Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2022

Tào Mạt


Tôi biết Tào Mạt từ những năm cuối của thập kỷ 50 và những năm đầu của thập kỷ 60, lúc ấy anh là một cán bộ sáng tác của Đoàn Văn công Quân Khu Hữu ngạn mà tôi là Chính ủy. Chính ủy vốn hay quan hệ mật thiết với văn công. Tôi biết anh như một thành viên của Đoàn Văn công. 

Chân dung Tào Mạt. Ảnh: Trần Độ 

Tôi gặp anh hoặc nghĩ đến anh không bao giờ bằng cái tên thật của anh: Nguyễn Đằng Thục, mà chỉ là Tào Mạt. Lúc ấy cũng có người hay hỏi tôi tại sao anh ấy lại tên là Tào Mạt. Tôi thường trả lời theo sự phán đoán thô thiển của tôi:
“Cậu ấy là viết kịch mà ở Trung Quốc có một ông viết kịch giỏi tên là Tào Ngu. Có lẽ cậu ấy muốn mình cũng giỏi như Tào Ngu, nên lấy tên là Tào Mạt cho vui”.
Rồi tôi cũng không bao giờ hỏi Tào Mạt về chuyện tên tuổi, mà tôi chỉ nhận biết con người ấy là Tào Mạt. Sau, tôi đọc lại Đông Chu Liệt quốc, mới thấy có nhân vật Tào Mạt là tể tướng tài năng và cương trực. Tôi hiểu ý Tào Mạt là không phải muốn làm tể tướng, mà muốn là một người tài năng và cương trực, thực sự anh đã là như thế.
Vì vậy anh không chọn những tên tuổi nổi tiếng quen biết khác, mà lại lấy tên của ông Tào Mạt một nhân vật trong Đông Chu Liệt quốc, mà không ít người có đọc qua, cũng không nhớ lắm!
Từ năm 1974, thì tôi gặp anh nhiều hơn. Sau 15 – 20 năm, tôi gặp lại một Tào Mạt khác hẳn: Anh trưởng thành hơn, chín chắc hơn, hiểu biết hơn và cũng “bốc lửa” hơn.
 Tôi gặp lại anh đúng vào lúc anh đang sáng tác và đạo diễn biểu diễn ba vở chèo nổi tiếng của anh, có một tên chung là “Bài ca giữ nước”. Anh đang thành công và cũng đang gặp khó khăn trắc trở. Anh có một mục tiêu mà anh đem cả sinh mệnh và ý chí tâm huyết ra thực hiện: khôi phục và phát triển ca kịch dân tộc (chứ không phải chỉ là chèo). Tôi được nghe anh nói nhiều về việc này. Anh có một nhận thức toàn diện về việc này, mà tôi hoàn toàn tán thành và khâm phục. Đó là cần phải biết rõ thực chất “ca kịch dân tộc” (tức là chèo và cả tuồng, cả cải lương) nó là cái gì, là thế nào, và thực chất, nguồn gốc của nó là cái gì, thế nào? Muốn phát biểu nó, phải hiểu thực sự thấu đáo những điều đó và anh đã thực hiện những ý kiến của anh một cách tốt đẹp và có hiệu quả. Tôi nhớ mãi những lúc anh nói chuyện với tôi về việc anh học tập để có vốn mà sáng tác “Bài ca giữ nước”. Anh đã học những nguyên lý cơ bản về ngôn ngữ Việt Nam, học những nguyên lý cơ bản về âm nhạc và thanh nhạc quốc tế. Anh bảo: dân tộc mình có kịch hát, hát thì phải có lời, muốn làm lời hát đúng và hay thì phải học ngôn ngữ và âm nhạc. Vừa nói chuyện anh vừa hát thí dụ cho tôi một cách say sưa. Khi anh gặp một nghệ nhân có nhiều điệu hát cổ, anh liền mang máy ghi âm đến xin học, một cách kiên trì và công phu, anh học đến khi anh hát được như nghệ nhân hát. Anh không như một số người vì quá yêu nghệ thuật dân tộc, mà gần như bài bác mọi thành quả của loài người ở các nước khác. Đến múa của chèo anh cũng đi học những nguyên lý cơ bản của múa ba lê, để tìm hiểu thật sâu sắc các điệu múa của dân tộc mình. Anh học người để hiểu mình sâu hơn. Anh thường nhấn mạnh với tôi là “muốn đào tạo diễn viên kịch hát dân tộc, phải bắt đầu các môn “cơ huấn” (huấn luyện cơ bản) về ngôn ngữ, âm nhạc và vũ đạo, chứ nếu chỉ học “truyền nghề” thì chậm mà không vững chắc, không thật chính xác”. Có bữa trong phòng tôi, anh dẹp hết bàn ghế và anh cứ mặc cái áo đi mưa bộ đội lòe xoè sột soạt, và đôi giầy “săng đá” có đinh kêu cồm cộp, mà anh hát, anh múa để minh họa những ý kiến của anh. Anh đọc rất nhiều và rất thuộc nhiều văn cổ của Việt Nam. Anh nói chuyện cũng nói với giọng văn cổ. Và anh sáng tác lời hát cũng thấm nhuần cái âm điệu và cách hành văn và ngôn từ của văn cổ. Nên lời hát của anh chau chuốt, hợp âm điệu, người nghe dễ nghe và người hát dễ hát. Lời của anh đều có nhiều ý vị triết học, đạo lý mà không bị loảng xoảng những danh từ chính trị hiện đại.

*  *  *
Tôi còn khâm phục anh ở tinh thần và ý chí tự học: Anh đọc toàn bộ Lê-nin toàn tập, đọc kỹ Hồ Chí Minh toàn tập, anh đọc nhiều tác phẩm của Lê Quý Đôn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, của Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Hồ Xuân Hương đến Tản Đà... và anh thuộc lòng nhiều đoạn. Anh tự học chữ Nho và trở thành một người làm thơ chữ Nho nhiều và hay, một người viết chữ Nho rất bay bướm và rất đẹp. Tôi đã gặp nhiều nơi treo thơ chữ Nho của anh như những bức tranh nghệ thuật và kể cả phòng tôi cũng luôn có “tranh” của anh. Có Tết 1992, anh lóc cóc đến nhà tôi, đeo theo một túi bút nho, một nghiên mực, bắt tôi đưa cho anh mấy tờ giấy trắng lớn rồi anh dẹp bàn nước, phủ phục xuống đó viết thơ Tết tặng tôi, anh lại còn tặng luôn các cháu nhà tôi mỗi đứa một bài.
*  *  *
Tôi tâm đắc với anh rất nhiều ý kiến về nhận thức văn nghệ. Tôi còn nhớ nhiều câu nói của anh, nó ngạo ngược nhưng sâu sắc và thật, mà anh chỉ nói với tôi thôi và cả tinh thần chiến sĩ của anh, tôi lại tâm đắc cả với những khát vọng nghệ thuật của anh mà anh thấy là còn phải làm việc thật nhiều. Tôi yêu cái tinh thần lạc quan và “bốc lửa” của anh. Anh nằm bệnh viện mấy tháng, tôi chỉ thăm anh được ba lần, mà cuối cùng không được đưa tiễn anh. Lần nào vào, anh là người bệnh lại nói nhiều hơn tôi là người thăm. Tiếng nói của anh cứ sang sảng và dự kiến của anh hầu như vô tận. Trong lúc anh ốm, anh được in một tập sách mỏng “những lời tâm huyết” là hầu hết những ý kiến của anh tôi đã được nghe và tán thành về cơ bản. Anh phấn khởi tặng tôi một cuốn khi anh trên giường bệnh.
Anh Tào Mạt có thể còn có những hạn chế về tư duy, về thông tin, nhưng nói chung, tôi nhìn nhận anh là một Nghệ sĩ lớn xứng đáng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân với thực chất của nó. Anh còn nhiều khát vọng, nhiều hoài bão nghệ thuật. Rất tiếc anh không còn để thực hiện những điều mà ngoài anh ra không ai làm nổi.
Nhưng Tào Mạt ơi! Anh có thể yên tâm an nghỉ. Vì chỉ cần anh để lại cho đời bộ ba chèo “Bài ca giữ nước” và “Mấy lời tâm huyết” cũng là anh đã để lại cho đời những giá trị cao quý mà rất ít người có được.
Tôi mãi mãi nhớ anh và Đời cũng mãi mãi nhớ anh!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét