Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2022

Trở về hậu phương lớn


Ngót mười năm ở chiến trường, sau khi hiệp định Pa-ri được ký kết, các anh ở Trung ương Cục, Bộ Tư lệnh miền gợi ý tôi tranh thủ ra Bắc nghỉ ngơi một thời gian. Đầu năm 1974, sau khi hoàn thành một số nhiệm vụ cần thiết và bàn giao xong mọi công việc tôi lên đường trở ra Bắc.

Cuộc chia tay thật bịn rịn. Tôi lần lượt đến các cơ quan của Trung ương Cục, Quân ủy Miền, Bộ tư lệnh Miền và đặc biệt là các anh em trong cơ quan chính trị mà có thời gian tôi vừa là phó Chính ủy Miền vừa là Chủ nhiệm Chính trị, bắt tay từng người, lưu luyến. Khó mà nói hết được tình cảm hết sức cao đẹp và thiêng liêng của những người đồng chí ở nơi khói lửa chiến trường.

Lần này ra Bắc tôi không đi máy bay như hồi 1969 cùng anh Nguyễn Văn Linh dự lễ tang Bác Hồ, mà là đi dọc Trường Sơn theo con dường chiến lược mang tên Hồ Chí Minh. Khi được tin này tôi rất thích thú, bởi nó rất phù hợp với nguyện vọng của tôi bấy lâu nay. Cách đây mười năm, khi đi B, tôi đã đi một con đường đặc biệt: Hà Nội - Quảng Châu bằng máy bay; Quảng Châu - Xi-ha-núc-vin bằng tầu thủy. Sau đó lên Phnôm Pênh rồi trở về căn cứ Trung ương Cục ở sát biên giới Việt Nam - Campuchia. Lần này ra Bắc lại được đi theo đường Trường Sơn, con đường chiến lược huyền thoại, thì đối với tôi là một niềm vui lớn. Vốn từ lâu, tâm trí tôi đã luôn hướng về con đường mà hàng vạn hàng vạn đồng đội của tôi đã lần lượt băng qua để từ hậu phương lớn vào tiền tuyến lớn. Tôi muốn tận mắt nhìn thấy và chia sẻ nỗi gian nan, vất vả với họ. Và quả thật, là người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, nếu ai chưa từng đặt chân tới tuyến đường lịch sử này sẽ là một thiệt thòi lớn. Tất cả những cuốn sách đã viết ra, những bộ phim đã hoàn thành, những lời ca ngợi của phương Tây,... chỉ mới nói lên một phần rất nhỏ tầm vóc thời đại của con đường.
Có thể nói đường mòn Hồ Chí Minh là hình ảnh thu nhỏ của cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng. Cùng với 3 lần đánh thắng quân Nguyên, mười năm Lam Sơn tụ nghĩa dẫn tới “Bình Ngô Đại Cáo”, Quang Trung đại phá quân Thanh,... cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta thực sự là một cột mốc chói lọi trong trang sử vàng bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Chính ở thời điểm này, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam và vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh được khẳng định như là yếu tố quyết định nhất trong mỗi thắng lợi của nhân dân ta.
Sau mười năm lăn lộn ở chiến trường ác liệt, trên đường trở về hậu phương lớn, tâm hồn tôi vẫn trong trẻo một niềm tin, phơi phới một niềm tự hào chính đáng về dân tộc anh hùng, về Bác Hồ vĩ đại, về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh do chính Bác Hồ sáng lập, giáo dục và rèn luyện. Những khuôn mặt tôi gặp trên đường đi, từ những anh bộ đội trẻ măng đến các cô thanh niên xung phong đã hy sinh cả tuổi xuân để giữ vững con đường huyết mạch, đều để lại trong tôi những ấn tượng đẹp đẽ về thế hệ sinh ra và lớn lên sau Điện Biên Phủ. Chính họ cùng với thế hệ chống Pháp, đã làm nên kỳ tích của thế kỷ XX: “Một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ”. Trong những năm ở chiến trường, nhìn những gương mặt gái, trai tuổi mới 18, đôi mươi ấy, nhiều lúc tôi không ngăn được nước mắt, đặc biệt là những lúc tôi đến động viên họ trước khi bước vào một trận đánh, bởi tôi biết chắc trong số họ có những người sẽ không trở về. Cũng có nghĩa là những người mẹ ở miền Bắc sẽ nhận được những tờ giấy báo tử báo tin con mình đã hy sinh. Nỗi đau này là không gì so sánh được. Đó là sự hy sinh vô giá. Bởi vậy, từ lâu tôi luôn nghĩ rằng, khi nói đến thắng lợi vĩ đại của cuộc chống Mỹ cứu nước, bên cạnh nguyên nhân là sự lãnh đạo của Đảng, phải nói đến nguyên nhân quan trọng khác là sự đóng góp to lớn của nhân dân, của hàng triệu chiến sĩ trên các mặt trận. Nhớ một câu nói nổi tiếng của Lê Nin: “Suy cho cùng thắng lợi của một cuộc chiến tranh tùy thuộc vào tinh thần chiến đấu của người lính ở chiến trường”. Tất nhiên, để có tinh thần chiến đấu đó, những người lính phải có một hậu phương tuyệt vời như hậu phương miền Bắc của chúng ta với sự hy sinh thầm lặng của hàng triệu, hàng triệu người vợ, người mẹ anh hùng, trung hậu, đảm đang suốt ngày đêm lo toan mọi việc để chồng con yên tâm đánh giặc. Quên mất điều này là có tội. Chẳng những thế, sẽ dẫn đến những cách nghĩ không đúng về mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân. Nhân dân biết ơn Đảng và Đảng cũng biết ơn nhân dân, vì chính nhân dân là cội nguồn của mọi chiến thắng.
*  *  *
Trở lại miền Bắc, sau mười năm ở chiến trường, thông thường thì người ta chỉ muốn nghỉ ngơi, thăm thú. Sau một tuần về thăm mẹ ở quê hương Tiền Hải, tôi đã đi thăm một số tỉnh ở Việt Bắc, Nam Hà, một số địa phương ở Thái Bình, gặp gỡ hỏi chuyện một số cán bộ cơ sở để nắm rõ tình hình miền Bắc trong mười năm qua,... Và tôi đã nhận ra ngay một điều là tình hình miền Bắc qua đài, qua báo, qua các nghị quyết được phổ biến, không giống như những điều tôi vừa mắt thấy, tai nghe, có điều còn khác rất xa. Và tôi đã sớm đi đến kết luận: ở miền Bắc đang có nhiều hiện tượng tiêu cực, không những trong xã hội, mà cả trong một số các tổ chức Đảng, trong bộ máy chính quyền.

Ảnh: Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Trần Độ đến thăm gia đình liệt sĩ năm 1975

Tôi dành thời gian nghiên cứu Nghị quyết 22, xin được đọc một số báo cáo tình hình và tôi suy nghĩ, tìm hiểu để khẳng định thêm kết luận của mình. Tôi âm thầm suy nghĩ mà chưa vội nói với ai. Bởi trong thời điểm đó, người ta đang nói nhiều đến một tiền tuyến lớn anh hùng, một hậu phương lớn anh hùng, một miền Bắc xã hội chủ nghĩa ưu việt, với những năng suất cao trong công nghiệp, những cánh đồng năm tấn trong nông nghiệp và với một hình ảnh được khái quát nổi tiếng: “Ra ngõ gặp anh hùng”. Chỉ khi nào gặp một người bạn cũ thật thân thiết cả những người ở cương vị cao, tôi bộc lộ tâm sự về suy nghĩ của mình, thì ngay lập tức được sự cộng hưởng: “Ông mới về chỉ mới thấy thế thôi. Trong một số lĩnh vực còn nghiêm trọng hơn nhiều, nhưng phải có thì giờ suy nghĩ rồi mới dám nói”. À ra thế! Thế là còn vấn đề lớn hơn, đáng quan tâm hơn: đó là vấn đề dân chủ, dân chủ trong Đảng và trong xã hội. Phải chăng đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Tôi nhớ hồi ở Việt Bắc, đọc tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Bác, tôi đã từng kinh ngạc về một nhận định thiên tài:
“Nếu có ai nói chúng ta không dân chủ thì chúng ta khó chịu. Nhưng nếu chúng ta xét cho kỹ thì thật có như thế”.
“Đối với cơ quan lãnh đạo, đối với những người lãnh đạo các đảng viên và các cán bộ dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình. Thành thử cấp trên với cấp dưới cách biệt nhau. Quần chúng với Đảng xa rời nhau. Trên thì tưởng cái gì cũng tốt đẹp. Dưới thì có gì không dám nói ra”.
“Họ không nói, không phải vì họ không có ý kiến, nhưng vì họ nghĩ nói ra cấp trên cũng không nghe, không xét có khi lại bị “trù” là khác”.
“Họ không dám nói ra thì họ cứ để trong lòng, rồi sinh ra uất ức, chán nản. Rồi sinh ra thói “không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng”. Trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng “nhiều mồm”, sinh ra thói “thậm thà thậm thụt” và những thói xấu khác...”.
(Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, trang 456, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1984).
Tác phẩm này Bác viết vào năm 1947, tính đến nay là ngót một nửa thế kỷ nhưng vẫn còn mang tính thời sự biết bao!
Thiên tài Hồ Chí Minh không những thể hiện ở những quyết sách lớn mang tầm chiến lược mà còn thể hiện ở những câu nói bình thường giản dị, mà sức sống của nó xuyên suốt cả chiều dài lịch sử. Ví như năm 1945, trong thư gửi các đồng chí tỉnh nhà (tỉnh Nghệ An) ngày 17-9, Bác đã khẳng định: “Lực lượng toàn dân là vĩ đại hơn hết, không ai chiến thắng được lực lượng đó”.
 Một tháng sau, cũng trong năm 1945, ngày 17 tháng 10, trong thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Bác lại căn dặn:
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta...”.
Hơn một nửa thế kỷ đã trôi qua, sau những chấn động của các sự kiện lịch sử trong thời gian gần đây, ta mới thấm thía lời cảnh báo của Bác:
“Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết,
Không ai chiến thắng được lực lượng đó”.
“…Chúng ta phải yêu dân, kính dân, thì dân mới yêu kính ta”.
Suy ra, nếu không như thế thì ngược lại. Diễn biến tình hình Đông Âu, tình hình Liên Xô vừa qua chứng minh rất rõ những dự báo của thiên tài Hồ Chí Minh.
Tôi phải trăn trở nhiều đêm với một câu hỏi: Có nên nói hay không nên nói thực trạng xã hội miền Bắc và những nhận định của mình với các đồng chí lãnh đạo cao cấp. Liệu các anh có cho mình là “hâm” không? Hoặc xấu hơn, các anh có quy kết mình là thằng thế này, thế nọ hay không?...
Tôi tin là không, và nghĩ các anh sẽ hiểu mình. Đặc biệt là đối với anh Trường Chinh, người mà tôi có vinh dự được làm người giúp việc từ năm 1944, sau khi vượt ngục từ Sơn La về. Dạo đó, tôi giống như là “Chánh Văn phòng” của Tổng Bí Thư, được anh Trường Chinh yêu mến, giao nhiều việc quan trọng, và việc nào cũng hoàn thành tốt. Chính tôi được chứng kiến từ đầu sự ra đời của bản “Đề cương Văn hóa” do anh Trường Chinh soạn thảo. Sau đó anh Trường Chinh cử tôi mang “Đề cương Văn hóa” sang phổ biến cho anh Lê Quang Đạo, lúc bấy giờ là Bí thư thành ủy Hà Nội, phụ trách Văn hóa Cứu quốc.
Anh Đạo bố trí cho tôi gặp các văn nghệ sĩ trong nhóm để tôi trực tiếp phổ biến bản đề cương. Cuộc họp diễn ra vào ngày mồng 2 Tết năm 1945, trong nhà anh Tô Hoài. Tôi còn nhớ đó là một căn buồng tối om, có một cái giường bằng gỗ, có một tấm ván kê làm bàn. Chúng tôi được mẹ Tô Hoài kiếm cho mấy cái bánh chưng, chấm nước mắm mà ăn vẫn rất ngon. Ở đây, lần đầu tiên tôi đã gặp các nhà văn, nhà thơ mà khi còn ngồi ghế nhà trường tôi rất ngưỡng mộ: Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng,... Trong lúc truyền đạt tôi đã cố gắng làm rõ những ý tưởng lớn mà tôi đã tiếp thu được qua những suy nghĩ mà anh Trường Chinh trao đổi với tôi trong quá trình chuẩn bị bản đề cương, đặc biệt là 3 nguyên tắc: Dân tộc, Khoa học, Đại chúng,... Có lẽ bắt đầu từ đây, từ bản Đề cương Văn hóa này và từ cuộc tiếp xúc đầu tiên với các nhà văn nhà thơ trong thời kỳ hoạt động bí mật, mà tôi có duyên nợ với văn hóa văn nghệ, duyên nợ cho đến suốt đời.
Tháng 2 năm 1990, có chân trong ban dự thảo cương lĩnh đại hội VII, tôi đã đề xuất một số vấn đề văn hóa Việt Nam, với tên là “Một phác thảo cương lĩnh văn hóa Việt Nam những năm 1990”. Rất tiếc là lúc này anh Trường Chinh vừa mới đi xa. Không biết nếu còn sống anh sẽ đánh giá như thế nào về bản phác thảo đề cương của tôi, người học trò, người em của anh hôm nay, đặc biệt là các điểm 8 và 9:
Điểm 8: Phát triển nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam xã hội chủ nghĩa dựa trên cơ sở quan niệm đúng đắn về bản chất và chức năng thực sự của nghệ thuật như một tiếng nói bồi đắp lương tri và đạo đức cho xã hội. Thực hiện đầy đủ chính sách tự do sáng tạo, tự do phê bình.
Điểm 9: Ra sức bảo tồn mọi di sản văn hóa của dân tộc bao gồm cả nền văn hóa của từng dân tộc ít người. Kết hợp kế thừa văn hóa cổ truyền với giao lưu văn hóa thế giới, làm cho văn hóa dân tộc ngày càng dày thêm, giàu thêm.
Đây chính là vấn đề mà Nghị quyết Trung ương 9 khóa VII vừa rồi của Đảng nâng lên thành một trong số 6 quan điểm chủ yếu quán triệt trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân để tiến tới Đại hội VIII,... Rõ ràng thực tiễn cuộc sống đã đi vào Nghị quyết không cưỡng lại được, chứ không như ta thường nói đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Với chính sách mở cửa, kéo theo sự du nhập ồ ạt các nền văn hóa ngoại lai, đặc biệt là văn hóa phương Tây, nếu không giữ gìn và phát triển nền văn hóa dân tộc thì không tránh khỏi nguy cơ xuống cấp đạo đức về nhiều mặt. Ngay từ tháng 2 năm 1990, tôi đã khẩn thiết đưa vấn đề này vào cương lĩnh, vào các nghị quyết, nhưng không được coi trọng đúng mức. Kể ra như thế đã là chậm. Năm 1995 mới có nghị quyết 9 về 6 quan điểm chủ yếu thì càng chậm hơn, nhưng như người ta nói: chậm còn hơn không. Cũng giống như sự kiện khoán hộ của Kim Ngọc. Tỉnh ủy Vĩnh Phúc do Kim Ngọc làm bí thư đã đề ra khoán hộ từ tháng 9 năm 1966, nhưng liền sau đó bị kiểm điểm, bị cấm đoán. Đảng cấm, nhưng dân cứ làm, như một câu nói vui từng có thời lan truyền rộng rãi: “Đảng có sách, dân có cách”, vì dân có thực tiễn cuộc sống của dân. Nhưng một Đảng luôn luôn tự cho mình là sáng suốt. Nghị quyết nào cũng là một “nguồn ánh sáng rực rỡ” mà để dân phải làm chui một việc đúng thì thật là đau lòng.
Như ta biết, mãi hơn 20 năm sau, 1988, Đảng mới có Nghị quyết 10 cho phép nông dân thực hiện khoán hộ. Và những gì xảy ra sau đó thì chúng ta đã biết. Chỉ hai năm Việt Nam đã từ một nước thiếu ăn triền miên trở thành một nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ 3 thế giới. Nhưng khi nói đến sự kiện này người ta chỉ nói đến “sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng” đến Nghị quyết 10, mà quên mất công lao hàng đầu chính là nhân dân, là sự năng động nhạy bén của cơ sở, tiêu biểu là sự năng động của đồng chí Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc. Sự kiện này đã gây thắc mắc kéo dài trong nhân dân ở miền Bắc trước đây và lan rộng ra cả miền Nam sau ngày giải phóng. Thử bình tĩnh nhìn lại mà xem, nếu các năm 89, 90, 91 cứ tiếp tục cái cảnh hàng nghìn người đói khát, rách rưới từ các miền quê Thanh Hóa, Nghệ An kéo từng đoàn dài ra Hà Nội như các năm 1977, 1978 thì tình hình sẽ ra sao?

Ảnh: Tìm hiểu cuộc sống ở các địa phương vùng Đông Bắc năm 1976

Vấn đề lương thực không chỉ căng thẳng ở miền Bắc mà cả ở miền Nam, vựa lúa của Đông Dương, từ thời Pháp đã xuất cảng gạo, chỉ sau giải phóng miền Nam ít lâu, dân Sài Gòn đã phải ăn bo bo và cũng ăn cơm độn mì như đồng bào miền Bắc. Nguyên nhân chủ yếu là chúng ta đã sớm áp đặt mô hình hợp tác xã vào nông thôn miền Nam, khiến người nông dân tài hoa của đồng bằng sông Cửu Long không thể phát huy được tính tích cực năng động vốn có của mình mà phải “noi gương” nông dân miền Bắc “đi làm theo kẻng”, “cấy chay, cày gãi, bừa chùi” cho xong việc để về sớm, mặc dù có nơi thu hoạch chỉ có 3 lạng thóc một đầu người. Và kết quả tất nhiên là đói, đói từ miền Bắc đói vào, đói lan tràn khắp nước. Thật là đau lòng khi ở một đất nước nông dân thì cần cù, sáng tạo, đất đai thì màu mỡ phì nhiêu mà phải liên tục nhập khẩu gạo. Không biết từ bao giờ trong dân gian đã xuất hiện câu ca dao:
“Mất mùa thì tại thiên tai,
Được mùa nhờ có thiên tài Đảng ta”.
Có thể nói sự kiện khoán hộ là một trong những sự kiện điển hình nhất nói lên sự lãnh đạo của Đảng không theo kịp thực tiễn cuộc sống. Nhưng chẳng ai dám nói lên sự thực này. Chúng ta đừng quên mất lời dạy của Bác Hồ:
“Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, như thế mới là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính,...”.
(Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, trang 471, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1984).
 Tôi tìm đọc lại những trang này trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc”. Đọc đi, đọc lại, càng đọc càng thấy Bác Hồ thật vĩ đại. Người như thấu hiểu mọi lẽ trên đời, hiểu hiện tại và đoán biết cả tương lai. Nếu như ta không biết những dòng này Bác viết từ năm 1947 thì cứ ngỡ là Bác đang nói với chúng ta hôm nay. Tôi cảm thấy những dòng chữ của Bác như những cặp mắt đang nhìn thẳng vào tôi và nghiêm khắc hỏi: “Anh vào Đảng từ hồi bí mật, đã trải qua hai cuộc kháng chiến, đứng trước cái chết, trước kẻ thù anh không sợ, liệu anh có dám nói ra những điều anh nhìn thấy không?”.
Những lời dạy của Bác Hồ như khuyến khích tôi, và tôi hạ quyết tâm sẽ viết những điều tôi đang suy nghĩ lên Bộ Chính trị bằng hình thức một lá thư để các anh tham khảo. Tôi sẽ viết một cách chân thật, thẳng thắn, với tất cả tinh thần trách nhiệm của một đảng viên cộng sản.
Tháng 3 năm 1974, tôi nhận quân hàm Trung tướng. Như vậy là từ ngày nhận quân hàm Thiếu tướng đến ngày nhận quân hàm Trung tướng, thời gian kéo dài 16 năm. Đối với tôi đó là một ngày vui đáng ghi nhớ. Bởi ra đi làm cách mạng, ngay từ đầu đã bị tù đày, tra tấn, tôi và những người cùng trang lứa với tôi, có ai nghĩ là mai sau sẽ trở thành tướng lĩnh hoặc ông này, ông nọ. Đánh đổ đế quốc phong kiến, giành độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa cộng sản, công nhân làm chủ nhà máy, nông dân làm chủ ruộng đồng, mọi người đều bình đẳng, ấm no, hạnh phúc,... Đó là lý tưởng cao đẹp từng theo tôi suốt chặng đường hành quân đánh giặc 30 năm qua. Bây giờ được nhận quân hàm Trung tướng, đối với tôi là một vinh dự lớn. Đây là điều tôi ít khi nghĩ đến.
Cùng nhận quân hàm đợt này với tôi có các đồng chí Lê Trọng Tấn, Đàm Quang Trung ở Bộ tư lệnh Đại đoàn 312 cũ, các đồng chí Trần Văn Trà, Lê Đức Anh,... ở Bộ tư lệnh B2 và nhiều đồng chí khác cùng đợt phong quân hàm năm 1958. Có những đồng chí tiến bộ vượt bậc như đồng chí Lê Đức Anh, Đồng Sĩ Nguyên,... Năm 1958 chỉ mới được phong Thượng tá, Đại tá, nay đều nhận quân hàm Trung tướng. Tôi chúc mừng tất cả. Điều này nói lên sự lớn mạnh vượt bậc của Quân đội ta.
Tôi đang suy nghĩ về bức thư gửi Bộ Chính trị thì được tin Văn phòng Trung ương cho biết, Ban Bí thư bố trí cho tôi đi thăm quan Cộng hòa Dân chủ Đức một thời gian. Tôi nghĩ cũng là một dịp tốt để có tầm nhìn bao quát hơn, giúp cho những nội dung tôi trình bày có thêm những căn cứ khoa học.
Rất may mắn là những điều tai nghe mắt thấy ở Cộng hòa Dân chủ Đức càng thôi thúc tôi viết thư cho Bộ Chính trị. Những vấn đề nung nấu trong tôi từ ngày ra Bắc càng thêm chín muồi. Không viết được, chưa viết được, lòng dạ cứ không yên chút nào. Đêm nào nằm cũng suy nghĩ có đêm hầu như thức suốt, bất chợt nảy ra ý gì mới lại vội vàng trở dậy ghi chép, sợ sáng ra quên mất. Cứ như thế ròng rã hơn một tháng trời, tôi mới viết xong bức thư 14 trang. Tôi không đề gửi Bộ Chính trị, sợ như thế nó to tát quá. Cân nhắc mãi tôi chỉ đề gửi các anh: Anh Ba, anh Năm, anh Sáu (Anh Ba là Lê Duẩn, Anh Năm là Trường Chinh, Anh Sáu là Lê Đức Thọ), để vừa mang tính chất chung, gửi cho các anh ấy tức là gửi cho Bộ Chính trị rồi, nhưng cũng vừa mang tính chất cá nhân, thân tình bộc lộ những suy nghĩ của mình như lời tâm sự của một đứa em đối với các anh lớn,...
Rất may là tôi còn giữ được bức thư cho đến hôm nay. Do đó, để cho trung thực, khách quan, có tính lịch sử, tôi xin chép ra nguyên văn bức thư ấy. Mặc dầu hiện nay tình hình chung đã khác trước nhiều, Đảng ta đã 4 lần Đại hội, tới là Đại hội VIII. Những suy nghĩ của mình cách đây 20 năm không tránh khỏi những ấu trĩ, ngây thơ nhưng tôi không sợ mọi người cười chê, bởi tôi tin ở tấm lòng chân thật của mình, mà chân thật chính là một trong những tiêu chuẩn của cái đẹp. Tôi không có tham vọng gì trong bức thư này. Có chăng là sự mong muốn cháy bỏng của một người lính từ chiến trường trở về, làm sao cho đất nước ngày càng phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, Đảng ta ngày càng trong sạch, chính quyền ta ngày càng vững mạnh,...
* * *
Tôi không dám so sánh mình với Nguyễn Trường Tộ, nhưng ngày nay đọc lá thư này, tôi có thể tự hào là cách đây 20 năm tôi đã bắt mạch khá đúng những đòi hỏi của cuộc sống. Trước hết là vấn đề chỉnh đốn Đảng, nâng cao sức mạnh chiến đấu của Đảng, điều mà mãi tới năm 1987, Trung ương mới có nghị quyết về việc làm trong sạch Đảng và đến cuối năm 1993 mới thực sự có nghị quyết về chỉnh đốn Đảng, kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những phần tử thoái hóa, biến chất.
Còn những vấn đề như đưa công nhân đi lao động ở nước ngoài thì như chúng ta biết, sau này trở thành một phong trào sôi nổi mà ta gọi là lao động hợp tác. Hoặc như vấn đề kêu gọi nước ngoài đầu tư thì ngày nay đang trở thành một vấn đề thời sự nóng hổi, là hình ảnh nổi bật của công cuộc đổi mới hiện nay.
Tôi không hiểu dạo ấy các anh trong Bộ Chính trị có giành thời gian đọc kỹ những suy nghĩ trong thư của tôi không, hay các anh chỉ “mỉm cười” rồi đưa cho văn phòng cất vào kho lưu trữ. Rất tiếc là sau đó, do bận quá nhiều công việc, tôi không có dịp hỏi các anh Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ là dạo đó các anh suy nghĩ thế nào về lá thư của tôi.
Nhưng điều rõ ràng là lá thư của tôi cũng bị chung số phận như những bản điều trần tâm huyết của Nguyễn Trường Tộ. Và chắc chắn không phải chỉ riêng tôi. Việt Nam có 60 đến 70 triệu dân, có biết bao nhiêu tài năng, có tâm huyết, muốn đóng góp cho đất nước, nhưng cơ quan lãnh đạo của ta thường cho mình là sáng suốt nhất, đã suy nghĩ thay cho tất cả mọi người nên chẳng cần nghe ai nữa. Những suy nghĩ khác với suy nghĩ của lãnh đạo lại càng không được chú ý, thậm chí còn bị coi là phần tử chống đối. Tôi tin là tôi – Trung tướng Trần Độ, Ủy viên Trung ương Đảng dạo ấy không đến nỗi bị đánh giá như thế. Nhưng điều rõ ràng là những phát hiện, đề xuất của tôi từ năm 1974 đã không được chú ý một cách đúng mức, để đến nỗi sau năm 1975, sau đại hội IV, đại hội V, tình hình mọi mặt của xã hội diễn biến ngày càng xấu, kinh tế sa sút, đạo đức xuống cấp. Đảng bị mất uy tín nghiêm trọng, kéo dài, tình hình mọi mặt hầu như không phương cứu chữa. May sao, giữa lúc đó luồng gió đổi mới từ Liên Xô tới. Đảng ta, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, đã nhanh chóng tiếp nhận một cách sáng tạo, với quyết tâm lớn “Đổi mới hay là chết”, đã vực dậy một đất nước hầu như đang lao xuống dốc không phanh,...
Thực ra những vấn đề của đổi mới đã được nhiều cán bộ, đảng viên, các nhà trí thức, khoa học trong nước phát biểu nơi này nơi nọ, bằng các hình thức khác nhau, nhưng đều bị bỏ ngoài tai. Đây là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm, là nguyên nhân của nhiều sai lầm được lặp đi lặp lại, và tiếc thay, vẫn còn tồn tại cho đến hôm nay,...
Nhớ năm 1946, khi chính quyền non trẻ mới thành lập, tài ba như Bác mà vẫn kêu gọi tìm người tài đức trong thiên hạ để giúp nước. Báo Cứu quốc ngày 20/11/1946 đã đăng thông cáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với nhan đề: “Tìm người tài đức”.
Thông cáo viết:
“Nước nhà cần phải kiến thiết – kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức.
E vì chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho chính phủ biết.
Báo cáo phải nói rõ: Tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó.
Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cho đầy đủ”.
Chủ tịch Chính phủ Việt Nam
Hồ Chí Minh
(Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, trang 192, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1984).
Bác Hồ thì như thế, còn chúng ta ngày nay thì sao?
Hơn lúc nào hết, muốn cho công cuộc đổi mới hiện nay giành được thắng lợi, ta cần nhớ và thực hiện đúng những lời dạy quý báu của Bác Hồ:
“Có nhiều đồng chí có bệnh tự tôn, tự đại, khinh rẻ người ta, không muốn biết, muốn học những ưu điểm của người khác... Họ quên rằng, chỉ đoàn kết trong Đảng, cách mạng cũng không thành công được, còn phải đoàn kết nhân dân cả nước. Họ quên rằng, so với nhân dân thì số đảng viên chỉ là tối thiểu... Nêu không có nhân dân giúp sức thì Đảng không làm được việc gì hết.
Vì vậy ta cần phải hợp tác với những người ngoài Đảng. Ta không được khinh rẻ họ, chê bai họ. Ta phải liên lạc mật thiết với dân chúng, xa rời dân chúng là cô độc. Cô độc thì nhất định thất bại.
Cũng vì bệnh hẹp hòi mà không biết dùng nhân tài, việc gì cũng ôm lấy hết, ôm lấy dĩ nhiên là làm không nổi.
Cũng vì bệnh hẹp hòi mà không biết cách xử trí khôn khéo với các hạng đồng bào (như tôn giáo, dân tộc thiểu số, anh em trí thức, các quan lại cũ...).
 Từ nay, mỗi cán bộ, đảng viên phải kiên quyết chữa cái bệnh hẹp hòi đó để thực hiện chính sách đại đoàn kết.
 Bệnh chủ quan, bệnh ích kỷ, bệnh hẹp hòi... mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ, địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ bên trong phá ra”.
(Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, trang 450, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1984).

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)

6 nhận xét:

  1. vấn đề dân chủ tôi thấy cụ TĐ đã đề cập đến trong bài huấn luyện tiểu thao trường từ năm 1949.

    Trả lờiXóa
  2. Một con người cứ đi trước như vậy thì thật khổ

    Trả lờiXóa
  3. Cám ơn anh Chín đã nói giùm chúng tôi những cảm nghĩ về rừng Miền Đông. Giá có bài về Miền Tây về Đồng Tháp Mười nữa thì hay quá. Những cảm nghĩ của anh khi về hậu phương lớn rất hay, chúng tôi vô cùng đồng cảm.
    Lính B2 cũ xin cám ơn anh và những người đã xuất bản tác phẩm của anh.

    Trả lờiXóa
  4. Họ quên rằng, chỉ đoàn kết trong Đảng, cách mạng cũng không thành công được, còn phải đoàn kết nhân dân cả nước. Họ quên rằng, so với nhân dân thì số đảng viên chỉ là tối thiểu ... Nêu không có nhân dân giúp sức thì Đảng không làm được việc gì hết.
    Bác Hồ nói đó nhé, các đ/c đảng viên có đọc và thuộc câu này không nhỉ? Nếu có sao vẫn để xảy ra những Tiên Lãng, Văn Giang?

    Trả lờiXóa
  5. Đọc bài này càng khâm phục các bậc lãnh tụ,lãnh đạo xưa.

    Trả lờiXóa