Tôi bắt đầu tập chụp ảnh, ngay sau khi Cách mạng Tháng
Tám 1945 thành công. Khi đó, tôi được sớm tiếp xúc với các anh đã chụp ảnh thành
nghề như anh Tô Na, Nguyễn Bá Khoản. Trong suốt thời gian kháng chiến chống Pháp,
tôi lại cùng sống với các anh Nguyễn Đắc, Nguyễn Văn Ty và gặp gỡ các anh Triệu
Đại, Vũ Năng An, v.v…
Tôi không có ý làm nghệ thuật (mà lại là nghệ thuật
nhiếp ảnh), tôi chụp ảnh chỉ do một nhu cầu: kỷ niệm, kỷ niệm cho bản thân tôi,
kỷ niệm cho các bạn bè, đồng chí. Tôi được đi nhiều, sống ở nhiều nơi; nhiều cảnh
thiên nhiên, cảnh đời, gương mặt làm tôi xúc động. Nhưng không phải tất cả những
điều tôi muốn ghi, đều đã được ghi. Tôi chỉ ghi được một số nào đó thôi. Mỗi
khi gặp một cảnh, một gương mặt, tôi đều muốn ghi lại, vì tôi thấy cái khoảnh
khắc mà tôi bắt gặp đó, tôi khó được gặp lại. Tôi muốn ghi lại để nó có thể tồn
tại lâu dài với tôi. Nhưng tôi không chú ý sự kiện, vì nghĩ sự kiện chung thì có
nhiều phóng viên làm rồi, mà sự kiện của riêng tôi thì cái đáng quan tâm là những
cảm xúc, vì vậy hầu như tôi không có ảnh sự kiện. Những điều tôi muốn ghi lại là
những vẻ đẹp: những dáng vẻ, những đường nét, mảng khối, sáng, tối, đậm, nhạt
và đặc biệt là những điều gợi cảm. Tôi thích những gợi cảm hùng vĩ, đơn sơ, cổ
kính, thân thuộc, những gợi cảm gân guốc, kiên cường và cả những gợi cảm man mác,
cô liêu. Vì vậy, tôi mê cây tre, bóng nước, con thuyền, nếp nhà nông thôn, cái
cầu tre, cây cau, cây cổ thụ, ao cá, núi non, biển cả, cánh buồm, v.v… Có những
cảnh thiên nhiên nổi tiếng, nhiều người đã
chụp, thông thường tôi không chụp mà tôi tìm mua bưu ảnh, vừa đẹp vừa đỡ tốn
công. Nhưng cũng có những cảnh có nhiều người chụp rồi tôi vẫn chụp, dù cho có
chụp giống những người đã chụp tôi cũng có cái thú vị là “do tôi chụp”, thường
thường tôi bắt chước những bố cục đã quen thuộc, tuy thỉnh thoảng tôi cũng cố
tạo điều kiện để có những góc độ mới và nếu điều kiện thời tiết thuận lợi giúp
tôi tìm được những màu sắc vừa ý mình hơn.
Buổi sáng ở hang Bồ Nâu, vịnh Hạ Long. Ảnh: Trần Độ. |
Tôi cứ nghĩ: không biết chụp ảnh có phải là sáng tác
không? Vì suốt một quy trình nhiều bước từ khi chụp, tráng phim, làm ảnh; điều
kiện kỹ thuật của máy ảnh, của các dung dịch hoá chất và giấy ảnh quyết định hết.
Người chụp ảnh chỉ còn hai việc: một là tìm góc độ, chọn bố cục; hai là cố gắng
làm chủ thời tiết và các đặc tính kỹ thuật và hoá chất. Vì vậy, tôi hết sức
quan tâm tìm hiểu những điều cơ bản về cấu tạo máy ảnh, đặc tính quang học. Còn
về các hoá chất thì chỉ biết được những điều rất sơ đẳng. Tôi cho rằng sự sáng
tạo của người chụp ảnh chỉ có thể có được do những suy nghĩ về góc độ, bố cục, điều
kiện ánh sáng. Đồng thời càng nắm chắc được các tính năng kỹ thuật của máy móc
và các hoá chất thì càng sử dụng nó một cách chủ động và có hiệu quả hơn.
Vì vậy, những xúc cảm có được khi nhìn phong cảnh và
con người là yếu tố quyết định. Những xúc cảm ấy đưa đến những khám phá, có những
lúc tôi đứng chụp một phong cảnh nào đó tôi thích, tôi thoáng nghe được những lời
bình phẩm thắc mắc: “Ở đây có cái gì đáng chụp đâu nhỉ?” và cũng nghe được tiếng
người giải đáp hộ: “Ấy, nhiều khi có những cái vớ vẩn như thế mà vào ảnh đẹp
ra phết!”.
Nhiều bạn trong giới nhiếp ảnh yêu mến và gọi tôi là
“nghệ sĩ nhiếp ảnh” – Nhưng thực tình tôi không bao giờ nghĩ là tôi xứng đáng với
danh hiệu đó. Tôi vẫn yên trí rằng tôi là người “thích chụp ảnh” mà thôi! Và vì
vậy, tập sách này mang tên “Những kỷ niệm… ảnh”.
Nhờ sự khuyến khích và giúp đỡ từ nhiều phía, nhiều người,
tôi có được sự tập hợp và chọn lọc các ảnh đã chụp trong gần 20 năm qua để giới
thiệu với các bạn và chia sẻ với các bạn niềm vui của những cảm xúc mà tôi đã gặp.
Tôi coi tập sách ảnh này là một “sự chia vui nho nhỏ” với tất cả bạn bè của tôi
và chỉ thế mà thôi.
Tôi xin chân thành cảm ơn sự khuyến khích của các đồng
chí trong Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, cảm ơn Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.
Và đặc biệt cảm ơn các bạn Nghiêm Hà, Hoàng Ánh, Lê Thanh Đức đã tận tình giúp
tôi hoàn thành bản thảo của tập sách này.
Xuân 1987
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà văn, 2012)
(Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà văn, 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét