Thứ Tư, 10 tháng 8, 2022

Chuyện Ông, chuyện Bà

           Tên của ông Độ khi sinh thành là Tạ Ngọc Phách. Từ lúc thoát ly quê nhà đi hoạt động cách mạng, ông lấy tên là Độ. Theo suy đoán từ chuyện cũ ông kể thì cái tên này đã theo ông từ sau ngày thoát khỏi nhà tù đế quốc ở Sơn La vào cuối năm 1943.

       Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông Độ tham gia hoạt động quân sự ở Hà Nội làm Chính trị viên Khu Hà Nội cùng với ông Vương Thừa Vũ là Khu trưởng. Thời gian này, hai ông làm việc, ăn ở trong trại Bảo An binh cũ, trước cửa rạp Tháng Tám ngày nay. Hình ảnh ông Độ trong con mắt của nhiều thanh niên Hà Nội lúc đó là: Hàng ngày, ông vận đồ ka ki may theo kiểu Mỹ, khẩu súng colt nằm xệ xuống đùi, cưỡi xe harley màu đèn sì chạy quanh các chiến lũy dựng trên khắp phố phường, hô hào tự vệ đắp ụ chặn đường.


Đoàn đại biểu hội đồng họ Tạ Việt Nam đến dâng hương tại nhà thờ Gia đình ở Thư Điền, Tiền Hải, Thái Bình
 ngày 01 tháng Bẩy năm Nhâm Dần (2022)

Một hôm có cuộc họp, người đến dự được triệu tập bằng mệnh lệnh. Khi đến nơi, người vệ binh viết tên họ đại biểu vào tờ phiếu nhỏ để mang vào Hội trường. Khi ông Độ đến nơi, xưng tên với người Vệ Quốc đoàn đeo kính. Anh ta liền hỏi lại:

- Thưa Thượng cấp, họ là gì ạ?

Ông Độ ngẩn ra một lúc vì từ lúc có cái tên này chưa bao giờ ông nghĩ tới một cái họ nghiêm túc. Người đeo kính nhanh nhẩu, tay viết, miệng nói:

- Họ Trần nhé! Trần Độ!

Nhận tấm phiếu ghi đầy đủ tên họ, ông Độ cũng cảm thấy vui vui… Thế rồi cái tên họ ấy gắn chặt với suốt cuộc đời ông những năm về sau.

Năm 1975, sau khi kết thúc chiến tranh, ông Độ đã từng muốn đổi về họ tên do cha mẹ đặt cho. Có ý định đó vì ông Độ vẫn luôn nghĩ về dòng họ Tạ đã sinh ra và nuôi dưỡng ông có được ngày hôm nay. Khi làm việc này, ông Độ nghĩ chắc là cũng đơn giản, đổi cái Chứng minh thư là xong. Ông trình bày ý định này với ông Bộ trưởng Bộ Công An trong dịp họp Hội nghị Trung ương Đảng. Ông Bộ trưởng gạt đi ngay: Không được đâu, đổi tên không chỉ liên quan đến giấy tờ cá nhân mà còn phải sửa lại tất cả hồ sơ giấy tờ của những người liên quan, rồi biết bao nhiêu các tài liệu khác của những người từng công tác làm việc với ông suốt những năm tháng mà ông nắm giữ trọng trách, v.v… Thế là cái ý định đổi họ tên từ Trần Độ về Tạ Ngọc Phách không thực hiện được. Ông vẫn là Trần Độ cho đến ngày nay!

*  *  *

Người đời thường nói: Tên Tuổi... Kể chuyện Tên của Ông rồi, lại kể tiếp chuyện Tuổi của Bà. Năm 2022, công an phường yêu cầu khai báo số liệu để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Mặc dù đã cung cấp tất cả những giấy tờ nhân thân của cụ Nguyễn Thị Phúc Hằng, nhưng rồi vẫn còn thiếu…

Cụ Nguyễn Thị Phúc Hằng sinh năm 1921. Ban đầu giấy tờ chỉ có ghi năm sinh vì ngay bản thân các cụ cũng không nhớ nổi nên chỉ ang áng. Một lần, vào năm 2012, cụ Hằng đã phải ra 90, Nguyễn Du (Phòng Cảnh sát Quản lý Hành chính…) để sửa năm sinh từ 1923 thành 1921. Khi đó, người cảnh sát làm thủ tục cũng yêu cầu ghi thêm mục “tháng”, ngày có thể không ghi cũng được, nhưng phải có tháng. Cụ Hằng đang cố lục tìm trong trí nhớ thì người cảnh sát gợi ý là “tháng Tám”. Có thể anh ta “mặc định” thế hệ các cụ sinh ra và trưởng thành làm nên Cách mạng tháng Tám năm 1945 nên cứ sinh vào tháng đó là hợp lý. Cụ Hằng chả còn cách nào khác bằng cách gật đầu đồng ý cho ghi vào hộ khẩu là sinh tháng 8 năm 1921.

Lần này, người công an khu vực xem hết lượt từ chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu rồi cả thẻ Đảng, thậm chí lên văn phòng Đảng ủy phường lục tìm lý lịch Đảng để tìm mà vẫn không ra cái ngày sinh. Số liệu nhập vào cơ sở dữ liệu không cho phép thiếu những con số này. Vì vậy, anh ta liên tục giục giã gia đình bổ sung con số đó. Cụ Hằng đã sang tuổi 102, nhiều thứ quên tiệt, sao mà nhớ được ngày sinh. Người công an khu vực gợi ý cho gia đình là cứ lấy một ngày nào đó khai với anh ta để ghi vào máy tính. Có lẽ cũng không phải suy nghĩ quá lâu, con dâu Bùi Minh Nguyệt gọi ngay lại: Ngày Mười Chín nhé! Mười Chín tháng Tám. Ngày “mặc định” sinh ra cả một thế hệ người Việt Nam làm cách mạng.

Vậy là cụ Hằng có đầy đủ ngày tháng năm sinh: 19 tháng Tám năm 1921. Ngày sinh của Cụ được con dâu quyết định và được công bố trên cơ sở dữ liệu quốc gia năm 2022.

(Tháng Tám năm 2022)

1 nhận xét:

  1. Chuyện rất hay! Rất Trần Độ! Cảm ơn sự thông minh của Nguyệt!

    Trả lờiXóa