Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2023

Ghi chép ở chiến trường


Thư của Trần Toàn Thắng:
Cuối năm 2005, chị Mười Mẫn (cháu bà Ba Định) gọi điện cho anh nói là đang giữ 1 cuốn sổ ghi chép của Ông Độ. Anh đã tới nhận và nghe chị kể lại:


Trong một đợt tìm hài cốt liệt sĩ, họ đã đào trúng căn hầm của bà Ba. Căn hầm này là nơi chôn giấu hồ sơ, tài liệu, tư trang... của bà Ba và chị Mẫn khi chạy càn những năm 1969 - 1970. Do tất cả được để trong thùng đạn Mỹ có gioăng chống ẩm rất tốt nên vẫn còn nguyên vẹn. Sau đó do hoàn cảnh, bà Ba đã không thể nào tìm lại được vị trí căn hầm đó. Khi kiểm lại những đồ vật tìm thấy, các hồ sơ tài liệu có tính chất công việc được giữ lại. Họ đã trả cho chị Mẫn các thư từ, tài liệu cá nhân và một số ảnh. Cuốn sổ ghi chép của ông còn có những trang ghi chép học tập của chị Mẫn nên được trả cho chị Mẫn.
Vậy là 40 năm sau, từ khi ông bắt đầu ghi chép (02/1965), cuốn sổ đó đã trở lại gia đình ông.    
24.5.1965
Bà Hảo – xóm làng trong bụi le – công sự phòng không – cửa hàng xe đạp – Bộ đội đi lại. Những người trong xóm có nhiều Bộ đội trở về (cầu Am), có dân vệ đào ngũ.
Trạm: Trạm trưởng Võ Hùng Chiêu, Hiển (ốm), đưa đường Minh.
25. Dầu Tiếng
Thì – Sinh ở C địa phương của Quận C này toàn công nhân cao su,
- Hơn 5000 công nhân cao su trong Sở, phần lớn người gốc ở miền Bắc. Sinh cũng con một gia đình Bắc, phát âm dấu hỏi, ngã khá rõ,
- Hai Tiến, C trưởng kiêm Quận đội trưởng, 26 tuổi có vợ và một con, cũng con một gia đình công nhân người Bắc vào bộ đội 1960 – nói chuyện xưng em – trang bị quân sự nhưng tác phong rất gia đình. Quận đội có thợ may,
- Xe công nhân đi làm về vẫy vẫy giải phóng quân.
26. UBQS Bình Dương
Gặp một tay “hơi bom làm bể đèn”. Tay này vui lòng đưa đến UBQS nói vẻ rất quan trọng: “tôi suýt chết vì bom”.
- Bị ở đâu?
- Ngay đây kia thôi
- Có gần không?
Hắn đập đập vào cái đèn xe đạp vỡ kính:
- Đây này, bể đèn đây này
- Mảnh văng vào à?
- Không, hơi bom đấy. Nó thả gần tôi quá, tôi phải chạy tạt lên trạm giao liên (hắn có việc phải vào UBQS – nhưng lại chạy đến trạm giao liên độ 4 – 5 km, rồi mới trở lại),
Gặp một chú bé Chiến 15 tuổi, tên thật là Xuân – Chợt nhớ ra là có nhiều người tên là Chiến quá – Chiến nói chuyện bắn máy bay, chuyện các chú Mùa Khu (Mùa Thu). Chú này không làm ra vẻ người lớn như những chú ở Bộ đội các e.
Gặp Dương Sự, 40 tuổi, phương phi, khỏe mạnh, mặt mũi sáng sủa, nói năng hoạt bát, người cằn cỗi.
Tư Hòa không ra vẻ tham mưu trong tỉnh đội mà ra vẻ một ông chủ nhà cần mẫn mến khách, xuê xoa, đi đất, mặc quần cụt, 46 tuổi, tự tin, hồ hởi, tháo vát.
Hai Liên hiền lành, chân thật, chu đáo rụt rè, tóc rậm, mặt nhỏ, đen, nhiều vết nhăn.
27. Gặp Giao liên tổ: Bính, Tiến, Chiến.
A bảo vệ: Hoài, cán bộ B; Sử, a trưởng. Thanh, quân y sĩ cùng đi, hay giải thích mọi sự việc dựa vào tri thức khoa học.
28. Nằm ở Trạm giao liên
- a bảo vệ của 81, Căng tin của Trạm,
- Mấy cô của Trạm, đàn măng-đô-lin, hát: Tiểu đoàn 307, Tình thương mến, May áo,
- Chiến sĩ rỡn đùa: Sau khi thành công tôi về gả chị tôi cho anh,
- Một chiến sĩ gạ đổi dép, một tay khác nói giáo bán bi đông,…
Long, một chiến sĩ trong a, nói lắp, mắt trợn trừng, giật giật, mồm méo, cao lêu nghêu, đi dép Thái Lan, không có mũ, chỉ có cái thắt lưng có cột cái võng và miếng nylon, ăn cơm không có ca, phải đi mượn. Khi nói hay cười, mỗi khi cười mắt nháy, lông mày dướn dướn lên, mồm lại méo hẳn đi, mặt dúm dó lại (lông mày dướn lên dướn xuống theo điệu mồm giật giật méo đi). Thường cười không ra tiếng, điệu cười như kiểu cười đùa đắc ý, tuy chuyện không đáng đùa – vừa thấy có vẻ tinh nghịch lại vừa bộc lộ hết cái đáng thương của sự tàn tật. Hắn có anh làm đại úy cho ngụy. Anh về, hắn vờ mượn xem súng lục của anh rồi chĩa, bắn vào anh và lấy súng đi. Hắn nói không ngờ gia đình tôi lại có cái thằng ấy.
Định, công an lấy súng lục đi tải đạn gặp máy bay bắn, cùng đồng đội nằm úp che lên đống đạn DKZ.
Tối 28.
Một cán bộ giao liên đến – Cán bộ già nói đủ thứ chuyện đến khuya, không ngủ được. Chuyện bắn thú cho bộ đội ăn, chuyện cán bộ phạm kỷ luật, chuyện cắt gác,… chuyện Điều lệ Đảng,… chuyện nhân tình thế thái. Đặc biệt, giọng nói vừa có vẻ bất cần – vừa có vẻ tha thiết quan tâm đến mọi chuyện.
Thắt lưng chiến sĩ: 1 gói vải võng, 1 mùng nylon gấp gọn, 1 cuộn dây, túi đèn pin, 1 – 2 quả lựu đạn, 1 bi đông Mỹ, 1 cái đèn chai, 1 dao găm – những túi vải các kiểu đựng đồ lặt vặt, những móc không để sẵn sàng móc thêm đồ.
Quần không có thắt lưng: Nylon gói gọn áp vào thắt lưng buộc dây thun, khi quàng túm một đầu lại buộc bằng dây thun.
Tổ bảo vệ của Quận Phú Giáo: Út Lép, Hà, Sơn (lùn).
Sơn lùn tịt, cao 1m45, người Lai Nguyên, biết nói kiểu Bắc: Vâng. Hay nói chuyện – đến chỗ ở thay áo, mặc áo sơ mi nylon đi chơi. Thỉnh thoảng làm mấy câu vọng cổ, trước có làm giao liên, hay tán chuyện nhất.    
29. Đi qua sông Bé – một quán nhỏ trong lùm cây kín đáo, kiểu còn kín hơn cả ở Bà Hảo – đi 03:00, tới Phước Sang 13:00.
Hai du kích ở Phước Sang: Mười và Sáu Liễn. Một cô “đồng bào” theo du kích đi mua đồ, cũng đủ võng, nylon, dép cao su.
Căn cứ Phước Sang, một xóm trong rừng có độ 60 nóc nhà – làm rẫy, nuôi heo gà, không có trâu bò. Đời sống chật vật – có UBMT, có chi bộ, chi đoàn.
Út Lép – CTV xã, có vợ, có 1 con, 26 tuổi,
Tư Đậu, 31 tuổi, xã đội phó, vợ bỏ đi lấy chồng.
Căn cứ xã đội có nhà, có cổng chào. Có nhà xay thóc giã gạo, có trẻ con trong xóm đến chơi, có bộ đồ cắt tóc. Cắt tóc kiểu tấn công (dài), kiểu phòng ngự (trọc).
Có mấy người kỳ cạch làm đạn bắn thú, có đàn guita, băngiô. Du kích lĩnh súng đi công tác về trả đạn – có phân biệt đạn cá nhân, đạn xã đội. Tư Đậu thu đạn đút túi, trao súng cho một em nhỏ khoảng 10 tuổi lau và chỉ dẫn cách lau.
Gặp Khâm – anh họ Mười Lý, Sên (b trưởng chỉ huy pháo) – anh ruột Mười Lý.
4.6
Cán bộ đi điều tra cứ điểm về hỏi nhau:
- Có trông thấy nhà thờ không? Nhà thờ hướng nào, dài bao nhiêu, có thấy chiều dọc nhà thờ không? Cậu ở đâu trông thấy, mái màu gì?
- Từ đường vào đồn bao xa, trông thấy những gì? Nhà ngói cao bao nhiêu, cột cờ có cờ không? Màu gì?
- Từ đầu đồn đến nhà thờ bao xa, cây cối thế nào?


Trên đường hành quân

 Trận Đồng Xoài (9.6)
Nổ súng sớm, phán đoán thuận lợi, nhưng thực ra là thụ động,
Tin đã vào được cả, đang phát triển, đã sử dụng thê đội 2, rồi lại chưa vào (1 giờ sáng).
Tin d1 chiếm trại Biệt động quân và c2 vào được, c1 chưa vào. Gần sáng vẫn là tin mới chiếm được 1 lô cốt số 2.
Gay go? Đánh nữa hay thôi. Máy bay nhiều, ném bom, tin thương vong nhiều,… thì lại có tin c2 đã vào được và đã chiếm được 2/3 đồn, địch chỉ còn lại lô cốt 4.

Dùng dây thun phổ biến buộc căng nóc nylon, buộc góc,…
Dùng nylon vác nước. Dùng nylon, bạt, buộc túm hai đầu vào hai đầu 1 cây dài lấy nước về gác lên cái giá thành 1 bể nước. Dùng 1 săm ô tô bị lủng 1 lỗ đi lấy nước (xã Phước Sang).
Đèn chai: cái chỗ cổ có cái làm hình con sóc, hình tên lửa. Trong bình của chai, có khi có cắt các hình vẽ: cá, chim cho vào. Có đèn hình quả lựu đạn có mỏ vịt.
Các lá rừng ăn được: Lá bép ăn ngọt bùi (nấu canh). Lá két, lá bươm – canh chua. Lợp nhà bằng lá trung quân.

Chú ý: Cái im lặng trong chiến tranh cảm thấy im lặng khác thường. Yên quá, tắt hẳn đi mọi tiếng động – hoang vắng mênh mông – mọi hoạt động đều thấy ít ỏi, im lìm.
Nắng trong rừng lấp loáng, loang lổ, những thân cây có những mảng rêu, những mảng mốc trên thân cây như được bố trí theo một mẫu trang trí đặc biệt.
Rêu ẩm, lấp loáng những hạt nước li ti. Những tia nắng thẳng xiên chéo trong rừng như những tia làm bằng thứ hơi trăng trắng.

Những gò mối.
Những đàn kiến sinh hoạt theo kiểu của nó, kéo đi theo từng đường, có những con lẻ đi ì ạch lôi mồi (1 con mối, 1 cánh hoa).
Những con vắt ngo nghoe nghển cao đầu vội vã.
Những con mòng kêu vò vò.
Những đàn mối kêu rào rào trong đám lá khô.
Những con tắc kè con, rắn mối chạy lăng săng. Con rắn mối đuôi đỏ vắt ra trước đầu trông duyên dáng như đuôi tóc thiếu nữ.
Những con sóc chuyền cành nhanh nhẹn kêu róc róc.
Những con hồng hoàng đầu to gần bằng thân mình bay đi ầm ỹ, tiếng vỗ cánh nghe phành phạch, phành phạch.
Đêm có con gì kêu ò o, có con gì kêu oàm oạp, có con gì kêu cong cóc như gà gọi con.
Những miếng lá mục sáng rực lân tinh xanh lè.
Tiếng sương rơi lộp bộp, lào rào.  
Khi mưa mái nylon kêu ầm ỹ lộp bộp, lộp bộp.

Cơ quan về nghỉ, anh em thu xếp chỗ ở. Tấp nập bận rộn nhưng tạm bợ. Đùng một cái lại thấy đi, thường không thể biết được những chuyển biến do từ các hội nghị, những suy nghĩ của Thủ trưởng + Đảng ủy bên cạnh tấm bản đồ.
Những nét chân dung
Tám Hợi – 46 tuổi, mới nghe tin vợ bỏ đi lấy chồng đã có 2 con, quê ở Châu Thành, Bến Tre, lông mày dài nhưng một nửa thưa thành ra mỗi lông mày đầu 2 khúc. Tóc xòa một mớ ngắn xuống trán, mặt vuông nhỏ, lơ thơ chút ria mép. Môi dưới hơi trễ vẽ thành hình chữ V đè lên chiếc cằm nhỏ.
Kèn – người vuông vức cân đối, rất khỏe, bắp tay to tròn, đầu húi ngắn, mặt cũng vuông, mắt nhỏ, môi mỏng. Giọng vừa the thé lại vừa khàn khàn. Một tay xách trung liên nhẹ nhàng như người cầm khẩu cácbin.
Ăn xong hỏi: ai còn cơm không? Ăn thêm cho đến lúc mọi người uống nước xong xuôi, lại cầm miếng vải dù đựng cơm đi rêu rao: “Còn cơm đây, ai ăn không? Tôi không mấy khi ăn hết cơm”. Khi uống cà phê nói: tôi chỉ uống nửa muỗng thôi.
Ngồi chơi với bạn lấy ngón chân dí vào bụng bạn nhay nhay rồi kêu: như đi mô tô ấy. Bạn cười vo vo miếng cơm ném vào mặt.
Khi đi, có người hỏi: Kèn đi trước hử?
Trả lời: Tôi ít chịu đi trước lắm, tôi thường đi sau thôi.
Người tuyềnh toàng, quần rất bẩn, không có thắt lưng, thường trễ rốn ra ngoài, có áo cũng cứ kéo ngược áo lên phanh cả rốn ra.
Thắt lưng có 1 bi đông vỏ rách sơ ra một miếng nylon bó không gọn gàng trông tròn cùng cục, tòn ten, cái đèn giải phóng không có nắp.
Viễn: Mặt đen, lông mày đen, cặp môi đen hiện trên nước da tai tái của bộ mặt ngắn choằn. Mắt có những vết nhăn nhỏ tỏa ra từ đầu mắt và vành dưới mắt, thỉnh thoảng lại phồng mồm thở phù phù, gợi hình ảnh 1 con khỉ.
NQ. Tóc sù to thành một vòm đen trên đầu, choàng trên cái trán ngắn, làm cho trán càng ngắn thêm. Lông mày rậm, nước da nâu khỏe, môi cũng tím, răng trắng, khi cười cả bộ mặt nhờ có hàm răng bừng sáng.
Cô dân công. Rất khỏe, lùn, mặt tròn, nước da ngăm đen, đôi mắt nhỏ sắc, đôi môi đẹp. Khi cười hàm răng đều rất trắng, làm cho bộ mặt đặc biệt có duyên.
Y. Mặt trắng, mồm lúc nào cũng phụng phịu, như giận dỗi hay làm nũng, khi cười phô cả hàm lợi trên ra.
Cô cấp dưỡng:
- Mình nhỏ thế này đi đã cực mà trông mấy ông già đi tội nghiệp quá he!
- Thư dầy đặc 2 tờ pơ luya đọc nghe thương quá trời.
Vậy hả (thế à?)
He ông (nghe không) – nghen(?)
Khỏe hả
Lạc tiên = Chùm bao
Lá han = Lá nàng hai.
Quá trời, dữ lắm, quá ta.


Anh chàng cường điệu nói “ấn tượng” khi nói cảnh thú vị trên rừng:
- Trồng cây mì (sắn) 3 tháng sau 7 thằng ăn không hết 1 gốc.
Tả nước độc. Thanh niên trai tráng lên đó ba tháng sau dội thùng nước trên đầu không ướt chân (vì bụng to quá) hoặc: 3 tháng sau cúi không nhìn thấy dái.
Suy = rẫy; Bù = xóm (chính là Buôn) – tiếng Sa tiêng; Sóc = xóm (tiếng Mên); Hổi, rẫy hổi: rẫy cũ cây mọc rậm lên; Sà gạc = dao của đồng bào Thượng.

Hội nghị Đảng ủy
Đức, d trưởng d3
Người mập, mặc quần đùi, quấn trên cổ một cái quần dài ướt lột trái vắt 2 ống buộc ra trước cổ.
Sổ tay là mấy miếng giấy nhỏ buộc vội vào một miếng da mỏng – rất ít ghi chép – chỉ ghi những điều quan hệ đến đơn vị mình. Khi ghi, đầu nghiêng nghiêng. Không ghi thì tỳ cằm vào đầu gối ngồi nghe. Hai gò má cao nhô lên, cằm hơi nhọn làm cho bộ mặt có hình quả trám, tay đeo cái nhẫn trắng (bằng nhôm).
Thu, d trưởng d2
Quần áo bà ba đen, quần xắn lên đến đùi, cổ quấn 1 cái khăn dù rất to, khi nghe hay gật đầu. Sổ tay nhỏ kẹp vào hai đùi. Thỉnh thoảng quay mặt đi nhìn ra 1 khoảng không rất chăm chú như kiểu đang tưởng tượng xem mình tổ chức đưa bộ đội vào chiến đấu như thế nào và suy tính cách tổ chức bộ đội ở nhà ra sao.
Như, d1
Áo quân phục, quần xanh vén lên trên đùi, cổ quấn khăn rằn lỏng lẻo.
Trán cao, tóc vừa thưa vừa ngắn như bờm ngựa mới cắt, da đen, lông mày sếch, môi trên luôn cong và vẽ thành hình gấp xuống làm cho miệng luôn có vẻ ngạc nhiên, mũi to, ria lởm chởm, răng xám hơi khấp khểnh.
Hên
Mặc áo len có fermuture, béo, râu quai nón mới cạo nhẵn, tóc ngắn lơ thơ bết xuống trán, quần đen xắn cao.
Hồng, TMT
Quần áo bà ba đầy đủ tươm tất, vẻ mặt thư sinh, phong lưu, cử chỉ thong thả đường hoàng, chậm rãi. Chỉ có bộ tóc xù lên lởm chởm như đầu đội 1 con nhím.
Bính, gầy cao, mặt dài mồm nhỏ, môi mỏng, luôn luôn mím lại, mắt chăm chú như có vẻ sốt ruột chỉ chờ việc đi làm, không muốn thảo luận. Bộ mặt và cái mồm như vẻ muốn nói: “Thôi, hậu cần phải làm những gì nói nhanh đi cho tôi còn đi làm”.
Sử, d phó d1
Gầy, nhỏ, mặt xanh, khắc khổ. Ghi chăm chú từ đầu chí cuối, đăm chiêu suy nghĩ như không hề chú ý gì đến việc khác, chỉ cố ghi cho được hết, nhớ được hết các điều người khác nói.

Các tên chiến sĩ: Nù, Chum, Bủa, Cu, Đực, Nhiêu, Kèn, Củi, Gắng, Rặn, Sênh, Ghé (C phó TT Phước Long), Mé, Sóng, Ba Xây (Trạm trưởng giao liên K.65), Cướng, Sánh (cô Sánh), cô Huých, cô Nóp (em Mẫn), Út Lép.
Cán bộ: Tám dên dên, Tám theo leo, Bảy Sụi, Sáu Cơm nếp, Ba Cò ngẳng, Bảy Ca phê, Tám Khơme, Hai Ba lô, Hai Xe ngựa, Bừng,…

Các thứ chuyện:
- Ngày 12.6, địch ném bom triệt hạ làng Phú Riềng – có 1 gia đình, vợ chồng và con nhỏ chết hết còn 2 trẻ mồ côi. Anh Châu, Tư lệnh Khu 6 đem về chỗ cơ quan kinh tài (Anh Xuyên Sơn) nuôi. Anh Châu đưa hai cháu về kể chuyện lại cho anh em và khóc.
- Gia đình đó là: Nguyễn Văn Yên, sinh 1924 ở Định Hòa, Thủ Dầu Một, số căn cước: 030476 làm ở An Lộc 23.6.1962,
Lý Thị Muối, sinh 1929 ở Vinh Phú, Châu Đốc, số căn cước 030367 ở An Lộc 23.6.1962.
Con gái lớn Nguyễn Thị Liên, đẻ 1960 ở Minh Thanh, con trai Nguyễn Văn Kiên, đẻ 1962, ở Minh Hòa. Con gái Nguyễn Thị Duyên, 9.1964 ở Minh Hòa.
Hai cháu mang về được là Liên và Kiên. Anh em đặt tên cho Liên là Mai và cho Kiên là Phước.
Anh em thu lại cho các cháu mớ tóc có dính máu của mẹ cháu và các thứ giấy tờ cần thiết để sau này các cháu làm kỷ niệm.

Chuyện gian khổ: thiếu muối, thiếu gạo – đi tải gạo xa hàng 10 – 15 ngày về ăn.
Chuyện bắn thú: bắn dọc, vượn, bắt vượn con, bắn voi, bắn cheo, bắn trượt, các cách làm thịt ăn.
Chuyện rắn cắn, các loại rắn:
- Rắn chàm oặp, loại voi và lửa ở đâu nhiều nhất,
- Rắn lục, rắn mai gầm,
- Các cách chữa – chữa bằng da tê giác – những trường hợp đã chắc khỏi như cô cấp dưỡng ở K1 Tư Thuận chữa một người. Đặt vùng da tê giác vào chỗ rắn cắn, nó hút ngay vào như kiểu nam châm (không rơi) rồi thấy biến chuyển rõ rệt: vết tím thu nhỏ lại, người khỏe dần. Hút xong miếng da tê rơi ra. Da tê rửa cồn 900 xong lại dùng lại được.
Chuyện lau đạn bị sét, gỉ
Một anh chàng đem ra cạo các câu chuyện:
- Không nên cạo, vỏ sơ ra bắn mắc vỏ,
- Lấy bột ngọt hòa nước lau,
- Lấy trầu – đào đâu ra trầu,
- Lấy vải bố lau.

Chuyện Khu 6
Xuân liên lạc bị thương, bò 12 ngày tìm về. Vết thương thành dòi, bắt ba ba dọc đường buộc vào người kéo đi, nhưng không nướng được để ăn, lấy ngọn cỏ, rễ cây để ăn đi về vẫn đủ tài liệu và khẩu tiểu liên (bò vào 1 làng cơ sở gặp dân).
Vinh, giao liên hành lang, chỉ có một áo – buộc bằng các giây rừng túm lại. Rét 6 – 70 nhưng cũng cởi ra để đi rừng sợ gai móc rách mất không có gì mặc.
Cô Sự, căn cứ bị địch ruồng, vẫn vác gùi chạy – chỉ có 1 cái quần. Anh em cố chạy vạy để cho chiếc quần thứ hai.
Cô Cải nuôi gà không gáy. “Gà muốn gáy phải nhướn cổ lên, đan sọt đút gà vào, tối cho ăn xong treo sọt lên cây chúc đầu gà xuống”. Trước đã có nhiều cách: cắt lưỡi, châm kim vào cổ, đều không được. Đặc biệt gà sống, mái, lớn nhỏ đều gáy cả, mà gà gáy là lộ, địch mò tới. Với cách treo, nuôi 20 con.
Một trạm hành lang được chiến công 2, mười một người đào củ mài tự túc hàng năm và có củ mài nuôi khách, đào hầm cho khách trú ẩn, hầm giấu hàng, hầm chiến đấu – 3 người đào 3 tháng được 600 m hầm. Hàng tháng đều có địch vào đánh phá – có lúc chống càn đánh lui hàng d địch.
Chuyện vắt nhiều:
- Không bắt kịp, bám đen chân, bò khắp người, ngo ngoe tua tủa – như duyệt binh, như văn công múa,
- Bôi thuốc chống vắt, vắt bám vào nhưng không cắn được vón thành từng cục bằng ngón chân cái.
Thuốc chống vắt: xà phòng, muối, thuốc rê (thuốc lá), cần đắng (ký ninh, bồ hòn cũng được), chua (chanh).
Hoặc túm vải buộc vào đầu 1 cái que hoặc đựng trong một ống nứa nhỏ buộc vào gậy, có 1 que dập dập 1 đầu để chấm.
Chuyện bẫy thú
- Nếu nó bị sa bẫy bị què mình đến xem xong bỏ đi thì sau đó nó nhất định giựt ra đi (dù bị đứt chân), hôm sau đến chỉ còn thấy chân,
- Người có kinh nghiệm khi đến xem thì cắm cái cọc treo cái áo vào để đó xong rồi đi. Nó cứ nhìn cái áo và còn thấy hơi người sợ không dám vùng chạy đi,
- Cá vào lờ cũng như thế, nhắc lên xem xong thả xuống thì thế nào nó cũng đi.
- Cắt rừng, săn thịt,
- Leo dốc, tiêu chuẩn dốc 300.
Nghe tin chiến thắng:
- Bắt báo cáo ngay,
- Bắt đọc đi đọc lại các điện báo cáo,
- Sửa chữa từng chữ cái điện báo cáo lên trên và điện khen đơn vị đánh thắng,
- Gặp ai cũng hỏi: đã biết tin chưa?
- Nói lại 1 cách rành rọt nội dung điện, tin thêm có đầu có đuôi dài gấp 10 lần (làm như chính mình có dự trận),
- Nói lên phán đoán của mình: đúng là đơn vị đó đánh, đúng là cách đánh mình dự định (đánh như vậy là ăn), đánh là hợp với sở trường đơn vị, v.v...
- Tán thêm ý nghĩa: địch thua đau, sinh lực đó quan trọng, địch sợ,...
Chuyện săn nai
- Bắn một phát, 1 con nai bị thương xông lại, người bắn cầm súng giang tay cản, nai xông qua, đầu quàng vào dây súng, đeo súng chạy mất. Hai ngày sau đơn vị mới tìm thấy chỗ con nai chết và khẩu súng,
- Bắn một con nai, con nai ngồi gục trên gò mối – chiều đến vẫn thấy mắt nai, lại bắn, vẫn thấy mắt, bắn nữa, vẫn thấy,... lắp lê xông vào đâm, nai đổ ầm từ trên gò mối xuống tưởng nó đánh lại, ù té chạy ngã bị thương,
Anh nói phét thấy cọp cao thước 6, hỏi dài bao nhiêu, cũng lại thước 6 – té ra cọp vuông.
- Bắn nai xong không có dao, bẻ nứa xẻ đùi nai ăn,
- Đi lấy gạo thấy 1 con voi bị bắn chết còn hơn một nửa thịt thối inh.
Chuyện voi:
- Voi bị bắn, đuổi chà giẫm vào ba lô, nằm quân y 3 tháng,
- Đi lấy gạo gặp voi chà 5 người bị thương,
- Chống voi độc: giả làm chó, chạy xuống dốc,...
Bắn dọc: Nếu dọc không phát hiện được người bắn thì khi 1 con rớt đó, con khác lại xem, lại bắn gục đó – không đến lấy vội, con khác lại đến nữa,... Có trường hợp đã bắn 8 con 1 lúc như thế.
Bắn khỉ: bắn một phát trúng hay không đều rơi xuống đất, có khi cả một đàn, bắn một con cả đàn cũng rớt hết. Nhưng khi có chó ở dưới đất thì không dám rớt xuống đất.
Bắn cheo: Bắn một phát nổ đùng, trúng hay không nó cũng nằm lăn ra đó. Nó nhát, cứ nghe tiếng nổ là ngã ngất đi.

Những chuyện khi bố trí 1 cuộc hành quân
- Định đi đường cái, lắm gián điệp, không qua được cầu,
- Định trở lại đi đường nhỏ thì tiền trạm đã tung đi rồi, trở lại thì bị vấp đội hình lẫn nhau,
- Qua đoạn đường cái lắm gián điệp lại đến đoạn đường cái pháo bắn và nhiều nhân dân mới giải phóng – dễ phát hiện hướng đi,
- Phải rẽ đường trong nhưng đường trong qua sông không được vì cầu treo không đủ sức cho những pháo không vác đi qua,
- Định chỗ nghỉ chờ thì pháo bắn, chỗ thì gần địch, chỗ thì máy bay chú ý.

Chuyện ông Cống (hồi kháng chiến)
Địch đi càn gặp bà cụ ở địa phương hỏi: phía trên có Cống không? (ý hỏi có bộ đội ông Cống không).
Bà cụ tưởng hỏi có nhiều cống dẫn nước không? Trả lời:
- Nhiều lắm!
Địch gặng hỏi, rồi hoảng sợ rút lui.

Chuyện vui phụ nữ
Anh X kể lại là đã nói với chị B:
- Ăn thì tôi chắc chị cho ăn rồi, nhưng chắc ngủ thì chị không cho.
Tay khác:
- Ngủ thì chắc được thôi, nhưng chỉ sợ cậu cứ thức hoài, chị ấy mới không chịu.
Tay khác:
- Thôi thế nào thì cũng được nhưng phải làm sao cho coi được thì làm.
X:
- Đã làm thì chắc là coi được thôi.

Chuyện làm ma. Các thứ kiểu chôn, đốt, làm ma. Kết luận: Giầu thì rình rang (lôi thôi), Nghèo thì ràng rinh (ràng lại rồi rinh đi ngay).      

R: Rừng rú rầu rĩ,
Râu ria ra rậm rạp,
Rắn rít rối ren,
Rét run rã rời.
Phụ nữ kiêng nên nói e-rờ: Thanh niên R, phụ nữ khu.

Anh chàng hay tán chuyện (Lê Hùng, Mỏ Cày)
Ai nói chuyện gì hắn cũng có 1 chuyện: chuyện đánh giặc, bắt tù binh, trói tù binh, bom thả, bắt tù binh nằm sấp xuống hầm.
Chuyện cơm vắt gặp mưa rã ra khi đánh nhau không ăn được.
Chuyện chiến lợi phẩm – thu được cái gì, tiếc cái gì.
Chuyện săn bắn ở rừng.
Tự xưng là người góp chuyện tứ phương. Có nhiều khi mọi người đã chuyển sang chuyện khác, anh chàng vẫn tiếp tục kể câu chuyện mình đang nói. Chuyện các kiểu bình toong, chuyện lưỡi lê Mỹ, chuyện mùng (mùng nylon, mùng lưới, mùng không đỉnh, v.v...), chuyện võng: võng Mỹ, võng của địch, thắt lưng của bộ đội, ..
Các con: Vượn (không có đuôi, tay dài, đực = đen, cái = vàng, con còn nhỏ thì đực cũng vàng),
Dọc – như vượn, nhưng thường đen, đuôi rất dài,
Khỉ. Tầm vông: đầu to, mặt thông minh hơn. Mình... hơn khỉ, có đuôi ngắn.
Các cây:
Thao lao (bằng lăng): cây nhiều khía (không tròn) màu da, cây trắng và không nhẵn, có những vết bằng miệng chén như kiểu có người vạt, gỗ dai, không bị  nước, làm gỗ đóng thuyền, bơi chèo tốt. Cây cao đẹp, khỏe. Vỏ cây để nhuộm được.
Trung quân: cây thường nhỏ, lá lớn bằng bàn tay màu xanh biếc, dày chắc. Dùng để lợp nhà – được độ 1 – 2 năm, không cháy.
Tràm: vỏ cây để lợp nhà được, thân cây màu trắng.
Cây Cầy
Cây Dầu. Rừng Dầu rất thưa, sáng – vì các cây khác không mọc được, chỉ có cỏ - thường bị sình lầy. Cây cao thẳng, rất khỏe, thân cây tròn, đen, sù sì, lá rất to và ráp như lá han.
Người ta chặt khấc vào trong thân cây ở gần gốc để lấy dầu. Mỗi lần muốn lấy dầu, người ta đốt chỗ chặt đó thì dầu ra.
Dầu dùng để khảm thuyền. Mùa (tháng 3, 4) hoa ra đỏ rực.

Chim
Bù Chao (Bù Chóe) còn gọi là Liếu Liêu(?), đi hàng đàn trong rừng, khi thấy người thì đua nhau kêu vang lên.
Cò Ngẳng – một thứ Becasime, có đặc điểm “si tình”. Khi mái nghe tiếng trống thì chạy thục mạng lên. Nhất là khi trống nghe tiếng mái và đồng thời lại nghe tiếng 1 con trống khác thì càng chạy thục mạng hơn nữa. Người đi bắt có 3 cái còi, 1 còi giọng tiếng con mái, 1 còi giống tiếng con đực và 1 còi rúc lên những tiếng lúc “cao trào”.
Ngồi ở rừng thôi, rồi chăng lưới (hơi nhỏ) sẽ bắt được rất nhiều. Người thổi giỏi được đặt tên “Ba Cò Ngẳng” (cần vụ của Bí thư Bình Long).
Trái cây rừng: soài mút, lôm chôm – vải, dâu, gùi.
Mút = súng trường (monogneton). Mút nhét – súng tự tạo, mỗi khi bắn xong phải nhét đạn. Sê no = indochinois, Mút Mỹ mòng, “Laben” (súng lebel của Anh), “Tút uồm” – súng Mã Lai bắn kêu tiếng uồm, Mút mát – súng trường Mát, Mút Tây, Mi tuyn, Cây “luộc” – Đại liên (mitralleuse lourde), Mi bá rút = tiểu liên báng rút, Bù bu (Mã Lai) – xe thiết giáp của Mã Lai, Nồi đồng = tonrelle giống như cái nồi đồng, Cách Cách (4 – 4). Tầu đầu bằng, tàu chữ thập.
Quân sự Bà Ba – ý nói trình độ quân sự phụ nữ,
Chặn đầu, khóa đít, xiên họng,
Trái láng = lựu đạn khói.
Chân cheo (nhỏ), Mặt dọc (xanh),
Mun (ngắn gióng) = bương, Lồ ô (dài gióng) = nứa, Nứa – dài gióng, mỏng hơn lồ ô, Củ chụp = củ mài.
Hết biết, Dữ lắm, Trần ai, Trần thân, Hết mình, Quá trời, Ngon.
Quá trời, Quá xá, Quá ta, Trần ai, Trần thân.
Tổ nội, Tổ mẹ, Thấy bà, Thấy mồ, Bất tử,
Trời thần, Trời gầm, Trời đất, Trời biển.
Trượng – khỏe trượng, nhiều trượng, Trăm – yếu trăm,
Một mách, một tăng, một nhí (Hường).
Tiếng tắt: lô cốt = cốt ; phục kích = kích; thương binh, tử sĩ, tù binh, hàng binh = thương tử, tù hàng; điều tra nghiên cứu = điều nghiên.
Chén (Nam) = Bát (Bắc); Ly = Cốc; Tô = Bát tô; Viết = Bút; Lộ = Đường; lô ủi = đường be; Bự = To; Dớ = Bít tất; Trà = Chè; Té = Ngã; Mùng = Màn; Mỳ = Sắn; Trái gùi = (không có); Soài Mút = mắc chai; Mãng Cầu = Na; Thơm = Dứa (to); Khóm = Dứa (nhỏ); Mận = Roi; Gỗ gõ = Gụ,
Nam – người té, cây ngã,
Bắc – người ngã, cây đổ,
Trung – người bổ, cây nhào.
...
Thiêm nói nhiều chuyện:
- Bắt con cần đước (như con rùa), bắt con chúa chở theo ghe, nhiều con con bám theo ghe bơi – ghe không phải chèo mà chạy như ca nô,
- Cây dừa cao ngã 7 ngày mới rơi xuống đất.
Chào hỏi: Có đói không? Ông đói về ăn cơm xong lại tiếp tục ngã.
...
Từ 3.9 đến 9.9 rồi 13.9
Hội nghị tổng kết Chiến dịch Đồng Xoài
- Hai Chân gặp vợ. Tổ chức xếp 1 cái nhà vợ hay ăn trầu ở Cục Chính trị giỏi nấu bếp, chỉ đạo kỹ thuật nấu nướng cho Hội nghị - Có 2 con nhỏ học ở trường Thiếu sinh,
- Tòng gặp vợ. Vợ công tác ở Tuyên huấn chuyện thư (khi vợ còn ở Hà Nội viết thư cho Tòng. Tòng giữ làm kỷ niệm 1 tập – khi đi chiến dịch, Tòng gửi ở CCT – Khi CCT gửi ra cho Tòng anh em thấy 1 tập thư ngỏ không hiểu của ai),
Ban Tổ chức cho đón vợ về gặp Tòng làm nhà nylon cho 2 vợ chồng ở. Vợ đẻ được hơn 2 tháng,
- Phòng trước đây có hỏi Thu. Khi về Hội nghị gặp Thu. Tổ chức bố trí giúp đỡ không ăn thua. Phòng nói trước đây 2 người đã đồng ý – Vì Sáu Hùng, ba nuôi khuyên Thu chưa nên lấy chồng nên thôi. Thỉnh thoảng Thu viết thư hỏi thăm, nhưng hỏi Thu thì Thu bảo không phải trước đây Phòng có hỏi nhưng đã trả lời dứt khoát rồi. Khi trả lời Phòng run lên đến 20 phút kia mà – Còn Phòng gửi thư cho Thu, Thu buộc phải trả lời mấy câu hỏi thăm chung chung.
Từ 14 – 17 gặp Lim Sen The (Lâm Hạnh Thái) Triều Tiên. Anh chàng 39 tuổi, đầy nhiệt tình, tâm hồn nghệ sĩ, nói tiếng Anh.
Khi xem văn công thì làm thơ – khi liên hoan nhảy múa hát, tha thiết với các cháu Thiếu nhi ở Văn công. Mời Anh Hai và văn công sang Triều Tiên. Gặp vợ Trỗi cũng mời sang Triều Tiên. Các cháu văn công tặng nơ, nhẫn (cà rá) cho con Lim. Lim cảm động quá tặng lại caravat, lược, bút, v.v…
Tốt quá, Thân mật quá, Ấn tượng sâu sắc.
Thời ở ngoài Bắc vào – mong nhiều thư – Thật là sự kiện vĩ đại. Khi Thời đi ra mang theo nhiều thư – chia tay mà mình bâng khuâng nhiều hơn lúc rời miền Bắc. Cái gì thân thiết thế? Không phải gia đình mà là TƯ TCCT những thanh niên trong Quân đội và tất cả những cái gì gọi là XHCN.
Trận sân Dạ Cầu 9/6/1964 ở Tân Sơn Nhất
Nổ hẹn giờ, 2 quả. Đêm chui vào đặt – gặp 1 người, gặp một đôi tình nhân. Gặp một ô tô tuần tra, một đồng chí định rút súng bắn,… Đổ đất mới.
Nghiên cứu 2 đêm, lợi dụng sơ hở nghĩa địa, hóa trang thăm mộ. Đặt đêm trước, hẹn giờ 18 tiếng đến 20g30 nổ. 45 Mỹ chết (có 1 đại tá), 40 Mỹ bị thương (1 đại tá, 1 thiếu tá).
Trận Brink 24/12/1964 (18 giờ 40’)
Cư xá số 2 của Mỹ ở Sài Gòn, còn cư xá Rex là số 1. Brink – bọn sĩ quan độc thân của Thủy quân Lục chiến, 169 phòng, 7 tầng. Phát hiện: xem ảnh phong cảnh thấy được 1 điểm trắng, điều tra: tầng cuối cùng là ga ra ô tô. Hai tạ diệt 72 trung tá, 60 thiếu tá, 30 đại úy. Có quân cảnh Mỹ, có công an ngụy (cả nữ), nóc có súng phòng không. Nghiên cứu sơ hở - quy luật, yêu cầu nổ vào giờ nào tập trung nhất.
Lê Thị Lành, Dương Văn Bông.
Khó khăn: chọn người đóng sĩ quan cao cấp, nước ngoài, tiếng Anh, tìm xe Huê Kỳ. Mua xe – phải có người  có mẽ mua xe (tìm người – thuê villa ở), phải có người giới thiệu xe (chủ 1 gara chữa xe).
Chết và bị thương trên 80 tên, sau trận đánh – truy xe.
Caravelle, khách sạn lớn nhất (1964)
Đóng vai tư bản (nhiều người tập), sau phải đổi lại đóng vai phụ tá cho Đại tá tình báo Mỹ dắt theo tình nhân của người Đại tá. 40 kg thuốc mạnh, ngày trước không nổ, ngày sau mới nổ. Đại sứ Úc cũng ở đây.
Kinh đô (4 Tết) 16/02/1964
Rạp Cine dành riêng cho Mỹ, trên Lê Văn Duyệt, đường lớn nhất. 10 kg mìn định hướng, bắn chết 2 quân cảnh Mỹ, dùng võ đánh chết 1 công an ngụy. Ôm trái đặt giật nụ xòe.
Thay đổi phương án đánh tại trận. Lúc đầu, định đánh đằng sau, nhưng sợ chết dân nên đổi ra đánh ngay trước mặt Rạp.
Mỹ Cảnh 25.6.1965 (20.00)
Trận đánh hụt (tháng 5.1965).
Nhà Mỹ Cảnh là một hàng ăn nổi trên sông ở Bến Bạch Đằng. Vấn đề chở vũ khí, chở thuyền. Lần đánh hụt: đưa vũ khí đến hỏng bộ phận tự động – người chở thuyền lại đi mất, đồng chí số 2 đem gửi ở nhà hàng – Chị nhà hàng xem xong kêu lên, cảnh sát đến, mất trái.
Phương tiện: đi xe gắn máy, cách ngụy trang: bán báo, đặt giỏ, bán báo (tức là đặt trái) 2 trái, mỗi trái 10 kg, chết 51 (có 28 Mỹ, 4 trung tá), bị thương 102 (có 71 Mỹ). Nổ tự động định giờ, mìn định hướng.
Đại sứ Mỹ (30.3.1965)
Lê Văn Hay bị bắt (bị thương), bắn súng hết đạn, bị thương còn đánh nhau. Thuốc nổ hơn 200 kg. Chết và bị thương 169 tên. Sau đó địch bắn chết 40 thường dân.
Trận tàu Card (02.5.1964)
Tàu dài hơn 100 m. Chở thuyền chui vào cống. Khi đi, đồng chí số 2 bị bệnh nặng tìm số 3. Số 3 đi chơi chờ mãi. Số 3 không biết đi đánh. Thuyền đi gặp vụ ăn cắp ghe, nhận là đi buôn lậu. Sau lại gặp tàu tuần xét, phải hối lộ 500 đ. Vướng một ông muốn đi buôn lậu ghé lại phải giải quyết. Đặt hơn 10 giờ đêm hôm trước, 3g30 sáng xong đi ra, 5g30 sáng hôm nổ.
Đã nhiều lần trước đánh hụt, lần đánh tàu Buton thuốc không nổ. Đồng chí số 1 hôm sau lại vào lấy thuốc ra.
Chuyện đặt thuốc ở cầu Bình Lợi (7.1964)
Giật trái không nổ. Ba lần điều tra khi tập có người đào ngũ cả 3. Lần đánh thật, địch bắn, ném lựu đạn xuống nước. Đặt trái xong, lạc nhau – lúc chấm điện, không nổ.
Đánh tàu Cửa Đại 888 ở thị xã Kiến Phong (Cao Lãnh)

Leo dốc (Tấu), sáng tác của đoàn Văn công QGP khu V
Đời Cách mạng có biết bao nhiêu là chuyện, chuyện giết giặc lập công, hầm chông nỏ lẫy, chặt cây phá rẫy, xây cửa dựng nhà, nuôi lợn nuôi gà, trồng cà trồng sắn, dầm mưa dãi nắng, cõng gạo móc mỳ, ốc đá tàu bay, gạo lon muối ống. Rồi chuyện đi phát động phá ấp giành dân, chuyện cha gặp con, chồng gặp vợ, vân vân và v.v…
Cứ mỗi chuyện đều có thể làm được một bài thơ, ấy thế nhưng lại có chuyện này, cái chuyện mà tôi sắp kể cho các đồng chí nghe đây chắc ít có người cảm xúc, đó là chuyện… leo dốc.
Biết leo là mệt, nhưng có ai tránh được đâu, bởi vậy cho nên tất cả chúng ta từ quan quân tướng tá, già trẻ, gái trai, làm cách mạng ở đất này thì thử hỏi chớ ai mà không leo dốc?
Vậy thế nào là dốc? Định nghĩa này tìm trong văn học không ra, ấy thế mà bà con chúng ta đã tìm ra từ năm một nghìn chín trăm… lâu lắm rồi.
Dốc có nhiều loại: dốc cao, dốc thấp, dốc ngắn, dốc dài, rồi cũng có những loại dốc lài lài mà leo mỏi chân tổ nội.
Nhưng đúng nghĩa của nó là như thế này. Dốc là phải leo từ nửa tiếng trở lên, còn nói về độ chênh thì phải từ 60 đến 90 độ. Làm sao mà hễ nghe nói đến tiếng dốc là nhiệt bốc bừng người. Còn những loại leo mệt chơi chơi thì không được coi là dốc.
Ví dụ: Dốc Tranh, dốc Được, dốc Quế Ngót Liêm, Cà Rết, Xuân Bình, Tà Ra, Mô Ních, dốc Sông con, dốc số 7, dốc Ông Dũng, dốc Ông Hương, đó là những dốc anh hùng tiếng tăm lừng lẫy. Còn những loại dốc xoàng xoàng thì xin lỗi hễ mở mắt ra là chạm trán.
Trời vừa tảng sáng, cơm nước xong xuôi, tay chống gậy xuôi, bắt đầu bò lên dốc Ông Dũng, trèo lên tới đỉnh như bị rụng mất nửa cặp giò, xuống dốc xong rồi xổ qua sông Xà Lò, đừng vội cho là hết dốc.
Chiều hè nắng bốc, khô rốc cái bi đông, ấy thế mà phải trèo lên cái dốc Ông Hương, tôi nói thiệt, chẳng khác nào trèo lên Ngọc Hoàng Thượng đế.
Làm Cách mạng có nhiều chuyện gian khổ chưa nói đến chuyện đánh giặc đánh giã. Thiếu muối, thiếu mỳ mà kể nội chuyện đi không cũng mất bao nhiêu là năm tháng.
Tôi còn nhớ có một lần đang đi giữa đường bị lên cơn sốt, run là cà lập cập, răng đập vào môi, ấy thế mà một cái dốc cao ngất trời nó đứng chằm vằm phía trước. Mưa như trút nước, trạm hãy còn xa, nếu không cố gắng vượt qua thì có nước chăng nhà giữa núi. Công tác thì tối khẩn mà cứ lẩn quẩn thế này thì trễ mất. Đấu tranh rất gắt, xác định quyết tâm: Thôi! Đi!
Thế là lồm cồm ngồi dậy, tay chống gậy mây, xốc lại ba lô, bắt đầu thượng lộ. Đường trơn như mỡ, mới bước lỡ chân, nó ném một cái “rầm”. Dép thì một chiếc trôi lên ống chân, còn 1 chiếc tuột mẹ nó 4 quai trông như đầu con mực.
Mình đang ráng gân ráng sức vật lộn với cái ba lô, thừa lúc hở cơ, một chú vắt mới đột ngay vào chỗ hiểm.
Đường trơn, dốc đứng cứ 2 bước tiến, 1 bước lùi, bước lên mỗi bước thật thấy cả trời xanh trời vàng, hào quang đom đóm, vòng nhỏ vòng lớn nó đảo lộn cả đất trời, cái đường gì mà cứ dấn lên trời mà thượng.
Thế là trong đầu óc lại mường tượng đến những quãng đường bằng sau này thống nhất rồi cứ ngồi miết trên xe mà đi lối vài ba tháng cho nó lại gân đã cổ, cho bõ lúc gian nan, đi từ Bắc chí Nam mà đất không chạm cẳng.
Đang nghĩ vơ nghĩ vẩn trật cẳng, nó làm tiếp một cái “rầm”, lả một miếng da hông, mới nhớ ra là mình đang leo dốc.
Đang cơn mệt ngắt bỗng nghe giọng hát xa xa:
“Dốc núi cao cao, nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi”
Lạ này! Ai leo dốc mệt như thế này mà vẫn hát ca.
Thì ra một đơn vị QGP đang trên đường hành quân chiến đấu. Mỗi người mang hai ruột tượng gạo, rồi nào súng nào đạn, nào áo nào quần, trước ngực, sau lưng. Ôi cha chả là nặng.
Một đồng chí trông mảnh khảnh mà vác cả bộ cẳng trọng liên, một đồng chí thanh niên vác cả cái nòng ĐK 57. Chao ôi, thấy các đông chí mang vác mà tôi khiếp. Lại một em bé dân công, lưng mang một thùng đạn to gấp mấy lần người em, vẫn thoăn thoắt bước lên mà còn có nhã ý vượt lên trên người khác.
Tôi đứng chăm chú nhìn em mà vụt thấy em cao lớn phi thường.
Một đồng chí QGP thấy tôi lên cơn sốt liền tỏ tình mang giúp cái ba lô. Thấy ông bạn nặng quá rồi, tôi cương quyết không cho những vẫn cứ nằn nì mang cho kỳ được.
Những hình ảnh ấy cho thêm sức lực, tôi liền đứng lên tiếp tục bước theo.
Tôi mới nghĩ:
Đường Cách mạng quả là gian khổ,
Nhưng con người vẫn cứ hiên ngang.
Núi cách, sông ngăn, đèo dốc gập gềnh.
Vẫn cứ hát ca và tiến lên phía trước.
Đang lúc cúi bước không chịu nhìn trước ngó sau, một cọng lau nó nhè ngay cái lỗ mũi mình nó cứa. Tức ôi! Tay rờ rờ cái lỗ mũi, mặt căm thù nhìn cọng lau, một cọng lách phía sau nó nhè ngay cái lỗ tai nó làm tiếp một cái sột. Tức trào tận cổ, nhưng có biết nói sao, thôi đành cười cái trừ hao rồi đi cho rảnh.
Trèo lên tới đỉnh chẳng khác nào vượt qua một bước ngoặt của đường đời. Thì ra dốc ghê thật, chẳng những thử chân, thử sức mà còn thử cả ý chí của con người. Thế rồi nhìn đất nhìn trời, thấy khoái trong người mới vuốt râu hát bộ:
“Vuốt râu qua… không hề sợ dốc, mà vuốt râu lại a… Dốc nó cũng chẳng sợ gì mình”.
Tôi nói những chuyện như vầy, sau này kể lại cho con cháu nó nghe, chắc nó cũng không dè ông nội nó trước đây có cái tài leo dốc.
Leo dốc thì mệt thật nhưng cũng có lắm chuyện vui. Có một lần tôi lui cui lên gần tới đỉnh bỗng nghe giọng ai lanh lảnh ngâm 4 câu thơ:
Ngồi dưới chân dốc,
Thấy dốc cao hơn người,
Lên tới đỉnh rồi,
Thấy người cao hơn dốc.
Hay! Tôi thầm nhắc lại. Giọng cô ta ngâm không hay lắm nhưng giữa cảnh núi rừng nghe nó mới ngọt ngào đằm thắm làm sao. Trong người tôi cảm thấy dạt dào định nghỉ nhưng thôi, để ráng lên trên này xem thử. Thì ra một cô thiếu nữ trạc tuổi đôi mươi, mỉm một nụ cười tươi như hoa nở.
Mới gặp nhau phút đầu còn bỡ ngỡ, nhưng sau rồi cảm thông. Cô ta mới lấy trong xách ra một tảng đường đen mời tôi uống nước. Chà… đang cái cơn người khô cổ rốc mà nhấp vô một miếng đường, tôi nói thiệt nó chạy thấm luồn từ chân tơ kẽ tóc. Tôi bèn tặng cô ta một câu thơ:
Ngồi trên đỉnh dốc, ăn tảng đường đen.
Đường tình đường nghĩa, đường quen buổi đầu.
Thế rồi 2 đứa nhìn nhau, chia tay trên đỉnh dốc.
Tiếng chim ca thánh thót,
Con suối hát rì rào.
Trong người thấy dạt dào,
Lại đâm ra… yêu dốc.
Dốc đáng yêu thật!
Nhất là những hôm trời cao, nắng đẹp. Ngồi trên đỉnh mà nhìn thì tuyệt.
“Thăm thẳm một màu, non nước xanh,
Trời cao, lưng núi gối mây lành.
Nhấp nhô ghềnh đá, đầu non ấy,
Suối trắng gieo mành chảy quanh quanh”.
Đó là nhìn thẳng tầm, còn nhìn xuống thì:
Một con sông nhỏ mơ màng,
Ân tình ôm bóng mây vàng về xuôi.
Mượt mà rẫy lúa nương khoai,
Lả lơi một cánh chim bay giữa trời.
Đó là ngồi trên đỉnh dốc căn cứ. Còn:
Ngồi trên đỉnh dốc giáp ranh,
Nhìn về quê mẹ đồng xanh ngút ngàn.
Càng nhìn càng thấy chứa chan,
Quê mình biển bạc rừng vàng là đây.
Chính những lúc đó mới thấy càng thêm yêu sông yêu núi, yêu nước, yêu non, thấy Tổ quốc giang sơn hùng vĩ vô cùng, thấy mắt rộng tầm, thấy người trẻ lại.
Cho nên nếu ai mà chưa được leo dốc thì quả là một điều đáng tiếc. Ngược lại ai mà có leo nhiều dốc cũng đừng có công thần. Sau này cách mạng thành công, không khéo không đủ tiền mua xe đạp thì cũng đừng có “Hứ! Sao không chiếu cố mấy cái thằng leo dốc”.
Chép lại ngày 29.10.1965

6.11 Gặp Năm Hòa
Người nhỏ nhắn nhưng rắn chắc, mặt xương xẩu, lông mày rậm. Khi nói thường hơi méo mồm đi, rít hai hàm răng lại để diễn tả tinh thần khẳng định của câu nói.
- Đã có bao nhiêu gạo?
- Hơn 1000 tấn, đã phát cho bộ đội 700 tấn (lại méo mồm). Mua được độ 100 tấn thực phẩm (méo mồm). Bộ đội đã lĩnh xong cả (méo mồm).
- B.52 thả, anh em các cơ sở hậu cần đã có kinh nghiệm đào giao thông hướng Bắc Nam. Hễ nó đến thì chạy ra, nếu nó bom xong thì lại chạy vào đậy kho lại, mấy phút xong lại chạy đi. Nó thả mãi vẫn thế thôi chẳng sao cả (méo mồm).
Con người Năm Hòa là con người hoạt động, luôn đi và giải quyết việc cụ thể tại trận, rất xông xáo, tháo vát, gỡ khó khăn. Trông người anh luôn như nhấp nhổm muốn đi, không thể ở yên.
Chuyện hai cô gái coi kho quân khí. Địch càn chạy xuống hầm, địa đạo. Bị bom sập, lấp hầm đào 13 ngày mới lên được. Lên đến nơi ngất đi. Hai chị em động viên nhau “chết thì thôi”, không để địch bắt.
Những chuyến xe bò vận tải đi có bộ đội bám địch ở đường. Có địch, đánh địch rồi cho xe chạy đi. Pháo bắn, mặc, cứ đi rồi cũng được.
12.1965
10.C. Cán bộ lâu năm, quen biết hầu hết các đồng chí ở BCH và TƯC. Gặp bạn cũ bây giờ là cán bộ ở cấp lãnh đạo cao, muốn “tâm sự” nhiều, ôn lại những kỷ niệm xưa – nhắc lại những đồng chí cũ. Có cái khó trong quan hệ mới vì thật ra trước cũng không phải là bạn thân. Mỗi lần gặp lại muốn nhắc đến một chuyện gì cũ, một người nào quen cũ, hình như có một sự nhắc nhở lấy quá khứ oanh liệt ra để an ủi tâm trạng hiện tại. Vẫn tận tụy với cách mạng, nhưng không đủ sức nắm những sự việc mới.
Người khác có những mâu thuẫn, bối rối trong tư tưởng. Đứng trước những sự việc mới, kinh nghiệm mới của công tác cách mạng, cảm thấy bất lực, nhưng lại không chịu học – có tâm lý là mình cũng đã làm qua, không có gì hơn mình cả. Mình biết thừa. Nhưng khi bắt tay vào làm lại khó khăn.

Thử tìm hiểu những người mong thư vợ:
- Loại mong để biết tin con, để có đủ bổn phận là cần mong một tin tức nào đó,
- Loại mong nhớ mong thương nhưng trong cảnh người đứng tuổi mong tin tức của người bạn già,
- Loại mong với tất cả những tưởng tượng nồng cháy của tình yêu. Ai khơi đến thì kể chuyện kỷ niệm một cách say sưa.

Những câu chuyện vui:
Bộ đội hỏi chủ nhà:
- Bác cho các cháu làm thịt chó được không?
- Các anh định làm thịt chó hả? thì để lão rỡ nhà, đốt đi đã,…
- Ấy chết! Chớ chớ!
- Không, rỡ nhà để thui cho nhanh.
Có người nói:
- Ấy tôi thấy thịt chó là tôi bẻ đũa ngay.
- …!? …!
- … để bốc cho nhanh.
Sáu Khâm khen Năm Thạch
- Chà cái đài anh Năm đẹp quá. Sao bây giờ anh còn mua được đài này?
- …?! …?
- Vì tôi nghe nói nhà máy này đóng cửa lâu rồi kia mà.
Năm Truyện, mặt gầy, đeo kính trắng, môi hơi trễ. Tất cả đều gọn gàng từ thắt lưng đến cái xà cột. Xà cột: nhỏ, may đẹp, bằng vinylon có may chần như trấn thủ, khóa đẹp. Mọi thứ đều được chăm sóc, chau chuốt. Khi nói thỉnh thoảng lại đỡ kính. Khi chỉ sơ đồ diễn tả các mũi tấn công thì tay đưa mà người cũng dướn theo thành ra cứ lắc lư lắc lư.
Sáu Khâm: tế nhị, rành rọt; Chín Hiền: yên lặng, luôn lo lắng đau khổ; Tư Thanh: luôn ngứa ngáy muốn hoạt động nhưng tự ty trước Chín Hiền; Sáu Thượng: gày nhỏ, nhanh nhẹn, tự tin, ít nói; Bôn: lắp lắp, luôn ngúc ngắc, nói giòn tanh tách; Năm Thạch: chắc chắn sôi nổi; Hai Chân: Trầm tính, diễn đạt khó khăn, khi nào nói khô môi lại nhếch nhếch.

Đêm 21.3.1966
Mình tưởng “Trời” đã xếp đặt cho Ba Long và mình cặp kè nhau mãi. Thế mà bây giờ lại có lúc mỗi đứa một nơi. Ba Long hôm nọ nhắc đến bữa tiệc rượu ở Bắc Ninh hôm hai thằng chia tay nhau. Ngày nay không có tiệc rượu, nhưng nhiều việc éo le khó nói. Anh Năm đi vắng nghỉ. Mình cảm thấy một sự chơi vơi trong khi làm việc, một sự lo ngại trong công việc. Ba Long lại đi… Có cái gọi là cái “khó chịu trong tình cảm”.
Còn chị Ba ơi, tôi cũng nhớ chị và thương chị vô cùng. Tôi hiểu chị và chị tin cậy ở tôi. Tôi ân hận và day dứt nhiều nhất ở chỗ là vì nhiều lẽ mà tôi không thể chia vui, sẻ buồn với chị được – không được săn sóc, giúp đỡ chị. Thời gian qua, chị đã giành cho tôi nhiều tình cảm tốt đẹp và cả M. nữa. chị và M. đã làm cho tôi có được một cái gì ấm áp thiết tha của tình đồng chí, tình quê hương, tình bạn,… Tôi chỉ biết cảm ơn chị nhiều, tôi muốn làm rất nhiều việc để giúp đỡ chị và để cảm ơn chị. Nhưng không được, tôi rất khổ tâm. Xa chị, buồn vì nhớ chị cũng như nhớ Ba Long thì ít, mà lo cho chị, thương chị và ân hận day dứt vì không làm được gì để săn sóc chăm lo cho chị thì nhiều. Chị ạ, chị đừng trách tôi chị nhé.
Hai ngày qua thật tình cảm xáo trộn khá nhiều. Nó cứ dậy lên như sóng. Mình như con thuyền lớn không át được sóng mà bị sóng lừng dữ dội. Nhưng thôi chắc mọi việc nó lại qua đi. Vì cũng đã có nhiều việc qua đi rồi.
Miền Bắc, nghĩ đến miền Bắc, nghĩ đến với một sự nhớ nhung tự hào, khao khát tin tức. Miền Nam thì thật đáng phục và đáng thương!…
22.3
Luôn suy nghĩ về công tác thường xuyên theo kế hoạch bị cắt ngang. Những suy nghĩ về công việc bị rối lên dồn dập. Khẩn trương, phức tạp và khó chịu. Có những thứ sôi lên cần làm gấp, lại có những thứ như ngưng đọng đợi chờ trì trệ, không ra sao.
Tin tức vẫn đều đều nhấm nhắt. Trong khi ấy, tình cảm riêng tư bị kích động. Tâm hồn luôn luôn không ổn – từ mấy ngày nay. Hễ ngủ là chiêm bao mà cũng chẳng biết là chiêm bao những gì. Mình quen sống trong sự ổn định tương đối, có nhiều trù liệu chủ động. Nay nó lại cứ rối lên. Tức quá! Hôm qua ngủ cũng chẳng ngon. Tâm sự với Tám Trần càng thương Chị Ba.
24.3
Hôm kia đi một mẻ, 9 tiếng đồng hồ chẳng được bao đường đất mà hóa ra mệt. Hành quân đêm – tiếng thở hì hục, tiếng bòng kêu ạch ạch, tiếng bi đông va vào súng lách cách, tiếng chân sên sệt qua đường sỏi, tiếng người quệt vào lá khi thì loạt soạt kéo dài, khi thì loạt soạt lào rào. Tiếng lá khô chân đạp lên kêu lộp rộp.
25.3
Nghỉ một ngày nhưng thật mệt, tán chuyện nhiều, chung quanh những kỷ niệm hành quân, các nhân vật phụ nữ, những ước mơ sau chiến thắng, những ước mơ trang bị hành quân thật nhẹ - chân mỏi tợn. Nay đi một mách từ 14 giờ hôm trước đến 8.00 sáng hôm sau, 18 tiếng – phá kỷ lục cũ của Ba Long rồi. Nhưng thực ra quãng đường đi được cũng chỉ độ 20 km – có pháo bắn chặn đường.
26.3     
Đến hôm nay thực sự qua được 3 chặng đường. Cuộc hành quân đi vào giai đoạn mới. Những công việc dồn dập trước mắt đặt ra. Chuyện xúc động và tình cảm dẹp dần. Nhưng vẫn nhiều điều cần nói. Ăn ở dọc đường cần canh quá. Có một cách làm canh hành quân rất hay: Mắm khô, bột ngọt. Ở khó chịu ghê gớm – đã tới đất rừng già và vắt.
Một điểm đáng chú ý theo dõi là Ba Lưu hay nói, lắm lúc nói nhiều và lèm bèm như một người nhiều xúc động phấn khởi, nhưng cũng có mầu sắc của một anh cơ quan nghiên cứu luôn luôn chú ý nghiên cứu “phát hiện vấn đề”. Thỉnh thoảng phát hiện và thích nói.
Suy nghĩ về tâm trạng một anh cán bộ quân sự có một chính ủy tốt : khi vắng chính ủy, anh ta có một cảm giác nhẹ nhàng vì thấy tự mình quyết định các vấn đề không có ai ngăn cản, phân tích gì lôi thôi phiền phức. Nhưng khi gặp những vấn đề phức tạp, anh ta lại bỗng thấy thiếu một người để bất ngờ đặt lại vấn đề cho bật ra những khía cạnh mới mẻ làm cho việc giải quyết thật dễ dàng.

27.3
Đến chỗ Phong – Thanh (Q3), sực nhớ rằng ở đây có anh ruột của Mẫn, quên không hỏi Mẫn để biết tên mà hỏi tin hộ. Lại đi đến chỗ Năm Thạch – Hai Chân. Tạm coi như đến nơi – Vui vẻ.
28, 29, 30
Làm việc với công trường với Năm Thạch. Gặp Di, Chánh, đọc một số tài liệu địch ta, văn nghệ.
31
Chờ đợi ngày họp. Nhiều điều muốn viết mà cũng chẳng muốn viết, lại phân tích tình cảm “lèm nhèm” như trẻ con (!)
Tài liệu: Hồ Văn Đông, Long Sơn, Cần Đước, Long An, 22 tuổi, nhập ngũ 9/1965. Trận Bàu Bàng chạy đuổi nhau với xe Mỹ, bắn súng, ném lựu đạn diệt xe (12.11.65). Hồ Văn Thoại, 2 lần bị thương, diệt 2 xe 113 (12.11.1965), bắn B40 (?). Hoàng, chiến sĩ liên lạc. Vào trận địa trèo lên pháo hỏng để quan sát. Thấy Mỹ bắn chết Mỹ, lấy súng xong, bỏ lựu đạn phá khẩu pháo.
1.4
À quên, hôm nọ đi đường có 2 liên lạc của Q3 đưa đường. Chú Quảng, 17 tuổi, người Trà Vinh (Trà Cú), chú Hùng, 20 tuổi, người Cần Thơ.
Quảng đi đôi dép của Đoàn trưởng, Hùng phàn nàn: hôm nay anh ấy lại phải đi chân đất mất 2 ngày. Quảng nghiện thuốc lá, hút 1 điếu xong về sau cho điếu nữa, Quảng ngượng không nhận (hay là giận lẫy không biết).
Hùng tâm sự về tình hình đơn vị có ông xưng là “phó chủ nhiệm văn phòng” và là Đảng viên, nhưng bất mãn đào ngũ, không chịu làm a trưởng. Tâm sự về tình hình 3 dân chủ. Tâm trạng trước: cán bộ lớn tuổi làm việc gì cũng đúng, nay thấy mình có thể góp ý kiến.
2.4
Thế là ở công trường được 5 – 6 ngày rồi và còn ở 5 – 6 ngày nữa. Lại dự tổng kết, hướng dẫn chỉnh huấn. Cũng hay.
Mấy hôm nay chiêm bao tợn. Cán bộ cũng lắm chuyện. Trước kia thì ngày Bắc đêm Nam, nay thì ngày Nam đêm Bắc và có cậu nghĩ ra sáng kiến “Thôi thì ngày đâu đêm đó”. Mấy hôm nay cứ hay chiêm bao những chuyện êm dịu mà lại ly kỳ, bất ngờ. Có những chuyện gặp gỡ lạ lùng. Nghĩ một đằng chiêm bao một nẻo. Nhưng cũng có những gì liên quan với nhau 1 cách khó hiểu.
16.4
Ở chỗ ông Năm Thạch đến 10.4 mới đi. 11.4 tới một trạm đã bỏ, ở lại đến hôm nay mới đi. Ngày làm việc, tối chỉ nghe đài hoặc “ngọa đàm”. Lại thêm nghe chuyện Tâm CT5, cũng chuyện vợ không trung thành!!?…
Chỗ ở mới có đồi nhấp nhô, có suối nhỏ gập ghềnh, hiểm trở, cây cao kín, không khí nhẹ nhưng cũng không thoáng lắm. Máy bay bay quá trời.
Có những chuyện về tên các địa điểm: suối Tây ngủ, suối Cạo râu (gặp một phụ nữ đang cạo râu), ngã tư Văn công (chỗ gặp Văn công).
6.5
Kỷ niệm Điện Biên phủ dọc đường nói chuyện với anh em. Có một suy nghĩ hiện nay có nhiều cái vĩ đại và ác liệt hơn Điện Biên phủ. Nhưng Điện Biên phủ không những có những giá trị lịch sử của nó mà vẫn có những bài học quý giá lâu dài. Cần nhận định cho khách quan cả 2 mặt này. Nghỉ chỗ này, gặp 1 đoàn cán bộ chiến sĩ đi công tác ngược lại. Có 2 cô ở Gia Định, một cô cùng quê với cô Thu. Một cô gần đó nhỏ thó, đi từ năm 15 nay 16 tuổi.
8.5
Nghỉ lại 1 trạm giao liên cũ, nay là xưởng đóng xuồng. Gặp 1 đồng chí phụ trách là một tay tập kết tháo vát, 1955 học lái xe ở trường Tiến Bộ, rồi biết làm ở nhà máy điện, máy cưa, thợ mộc. Có vợ, vợ chết, con đã làm y tá, quê ở Bình Định. Người rất cởi mở vô tư, hay nói chuyện và cũng tự hào về chuyện biết nhiều nghề.
Tối xuống thuyền đi, định đi 3 thuyền – chỉ có 2 phải điều chỉnh và cho đi gọi thêm thuyền.
Chiêu chèo thuyền rất khỏe cả đêm, Phước cũng khá, Nhiên cũng khá. Khi trăng mờ, khi mưa lất phất. Lúc trời sáng trăng tỏ - gần sáng thì mưa to. Tất cả lên bờ nhét vào 1 cái nhà con. Thế mà cũng chợp được một lúc. Thu cũng đi. Cô bé hay nói chuyện, chăm sóc mình chu đáo, gặp Cội lái thuyền (cùng quê với Thu). Nghỉ ăn cơm ở một bãi cát lúc trăng sáng nhất. Thấy cũng hay hay. Thương cho Chiêu và Phước, thấy các cậu ấy cố gắng quá. Nước ngược, nhiều lúc cũng gay go, khi sáng trăng đẹp dòng sông cũng đẹp kỳ lạ.
11.5
Nói chuyện với Ngà, nhiều tình hình phức tạp về bộ đội – phải có nhiều biện pháp giải quyết – kể cũng chậm quá rồi.
Tin địch xuống Bù Gia Mập ngày 5.5, địch càn đường 14 (3.5), Lữ dù 101 xuống sân bay Nhân Cơ (3.5).
Ngày 13.5 đi 3 tiếng ra một chỗ ngủ.
14.5 đi 7 tiếng tới bờ sông. Tối sang sông – đến trạm gặp Tư Nguyện, Chín Liêm, Tư Bình. Có những cô gái đi công tác nghỉ ở trạm nháo nhác tìm gặp người quen.
15.5 đi 6 tiếng – 7 tiếng đến trạm hành lang, tin địch lại càn ở đường 14, lại nằm chờ. Từ ngày 13 đến nay, ngày nào cũng có sốt nhưng vẫn đi được và đi thì dễ chịu. Sáng nay khỏe hẳn.
Từ ở “nhà” đến bờ sông Đồng Nai vẫn là rừng núi bạt ngàn đồi, cao nhấp nhô, chỉ có dốc, vắt, rất nhiều mây song, mum, lồ ô, nứa, có quãng có mật cật, kè (cọ). Gần bờ sông có quãng phải lội bì bõm như trong Bưng.
Những tiếng Bàu, Trảng, Bưng, Biền, có đi qua rồi mới hiểu cụ thể định nghĩa của nó được.
Đêm nằm đò ở sông Đồng Nai là một đêm thú vị. Vào chỗ Năm Ngà, rồi lại đi ra bờ sông – thấy phong cảnh của 1 chiến khu thật bí mật hiểm trở.
Từ bờ sông đi, vẫn núi chập trùng – có suối lớn rất đẹp. Dốc đã khó nhưng toàn dốc nhỏ của những ngọn đồi bát úp. Đi đường lắm chuyện, chuyện rừng, chuyện vắt, chuyện sân chim, trăn hội, cá móm. Chuyện cây trái miền Nam và cây trái miền Bắc, chuyện cá miền Nam và cá miền Bắc.
Mỗi người có một nét đặc sắc. Thanh niên, trong các câu chuyện, cậu nào cũng thích “9 năm” và “mùa Thu”. Cậu nào cũng thích nói phét là mình đã tham gia từ hồi 9 năm, mình là mùa Thu đi về.      
Lịnh: - Con đường này hồi chín năm không thấy dốc và trơn thế này – Lịnh là anh chàng liên lạc tích cực mà liên tiếp có nhọt, cái nọ chưa khỏi đã đến cái kia.
Nhiều (có cái áo của chiến sĩ QĐND): - Tôi từ ngoải vào chỉ còn giữ có cái áo này thôi. Nhiều hay nói dóc, nhưng vụng về thành ra buồn cười. Gặp ai cũng nhận đồng hương, nhưng người ta hỏi thêm về quê hương thì lại tịt.
Hùng, một thanh niên cởi mở hồ hởi giỏi lao động, vui vẻ hồn nhiên với tất cả mọi người, tầm thước, da đen, khuôn mặt khắc khổ, răng sún, hay nói đùa và cười he hé rất đặc biệt.
22.5 Ngày 21.5 nắm chắc tình hình vọt qua đường 14. Thời gian chờ đợi thật là một thời gian nóng ruột. Như thế là chờ mất 6 ngày, 3 ngày khỏe, 3 ngày sốt. Khi đi, Hường, Sóng phải ở lại. Sóng ốm nặng quá. Hường là phụ nữ phải nằm lại dọc đường nghĩ cũng thương thật.
Thu gặp lại anh họ. Lịnh gặp chú họ. Họ hàng, gia đình đi làm cách mạng cả bọn với nhau. Hồi hôm đi tốt quá, đang sốt đi lại khỏe ra. Có qua nhà đồng bào ở đường 14, mua trái thơm nhưng chả được gặp ai.
Nhớ lại những chuyện lủng củng ở Trạm cũng hay. Đức nhận xét các khu ủy viên: Ba Đăng, hà tiện và nguyên tắc: trà mốc thì rửa, phơi rồi lại uống; quy định mỗi ngày 9 trái bắp thì nhất định mỗi bữa ăn 3 trái, xong là thôi, nhất định không ăn nữa. Tư Nguyện – chỉ thích cởi trần, quần áo ít tốn lắm. Năm Hòa – chỉ thích ở một mình, một nơi thật tĩnh mịch, ngán nghe đờn quyền, ngán đánh tulơkhơ, ai hơi ồn ào là anh ta khó chịu. Có cô bé Việt kiều đi đánh máy cho một cơ quan nào đó, mập thật lực và mau mồm mau miệng. Có chị vợ cán bộ xa chồng 16 năm nay mới lên trạm gặp chồng, đã 39 tuổi. Tay Khoa làm về thương nghiệp ở ngoài Bắc, xót xa về của cải lãng phí trong rừng.
Đêm qua thức gần trắng đêm, nhiều anh em vì mưa cũng không ngủ được. Nhưng thanh niên thì mưa cũng ngủ quá trời.
26.5 Đến nơi được ngay thư của chị Ba và Mẫn.
Nhớ lại hôm 22 ngủ giữa rừng, tối sốt hơi to nằm không ngủ được. Quan sát chung quanh, thanh niên nói chung xong việc nằm võng vắt chân, phì phèo điếu thuốc. Hôm ấy hết thuốc phải tổ chức lại việc hút.
Thu thắp đèn hùi hụi ngồi viết, chắc viết nhật ký, một hình ảnh hay hay. Hôm nay Thu xin hai con nhen để nuôi (con này như con chuột).
Đêm 23, tới trạm của Thép. Thép là một thanh niên dỏng cao, nét mặt thanh tú, da hơi tái. Lẫn mất miếng nylon, anh em chỉ cho một miếng chưa có ai nhận, nhưng Thép cũng nhất định không nhận. Vì “miếng của tôi rách hơn – miếng này lành quá”. Nói mãi mới nhận. Đêm ấy thật thức trắng đêm, không ngủ được một chút nào: 4 giờ sáng dậy đốt lửa sưởi – lần đầu tiên trong đời, dậy hút thuốc đêm kiểu Ba Long. Mất ngủ thật là tai hại. Trước đây cứ mong có sức thức để mà nghĩ, viết, đọc. Nhưng thực sự khi không ngủ được thì cũng chẳng nghĩ ngợi được gì, chỉ nghĩ linh tinh.
Hôm nay có cơ sở vững vàng làm việc.
4.6 chờ đợi, đọc truyện. Đi đơn vị cũ gặp cán bộ cũ cùng đơn vị trong một điều kiện như thế này sao nó hào hứng phấn khởi và náo nức lạ thường. Buồn cười là cô Thu cũng đòi đi, có lẽ Thu cũng thích gặp những anh em mới đến để biết thêm đất nước.
Gặp lại những bộ mặt quen thuộc, không phải chỉ là vì quen mà ở đây có cả những kỷ niệm trận này, trận khác, cuộc họp này, cuộc họp khác, mà ở đó người ta gắn bó với nhau, người ta trưởng thành qua những kỷ niệm đó. Đơn vị cũ không những là 1 gia đình, một quê hương mà còn là một mối tình, một lớp học. Có những kỷ niệm cay đắng, buồn bực, khoái trá. Nhưng tất cả những kỷ niệm đó đến nay nghĩ lại thì lại thấy đều ngọt ngào thú vị.
Gặp những cán bộ cũ tuy trước đây chỉ quen biết sơ sơ thì giờ đây cũng như là thân thiết ghê gớm, nói với nhau thoải mái thẳng thắn. Cấp dưới tin rằng đề nghị với cấp trên cái gì cũng được, cấp trên tin rằng mình dặn dò cái gì cũng được cấp dưới coi trọng và chấp hành tốt. Người ta có vẻ hiểu nhau như những người bạn từ thời thơ ấu, như những cặp tình nhân đã thấu rõ tâm sự của nhau.
Gặp gỡ tiếp xúc một loạt cán bộ, thấy cậu nào cũng có những nét đáng mến và mỗi cậu đều có một nét độc đáo thú vị.
Chất, bí thư chi bộ của trận Him Lam, cao lớn, mặt hình quả trám, có góc cạnh, hay cười hềnh hệch, làm bếp giỏi, nói năng cởi mở tuệch toạc.
Bao, có bộ đầu vững chắc vuông vắn và thân hình cũng vuông vắn vững chắc, tỏ ra chín chắn vững vàng nhưng có thể ít kinh nghiệm.
Quỹ (cán bộ TM) mặt trắng, vuông chành chạnh, lớn, cười ằng ặc mà rất hay cười. Con người tỏ ra luôn luôn sẵn sàng làm một việc và có thể làm được mọi việc, tiếng ồm ồm và rè rè như tiếng bò.
Cẩm, im lặng, hiền lành, mặt tròn răng vẩu, mắt hơi ti hí, ít nói, luôn luôn sẵn sàng nghe ngóng, nhận chỉ thị và lẳng lặng làm theo.
Hải, to lớn, luôn luôn tháo vát, có một mắt giả, phải lấy bông chấm mắt luôn, mặt luôn đỏ gay, hay nhớ những câu khẩu hiệu các kiểu do chiến sĩ đặt ra, ví dụ: Giao liên nói về tránh máy bay: Bám gốc cây, xoay gò mối, dọc theo suối mà chạy. Giao liên tổng kết về khách cán bộ: đi thì chậm, ăn thì mặn, v.v… Cũng hay tán, luôn tay viết điện, viết thư. Trong tay luôn có một tập điện, vừa họp vừa gọi liên lạc, tìm người này, đưa thư nọ, v.v…


Đọc Lòng Bạn
Các nhà văn Nga thật là những bậc thày khi viết về tình yêu. Thằng Dũng nói với mình điều này từ lâu, mình không tin. Nhưng càng đọc nhiều, càng thấy các bố ấy tài thật. Những nhân vật phụ nữ của Tolstoi (cả Lep và Alexi), của Solokhop và Kazakevich sao mà đẹp và trong sáng thế. Những đoạn nói về tình yêu của họ, đốt cháy cả trái tim người đọc. Tình yêu kỳ diệu thay mà những ông viết về tình yêu sáng sủa được cũng giỏi thay. Đọc truyện mà cứ như mình đang yêu thật.
Chú ý nhớ những chuyện của Thu kể lại về gặp các chiến sĩ lạc, ốm dọc đường: cho ăn cháo, cho thuốc, cho khăn rằn.
Trung. Bố bị giết từ hồi khởi nghĩa 41 (TN tiền phong), không biết mặt bố. Có chị Hai, anh Ba và Tư Trung. Mẹ góa lấy (không chính thức) một ông cán bộ VM (bây giờ không làm gì) có 2 em nữa. Trung lớn lên, bảo mẹ phải thôi ông kia, nếu không thì 3 chị em bỏ đi – 2 em (1 trai, 1 gái) ở với má. Rất thương má và các anh chị em thương nhau. Các em cũng ghét ông bố dượng kia và không nhận nữa. Thật tội nghiệp, éo le.
Nhân đọc một đoạn… (26.7)
1. Nghi ngờ lòng tốt của những người giầu là một điều cần thiết vì người giầu có nhiều phương tiện để khoe khoang lòng tốt vốn ít ỏi của họ (họ nói khéo, họ có điều kiện vật chất). Lòng tốt của người nghèo mộc mạc và xúc tích hơn, biểu hiện ra ngoài được ít.
2. Mơ ước làm việc được nhiều, đem hết sức lực của tuổi trẻ cống hiến hết cho cách mạng là 1 điều rất đẹp, rất cao cả. Nhưng phàm những công việc bình thường có dính líu đến Cách mạng đều cần phải suy nghĩ. Cần tích lũy sự giác ngộ và những hiểu biết về Cách mạng cho mình càng nhiều càng tốt.
3. Lạnh lùng trước cảnh phồn hoa đô hội là 1 sự lạnh lùng cần thiết, là tình cảm tự nhiên của người Cách mạng. Phải coi thường cảnh phồn hoa mà không sợ nó. Có coi thường thì mới không sợ. Không sợ nhưng phải cảnh giác.
4. Phải khiêm tốn nhưng không tự ti (tự khinh mình). Phải tự tin nhưng không tự cao, thế là được.
5. Những lúc có cảm giác cô đơn, là những lúc không tốt, những lúc yếu đuối, những lúc dễ bị lừa nhất.
6. Cần suy nghĩ xét đoán về con người cho toàn diện để hiểu rõ những người chung quanh hơn. Cái tốt cái đẹp của con người Cách mạng nói chung và khái quát là rất đẹp. Nhưng không nên đưa nó thành ảo tưởng, ghép vào những cái như là nhân vật tiểu thuyết. Tình cảm phát sinh ra vì sự hợp nhau về tâm hồn về tư tưởng mới là tình cảm tự nhiên. Tình cảm phát sinh ra vì sự choáng ngợp trước những cái gọi là “tài năng”, “xuất chúng” là thứ tình cảm không bền vì nó có phần giả tạo (mà mình không biết).
7. Tình đồng chí là căn bản, tình bạn là bổ trợ quan trọng. Tình đồng chí có tính chung và tình bạn có tính riêng tư. Phải coi trọng tình đồng chí, nhưng phủ nhận tình bạn thì quá khắt khe. Đặt tình bạn lên trên tình đồng chí thì là sai lầm về nguyên tắc. Tình đồng chí cũng đã có 1 phần tình bạn rồi.

Nhận được thư con (thư tháng 4, tháng 5)
Thanh niên có những cái giày vò của thanh niên: Muốn chiến đấu, muốn làm việc nặng. Không muốn giả tạo trong tình cảm, muốn giữ cá tính.
Khổ tâm trước những thành kiến xã hội (anh em cho là con cán bộ cao cấp,…). Mẫn thì lại lo “vì mình là cháu Cô Ba”.

Họp Chi bộ, lễ kết nạp
Đ/c chất vấn đã thuộc nhiệm vụ Đảng viên chưa – sao trong lời tuyên thệ không nói 7 nhiệm vụ. Đ/c khác (Thu) nói là đ/c ấy học với tôi, được thừa nhận là tự vị sống về Điều lệ Đảng. Thắc mắc: sao không có cờ, sao không chào cờ, sao đại diện cấp ủy không huấn thị?
Chiến: Tôi nói “dặn dò” vài điểm là được – việc gì phải “huấn thị”.
Mẫn: Yêu cầu rút kinh nghiệm, là kết nạp cần có hình thức nghiêm túc để gây ấn tượng sâu sắc vì ngày kết nạp là ngày rất quan trọng đối với cuộc đời chiến đấu của mỗi người.
Cảm thấy vấn đề có vẻ gay go về hình thức tổ chức.

Mẫn được tin anh chết. Anh là Triêu (đi bộ đội lấy tên là Thắng) ở E.3. Hy sinh ngày 12.11.1965. Có thư của Trần Minh Việt viết cho Mẫn nói về Triêu. Việt là bạn của Triêu và hình như cùng quê hương với Mẫn. Mẫn buồn, viết truyện ngắn, định để tang mà không dám, hẹn sẽ không chụp ảnh.
Long An (1966)
...
Cầu Nam Bộ (bằng cây), 23 nhịp. Địch ném mấy trăm tấn bom không phá được, phải đổ bộ 1 d xuống phá được có 1 nhịp, 1 phi cơ bị rơi.
Long An lấy được hàng vạn trái lép (đạn đại bác).
Xã Thới Hòa (Nam Bến Cát), đồng chí Chấm, xã đội phó (chiến sĩ du kích mới lên) báo cáo giờ đầu đọc ngập ngọng, giờ sau thấy đông người run quá. Gặp khó khăn: hết ý kiến. Lại họp Chi bộ.
...
Cái nhìn
Khi nhìn 1 sự vật mà chưa nhìn rõ hình thù hoặc nhìn nó sai lạc đi. Đến lúc nhìn rõ thấy đúng hình thù của nó rồi thì muốn nhìn lại nó như 1 cái hình thù sai lạc trước không được nữa. Tình cảm cũng thế hay sao ấy. Tưởng là thế này... nhưng đến lúc nhận rõ không phải như thế, muốn tưởng nó như trước nữa, không tài nào được.
17.5.1967
Tâm hồn là gì?
Không phải chỉ là tư tưởng. Không phải chỉ là tình cảm. Cũng không phải chỉ là tư tưởng và tình cảm cộng lại. Có lẽ nó là “màu sắc của tình cảm”. Ta chỉ cảm thấy nó mà không phân định được nó. Tình cảm chỉ có thể tốt, nếu tư tưởng tốt. Nhưng có tư tưởng tốt, tình cảm tốt thì có nhất định là có tâm hồn tốt không? Thế nào là một tâm hồn nhạt nhẽo. Có lẽ 1 tư tưởng kém, 1 tình cảm bình thường thế nào cũng đẻ ra một tâm hồn nhạt nhẽo.
Tư tưởng tốt, tình cảm tốt nhất định đẻ ra một tâm hồn đẹp, nhưng còn màu sắc của tâm hồn đó nó đậm đà đến đâu lại là 1 chuyện khác. Có khi nó là 1 mầu sẫm đều, có khi nó là một mầu nhạt, có khi nó là một màu sắc rực rỡ, nhịp nhàng, phong phú,... Cái hợp nhau trong tình yêu có lẽ là cái màu sắc này.
Nếu nói là cứ tốt là có thể có tình yêu với nhau thì việc gì phải tìm, phải chọn, cứ dựa vào lý lịch là đủ. Nhưng cùng là 2 đảng viên nam nữ, mà người ta chỉ có thể yêu người này mà không yêu người khác thì sao?
Khi đã có tư tưởng rõ thì màu sắc của tâm hồn phải trên cơ sở tư tưởng. Không có sự hòa hợp tâm hồn, nếu không có thống nhất tư tưởng. Nhưng có thể có thống nhất mà không có hòa hợp tâm hồn. Chỗ này là có đồng chí mà không đồng tâm. Chỉ có sự hòa hợp tâm hồn, mới đi tới tình yêu. Người ta có thể rất quý mến, thương những người thân thích, bạn bè, mà không cần đến sự hòa hợp trong tâm hồn. Nếu không có hòa hợp tâm hồn, tình cảm chỉ có thể là có tính chất tình bạn và nghĩa vụ.
Khi có sự hòa hợp tâm hồn, tình cảm nảy sinh ra có tính chất không cưỡng nổi!?? Không biết có phải thế không?
Cái màu sắc này nó thế nào nhỉ. Nó không phải chỉ là nhiệt tình! Đúng là nó xanh biếc trông như màu trời mịn màng, thuần khiết, trong trẻo, ngát thơm, cong vút. Màu sắc này là một nền vải trắng ngà, phẳng lặng. Màu sắc này thì lại như cái túi chắp bằng trăm mảnh xanh đỏ lộn xộn. Màu sắc này thì như những bông hoa đỏ gắt, lấm tấm trên một nền xanh rực rỡ, lộn xộn.
Có lẽ có những màu sắc như là 1 tấm thảm phẳng phiu màu nâu nhạt sạch sẽ. Có lẽ có những màu sắc như là tấm rèm màu hồng nhạt hoặc xanh nhạt yếu đuối rụt rè. Có lẽ cũng có những màu sắc như là những vạch xanh đỏ rất sắc, rất thẳng, rất đều – hoặc những vạch đen trắng rất thẳng rất đều và rất lớn nữa cũng nên. Màu nào hợp với màu nào?
Có lẽ còn có những vấn đề: Màu sắc đó có biến đổi theo thời gian (tuổi tác) hoặc nhạt đi hoặc sẫm màu thêm, tùy theo hoàn cảnh sống nó tác động. Có khi những chấm nhỏ đỏ gắt nhòe to ra thành một màu bàng bạc; những màu nhạt dịu thì sẫm lại, xỉn lại, v.v...
Có khi màu sắc thật lại biểu hiện ra ngoài sai lạc đi tùy theo điều kiện ánh sáng. Có thể ta thấy nó rực rỡ, nhưng thật ra nó nhạt nhẽo. Hoặc ta thấy nó nhợt nhạt, nhưng thực ra nó rất đậm đà. Hoặc ta thấy nó gai cạnh nhưng thật ra nó mịn màng. Có khi vì điều kiện ánh sáng, vì điều kiện góc độ,... hoặc do 1 tác động nào đó. Có khi do cả bản thân con người có màu sắc cũng muốn phô cái màu sắc của mình ra ngoài cho khác đi.
Phải tìm được cái màu sắc thật! Khi một màu nào gặp 1 màu nào hòa hợp rồi thì có khi nó yên tĩnh mãi, cùng biến đổi với nhau, dựa vào nhau thành 1 màu sắc thống nhất.
Nhưng cũng có khi 1 màu (tâm hồn) chưa gặp được 1 màu sắc thích hợp còn cứ khắc khoải tìm mãi. Tìm mãi cho đến khi gặp. Có khi 2 màu hòa hợp nhau nhưng không được kết bạn mà để lại trong nhau những ấn tượng rất sâu, không bao giờ quên được. Chính vì thế,...
Mà đã là màu sắc thì nó phải khác nhau – có những sự hòa hợp màu sắc và không hòa hợp.
Trong các công cuộc xây dựng sáng tạo thì có lẽ cái sáng tạo nghệ thuật là thú vị nhất. Muốn cho tâm hồn phong phú, phải có sáng tạo nghệ thuật. Muốn thưởng thức được nghệ thuật phải hiểu tối thiểu về nghệ thuật.
Thực ra ai cũng có sự thưởng thức nghệ thuật (thích nghe hát, thích xem cảnh đẹp). Nhưng hiểu biết càng rõ thì thưởng thức càng đầy đủ. Có những người chỉ biết thưởng thức theo bản năng, hiểu được cái gì thưởng thức cái đó – còn những cái khác, lại chế giễu.
Có những người độc đoán trong thưởng thức nghệ thuật, cứ muốn nghệ thuật phải theo ý mình. Thực ra nghệ thuật chân chính phải xây dựng trên cơ sở tư tưởng cách mạng. Nhưng góp ý kiến về nội dung tư tưởng là một chuyện, hiểu biết nghệ thuật để thưởng thức nghệ thuật lại là chuyện khác. Nghệ thuật không phải là cái gì thần bí. Nhưng đời sống không có nghệ thuật thì như con người không có tâm hồn.
Có những người quá tự mãn về vốn liếng chính trị (thành tích và hiểu biết) mà coi thường nghệ thuật. Như vậy thực ra cũng là không nâng cao được trình độ cách mạng của mình lên, làm cho tâm hồn mình nghèo nàn nhạt nhẽo.
Không phải ai cũng thành công và lúc nào cũng dễ thành công trong sáng tạo nghệ thuật. Nhưng có ý thích, có ham muốn tìm hiểu và ham thích góp phần – cũng đủ làm cho tâm hồn phong phú lên rồi.
Tại sao khi tình cảm dạt dào, người ta thích làm thơ, thích hát,... Nếu biết kỹ hơn về thơ, về hát thì chẳng thú lắm sao?
Tất nhiên, những việc đó phải phụ thuộc, không ngăn trở và phải có tác động, thúc đẩy cách mạng. Nhưng nếu vì vậy mà coi nó như cái gì phù phiếm vô ích thì không được. Lê Nin hay nghe nhạc, chẳng phải trong ý nghĩa đó sao?
20.5
Vài nét ghi nhanh
X. Nghe ai nói cũng gật: “À, phải, đúng thế!” hoặc “Đúng! Đúng!” và nhắc lại ý kiến đó, dễ hưởng ứng, nhưng thật ra thì lại giữ ở trong lòng mình 1 thành kiến cứng nhắc. Người nói thì tưởng là được X. tán thưởng ghê lắm, có thể phấn khởi, nhưng thực ra thì X. đang ngầm chế giễu ý kiến của người khác.
Y. Nghe chuyện gì, khuyết điểm, trái ý thì thường cằn nhằn: “Thế có chết không?”, “Thế mà lại!”, “Đã nói bao nhiêu lần”. Nghe có việc gì khá thì thường nói: “Phải làm thế mới được chứ! Đã nói mãi mà lại”. Lúc nào Y. cũng thấy như mọi người không ai làm việc vừa ý mình, ai làm được cái gì cũng thấy đó là vì người đó làm đúng ý của mình.
G. Khi chuẩn bị nói hoặc khi nói xong:
- Rướn rướn lông mày, bĩu môi, mồm hay máy máy,
- Khi nói gì về thức ăn thì mồm hay chép chép có vẻ thèm thuồng,
- Hay kể chuyện tiếu lâm, hay nhớ những điển tích về chơi chữ, những chuyện lố bịch,... Khi nói xong hoặc cười xong thường hay mím môi lại, bĩu ra, như là để kết luận rằng ý kiến như thế là dứt khoát là đúng.
Y. Khi nói hay nhấn mạnh, chữ nào nhấn mạnh quá thường bị chạc đi, ví dụ chữ chiến lược bị nghe thành chiến lực. Mặt mày đỏ gay, tay nắm lại hoặc xòe ra, đấm chém trước mặt, làm như nếu tất cả mọi người thực hiện được ý kiến đó thì cách mạng thành công ngay tức khắc. Khi nói cần phải phát động thành một phong trào thì hay gân cả người cả cổ để nhấn mạnh, hoa tay, tưởng chừng như phong trào nào đó đang theo tay mình mà dâng lên!
H. Khi nói thì cứ rướn người lên ngó vào mặt người nghe, có khi bò sát ra cả mặt bàn, ngó sát vào mặt người này, lại ngó sát vào mặt người khác, tay thì gõ gõ. Bắt đầu nói thì cứ như người nói thầm, nói tiếng to tiếng nhỏ, làm như những ý kiến mình nói ra là quan trọng vô cùng, nghiêm trọng vô cùng.
Những ý kiến này đã được chau chuốt, nghiền ngẫm ghê gớm lắm rồi đấy, luôn mồm “ê nớ” (thật ra có lẽ là chữ “phải không đấy!”).
Tình cảm trong... cấp ủy
Người ta có thể không đồng ý với nhau, mà thực sự không ai có thể có 100 ý kiến đều giống nhau cả một trăm. Mỗi người thể nghiệm cuộc sống một cách khác. Nhưng khi đã có những ý kiến cơ bản về một tư tưởng chỉ đạo nào giống nhau thì người ta có vẻ dễ gần gụi nhau hơn.
Lúc ấy thường cố nén những khía cạnh khác nhau đi – thường cũng không phải cố lắm, nhưng mà tự nhiên thấy những cái khác nhau đó là dĩ nhiên và không cần thiết tranh cãi.
Khi có những ý kiến căn bản trái nhau thì có khi nói những lời giống nhau mà mỗi người đều cảm thấy có cái khác nhau. Mà có lẽ thật.
Lúc này thì chỉ thấy nói lên những cái khác nhau.
Về cơ bản đều nhận thấy ở nhau một cái gì đáng quý, đáng kính trọng và có khi cũng thấy những khía cạnh giống nhau. Nhưng đều không muốn nêu lên.
Có nhiều lúc cảm thấy 1 cái gì khác nhau, mà diễn tả không ra được rồi phải nói là giống nhau. Có khi cảm thấy 1 cái gì giống nhau, mà vì phải bảo vệ cái khác nhau cho nên phải lờ đi cái giống nhau.
Có khi cảm thấy chỗ khác nhau rất xa – nhưng không thể nói thẳng ra được vì về lý lẽ, người kia tuyên bố ra không đúng như thế. Cho nên cái không đồng ý và đồng ý với nhau cũng nhiều tế nhị và phức tạp.
Khi đồng ý thì trong phát biểu chính thức cũng như trao đổi bên lề ngoài nó hào hứng và hấp dẫn, xoáy chặt và một chiều. Khi không đồng ý thì chỉ đủ nghị lực để phát biểu chính thức thôi. Sau đó lập tức phải xoay ra các đề tài thông thường của cuộc sống để mà tranh luận với nhau. Ai cũng sợ những ý kiến khác nhau kia có thể tổn thương đến tình đồng chí, không muốn để cho sự không đồng ý lan tràn ra nhiều lĩnh vực khác nhau.
Đọc truyện Hòn Đất hết đêm 21.5
Rất hay, rất xúc động. Một quyển truyện hay nhất trong các quyển truyện của VN từ trước đến nay.
Hiểu nhân dân miền Nam hơn! Thấy được chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong quần chúng, nó tự nhiên mà sâu sắc.  
Hiểu được những tâm hồn.
Tác giả chỉ rõ được những sắc thái của tâm hồn, sâu nhất, rõ nhất là ở Sứ. Quyên thì cũng bình thường. Những nét ở Sứ, hình như mình đã thấy được, gặp được ở đâu đây, thấy nó gần gũi và dễ hiểu.
Hay! Tốt lắm! Nắm được cái gọi là cái “tâm hồn” ấy mà phản ảnh nó ra được thì hay thật! Bình dị mà anh hùng – Đau khổ chồng chất nhưng quyết liệt đứng lên thì những đau khổ kia cũng có ý nghĩa của nó. Không vùng dậy, những người nghèo vẫn đau khổ mà âm thầm, nhục nhã. Cái đau khổ của miền Nam lớn quá, mà cái anh hùng lại còn lớn hơn.
“Sống mãi trong lửa đấu tranh”.
14.6
Rừng khuya, trang sách ngọn đèn,
Việc quân khắc khoải, nỗi niềm ai hay?
Những danh từ trong phong trào: bám trụ, đeo bám; bung ra; vùng ven; xúc dân, tát dân; rã ngũ, rã binh; lãnh đạo vọt cần câu; nâng chất; móc ráp; căn cứ lõm, lõm chính trị. Vấn đề nổi cộm; chém vè, ém quân; vùng hẻo; chia lửa, chia càn; bỏ vòi, bỏ ngũ, đảo ngũ, bỏ nhiệm; phá ấp chiến lược, phá banh, phá rã, phá dứt điểm.
Ngày 6.7.1967
9.00 sáng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh từ trần tại Quân y Viện 108 Hà Nội sau 1 cơn đau tim nặng.
Sinh 1914, vào Đảng 1937, Bí thư chi bộ 1938. Bí thư Thừa Thiên, Bí thư Bình Trị Thiên, Bí thư Liên khu 4, Trung ương Đảng từ 1950.
- Nghe tin mà cứ tưởng tin không có thật,
- Nghe tin xong, nhiều kỷ niệm với anh Thanh cứ sống lại mãi trong mình dai dẳng, sinh động lạ thường. Đau khổ thay, khi người ta mất một bạn chiến đấu đầy tin cậy, mất tình cảm đã đành – có khi tình cảm này cũng câm lặng thôi – nhưng mất chỗ dựa, mất... một cái gì... khó nói quá.


Lại nghĩ về “Tâm hồn”
Có người tâm hồn đẹp nhưng lại giản đơn, không sâu sắc, thậm chí có khi có 1 cái gì thô lậu... bảo thủ. Có những tâm hồn đẹp và có thể có sâu sắc, nhưng lại giản đơn một chiều, đơn điệu, cố chấp.
Mình nhớ lại chuyện LN yêu Vẫy một thời gian. Vẫy ngây thơ hồn hậu và đẹp nữa. Thế mà 1 thời gian sau LN nói là không thể hợp được vì Vẫy giản đơn quá. Đúng là điều mình lo nghĩ từ khi biết tin – mình thấy LN như thế là có suy nghĩ.
Có những tâm hồn phẳng lặng 1 cách đáng buồn. Có những tâm hồn sôi nổi lại quá đáng và quá nông khơi. Có lẽ 1 tâm hồn đẹp, thật đẹp phải vừa sâu sắc, vừa phong phú. Một số diễn viên, nghệ sĩ có những tâm hồn có nhiều nét đáng yêu: say sưa nghệ thuật phong phú, sôi nổi, nhưng có khi lại rơi vào những cái thông tục không tốt. Có những tâm hồn phong phú (nghĩ đến nhiều mặt của cuộc đời, mơ ước nhiều sự nghiệp) nhưng lại quá hời hợt đi tới lông bông.
Chị Út có nhiều nét tâm hồn thật đẹp. Nhưng cái thứ cá tính có những điều gì hơi thô lậu. Mười Lý có những nét nhuần nhụy dễ thương, nhưng lại ít được đọc, được biết và do đó cũng có điều đơn giản.
Những ông như ông QĐ chẳng hạn hay như Tra-pa-ép chẳng hạn, cũng có những nét đẹp lạ lùng, nhưng kể ra cũng khó mà yêu được. Có lẽ đó là những nội dung của màu sắc. Cái túi nhiều màu chính là cái thứ tâm hồn phong phú lông bông phức tạp. Màu xanh dịu dàng chính là màu sắc của một tâm hồn phẳng lặng đáng thương, cả cái màu ngà phẳng lặng cũng thế.
Còn cái màu như trời xanh cong vút và lóng lánh mới thật là 1 tâm hồn vừa đẹp vừa phong phú, vừa sâu sắc.
Cái thứ phong phú phức tạp có thể chỉ hấp dẫn người ta 1 lúc nào đó. Cái sôi nổi cũng có thể hấp dẫn người ta nhất thời. Cái xanh thăm thẳm mà trong mịn mới thật là thấm vào người ta đến chết! Kể cũng rắc rối thật. Mà đúng là có nhiều vẻ đẹp của tâm hồn. Có thứ người ta thích mà không yêu, có thứ người ta kính trọng mà cũng không yêu được,...
...
 5.1968
Bài thơ trên một tờ giấy xé trong 1 cuốn sổ nhỏ.
Nhớ mẹ
Ai có biết giờ này trong đêm tối,
Có những người đứng gác giữa rừng sâu.
Nghe mưa rơi rơi lộp độp trên đầu,
Choàng vải mũ để giữ tròn hơi ấm.
Kìa xa xa nơi miền quê thăm thẳm,
Nơi mẹ hiền và tất cả người thân.
Đang lao vào một cuộc tổng tấn công,
Đầy gian khổ và khó khăn ác liệt.
Nhưng dũng cảm và vô cùng oanh liệt.
Mẹ hiền ơi! Toàn thắng ắt về ta!
Con sẽ về ngồi bên cạnh mẹ già,
Và thủ thỉ kể những gì hiểu biết.
Mẹ sung sướng xoa đầu con khôn xiết,
Và bảo rằng con của mẹ rất ngoan.
Hôn đầu con, mẹ nói giọng dịu dàng,
Ôi sung sướng lòng con thơ ngây ngất.
Con hôn mẹ... và ôm ghì thật chặt,
Chẳng bao giờ xa mẹ nữa, mẹ ơi!
Con sẽ là con gái nhỏ mẹ thôi,
Và sống mãi trong tình yêu thương mẹ.
Một đêm nhớ mẹ.

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập II, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)

4 nhận xét:

  1. Số phận những cuốn sổ ghi chép hay nhật ký này thật kỳ lạ. Nhật ký Đặng Thùy Trâm do một người lính Mỹ giữ và trở về từ nước Mỹ. Nhật ký Chu Cẩm Phong do một người lính SG giũ gìn và trao lại. Ghi chép của Tướng Độ trở về từ lòng đất mẹ sau 40 năm... Và còn nhiều nữa
    Từ anh lính, cô bác sĩ, anh phóng viên, một vị tướng, họ đều có những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm mà hiện nay hiếm gặp. Họ đã xả thân giành lại non sông đất nước tươi đẹp này.
    ... Tiếc thay đất nước ta đang bị khai thác quá mức sẽ dần suy thoái và ô nhiễm. Thật đau lòng.

    Trả lờiXóa
  2. Cảm phục thế hệ cha anh đã cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đây thực sự là tấm gương cho mọi người, đặc biệt những người đang có trọng trách !

    Trả lờiXóa
  3. Heу Thеre. Ι found your blog using msn. Thiѕ іs a reаlly ωell ωritten artiсle. I'll make sure to bookmark it and return to read more of your useful info. Thanks for the post. I will definitely comeback.

    Trả lờiXóa
  4. Great goods from you, man. I've understand your stuff previous to and you're just too fantastic.
    I really like what you have acquired here,
    certainly like what you are saying and the way in which
    you say it. You make it entertaining and you still care for to keep it sensible.

    Trả lờiXóa