Bà Nguyễn Thị Phúc Hằng (tên thật là Hoàng Thị Huynh, tên dùng trong kháng chiến là Điệp) sinh ra vào một ngày tháng Tám năm 1921, tại quê hương: xóm Chùa, làng Liễu Khê, xã Song Liễu, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Bà bắt đầu tham gia cách mạng từ năm 1937 ở quê hương. Lúc đó, là nhóm phụ nữ ở làng Liễu Khê tổ chức Hội Tương tế Ái hữu. Đến cuối năm, bà tham gia Phụ nữ Phản đế và là tổ trưởng phụ nữ Phản đế Liễu Khê. Giữa năm 1938, bà được tổ chức giác ngộ cách mạng. Người giác ngộ bà là nhà báo Nguyễn Thành Diên của báo Le Travail lúc đó về ở hoạt động trong xóm Chùa. Nhiệm vụ lúc đầu của bà là làm giao thông tuyến từ Đào Xuyên đến bãi Trám (Bắc Giang), sau đó là tuyến từ Đào Xuyên về Lạc Đạo (tức chợ Đậu). Năm 1939, do làng quê bị vây ráp, khám xét nhiều, bà được tổ chức cho đi thoát ly. Bà làm liên lạc ở địa bàn Bắc Giang, rồi sau đó được điều về Vạn Phúc (Hà Đông). Lúc đó Vạn Phúc là trụ sở chính của Xứ ủy Bắc kỳ. Bà thường được giao nhiệm vụ liên lạc cho Xứ ủy và ông Hoàng Văn Thụ: vận chuyển thư từ, tài liệu, sách báo từ Hà Đông về Hà Nam, từ chỗ ông Hoàng Văn Thụ đến chỗ ông Trần Tử Bình, đang bị thực dân Pháp quản thúc ở ga Bình Lục.
Tháng 3 năm 1940, tổ chức giao nhiệm vụ cho bà về quán hàng ở trước cửa ga Văn Điển. Đây là quán hàng cơm phục vụ thợ thuyền. Anh Ba chủ quán nhận bà là em gái ở quê ra với lý do ra đây làm ăn vì chuyện tình duyên trắc trở ở nhà nên trốn xuống Văn Điển theo anh sinh sống… để che mắt địch.
Quán cơm Văn Điển là chỗ để cán bộ cách mạng qua lại, bắt liên lạc và nghỉ ngơi. Khi đó các ông Hoàng Văn Thụ, ông Trường Chinh, ông Hoàng Quốc Việt, ông Trần Quốc Hoàn thường qua lại đây.
Tháng 10 năm 1940, giặc khủng bố gắt gao, cơ sở bị lộ, bà được tổ chức đưa đi thoát. Sau đó, bà được phân công làm liên lạc cho báo Giải phóng trên tuyến Hà Đông – Bình Lục. Tháng 11 năm 1940, bà được phân công làm liên lạc cho cơ sở nhà in báo Tiền Phong của Thanh niên Hà Nội ở tầng 2, số 2 Hàng Nón. Tại đây, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 1 năm 1941). Người giới thiệu bà vào Đảng là ông Lưu Quyên, lúc này là cán bộ phụ trách cơ sở và bà Hoàng Ngân (ủy viên Ban thưòng vụ Hội phụ nữ giải phóng Bắc Kỳ).
Một buổi sáng tháng 1 năm 1941, bà tham gia rải truyền đơn trên tàu chở lính khố đỏ Bắc Kỳ vào Nam đàn áp phong trào khởi nghĩa Nam Kỳ để vận động phản đối đàn áp nhân dân. Khi xong việc bà và Nguyễn Xuân Thành ra khỏi ga Hàng Cỏ, mỗi người một hướng. Chẳng may Thành bị mật thám bắt khi đang lấy xe đạp gửi trước cửa ga, bị giam giữ và tra tấn. Sau hai ngày, khoảng 9 giờ tối, Thành không chịu được đòn tra tấn dã man của bọn mật thám Pháp, đã dẫn bọn mật thám về số 2 Hàng Nón khám xét và bắt bà.
Thực dân Pháp đã giam bà trong Nhà tù Hỏa Lò từ đó cho đến tháng 3 năm 1945. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, chính phủ Trần Trọng Kim (thân phát xít Nhật) đã thả bà. Về nhà hơn một tuần thì Xứ ủy có giấy gọi đi ngay “Đảng rất cần, đồng chí phải đi ngay”. Sau đó, tại An toàn khu, dự lớp huấn luyện một tháng do ông Hoàng Quốc Việt tổ chức. Xong lớp huấn luyện, ông Xuân Thủy điều về làm liên lạc cho tòa báo Cứu Quốc, được một tháng thì Trung ương rút về làm công tác đội ở chiến khu II của Trung ương do ông Trường Chinh và ông Lê Đức Thọ phụ trách. Tháng Tám 1945, bà tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở Đông Anh ngày 21 tháng 8 năm 1945. Sau đó, bà được phân công làm Phó chủ tịch Ủy ban hành chính lâm thời và Phó Bí thư Huyện ủy. Cuối năm, bà được tổ chức phân công làm Bí thư Phụ nữ huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên, tham gia Thường vụ Huyện ủy đến giữa 1946, bà là Bí thư Phụ nữ Khu Đống Đa, thường vụ Quận ủy Đống Đa. Sau khi Hà Nội bị quân Pháp chiếm và tháng 3 năm 1947, bà làm công tác đội của Khu 11. Năm 1948, bà về Phụ nữ Trung ương ở Việt Bắc làm công tác quản trị. Tháng 10 năm 1951, bà được giao làm cán bộ Bộ Tài chính, thủ kho kho thóc chợ Chu và quán Vuông (xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Thái Nguyên). Đến tháng 6 năm 1953 bà làm cửa hàng trưởng cửa hàng lương thực Thanh Cù (xã Vũ Yẻn, huyện Thanh Ba, Phú Thọ). Tháng 10 năm 1954, bà làm Phó Chủ nhiệm, Bí thư chi bộ Công ty Bách hóa Phú Thọ. Tháng 11 năm 1955, bà là cửa hàng trưởng cửa hàng lương thực Gia Lâm, Cửa Bắc, Hàng Chiếu. Năm 1957 bà được cử đi học trường cán bộ Thương nghiệp Trung ương. Cuối năm 1958, làm cán bộ tham gia công tác cải tạo tư sản ngành vải Hà Nội. Tháng 6 năm 1959, bà làm Phó chủ nhiệm, Thường vụ Đảng ủy Công ty Ăn uống Hà Nội. Tháng 6 năm 1964, bà là Phó ban Quản lý Nhà ăn tập thể Hà Nội, Bí thư Đảng ủy, Thư ký Công đoàn cơ sở. Tháng 6 năm 1965 làm thư ký Công đoàn cơ sở Công ty ăn uống Hà Nội, Thường vụ Đảng ủy. Tháng 3 năm 1967 là Thư ký Công đoàn ngành ăn uống, Đảng ủy viên Đảng ủy Văn phòng Sở ăn uống, ủy viên BCH Liên hiệp Công đoàn Hà Nội. Tháng 12 năm 1972 bà là Thư ký Công đoàn ngành Thương nghiệp, ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp Công đoàn Hà Nội. Tháng 8 năm 1978, sau hơn 40 năm hoạt động cách mạng, bà được nghỉ hưu.
Bà được tặng thưởng Huân chương Độc Lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất. Đầu năm 2020, bà được trao tặng Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng.
Một con người giản dị, mẫu mực, đáng kính!
Trả lờiXóa