Thứ Tư, 10 tháng 8, 2022

Lớp học quân sự ở chiến khu


Hồi ấy là giữa năm 1944, sau khi tôi đã về công tác ở ATK số một – vùng Kha Sơn, Mai Sơn, Phú Bình (Thái Nguyên) – được vài ba tháng. Trên cơ sở phong trào cũ, tôi đã tổ chức được một chi bộ Đảng và phát triển nhiều tổ chức quần chúng.

Tôi đã viết thư phê bình vài ưu, khuyết điểm của báo Cứu quốc và báo Cờ giải phóng, sau đó ít lâu thì được Trung ương gọi về làm công tác tuyên huấn. Về sau đồng chí Trường Chinh cho biết là đã nhận được thư phê bình ấy, đồng chí rất thích, vì đó là lần đầu tiên trong thời kỳ làm báo bí mật đồng chí nhận được thư phê bình của cán bộ. Và sau khi biết tôi cũng thích viết và đã tham gia làm báo Suối Reo trong tù, đồng chí quyết định để tôi về giúp việc ở Ban Tuyên huấn Trung ương.

Nhưng trước khi thay công tác, nhân tiện có một lớp học quân sự mười lăm ngày, đồng chí cho phép tôi dự lớp đó luôn để biết thêm tri thức quân sự cần thiết, nhất là trong lúc vấn đề chuẩn bị tổng khởi nghĩa đã đặt ra sát nút. Hơn nữa lớp học sẽ mở ngay trong khu vực tôi phụ trách và tôi phải lo việc tổ chức, tiếp tế, bảo vệ,…

Lớp học của chúng tôi hơn mười người do đồng chí Kiểm, tức đồng chí Ngô Thế Sơn, phụ trách huấn luyện. Lớp học tổ chức ngay ở trại ông Hiếu. Trại này vừa khuất, giữ được bí mật, lại vừa có địa điểm tập tốt. Mấy hôm đầu tôi phải lo việc đi đón học viên. Một hôm có một đồng chí học viên từ xa tới (cũng từ phía Hà Nội lên). Tôi đón ở một điểm cách chỗ học độ hơn mười cây số. Gặp tôi, đồng chí đó đã mệt lắm, vì đã đi đến bốn chục cây số rồi. Tôi khuyên đồng chí cố gắng đi. Đồng chí đó cũng đi theo, nhưng tình trạng mệt mỏi của đồng chí cũng giống như tình trạng của tôi lần tới đầu tiên vậy. Đồng chí đó thỉnh thoảng lại tụt đôi giầy vải ra cầm tay, rồi nhảy lò cò bước một. Không đi giày thì rát bàn chân, mà đi giày vào thì lại bị giày cọ xát vào cổ chân, đau quá. Tôi xách hộ tất hành lý, nhưng đồng chí đó vẫn đi rất vất vả. Tôi thông cảm lắm. “Thôi đành nghĩ mẹo động viên vậy, chứ chả còn cách nào khác. Hôm nay lại là hạn cuối cùng đón học viên rồi” – Tôi nghĩ vậy. Nhưng mẹo của tôi không giống như đồng chí Kiểm đã động viên tôi lần trước. Vì đồng chí học viên cứ đi độ trăm thước lại hỏi tôi còn mấy cây số, nên khi đến cách địa điểm còn chừng năm tôi bảo là còn đến mười cây số. Tôi không gây ảo tưởng để đồng chí đó đỡ sốt ruột. Tôi lại bịa ra một chuyện: “Tình hình ở đây hơi gay, có một bọn phản động nguy hiểm, nếu kéo dài thời gian đi đường thì bất lợi”. Nói xong, (lúc ấy trời đã tối) tôi rút khẩu súng lục ra cầm ở tay – khẩu súng này tôi mượn của đồng chí Kiểm -, nghe ngóng ra vẻ nghiêm trọng và bước đi khẩn trương, tôi cố ý cho đồng chí học viên trông thấy tất cả cử chỉ của tôi và khi đồng chí ấy định hỏi, tôi giơ tay ra hiệu và suỵt một tiếng. Rõ ràng là trong tình thế sẵn sàng chiến đấu. Thế là cuộc đi có vẻ khả quan hơn trước. Chúng tôi đi như thế một mạch được hơn ba cây số! Lúc đó tôi mới bảo, thôi qua khu vực nguy hiểm rồi, ngồi nghỉ một chút. Nghỉ xong, tôi nói là còn độ bốn năm cây số nữa. Thực ra là sắp đến nơi. Nhưng do đã tạo ra được một tinh thần khẩn trương, nên đoạn đi này chúng tôi đi cũng khá lắm. Đồng chí học viên cứ yên lặng đi sau tôi, nhưng nghe tiếng thở của đồng chí, tôi biết đồng chí mệt lắm. Đến lúc tôi vạch cổng rào vào sân và tuyên bố: “Đến rồi!”, thì đồng chí học viên sung sướng quá:

- Mẹ kiếp, thế mà bảo còn bốn, năm cây số, làm ông lo toát cả mồ hôi! Đồng chí cười rất hể hả. Tiện đó tôi nói luôn, tôi đã nói dối đồng chí những gì. Đồng chí đó túm lấy tôi đấm một hồi, chửi vài câu và sau cùng thì cảm ơn tôi. Chúng tôi cùng cười rất khoái trá, vui vẻ.

Tôi không nhớ chính xác quân số và các chương trình học. Chỉ còn nhớ đại khái là có học bắn súng, cá nhân chiến đấu và tiểu đội chiến đấu. Cả lớp có một khẩu súng trường, một khẩu pạc-hoọc và một khẩu súng lục “Xanh-tê-chiên”. Những người không có súng thì có một cái gậy. Tổ chức rất đơn giản: mọi người là học viên, còn đồng chí Kiểm là giáo viên và phụ trách lớp học. Nhưng trong quá trình học tập cũng có nhiều vấn đề cần giải quyết: làm thế nào giữ bí mật để học tập, kiếm đâu ra gạo và thực phẩm ăn trong mười lăm ngày, ai nấu cho ăn? Là cán bộ sở tại, tôi có trách nhiệm phải giải quyết các vấn đề đó.

Theo ý kiến đồng chí Kiểm, tôi phải họp chi bộ để huy động quần chúng giúp đỡ lớp học. Các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, nông dân và cả các cụ cảm tình đến tham gia việc canh gác ở vòng ngoài làng cho chúng tôi, còn ngay tại địa điểm học thì chúng tôi tổ chức gác lấy và chỉ gác ban đêm. Các đồng chí đảng viên và một số anh chị em trung kiên phụ trách việc tiếp tế cho chúng tôi: xay thóc, giã gạo, mua rau, mua thịt. Anh chị em cứ chuẩn bị sẵn các thứ vào một gánh để ở một nơi nhất định, độ vài ngày tôi lại ra gánh về. Đi lại như vậy cũng phải đi đêm, địa điểm của chúng tôi phải giữ tuyệt đối bí mật và không ai được đến. Các anh em học viên phân công nhau nấu lấy cơm.

Chỗ học tập của chúng tôi rất kín đáo, nên ban ngày cũng học được, học ở sân những động tác cơ bản: các động tác đội ngũ và thao tác cá nhân. Hồi ấy chúng tôi còn hô “lập chính” (là nghiêm), “nghỉ ngơi” (là nghỉ). Chúng tôi phải ghi chép vào sổ những câu “lập chính”: đứng thẳng, hai gót chân chạm vào nhau thẳng trên một đường chỉ, hai đầu bàn chân xòe ra thành một góc sáu mươi độ, đầu thẳng, mắt nhìn thẳng, mồm ngậm, ngực ưỡn, bụng thót, hai tay buông xuôi, hai bàn tay úp vào đùi, ngón tay giữa thẳng đường chỉ quần, v.v… và học thuộc lòng.

Chúng tôi cũng học cả chiến thuật du kích và làm quen với những câu chữ nho: “Hóa chỉnh vi linh, hóa linh vi chỉnh”, “dương đông kích tây”, v.v… Về sau, trong khi vận động quần chúng, mỗi lúc phải giải đáp thắc mắc: “Lấy súng đâu mà đánh Tây đuổi Nhật”, tôi thường đem vốn hiểu biết về chiến thuật du kích ấy ra để giải thích.
Điểm nào đối với chúng tôi cũng rất mới mẻ, thú vị. Ai nấy đều ghi chép cẩn thận và học hành chăm chỉ. Việc học tập rất căng thẳng và bận rộn. Nhưng cũng có lúc rỗi rãi: những giờ nghỉ và những buổi tối trước khi đi ngủ. Những lúc đó, chúng tôi thường túm tụm lại với nhau tán chuyện. Tôi “tích lũy” được một số chuyện (đọc từ trước kia và hồi ở trong tù) như truyện “Suối thép” của Sê-ra-phi-mô-vích, truyện  “Trên miệng núi lửa” nói về cách mạng tư sản Pháp, lại thêm những chuyện nghe được của các đồng chí học ở Liên Xô (như đồng chí Trần Đình Long) hay các chuyện đánh du kích. Thế là lúc này vốn chuyện của tôi có dịp đem ra sử dụng một cách khá đắt. Tôi hay nói chuyện nhất, và lại toàn là chuyện nước ngoài, nên anh em gọi đùa là “đồng chí ngoại quốc”. Việc nói chuyện trở thành một nhu cầu, và thế là một hình thức công tác chính trị sơ sài được thực hiện: kể chuyện.

Tôi được cử làm chính trị viên. Và trong khi học tập tôi cũng được ở cương vị đó. Nhưng điều thú vị nhất là được sử dụng súng lục. Trong lớp, anh Kiểm cầm khẩu pạc-hoọc, còn tôi cầm khẩu cối xay “Xanh-tê-chiên”. Tôi lại càng tích cực kể chuyện.

Thời gian trôi nhanh lắm! Thấm thoát lớp học đã đến ngày bế mạc. Không biết do sáng kiến của ai, chúng tôi nhất trí phải tổ chức một buổi thao diễn. Cuộc thao diễn này có mục đích tổng ôn để kiểm tra kết quả huấn luyện, nhưng mục đích chủ yếu là báo cáo kết quả với đồng bào trong các đoàn thể cách mạng ở địa phương, những người đã hết lòng giúp đỡ lớp học chúng tôi. Cuộc thao diễn cũng nhằm nói lên việc xây dựng lực lượng vũ trang của ta, động viên thêm tinh thần cách mạng, tinh thần chuẩn bị tổng khởi nghĩa để thúc đẩy phong trào địa phương. Khoa mục diễn tập của chúng tôi gồm cả thao diễn đội ngũ chiến thuật và diễn tập chiến thuật. Khoa mục cuối cùng là… tiểu đội tấn công.

Đêm ấy trăng sáng. Địa điểm diễn tập của chúng tôi là một bãi rộng cạnh cánh rừng thông. Dưới ánh trăng những cây thông hiện lên nền trời thành những nét cứng cỏi hiên ngang. Không khí diễn tập cứ như một buổi tế cờ vậy. Mãi đến khuya mới bắt đầu, vì đồng bào từ xa phải chờ tối mới đi được. Hàng trăm đồng bào tập trung ở một phía trên bãi rộng ở sườn đồi. Chúng tôi nai nịt rất gọn, xếp hàng nghiêm túc chờ lệnh. Đồng chí Kiểm cũng nai nịt gọn gàng, lưng giắt khẩu pạc-họoc ra chỉ huy.

Tuy trong hàng ngũ chỉ có một khẩu súng trường, còn toàn là gậy tre cả, nhưng khi thao tác chúng tôi làm động tác mạnh mẽ, dứt khoát lắm. Và nhất là tiếng kim khí của khóa nòng, tuy chỉ là tiếng của một khẩu súng kêu lách cách thôi, nhưng lúc ấy nghe sao mà phấn khởi, tin tưởng đến thế. Các mũi… gậy khi vung lên, khi vươn ra phía trước cũng rất đều và hùng dũng. Cuộc diễn tập diễn ra đúng kế hoạch, không có gì đặc biệt. Nhưng ấn tượng dấy lên trong tâm tư chúng tôi thật là đặc biệt. Lúc đó chúng tôi cảm thấy có vũ khí trong tay, đang thực sự vùng dậy và đi đầu trong đội ngũ cách mạng để làm nhiệm vụ chiến đấu vẻ vang nhất. Trong suốt thời gian học tập, chúng tôi ăn miếng cơm mà chúng tôi biết chắc là đồng bào ở đây tuy nghèo cũng cố chắt bóp giúp đỡ chúng tôi: chúng tôi được sống trong sự che chở đùm bọc của đồng bào. Số phận chúng tôi gắn chặt với vận mệnh của đồng bào. Và giờ đây chúng tôi đang báo cáo kết quả học tập với đồng bào để từ giã đồng bào và tỏa ra bốn phương xây dựng thêm các cơ sở lực lượng vũ trang của ta…

Ảnh : Thăm Quốc Tử Giám, tháng 6 năm 2002.
 Những cảm xúc như vậy đã làm cho tiết mục cuối cùng của chúng tôi thêm nhiều chi tiết mới lạ. Sau khi biểu diễn hết các tiết mục, chúng tôi tập hợp lại đội ngũ chỉnh tề. Và tôi được cử ra thay mặt anh em để cảm ơn đồng bào. Tất nhiên, tôi đã làm điều đó đầy phấn hứng và xúc động. Tôi nghĩ lại những đêm đi kiểm tra gác ở ngoài làng và nhận những gánh gạo, gánh cá, gánh rau về. Và còn biết bao nhiêu giúp đỡ tận tình khác!… Nhờ vậy những lời cảm ơn của tôi đã tỏ ra rất đỗi thật thà, chân tình. Cảm ơn xong, tất nhiên chúng tôi phải chào đồng bào, nhưng nếu chào rồi giải tán thì sợ nhạt quá và biết kết thúc thế nào? Nếu không cẩn thận lại lộ bí mật địa điểm. Thế nên chúng tôi làm như chúng tôi đi nhận nhiệm vụ chiến đấu. Chúng tôi nói là sau khi học tập xong, chúng tôi “hành quân” đi làm nhiệm vụ chiến đấu, hứa sẽ báo tin thắng lợi về với đồng bào! Và ngay lúc đó lại có tiếng máy bay bay trên đầu (chắc máy bay Mỹ đi đánh quân Nhật), nên không khí chuẩn bị chiến đấu càng đúng lúc. Chính vì thế trước khi chúng tôi “xuất phát” thì một bác ở trong Hội nông dân cứu quốc và là một chủ một nhà mà tôi hay đi lại, tưởng là tôi phải đi đột ngột, chạy ra nắm lấy tôi trách sao không cho biết trước, và ông ta rưng rưng nước mắt chúc chúng tôi lên đường khỏe mạnh. Một vài đồng chí đảng viên địa phương cũng cho là chúng tôi kéo nhau đi xa và đi chiến đấu ngay, nên đã chạy ra bắt tay từ biệt tôi và anh Kiểm. Trong đám đông nhiều đồng bào sùi sụt thương chúng tôi gian khổ, vất vả vì nước vì dân. Đồng bào nói: “Khốn khổ, bây giờ chúng tôi về, gường cao, chiếu sạch, còn các anh lại phải ra đi, rồi đêm nay ngủ đâu, gường đâu, chiếu đâu, ngủ rừng, ngủ bụi hay sao hở?…”. Cũng có đồng bào khuyến khích: “Việc nước là việc chung, các anh có chí, có tài, các anh gánh vác việc nặng hơn, chỉ biết chúc các anh mạnh khỏe. Còn chúng tôi thì cách mạng cần gì, chúng tôi xin ra sức đóng góp sức người sức của…”.

Sau một lúc bịn rịn, khẩu lệnh của anh Kiểm vang lên. Chúng tôi chuẩn bị nghiêm trang. Anh Kiểm hô: “Bồng súng chào”, rồi “bên trái quay”, và “đi đều bước”. Chỉ có hơn mười người, nhưng chúng tôi đi rất hùng dũng. Và ai nấy đều có cảm tưởng như cả một đoàn quân đang tiến ra chiến trường. Tiếng sùi sụt trong đồng bào càng nhiều và rõ hơn!

Tất nhiên, chúng tôi đi xa đó độ một cây số thì ngồi lại. Chờ đồng bào về hết, chúng tôi trở lại. Có một chi tiết khôi hài là, tuy chúng tôi gọi là “xuất phát”, “hành quân”, nhưng lại để tất cả hành lý (mỗi người một gói có dây đeo vào vai) tập trung một chỗ và để quên ngay ở bãi diễn tập!

Ngày hôm sau lớp học của chúng tôi giải tán. Chỉ còn tôi ở lại vì còn phải đem trả nồi niêu, bát đĩa, thúng mủng, rổ rá, quang gánh. Và một cảnh trớ trêu đã xảy ra. Tôi bắt buộc phải gặp lại người hội viên Hội nông dân cứu quốc đêm qua. Ông ta trách tôi sao lại nói dối, chưa đi lại bảo là đi, làm cho ông rối cả ruột cả gan. Nhưng sau đó ông lại trầm ngâm một chút và nói thêm:

- Thật ra thì các anh nói vẫn đúng thôi, các anh vẫn phải nằm gai nếm mật, và cách mạng ta cũng sắp đến lúc quyết liệt rồi, anh nhỉ?
Tình cảm cách mạng của quần chúng hồi ấy thật đặc biệt! Có trải qua những năm tháng dài sống trong tâm lý một người nô lệ, mất nước, nghèo khổ, bị áp bức, rồi đến lúc được sống trong tâm lý là mình có vũ khí, có lực lượng vũ trang trong tay, cùng nhau vùng dậy làm chủ cuộc đời của mình, mới có thể có những niềm xúc động như chúng tôi hồi đó, như đồng bào hồi đó. Và cũng từ đó mới hiểu hết ý nghĩa chữ “Quân đội nhân dân”, mới thấy hết cái sâu sắc, thấy hết cái nặng tình nặng nghĩa của nhân dân với quân đội và của quân đội với nhân dân.

Riêng tôi, nhờ lớp huấn luyện này mà về sau tôi tổ chức và huấn luyện thêm được nhiều đội tự vệ chiến đấu, để lúc khởi nghĩa tôi cùng các đồng chí cán bộ khác đã tổ chức ngay được một trung đội giải phóng quân. Tôi bước vào cuộc đời bộ đội từ đấy.

Tháng 12 năm 1962

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét