Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2023

Đời sống văn hoá và công tác văn hoá


Trong đời sống xã hội, mỗi khi có một vấn đề, hoặc một hiện tượng mà nhiều người chú ý thì thường xuất hiện một loại khái niệm mới (hoặc cũ, nhưng được nhắc đi, nhắc lại nhiều hơn).


Từ 1976 đến nay, vấn đề văn hoá ở trong tình hình đó. Người ta nói với nhau rất nhiều về thế nào là “văn hoá cao”, “văn hoá thấp”, là “thiếu” hoặc “không có văn hoá”. Còn nữa là “xây dựng văn hoá”, “phát triển văn hoá”, v.v… Văn hoá là một hiện tượng xã hội có những đặc điểm riêng, nó có mặt ở trong tất cả mọi lĩnh vực hoạt động và đời sống của xã hội. “Có văn hoá” có nghĩa là có cái gì tiến bộ, tốt đẹp. Một người đi đường hoặc trong công tác, lao động, trong giao thiệp với mọi người có thể “có văn hoá” và “kém văn hoá”. Một quầy hàng thương nghiệp có thể “có văn hoá” và “kém văn hoá”. Một cán bộ lãnh đạo có thể “có văn hoá” và “kém văn hoá”. Một gia đình, một đường phố, một nơi công cộng cũng có thể “có văn hoá”. Nhiều trường hợp “có văn hoá” có nghĩa là có tinh thần xã hội chủ nghĩa, có những nét mới mẻ, tiến bộ, phù hợp với yêu cầu của cách mạng. Vì vậy, xây dựng một nền văn hoá mới hay xây dựng được cả một cuộc sống “có văn hoá” là một sự nghiệp lớn lao và lâu dài, phức tạp, không thể chỉ là kết quả của một vài công tác. Yêu cầu một cuộc sống hạnh phúc trong đó quan hệ giữa người với người theo một đạo lý cao cả “mình vì mọi người, mọi người vì mình” là nguyện vọng tha thiết của mọi người bây giờ. Thế mà trong thực tế hiện nay, những hiện tượng “kém văn hoá” đang đầy rẫy. Có thể có những người có học vấn cao, học vị lớn cũng “kém văn hoá”. Có người có chức quyền lớn, địa vị xã hội cao mà cũng còn “kém văn hoá” kia mà!
Trên cơ sở những vấn đề đặt ra như vậy, thì việc nghiên cứu vận dụng Nghị quyết đại hội V của Đảng về việc xây dựng “đời sống văn hoá” ở cơ sở cần được cân nhắc từ nhiều phía, để cố gắng hiểu cho đúng. Chung quanh khái niệm “đời sống văn hoá” còn có khái niệm “sinh hoạt văn hoá”, “hoạt động văn hoá”. “Đời sống văn hoá” không đồng nhất với “đời sống có văn hoá”.
“Đời sống có văn hoá” có một ý nghĩa rộng lớn hơn. Khi ta xây dựng được một đời sống có văn hoá, nghĩa là trong đời sống xã hội, mọi ngóc ngách, mọi chi tiết của cuộc sống trong lao động, trong học tập, trong giao tiếp hàng ngày, trong gia đình, trong sinh hoạt cá nhân, sinh hoạt công cộng, trong các mối quan hệ đều có những biểu hiện của các giá trị cao cả, tiến bộ của văn hoá, tức là ta đã xây dựng được một nền văn hoá mới xã hội chủ nghĩa, xây dựng được một cuộc sống thực sự hạnh phúc.
Còn khi ta nói xây dựng “đời sống văn hoá” ở cơ sở chỉ mới có nghĩa là ta đã tổ chức được một loạt các hoạt động văn hoá, là cho mỗi người được thưởng thức và thấm nhuần các giá trị văn hoá tốt đẹp, được giáo dục những tư tưởng lành mạnh, tiến bộ, cách mạng. Nó góp phần tạo nên những bước đầu của một “đời sống có văn hoá”. Vì vậy, ta có thể hiểu tinh thần Nghị quyết Đại hội V của Đảng nêu rõ: Một nhiệm vụ của cách mạng tư tưởng và văn hoá là “ đưa văn hoá thâm nhập vào cuộc sống hàng ngày của nhân dân”, nghĩa là phải tổ chức cao để đưa các giá trị văn hoá vào trong đời sống hàng ngày của mọi người. Trong khi đó, trước tình hình kinh tế và xã hội của ta “đặc biệt chú trọng xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở”. Cơ sở đây là các tổ chức cơ sở của các loại dân cư (nhà máy, công trường, nông trường, lâm trường, đơn vị lực lượng vũ trang, cơ quan, trường học, xã, hợp tác xã, phường, ấp). Các cơ sở này có cả ở thành thị và nông thôn.
Đối với thành thị, Nghị quyết Đại hội V của Đảng yêu cầu “tổ chức tốt hơn nữa” đời sống văn hoá, nó phải đạt được trình độ tiêu biểu cho nền văn hoá mới.
Đối với nông thôn, Nghị quyết Đại hội V của Đảng yêu cầu “hết sức chăm lo xây dựng”… “Cần phải xây dựng một số công trình văn hoá… ở huyện lỵ và các xã trong huyện để hình thành một mạng lưới (các công trình đó) để làm chức năng xây dựng, phát triển và truyền bá văn hoá mới ở nông thôn”.
Cứ chú ý từng chữ đã ghi trong Nghị quyết, chúng ta có thể lĩnh hội ngay được rõ ràng tinh thần của Nghị quyết. Chính thực tiễn của sự phát triển văn hoá (trong đó có cả sự phát triển các nhu cầu văn hoá của nhân dân) trong những năm qua trong cuộc sống đã đặt tiêu đề cho Đại hội đi tới những Nghị quyết như trên. Ở thành thị, nơi có nhiều điều kiện và nhiều yêu cầu bức thiết phải tổ chức đời sống văn hoá. Nhưng cũng lại có nhiều điều kiện làm cho văn hoá thành thị dễ tiếp nhận các loại văn hoá phức tạp, thậm chí xấu độc. Vấn đề không phải là quan tâm hay không quan tâm mà vấn đề là phải “tổ chức tốt hơn”… Vì muốn hay không, văn hoá ở thành thị (kể cả thành phố, thị trấn) đều cứ phát triển nhiều hơn ở nông thôn và có ảnh hưởng, tác động với nông thôn. Đối với nông thôn, Nghị quyết Đại hội V của Đảng yêu cầu phải “hết sức chăm lo”… và phải thực hiện cả việc “xây dựng, phát triển và truyền bá văn hoá mới ở nông thôn”. Nghị quyết còn yêu cầu “chú ý đến vùng căn cứ cũ, vùng có đồng bào các dân tộc” nghĩa là những vùng hẻo lánh ít có điều kiện giao thông và thông tin.
Tinh thần trên nhất quán với một ý đồ chiến lược “xây dựng nông thôn mới” bằng cách xây dựng mấy trăm huyện thành những cơ sở kinh tế và tổ chức đời sống một cách hoàn chỉnh, phù hợp với tinh thần chăm lo xây dựng huyện, xây dựng cấp huyện (bao gồm cả huyện lỵ và toàn địa bàn huyện). Hơn nữa dù ở thành thị hay nông thôn thì vấn đề là “đặc biệt chú trọng xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở”.
Đời sống văn hoá ở đây rõ ràng cần phải hiểu theo nghĩa là tổ chức các hoạt động văn hoá, để “đưa văn hoá thâm nhập vào cuộc sống hàng ngày của nhân dân”.
Các hoạt động văn hoá sẽ từng bước và từ nhiều phía, tác động tốt đến tư tưởng, tình cảm, tập quán, tâm lý của nhân dân, xây dựng đạo đức mới, tình cảm mới cho nhân dân, và dần dần hình thành một nền văn hoá mới, một nếp sống mới có văn hoá cao trong nhân dân. Như vậy, đây rõ ràng là một sự nghiệp, một cuộc đấu tranh “lâu dài phức tạp đầy khó khăn”, vì nó nhằm vào mục đích toàn diện và cao cả là “xây dựng con người mới”. Sự nghiệp này “phải có những biện pháp đồng bộ về nhiều mặt: kinh tế, hành chính, tổ chức, tư tưởng, văn hoá”.
Như vậy là “sự nghiệp xây dựng nền văn hoá mới là sự nghiệp mang nội dung toàn diện” là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, của tất cả mọi ngành, mà “lĩnh vực hoạt động văn hoá nghệ thuật có vai trò cực kỳ quan trọng”. Các biện pháp văn hoá phải là nhiệm vụ, trách nhiệm, là nội dung hoạt động của công tác văn hoá, cùng với các hoạt động của các phương tiện thông tin đại chúng. Qua sự quan sát hàng ngày, ta có thể thấy trong điều kiện hiện nay của xã hội ta, nhân dân có thể có những sự hưởng thụ (hay là tiêu thụ gì về văn hoá và thông tin), từ đó vừa thoả mãn những nhu cầu văn hoá tinh thần vừa chịu sự giáo dục về tư tưởng và tình cảm.
Một người có thể: 1. đọc báo, 2. đọc sách (tác phẩm văn học, các sách khác), 3. xem phim, 4. xem nghệ thuật sân khấu, 5. nghe ca nhạc (qua đài, máy nghe, xem biểu diễn), 6. nghe ra-đi-ô, 7. xem vô tuyến truyền hình, 8. xem bảo tàng, triển lãm, 9. đi tham quan, du lịch, dự hội hè, 10. tham gia giải trí (đi công viên, đánh cờ), tự mình tổ chức hoạt động văn nghệ nghiệp dư.
Một người có thể có tất cả hoặc chỉ có một số trong tất cả các loại hình hoạt động trên tuỳ theo điều kiện và sở thích. Nhiệm vụ của công tác văn hoá là phải tạo điều kiện, tổ chức hoạt động và có phương pháp thu hút mỗi người ở cơ sở tham gia các hoạt động trên từ ít đến nhiều, từ đơn giản đến phức tạp. Mỗi cơ sở có thể tuỳ điều kiện vật chất, tài chính và cán bộ tổ chức được tất cả các biện pháp nói trên hoặc một số biện pháp thích hợp, rồi từ đó phát triển dần lên. Những hoạt động trên phải có cơ sở vật chất kỹ thuật, phải có điều kiện tài chính. Nhưng đó là nhiệm vụ của công tác văn hoá và thông tin. Những công tác này phải được các cấp lãnh đạo (Đảng và chính quyền) ở cơ sở quan tâm và chủ trì tổ chức, tạo điều kiện, chỉ đạo hướng dẫn các tổ chức Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ thúc đẩy và ngành văn hoá hướng dẫn nghiệp vụ.
Điều quan trọng không phải ở chỗ là có được các hoạt động trên mà phải được định hướng mục đích cho rõ ràng dứt khoát, phải nhằm vào thực hiện cuộc đấu tranh giữa hai con đường (xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa), phải làm cho tư tưởng và văn hoá xã hội chủ nghĩa thắng các loại tư tưởng vô văn hoá, không xã hội chủ nghĩa, phản động, độc hại, cái mới thắng cái cũ, cái tiên tiến thắng cái lạc hậu, cái tiến bộ thắng cái trì trệ. Những hoạt động trên là những hoạt động văn hoá nhằm mục đích giáo dục tư tưởng, đạo đức, tình cảm; nó phải tạo ra một đời sống văn hoá tinh thần vui tươi lành mạnh, đáp ứng được những nhu cầu văn hoá tinh thần của mọi người, thu hút, hấp dẫn mọi người, làm cho mọi người tự giác, hào hứng tiếp thu sự giáo dục. Vì vậy nó phải có nghệ thuật, nó phải chú trọng đến tình cảm và tâm lý, nó không thể thay thế cho sự giáo dục chính trị, không thể chỉ là những hình thức giáo huấn lý lẽ.
Phải phát triển văn hoá bám sát nhiệm vụ, yêu cầu của cách mạng và phù hợp với khả năng kinh tế của ta. Ta phải phát triển văn hoá, nghĩa là tiến hành công tác văn hoá trong những điều kiện lịch sử của xã hội ta đang trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ, tiến lên chủ nghĩa xã hội chưa phải là điều kiện của một xã hội xã hội chủ nghĩa phát triển. Đúng như vậy, nhưng Việt Nam ta bước vào thời kỳ quá độ lại khác hẳn hoàn cảnh của Liên Xô trong những năm 20 của thế kỷ, mà trong hoàn cảnh chủ nghĩa xã hội hiện thực đã có trên một loạt nước, hình thành cả một cộng đồng các nước xã hội chủ nghĩa, chiếm một phần quan trọng của thế giới loài người. Chúng ta thừa hưởng nhiều kinh nghiệm quý báu, chúng ta lại được giao lưu với những nền văn hoá cao của các nước xã hội chủ nghĩa. Chúng ta lại sống trong thời đại cách mạng khoa học - kỹ thuật phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới. Chúng ta có điều kiện và có những nhiệm vụ văn hoá do hoàn cảnh mới đó đặt ra cho chúng ta. Đó là một tình hình có những khó khăn phức tạp nhưng cũng có những thuận lợi lớn, đặc biệt chúng ta lại phải sống trong cuộc đấu tranh phức tạp chống lại nhiều âm mưu xảo quyệt của nhiều lực lượng thù địch. Vì vậy, mọi khuynh hướng đơn giản, máy móc, giáo điều đều là những yếu tố trở ngại nặng nề cho sự phát triển văn hoá, cho công tác văn hoá của ta.
Nói đến công tác văn hoá, một công tác mà nội dung quan trọng là cả lĩnh vực văn học nghệ thuật, thì còn có những vấn đề văn nghệ của các lực lượng chuyên nghiệp, hạt nhân của chất lượng văn nghệ và là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy sự phát triển văn nghệ. Nhưng ở đây xin chưa nói đến những vấn đề đó. Chỉ xin hạn chế vấn đề ở chỗ nhiệm vụ của công tác văn hoá trong việc xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở. Đó là con đường xây dựng đất nước về văn hoá, cần tạo ra cho đất nước một mạng lưới lớn từ quy mô quốc gia đến quy mô nhỏ ở cơ sở và trong cả mạng lưới đó, cần chú ý đến hệ thống các nhà văn hoá, câu lạc bộ là những thiết chế có sự hoạt động tổng hợp nhiều mặt hoạt động văn hoá, có đầy đủ điều kiện để thực hiện các chức năng xây dựng, phát triển và truyền bá văn hoá mới trong nhân dân để đưa văn hoá vào đời sống hàng ngày của nhân dân.
8/1982

         (Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét