Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2023

Vấn đề công tác võ trang tuyên truyền


Võ trang tuyên truyền là gì? Tại sao lại có võ trang tuyên truyền?
Danh từ Võ trang tuyên truyền được nêu lên sôi nổi từ sau chiến dịch Việt Bắc 1947, được lệnh tiến mạnh sang giai đoạn mới của Đại tướng. Danh từ ấy được hiểu theo nhiều cách. 


Có người nói rằng cầm vũ khí đi tuyên truyền gọi là võ trang tuyên truyền nên ở Phúc Yên có người báo cáo là có hơn một nghìn võ trang tuyên truyền. Có người cho Võ trang tuyên truyền (VTTT) là đi đánh để mà tuyên truyền hay tuyên truyền bằng những cuộc đánh giặc, cũng có người hiểu rằng đi đánh một trận hay làm một hành động quân sự gì rồi nhân đó tuyên truyền ầm lên thế là Võ trang tuyên truyền.
Những sự giải nghĩa sai lầm như trên còn có nhiều nữa, không nói hết. Nhưng lại còn có khi giải nghĩa thì đúng mà đi làm thì sai be bét cả. Cho nên giải nghĩa VTTT là gì không đủ, còn phải hiểu cách làm đó nữa. Muốn giải nghĩa nó thì đại khái có thể nói như sau:
VTTT là một công tác vận động chính trị mạnh bạo, dân ở những nơi khó khăn, nguy hiểm, gay go, đôi khi phải chiến đấu để mà tiến hành công tác tuyên truyền và đôi khi phải dùng một hành động quân sự để tuyên truyền.
Nói tóm lại VTTT là dùng lực lượng quân sự, hành động quân sự để tuyên truyền chính trị. Nó khác công tác tuyên truyền thường ở chỗ nó mạo hiểm, xuất sắc, đột ngột, táo bạo. Nó lại còn khác tuyên truyền xung phong nữa. Nó khác ở chỗ không phải đến tuyên truyền ngổ ngáo đánh ào một cái là xong. Nó nhân sự tuyên truyền, còn đi tới công tác tổ chức những quần chúng được tuyên truyền thành lực lượng đoàn kết rồi lãnh đạo tổ chức ấy phát triển tiến bộ, tranh đấu giành quyền lợi, chuẩn bị những hành động to lớn. Chính vì ý nghĩa nó to tát rộng rãi như vậy mà có người còn gọi nó là “võ trang công tác” nữa. Vì thật ra công tác tuyên truyền chỉ là bước đầu của toàn bộ công tác chặt chẽ linh động lực lượng nó có khi là từng người, có khi là từng tổ, từng đội. Năng lực của từng người, từng tổ, từng đội cần cao hay thấp tuỳ theo mục đích của bộ phận công tác quan trọng hay không? Đó cũng là một chỗ khác với các công tác tuyên truyền khác.
Đó là sơ qua tính chất và nội dung của công tác VTTT.
Hiểu công tác võ trang tuyên truyền như thế chưa đủ. Còn phải hiểu thêm rằng trong các công tác cách mạng, công tác quân sự, lúc nào ta dùng võ trang tuyên truyền? Ta mới hiểu được rõ tính chất và nội dung của nó thêm nữa. Nhân đó ta xem qua trong lịch sử cuộc vận động giải phóng, chống Nhật Pháp của ta, địa vị của võ trang tuyên truyền thế nào thì thấy rõ.
Không thể quên lúc sắp Tổng khởi nghĩa năm 1944. Lúc ấy hoàn cảnh thế nào?
Bọn Pháp, Nhật khủng bố ráo riết. Ở Việt Bắc cán bộ bị truy nã, Việt gian mọc nhiều. Dân chúng phần thì hoang mang, phần thì có xu hướng vũ trang hành động để chống khủng bố.
Nhân dịp ấy, Phát xít Đức, Ý, Nhật gần tàn bại, Chính quyền Pháp ở đây lung lay, Nhật lũng đoạn bắt nạt, hàng ngũ địch quân hầu như tan rã nhưng vẫn không kém tàn bạo. Lực lượng cách mạng lúc ấy phải thế nào? Đủ sức võ trang tổng khởi nghĩa chưa? Chưa!
Nhưng phải làm sao trước tình thế nghiêm trọng, quân địch khủng bố và thời cơ gấp bức kia có thể phát triển mau được lực lượng của mình, gây được nhiều cơ sở đặng tiến tới tổng khởi nghĩa.
Có thể cứ phát triển theo đà cũ được không? Không!
Phải có một cách hoạt động mới mẻ, mạnh bạo hơn, đó là Vũ trang tuyên truyền. Lúc bấy giờ đội Tuyên truyền Việt Nam Giải phóng quân được thành lập để đảm đương nhiệm vụ. VTTT khi thành lập, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tuyên bố nhiệm vụ như sau:
“Nhiệm vụ mà đoàn thể uỷ thác cho chúng ta là một nhiệm vụ quan trọng và nặng nề. Chính trị trọng hơn quân sự. Tuyên truyền nặng hơn tác chiến, nhiệm vụ ấy có tính chất là một nhiệm vụ giao thời. Vận dụng Vũ trang tuyên truyền để kêu gọi toàn dân đứng dậy, chuẩn bị cơ sở chính trị và quân sự cho cuộc khởi nghĩa sau này”. Ở đây lại có thể nói lại nữa là lúc nào khó khăn, ở nơi nào nguy hiểm cần củng cố và phát triển lực lượng cơ sở chính trị của mình mau, phải đối phó với những âm mưu hiểm độc, gấp bức của quân địch, ta phải dùng Vũ trang tuyên truyền.
Đem câu ấy mà áp dụng vào bây giờ thật đúng.
Trước hết nói ở Nam Bộ.
Vào khoảng giữa năm 1946, khi quân địch đã đóng được ở hầu khắp các nơi, khi lực lượng quân sự của ta hầu tan rã. Bao nhiêu “sư đoàn” phần thì đầu hàng, phần thì thổ phỉ hoá, phần thì tan rã. Chỉ còn có các đoàn thể chính trị hoạt động. Lúc ấy có từng trung đội (Nam Bộ không gọi là VTTT mà cũng không đặt tên cho những đội ấy là võ trang tuyên truyền) đi tản mạn vào dân chúng gây lại cơ sở quần chúng, tổ chức đánh du kích rồi phát triển lên thành những đại đội, tiểu đoàn đi đánh giặc sau này. Đến 1947, những đội đó và các thứ công tác gây cơ sở kiểu trên nhạt đi không ai nhắc đến nữa.
Tới năm 1948, Nam Bộ thấy cần phải có cơ sở và có hoạt động ở những nơi khó đánh như những đô thị lớn thì lại tổ chức những ban công tác vào hoạt động trong các đô thị. Ban công tác thành Sài Gòn - Chợ Lớn đã từng ghi nhiều thành tích.
Lẽ dĩ nhiên cách hoạt động thì từng địa phương có những điều kiện khác nhau, song xét đến căn bản thì ở Nam Bộ, công tác VTTT đã phải xuất hiện và xuất hiện đúng lúc.
Sau chiến dịch Việt Bắc 1947, khi ra lệnh tiến mạnh sang giai đoạn thứ hai, Đại tướng cũng ra lệnh cho toàn thể quân đội và dân quân dùng công tác võ trang tuyên truyền tiến mạnh vào sau địch và phải hoạt động du kích chiến tranh.
Trong những đoạn sau, ta sẽ lần lượt thấy rõ ý nghĩa quan trọng của VTTT qua các giai đoạn lịch sử vẫn giống nhau và rất đúng, và hơn nữa, sự giải nghĩa VTTT do đó sẽ rõ ràng hơn, đầy đủ hơn.
Trong cuộc võ trang tranh đấu của dân tộc ta, võ trang tuyên truyền có một địa vị rất quan trọng.
Võ trang tuyên truyền đã phát động phong trào kháng Nhật rất mạnh đã gây dựng những cơ sở du kích đầu tiên của ta trong cuộc Võ trang khởi nghĩa 1945. Võ trang tuyên truyền đã là tiền thân của Quân Giải phóng Việt Nam và đã đẩy cho lực lượng võ trang ấy của ta trưởng thành mau lẹ. Ở đây xin miễn nhắc lại.
Chỉ xin nói đến tình hình hiện tại để thấy rõ địa vị của VTTT mà thôi.
I- Nhiệm vụ và phương châm chiến lược của giai đoạn thứ hai
Về địch
Sau chiến dịch Việt Bắc, Bộ Tổng chỉ huy đã thấy có những hiện tượng cầm cự và đã thấy chiến tranh bước vào giai đoạn thứ hai. Bước vào giai đoạn mới, âm mưu của địch có thay đổi. Chúng đánh ta, chúng tự buộc phải theo đuổi một cuộc đánh lâu dài mà chúng rất sợ. Vì không sao dùng quân sự tiêu diệt được chủ lực ta, nên chúng đã hoàn toàn thất bại cái chủ trương “đánh nhanh thắng nhanh” của chúng. Chủ lực của ta là quân đội, nhưng đồng thời lại là cả lực lượng đoàn kết của nhân dân và nền kinh tế tự cấp, tự túc của ta, là những lực lượng dự trữ hùng hậu (kho người, kho vũ khí, kho lương) quyết định thắng lợi sau này, nên địch buộc phải tìm cách dần dần dùng âm mưu chính trị chia rẽ đồng bào ta, lôi kéo đồng bào ta, tung gián điệp vào hậu phương ta, phản tuyên truyền ta, lập chính quyền bù nhìn lếu láo. Đồng thời chúng lũng đoạn kinh tế của ta bằng cách âm mưu làm mất giá trị giấy bạc ta, củng cố cơ sở kinh tế của chúng, chặn đường tiếp tế của ta, v.v… Thế là chiến tranh của chúng đối với ta đã dần dần nặng về chính trị và kinh tế đánh vào những lực lượng dự trữ của ta. Đi đôi với chính trị, kinh tế, chúng không quên dùng quân sự theo lối càn quét, vết dầu loang để tiêu hao ta, để làm áp lực cho những âm mưu chính trị, kinh tế nói trên.
Về ta
Sau chiến dịch Việt Bắc, quân đội kinh nghiệm tiến bộ, phấn khởi thêm, căn cứ địa và các cơ quan đầu não được chấn chỉnh củng cố. Không khí chiến thắng ảnh hưởng tới tinh thần dân chúng, tới các ngành hoạt động kinh tế, văn hoá, tạo nên một lực lượng chính trị kinh tế mạnh, vững hơn nhiều. Cán cân chiến tranh chuyển động: ta từ chỗ kém địch đã dần dần gần lên ngang hàng địch.
Giai đoạn thứ hai sẽ là giai đoạn đẩy ta tiến lên ngang địch rồi hơn địch; giai đoạn thứ hai là giai đoạn ta phải đối phó và thắng lợi từng âm mưu của địch.
Căn cứ vào âm mưu của địch, lực lượng của ta và tính chất của giai đoạn thứ hai như thế, ta đã thấy ngay nhiệm vụ của ta trong giai đoạn thứ hai là: ngăn địch, tiêu hao địch, bồi dưỡng ta đang lớn mạnh. Do đó, phương châm quân sự ta là:
- Phát động nhân dân chiến tranh, làm cho toàn thể nhân dân tham gia chiến tranh, phụng sự kháng chiến tích cực giết giặc. Chỉ có nhân dân chiến tranh mới thực hiện được cuộc chiến tranh toàn diện để chống lại mọi âm mưu của địch mà tiến tới thắng lợi; một mình quân đội quốc gia không làm được,
- Lấy du kích chiến làm căn bản, bởi vì du kích là một chiến thuật của nhân dân. Đã có nhân dân chiến tranh thì nghĩa là có du kích chiến. Du kích mới đánh giặc được bằng đủ mọi mặt. Về chính trị, du kích diệt tề, trừ gian, địch vận. Về kinh tế, du kích phá hoại hầm mỏ, kho tàng, đánh đường tiếp tế (thuỷ, bộ, không) bao vây kinh tế địch. Về quân sự, du kích quấy rối, phục kích, tập kích luôn luôn để tiêu hao địch, tiêu diệt các toán quân nhỏ, cướp súng địch để võ trang, tiêu diệt những đồn nhỏ, v.v… Du kích chiến lại còn đẩy tới sự võ trang toàn dân, sự tổ chức toàn dân tiến tới những binh đoàn to lớn đánh đuổi quân thù,
- Vận động chiến là phù trợ. Cứ du kích mãi thì bao giờ đuổi được địch ra khỏi nước cho nên du kích phải có vận động chiến, huy động những binh đoàn to lớn tiêu diệt sinh lực địch và đánh bại địch. Nhưng không có du kích chiến thì ở đâu ra vận động chiến ngay. Nên ở trong giai đoạn thứ hai, vận động chiến là phù trợ, nghĩa là đứng bên du kích chiến, nhờ vào du kích mà trưởng thành. Vận động chiến phải bắt đầu bằng tập trung quân lực to với một hạn độ hợp thời công kích hoặc tiêu diệt những vị trí của địch, đánh địch, vận chuyển để dần dần tiến lên tiêu diệt địch trong từng chiến dịch lớn, những binh đoàn to lớn của địch.
Hồi tháng 3-1948, trong Hội nghị chính trị viên toàn quốc, Đại tướng đã vạch những kế hoạch cụ thể để thực hiện nhiệm vụ chiến lược như sau:
a) Thi hành ráo riết huấn lệnh đại đội độc lập, phát động du kích chiến tranh, nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề du kích, làm cho du kích trưởng thành, rồi đem đại đội độc lập trở về tăng cường vận động chiến,
b) Tổ chức tiểu đoàn tập trung rất kiện toàn, phục kích trước, tập kích sau. Tiến tới đánh từng hai tiểu đoàn, từng trung đoàn với những đơn vị chuyên môn rõ rệt (công binh, pháo binh) theo hình thái chính quy,
c) Tích cực tiêu diệt các cứ điểm nhỏ của địch, dồn địch lại, không cho nó lan ra để phá tan mưu mô khống chế của địch. Ở đô thị, dồn địch vào thành phố phát động võ trang tuyên truyền phá chính quyền bù nhìn của địch,
d) Dùng võ trang tuyên truyền để đại đội độc lập luồn vào sau lưng địch mở đường cho tiểu đoàn tập trung tới tiêu diệt cứ điểm nhỏ của địch (ở Tây Bắc, VTTT đã thành công với dân Thái Sơn La và Mường Hoà Bình).
(Trích biên bản Hội nghị C.T.V. toàn quốc 3-49)
II- Võ trang tuyên truyền là một phương pháp quan trọng nhất để thực hiện những nhiệm vụ và phương châm chiến lược nói trên
Vừa xong, từ những nhiệm vụ và phương châm chiến lược đã nêu bật được địa vị Võ trang tuyên truyền trong giai đoạn chiến lược mới rồi. Thực vậy, với tính chất của nó, với hoàn cảnh mới, công tác VTTT sẽ phải:
- Tổ chức nhân dân chiến tranh và phát động du kích chiến tranh, bởi vì chính những đội VTTT chuyên môn, những đại đội độc lập hay những đội du kích dùng Võ trang tuyên truyền sẽ gây những cơ sở chính trị ngay sau lưng quân địch, trong lòng quân địch. Nhất là ở những vùng kinh tế quan trọng (duyên hải, đường giao thông, vùng hầm mỏ hay đồn điền) những trung tâm chính trị (Hà Nội, Sài Gòn) và những vùng dân tộc phức tạp (miền núi Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên Mọi), v.v…
Công tác VTTT sẽ lại tổ chức sắp xếp những cơ sở ấy thành những lực lượng chính trị võ trang cho họ, huấn luyện cho họ, biến thành những lực lượng quân sự có vô vàn những hành động du kích, quấy rối, tiêu hao, phá hoại địch, thành những hậu bị quân hùng hậu cho quân đội quốc gia. VTTT sẽ lại thúc đẩy dân tranh đấu chính trị, bao vây kinh tế địch. Thế là VTTT đã là động cơ cho nhân dân chiến tranh và cố nhiên là đã mở rộng du kích chiến để cho nó xứng với địa vị căn bản của nó vậy.
- VTTT gây cơ sở vận động chiến. Trong khi hoạt động để phát động rộng và mạnh du kích chiến thì vô hình chung VTTT đã gây cơ sở cho vận động chiến. Bởi vì chính những lực lượng du kích, những hoạt động du kích (quấy rối phá hoại) cũng là những sức phối hợp rất cần thiết cho vận động chiến và chính những tổ chức du kích sau này sẽ tiến thành những lực lượng vận động chiến vậy. Không có du kích chiến thì không có vận động chiến, cho nên lẽ tất nhiên du kích là cơ sở của vận động chiến. Hơn nữa, cơ sở nói đây nói rộng ra là gồm những điểm tất yếu của vận động chiến. Nó là những cơ sở dân chúng, những sự giúp đỡ hết lòng (giữ bí mật chỗ ăn, chỗ ngủ cho quân) của nhân dân để cho một cuộc vận động chiến thắng lợi. Nó là những lực lượng mênh mông của nhân dân võ trang phối hợp với những binh đoàn vận động bằng những hành động quấy rối, những liên lạc chỉ đường, những tai mắt để thấu rõ địch tình. Nó là những lực lượng nhân dân võ trang đi từ chỗ tự bảo vệ tính mệnh tài sản đến chỗ hoá thành quân đội Quốc gia, để quân đội Quốc gia lớn mạnh đi đánh vận động. Việc này không có công tác Võ trang tuyên truyền khó lòng thành công được.
Như thể VTTT đã mật thiết thực hiện việc “đẩy mạnh du kích chiến, tiến tới vận động chiến”, điều căn bản để hoàn thành nhiệm vụ chiến lược mới.
Đó là chưa nói thêm trong khi thi hành những việc nói trên, bản thân công tác VTTT cũng thực hiện những nhiệm vụ chiến lược đề ra. Nó không tuyên truyền thúc đẩy dân đánh du kích riêng mà chính nó phải dùng những hành động du kích dễ làm gương để tuyên truyền. Cũng như thế, nó phải phá tề, địch vận, bao vây kinh tế. Vì nó phải là tuyên truyền bằng thực tế, bằng việc làm để phá mọi mưu mô của địch vì những âm mưu ấy ngăn trở nó vô cùng.
Vì thế, công tác VTTT bao quát rộng rãi và linh động, nó đã chiếm một địa vị rất quan trọng trong các cuộc võ trang tranh đấu của nhân dân ta. Muốn đi tới kết luận rõ ràng hơn, ta nghiên cứu thêm nhiệm vụ và khả năng của công tác VTTT.
Nhiệm vụ và khả năng của công tác võ trang tuyên truyền
Ta đã biết, công tác VTTT rất quan trọng, rất cần thiết trong giai đoạn này, cho nên nhiệm vụ nó nặng vô cùng mà khả năng nó cũng mạnh vô cùng. Công tác VTTT tiến hành một cách linh động táo bạo, nó đối phó được với từng âm mưu, từng kế hoạch của địch. Nó là hiện thân của hình thái cầm cực và tích cực. Hơn nữa, nó lại là võ khí sắc bén nhất để chuẩn bị cơ sở phân công ở sau địch. Dưới đây, xin trình bày những âm mưu chính của địch sau chiến dịch V.B. trong giai đoạn thứ hai và khả năng đối phó của VTTT.
Điểm thứ nhất : địch đánh ta nặng về chính trị: chúng lập chính phủ bù nhìn, chúng mở rộng chính quyền bù nhìn địa phương, lập nhiều hội tề, tuyên truyền lôi kéo dân chúng trong vùng tạm chiếm. Chúng lại nhắm vào những chỗ đã chiếm để được tuyển mộ nguỵ binh thay thế cho số lính chúng bị ta tiêu diệt, thực hiện việc dùng người Việt hại người Việt, một điểm trong kế hoạch dùng chiến tranh nuôi chiến tranh.
Ngoài ra, chúng nhằm những vùng dân tộc miền núi, những tầng lớp lừng chừng hoài nghi, mua chuộc, lừa bịp họ để lôi kéo chống lại chính phủ kháng chiến hay tách họ ra khỏi khối kháng chiến. Chúng lập xứ Nùng tự trị, nước Tây Nguyên, Liên bang Thái, v.v… chúng lừa bịp, lôi kéo đồng bào công giáo.
Nhưng chúng đã thất bại, vì ta có VTTT. Võ trang tuyên truyền với những hành động táo bạo, gan dạ, kiên nhẫn với đường lối tuyên truyền chính nghĩa đã chui vào khắp miền địch tạm chiếm, từ đồng bằng lên miền núi, báo tin cho dân, liên lạc với dân, tổ chức dân chúng thành từng nhóm, hội kháng chiến, gây cơ sở chính trị cho ta. Võ trang tuyên truyền đã tìm hết cách phá nhng nguỵ quyền địa phương như : hội tề, tuần phiên hoặc bằng cách trừng trị những kẻ cố tình theo giặc, bán nước, thuyết phục những người lầm đường, dùng hình thức chính quyền của địch làm việc kháng chiến, v.v… Từ khi phát động VTTT quanh Hà Nội, 90 % hội tề của địch đã bị phá hoặc quay đầu về Tổ quốc. Khắp vùng Sơn La, những cơ sở chính trị đã được gây dựng rộng rãi cho đến tận sau Mộc Châu gần đến thị xã Sơn La, đã gây dựng lại hầu hết cơ sở kháng chiến tại Nam Bộ, lập cả chính quyền kháng chiến trong trung tâm Sài Gòn, Chợ Lớn, v.v… những thành tích ấy kể không xuể. Đồng thời VTTT lại liên lạc với nguỵ binh, giác ngộ cho nguỵ binh, dùng những hình thức táo bạo tuyên truyền địch vận ngay trong các đồn địch, liên lạc với các gia đình nguỵ binh để lôi kéo nguỵ binh quay về với Tổ quốc. Hiện tượng tan rã của nguỵ binh càng ngày càng hiện rõ. Ở Đông Bắc, trong 3 tháng giời đến 9-12-1948, ta thu phục được 559 hàng binh, ở Tây Bắc có trận hàng hơn trăm nguỵ binh ra hàng. Nhiều trận đánh trên đường số 4 quanh Hà Nội (Tây Mỗ) hầu hết nguỵ binh nộp súng. Và trên hầu khắp các trận đánh gần đây ở Liên khu 3 Bắc Bộ cho đến Nam Bộ, trận nào cũng có nguỵ binh ra hàng.
Còn nói đến chuyện địch chia rẽ dân ta thì chúng lại càng thất bại. Do chính sách đại đoàn kết của Chính phủ, do sự hoạt động oanh liệt của quân ta, lại thêm VTTT với hình thức mạnh và đẹp, có thể trong phạm vi nào đại diện cho uy tín của Chính phủ và quân đội hiển hiện luôn ở quanh vùng địch tạm chiếm để hoạt động, địch đã hoàn toàn thất bại. Những chuyện Liên bang Thái, Nùng tự trị, v.v… chỉ còn là chuyện trẻ con, trò cười, ngay dân Nùng, dân Thái sống dưới nanh vuốt của địch cũng hầu như không biết đến chuyện ấy nữa, chỉ một lòng hướng vào kháng chiến.
Thế là âm mưu chính trị của địch đã bị VTTT phá vỡ.
Điểm thứ hai : Địch đánh ta nặng nề về kinh tế, chúng sẽ củng cố những trung tâm kinh tế như những vùng mỏ, vùng cao su, những thành phố buôn bán như Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng.
Chúng còn phản tuyên truyền giấy bạc của ta, lũng đoạn tài chính của ta bằng cách phát hành giấy bạc mới, v.v…
Ta dùng VTTT phát triển du kích để đi tới phá hoại hầm mỏ của chúng, tuyên truyền lôi kéo nhân công của chúng, phá hoại giao thông của chúng, VTTT lại phát triển du kích, bao vây kinh tế, lũng đoạn những trung tâm buôn bán của chúng ; VTTT đi đôi với những thắng lợi quân sự sẽ tăng các giá trị giấy bạc của ta (như ở Đông Bắc 12-48) vận động dân chúng bất hợp tác với địch (không làm cho địch, tẩy chay hàng hoá địch, v.v…). Đó là chưa kể VTTT sẽ giác ngộ quần chúng, huấn luyện quần chúng bảo vệ mùa màng, tài sản chống lại âm mưu phá hoại mùa màng, cướp bóc lương thực của địch làm dân ta đói khổ.
Thế là VTTT có thể phá vỡ cả một phần âm mưu kinh tế địch.
Điểm thứ ba : Về quân sự, địch bỏ chiến thuật tấn công ồ ạt, dò lối đánh lấn dần (tằm ăn lá dâu) đóng từng đồn nhỏ dần ra và thu phục dân chúng bằng khủng bố, mở rộng nguỵ quyền, đồng thời không phá được chủ lực ta, không tìm được cơ quan chỉ đạo kháng chiến của ta. Địch sẽ dùng lối đánh càn quét, dùng binh lực thật to hoặc nhảy dù hoặc đánh bất thình lình khủng bố tàn sát dân chúng, phá hoại kho tàng cơ xưởng của ta, lùng cán bộ của ta.
Để đối phó lại, VTTT sẽ làm cho địch không thể yên chí thi hành kế hoạch của mình và không thể lấn dần ra được.
Trong khi địch định đánh ra thì công tác võ trang tuyên truyền đã phát triển ngay ở trong lòng chúng, những chỗ chúng chiếm đóng được khá lâu, lại có những cơ sở chính trị kháng chiến, lại có những hành động du kích quấy rối, phá hoại trừ gian. Những “hậu phương an toàn” của địch phút chốc không an toàn nữa, lại biến thành tiền tuyến hay hơn nữa, hậu phương của ta. Như thế, địch đóng thêm đồn ra bao nhiêu, chúng chỉ mang thêm cái vạ bị tiêu hao nhiều, bị quấy rối nhiều. Kết cục, chúng không chiếm được miếng đất nào cả, trừ những đồn chúng đóng cô độc như cù lao giữa biển. Hành động này biểu hiện rõ ràng hình thái cài răng lược và hiện tượng cầm cự của giai đoạn thứ hai. Địch nới ra, ta lại luồn vào sau chúng. Mới đây địch bị tiêu diệt luôn luôn tại những đồn “hậu phương” của chúng là do VTTT gây cơ sở và giúp cho cán bộ, bộ đội, du kích đánh giặc.
Nếu chúng thất bại trong việc lấn dần, đóng đồn thêm thì tất nhiên chiến thuật càn quét của chúng cũng chỉ mang cho chúng những kết quả khốc hại.Thoạt tiên là VTTT giác ngộ, huấn luyện dân chúng cách chạy giặc, rồi cách đánh giặc lẻ tẻ. Xong, sẽ có những đội du kích đánh những toán nhỏ của địch, làm cho địch không thể quấy nhiễu dân bằng những binh lực nhỏ và luôn luôn nữa. Chúng phải dùng binh lực lớn để càn quét đại quy mô, nhưng những cuộc ấy càng tỏ chúng thua càng nặng. Để chứng tỏ việc này, ta đã thấy ở Nam Bộ, lính địch không dám ló khỏi đồn. Hơn nữa địch đã ngậm ngùi nuốt hận với những cuộc càn quét ở Hưng Yên, Chương Mỹ, Đồng Tháp Mười (hè 48) và mới đây ở chiến dịch Liên khu III. VTTT lại tham dự một phần vào việc chống chiến thuật quân sự mới của địch nữa.
Điểm thứ tư: để thực hiện những âm mưu hiểm độc của chúng, địch còn dùng lối chiến tranh gián tiếp. Chúng tung ra khắp chốn khắp nơi, cho chui vào các cơ quan, các bộ đội của ta những tên Việt gian biến tướng để chia rẽ nội bộ, dò xét tình hình, hãm hại cán bộ. Một phần khác, ta có cơ quan đối phó, những công tác VTTT cũng gánh một nhiệm vụ trừ gian rất nặng nề. Những tên Việt gian không tài nào thoát khỏi tai mắt của Công an, Tình báo đã đành, nhưng chúng cũng không thể thoát khỏi lưới của công tác VTTT. Vì phải đem lại quyền lợi thiết thực cho nhân dân, vì phải chặt cụt tay chân, chọc thủng tai mắt của địch, vì muốn được dễ dàng hoạt động, VTTT sẽ phối hợp chặt chẽ với Công an, tích cực trừ bọn Việt gian bán nước. Công tác  VTTT với tính chất đặc biệt của nó sẽ giúp cho Công an, Tình báo rất nhiều và một cách dễ dàng.
Trên đây là đối chiếu sơ lược những điểm “ăn miếng trả miếng” của công tác VTTT của ta và những âm mưu chính trị, kinh tế, quân sự của địch. Muốn thấy rõ nhiệm vụ và khả năng của công tác VTTT hơn nữa, ta có thể tóm tắt nhiệm vụ của nó như thế này:
- Gây cơ sở chính trị ở những vùng sau địch, giữ vững tinh thần dân chúng, đề cao uy tín Chính phủ, tuyên truyền chống luận điệu bán nước lừa bịp của địch,
- Phá tan nguỵ quyền, trừ gian, tiễu phỉ,
- Lãnh đạo dân chúng trong vùng tạm chiếm (đồng bằng và miền núi) chống những áp bức bóc lột dã man của địch, đòi quyền lợi hàng ngày,
- Phá kế hoạch nguỵ binh của địch,
- Bao vây phá hoại kinh tế địch chống chiến thuật lấn dần và càn quét của địch,
- Tổ chức gây dựng và phát động du kích chiến tranh,
- Sửa soạn chiến trường cho những cuộc vận động chiến to lớn.
Còn khả năng của công tác võ trang là gì?
- là lực lượng võ trang,
- là hành động bí mật, lẻ tẻ, táo bạo, kiên nhẫn,
- là công tác tuyên truyền đi đôi với công tác tổ chức, lãnh đạo,
- là nằm sát vào địch, hiểu được địch rõ ràng tường tận.
Tuy nhiên, cuối cùng, ta cũng phải xét thế này : VTTT là một hình thức chiến thuật đặc biệt của nhân dân chiến tranh. Vì địch cũng cho từng đội võ khí tốt, quần áo oai, nào diễn thuyết, nào rải truyền đơn (Hải Dương), nhưng ai tin ai, nghe ai?
Nhân dân là yếu tố quan trọng của VTTT.
Võ trang tuyên truyền là một công cuộc vận động chính trị đặc biệt có quân sự đi kèm. Cuộc vận động này đủ vẻ, đủ mặt, nhưng cũng cần phải phối hợp với rất nhiều mặt khác, điều kiện khác, tương trợ lẫn nhau thì mới dễ đến những kết quả tốt đẹp.
Hai đặc điểm này có nhận rõ thì mới thấy rõ những sự liên quan mật thiết giữa các nhiệm vụ và nhất là giữa các phương châm hoạt động của Võ trang tuyên truyền.
Phương châm hoạt động của võ trang tuyên truyền
Trước đây vào vấn đề này tưởng cũng không thừa mà nhấn mạnh rằng : Đây là nói phương châm của công tác võ trang tuyên truyền nói chung chứ không chỉ riêng những đội VTTT chuyên môn. Bởi vì khi đặt ra vấn đề VTTT nhiều người không nhận rõ đó là một công tác chung phải thi hành, chứ không phải một công tác đặc biệt của những đội chuyên môn. Thật ra những ai, bộ phận nào thi hành công tác võ trang tuyên truyền, đó là những đội VTTT chuyên môn, những đội du kích tập trung, những phân đội tách ra (détachement) của các Đại đội độc lập hay Tiểu đoàn tập trung. Chính vì không rõ như thế nên ở đôi nơi (quanh Hà Nội chẳng hạn), các đội du kích tập trung bị tan rã hoặc vì sai lầm mà rút đi, đội VTTT tới hoạt động ít lâu rồi các đội du kích tập trung hồi phục hay trở về. Các đội du kích ấy cũng gây cơ sở dân chúng, tổ chức huấn luyện dân quân xã, trừ gian phá nguỵ quyền, vận động nguỵ binh, v.v… đồng thời những địa phương ấy lại có cả Đại đội độc lập, nó cũng hoạt động với những phương châm na ná như các đội VTTT. Thế là ba lực lượng cùng làm một việc đâm ra lủng củng, dẫm chân lên nhau. Để giải quyết cái lúng túng đó, họ gặp nhau phân công, nhưng phân công từng việc không được, phải chia nhau từng khu vực. Thế là Đại đội độc lập cũng mất tính chất Đại đội độc lập vì bỏ một địa phương không biết, du kích cũng mất một phần tính chất bộ đội địa phương. Và như thế, nếu không căn cứ vào năng lực mà đặt nhiệm vụ mà nâng đỡ nhau (Đại đội độc lập dìu dắt bộ đội địa phương bằng cách huấn luyện, giúp đỡ, v.v…) thì trong ba lực lượng đó thừa hai.
Vấn đề trình bày sẽ hiện rõ ở hai mục cuối “VTTT và Đại đội độc lập” và “Gây dựng bộ đội địa phương”.
Bây giờ nói đến phương châm công tác.
1) Phương châm chính và căn bản của võ trang tuyên truyền là chính trị nặng hơn quân sự.
Vì rằng công tác này là một công cuộc vận động chính trị lớn, dùng hành động quân sự nhiều hơn hay dùng quân sự chính trị ngang nhau, nhưng đó chỉ là phương pháp tạm thời dùng trong một hoàn cảnh nhất định, một thời gian nhất định như ở chỗ nhiều phản động hay ở chỗ nhiều kẻ gàn bướng, lừng chừng, chưa tin vào sức mạnh kháng chiến. Nhưng phần quân sự dùng nhiều hơn hay dùng ngang phần chính trị kia cũng không thoát khỏi tính chất dùng để tuyên truyền chính trị. Trước sau cũng vấn đề này là mình chưa đủ lực lượng quân sự để quyết định sự thắng lợi, cho nên mình phải vận động chính trị để đi tới. Song sự vận động chính trị này trong hoàn cảnh khó khăn và gấp rút nên nó phải có tính chất võ trang. “Dùng quân sự” nó chỉ trong nghĩa đó mà thôi.
Muốn xét rộng điều này thêm nữa, ta cần phải nêu ra một điểm rất quan hệ về mối liên quan giữa những hành động quân sự (nhỏ hoặc thật lớn) với cuộc vận động chính trị. Đó là : vận động chính trị thì cùng đi tới mục đích dùng ảnh hưởng và cơ sở chính trị đạt được mà tổ chức, tiến hành những hoạt động quân sự cho dễ dàng thắng lợi. Thế rồi, có những hành động quân sự thắng lợi ấy, VTTT nắm lấy, lợi dụng nó, tuyên truyền rầm lên gây ảnh hưởng thật to và đưa vào ảnh hưởng quân sự thắng lợi mà phát triển thật mạnh và nhanh cơ sở và ảnh hưởng chính trị. Một ví dụ : ở mặt trận Đông Bắc, trước tháng 6-48, vùng Hải Ninh, Hồng Quảng là đại hậu phương của địch. Ta chuẩn bị một chiến dịch, phải phái nhiều VTTT vào kiên nhẫn, gan góc để gây những cơ sở cho chiến dịch, sau khi trận đánh thắng lợi (tiêu diệt và buộc địch rút hơn 20 đồn, mở rộng vùng tự do, quét hậu phương sạch thổ phỉ, việt gian, v.v…) thì ảnh hưởng chính trị lại càng vang dội. Nguỵ binh tan rã, quân địch hoang mang, dân chúng tin tưởng bội phần, tiền Việt Nam lên giá. Nên táo bạo mà nói : “Chiến dịch Đông Bắc là hành động Võ trang tuyên truyền khổng lồ” kể cũng không sai.
Nhắc lại kinh nghiệm của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, Đại tướng cũng nói :
“Nếu một thắng lợi quân sự có thể giúp nhiều cho việc củng cố phát triển cơ sở dân chúng thì một mặt khác muốn hành động quân sự cho thắng lợi, bao giờ cũng cần có cơ sở dân chúng rộng rãi, cần được nhân dân hết lòng ủng hộ”.
Kinh nghiệm ấy đến bây giờ lại càng sáng lên rực rỡ.
Cho nên tính chất căn bản của công tác VTTT vẫn là chính trị nặng hơn quân sự.
2) Dựa vào điểm trên mà nói thì VTTT phải coi công tác tuyên truyền nặng hơn việc tác chiến. Điều này rất dễ hiểu bởi vì “Không nên ham tác chiến mà sao nhãng việc trực tiếp tuyên truyền dân chúng, càng không nên mạo hiểm tác chiến mà làm tan vỡ lực lượng vũ trang” là kinh nghiệm của Đại tướng dạy lại. Việc đầu tiên của công tác VTTT là tuyên truyền gây cơ sở giữ vững tinh thần dân chúng và trong mọi công tác bao giờ việc tuyên truyền chính trị vẫn giữ một địa vị căn bản, lẽ dĩ nhiên là nó đi liền với công tác tổ chức, lãnh đạo nữa.
Nhưng tuyên truyền phải thế nào?
Những hình thức tuyên truyền từ thường thức cho đến linh động đều có thể dùng, nhưng với những cách thức phi thường, mạo hiểm xuất sắc. Truyền đơn không phải rải ở chợ, ở đường mà có thể ở gối ngủ mọi người. Cảnh cáo tên Việt gian không cần bằng giấy tờ, mà bằng người có võ khí hiện lên nói năng cẩn thận. Đối với những phần tử lừng chừng, có nhiều khi đột nhiên võ trang đến thuyết phục. Phải có những hành động như thế mới thoát khỏi lưới kiểm soát của địch, mới ảnh hưởng sâu sắc với những người đang dễ bị hoang mang. Ở ngay cạnh nách địch, trực tiếp với luận điệu phản tuyên truyền của địch. Dân chúng ở những vùng tạm chiếm khó tuyên truyền hơn ở những nơi khác, ngoài việc hiểu tâm lý, phong tục, nguyện vọng dân chúng, công tác VTTT phải làm một việc rất quan trọng là theo dõi quân địch, hiểu thấu luận điệu tuyên truyền của địch, đi tới dự đoán của những luận điệu của chúng mà giải thích dân chúng, thì mới nắm vững dân chúng.
Tuyên truyền phải đi sâu, vì VTTT không đi diễn thuyết, diễn kịch, triển lãm, v.v… như những đội tuyên truyền, thường nó đi tới chỗ giải thích, giác ngộ, thuyết phục, rồi tổ chức và lãnh đạo ra tranh đấu. Vì thế nó phải nghiên cứu đối tượng cho tinh, cho kỹ và đường lối tuyên truyền bao giờ cũng phải chân thành và mật thiết với quyền lợi của nhân dân.
Ở nhiều nơi hoặc là do các cấp chỉ huy hay những cán bộ phụ trách nhầm về chuyện tổ chức những đội VTTT, coi nó như là một đội chiến đấu biệt động, khi phải đi là lập tức điều tra địch tình, bố trí lực lượng để đánh mấy trận lập công đã. Nếu không thế thì cũng rình rình đi giết được mấy tên Việt gian mới nghe lại có khi “quân sự quá trớn”, lúc nào cũng bệ vệ oai phong quần áo đẹp, súng tốt, hô to và hay, đi đâu thì rầm rập. Phải chống khuynh hướng rất sai lầm ấy. Đồng thời cũng phải chống khuynh hướng trái lại là chỉ có tuyên truyền mà không chiến đấu. VTTT phải chiến đấu nhưng có điều là chiến đấu thế nào? lúc nào chiến đấu?
3) Có chắc thắng mới đánh, đó là câu trả lời câu nói trên. Muốn rõ hơn, xin nhắc ở đây một đoạn trong cuốn Đội quân Giải phóng của Đại tướng.
“Vũ trang tuyên truyền gặp quân địch có tác chiến hay không ? Đó là tuỳ hoàn cảnh… nếu có điều kiện tác chiến để gây ảnh hưởng và cơ sở chính trị thì đội vũ trang tuyên truyền cần và phải tác chiến. Đối với những bộ đội lẻ tẻ có thể đánh được của địch thì phải tạo ra cơ hội (có khi cần phải nhẫn nại, chuẩn bị trong một thời gian khá dài) hoặc tìm ra cơ hội mà tác chiến… Tác chiến bao giờ cũng phải có một điều kiện là: phải cân nhắc. Không những cuộc tác chiến sẽ mang lại một thắng lợi cho ta về quân sự mà cả thắng lợi cho ta về chính trị nữa; nói cho rõ hơn, phải cầm chừng sau khi tác chiến, cơ sở dân chúng sẽ vững hơn, rộng hơn thì mới nên tác chiến”.
Nếu ai phụ trách VTTT mà đánh một trận không cân nhắc để đến nỗi giết được vài chục mạng Tây thì bao nhiêu cơ sở bị phá, hàng trăm người chết, VTTT mất chân đứng phải rút đi thì là làm một việc tự sát. Cân nhắc thế nào? Cân nhắc sức mình, sức địch (súng ống, số người) đã đành, còn phải dự đoán xem sau khi địch bị thua có thể trả thù như thế nào, mình có thể đối phó kỹ mọi mặt để địch không thể làm gì tổn hại đến mình không?
Đã đánh là phải thắng và khi thắng xong lại phải hết sức lợi dụng sự thắng ấy, tuyên truyền thật mạnh. Một trận thắng 100 người biết thì chỉ thắng có một nhưng trận thắng ấy làm cho 1000 người biết thì nó thắng to gấp mười. Có gặp như thế mới gây cơ được nhanh, đúng dịp và vững chắc.
Có như thế mới gọi là VTTT.
4) Phải bí mật – VTTT là hành động theo lối du kích hoạt động ở những nơi địch kiểm soát. Không bí mật, sống sao được, cho nên phải tìm hết cách cải trang, lẩn lút, giấu giếm võ khí, cất lén tài liệu làm cho biệt tăm mình đi, về không bóng, đi không hình, địch không sao mò ra được tí tẹo dấu vết gì của mình thì mới hoạt động lâu dài, kết quả được hay nói trước hết là mới sống được. Cố nhiên, không phải là cứ nằm kín một chỗ, không động đậy, không có võ khí, không có tài liệu là bí mật. Phải hoạt động, hoạt động mạnh mẽ, luôn luôn xuất sắc, thế mà địch dò la dấu vết hình tích vẫn không sao được. Khi đến, đến như mưa sa gió táp, như ma hiện; lúc đi, đi biệt như đêm dày tối đặc không biết đâu mà mò. Càng bí mật bao nhiêu, công tác càng kết quả mạnh bấy nhiêu, càng đúng với phương châm VTTT bấy nhiêu.
Ngày xưa, khi đội VTTT đầu tiên của Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân xuất phát, Hồ Chủ tịch dặn dò chỉ có ba điều: Bí mật, bí mật và bí mật. Có bí mật mới thực hiện được: biết địch mà địch không biết mình, thế mới nắm chắc thành công.
Có bí mật thì những đội viên, những cán bộ VTTT mới sống được vì lẩn ngang trong nách địch, hơi lộ một tý là nó tàn sát ngay.
Có bí mật thì mới giữ vững được cơ sở dân chúng, nếu không thì chính những dân chúng bị tàn sát, rồi họ sợ, rồi VTTT hết đất hoạt động. Như vậy, bí mật là yếu tố quan trọng lắm, nó quyết định một phần khá lớn trong sự thành bại của công tác VTTT.
Những nguyên tắc công tác bí mật phải đặt ra thật tỷ mỉ, thật khắt khe. Trong việc ăn ở hoạt động, mỗi cử chỉ hành động đều phải bí mật. Nhưng điều ấy còn dễ, việc khó khăn hơn mà cũng quan trọng hơn là dạy dân chúng giữ bí mật. Dân chúng có khi vì sợ mà không giữ bí mật hay xì xào nói chuyện, hay hoảng hốt mà lộ chuyện. Có khi họ chủ quan, khinh địch, cho là địch không thể biết mà hay làm lộ bí mật. Có khi họ thấy cán bộ về, họ thích chí mà khoe nhiều người biết để đến thăm đồng chí. Dân chúng nhiều nơi còn nặng tình gia đình cho là người nhà không cần phải giấu cái gì cả, cái gì cũng cho nhau biết được, cho nên có việc gì hay, có ai về cũng khoe với người nhà, khó khăn nhất là dặn được dân chúng bí mật, khi mới bắt liên lạc với họ phải thật khôn khéo, khẩn thiết kẻo có nơi họ giận, họ bảo không tin họ hay không tin người nhà họ. Có nơi họ chủ quan cho là họ biết đủ rồi không cần dặn. Không được nhẹ dạ và tin như thế. Phải nhớ ta rất tin nhau, ai cũng tin nhau nhưng về kinh nghiệm giữ bí mật thì phải chì chiết càng nói nhiều càng tốt, dặn giữ bí mật không bao giờ là điều dặn thừa. Đã nhiều nơi chỉ vì không bí mật, một vài cán bộ quan trọng phải hy sinh. Có nơi không bí mật mà hàng trăm dân chúng bị tàn sát đốt phá, ảnh hưởng đến phong trào cả một vùng.
5) Phát triển địa phương tính đến cực độ, nghĩa là công tác VTTT phải thành một công việc đặc biệt của địa phương, nhiều màu sắc địa phương, nó phải dùng địa phương, nói tiếng địa phương, mặc quần áo địa phương, dùng những thủ đoạn quen thuộc của địa phương, dành những quyền lợi đặc biệt của địa phương, v.v… Nói tóm lại là công tác VTTT phải hoàn toàn lợi dụng những phương tiện của địa phương để thực hiện công tác.
Bởi vì công tác VTTT có nhiều tính chất quan hệ mật thiết với quyền lợi địa phương, đối với người dân địa phương ấy, họ nghe theo VTTT là một sự quyết định quan trọng vậy, VTTT đối với họ phải cần nhiều tín nhiệm, đó là lẽ thứ nhất. Lẽ thứ hai là hoạt động VTTT rất khó, phải vào sinh ra tử, phải lén lút mà sống trong lưới địch, nếu không địa phương hoá con người (tiếng nói, quần áo, cách sống) địa phương hoá năng lực (hiểu biết đường đi lối lại, phong tục, dân tình, mánh lới hoạt động của phản động địa phương) và địa phương hoá phương pháp làm việc, để giữ bí mật, lộn sòng dưới mắt địch thì không thể sống được, chứ nói gì hoạt động.
Một yếu tố quan trọng của việc phát triển địa phương tính là “người địa phương”. Chỉ có người của địa phương nào mới dễ đủ những điều kiện vừa nói trên kia, cho nên khi chọn một cán bộ hay những đội viên nào đi hoạt động ở đâu, nên chọn những người thuộc địa phương ấy. Đừng cho người nông dân vùng bể Thái Bình hoạt động quanh Hà Nội và cũng không nên chọn thanh niên Hà Nội hoạt động ở Hải Ninh, Móng Cáy và Hà Giang. Chính vì lẽ trên, những đội du kích tập trung mà huấn luyện khá thì hoạt động VTTT rất giỏi. Còn nếu bất đắc dĩ không tìm được người địa phương làm việc thì những người nơi khác đến hoạt động phải hết sức địa phương hoá từ con người đến cách sinh hoạt và hoạt động. Đồng thời phải cấp tốc đào tạo cán bộ địa phương và người trung kiên địa phương. Việc này ăn nhịp với việc phát động nhân dân chiến tranh, về VTTT phải tổ chức huấn luyện dân quân. Nhưng dân quân chưa phải là cán bộ hết cả, chưa phải là trung kiên hết cả. Phải tập trung năng lực huấn luyện để đào tạo lấy một hay hai cán bộ địa phương tính cho công tác VTTT.
Việc này có rất nhiều thí dụ. Đội VTTT người Nùng ở Lạng Sơn và nhiều tổ khác ở Lạng Sơn nữa. Ở tỉnh H.N., một đội VTTT ở xuôi đến hoạt động rất vất vả suốt 4 – 5 tháng giời lẩn vào lại bật ra vì địch kiểm soát quá chặt vẫn không có kết quả, sau họ về tập hợp một số nhân viên hành chính và những người giúp việc các cơ quan (vì những người này quê ở H.N.) huấn luyện cho đi công tác. Trong một tháng đã ghi được nhiều thành tích. Ở Đông Bắc, vùng địch chiếm có những chỗ, các đội VTTT cực giỏi hoạt động mãi không ăn thua, đến khi có những đội người địa phương của Trung đoàn độc lập hoạt động rất kết quả, ở Sơn La cũng có những đội người Thái hoạt động có nhiều thành tích.
Yếu tố thứ hai của việc phát triển địa phương tính là dùng “những phương tiện và phương pháp” của địa phương, ví dụ như nhân lòng tôn sùng cá nhân mà nắm lấy hay đào tạo những cá nhân xứng đáng cho dân tôn sùng, nhân lòng mê tín mà chủ trương việc uống máu ăn thề, nhân sự dút dát của dân chúng mà vạch rõ sự độc ác của Pháp và chính sách khoan hồng nhưng thẳng tay “trừng trị người theo giặc” của Chính phủ ta ; nhân họ thiệt thòi quyền lợi gì ta giúp đỡ thiết thực quyền lợi ấy ; nhân họ nhiều cảm tình gia đình, ta dùng người nọ tuyên truyền người khác trong một gia đình hay phái cán bộ vào làm người của gia đình họ (con rể, con nuôi, v.v…), nhân dân chúng sợ Tây có súng to, nhiều lính, ta tỏ ra trong một phần nào, ta cũng hành động như thần, bất chấp súng to đạn lớn, v.v… Những thí dụ trên đây đều quy vào nguyên tắc địa phương hoá công tác VTTT (cố nhiên VTTT vẫn phải giữ tính chất xuất sắc, phi thường, v.v…).
Trong cuốn “Đội Giải phóng quân” nhắc đến VTTT của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân lúc ấy cần “thâm nhập dân chúng, không những bằng tiểu đội, bằng tiểu tổ thậm chí đến từng người một”, Đại tướng cũng nêu lên một kinh nghiệm :
“Các đội viên ấy cần phải dân chúng hoá, địa phương hoá, không những về ngôn ngữ, cử chỉ mà cả về y phục, hình thức bề ngoài nữa. Cho nên, việc chọn lựa một số đội viên người địa phương vào đội tuyên truyền là một điều tối cần thiết”.
Đó là sự quan trọng của địa phương tính trong công tác VTTT là thế.
6) Dân là đầu mối hoạt động của VTTT vì công tác VTTT đối với dân có hai mặt : một là dân là đối tượng trực tiếp của công tác VTTT. Từ việc giác ngộ dân, tổ chức dân đến việc trừ gian, phá tề, v.v… đều là vì quyền lợi của dân hết. Hai là VTTT phải nhờ vào dân chúng mới sống nên không có dân hay ở với dân mà không nhận dân là đầu mối hoạt động thì chẳng những VTTT không hoạt động mà không có cả vấn đề VTTT nữa. Nguyên tắc “dân là cốt yếu” chống lại mọi xu hướng hoạt động sai lầm, nó chống lại xu hướng chỉ biết đánh mà không nghĩ đến tuyên truyền, nó chống xu hướng tuyên truyền hời hợt, không nhằm gây dựng cơ sở cho sâu cho vững.
Sự thật ra, đã là quân đội của nhân dân thì bộ đội nào cũng đều phải coi dân là cốt yếu, song VTTT phải phát huy nguyên tắc ấy đến cực độ VTTT có trách nhiệm nặng nhất, ở chỗ nhiều khó khăn nguy hiểm nhất. Ở đây chỉ cần nhắc lại rằng những nhiệm vụ của VTTT là hướng vào dân nhiều. Phải nghĩ đến dân trước hết, phải biết hy sinh vì dân, phải tự hoà vào những đau xót, vui mừng của dân để lãnh đạo dân. Phải nhận rằng công tác VTTT là một công tác vận động cách mạng, giác ngộ dân chúng, tổ chức dân chúng, lãnh đạo dân chúng tranh đấu vì quyền lợi của dân chúng. Những người làm VTTT phải tự coi mình là những chiến sĩ cách mạng hiểu biết quyền lợi của dân chúng, biết hy sinh vì dân chúng. Việc gây cơ sở dân chúng là một việc quan trọng hàng đầu của VTTT. Nhưng gây cơ sở thế nào ? Không phải là vào làng nào rình có tên Việt gian hay “lừng chừng” nào giết sạch “thế là vào ở được”. Gây cơ sở như thế là tìm chỗ ở một cách ngu ngốc, không có ý thức công tác chút nào cả. Cũng không phải chỉ biết có một nhà mình cảm tình đến ở được ; đến lúc lộ hay nhà kia bị phá thế là “em vỡ mất cơ sở” như thế là hẹp hòi, vụng dại. Cơ sở quần chúng không phải chỉ là chỗ mình ở được. Nó phải là những nhóm, những tổ chức dân chúng có hệ thống, có giác ngộ chính trị, có công tác kháng chiến. Ta gây nó bằng cách từ một người làm đến 2, 3 người rồi đến một nhóm đông, từ một làng cho đến 2, 3 làng rồi đến cả một vùng. Nếu cơ sở vững thì địch khủng bố không ăn thua. Việt gian cũng chẳng làm gì được. Có cơ sở dân chúng là có chỗ cho VTTT sống và tranh đấu được quyền lợi cho dân.
7) Cán bộ quyết định thắng bại – Đây là một phương châm phải luôn luôn nhớ trong việc xây dựng các đội VTTT cũng như trong công tác. Công tác võ trang tuyên truyền là một công tác vận động chính trị, nó thắng bại hay không, không phải ở chỗ nhiều người, nhiều vũ khí, mà ở chỗ cán bộ giỏi, kiên nhẫn, can đảm, hiểu quần chúng, chủ trương vững, nhiều kinh nghiệm vận động.
Càng những nơi khó khăn thì VTTT càng thâm nhập bằng ít người (bằng một người, 1 tổ, v.v…) và càng thâm nhập bằng ít người như thế thì số ít người kia càng phải giỏi giang, cứng rắn. Mà người cán bộ phụ trách càng phải xuất sắc. Đánh giá hay chọn lựa người cán bộ VTTT không phải là ở chỗ người ấy sẽ phụ trách bao nhiêu đội viên mà là người ấy sẽ phụ trách công tác gì, ở chỗ nào, quan trọng thế nào. Phải lấy sự quan trọng của công việc mà đo và chọn cán bộ. Do đó đôi khi phải lấy một chính trị viên Tiểu đoàn hay một chính trị viên Trung đoàn mà phụ trách một tổ hay một mình gánh một nhiệm vụ nào trong một địa phương khó khăn nào.
Nếu ta không nhận định rõ điều này, không kiên quyết trong việc chọn lựa cán bộ thì những nơi trọng yếu khó khăn, không bao giờ ta đạt được kết quả. Những nơi khó khăn nguy hiểm và trọng yếu vứt cán bộ xoàng vào chỉ là hy sinh cán bộ ấy đi thôi, chỉ là muối bỏ bể và càng nhiều bao nhiêu càng bị hy sinh lớn bấy nhiêu. Kinh nghiệm Đông Bắc đã chứng tỏ điều này.
8) Trừ gian phải kiên quyết và thận trọng – Việc này phải nêu lên thành một phương châm công tác và cũng được đặc biệt chú ý. Nhiều việc xảy ra đã dạy ta rằng những người đi lĩnh trách nhiệm trừ gian hay mắc phải bệnh “khử bừa”. Và đôi khi cũng mắc phải bệnh rụt rè, sợ Việt gian, hay sợ “giết nó thì Tây nó khủng bố khổ dân”. Đó là chỉ vì những người có trách nhiệm không biết cân nhắc cho thật đúng những trường hợp cần phải trừ gian. Nhiều khi vì trừ một tên gian không đúng hay vì không dám trị một tên Việt gian lợi hại mà phong trào quần chúng bị tan vỡ hay phong trào lẹt đẹt mãi không lên được. Muốn tránh bớt những sự sai lầm nên chia Việt gian làm nhiều loại và chỉ nên trừ những loại Việt gian thật nguy hiểm quan trọng, tai hại lớn đến công tác hãy trừ. Khi tiến hành việc thủ tiêu phải luôn luôn dựa trên đức độ của Hồ Chủ tịch mà hiểu rằng : phần đông họ chỉ vì nhầm lẫn mà theo giặc, chứ ai cũng là người Việt Nam mà định nhiều cách cảnh cáo, thuyết phục và cuối cùng mới đến chỗ “khử”. Và khi trừng trị kẻ gian cũng phải làm cho nó hiểu tội của nó mà không oán hận Chính phủ.
Kiên quyết trừ gian là mình luôn luôn tích cực xem xét, theo dõi hành động của bọn gian, giác ngộ cho mọi người đề phòng và khi gặp trường hợp phải trừ thì không ngần ngại, rụt rè, để quyền lợi Tổ quốc lên trên hết, chứ không phải hễ thấy nói ai là Việt gian là đi giết ngay.
Thận trọng trừ gian là cân nhắc tội trạng của tên Việt gian và cân nhắc lợi hại có thể xảy ra sau khi nó chết. Việc cân nhắc này cũng cần như khi cân nhắc khi định tác chiến. Có điều cần phải chú ý nữa là khi xét tội trạng của Việt gian căn cứ vào sự thật một phần lớn đã đành, nhưng cũng phải để ý dư luận quần chúng đối với nó và những quan hệ gia đình, quyền lợi của quần chúng đối với nó. Nếu xét các mặt được đầy đủ thì việc trừ gian ảnh hưởng tốt rất lớn cho Phong trào và công tác.
Ở huyện Bình Gia (Bắc Kạn) có tên Xuân Nhu là một tên Việt gian rất gian hùng, trước đây nó đã làm hại nhiều phong trào cánh mạng. Có lần Chính phủ ta đã khoan hồng cho nó song nó vẫn làm phản. Có lần Ủy ban Kháng chiến đã bắt được, lại để cho nó trốn mất và định quay ra hoạt động lôi kéo dân chúng. Sau VTTT bắt hết chân tay của nó, giải thích tội trạng nó cho dân chúng biết, rồi bắt cả gia đình chúng nữa. Cuối cùng một tên đồng đảng đắc lực của Xuân Nhu giết Xuân Nhu ra hàng. Sau đó dân chúng vùng ấy hết sức sung sướng, ăn mừng và tích cực tham gia công tác kháng chiến. Xem đó thấy công tác trừ gian phải linh động và thận trọng thế nào ? Nó cũng bao gồm nhiều mặt công tác và nhiều khi chỉ cần trừ một tên Việt gian là công việc đỡ đi rất nhiều công sức, rất nhiều hy sinh.
Trên đây vạch rõ sơ lược những phương châm chính. Vì những phần kinh nghiệm tỷ mỉ, linh động nhiều quá và rộng quá, phức tạp quá không kể sao hết được. Nào là cách đối phó với Hội tề, cách địch vận, v.v… mà ở đây chưa nói ra thì đã được tạm kể ở hai cuốn kinh nghiệm Phòng Tuyên truyền xuất bản trước đây rồi. Ở đây là những phương châm lớn, nếu mọi người hiểu rõ nhiệm vụ và hiểu thấu những phương châm này đưa vào đó rút ra những phương pháp hoạt động hàng ngày, áp dụng một cách mềm dẻo thì sự hoạt động sẽ biến hoá và khôn khéo nhiều, đỡ mắc những sai lầm lớn. Hơn nữa tránh được bệnh đem áp dụng máy móc những kinh nghiệm nhỏ, không biết biến chế và địa phương hoá kinh nghiệm đi.
Những nguyên tắc tiến hành công tác võ trang tuyên truyền
Công tác Võ trang tuyên truyền trong cuộc kháng chiến của ta chính thức tiến hành đã được hơn một năm (không kể ở Nam Bộ hồi 1946). Nó có rất nhiều thành tích nhưng thực ra có một số cán bộ quân sự, chính trị cao cấp cũng còn thường mắc khuyết điểm. Có người thấy nói VTTT quá tin vào sự hiểu biết của mình không chịu nghiên cứu thêm, cứ thế tổ chức các đội, phái đi công tác, đến nỗi có những cán bộ VTTT kêu là được phái đi công tác không hề được chỉ thị công tác, không biết rõ vấn đề quan trọng thế nào ?
Có người thờ ơ đối với công tác VTTT, thậm chí giải tán cả những đội VTTT đang hoạt động hay khá hơn chút ít thì tổ chức “lấy lệ”.
Tất cả đều không làm một việc đầu tiên rất quan hệ là :
Nghiên cứu rõ sự quan trọng của VTTT nhận định tình hình chung của nơi đơn vị mình phụ trách, chỗ nào cần VTTT, chỗ nào không cần, những lực lượng nào, những ai làm được VTTT, rồi tuỳ nơi nặng nhẹ, xây dựng và phân phối các đội VTTT cho hợp.
Vì thế nên công tác VTTT tiến hành chậm chạp, gặp nhiều vấp váp cho đến bây giờ, những thành tích rực rỡ của VTTT vẫn không chữa nổi khuyết điểm trên. Nếu ngay từ lúc đầu công tác được tiến hành cẩn thận thì chắc kết quả còn vĩ đại nhiều. Tài liệu này lượm kinh nghiệm trong quá trình công tác vừa qua đề ra mấy nguyên tắc để tiến hành công tác VTTT như sau, để góp vào kho kinh nghiệm kháng chiến phong phú.
1- Xây dựng các đội Võ trang tuyên truyền
Lại nhắc vấn đề VTTT là một công tác, không phải chỉ nói riêng những đội VTTT chuyên môn. Cho nên vấn đề xây dựng các đội VTTT cũng gồm có hai mặt : một mặt tổ chức các đội VTTT chuyên môn, một mặt tổ chức những quân đội VTTT trong các đơn vị lớn khác (Đại đội hay Tiểu đoàn) và nâng đỡ các đội du kích địa phương lên thành những đội hoạt động VTTT. Nhiều nơi đã làm và kinh nghiệm cũng nói rằng từng Trung đoàn nên có những đội VTTT chuyên môn, tổ chức từng trung đội làm đơn vị. Tuỳ sự quan trọng của địa phương mà tổ chức nhiều hay ít đội, mỗi đội đều trực tiếp liên lạc với BCH Trung đoàn. Đó là về vấn đề các đội chuyên môn. Còn ở các đơn vị tiểu đoàn hay đại đội tuỳ theo sự cần thiết có thể tách ra từ một tiểu đội cho đến một Trung đội (cố nhiên tiểu đội hay trung đội ấy cũng sẽ phải chọn lọc xây dựng như sẽ nói dưới này). Ở các đội du kích tập trung hoặc là toàn đội sẽ hoạt động VTTT theo trong kế hoạch của Trung đoàn hoặc cũng tách một bộ phận như Tiểu đoàn hay đại đội quân đội quốc gia.
Nhưng ở đâu cũng thế, xây dựng một đội VTTT cũng không thể coi thường vấn đề người. Nhiệm vụ VTTT đòi hỏi những người cho xứng đáng với nhiệm vụ ấy là những người : can đảm, trung thành, nhanh nhẹn, tháo vát, táo bạo, có đôi chút căn bản chính trị vững vàng, có ý thức trách nhiệm, tinh thần kỷ luật cao, khoẻ mạnh. Vì VTTT cần độc lập công tác nhiều, mỗi đội viên hầu như một cán bộ, lại gặp nhiều khó khăn nguy hiểm, người kém dễ làm hỏng việc. Tốt nhất là tìm được người địa phương (nhằm địa phương mà đội sẽ tới hoạt động) nhất là những vùng dân tộc miền núi. Nếu không cũng phải gắng tìm những người thông thuộc đường lối địa phương, biết những phong tục của địa phương và vẻ người hợp với địa phương, dễ cải trang, dễ địa phương hoá. Nói đến người của VTTT thì lại phải có cán bộ nữa. Cán bộ ở đây không thể cứ căn cứ vào cấp bậc, vào số người trong đơn vị đi công tác (tiểu hay trung đội) mà đặt cán bộ được. Phải đặt cán bộ tuỳ theo nhiệm vụ. Vả lại ngay những đội viên của VTTT cũng phải hơn các đội viên thường thì lẽ dĩ nhiên cán bộ phải hơn. Từ trước tới nay đã thường thường cán bộ Đại đội phụ trách trung đội, nhưng nhiều khi còn phải hơn thế nữa. Có nhiều khi nhiệm vụ ở một chỗ quá nặng như một chỗ sau địch nhiều kẻ khó thuyết phục, cần một người kinh nghiệm nhiều, chủ trương thật vững đi mới được việc. Một cán bộ cấp đại đội tới không làm được thì phải có một cán bộ trung đoàn hay tiểu đoàn tới, lúc ấy các cán bộ (kể cả cấp Đại đội) chỉ có trong tay một quân số rất ít, vì nhiều khi mỗi cán bộ chỉ đi được với một tổ vài ba người. Cũng có khi phải đi một mình nữa. Nhiệm vụ càng nặng càng cần cán bộ cao đi thực hiện, phải bỏ hết đầu óc cấp bậc và chỉ nghĩ đến việc thực hiện nhiệm vụ cho xong mới được. Cán bộ VTTT phải có những tính tình, năng lực cho hợp với tính chất của công tác. Phải có đôi chút mạo hiểm, nhưng vẫn cẩn thận, phải có sáng kiến luôn luôn biết đối phó nhanh và đúng, nhiều kinh nghiệm về bí mật và dân vận.
Khi có cán bộ và đội viên đầy đủ rồi thì việc huấn luyện là việc bảo đảm thêm cho công tác thành công sau này. Điều cần nhất là phải để cho cán bộ và đội viên hiểu rõ sự quan trọng, tính chất và nội dung của công tác Võ trang tuyên truyền, rồi đến quân sự, chính trị. Quân sự phải làm cho cán bộ đội viên VTTT có một ý thức vững chắc về chiến thuật du kích và những công tác, những nghệ thuật tác chiến cá nhân cần thiết cho công tác trinh sát mạo hiểm. Đồng thời phải làm cho mọi đội viên có năng lực tổ chức và chỉ huy những đơn vị du kích nhỏ.
Về chính trị thì phải đặc biệt để ý những công tác vận động cách mạng, công tác quần chúng. Phải huấn luyện những kinh nghiệm công tác bí mật tỷ mỉ. Cố thu thập tài liệu cho đầy đủ để đào tạo cho cán bộ và đội viên VTTT thành những cán bộ cách mạng hồi bí mật, những bạn thân của dân chúng, sống vào dân chúng luôn luôn khôn khéo tỉnh táo, tháo vát, đối phó nhanh. đồng thời huấn luyện cách thành lập và làm việc của chính quyền cấp xã và cách tổ chức các hội cứu quốc hoặc bí mật hoặc biến tướng.
Sự huấn luyện nên kèm theo việc tập sự thực tế ngay để thấm được những kinh nghiệm sống “tại trận”. Sự huấn luyện lại phải có tính chất liên tục, nghĩa là phải có sự theo dõi để luôn luôn bồi bổ thêm kinh nghiệm mới.
2- Kế hoạch cho công tác VTTT
Xây dựng xong, phải có kế hoạch. Đặt kế hoạch thế nào, căn cứ vào đâu mà có kế hoạch ?
Điều thứ nhất là từng đội một phải hiểu nhiệm vụ chiến lược của khu mình, trung đoàn mình thật rõ ràng, nhặt ra những việc quan trọng nhất, nhận xét sự quan hệ giữa các nhiệm vụ cụ thể.
Thứ hai là nhiệm vụ của đội mình căn cứ vào nhiệm vụ chung và do Trung đoàn trao cho. Muốn tìm cách thực hiện phải biết rõ tình hình địch, chính sách quân sự, âm mưu chính trị và tổng quát về lực lượng của chúng. Phải biết rõ dân chúng, những xu hướng khác nhau, mực tinh thần cao thấp, v.v… của từng nơi. Ví dụ, vùng địch thì phải hiểu biết cách tổ chức cai trị của địch, hệ thống nguỵ quyền, thành phần của chúng và cách hoạt động của chúng, đồn địch đóng thế nào, lực lượng ra sao, hàng ngày hành động những gì? Dân chúng tinh thần thế nào? Sinh hoạt ra sao? Thành phần xu hướng thế nào? v.v…
Ở vùng núi thì hiểu dân tộc, phong tục tập quán, tinh thần, sinh hoạt của dân ấy thế nào, chính sách lợi dụng chia rẽ của địch  thế nào?, v.v…
Thứ ba xét đến năng lực hiện có và khả năng (sức có thể làm được đến đâu) của mình như quân số, trình độ, tinh thần, v.v…
Biết rõ những điểm trên, nếu là cấp Trung đoàn trở lên thì đã đủ điều kiện để biết cần bao nhiêu đội VTTT, bao nhiêu chỗ cần hoạt động, chỗ nào quan trọng chỗ nào không; các đội có năng lực, sở trường khác nhau thế nào, cách phân phối nhiệm vụ và định phương châm hoạt động cho từng đội, từng khu vực được dễ dàng, minh bạch và thích hợp. Định mọi điều cho rõ ràng thứ tự, là có một kế hoạch của Khu hay một Trung đoàn rồi.
Còn về riêng từng đội thì căn cứ vào những điều trên rồi còn phải:
a) Nghiên cứu, kiểm điểm ngay “cẩm nang” của Khu hay Trung đoàn trao cho. Nghĩa là toàn đội phải hiểu mình đi, phải làm những việc gì, địa phương mình sắp đến đây thế nào, mình có những phương tiện gì để thi hành.
Công việc này phải làm thật tỷ mỉ, cẩn thận, cụ thể.
b) Xếp đặt thứ tự những việc mình phải làm, nghiên cứu từng phương châm hành động mà vạch thêm những phương châm xác thực, từ nhỏ đến nhớn mà thi hành dần.
c) Đặt những trường hợp bất trắc và bất thường (bị giặc bắt, bị mất liên lạc, bị khủng bố dữ dội hay khi phải phối hợp công tác với một bộ đội địa phương, một bộ đội bạn, …) phải đặt những phương pháp trước và chuẩn bị điều kiện cho những trường hợp ấy.
Kế hoạch đầy đủ, rõ ràng, cụ thể là công việc đã nắm chắc một phần ba thắng lợi.
3- Lãnh đạo các đội Võ trang tuyên truyền
Việc lãnh đạo là ở các cơ quan có trách nhiệm phái các đội VTTT đi công tác. Các đội trực thuộc với các cơ quan ấy mà lại được phái đi xa. Cho nên muốn lãnh đạo được, việc quan hệ và thường thức nhất là việc liên lạc, phải làm sao liên lạc cho đều, cho vững, càng lúc khó khăn càng cần liên lạc. Có thể mọi việc cần gấp, mọi tình hình ở các đội mới báo cáo về được cơ quan chỉ huy và ở cơ quan chỉ huy đủ điều kiện mà giải quyết mọi việc khó khăn, phê bình những lầm lỡ, giúp đỡ những ý kiến thêm.
Cũng nhờ có liên lạc chặt, báo cáo đều, cơ quan chỉ huy mới ra được chỉ thị. Muốn lãnh đạo được phải theo dõi được và chỉ thị công tác mới, theo dõi bằng báo cáo, bằng kiểm tra.
Chỉ thị bằng khai hội, bằng giấy tờ. Căn cứ vào những nhiệm vụ mới ở thượng cấp đề ra, căn cứ vào tình hình tiến bộ của công tác mà cơ quan chỉ huy ra chỉ thị. Những chỉ thị đó phải mạch lạc, rõ ràng, cụ thể và được cân nhắc cho đúng. Đừng ra chỉ thị cho có tiếng là có lãnh đạo. Có việc mới ra chỉ thị, nhưng muốn có việc để ra chỉ thị, phải theo dõi công tác, quan tâm đến công tác, nếu không cả năm cũng chả có gì chỉ thị. Cũng không phải cứ đợi thượng cấp có vấn đề mới rồi mới “sao lục nguyên văn” mà chỉ thị xuống dưới. Công việc nó linh động biến chuyển hàng ngày rất có nhiều khuyết điểm, rất nhiều chuyện. Ở một địa phương kia, đội Võ trang được phái đi, đến nơi công tác, đội đó chỉ chăm chú tổ chức nội bộ mà hàng mấy tháng không thêm được cơ sở quần chúng. Lập tức có một chỉ thị phê bình và vạch rõ công tác. Ít lâu sau đội đó hoạt động tiến bộ, thế là có lãnh đạo. Ở một nơi khác, các đội VTTT hoạt động ít lâu, gặp các đội du kích địa phương lớn lên cùng hoạt động, lại gặp cả những đại đội độc lập cũng có võ trang tuyên truyền. Mấy nơi không biết cách phối hợp thế nào cho kết quả. Các đội VTTT về hỏi ý kiến cơ quan chỉ huy, cơ quan chỉ huy không trả lời giải quyết, các đội vẫn hoang mang. Như thế là không có lãnh đạo. Nhưng chỉ thị nghị quyết phải được theo dõi, thi hành có thành tích phải được khen, thi hành sai phải phê bình, làm việc có hại phải phạt, có thế công tác mới tiến bộ và cán bộ mới phấn khởi và thận trọng.
Một việc quan hệ nữa trong việc lãnh đạo VTTT là công tác chính trị nội bộ của các đội VTTT. Cứ xem từ trên đến đây, ai cũng thấy công tác VTTT là một hình thức công tác chính trị cao tột bậc của quân đội. Dân vận thì nhằm gây cơ sở tổ chức quần chúng với những hình thức táo bạo, sâu sắc, địch vận cũng thế. Như thế đội không có một lực lượng đoàn kết ở trong thật gương mẫu, những đội viên tư cách không được rèn dũa, trình độ năng lực không được nâng cao thì không thể làm tròn được công tác. Đặc biệt là các đội viên VTTT là phân nhau đi hoạt động lẻ tẻ, ít sự gần nhau mà mật thiết giữ gìn nhau, nâng đỡ nhau về kỷ luật, tinh thần, học hỏi thì công tác chính trị nội bộ lại càng nghiêm trọng. Phải phòng ngừa những việc làm ẩu, những việc phạm kỷ luật, những sự giao động tinh thần, lại phải có một kế hoạch rèn luyện tư cách nâng đỡ tinh thần huấn luyện năng lực cho thật tỷ mỉ và ráo riết. Phải định sự sinh hoạt tuỳ theo hoàn cảnh cho các đội viên được gặp nhau luôn, được rút kinh nghiệm, được tự chỉ trích phê bình luôn. Có như thế mới bảo đảm được các mặt công tác khác.
4- Nhận định rõ những mặt và những thời kỳ công tác của VTTT
Vấn đề này là một vấn đề quan trọng, tôi không có ý nói hết ở đây những chi tiết công tác mà tôi chỉ muốn vạch ra những nét lớn để mọi người nhận rõ việc tiến hành công tác VTTT phải nhìn về không gian và thời gian như thế nào?
Trước hết phải nhận định đối tượng của công tác VTTT (hay những mặt của nó) - Tuỳ theo từng chỗ mà đối tượng có thể thêm bớt khác nhau, song đại khái nhìn chung, ta có thể thấy về phía địch, VTTT phải thuyết phục, vận động quân lính địch, nguỵ binh phải thuyết phục và phá nguỵ quyền địa phương của địch như Hội tề làng và quận huyện – nơi nào có thổ phỉ thì phải thuyết phục và vận động thổ phỉ nữa.
Về phía ta, VTTTT phải vận động dân chúng đi tới tổ chức dân chúng vào những tổ chức Võ trang để đánh giặc, lãnh đạo dân chúng ra tranh đấu để đòi quyền lợi hàng ngày, ngoài ra ở vùng nào có ngoại kiều phải chú ý vận động cả ngoại kiều nữa để lôi họ vào phe kháng chiến với mình (nhất là Hoa kiều). Trong những dân chúng thì có nơi VTTT phải vận động dân miền núi với những tính tình phong tục khác hẳn, có nơi VTTT phải vận động những dân chúng phức tạp, bị tuyên truyền lếu láo ngấm ngầm không ưa chính phủ và nhiều nhất là vận động dân chúng vùng địch tạm chiếm.
Đối với mỗi mặt của công tác, VTTT phải dựa vào chính sách chung của đoàn thể của chính sách mới chủ trương, ví dụ đối với nguỵ binh, phải đặc biệt chú ý thì phải có nhiều kế hoạch công tác để vận động. Đối với Hội tề trước kia chủ trương lôi kéo, nay chủ trương phá hết, công tác VTTT phải chuyển theo hướng đó mà hoạt động. Đối với dân nói chung, phải thi hành đại đoàn kết, vậy phải chủ trương từng nơi, từng việc cho hợp với tinh thần nguyên tắc ấy.
Như thế, muốn tiến hành công tác cho có kết quả, thì VTTT thường cũng phải trải qua những thời kỳ công tác như những công tác vận động cách mạng vậy.
Bất cứ với một địa phương nào, cũng phải điều tra cẩn thận rồi tuyên truyền, rồi tổ chức và sau khi tổ chức đầy đủ thì tiến hành việc huấn luyện quân sự và tiếp tục việc củng cố các tổ chức chính trị cho thật vững chắc. Đồng thời tuỳ nơi có thể lãnh đạo dân chúng ra tranh đấu với mọi ách của địch đặt ra, ví dụ : chống đi phu, chống thuế, v.v… Mỗi khi tranh đấu như thế phải hết sức cẩn thận, cân nhắc lực lượng mình, lực lượng địch, xét định những hình thức tranh đấu thế nào cho phù hợp và đặc biệt chú ý giải thích cho dân chúng cách tranh đấu để họ đầy đủ tinh thần. Đồng thời, phải đặt một kế hoạch chống khủng bố hết sức hiệu nghiệm và chu đáo để tránh bớt những sự thiệt hại nặng nề. Một mặt khác, phải sẵn sàng lợi dụng những thắng lợi để phát triển hết sức ảnh hưởng chính trị ra đặng mở rộng cơ sở.
5- Phải chú ý sức sáng tạo của dân chúng
Trong cuộc chiến tranh nhân dân hay trong bất cứ một cuộc tranh đấu quần chúng nào, tự ở trong dân chúng nảy ra được những sáng kiến, những mưu mẹo rất kỳ lạ ở ta, tại những vùng bị khủng bố cực kỳ dã man như Bình - Trị - Thiên, nam phần Bắc Ninh, Thuỷ Nguyên (Hồng Quảng) rồi đến chung quanh Hà Nội. Dân chúng đối phó rất tài tình từ những việc chạy giặc, giấu của cải, đào hầm bí mật đến việc làm dấu hiệu canh gác Tây đến những mánh lới giữ bí mật cho cán bộ. Lại đến những việc bày mưu giết Tây, trêu tức Tây, trêu tức Việt gian, v.v… Dân chúng có hàng muôn phương nghìn cách.
Có nơi hai vợ chồng thi đua đào hầm bí mật mà người nọ không tìm thấy hầm của người kia, ai bị tìm thấy hầm phải làm lại. Như thế còn Tây nào tìm ra. Nhiều nơi họ đào hầm rồi lại gọi bằng một tiếng khác rất tự nhiên cho nó bí mật.
Có một nơi, ông chủ nhà hai vợ, buổi tối có cán bộ về, Tây sục, ông kéo vợ cả đi nằm với ông và đẩy cán bộ với vợ hai nằm một gường, điềm nhiên lắm. Tây sục, Tây ra, cả nhà lại ngồi nói chuyện như không xảy ra chuyện gì. Anh cán bộ cũng phải ngạc nhiên về cái nhanh trí của “đồng chí” chủ nhà kia. Có nơi giấu lợn vào hầm, có nơi giấu vật nửa kín nửa hở hoặc để lừa giết Tây hoặc để Tây không lấy được tức giận cuống cuồng, trêu chơi. Lại còn bao nhiêu những lớp Bình dân học vụ học thầm, học từng người, những lớp huấn luyện du kích như ma ở các bãi tha ma, v.v…
Cách sinh hoạt nguy hiểm, phải chạy chọt lẩn lút, phải mánh lới khôn ngoan, phải lừa bịp, phải bí mật, dần dần thành quen và hoá ra một cách sống thường, thích ứng luôn cho cả trẻ con và loài vật. Có nhiều đứa trẻ lên 3 lên 4 cũng biết nói những khẩu hiệu bí mật rất nhanh khi Tây đến. Có nơi (Bình - Trị - Thiên) gà vịt, chó lợn thấy Tây đến là vội vàng tự động sơ tán. VTTT phải biết thích ứng với hoàn cảnh mà lại còn phải rút ngay những kinh nghiệm tài tình ấy để huấn luyện lại quần chúng cho kinh nghiệm càng ngày càng thêm phong phú. VTTT phải hàng ngày theo dõi ghi chép những biến đổi về tâm hồn về tinh thần của dân chúng, đồng thời với những sáng tạo nhiều và ly kỳ của dân chúng để đúc lại thành những nguyên tắc, những kinh nghiệm thiết thực cho mọi mặt sinh hoạt và hoạt động của một cuộc nhân dân chiến tranh rộng lớn.
6- Tổng kết kinh nghiệm
Việc tổng kết kinh nghiệm không thể thiếu được, phải tổng kết kinh nghiệm về mỗi một mặt kinh nghiệm công tác. Ví dụ công tác đối với Hội tề, công tác đối với dân miền núi, công tác trừ gian, v.v… Phải tổng kết kinh nghiệm từng thời gian công tác, từng nhiệm vụ của thời gian ấy, như kinh nghiệm của mùa hè, kinh nghiệm mùa đông với những nhiệm vụ gây cơ sở, phá tề, phát triển du kích chiến tranh, v.v…
Khi tổng kết kinh nghiệm không nên thống kê hàng tràng kinh nghiệm lẻ tẻ, tỷ mỉ, cứng nhắc, phải suy xét phối hợp nhiều điều lẻ tẻ giống nhau đặt thành nguyên tắc. Từ các nguyên tắc, rút ra những kinh nghiệm cụ thể linh động, biết xếp các nguyên tắc thành vấn đề, chương mục cho có thứ tự quan hệ với nhau một cách hợp lý. Như vậy kinh nghiệm mới bổ ích và mới tránh nạn kinh nghiệm máy móc.
* * *
Việc tiến hành công tác Võ trang tuyên truyền phức tạp, linh động nhiều hơn nữa. Trên đây chỉ vạch được những nguyên tắc chính. Còn trên đường thực tế, các cán bộ dựa theo nguyên tắc mà tiến hành cho thận trọng rộng rãi hơn thì mới có kết quả nhiều được.
Trong khi tiến hành công tác võ trang tuyên truyền, các cán bộ sẽ thấy nó liên quan rất nhiều đến tổ chức khác (Công an, tình báo, kháng chiến, du kích, v.v…) cho nên cấp chỉ huy và các cán bộ VTTT cũng cần chú ý phối hợp. Phải phối hợp phương tiện (tài liệu về địch tình, tài liệu điều tra dân chúng, tài liệu để tuyên truyền, v.v…), phối hợp kế hoạch (phân công, bổ khuyết, v.v…), phối hợp công tác (liên lạc, trao đổi kinh nghiệm, v.v…). Và càng nói đến việc phối hợp càng thấy các cán bộ phải hiểu vấn đề võ trang tuyên truyền về mọi mặt, hiểu rộng rãi nó ở trong vấn đề chiến lược nói chung. Công tác tiến hành có kết quả được hay không, trước khi nhờ vào kế hoạch tỷ mỉ, hợp lý và những kinh nghiệm phong phú, phải nhờ ở sự hiểu biết rộng rãi và chín chắn của cán bộ phụ trách đã.

Đại đội độc lập và võ trang tuyên truyền
Vấn đề này cũng gây nhiều sự lẫn lộn của nhiều người, chưa được giải quyết dứt khoát. Đại đội độc lập (ĐĐĐL) và VTTT, hai vấn đề sôi nổi trong lúc này, hai việc mà các cấp chỉ huy đang phải tiến hành hết sức gấp rút và kiên quyết. Nhưng trong khi tiến hành đã nảy ra mấy điểm lẫn lộn như sau :
- Hiểu nhầm sự “Võ trang tuyên truyền đi trước, Đại đội độc lập vào sau” cho nên cứ ở đâu cũng cho VTTT đi khua, gây cơ sở rồi từ từ dẫn đại đội độc lập vào. Chỗ nào chưa có VTTT thì chưa đưa ĐĐĐL vào, còn đợi đã,
- Cho là VTTT lưu động, còn ĐĐĐL nằm im ở một chỗ, vì thế VTTT cứ đi hết nơi này sang nơi khác,
- Cho là VTTT đi đâu thì để gây ảnh hưởng chính trị, còn ĐĐĐL là để đánh mà thôi,
- Có chỗ ĐĐĐL hoạt động như VTTT, cùng chỗ với VTTT, rồi đến lúc thấy đụng nhau không biết xử trí ra sao?
Những lẫn lộn này cũng còn có nhiều biến chứng khác và riêng về sự hoạt động ĐĐĐL cũng có nhiều điều cần bổ khuyết – nhưng đã có một tài liệu riêng về đại đội độc lập, ở đây chỉ nói về sự quan hệ giữa ĐĐĐL và VTTT. Muốn rõ sự quan hệ giữa ĐĐĐL và VTTT phải nhận định sơ lược thế này:
ĐĐĐL và VTTT là hai phương châm cốt yếu để thực hiện nhiệm vụ chiến lược của giai đoạn thứ hai, nó là hai hình thức chiến thuật rất sắc bén của Việt Nam. Nó là những phương pháp tổ chức việc phát động nhân dân chiến tranh. Nếu nhiệm vụ VTTT đã như ở trong mục “nhiệm vụ và khả năng” nói trên thì nhiệm vụ của Đại đội độc lập thế này :
- Đại đội độc lập là một bộ phận của quân đội chính quy phân tán vào các địa phương. Từng đại đội có một phạm vi hoạt động nhất định, có một nhiệm vụ nhất định,
- ĐĐĐL phải phát động phong trào du kích chiến tranh mạnh mẽ, làm cho toàn dân hiểu rõ sự quan trọng tột bậc của du kích chiến tranh, biết đánh du kích và tiến tới tự võ trang để tự vệ,
- ĐĐĐL phải nắm vững dân chúng địa phương mình phụ trách, phải thực hiện việc bảo vệ địa phương bằng cách phối hợp với dân chúng địa phương,
- ĐĐĐL phải hiểu biết địa phương, chuẩn bị điều kiện tác chiến trong địa phương, tạo điều kiện thuận tiện cho các binh đoàn tập trung vào địa phương mình, thực hiện việc tiêu diệt các bộ phận lẻ của giặc ở địch hậu,
- ĐĐĐL phải nâng đỡ các bộ đội địa phương trưởng thành, để họ trở nên đủ năng lực làm những nhiệm vụ trên và ĐĐĐL lại trở về tập trung với Quân đội quốc gia, tăng thêm lực lượng vận động chiến.
Xem như trên thì ĐĐĐL cũng có nhiệm vụ phát động du kích chiến tranh đẩy mạnh du kích chiến tranh tới vận động chiến. Nhưng xét kỹ ra thì thấy ĐĐĐL tiến hành công tác nặng về mặt đẩy mạnh vận động chiến mà VTTT thì nặng về mặt đẩy mạnh du kích chiến. Vì rằng :
- Đáng lẽ nêu một cuộc nhân dân chiến tranh phát động từ sức của toàn dân vũ trang nổi lên, toàn dân tranh đấu rồi tự động hợp thành những đội du kích lẻ tẻ xong tiến dần lên những binh đoàn tập trung đánh vận động chiến thì vấn đề ĐĐĐL không cần đặt ra, bởi vì những binh đoàn to lớn đánh vận động sinh trưởng ở những cơ sở du kích rất rộng rãi và vững chắc rồi. Tình trạng Nam Bộ gần như thế. Song nói chung ở nước ta, quân đội chính quy đã có, đã chiến đấu những trận bán trận địa, lại cũng đang đánh vận động chiến. Trong khi ấy cơ sở du kích còn kém, lực lượng võ trang của nhân dân còn yếu mà địch lại giở lối lấn dần. Vậy muốn đi tới vận động chiến thực sự phải phân tán một số quân đội chính quy vào nhân dân để làm động cơ thúc đẩy phong trào du kích chiến tranh rồi sau đó lại trở về đánh vận động. Lúc ấy cơ sở du kích đã vững, các ĐĐĐL đã được rèn luyện về tinh thần, về kỹ thuật vận động chiến sẽ thực hiện được rất mạnh. Thế là ĐĐĐL đã làm xong nhiệm vụ “nặng nề và đẩy mạnh vận động chiến vậy”,
- Nhưng trước âm mưu chính trị, kinh tế của địch ta phải đối phó kịp thời và trước khi các ĐĐĐL hoạt động được thì phải có công tác VTTT để gây cơ sở chính trị và cũng là để sửa đất cho ĐĐĐL vậy. Nhưng VTTT là một công tác để phát động nhân dân chiến tranh về phía toàn diện làm cho nhân dân đánh địch bằng chính trị (đoàn kết, phá nguỵ binh), bằng kinh tế (bao vây, phá hoại) và cần duy trì phong trào nhân dân chiến tranh mãi mãi làm cơ sở cho vận động chiến. Nó lại phải phát triển nhiệm vụ của nó vào tận các trung tâm chính trị, kinh tế của địch (thành phố lớn, hầm mỏ, đồn điền) nơi mà ĐĐĐL không thể vào nắm được. Công tác VTTT nặng về phát động nhân dân chiến tranh (du kích chiến) là như thế. Như vậy VTTT có nặng về phương diện chính trị. “Nặng” thôi chứ không phải nó chuyên môn chính trị mà ĐĐĐL chuyên môn về quân sự.
Đến đây ta đã thấy có thể giải quyết được những điểm lẫn lộn trên kia rồi. Người ta nói VTTT đi trước ĐĐĐL là công tác VTTT đi trước mà thôi. Vì vậy cũng có khi là một đội VTTT chuyên môn đi trước, mà cũng có khi là một bộ phận của ĐĐĐL chịu trách nhiệm về VTTT đi trước mà sửa đất cho toàn đại đội.
VTTT cũng không hẳn là lưu động, nên ĐĐĐL rời bỏ địa phương nào khi hoàn thành nhiệm vụ mình rồi thì VTTT cũng thế thôi. Khi nào ở một địa phương, nó đã gây được rất nhiều cơ sở chính trị, phát động được nhân dân chiến tranh thì nó lại có thể do đó tiến sâu mãi vào sau địch cho tới những trung tâm quan trọng. Nếu ĐĐĐL trở về tập trung để đánh vận động sau khi đã gây dựng được bộ đội địa phương thì khi nào âm mưu chính trị của địch hoàn toàn bị phá tan, âm mưu kinh tế địch hoàn toàn thất bại, phong trào nhân dân chiến tranh tự động, sôi nổi và rộng rãi rồi (kể cả trung tâm an toàn của địch và các vùng lạc hậu) thì VTTT cũng có thể thôi được.
Còn về chỗ VTTT và ĐĐĐL ở chung một địa phương thì chỉ cần dựa vào nhiệm vụ mà tiến hành công tác. Thật ra ĐĐĐL cũng cần phải nhờ vào VTTT nhiều mà VTTT có ĐĐĐL đi kèm thì càng chóng lên được xa hơn. Chỉ cần một sự phối hợp rất chặt chẽ và hợp lý thì công tác chỉ có kết quả là ĐĐĐL mau trở về tập trung được và VTTT mau tiến mạnh hơn.
Nhân tiện đây cũng nói thêm, không cứ ở địa phương nào cũng máy móc phải đủ ba giai đoạn. VTTT và ĐĐĐL và vận động chiến mới tới được chỗ vận động chiến đấu. Có nơi do năng lực đánh vận động của mình giỏi, do tình hình quân địch (hoặc sơ hở hoặc yếu) do tình thế chiến trường gấp rút, mình có thể chỉ cần VTTT hoạt động ráo riết một thời, chuẩn bị chiến trường bằng những cơ sở trú quân và những cơ sở ủng hộ, tiếp tế, thế là có thể vận động đánh luôn được.
VTTT và ĐĐĐL như đã nói ở trên, còn biệt động đội là những đội hoạt động đặc biệt trong những nơi quan trọng (trung tâm kỹ nghệ, trung tâm chính trị, các thành phố lớn). Nó là những đơn vị chiến đấu nhỏ hay to, phân tán và tập trung bất thường, dùng thuật rất cao, đánh rất du kích vào những mạch máu kinh tế và chính trị của địch (phá hoại trừ gian, giết chỉ huy địch, v.v…). Nó có những phương tiện tối tân, hành động phi thường và chuyên môn về chiến đấu.
Vấn đề gây dựng bộ đội địa phương
Đây là một vấn đề rất quan thiết của VTTT và ĐĐĐL. Cuốn sách này trích một bài báo của bạn Hoàng Thế Dũng đã đăng trên V.Q.Q.
“Mấy tháng gần đây, những tin tức về hoạt động của bộ đội ta trong hậu phương địch trội hẳn lên. Công tác gây cơ sở địch hậu đã có những thành tích khả quan ở mặt trận Tây Bắc, Đông Bắc, đường số 5, Hoà Bình, Hà Nội, Tây Nguyên, Khu XV. Những chủ trương chiến lược mới của giai đoạn thứ hai : võ trang tuyên truyền, đại đội độc lập, tiêu diệt cứ điểm, đánh vào hậu phương địch, phát động du kích chiến tranh, thí nghiệm trong mùa hè đã đem lại một kết quả khả quan và càng làm cho chúng ta tin tưởng mãnh liệt vào sự thắng lợi cuối cùng. Đặc biệt sự thành công của Đại đội độc lập và Võ trang tuyên truyền rực rỡ hơn cả.
Tuy nhiên, có một việc cần phải nêu thêm ngay để nhắc chung cả các đội VTTT và ĐĐĐL là việc “gây dựng bộ đội địa phương”. Bộ đội địa phương là những đội du kích tập trung của một huyện hay một Khu. Họ thoát ly khỏi cơ sở, chuyên dùng chiến thuật du kích bảo vệ địa phương, quấy rối quân địch phối hợp với Vệ quốc quân đánh những trận to, nhỏ ở địa phương mình, giúp đỡ cho các cơ sở du kích xã cho ngày thêm cứng rắn, sẵn sàng biến thành quân đội chính quy.
Hiện nay chính các ĐĐĐL của ta đương làm nhiệm vụ của một bộ đội địa phương. Nói một cách khác, ĐĐĐL đương thay thế tạm thời cho bộ đội địa phương. Nhưng có điều là nó không phải là bộ đội địa phương chính thức nên ta thấy ngoài những công việc của bộ đội địa phương, nó còn phải gây dựng nên một đội ngũ cho địa phương để thay thế mình nữa.
Một ĐĐĐL dù hoạt động tích cực thế nào, công tác địch vận thắng lợi đến đâu, dạy dỗ được nhiều dân quân học tập quân sự mà không gây dựng được bộ đội địa phương vẫn chưa làm tròn nhiệm vụ của nó, cho nên việc gây dựng bộ đội địa phương phải là công tác trung tâm các loại ĐĐĐL hoạt động trên các loạt chiến trường, khu tự do cũng như vùng địch tạm chiếm. Thật ra một việc cấp bách và cốt yếu. Bởi vì muốn tiến tới những cuộc vận động chiến những binh đoàn to lớn, ĐĐĐL phải mau trở về tập trung, nghĩa là phải làm sao cho có những bộ đội địa phương cứng rắn thay mình”.
Làm thế nào ?
Thật ra trong tất cả mọi công tác của ĐĐĐL hiện nay như gây dựng cơ sở dân chúng, huấn luyện, tổ chức du kích, v.v… đều là nhằm vào việc cốt yếu nói trên. Nhưng muốn đạt được kết quả mau chóng, chúng tôi nêu vài điểm cốt yếu của công tác để bàn cùng các cấp cán bộ.
1) Điểm quan trọng là phải coi vấn đề “gây dựng bộ đội địa phương” là một vấn đề sinh tử và quyết tâm cho được. Tư tưởng thật vững chãi thì công tác tiến hành mới mạnh bạo và tháo vát.
2) Thường thường, hiện nay có nhiều địa phương như sau :
A- Nơi du kích tập trung còn rút đi (vì giặc đóng hoặc chưa có hoặc giặc còn xa) cơ sở du kích xã bị tan rã hay chưa có,
B- Nơi có du kích tập trung mà có cơ sở du kích xã kém du kích tập trung có xu hướng chính quy hoá,
C- Nơi chỉ có du kích xã (vì địch khủng bố quá hoặc tự động gây thành) mà chưa có du kích tập trung hay du kích tập trung rút đi chưa về.
3) Do sự nhận xét như trên ta thấy cách thức gây dựng bộ đội địa phương ở các nơi phải tiến hành một cách khác nhau. Đối với địa phương A, phải gắng củng cố cơ sở du kích xã, một mặt gây điều kiện và khuyến khích các đội du kích tập trung đã rút đi phải kéo về. Ở địa phương B phải vận động, giải thích để lôi các bộ đội tập trung trở về các xã đã, gây cơ sở du kích xã cho vững chắc rồi mới thành lập những đội tập trung. Bởi vì, du kích tập trung không thể sống được, nếu không có cơ sở du kích xã.
Còn ở địa phương C, thì một mặt phải củng cố cơ sở du kích xã và giải thích đưa các đội du kích tập trung đã kéo đi trở về hay dìu dắt các cơ sở xã cho họ tiến tới những đội tập trung tức là những bộ đội địa phương thực thụ.
4) Do cách trình bày ở trên, ta thấy việc gây dựng bộ đội địa phương, căn bản vẫn là việc chú trọng nâng đỡ gây dựng, củng cố cơ sở du kích xã. Phải đả phá hết sức những xu hướng chính quy hoá của các bộ đội địa phương, phải cân nhắc cho kỹ sức lực của các đơn vị cơ sở để đặt bước tiến cho vững vàng gây lòng yêu địa phương, tinh thần kiên nhẫn sống đằng sau địch, đánh vào gáy địch. Tuy nhiên phải giải thích rõ ràng và giúp đỡ bộ đội địa phương gây mau những đơn vị dự bị để một khi cần họ đi tham gia bộ đội, không thiệt hại đến sự hoạt động địa phương.
5) Vì thế, khi gây dựng xong những cơ sở du kích xã, lại có những đội tập trung thì các ĐĐĐL hay VTTT phải trao việc nâng đỡ các cơ sở du kích xã cho đơn vị tập trung và mình tích cực giúp đỡ các đơn vị tập trung để họ tiến tới độc lập công tác và chiến đấu được. Nghĩa là mình phải đào tạo họ nên những chiến sĩ cứng rắn được rèn luyện về quân sự cũng như chính trị, gây dựng thành một đội ngũ đủ năng lực điều kiện thay thế cho mình, để mau trở về với những binh đoàn tập trung.
Hiện tại hầu hết khắp các vùng địch hậu cơ sở du kích được hồi phục hay được gây dựng đã hoạt động mạnh. Những đội du kích tập trung nổi tiếng Hồng Hà, Nghĩa Quân, những đội ở Kim Thành, Cẩm Giàng đã là tiêu biểu cho sự thành công của phương châm chiến lược mới. Nếu cứ theo đà tiến hiện nay theo nhịp thi đua toàn quốc, các bộ đội nỗ lực công tác thì có thể hè 49, những trận vận động to lớn đã bắt đầu và ta sẽ nêu khẩu hiệu : “Đẩy mạnh giai đoạn thứ hai tiến tới” với những lực lượng hùng hậu rộng lớn.
Công tác gây dựng bộ đội địa phương hiện nay quan trọng vô cùng. Có làm được mới bảo vệ được tính mệnh tài sản cho dân, gây tin tưởng cho dân, có làm được mới đề cao được nhân dân chiến tranh, võ trang cho dân, tổ chức sự đánh giặc cho dân. Có làm được mới đẩy mạnh được vận động chiến vì rút được các ĐĐĐL về tập trung - mới gây được ngay bộ đội sẵn sàng bổ sung cho Quân đội Quốc gia, lập những binh đoàn to lớn mà tiến tới đánh những trận lớn.
Đó là một việc rất gấp trong lúc chuẩn bị tổng phản công này.
Đẩy mạnh công tác võ trang tuyên truyền
Hiệu lực của công tác võ trang tuyên truyền không ai còn chối cãi được. Rất tiếc không đủ tài liệu để thống kê tường tận những thành tích của VTTT trong toàn quốc một cách thông suốt và cặn kẽ. Nhưng đại để ta cũng thấy được rất rõ ràng rằng :
- Ở Nam Bộ chính nhờ ở phương châm công tác VTTT, những phần tử trung kiên của các đội tan rã, những đoàn thể cách mạng đã gây dựng lại được cơ sở ở khắp nơi mà phát động một cuộc du kích chiến tranh rất mạnh như ngày nay,
- Đường số 5 và các thành phố lớn ở đồng bằng Bắc Bộ, Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định sau bao nhiêu lâu, quân ta không hoạt động được, mà hè 48 ta đã hoạt động mạnh hẳn lên là nhờ ở VTTT gây được những cơ sở dân chúng,
- Thành công sớm nhất và rực rỡ nhất là ở Tây Bắc – Sơn La là một vùng quân địch chiếm đóng đã lâu, lại thêm dân chúng lạc hậu, thế mà cũng nhờ VTTT, sau khi quân ta bị dồn ra ít lâu, ta lại tiến vào được gây những cơ sở rất vững chắc, rộng rãi mà lại còn tiến sâu hơn cả. Trước khi quân ta bị đánh lùi xa (tình trạng 1947), nhờ những thành tích của VTTT mà chiến tranh ở Tây Bắc làm cho địch ngừng bước tiến trước hơn cả (ngay từ Thu Đông 47).
- Một sự thành công tốt đẹp không kém của VTTT nữa là ở Mặt trận Đông Bắc. Những nơi địch cho là đại an toàn như vùng Hải Ninh, duyên hải Hồng Quảng, nhờ có VTTT mà quân đội tiến đánh nhiều trận, giải phóng được cho một khoảng rất rộng. Sau chiến dịch Đông Bắc (cuối hè 48) ta thắng lợi, những cơ sở quần chúng tiếp tục phát triển và củng cố rất nhiều,
- Tại Bình - Trị - Thiên, nhờ có công tác VTTT mà một vùng đất hẹp, dân nghèo, lại thêm sự tàn sát của địch vô cùng thảm khốc, sau khi hầu như tan rã hẳn, đã hồi phục dần dần, phát động du kích chiến tranh, đánh địch lui nhiều. Vậy mà cho đến bây giờ, không ai không thấy rõ là phong trào nhân dân chiến tranh ở Bình - Trị - Thiên đương lên rất mạnh, khiến địch phải đối phó nhiều phen chật vật,
Ở cao nguyên Mọi (miền Nam Trung bộ), VTTT cũng vào gây được nhiều cơ sở dân chúng mà địch tưởng lầm đã khuất phục được hẳn từ lâu.
Xem thế, khắp chiến trường toàn quốc, chỗ nào VTTT cũng thắng lợi, VTTT đã biến được hầu hết các vùng địch hậu thành những cơ sở hoạt động của ta, VTTT đã thực hiện được phần nào nhiệm vụ đi sâu vào địch hậu.
Nhưng những thành tích kể trên chưa làm đủ sự đòi hỏi của cuộc chiến tranh đang tiến bộ của ta. Khắp các vùng địch chiếm, vẫn còn những làng phản động, vẫn có những chỗ địch lừa dối được dân, vẫn có chỗ địch tuyển mộ nguỵ binh được dễ dàng, vẫn có những nơi địch nghênh ngang đi tuần tiễu hàng tiểu đội, hàng trung đội và quan hệ nhất là các đô thị lớn ta vẫn chưa có cơ sở ở trong, các vùng hầm mỏ ta chưa phát động được những phong trào tranh đấu, các đường giao thông của địch chưa hoàn toàn tê liệt. Đó là chưa kể rất nhiều khuyết điểm về công tác, về chủ trương của các cán bộ và các đội VTTT. Bây giờ là lúc tất cả đều phải tiến mạnh để hoàn thành những phương châm chiến lược đề ra sau chiến dịch Việt Bắc. Những phương châm đó (trong có VTTT đã được thí nghiệm với rất nhiều kết quả rực rỡ, mà VTTT đã tiêu biểu xứng đáng).
Nay phải đi tới chỗ hoàn thành cho xong sự nghiệp của mình.
Võ trang tuyên truyền còn cần tiến mạnh nữa, tiến nhiều nữa, tiến nhiều lắm và nhiệm vụ của VTTT rất to nặng, những thành tích thí dụ ở trên mới làm được một nửa nhiệm vụ.
Phải tiến mạnh thế nào? Trên báo V.Q.Q thì đã có dịp nói:
“Trong quá trình tiến triển vừa qua, công tác VTTT vẫn mắc nhiều khuyết điểm, như tổ chức thiếu chặt chẽ, thiếu chọn lọc, nhiều xu hướng sai lầm, vẫn còn không có sự phân nhiệm rõ ràng giữa các ĐĐĐL, các đội VTTT chuyên môn và các đội du kích tập trung thiếu sự lãnh đạo thống  nhất và tổng kết kinh nghiệm”.
Những khuyết điểm đó phải kíp sửa chữa ngay.
Ngoài ra, với nhiệm vụ Thu Đông hiện tại, công tác VTTT còn phải nhằm hai điểm lớn:
1) Những vùng địch mới tràn ra, hoặc ở gần địch, không để địch có thể dùng vũ lực bắt dân chúng thành lập nguỵ quyền và được rảnh rang củng cố vị trí. Các đội VTTT phải được thành lập kịp thời cùng với đội du kích tập trung và ĐĐĐL cương quyết giữ vững tinh thần dân và phát động nhân dân chiến tranh, diệt địch, phá nguỵ quyền.
2) Các vùng địch hậu nắm vững công tác rồi, phải tiếp tục củng cố những cơ sở ở quần chúng, phát triển mạnh các hoạt động du kích cũng như công tác địch vận tiến tới thực hiện “bao vây chặt chẽ các đồn lẻ của địch”. Trong các thành phố lớn, gắng lập những cơ sở quần chúng, diệt địch trừ gian, phá nguỵ quyền, phá kinh tế, quân nhu và quân giới địch. Chuẩn bị cơ sở phản công địch hậu.
“Võ trang tuyên truyền là một mặt trận quân địch sợ nhất, chúng cũng định “Võ trang tuyên truyền” trong dân ta, nhưng chúng sẽ thất bại cũng như chúng thất bại trong toàn cuộc chiến tranh, ta phải tìm hết cách phát triển cái ưu thế VTTT của ta lên và ta nhất định thắng”.
Tôi viết thế vào lúc chiến dịch Thu Đông 48 mới bắt đầu, tình hình thế giới đang biến chuyển.
Đến nay tình hình thế giới đã hứa hẹn cho ta rất nhiều thời cơ thuận lợi. Đại tướng đã kêu gọi chuẩn bị tổng phản công, cuộc kháng chiến của ta đến lúc hết sức gay go quyết liệt. Những nhiệm vụ tôi nêu ra trên kia không sai song ta phải áp dụng nó cho phù hợp với sự cần thiết bây giờ.
Chuẩn bị tổng phản công là phải thực hiện vận động chiến to lớn và trưởng thành, nghĩa là phải đi tới rút các ĐĐĐL về tập trung, phải gây dựng những bộ đội địa phương lớn mạnh, phải có nhiều cơ sở du kích rộng rãi nhất là ở những nơi quan trọng về chiến lược (đô thị, hầm mỏ, v.v…), cho nên trong bài “Nhiệm vụ trọng đại năm 1949” tôi cũng có nói thêm :
“Với tình thế mới tuy gấp rút, lực lượng ta tuy tiến bộ, nó (Võ trang tuyên truyền) vẫn không bớt tác dụng mà trái lại còn cần phải đi sâu vào địch hậu nữa. Nó phải hoàn thành những cơ sở phản công địch hậu ở trung tâm các thành phố, nó phải hoàn thành chiến tranh du kích địch hậu, phá hoại kho tàng địch, phá hết nguỵ quyền, lũng đoạn đường giao thông. Nó phải phát động nhiều công tác phi thường hơn, vững chãi hơn”.
Thật vậy, có như thế ta mới phá âm mưu chính trị, kinh tế của địch từ gốc của chúng, ta mới phát động được chiến tranh ngay trong tim quân thù. Chúng sẽ dùng đủ mọi cách dã man, khốn nạn để đối phó lại VTTT. Cho nên công tác VTTT lại càng phải phối hợp chặt chẽ với những biệt động đội, với các cơ quan khác hoạt động, tương trợ nhau mà tiến hành công tác. Đồng thời với những công việc trên, VTTT không thể quên việc đặt kế hoạch huấn luyện, tổ chức, củng cố những vùng tự do ở sau địch để dân chúng tiến mạnh trên đường xây dựng đời mới, củng cố chính quyền.
Nói ngắn lại tình hình càng gấp bậc, VTTT càng phải ráo riết hơn để hoàn thành nhiệm vụ chiến lược của mình. Sửa chữa kịp thời các khuyết điểm công tác, tiến sâu vào địch hậu, vào những vùng quan trọng về chiến lược, đó là hai điểm chính của công tác VTTT hiện nay.
Võ trang tuyên truyền đã có thành tích rực rỡ, VTTT sẽ còn rực rỡ hơn nữa. Nó là một điểm sáng nhất của sự chỉ đạo chiến lược của Quân đội quốc gia Việt Nam. Những anh hùng của VTTT sẽ nỗ lực và xứng đáng với lòng tin cậy của Đại tướng, của toàn thể nhân dân.
Viết xong đêm 14-02-1949
                               Tại B.V.

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập III, Nxb Hội Nhà Văn, 2012)

1 nhận xét:

  1. Nghệ thuật quân sự dưới thời đại Hồ Chí Minh được kế thừa và chắt lọc từ tinh hoa nghệ thuật quân sự của Ông, Cha ta mấy ngàn đời chống giặc ngọai xâm (Giữ nước) và phát triển thành khoa học quân sự được trang bị Chủ nghỉa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng vào thực tiễn chống giặc ngoại xâm Pháp, Mỹ đã đạt được kết quả thắng lợi rực rỡ,

    Nguyễn Võ Quân Quyền

    Trả lờiXóa