Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2022

Những kỷ niệm với Trung tướng Trần Độ


Nguyễn Huy Văn (Kim Sơn)

Một chiến sĩ Việt Nam giải phóng quân
 
Tôi nhớ tháng 8 năm 1945, trong đội Giải phóng từ Chiến khu Việt Bắc tiến vào Hà Nội, tôi được gặp anh lần đầu tiên tại Doanh trại Trung ương Vệ Quốc đoàn – còn làm cả chức năng là: Ủy ban Bảo vệ thành phố Hà Nội. 

Các anh: Lâm Kính, Phan Mỹ, Trần Độ là những cán bộ lãnh đạo và chỉ huy cùng chúng tôi là những chiến sĩ đang còn trẻ măng vẫn còn sôi sục những ngày hoạt động bí mật trong phong trào Việt Minh. Mọi người đêm ngày lo công việc để Tổ quốc vượt qua “ngàn cân treo sợi tóc”, rồi lăn ra trên bàn, trên ghế, trên sàn nhà thay giường, phản ngủ qua đêm. Các anh cùng ăn với mọi người và cùng nhận phụ cấp 5 đồng một tháng như chúng tôi.
Thu đông 1953 – 1954, là cán bộ thông tin điện thoại, tôi được phụ trách đường dây từ Bộ Chỉ huy chiến dịch xuống Sở Chỉ huy Đại đoàn 312 ở phía Bắc giữa hai cứ điểm Him Lam và Độc Lập. Anh Lê Trọng Tấn và anh lại có dịp cùng tôi ôn lại những ngày Cách mạng tháng Tám ở Hà Nội và Hà Đông. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp bị đập tan, trả lời câu hỏi kiểm tra của Đại tướng Tổng Tư lệnh, Chỉ huy trưởng Chiến dịch Võ Nguyên Giáp, anh nói : “Tôi bảo đảm đúng tướng Đờ-Cát và toàn bộ Bộ tham mưu của hắn, tôi đã trực tiếp đối chiếu với chứng minh thư của Đờ-Cát”. Cùng với nhiều đơn vị, Đại đoàn 312 về dự lễ mừng chiến thắng ở Mường Phăng, tôi rất vui mừng chứng kiến Đại đoàn 312 được trao tặng lá cờ Quyết thắng, phần thưởng vinh quang nhất của Chiến dịch, mà anh là Chính ủy Đại đoàn.
Trước và sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, khi đó anh đang là Chính ủy Quân khu Hữu Ngạn, Sở Chỉ huy đặt tại Nam Định, được sự tin cậy của Trung ương Đảng giao cho Cục Thông tin liên lạc chuyển những văn kiện tuyệt mật đến tận tay anh Trần Độ, tôi lại có dịp gặp lại anh tại nơi làm việc của Chính ủy Quân khu. Không phân biệt chức vụ, quân hàm, anh tiếp tôi hết sức chân tình của một người cán bộ cách mạng.
Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 trên dải Trường Sơn phía tây Quảng Trị, tôi nhặt được truyền đơn của Mỹ - ngụy thả từ máy bay xuống có hình ảnh anh Trần Độ mặc bộ quần áo bà ba đen với chiếc khăn quàng đặc trưng miền Nam “đã chết” tại một ngôi chùa được đặt làm Sở Chỉ huy của Quân Giải phóng miền Nam. Tôi không tin nhưng thầm lặng thương sót anh! Thế rồi ít lâu sau, tôi được xem ảnh của anh cùng chụp với các anh Mười Khang (Đại tướng Hoàng Văn Thái) và các đồng chí khác trong Bộ Chỉ huy miền.
Nước nhà thống nhất, anh trở ra miền Bắc nhận nhiều cương vị mới : Thứ trưởng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, … Trong ba thập kỷ anh được liên tục bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Chuẩn bị kỷ niệm 30 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi được Cục Tác chiến Bộ tổng Tham mưu cử giúp việc đồng chí Thượng tướng Phùng Thế Tài và Viện Bảo tàng Quân đội trong việc chỉ đạo xây dựng, tôn tạo lại di tích lịch sử Điện Biên Phủ, tôi lại được gặp anh ngay trên đồi D1, nơi đặt Sở Chỉ huy Trung đoàn 209.
Thế rồi, một ngày nghe tin chẳng lành đối với anh, người ta đồn anh “chống lại nghị quyết của Đảng!”. Tôi đến nhà thăm anh, thẳng thắn hỏi anh – tại sao lại thế?… Thực hư ra sao? Anh cười rồi nói: “Mình đã là đảng viên cộng sản bị thực dân Pháp bỏ tù mà mình lại chống lại Đảng à! Đảng ta chủ trương đổi mới, con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội ở nước ta như thế nào, Đảng đang còn trong quá trình thực nghiệm và hoàn chỉnh về lý luận. Mình góp ý kiến với Trung ương, tất nhiên là phải có ý kiến khác với Trung ương, còn những ý kiến Trung ương đã thống nhất rồi thì còn nói lại làm gì nữa”. Với sự suy tư như anh đang hồi tưởng điều gì, anh lại say sưa nói với tôi về những kỷ niệm khi còn Bác Hồ, được làm việc với anh Trường Chinh, anh Võ Nguyên Giáp trước đây…

Tấm ảnh quý do ông Nguyễn Huy Văn tặng trandotacpham
 
Thế rồi, cũng lại vào một ngày của tháng Tám năm 2002, anh ra đi mãi mãi trong bối cảnh đất nước đang trên con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa, đang gặp ngổn ngang không ít những tiêu cực để lại nỗi thương tiếc của bao nhiêu bạn bè đã từng lặn lội nơi chiến trường cùng anh chiến đấu và chiến thắng, cho chị và gia đình đã hết lòng săn sóc chăm lo sức khỏe anh trong những năm tháng đau ốm.
Ngày 14/8/2002

(Trích Nhớ Nhà văn Trần Độ, Nxb Văn học, 2013)

1 nhận xét: