Những ngày đầu năm 2020, chúng tôi được theo đoàn lãnh đạo TP Hà Nội đến nhà riêng thăm bà Nguyễn Thị Phúc Hằng - nữ liên lạc của Xứ ủy Bắc Kỳ năm xưa và trao Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng đợt 3/2 cho nữ cán bộ lão thành cách mạng.
Ở cái tuổi xấp xỉ 100, bà đang sống vui vầy cùng con cháu trong căn hộ chung cư ở phường Mai Động (quận Hoàng Mai). Trước đây, những lúc rảnh rang bà vẫn gom vải thừa của cô thợ may quen, lọ mọ khâu những cái yếm, cái áo trẻ sơ sinh rồi đem cho. Mấy năm nay, sức khỏe giảm sút, con cháu thường xuyên quây quần, tranh thủ trò chuyện để bà luôn cảm thấy vui, hạnh phúc.
Bà Nguyễn Thị Phúc Hằng, tên thật là Hoàng Thị Huynh (sinh năm 1921, quê quán tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), hiện đang là đảng viên chi bộ địa bàn dân cư số 10 (thuộc Đảng bộ phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm). Năm 18 tuổi, Nguyễn Thị Phúc Hằng được tổ chức đưa đi thoát ly, ra làm liên lạc cho Xứ ủy Bắc Kỳ.
Bà Phúc Hằng có nhiều kỷ niệm về những ngày được làm liên lạc viên cho nhà cách mạng Hoàng Văn Thụ. Hồi ấy, Vạn Phúc (Hà Đông) có thể coi là trụ sở chính của xứ ủy. Ông Hoàng Văn Thụ hoạt động bí mật ở Vạn Phúc, ông Trần Tử Bình bị giặc Pháp quản thúc ở ga Bình Lục (Hà Nam). Con thoi liên lạc giữa hai ông là bà Nguyễn Thị Phúc Hằng. Để tiện việc nắm tình hình, che mắt địch, làm cơ sở liên lạc cho cách mạng, bà Nguyễn Thị Phúc Hằng được tổ chức cho mở quán cơm ở trước cửa ga Văn Điển. Ngoài các khách cơm nước hàng ngày, quán còn xuất hiện những nhà hoạt động cách mạng Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Trần Quốc Hoàn…
Đến khi quán cơm bị lộ, bà Nguyễn Thị Phúc Hằng được điều về số 2 Hàng Nón - nơi có xưởng in bí mật của Đảng, đồng thời, bà tham gia rải truyền đơn. Sau đó bà sa vào tay mật thám Pháp, phải chịu tra tấn cực hình dã man, giam giữ trong nhà lao Hỏa Lò. Cảnh ngục tù này kéo dài mãi cho tới ngày Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, lợi dụng sự lỏng lẻo của nhà tù, bà Phúc Hằng đã trà trộn vào cánh thăm thân, trốn ra ngoài.
Gặp gỡ khi cùng tham gia hoạt động cách mạng, bà Nguyễn Thị Phúc Hằng đã nên duyên vợ chồng với ông Trần Độ (lúc bấy giờ là Thư ký của nhà cách mạng Trường Chinh). Ai cũng lo, bà từng bị những ngón đòn tra tấn dã man, sợ khó có khả năng làm mẹ nhưng người bạn đời không quan tâm đến điều ấy, ông mến yêu bà vì sự thông minh, gan dạ, luôn quan tâm, chăm sóc mọi người.
Sau khi kết hôn, bà Nguyễn Thị Phúc Hằng sinh con trai đầu lòng vào năm 1947, đặt tên Toàn Thắng. Sau đó vào các năm 1954, 1957, 1959 đã liên tiếp sinh 3 con trai. Trong điều kiện đất nước chiến tranh, chồng luôn ở chiến trường xa, một mình bà vừa tham gia công tác, hoạt động cách mạng, vừa nuôi dạy 4 con trai.
Trao tặng Huy hiệu 80 năm tuổi đảng sớm cho đảng viên lão thành Nguyễn Thị Phúc Hằng nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng bày tỏ sự trân trọng với những đóng góp công sức và trí tuệ của bà trong các giai đoạn cách mạng Việt Nam. Bà là người sớm giác ngộ tham gia hoạt động cách mạng, trải qua nhiều cương vị công tác; luôn là người đảng viên kiên trung, mẫu mực, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng được trao tiếp tục thể hiện sự ghi nhận, đánh giá cao của Đảng đối với những đóng góp của bà Nguyễn Thị Phúc Hằng. Khi được nghỉ hưu về địa phương, bà tiếp tục tham gia đóng góp công sức cho địa phương. Huy hiệu 80 năm tuổi đảng không chỉ là vinh dự đối với cá nhân, gia đình đảng viên lão thành Nguyễn Thị Phúc Hằng mà còn là vinh dự của Đảng bộ TP Hà Nội.
Nhà báo Hồng Thái, Ảnh: Phạm Hùng
(Báo Kinh tế & Đô thị, ngày 12-3-2020)
Chúc Cụ khỏe mạnh để tiếp tục nhận những Huy hiệu Tuổi Đảng cao hơn!
Trả lờiXóa