vì bị động, thất bại mà đưa quân vào ; tuy chúng ngoan cố nhưng ta quyết không lùi một bước, quyết đánh bại mọi âm mưu của Mỹ.
Có người yêu cầu trên đề ra phương châm tác chiến để đánh Mỹ. Cấp lãnh đạo nêu lên: “Phương châm đánh Mỹ sẽ xuất hiện ngay ở chiến trường” và động viên toàn quân, toàn dân phát huy sáng kiến đánh Mỹ. Trong bước này, hầu hết các đơn vị và địa phương đều sôi nổi phát động lòng căm thù Mỹ. Từ chỗ kể tội ác của giặc Mỹ đối với dân tộc, đối với quê hương, đối với gia đình, đối với bản thân đến chỗ thống kê tội ác của Mỹ, hạ quyết tâm đánh Mỹ, phát động hiến kế đánh Mỹ; phát động việc học tập kinh nghiệm, trao đổi kinh nghiệm, mời người có kinh nghiệm đánh Mỹ về đơn vị, về địa phương, tổ chức đi tham quan học tập; chủ lực mời du kích, du kích địa phương này mời du kích địa phương nọ. Những kinh nghiệm Núi Thành, Vạn Tường, An Điền là những kinh nghiệm đầu tiên được sôi nổi lan truyền. Có nơi học được kinh nghiệm cụ thể, có nơi chỉ biết là người ta làm được, vậy mình cũng tin là sẽ làm được. Trong thời kỳ này, phong trào “Dũng sĩ diệt Mỹ” được đề ra và được hưởng ứng sôi nổi. Các đại hội “Dũng sĩ diệt Mỹ” ở từng địa phương đã phát huy tác dụng động viên khí thế đánh Mỹ và tổng kết được nhiều kinh nghiệm cụ thể đánh Mỹ.
2. Từ đầu năm 1966 trở đi, sau khi đã có những nhận định cơ bản của cấp lãnh đạo về âm mưu của Mỹ, về đường lối, phương châm chiến lược của ta, xác định đối tượng tác chiến, xác định quyết tâm đánh bại Mỹ bất kể trong tình huống nào, bất kể chúng đưa bao nhiêu quân vào thì cuộc chỉnh huấn mùa xuân trong toàn miền đã trang bị cho tất cả cán bộ, chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang lòng tin tưởng đó. Cuộc chỉnh huấn về căn bản đã giải quyết hàng loạt vấn đề lớn về đường lối và phương châm chiến lược. Ngoài ra, cuộc chỉnh huấn còn đi sâu phân tích một cách tương đối có hệ thống sự so sánh lực lượng, nêu lên rõ chỗ mạnh có hạn, chỗ yếu cơ bản của địch và chỗ mạnh cơ bản, chỗ yếu tạm thời của ta một cách biện chứng, khoa học. Với tinh thần tích cực cách mạng, những nhận định lớn đó mau chóng được nhất trí từ trên xuống dưới. Trong thời gian này, thực tế chiến trường qua mấy tháng đánh Mỹ đã nói lên hết sức rõ ràng và mạnh mẽ về khả năng to lớn, về thế thắng lợi vững chắc của quân và dân ta, đồng thời cũng chỉ rõ sức mạnh thực sự của quân đội xâm lược Mỹ là có hạn, là có thể bị đánh bại, v.v… Những điều đó đã nâng tư tưởng của toàn quân, toàn dân ta lên một bước mới.
Trong thời kỳ này, việc phát động căm thù vẫn tiếp tục, phong trào “Dũng sĩ diệt Mỹ” càng mở rộng và sôi nổi, đã xuất hiện những kiện tướng diệt Mỹ như Trương Văn Hoà, Phạm Văn Cội, … Phong trào đã có ảnh hưởng lớn trong các lực lượng vũ trang nhân dân.
3. Đến tháng 5-1966 trở đi, những nhận định có tính chất tổng kết về sự thất bại trong kế hoạch phản công mùa khô 1965-1966 của Mỹ được phổ biến rộng rãi và mau chóng. Những nhận định này góp phần củng cố khá quan trọng vào nhận định về mạnh, yếu của Mỹ, về thế tiến công thắng lợi của ta, củng cố thêm lòng tin tưởng về thắng lợi và về lực lượng của ta, củng cố thêm lập trường kiên định chiến đấu lâu dài và quyết tâm giành thắng lợi liên tiếp.
4. Sau đó, trong mùa mưa, địch giữ thế cầm cự, ta vẫn liên tục tiến công, ta vẫn tiếp tục thắng lợi, địch tiếp tục sa sút. Vì cục diện chiến trường ở thế giằng co, địch bị động trên chiến trường rất dữ, nhưng chúng vẫn cố tăng quân để bù đắp sự suy sụp về chất lượng và thương vong lớn, đồng thời tuyên truyền bịp bợm về những thắng lợi giả tạo.

Ảnh: Trong Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng miền Nam, 1967
Từ trái qua: Bà Nguyễn Thị Định, ông Trần Văn Trà, ông Trần Độ, ông Lê Trọng Tấn
 Trong thời kỳ này, lời kêu gọi lịch sử của Hồ Chủ tịch (7-1966), của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam (10-1966), những nhận định về mùa mưa và phong trào học tập Nguyễn Văn Bé đã liên tục củng cố những nhận thức đạt được trong chỉnh huấn, tiếp tục nâng cao quyết tâm chiến đấu, nâng cao nhận thức về thế chủ động của ta trên chiến trường, về khả năng liên tục giành thắng lợi ngày càng to lớn, về những âm mưu thâm độc, tàn ác của địch; nâng cao lòng căm thù quân giặc tàn sát nhân dân, phá hoại mùa màng, xáo trộn đời sống của ta và động viên tinh thần nỗ lực vượt bậc, khắc phục mọi khó khăn, kiên trì xốc tới giành thắng lợi.
Cho đến nay, công tác tư tưởng vẫn xoay quanh việc quán triệt nhiệm vụ và quyết tâm to lớn của cách mạng, vượt qua khó khăn, phân tích thế bị động, thất bại của địch, củng cố và nâng cao quyết tâm quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược.
* * *
Tuy ta chưa đủ điều kiện để tổng kết hoàn toàn đầy đủ, nhưng qua một loạt công tác đã tiến hành và tình hình thực tế đã diễn ra trên chiến trường, trong các lực lượng vũ trang và trong nhân dân có thể rút ra một số kinh nghiệm lớn đầu tiên sau đây về công tác tư tưởng động viên đánh Mỹ.
1. Một kinh nghiệm có tính chất nguyên tắc nhưng thể hiện hết sức rõ rệt và sâu sắc trong công tác tư tưởng động viên đánh Mỹ là : quán triệt quyết tâm chiến lược về nhiệm vụ cách mạng là việc có tính chất quyết định số một trong toàn bộ công tác tư tưởng. Nó chính là việc nêu rõ mục đích của cuộc chiến đấu, mục đích của chiến tranh, chỉ rõ kẻ thù của cách mạng, kẻ thù trong cuộc chiến tranh mà ta cần tiêu diệt, cần đánh bại. Nếu không chỉ ra được những điểm này, không làm cho trong nhận thức tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang nhận thấy được sâu sắc thì không thể nào tạo được một quyết tâm gang thép và liên tục là : “nguỵ cũng đánh, Mỹ cũng đánh, Mỹ bao nhiêu cũng đánh và quyết đánh thắng”.
Quyết tâm lớn này được xây dựng trên cơ sở những cuộc phát động căm thù, nêu rõ tội ác xâm lược cực kỳ man rợ của đế quốc Mỹ. Sự phát động này đã khêu gợi sâu sắc vào tâm tư, nguyện vọng của tuyệt đại đa số cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, khơi ra một nguồn sức mạnh tinh thần hết sức vĩ đại. Sức mạnh tinh thần ấy tổng hợp các tinh thần yêu nước, lòng tự hào giai cấp, tự hào dân tộc, mối nợ nước thù nhà sâu sắc, chứ không phải chỉ là một chí báo thù riêng biệt, hẹp hòi. Lòng căm thù đó được soi sáng và thổi bùng lên thành một quyết tâm chiến đấu hết sức cao, bằng những sự nhận định sâu sắc, đúng đắn, rõ ràng, dễ hiểu về lực lượng của địch và lực lượng của ta, chỉ ra được phương hướng chiến lược rõ ràng, thiết thực, làm cho mọi người nhận rõ con đường đi hết sức sáng sủa và rõ rệt.
Những nhận thức đó không phải chỉ được xây dựng trên những nhận định của cấp trên, mà còn được xây dựng vững chắc trên cơ sở những kinh nghiệm trực tiếp và gián tiếp của từng người, làm cho mọi người đều thấy được khái quát phương hướng chung của cả nước và phương hướng của bản thân. Câu nói : “đời tôi không đánh Mỹ thì chỉ có đi ở đợ” là một câu nói điển hình phản ánh rõ yêu cầu và nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân lao động, vừa có tính giai cấp vừa có tính dân tộc, là cơ sở vững chắc cho phương hướng chiến lược “quyết tâm đánh thắng Mỹ để giải phóng đất nước, giành độc lập, tự do, tiến tới thống nhất đất nước”.
Quyết tâm trên còn dựa vào cơ sở thực tiễn của cả lịch sử đấu tranh lâu dài và oanh liệt của dân tộc ta từ tay không nổi lên đánh Pháp, đuổi Nhật, cướp chính quyền, đến cuộc đấu tranh vũ trang chín năm đánh bại đội quân xâm lược mấy chục vạn của Pháp. Lịch sử đó đã tạo cho mọi người Việt Nam một kinh nghiệm phong phú, một bản lĩnh vững chắc về đấu tranh vũ trang chống xâm lược. Bản lĩnh đó truyền từ đời cha đến đời con, từ đời con đến đời cháu.
Quyết tâm đánh bại Mỹ, giải phóng miền Nam còn gắn liền với quyết tâm bảo vệ miền Bắc. Cấp lãnh đạo đã đề ra nhận định : cả nước ở trong tình trạng chiến tranh, miền Nam là tiền tuyến lớn, miền Bắc là hậu phương lớn. Người Việt Nam chiến đấu trên bất cứ mảnh đất nào của Tổ quốc thân yêu đều mang nặng một mối thù dân tộc lâu đời đối với bọn đế quốc xâm lược, đều có chung một niềm tự hào về truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc ta.
Cho nên, quyết tâm chung của lãnh đạo đã mau chóng biến thành quyết tâm cụ thể của từng người. Quyết tâm đó là nguồn sức mạnh vĩ đại đẻ ra bao nhiêu sức mạnh khác, những hành động dũng cảm, anh hùng, mưu trí, khôn ngoan làm cơ sở cho một nghệ thuật quân sự ưu việt kỳ diệu.
Khi đã có một quyết tâm nhất trí sâu sắc rồi thì lãnh đạo tin ở quần chúng, quần chúng tin ở lãnh đạo, còn vấn đề gì chưa giải quyết thì cứ chiến đấu đi rồi sẽ giải quyết tại trận. Câu nói “phương châm đánh Mỹ sẽ xuất hiện ở trên chiến trường” của lãnh đạo được đại đa số cán bộ, chiến sĩ hưởng ứng nhiệt liệt, chứng tỏ sự nhất trí vĩ đại đó. Nhưng công tác tư tưởng không phải chỉ dừng lại ở chỗ đó. Quyết tâm lớn biến thành sức mạnh là ở chỗ các cấp lãnh đạo mang quyết tâm đó về thực hiện nhiệm vụ của mình, phát động quần chúng, khêu gợi sáng kiến của quần chúng, tổ chức động viên quần chúng đi học kinh nghiệm, đi nghiên cứu cụ thể, xem thằng Mỹ đi thế nào, ở thế nào, mang vác làm sao, hành quân thế nào, phòng ngự, tiến công ra sao, tìm cho ra những nhược điểm, những chỗ xung yếu của địch, nhằm vào đó mà đánh.
Một kinh nghiệm của quần chúng “thằng Mỹ to xác bắn dễ trúng” chứng tỏ một khí phách anh hùng của dân tộc ta đánh giặc. Thấy thằng Mỹ to mà không cần biết nó khoẻ thế nào, chạy nhanh làm sao, lại thấy ngay được là một mục tiêu lớn dễ bắn. Thật là một kinh nghiệm kỳ diệu, kinh nghiệm của những người anh hùng. Thử hỏi không có tinh thần cách mạng làm sao có thể chấp nhận được kinh nghiệm như thế. Sau này, những chiến sĩ nhỏ tuổi, nhỏ người như Trần Thành Hiệp còn có kinh nghiệm : “có căm thù thì bé cũng đâm chết được Mỹ”, “đánh thằng Mỹ vừa đâm lê vừa bóp cò nhất định nó chết”.
Những điều đó khi ta chưa đánh với từng đơn vị quân Mỹ thì ta chưa có, nhưng cấp lãnh đạo đã tin chắc là sẽ có những sự việc kỳ diệu tương tự như vậy xuất hiện ở trong quần chúng. Vì vậy, cấp lãnh đạo đã thấy rõ sức mạnh cách mạng của quần chúng. Từ trên xuống dưới, các cấp lãnh đạo đều tin vào điều đó. Không cần chờ đợi, cứ xông ra “gặp Mỹ là đánh, tìm Mỹ mà diệt”, thế rồi những hành động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng xuất hiện và cũng xuất hiện luôn nhiều chiến thuật tuyệt diệu của Quân giải phóng đánh Mỹ. Ở chỗ này, công tác tư tưởng phải chống cả hai khuynh hướng :
a) Xây dựng quyết tâm chung chung, giáo dục nhiệm vụ chung một cách giản đơn rồi hô khẩu hiệu quyết tâm và cho thế là xong hết mọi việc của công tác tư tưởng. Như thế là sai lầm, là công tác tư tưởng quan liêu, hình thức, hời hợt, lười biếng, thậm chí là duy tâm nữa.
b) Cho rằng cứ phải có đủ mọi điều kiện thực tế để giải đáp hết mọi thắc mắc, khó khăn thì mới có được một quyết tâm có cơ sở. Đó là một lối công tác hữu khuynh, tiêu cực, sợ khó khăn, sợ gian khổ.
Phải biết xây dựng quyết tâm với một công tác tư tưởng rộng lớn, phong phú, với một công tác động viên, cỗ vũ mạnh mẽ, vừa phải phân tích sâu sắc mọi lý lẽ của nhiệm vụ, vừa đề ra phương hướng khắc phục khó khăn, vừa tiến sâu vào thực tiễn giải quyết khó khăn, làm cho sức mạnh tinh thần biến thành sức mạnh vật chất, và sức mạnh vật chất lại củng cố sức mạnh tinh thần.
Nhưng trong cả một quá trình ấy, việc tạo nên một sự nhất trí về nhiệm vụ, về phương hướng chiến lược nâng cao quyết tâm chiến đấu là việc cơ bản nhất, là việc gốc số một phải được làm đi làm lại nhiều lần, làm liên tục, làm mãi mãi.
2. Một kinh nghiệm nữa cũng có tính chất nguyên tắc là:
Công tác tư tưởng phải có tính quần chúng, phải tiến hành theo quan điểm quần chúng. Nguyên tắc này trong công tác động viên đánh Mỹ cũng thể hiện thật rõ ràng.
Trước hết, nó thể hiện ở chỗ cấp lãnh đạo cao nhất hiểu thấu được tâm tư, nguyện vọng của các cấp cán bộ, chiến sĩ, các tầng lớp nhân dân. Không phải ngẫu nhiên mà nữ anh hùng Nguyễn Thị Út nói “đánh Mỹ thì còn cái lai quần cũng đánh”, mà cũng không phải ngẫu nhiên mà câu nói ấy đưa ra được nhiều người tán thưởng, hoan nghênh. Câu nói đó tuy mộc mạc nhưng lại là chân lý, chân lý của nhân dân lao động Việt Nam, chân lý của nhân dân Việt Nam đã vùng lên phá ách nô lệ, quyết không chịu trở lại làm nô lệ, thà hy sinh trong chiến đấu chứ không chịu cúi đầu để cho kẻ xâm lược và bọn Việt gian giày xéo đến chết. Đời này đánh chưa xong thì đời sau còn đánh.
Chính vì vậy mà công tác tư tưởng động viên đánh Mỹ không những chỉ thể hiện ở các hội nghị, các lời kêu gọi, các bài luận văn mà còn thể hiện sôi nổi nhất, phong phú nhất và sâu sắc nhất ở trong quần chúng rộng rãi, ở khắp các đơn vị, các địa phương.
Trước hết vẫn là các cuộc phát động căm thù làm cho tất cả các mối thù xưa và nay, chung và riêng được khêu lên xúc động sâu sắc lòng người. Nội dung của mỗi mối thù đều chứa đựng nhiều vấn đề dân tộc, vấn đề giai cấp đến vấn đề tự do, vấn đề nhân phẩm, vấn đề tình cảm, v.v… Vì vậy, cho nên, nói mãi không hết, càng nói càng căm, nói mãi không cũ, mỗi lần nói đều có những cái gì mới mẻ thêm ra. Nó làm cho mọi người đều suy nghĩ, mọi người đều tăng thêm sức mạnh mới. Hơn nữa, còn đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai là còn tội ác; mọi tội ác của chúng bất cứ ở đâu cũng gây nên một mối thù trong tất cả mọi người. Tội ác của chúng ngày càng chồng chất thì phát động căm thù phải ngày càng sâu sắc, ngày càng xúc động, không bao giờ cạn, phải làm sao địch càng điên cuồng khủng bố thì nhân dân ta càng không sợ chúng và càng nung nấu căm thù tiêu diệt chúng.
   Rồi đến các cuộc phát động khác, nào là phát động truyền thống, phát động sáng kiến, hiến kế, phát động học tập kinh nghiệm, phát động xuất quân và cuối cùng là phát động thi đua diệt Mỹ. Một mặt, người nọ động viên người kia, người này hiểu ý chí, quyết tâm và kinh nghiệm của người kia, tự mình cũng ra sức nêu cao quyết tâm, ý chí của mình mà khai thác kinh nghiệm của mình ; mặt khác, tập trung trí tuệ tạo nên một trí tuệ tập thể phong phú, chu đáo, tập trung lên cho cấp lãnh đạo, cấp chỉ huy thêm sáng suốt, thêm già dặn.
Cứ qua một cuộc phát động, quần chúng lại thấm nhuần thêm một bước quyết tâm của cấp trên, củng cố và nâng cao lên một bước mới và đồng thời lại cụ thể hoá quyết tâm đó trong quyết tâm của quần chúng làm cho kế hoạch hành động ngày càng rõ, quyết tâm chung ngày càng sáng ra, rõ thêm, cụ thể thêm.
Nét điển hình đặc sắc trong công tác tư tưởng lần này là việc động viên phong trào thi đua danh hiệu vẻ vang “Dũng sĩ diệt Mỹ”, đơn vị và địa phương “Anh dũng diệt Mỹ”. Hai chữ “diệt Mỹ” thời nay chính là nêu cao tinh thần “Sát Thát” của thời xưa, nhưng không phải tự nhiên mà một cơ quan của bảy dũng sĩ Điện Ngọc được truyền bá thì khí phách anh hùng của dân tộc ta cũng được khêu lên mạnh mẽ, rồi từ đấy đến chuyện các dũng sĩ đâm lê diệt Mỹ ở Núi Thành cũng làm xúc động lòng người. Khi phong trào động viên đánh Mỹ lên cao thì mọi người đều muốn có một tiêu chuẩn cụ thể, một phong trào cụ thể, một danh hiệu vẻ vang cụ thể gì để làm chương trình hành động cho cụ thể, … Đó không phải chỉ là chuyện mong ước một danh hiệu, mà chính là lòng thiết tha yêu nước, là nguyện vọng cách mạng, là tinh thần vùng lên chống xâm lăng của mỗi người dân Việt Nam đã từng có thời khắc chữ “Sát Thát” vào tay mà xông ra cứu nước. Đó là một sự đòi hỏi náo nức của một tinh thần quật khởi.
Trong quân đội Mỹ và nguỵ, thiếu gì danh hiệu, từ “cọp đen”, “ó đỏ” đến “thiên thần”, “kỵ binh nhà trời”, “số 1 đỏ”, “tia chớp”, “rồng xanh”, “cọp trắng”, v.v… nhưng tất cả đều chỉ là những danh từ nhạt nhẽo, trống rỗng, lố bịch và giật gân mà ngay cả binh sĩ nguỵ còn đôi chút lương tri có cái dấu hiệu đó cũng cảm thấy tủi nhục, ngượng ngùng. Và đến hàng chục năm nay những tiếng đó vẫn chỉ khêu gợi cho người ta một cái gì gớm ghiếc, ghê tởm.
Những tiếng “Dũng sĩ diệt Mỹ” vừa được đưa ra thì lập tức nó trở thành rất thân yêu, tha thiết của tất cả mọi người từ anh chiến sĩ trẻ đến anh cán bộ cơ quan, từ đồng chí liên lạc đến cô cấp dưỡng, từ bác nông dân đứng tuổi đến chị phụ nữ mới sinh con. Nó trở thành chuyện tâm tình của đôi bạn, đôi nhân tình, đôi vợ chồng trẻ. Người ta ghi tiêu chuẩn vào sổ tay, người ta xé báo lấy bảy tiêu chuẩn dán vào báng súng. Người ta hỏi nhau để học thuộc lòng và người ta tính chuyện cho nhau “vay” số lính Mỹ đã diệt được để giúp nhau sớm đoạt danh hiệu vẻ vang và thân thuộc này. Thật là một phong trào thi đua giết giặc đầy ý nghĩa. Nó vừa phổ cập, vừa cụ thể và vì thế nó hấp dẫn lạ thường. Nó tiến thêm một bước làm quán triệt quyết tâm diệt Mỹ vừa là một quyết tâm cách mạng lớn của cả nước có ý nghĩa rộng rãi trên toàn thế giới, vừa là công việc cụ thể quen thuộc và thú vị hàng ngày của mọi người.
Nhiều đơn vị và địa phương rất có ưu điểm là kịp thời tổ chức các đại hội “Dũng sĩ diệt Mỹ” ngay trong khói lửa, bên công sự, vừa để tuyên dương rộng rãi, vừa để trao đổi kinh nghiệm nóng hổi, kịp thời. Những đại hội đó có một ý nghĩa chính trị thật lớn, có giá trị tư tưởng rất cao và tăng sức động viên, cổ vũ lên gấp bội. Nhiều địa phương phát triển phong trào vào các lĩnh vực khác như phong trào “Tay cuốc tay súng”, phong trào “Dũng sĩ sản xuất” và cho đến bây giờ phong trào “Dũng sĩ diệt Mỹ” được bổ sung thành phong trào giành sáu danh hiệu vẻ vang, nói lên những yêu cầu chiến đấu trong lúc này cũng đang phát triển sâu rộng. Tất cả những kinh nghiệm về tính quần chúng của công tác tư tưởng nói trên không chỉ là những kinh nghiệm cụ thể về phương pháp, về tổ chức, mà trước hết là thể hiện quyết tâm chiến lược hết sức kiên cường và chính xác của lãnh đạo.
3. Một bài học hết sức đặc sắc trong việc động viên đánh Mỹ nữa là việc “giáo dục đi lại nhiều lần để nhận thức đúng về so sánh lực lượng giữa ta và địch”. Đây cũng là một bài học có tính chất nguyên tắc. Vì muốn đánh kẻ địch nào thì phải hiểu rõ kẻ địch đó và hiểu rõ lực lượng của ta.
Đây cũng không phải là một kinh nghiệm gì mới mẻ. Vì kinh nghiệm này chỉ là kế tục và phát triển kinh nghiệm rất sâu sắc của phong trào cách mạng ở miền Nam từ mười mấy năm nay và là kinh nghiệm cổ điển của một dân tộc nhỏ phải chống lại và đánh thắng một kẻ địch mạnh hơn mình về vũ khí, vật chất. Từ bao năm nay, nhân dân cách mạng ở miền Nam đã được các cấp lãnh đạo chỉ ra cho một chân lý là “Bọn xâm lược có những chỗ yếu rất cơ bản, còn sức mạnh của nhân dân ta là vô địch”. Từ đó, nhân dân đã liên tiếp tìm chỗ yếu của địch, tìm chỗ mạnh của ta. Cho nên ngay trong cả những giờ phút gay go, nguy hiểm nhất, lực lượng cách mạng còn nhỏ bé, lực lượng phản động, xâm lược thì hùng hổ giương oai, nhưng nhân dân ta cũng vẫn thấy được chỗ mạnh của cách mạng, chỗ yếu của kẻ địch mà kiên cường chiến đấu và chiến thắng. Và cứ như thế việc phân tích so sánh lực lượng địch, ta càng ngày càng đem lại cho nhân dân ta những nhận thức sâu sắc rằng : địch có những chỗ yếu rất cơ bản nên nhất định thất bại, ta có những chỗ mạnh rất cơ bản, ta nhất định thắng. Đây không phải là một nhận thức chủ quan gượng ép. Nó đã có cả một quá trình đấu tranh cụ thể chứng minh cho chân lý này. Ta mạnh thật sự vì ta chính nghĩa, có nhân dân đoàn kết và ta có tinh thần cách mạng cao ; sức mạnh tinh thần của ta là vô địch, đẻ ra được nhiều sức mạnh vật chất. Kẻ địch tuy nhiều súng, nhiều tiền, nhưng phi nghĩa và kém tinh thần nên chúng yếu. Nói một cách khác là càng ngày nhân dân ta càng nhận rõ sức mạnh to lớn và vô tận của tinh thần cách mạng, hiểu rõ sức mạnh có hạn và sự yếu kém về cơ bản của bọn phản động, bọn xâm lược. Đến nay, đánh Mỹ thì tình hình có phức tạp hơn, nhưng nhờ có kinh nghiệm như đã nêu trên, công tác tư tưởng của ta có phương hướng rõ rệt. Nhận xét cho được thật khách quan, khoa học so sánh lực lượng giữa Mỹ và ta để đi tới nắm vững được chân lý là Mỹ có nhiều chỗ yếu rất cơ bản nhất định đánh bại, ta có nhiều chỗ mạnh rất cơ bản nhất định đánh thắng Mỹ, cũng là một quá trình.
Mỹ đưa quân viễn chinh vào với cả một khối lượng đồ sộ vũ khí, tiền bạc và các thứ vật chất khác, Mỹ lại đã cố gây ra cái ấn tượng là Mỹ giàu mạnh nhất thế giới, chúng dùng nhiều phương tiện và thủ đoạn chiến tranh vô cùng tàn bạo, đồng thời ra sức dùng chiến tranh tâm lý xảo quyệt để thổi phồng cái sức mạnh vật chất của chúng. Cho nên, khi nhận xét về đế quốc Mỹ, sức mạnh vật chất của chúng thường dễ thấy hơn là những chỗ yếu cơ bản. Còn sức mạnh vĩ đại của ta trước hết lại là ở đường lối chỉ đạo chiến lược, nằm trong tim và óc của cán bộ, chiến sĩ, nằm trong tấm lòng và đời sống của những bà má, những chị phụ nữ, những anh du kích, những em bé với những hành động : cháy nhà này, cất nhà khác ; không ở trên nhà được thì đào hầm ở. Vì vậy, khi ta đã trực tiếp chiến đấu với quân đội viễn chinh Mỹ và chư hầu thì việc nhận định cho thật rõ so sánh lực lượng, tức là nhận rõ chỗ mạnh, chỗ yếu của Mỹ - nguỵ và nhận rõ sức mạnh của quân và dân ta, thành ra một việc lớn.
Vấn đề này, có một nội dung rất lớn chứa đựng rất nhiều vấn đề về quan điểm, lập trường, về phương pháp tư tưởng có tính chất khoa học, không thể nêu lên một cách đơn giản và cục bộ. Phải nêu lên với tất cả các khía cạnh của các phạm trù : bản chất và hiện tượng, toàn bộ và cục bộ, vật chất và tinh thần, số lượng và chất lượng, kinh tế và quân sự, các vấn đề mâu thuẫn, v.v… Phải đánh giá cho rõ cái thế bị động, thất bại của Mỹ - nguỵ, đánh giá cho rõ chất lượng, sức chiến đấu của một đội quân nguỵ hơn 50 vạn tên đang tan rã, suy sụp ; đánh giá cho rõ chiều hướng phát triển của đội quân nguỵ này nó sẽ được nâng đỡ để mạnh trở lại, hay ngược lại, Mỹ càng vào nhiều thì nó lại càng suy sụp, tan rã, mất tác dụng. Phải làm sao đánh giá được cái chiêu bài “độc lập”, “tự do”, chiêu bài “giúp đỡ”, “đồng minh”, v.v… ; nó sẽ xoa dịu được hay sẽ làm tăng lên mâu thuẫn giữa dân tộc ta và bọn xâm lược. Phải đánh giá cho được sức chiến đấu của một đội quân trang bị cồng kềnh nhưng phi nghĩa, ngờ nghệch, “công tử bột” của Mỹ. Phải đánh giá được tính chất những khó khăn về hậu cần của Mỹ ; chúng giàu thật nhưng nhu cầu của chúng lại quá phức tạp, quá nhiều. Ví dụ, mỗi tên lính Mỹ bình quân phải cần đến mấy tấn trang bị tiếp tế một tháng, tức nếu có 30, 40 vạn quân thì phải chuyên chở hàng triệu tấn để cung cấp. Nếu thiếu thốn một chút là chúng không thể chiến đấu được, v.v… và v.v…
Từ nhiều mặt tổng hợp lại mới thấy được hết các chỗ yếu cơ bản của địch, chiều hướng phát triển các chỗ yếu đó ngày càng nhiều, càng gay gắt. Rồi lại từ cái chung đến những cái thực tế cụ thể ở chiến trường như lính Mỹ không chịu được nắng, thấy cái gì cũng lạ, một thằng chết là những thằng khác rống lên, Mỹ khinh nguỵ, nguỵ lánh xa và tẩy chay Mỹ, chúng bắn nhầm nhau và bắn thật vào nhau. Mỹ sợ rắn, sợ kiến, nóng không chịu được rủ nhau ra suối, ra đầm mà tắm, v.v… Qua thực tiễn chiến đấu, lại càng thấy rõ hơn những chỗ mạnh cơ bản của ta, chỗ yếu cơ bản của địch. Từ đó mà các cán bộ, chiến sĩ ta tìm ra được nhiều cách đánh, nhiều cách thắng Mỹ. Các dũng sĩ diệt Mỹ của ta càng ngày xuất hiện càng nhiều. Và tư tưởng của cán bộ và chiến sĩ ta từ chỗ nhận thức chung đến chỗ nhận thức cụ thể, sâu sắc, lại từ chỗ nhận thức thấy những hiện tượng cụ thể, củng cố những nhận thức chung càng rõ hơn, lập trường, quan điểm được nâng lên, lòng tin tưởng được vững vàng hơn.
Tuy nhiên, phân tích so sánh lực lượng không phải chỉ có phân tích chỗ yếu của Mỹ, còn phải nhận thức rõ những tác hại của sức mạnh vật chất, kỹ thuật của chúng như máy bay, pháo binh, cơ giới, hoá học. Thấy rõ sức mạnh đó nhưng lại nhận thức cho rõ chỗ hạn chế của chúng, nhược điểm của chúng, để tích cực phát huy chỗ mạnh của ta mà đánh thắng. Khẩu hiệu “nắm thắt lưng Mỹ mà đánh” hay “lấy máu Mỹ nhuộm lưỡi lê” xuất hiện trong lúc này có những ý nghĩa đặc biệt hay của nó. Cũng như trong nhân dân xuất hiện những khẩu hiệu “hầm tốt hơn nhà tốt”. Đó là những biểu hiện của tinh thần cách mạng, quyết tâm nhận rõ kẻ địch để đánh bại kẻ địch.
Hơn nữa, nhận thức đánh giá đúng một kẻ địch nhiều vũ khí, nhiều vật chất, tiền của như Mỹ trong một cuộc chiến tranh khẩn trương, ác liệt, không phải giản đơn, nhất là trong những trận chiến đấu thật ác liệt, hoặc sau một số trận như thế trong một hoàn cảnh cụ thể của một địa phương cụ thể nào đó, và trước những khó khăn tạm thời về đời sống và thiếu thốn vật chất. Lúc đó phải giải thích được tính chất những khó khăn, thiếu thốn của ta là tạm thời, là thứ yếu, là có thể khắc phục, là khó khăn tất nhiên của bước phát triển cách mạng ; phân tích rõ yếu tố chủ yếu của sức mạnh của ta là ở tinh thần chiến đấu, tinh thần khắc phục khó khăn, kẻ địch cố tình gây khó khăn cho ta để hòng thoát khỏi thất bại. Ta khắc phục được khó khăn tức là càng đẩy chúng vào thế bí và thất bại nặng hơn. Ví dụ, nó bắn pháo để ngăn ta không tiếp cận tiến công, nhưng ta kiên quyết và khôn khéo tiến công thì ta thắng. Nó dùng cơ giới bằng sắt thép để uy hiếp ta, ta không sợ mà cứ dũng cảm và mưu trí đánh tan cơ giới của chúng thì chúng thất bại. Như thế là sức mạnh tinh thần của ta làm cho những vũ khí có trong tay phát huy tác dụng mạnh mẽ gấp nhiều lần vũ khí của địch. Ví dụ, địch rất nhiều máy bay, pháo binh hiện đại, nhưng có khi chúng tốn hàng triệu lít ét-xăng, hàng ngàn tấn bom đạn không bằng 1 phần 10 tác dụng của mấy khẩu súng cối của ta. Chiến sĩ ta đã tự hào nói rằng “Mỹ có B.52, ta có C.81 mà Mỹ sợ C.81 (chỉ súng cối 81 mi li mét) của ta chứ ta không sợ B.52 của Mỹ”. Vì vậy, trong cuộc chạy đua thay đổi so sánh lực lượng này, Mỹ không thể địch lại được ta ; ta phát triển lực lượng tinh thần vô hạn, địch thì đưa bao nhiêu lực lượng vật chất vào cũng là có hạn. Chúng muốn lấy sức mạnh vật chất thắng tinh thần cách mạng của ta, nhưng ta nhận rõ sức mạnh vật chất có hạn của chúng, ta quyết thắng là ta đánh bại được địch. Giáo dục về so sánh lực lượng không phải chỉ bày ra cho hết những sự vật trước mắt của ta và địch mà điều quan trọng là phải thấy sự phát triển của hai phía địch và ta. Trong lịch sử, nhân dân ta đã thấy rõ ta phát triển từ không đến có, từ yếu đến mạnh, còn đế quốc dù là Pháp hay Mỹ thì từ mạnh đến yếu, từ thế thắng tạm thời đến bị động, thất bại. Hiện nay, lực lượng vũ trang của ta không phải là nhỏ yếu mà đã hùng mạnh, dày dạn, thiện chiến. Nhân dân ta cũng đã giàu kinh nghiệm và được thử thách, rèn luyện rất nhiều. Hậu phương lớn, miền Bắc xã hội chủ nghĩa của chúng ta sau mười năm xây dựng đã có sức mạnh vững chắc. Thế giới đối với chúng ta thì rất yêu mến, khâm phục và nhiệt tình giúp đỡ. Tất cả những thứ đó cứ ngày càng tăng, càng vững, lại thêm cho chúng ta nhiều sức mạnh. Còn đế quốc Mỹ và tay sai thì ngày càng suy yếu, cô lập, bị khinh bỉ, mâu thuẫn của chúng ngày càng tăng, càng sâu sắc. Qua cả một quá trình có những phức tạp, quanh co, nhưng xu hướng chung của ta là càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng, xu hướng chung của địch là càng đánh càng yếu, càng đánh càng thua. Nhận xét được chân lý này cũng không giản đơn. Nhưng nhân dân ta trải qua hơn 20 năm liên tục đấu tranh, đã có đủ điều kiện thời gian và kinh nghiệm cụ thể để thấy rõ được điều này. Và có nêu bật được điều này lên mới càng củng cố lòng tin và ý chí quyết thắng của ta, làm cho lòng tin và ý chí có những cơ sở rất rõ ràng, rất khoa học của nó, không phải là sự phỏng đoán, suy luận nữa. Cho nên, quá trình giáo dục về so sánh lực lượng là một quá trình xây dựng lập trường chiến đấu, xây dựng phương pháp tư tưởng, cổ vũ, động viên chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phân tích sự việc khoa học, khách quan theo phép biện chứng cách mạng, củng cố vững chắc lòng tin vào khả năng giành thắng lợi của ta.
Nếu không xây dựng được lập trường, quan điểm cách mạng vững chắc thì không thể nào có sự tiếp thu những giải thích khoa học theo phép biện chứng cách mạng được, không xây dựng được quan điểm “con người quyết định” thì không đánh giá đúng được tính chất hạn chế của sức mạnh vật chất. Công tác giáo dục để có một nhận thức đúng đắn về so sánh lực lượng là một công tác kiên trì thường xuyên, lúc thì khái quát, lúc thì cụ thể, lúc thì xây dựng quan điểm, lập trường là chủ yếu, lúc khác lại phải lấy uốn nắn phương pháp tư tưởng là chủ yếu, nhưng nói chung thì thường xuyên phải xây dựng quan điểm lập trường.
Vừa qua, việc giáo dục để có một nhận thức đúng đắn về so sánh lực lượng là một công tác tập thể rất lớn, tất cả các cấp, các ngành đều làm, tất cả mọi nơi, mọi lúc đều làm, là một trong những công tác quan trọng nhất trong toàn bộ công tác động viên đánh Mỹ.
* * *
Công tác động viên đánh Mỹ là một công tác tư tưởng rất lớn, rất phong phú, rất nhiều mặt, nhiều việc. Ở đây không thể nêu lên hết, mà chỉ bước đầu nêu lên những nét nổi bật nhất. Công tác động viên đánh Mỹ trong hai năm qua có thể coi là một thành công quan trọng trong công tác tư tưởng của ta. Những thành công và kinh nghiệm của nó có một ý nghĩa rất lớn. Nó đã góp phần quan trọng chủ yếu vào những thắng lợi đánh Mỹ của quân và dân ta, đồng thời nó càng chứng minh rõ rệt vai trò quan trọng của công tác tư tưởng, nêu lên những vấn đề cụ thể của công tác tư tưởng. Nó chỉ rõ công tác tư tưởng không phải chỉ là việc lên lớp, hô khẩu hiệu mà là một công tác phong phú, khoa học. Nó chỉ phát huy được sức mạnh khi được tiến hành có hệ thống, có cơ sở, cụ thể và sâu sắc. Công tác động viên đánh Mỹ vừa qua còn chứng minh rõ rệt sức mạnh của tinh thần cách mạng, từ đó nó làm nổi bật vấn đề so sánh lực lượng : lực lượng của nhân dân cách mạng và mọi lực lượng phản động xâm lược. Nó là sáng tỏ chân lý lực lượng cách mạng của nhân dân được tổ chức lãnh đạo, giáo dục chặt chẽ và đúng đắn là sức mạnh vô địch, có thể đánh bại bất cứ kẻ thù nào, bất cứ thứ vũ khí nào. Nó nhắc nhở chúng ta trong suốt quá trình đấu tranh quyết liệt này, việc giáo dục, động viên quán triệt quyết tâm, củng cố quyết tâm và các công cuộc giáo dục chính trị khác luôn luôn đóng vai trò quan trọng chủ yếu.
        
        Tháng 12 năm 1966.

         (Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét