Thứ Năm, 25 tháng 8, 2022

“Anh đi, để lại cho đời …”


(Vĩnh biệt anh Trường Chinh)


Thế là anh đã thọ được 81 tuổi trời. Tôi tiếp nhận tin anh mất với một sự sững sờ, vừa cam chịu quy luật khắc nghiệt của thiên nhiên, vừa cay đắng bị mất đi của đời mình một cái gì quý báu và thân thiết không thay thế được.
Được cùng sống với anh cả một quãng đời dài hơn 40 năm, tôi luôn luôn có một sự vững tin: có anh, một người anh, một người thầy, một người đồng chí lãnh đạo đầy tin cậy. Biết bao nhiêu kỷ niệm về anh mà tôi nhiều lần kể cho con cháu và bạn bè nghe với niềm thích thú và cảm phục. Dịp này không phải là dịp lại kể lể những điều đó. Dịp này, anh mất đi, tôi chỉ muốn ghi nhận sự lắng đọng của anh trong tôi và có lẽ trong cả cuộc đời chung.
Năm 1944, khi tôi mới bước sang tuổi 21, tôi được gặp anh. Khi tôi vượt khỏi xiềng xích tù ngục, được anh, lúc ấy là “Anh Toàn” đón tôi ở bờ sông Hồng một buổi trưa trời đầy nắng đẹp, gió lành. Sau đó, tôi được nghe các anh các chị quanh anh nói về “Anh Toàn” với một sự tôn kính đặc biệt, tôi thấy cuộc sống của tôi có một hạnh phúc lớn. Không hiểu tại sao tôi biết ngay và tôi yên chí như vậy : Anh là Đặng Xuân Khu, và anh là người chịu trách nhiệm chủ chốt trong sự lãnh đạo phong trào cách mạng lúc đó. Và tôi nói chuyện với anh về cuốn sách “Vấn đề dân cày” và báo Travail như tới vốn dĩ đã biết anh rõ từ lâu. Mãi cho đến bây giờ tôi vẫn không lý giải được cái linh cảm kỳ lạ của tôi về con người của anh. Anh sát hạch tôi mấy câu: “Anh có đọc được không? Anh có viết được không?” và khi tôi trả lời là “có”, anh liền kết luận: “Anh về công tác thanh niên nông thôn, tốt lắm đấy!”. Thật là đơn giản, sâu sắc, thiết thực và chính xác. Rồi từ đó khi ở chiến khu, lúc về giúp anh làm báo Cờ Giải phóng, tôi đã tiếp nhận những sự chỉ đạo cách mạng mà tôi nghĩ như là sản phẩm của một trí tuệ huyền thoại từ ở đâu xa thẳm truyền về, mà lại gần gũi rõ ràng trên những trang viết của anh, tôi phải chép sạch lại cho anh những tư tưởng trong “Đề cương văn hóa Việt Nam”, trong sách phân tích “Chiến tranh Thái Bình Dương”, ... trong chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động chúng ta”, trong bài xã luận báo Cờ Giải phóng kêu gọi và chỉ đạo chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa. Tính tôi vẫn mang ấn tượng “thượng cấp” là những đấng “minh quân”, thông minh, xuất chúng, từ ở thượng cấp mỗi lời mỗi ý đều là thánh ý, thiên ngôn. Ấy thế mà tôi lại sống ngay bên cạnh một “thượng cấp” như vậy. Tôi lại còn thấy thượng cấp cao siêu như thế còn thương tiếc đến đau xót và tôn trọng cực kỳ một đồng chí khác : anh Hoàng Văn Thụ. Anh phải bảo tôi đưa chuyển chiếc áo len của anh Hoàng Văn Thụ cho người khác, kẻo hàng ngày anh mặc, anh xúc động thương nhớ anh Hoàng Văn Thụ đến không chịu nổi. Tôi còn được thấy anh hớn hở một cách hồn nhiên khi làm xong một bài thơ, anh đọc tôi nghe và nói thác ra là: “của người ta gửi đến đăng báo”. Tôi cũng thấy anh than thở:
“Tiền không có, lấy gì mua len sợi
Tặng cho em đan áo mặc mùa đông”
Lúc ấy anh chưa nói rõ em đó là cô Oanh và tôi chỉ đồng cảm với anh là có một đồng chí nào đó chịu rét mướt, anh thương và than thở.
Cái cao cả nằm ngay trong cái bình dị. Tôi ngẫm nghĩ và hết sức thích thú vì tên bí của anh có lúc là “Nhân”. Tôi ngắm anh và tôi thấy toàn bộ con người anh, phong cách anh, tâm hồn của anh, tiếng cười và ánh mắt của anh đều biểu hiện một chữ “Nhân” thật sự. Nhân dân khu vực căn cứ lúc ấy bàn tán về anh, đều có nhận xét anh là người có “chân mạng ...”, họ muốn nói “chân mạng thiên tử” nhưng thực chất anh đúng là có “chân mạng và tướng tinh… nhân hậu”.
Tôi lại cũng rất thích tên “Thận” của anh. Và tôi nhiều phen lao đao khổ sở về tính cẩn thận rất nguyên tắc của anh. Tôi cứ thích thú hoài: Tên anh là Thận, lại là Nhân. Hôm nay tôi lại cầm trên tay những cuốn sách của anh gửi cho với những chữ đề tặng hết sức chân phương chu đáo, đầy đủ hết các dấu i và dấu nặng. Anh đề “Tặng Anh Trần Độ” với chữ Anh viết hoa. Anh trân trọng đồng chí bao nhiêu, tuy tôi nhỏ hơn anh gần 20 tuổi và thường nghịch ngợm lếu láo, anh phải dạy bảo khuyên nhủ và đe nẹt. Và có lúc tôi cũng cả gan cãi ngược lại với anh cả những nhận định về văn nghệ hoặc về một vài tác phẩm cụ thể. Những lúc ấy anh cười, cười hồn nhiên và sảng khoái.
Một tình người, tình đồng chí như vậy há chẳng phải là một hạnh phúc lớn hay sao? Anh mất đi, cả nước tổn thất lớn. Nhưng tổn thất của riêng tôi có lẽ lớn hơn cả.
*  *  *
Sự tổn thất do anh mất đi đối với tôi và cũng chắc đối với nhiều người, còn là ở chỗ này:
Cách mạng nước ta trong hơn chục năm qua gặp một sự thử thách nặng nề. Trong sự bối rối chung ấy, ở tuổi ngoài 70 của anh có một sự “hồi xuân” trí tuệ và tình cảm hết sức đặc sắc đáng quý vô cùng, lẽ ra nó phải được trở thành ánh sáng và niềm hy vọng lớn của đất nước.
Lúc này tôi chẳng có tâm trí lục lại văn kiện của Đảng, nhưng tôi nhớ sâu sắc rằng từ Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (khóa V) anh có thốt ra hai chữ “bung ra” với tư tưởng “cái gì quốc doanh làm tốt thì quốc doanh làm, cái gì HTX làm tốt hơn thì để HTX làm, cái gì tư nhân làm tốt hơn thì để tư nhân làm”, không nên phân biệt đối xử với các thành phần kinh tế và “những người có đầu óc tư hữu, nhưng không vì thế họ không yêu nước”. Đó chính là tiền đề cho tư tưởng “giải phóng mọi năng lực sản xuất” và “phát triển mạnh mẽ sức sản xuất” và phải nhận thức cho đầy đủ quy luật: “Quan hệ sản xuất phải được cải tạo cho phù hợp với tính chất và trình độ sức sản xuất”.

Ảnh: Với Tổng Bí thư Trường Chinh, 1977
 Tôi được biết khoảng những năm 1983 - 1984 sau khi anh trực tiếp xem xét và nghe báo cáo của một số cơ sở kinh tế anh đã nói: Anh đã gặp một sự thật ngược hẳn lại những điều anh đã nghe các cơ quan báo cáo. Và đó có lẽ cũng là yếu tố quan trọng để anh có thể đề xướng “lấy dân làm gốc” và “nhìn thẳng vào sự thật”. Anh cảm nhận sâu sắc “Đổi mới là vấn đề sống còn” của đất nước hiện nay. Tôi cứ sung sướng mà nghĩ rằng: Anh Trường Chinh lại trở lại vai trò của mình trong những năm 40 trước cách mạng. Với một sự trong sáng tuyệt vời và tinh thần hồn nhiên, nhân hậu anh đã đề xướng đúng và trúng với những vấn đề của đất nước đặt ra.
Tôi biết chắc tất cả không phải chỉ là ý kiến của một mình anh, nhưng tôi tin chắc là do anh đề xướng, anh đề xướng những điều mà anh thu hút được rõ ràng, chính xác trong cuộc sống của nhân dân. Do đó bốn bài học anh nêu lên trước Đại hội VI được toàn Đảng tán thưởng và trở thành Nghị quyết của Đại hội.
Những gì anh để lại cho đời là lớn lao: Từ những tác phẩm trong giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đã được xuất bản, 2 tập sách “Về văn hóa và nghệ thuật” của anh là những tài sản tinh thần quý giá. Nhưng tư tưởng đổi mới của anh trong thời gian gần đây có thể còn có giá trị đặc sắc hơn nhiều. Giá trị đặc sắc đó còn biểu hiện ở phẩm chất tuyệt vời của một người lãnh đạo như anh : Tin ở dân và quyết tâm đổi mới!
Anh thật xứng đáng học trò và bạn chiến đấu của Bác Hồ kính yêu.
Anh Trường Chinh thân yêu.
Anh đã ra đi để gặp Bác Hồ
Hôm nay tôi và các anh em trong Ban Văn hóa Văn nghệ trung ương đến nhà để viếng anh, thắp những nén hương thành kính. Tôi lại xúc động tóm tắt một quãng đời tôi với hai sự kiện :
Năm 1944, anh giảng “Đề cương văn hóa” cho tôi và phái tôi đi liên lạc với các anh Văn hóa cứu quốc. Năm nay (1988) tôi đến thắp hương vĩnh biệt anh cùng với những đồng chí trong Ban Văn hóa Văn nghệ của Trung ương. Tôi đã ghi vào sổ tang “Thương tiếc sâu sắc anh Trường Chinh, một người anh, một nhà văn hóa lớn, một người lãnh đạo xuất sắc...”.
Vĩnh biệt anh, nhưng tôi vẫn tự bồi dưỡng và tẩm bổ cho tôi những tư tưởng đổi mới, tinh thần đổi mới. Đó là tư tưởng của thời đại. Đó là tư tưởng và tình cảm của anh để lại cho đời và cho tôi. Vĩnh biệt anh, tôi thầm mong tư tưởng đổi mới được tôn trọng, được phát triển và được thực hiện. Và tôi tin rằng như vậy thì - giống như người xưa đã nói – “Anh có thể ngậm cười nơi chín suối”. Xin một lần nữa bằng những dòng này tôi thắp những nén hương lòng trước vong hồn anh.
Đêm 1-10-1988
Một học trò nhỏ của anh
Trần Độ

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét