Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2021

Cây gạo Ba Đê


I
Chiều ngày mồng 9 tháng 3 năm 1945, tôi có việc về nhà anh T. cơ sở cách mạng ở làng Ngọc Giang (thuộc huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên lúc bấy giờ). Một căn nhà lá lụp sụp, tối tăm, nép mình trong một vườn chuối rậm rạp, nền nhà ẩm thấp, hơi đất bốc lên hôi và lạnh. Tôi đến giữa lúc anh chị T. và hai cháu đã ngồi quanh mâm cơm. Gọi là mâm cơm, theo cách nói thông thường, thực ra chỉ là cái mẹt nhỏ với ít củ chuối, rau sam và rau má luộc.

Anh chị T. chào đón tôi rất niềm nở. Trên khuôn mặt vàng sạm, hốc hác, răn reo của hai anh chị, đôi mắt và nụ cười vẫn ánh lên một niềm tin tưởng lạc quan và một tình cảm thân thiết. Các cháu yếu quá không thể nhảy đến với tôi được. Chỉ đến khi tôi ngồi xuống gần bên, các cháu mới xích lại gần và ngả đầu vào lòng tôi để tôi vỗ về.
Hai anh chị T. vồn vã mời tôi cùng ăn “cơm”. Thường thường những gia đình cơ sở và cán bộ cách mạng đều có một tình cảm đặc biệt thân thiết với nhau như ruột thịt. Vì vậy tôi chẳng để chèo kéo, vui vẻ ngồi xuống ngay. Tôi vừa ngồi xuống, anh đã xoay cái mẹt cho món rau về phía tôi ngồi. Trong bữa ăn củ chuối, rau vốn là món ăn ưu tiên cho các cháu, nay anh chị dành ưu tiên đãi khách là tôi. Tôi dứt khoát để các cháu ăn, thế là cái mẹt cứ quay đi quay lại. Chị nhìn tôi như van lơn tôi nhận đi. Thấy vậy, tôi gắp rau vào bát cho hai cháu và dỗ các cháu ăn. Anh chị bảo: “Chúng nó ăn rồi đó”. Tôi hiểu thời buổi đó ngọn rau dại cũng chẳng đủ mà ăn, nói gì đến dư dật. Là vài ngọn rau đưa đi đẩy lại là rau tình, rau nghĩa, biểu hiện tấm lòng vì cách mạng của anh chị T., của tầng lớp nông dân nghèo khổ.
Thời kỳ ấy, nhân dân ta đang lâm nạn đói. Củ chuối, rau dại cũng không có đủ mà ăn. Khắp các chợ, ven đường cái lớn, bờ đê, đi đến đâu cũng thấy đồng bào mình lếch thếch kéo nhau đi ăn xin hoặc nằm co quắp đợi chết. Dọc đường, hầu như ngày nào tôi cũng gặp cảnh chết đói thê thảm. Trên đường rẽ về nhà anh chị T., tôi thấy trên bãi cỏ có một cuốn chiếu rách, bên cạnh là chiếc bị thủng và chiếc gậy con vất chỏng chơ. Lật chiếu ra, tôi nhìn thấy một người mẹ ôm một đứa con. Cả hai đều khô đét, chết cứng từ bao giờ!
Ngồi ăn củ chuối với anh chị T. tôi cứ nghẹn ứ cổ vì nhớ lại cảnh tượng dọc đường, vì tình cảnh anh chị T. và các cháu bé. Tôi cảm thấy yêu cầu của cách mạng phải lật đổ bọn thống trị thật là cấp thiết và đang từng giờ từng phút đốt cháy ruột gan tôi.
Các đồng chí hoạt động cách mạng hồi này cũng thiếu thốn nhiều, có khi nhịn đói mấy bữa liền, có khi chỉ vài hạt ngô rang bỏ vào túi, vừa đi công tác vừa ăn dần, uống nước nhiều cho trương bụng. Có hôm, tôi và anh Thiệp có sáng kiến mua một chiếc bánh đa nướng bẻ vụn, ăn rí rách cả ngày và uống nước. Thế là thay cho cả hai bữa cơm. Thật là nhất cử lưỡng tiện. Chúng tôi coi tìm ra nhiều thứ để ăn thay cơm như rau dền luộc, rau má, dây sắn, bã đậu, thân cây đu đủ… Có lần tôi nhờ nhà cơ sở làm cho bánh cám để anh em ăn chữa bệnh phù. Bánh cám cũng là thứ lương thực có chất lượng nhất, lại cất dành được lâu, mang đi dễ dàng. Nhưng có lẽ gia đình ấy cũng biết được ý đồ của chúng tôi nên thỉnh thoảng lại cho kèm một nắm cơm, còn họ thì ăn cám thay.
Mải suy nghĩ, có lúc tôi nhai uể oải. Vợ chồng anh chị T. lại gắp rau mời. Đang ăn, bỗng phía Hà Nội có tiếng súng nổ lớn, một tiếng, hai tiếng, rồi nổ liên hồi, cuối cùng thì nổ rền như sấm. Chúng tôi chạy ra sân đứng nhìn về phía Hà Nội. Anh chị T. cuống quýt hỏi tôi:
- Súng gì đấy anh? Tình hình thế nào đấy?
Lúc đầu tôi cũng không hiểu. Nhưng chợt nhớ lại các nhận định của Trung ương về mâu thuẫn Nhật – Pháp, tôi thầm đoán có lẽ chúng nó đã đánh nhau và nói với anh chị T. như thế. Tuy nhiên tôi vẫn chưa thật tin vào phán đoán của mình. Có thể là đây đó quần chúng tự phát nổi dậy cướp chính quyền đánh lại phát-xít Nhật cũng nên? Có thể là sự việc gì khác mà tôi chưa nghĩ tới.
Phía Hà Nội, súng vẫn nổ dữ dội. Anh chị T. đứng ngồi không yên, chạy ra chạy vào. Mấy cháu bé cũng bỏ cả nắm rau ngước nhìn chúng tôi, chờ đợi, dò hỏi. Tôi suy nghĩ mung lung. Thực chất tình hình là gì? Hành động của chúng tôi phải như thế nào? Lúc này các đồng chí Trung ương lại đi vắng, tôi không biết tìm hỏi ai. Nghĩ vậy, nhưng tôi vẫn nói với anh chị T. bằng một giọng tin tưởng, chắc chắn:
- Đúng Nhật – Pháp đánh nhau đấy. Anh chị ở nhà, tôi đi lên trên kia nghe ngóng xem sao?
Tôi đi, anh chị T. còn dặn với theo, có gì nhớ về cho anh chị biết tin.
Trong đêm đó, trên dọc đường đê ngược lên làng Chài (Võng La), tôi hy vọng đón được nhanh những tin tức từ Hà Nội về, vì làng này có bến Hối, nơi qua lại của nhân dân Chèm và là một trong những mối giao thông giữa Hà Nội với các tỉnh trung du. Nhưng dù nóng ruột mấy tôi cũng vẫn phải chờ đến ngày mai. Sáng hôm sau, tôi lại lên bến Hối để nghe ngóng. Vẫn chỉ thấy nhân dân Hà Nội đang tản cư lũ lượt trên đê. Họ kháo chuyện:
- Nhật đánh Tây, chiếm hết Hà Nội rồi!
- Tây yếu lắm, có chống cự gì đâu. Toàn là súng của Nhật bắn cả đấy!
Tôi gặp một số người, hỏi chuyện và đi tới xác định được Nhật đánh Pháp. Pháp thua phải đầu hàng, binh lính của chúng tan rã cả. Tôi lại vội vàng theo đê trở xuôi về vùng dưới đi tìm anh Thiệp, cũng là cán bộ của đội công tác như tôi và hy vọng sẽ gặp các đồng chí Trung ương để được biết rõ tình hình và chủ trương để kịp thời giải thích cho quần chúng. Tôi tất tưởi đi… Xung quanh tôi vẫn lác đác có người Hà Nội hốt hoảng đi về.
Bỗng một tiếng nói từ dưới cánh đồng vọng lên:
- Đấy, đấy! Một tay nữa! Đẹp ghê! – tiếng “đẹp ghê” kéo dài ra tỏ rõ ý châm biếm.
Tôi giật mình tự hỏi: có phải họ nói mình không? Nhưng để bảo đảm an toàn thì cứ phải cẩn thận kéo nghiêng nón che mặt. Tôi còn để ý kiểm tra lại cách ăn mặc và cử chỉ của mình. Chẳng lẽ họ phát hiện ra mình là cán bộ Việt Minh hay sao? Chẳng lẽ vùng này đang có vụ bắt bớ, lùng sục cán bộ ta? Nếu thật vậy sao dân lại nói giọng châm biếm?…
Tôi đang lo lắng thì có tiếng nói thêm:
- Từ sáng đến giờ khối ra rồi đấy! “Cháy nhà ra mặt chuột”, mọi ngày thì quần áo “nhà binh” coi đến hách dịch; thế mà hôm nay lại phải đội lốt bà con nhà quê mình đấy!
Tôi thở phào nhẹ nhõm. Thì ra họ nói về đám lính khố đỏ tan rã, cải trang chạy trốn. Tôi trấn tĩnh lại và đàng hoàng bỏ nón ra, bước đi một cách tự tin, mạnh dạn và nhìn vào những người đang tản cư bằng cặp mắt dò xét để tỏ ra mình cũng là người đang quan sát bọn lính đào ngũ đây. Thái độ của tôi có hiệu quả nhanh chóng. Một vài tiếng xì xào: “Không phải! Tay này không phải. Cánh kia họ đi từng tốp với nhau kia mà!”.
Tôi mỉm cười, thầm nghĩ: Dân chúng lúc này giá trị thật! Có khi Tây cũng phải mặc quần áo giả dân để tìm đường chạy trốn. Tôi tự giục mình: “Đi tìm các anh mau lên để sớm được biết rõ tình hình. Đế quốc Pháp và bè lũ tay sai đang tan rã, nhất định cách mạng đang ở trong tình hình mới…”.
Nhớ cách đây hai năm, tôi biết trong một nghị quyết của Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã có đoạn nói về “Nhật Pháp xung đột” và phân tích “những mâu thuẫn giữa Nhật và Pháp rất có lợi cho cách mạng Đông Dương”. Quả nhiên đến nay Nhật đã đảo chính Pháp. Tình thế có nhiều thuận lợi cho cách mạng. Nhưng bây giờ nên làm gì, hành động như thế nào, đã nên tổ chức lực lượng, phát động quần chúng khởi nghĩa chưa? Tôi càng mong chóng được biết ý kiến của các đồng chí cấp trên. Một sự mong mỏi vừa tha thiết vừa nôn nóng. Nó không khác gì hồi còn bé mỗi lần gặp phải khó khăn gì tôi lại mong gặp mẹ hoặc chị để được nghe những lời ân cần chỉ bảo.
Mấy hôm sau, tôi được gặp anh Trường Chinh. Mừng quá, suýt nữa tôi reo lên. Tôi im lặng nghe anh phổ biến chỉ thị của Ban thường vụ Trung ương Đảng nói về: “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Nghe anh nói, câu nào cũng giải đáp đúng thắc mắc của mình, tôi sung sướng, thỉnh thoảng lại ngồi xích gần anh thêm một chút. Anh phân tích tỷ mỉ nhưng tôi chỉ nhớ rõ mấy điểm như sau:
- Tình hình như vậy, ta đã khởi nghĩa được chưa? – Anh đặt câu hỏi rồi lại giải đáp luôn: - Trung ương nhận định như thế này: “… Mặc dầu tình hình chính trị khủng hoảng sâu sắc, nhưng điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương hiện nay chưa thực chín muồi… Bọn thống trị Nhật – Pháp có sự chia rẽ đến cực điểm; tuy hàng ngũ bọn Pháp ở Đông Dương hoang mang tan rã đến cực điểm, nhưng xét riêng bọn thống trị Nhật, ta thấy chúng chưa chia rẽ, hoang mang, do dự đến cực điểm,
- Các tầng lớp nhân dân đứng giữa tất nhiên phải qua suốt thời kỳ chán ngán những kết quả tai hại của cuộc đảo chính, lúc ấy mới ngả hẳn về phe cách mạng, mới quyết tâm giúp đỡ đội tiên phong,
- Trừ những nơi có địa hình, địa thế, có bộ đội chiến đấu không kể, nói chung toàn quốc, đội tiên phong còn đang lúng túng ở chỗ sửa soạn khởi nghĩa, chưa sẵn sàng chiến đấu… (Ghi theo nguyên văn chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ngày 12-3-1945: Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta).
Tôi lắng nghe như nuốt từng lời, từng ý.
- Tình thế chưa chín muồi để tổng khởi nghĩa, nhưng tình thế cho phép và nhất định đã đến lúc phải thay đổi phương thức hoạt động để đẩy phong trào lên cho chín muồi. Phương thức hoạt động cũ không thích hợp. Thời kỳ tiền khởi nghĩa phải có phương thức hoạt động mạnh dạn hơn, sôi nổi hơn. Ví dụ: mít-tinh, biểu tình, cảnh cáo, tiễu trừ những tên phản động gian ác, diễn thuyết và treo cờ.
Anh Trường Chinh nhấn mạnh nhiều lần câu: “Phải thay đổi mọi hình thức hoạt động và tranh đấu cho hợp với thời kỳ tiền khởi nghĩa”. Anh nói thêm: “Phải tổ chức, cổ động, tuyên truyền, động viên quần chúng nhân dân mau chóng tiến lên mặt trận cách mạng, tập dượt cho quần chúng mạnh dạn tiến lên tổng khởi nghĩa. Phát động cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa”. Cuối cùng anh phân tích: Khi nào thì tổng khởi nghĩa bùng nổ và thắng lợi…
Những từ “tổng khởi nghĩa… bùng nổ và thắng lợi” cứ quấn quýt lấy tôi từ đấy. Tôi mỉm cười sung sướng, đổi tư thế ngồi và cựa quậy luôn, còn anh Trường Chinh thì lúc nào cũng bình tĩnh và thận trọng. Anh bảo:
- Như vậy, từ nay đội công tác được phép hoạt động với những hình thức cao hơn, chứ không phải tuyệt đối bí mật như trước.
Từ trước, vì cần giữ an toàn cho ATK, chúng tôi không được hoạt động với những hình thức rầm rộ như rải truyền đơn, treo băng cờ và mít-tinh v.v… mà chỉ lần mò gây cơ sở bí mật. Khi nghe anh nói “thay đổi phương thức”, tôi đã ngứa ngáy muốn hỏi. Nay lại được anh chính thức nêu ra, tôi thấy rạo rực phấn khởi và nóng ruột chỉ muốn làm ngay.
Hàng loạt những dự kiến hoạt động mới lần lượt diễn ra trong óc tôi. Nào là mít-tinh ở nơi này, nơi nọ để vận động quần chúng ; nào là cảnh cáo mấy tên địa chủ cường hào phản động trước làm tay sai cho đế quốc Pháp nay lại theo phát-xít Nhật làm hại đồng bào, và có thể phải “xử” một tên tay sai nguy hiểm của Nhật đã gây trở ngại lớn cho phong trào. Những quán chợ Cổ Loa sẽ là những nơi treo cờ, dán biểu ngữ rất tuyệt. Và nhất là cây gạo Ba Đê chỗ ngã ba đường ấy, nơi bấy nay những người hoạt động cách mạng chúng tôi thường hẹn hò gặp gỡ với nhau, nay sẽ là nơi để các biểu ngữ cách mạng hẹn hò với mọi người, với nhân dân những điều trọng đại nhất, thiết thực nhất. Chà, được treo một lá cờ cách mạng trên ngọn cây gạo Ba Đê hiên ngang cao ngất ấy thì còn gì sung sướng cho bằng.
Tôi cảm thấy phải hoạt động như thế mới hết được cái sức của đội công tác, mới đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân, mới làm phong trào bùng lên nhanh chóng. Đã bao lần ở những chỗ đông người, nhân dân ngang nhiên bàn tán về Việt Minh mà chúng tôi cứ phải lờ đi; đã bao lần các tổ chức Cứu quốc yêu cầu mít-tinh, yêu cầu chúng tôi cảnh cáo Việt gian, yêu cầu chúng tôi họp quần chúng cảm tình, nói chuyện… Phen này thì… phải làm hết, làm đầy đủ những yêu cầu đó.
Có lẽ anh Trường Chinh đoán được ý nghĩ của tôi, anh căn dặn với thái độ ân cần mà vẫn nghiêm nghị:
- Phát-xít Nhật và cộng sản cũng không đội trời chung, nên dù hoạt động bằng phương thức nào cũng cần phải thận trọng, cảnh giác.
II
Đội công tác gồm những đồng chí được lựa chọn về hoạt động ở ATK, nơi cơ quan Trung ương làm việc. Những đồng chí ở đội công tác vừa đã trải qua thử thách, vừa có khả năng công tác quần chúng, vừa làm được mọi công tác sự vụ giúp việc cho Trung ương, bảo đảm bí mật và an toàn cho cơ quan đầu não. Nhiệm vụ đội công tác là phải tổ chức gây cơ sở quần chúng, giác ngộ quần chúng để quần chúng giúp đỡ, che giấu cho cán bộ từ các nơi về Trung ương làm việc, tránh không để địch phát hiện, lùng sục.
Từ khi được nghe anh Trường Chinh phân tích tình hình, giao nhiệm vụ, các đồng chí trong đội công tác đều phấn khởi. Ngoài nhiệm vụ như cũ, đội công tác còn làm mọi việc chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, chúng tôi nhất trí tổ chức ngay một cuộc mít-tinh lớn để tuyên truyền rộng rãi đường lối, chính sách của Đảng, tập dượt đấu tranh cho quần chúng, đưa khí thế chiến đấu của quần chúng tiến lên kịp với tình thế cách mạng.
Chúng tôi tỏa về các cơ sở khai hội với các hội cứu quốc, giao nhiệm vụ tuyên truyền vận động đi mít-tinh trong các tầng lớp quần chúng cảm tình với cách mạng, với Việt Minh, vận động cả những người đã có nghe tiếng Việt Minh nhưng lừng khừng không phản đối, cả những người muốn theo Việt Minh nhưng còn rụt rè, do dự và cả những người tò mò muốn đi xem lực lượng Việt Minh ra sao.
Đây là một dịp rất tốt để nhân dân trực tiếp thấy được Việt Minh, nghe được tiếng nói của Việt Minh và cũng chính là lúc nhân dân tự thấy được sức mạnh của mình. Do đó mà thấy ra sức mạnh của cách mạng. Chúng tôi đặt nhiều hy vọng vào dịp này lắm.
Được tin có mít-tinh, quần chúng phấn khởi và nóng lòng mong muốn được đi lắm. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải giữ bí mật không cho bọn chính quyền tay sai của phát-xít Nhật biết, đề phòng chúng đàn áp khủng bố.
Một buổi tối cuối xuân, trời lạnh, không trăng sao, mây đen dày dặc. Tiếng dế ri rỉ đơn điệu; ếch nhái, ễnh ương kêu oàm oạp. Mọi vật như chìm đắm trong đêm. Thỉnh thoảng đằng đông lại có một tia chớp giật sáng lòe, loằng ngoằng như báo tin sắp có giông tố. Tại một bãi tha ma đầu làng Xuân Trạch, sau làng Dâu, mấy thanh niên tự vệ và tôi trồng một cây tre cao vút làm cột cờ. Trồng xong, tôi hướng về các ngả đường quay tít chiếc đèn pin bọc giấy xanh làm tín hiệu cho mọi người biết mà đi tới. Những người đi dự mít-tinh đều dùng mật khẩu, hỏi:
- Ai, đi đâu?
Đáp:
- Tôi đi lấy thuốc cho cháu.
- Cháu làm sao?
- Cháu đau bụng.
Hôm ấy, có một chị đang đi, bỗng có tiếng hỏi dõng dạc:
- Ai, đi đâu?
- Tôi đi lấy thuốc cho cháu.
Để tăng thêm vẻ hách dịch, người hỏi quát to hơn:
- Lấy thuốc gì mà đi khuya thế này?
Người phụ nữ lập tức quát trả lại:
- Anh là tuần làng nào, hả?
Anh tuần đinh đột nhiên luống cuống, xun xoe:
- Cháu, cháu tuần làng Dâu ạ.
Ngay sau đó, bốn năm người vừa cụ già, vừa thanh niên, ập đến vây quanh anh tuần. Anh ta sợ hãi, run bần bật. Có lẽ anh ta không kịp đoán đó là lý hào hay Việt Minh gì cả. Như cái máy, anh tuần dựa cái gậy vào vai, đứng lom khom, hai tay chắp lại, nói lắp bắp:
- Xin, xin các cụ, các ông, cháu chót dại…
Có tiếng nói như ra lệnh:
- Dẫn anh này về địa điểm. Đi!
Anh tuần van lạy:
- Xin, xin các cụ, các ông tha cho…
Người phụ nữ bị anh tuần quát lúc đầu, bây giờ mới dịu dàng, nhưng chững chạc:
- Thôi, đi theo chúng tôi, mau lên! Không việc gì mà sợ!
Anh tuần lẩy bẩy đi về phía ánh sáng xanh. Anh run đến nỗi hai hàm răng va vào nhau lập cập. Tới bãi tha ma, anh tuần đinh giật mình đứng sững lại. Trước mặt anh ta, có tới dăm trăm con người đứng quây thành vòng tròn xung quanh mô đất lớn. Chính giữa có một cột cờ cao vút, lá cờ đỏ sao vàng bay phất phới lung linh trong ánh sáng của các bó đuốc lớn. Hai thanh niên tự vệ quần nâu áo nâu, nai nịt gọn gàng, vác hai khẩu súng trường đứng nghiêm trang. Anh tuần đinh ngồi ủ rũ dưới chân mô đất, mặt cúi gằm, thỉnh thoảng ngước lên nhìn trộm mọi người, lộ vẻ lo sợ và bỡ ngỡ, hoang mang. Trong số đồng bào đi dự mít-tinh thỉnh thoảng vọng ra tiếng nói ríu rít của các em thiếu niên, tiếng cười khúc khích của các cô gái và giọng khàn khàn của các cụ già. Nhưng số đông hơn cả là thanh niên. Người nào cũng mang giáo, mác, đinh ba… giơ lên trời tua tủa. Chúng tôi phân công anh em thanh niên canh gác các ngả đường hết sức cẩn mật. Nhưng đến khi chúng tôi bắt đầu nói chuyện, họ đều kéo về nghe, quên cả nhiệm vụ.
Anh Thiệp đứng lên mô đất, nói giọng tha thiết:
- “Hỡi đồng bào yêu nước!”. Mọi người im phăng phắc gần như nín thở. Anh rất xúc động, nhắc lại từng lời một đoạn văn của anh Trường Chinh: “Quê hương ta xơ xác, đất nước ta điêu tàn…”. Đang mít-tinh thì trời đổ mưa như trút nước. Hàng trăm con người đứng sát vào nhau thành một khối trơ trơ trước cơn bão nước. Sấm sét vang trời, đất trời như đang cơn trở dạ. Tiếp theo anh Thiệp là tôi, tôi phải hét lên át mưa, át tiếng sấm chớp. Mai kia chúng ta bước vào cuộc chiến đấu quyết liệt. Chúng ta càng phải xiết chặt hàng ngũ vượt qua làn mưa đạn… Cuối cùng, tôi hô hào bà con không nộp thóc cho phát-xít Nhật, không trồng đay cho phát-xít Nhật. Lợi dụng trời vẫn mưa nặng hạt, tôi rút súng lục bắn lên trời một phát để động viên khí thế và cũng để thị uy, áp đảo bọn tay sai, nếu chúng lén tới rình mò.
Tiếng súng nổ rất giòn, tinh thần quần chúng càng bốc cao. Mưa to gió lớn lúc này cũng trở thành vô nghĩa. Anh em thanh niên hát vang “Cờ Việt Minh phấp phới bay cao!…”.
Sáng hôm sau, khắp vùng Đông Anh, dân làng bàn tán: “Hôm qua Việt Minh về ở cánh đồng làng Xuân Trạch đông lắm, đến bảy tám nghìn người. Họ thổi cơm ăn, hát bài cách mạng, rồi bắn súng lệnh, kéo quân biến đi đâu mất ngay trong đêm”. Bên làng Dâu, thỉnh thoảng có người đến hỏi thăm anh tuần đinh bị Việt Minh giữ ở cánh đồng đêm ấy. Anh tuần kể lại ghê gớm hơn lời đồn đại nhiều. Một viên lý trưởng tỏ vẻ thức thời, giọng xu nịnh:
- Giỏi lắm! Việt Minh người ta giỏi! – Lão vừa nói vừa nháy mắt - Ấy! Nhưng phải kín mồm, kín miệng không thì chết cả lũ bây giờ!
Sau cuộc mít-tinh, phong trào được đẩy lên rất mau. Trước đây đi “bắt rễ xâu chuỗi” có khi hàng mấy tháng trời, hàng năm mới tuyên truyền, tổ chức được một vài người. Các cuộc họp quần chúng để nói chuyện tình hình, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, đông lắm cũng chỉ được mươi, mười lăm người, mà phải hết sức bí mật. Nay hàng trăm người nghe nói chuyện một lúc, gây ấn tượng sâu sắc với cách mạng. Quần chúng nông dân một khi thấy lực lượng cách mạng không còn là các tổ chức lẻ tẻ năm ba người mà là hàng trăm hàng ngàn người đoàn kết lại để đấu tranh. Cả giai cấp, cả dân tộc đâu đâu cũng như thế thì họ tin cách mạng rất mạnh, nhất định sẽ đánh đuổi được phát-xít Nhật.
Hồi này, nhân lúc bọn Nhật chưa ổn định được bộ máy thống trị của chúng, ở các cơ sở nhiều nơi đã nổi lên phong trào phá kho thóc. Có nơi do chi bộ địa phương chủ trương và lãnh đạo, nhưng cũng có nơi quần chúng tự phát. Việc phá kho thóc vừa giải quyết được ngay một yêu cầu cấp thiết là cứu đói, vừa là thúc đẩy sự tan rã của chính quyền tay sai và càng nêu cao thanh thế của Việt Minh.
Ở vùng chúng tôi phụ trách cũng vậy. Một hôm, khoảng gần chiều, đột nhiên có tiếng trống ngũ liên thúc ầm ầm. Rồi tiếng gọi nhau í ới:
- Bà con ơi! Ra đình mà lấy thóc!
- Việt Minh về phá kho thóc của Nhật chia cho dân nghèo.
Đang cơn đói khổ, được tin chia thóc, người nào cũng sướng như được “trời cho của”, xách thúng, xách bị, quẩy quang gánh chạy lao ra đình. Phút chốc cửa kho bị phá tung, nhân dân lần lượt vào xúc thóc theo sự chỉ định của một anh đứng bên ngoài kho. Trong kho còn có một ông mặc áo the, đội khăn xếp, luôn miệng nói: “Chống sưu cao thuế nặng. Phải lật đổ bọn thống trị…”. Mọi người nhìn kỹ ra đó là người cùng làng. Chính là một cán bộ địa phương của ta. Dân làng kể lại rằng: Ông mặc áo the ấy đã điềm nhiên đi vào đình nổi trống ngũ liên, hô hào phá kho thóc. Ở ngoài, những thanh niên nông dân khác – đã được tổ chức đi theo đồng chí đó – liền hò la hưởng ứng. Bọn hào lý tưởng là Việt Minh ở đâu về, lực lượng lớn, chúng vội lẩn tránh thật kỹ không dám lộ mặt. Và sau đấy, chúng vẫn cứ tưởng hôm ấy Việt Minh từ nơi xa về làm chuyện đó thật.
Nhưng dần dần phát-xít Nhật ổn định được bọn chính quyền tay sai. Chúng lại tiếp tục đàn áp, chống phá phong trào cách mạng. Hồi này, cơ quan in báo “Cờ giải phóng” của Đảng đặt ở làng Vân Nội (huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội). Một hôm do có mâu thuẫn giữa bọn cường hào với nhau về một việc gì đó, chúng đi lùng sục nhau, một tên đã đâm bổ ngay vào cơ quan in của ta. Đồng chí Tuấn đang làm việc, tưởng là chúng đến bắt, bèn nổ súng tự vệ. Thế là tình hình trở nên náo động! Bọn hương lý tay sai dẫn lính Nhật về bao vây canh gác kín làng. Việc này cũng đã khiến cho anh Trường Chinh và những đồng chí trong đội công tác như anh Cư, chị Sáu cũng phải một phen vất vả. Anh Cư đi xe đạp giả làm ông giáo về làng để xem xét tình hình đã bị bọn Nhật đuổi bắt. Đến một đoạn đường, anh phải vất xe đạp, giẫm gãy nan hoa để chúng khỏi lấy xe đuổi theo, rồi chạy tắt xuống cánh đồng ngô. Lần khác, chập choạng tối, anh mặc giả đàn bà về gần được đến nơi nhưng nếu không nhanh mắt, nhanh chân thì chỉ một chút nữa bị sa lưới. Về sau nhờ sự tận tình giúp đỡ của một số anh chị em trong các hội cứu quốc ở làng bên mượn cớ vào làng Vân Nội mua thóc mới chuyển được hết tài liệu của cơ quan in báo.
Nhắc đến chuyện này tôi không thể quên được một chuyện “đòn vạ” mà chính tôi phải hứng lấy.
Cũng buổi tối hôm chuyển tài liệu ấy, tôi đeo khẩu súng lục cối xay “Xanh-tê-chiên” đi theo anh chị em để chỉ huy và bảo vệ. Trước đây tôi hay đội nón chóp giả làm hương lý để che mắt tuần đinh mỗi khi qua các điếm canh. Nếu gặp tay nào ra hỏi, tôi thường lấy giọng “bề trên” hoạnh họe, nên mọi việc đều trôi chảy cả. Đêm ấy, cũng đi qua một điếm canh, nghe thấy tiếng người nói rì rầm, tôi vẫn cứ ung dung bước. Bỗng có tiếng hỏi:
- Ai? Đi đâu?
Ra vẻ hương lý, tôi e hèm thật to, không thèm trả lời. Có tiếng hỏi theo. Tôi có “bốc” cái máu “kẻ cả” lên, quát to:
- Tuần làng nào đấy? Lão đây!
Cánh tuần đinh chửi luôn:
- A! Tổ cha thằng nào gớm thật! Cứ đánh bỏ mẹ nó đi xem nó là lão gì nào?
Tôi hơi chột dạ và hối hận vì mình đã lỡ lời. Nhưng không lui được nữa, đồng thời cũng ỷ lại vào khẩu súng giắt trong người, tôi quát to hơn:
- Đừng có láo! Chúng bay không biết lão à?
Thế là tôi bị luôn hai ba cái gậy phang vào người:
- Này láo này! Này láo này!
- Mày không biết bố con ông ở đây à?
Tôi thấy nguy quá và cân nhắc mãi, thấy phải dùng đến súng dọa để tự giải thoát mới được.
Tôi vội rút súng giơ lên trời bắn. Tôi không định bắn họ, mà chỉ để thị uy rồi tuyên truyền thuyết phục họ. Nhưng khốn nỗi, súng không nổ. Bóp hai ba phát liền chỉ nghe tiếng lạch cạch. Trong đêm tối, tôi sờ cái “cối xay” thấy đủ đạn lại tiếp tục bắn. Nhưng súng vẫn tịt. Tôi vội giắt súng vào bụng, nghĩ cách đối phó khác. Có thể cánh tuần đinh này tự ái với câu nói ngang của tôi, cũng có thể là để tỏ vẻ ta đây canh phòng cẩn mật để cho bọn hương lý biết, cũng có thể mượn lúc tối nhá nhem, lợi dụng “chức trách” để choảng bọn hương lý tay sai một trận. Nếu là trường hợp sau cùng thì có bị đòn đau tôi cũng khoái. Nhưng dù sao tôi cũng phải đấu dịu:
- Anh em đấy à? Thế mà tôi không hay! Canh phòng cẩn mật thế tốt lắm!
Cánh tuần đinh được nước, chửi thêm:
- Tổ bố mày, mày lại láo với chúng ông à? Chúng ông thì gô cổ mày lại…
May sao tốp đi “đong thóc” vừa tới sau tôi. Biết chuyện, mấy chị xô đến vừa cười cợt, vừa khẩn khoản:
- Thôi làm gì mà bắt bớ nhau thế này, trời tối người ta đi qua không nhìn thấy gì, nhỡ mồm một tý, đánh thế chưa đủ à?
- Gớm! Ông Trương ơi, ông làm gì mà bắt người làng tôi đấy! Lại cái anh Hai phải gió này – Một chị dúi tay khẽ vào người tôi – Đã đi qua cửa các ông lại còn ăn nói bậy bạ, trêu gan các ông ấy làm gì.
Thế là hôm ấy các quần chúng tốt của Đảng đã gỡ lối thoát cho tôi. Sau đó tôi phải uống nước cua sống và bóp lá bưởi nóng mấy ngày liền mới đỡ đau. Ấy thế nhưng vẫn còn là may, vì tôi nghĩ lại, nếu lúc ấy súng mà nổ thì còn lôi thôi to. Việc này tôi còn giấu anh Trường Chinh đến bây giờ. Có lẽ anh đọc mấy dòng này mới biết rằng lúc nguy hiểm đó lại còn có cái chuyện dại dột quá chừng ấy của tôi.
Ảnh : Năm 1960, cùng ông Lê Đình Thiệp ở gốc gạo Ba Đê, nhớ lại những ngày tháng Tám 1945.
 III
Hồi ấy Cổ Loa không những là nơi có một số cơ quan Trung ương đóng mà còn là cửa ngõ từ ATK đi chiến khu, nên thường xuyên có cán bộ qua lại. Nhưng cũng ở đây, chúng tôi gặp một trở ngại không nhỏ : tên lý Khanh đứng ra tổ chức thanh niên thân Nhật, thường dẫn Nhật về địa phương đe dọa, uy hiếp, khủng bố những người có quan hệ cách mạng. Đã có lần hắn tổ chức bắt hụt anh Nguyễn Lương Bằng, anh Văn Tiến Dũng và một số anh khác.
Chúng tôi đã nhiều lần viết thư khuyên răn và cảnh cáo hắn. Nhưng hắn cứ “chứng nào tật ấy”, càng ngày càng hung hăng. Để mãi vậy thì thật nguy hiểm không những cho phong trào cách mạng địa phương giữa lúc đang lên, mà còn ảnh hưởng đến các vùng lân cận, tới sự chỉ đạo trước mắt, thậm chí còn ảnh hưởng tới cả công cuộc chuẩn bị tổng khởi nghĩa sắp tới. Chúng tôi tổ chức một số thanh niên cứu quốc của ta lẩn vào hoạt động trong bọn thanh niên thân Nhật do tên lý trưởng kia phụ trách. Số thanh niên của ta có nhiệm vụ làm nòng cốt lãnh đạo và tuyên truyền cách mạng trong đám. Thế là tổ chức thanh niên thân Nhật bề ngoài có vẻ hoạt động sôi nổi, nhưng thực chất bên trong lại là lực lượng thanh niên chiến đấu của ta, sẵn sàng hoạt động theo chỉ thị của Việt Minh.
Lý Khanh không hay biết gì nên vẫn chống phá cách mạng ngày càng trắng trợn hơn. Hắn lùng bắt thanh niên đi lính cho Nhật. Có thanh niên bị hắn bắt nhốt lại trong nhà. Các đồng chí ở địa phương phải vận động quần chúng kéo đến nhà hắn đấu tranh, nhưng hắn không nghe. Có một thanh niên cùng làng bị hắn nghi là Việt Minh và lùng bắt rất ráo riết. Ngày ngày lý Khanh đi từng nhà đốc thúc thu thầu dầu và thóc cho giặc Nhật và đòi dân đút lót. Quần chúng rất uất ức. Các đoàn thể cứu quốc ở đây đã nhiều lần đề nghị cho “xử” tên lý Khanh. Chúng tôi báo cáo và xin ý kiến của Trung ương. Trung ương cân nhắc rất kỹ, cho kiểm tra chu đáo rồi mới đồng ý cho chúng tôi xử hắn. Chúng tôi phân công anh Thiệp bố trí thanh niên cứu quốc cải trang canh gác các ngả đường, sẵn sàng ngăn chặn bọn Nhật ở nơi khác về ứng cứu. Anh Hoàng Tùng và anh Cư làm nhiệm vụ trực tiếp trừng trị tên Khanh. Trước khi vào việc, chúng tôi bàn nhau phải thử súng. Hồi đó, trình độ hiểu biết của chúng tôi về vũ khí còn rất kém cỏi. Chúng tôi cứ tưởng rằng chĩa súng bắn xuống nước thì tiếng đạn nổ sẽ nhỏ, nên anh Hoàng Tùng ngồi trên cầu ao chĩa súng xuống bắn một phát. Tất nhiên tiếng nổ vẫn cứ to như thường. Chúng tôi lo quá! Nhưng cũng may là cái ao đó ở nơi vắng vẻ, nên không xảy ra chuyện gì đáng tiếc.
Hôm sau là phiên chợ Cổ Loa. Giữa lúc mọi người đi lại mua bán rất đông, tên lý Khanh tụ tập thanh niên thân làm lễ tế cờ ba gạch – cờ của chính quyền tay sai phát-xít Nhật ngày đó. Một số thanh niên cứu quốc của ta, anh Hoàng Tùng và anh Cư đến đó trước. Tên lý Khanh vừa tới, lập tức hai thanh niên khỏe mạnh “khóa” luôn hai tay hắn lại. Anh Hoàng Tùng và anh Cư chĩa luôn nòng hai khẩu súng lục vào ngực hắn. Tên lý Khanh bàng hoàng, ngơ ngác, mặt cắt không còn hột máu, miệng ú ớ, chưa kịp kêu thì tiếng súng lục đã nổ giòn, kết liễu cuộc đời buôn dân bán nước của hắn. Các thanh niên của ta chạy tóe ra hô hoán:
- Việt Minh “xử” lý Khanh rồi!
- Đội danh dự ở Hà Nội về xử Việt gian!
Thấy súng nổ, tiếng người hò la vang khắp nơi. Đồng bào đi chợ chạy ngược chạy xuôi nhốn nháo. Chúng tôi trà trộn ngay vào đồng bào, trở về cơ sở. Tin đồn “Đội danh dự Hà Nội về xử tử việt gian” loang đi rất nhanh. Ai nấy đều cảm thấy nhẹ nhõm, phấn khởi. Họ bàn tán công khai và tỏ vẻ tự hào, thích thú như chính tay mình vừa được trực tiếp trừ khử tên chó săn ấy. Sở dĩ chúng tôi tung tin “đội danh dự Hà Nội về…” là để làm lạc hướng theo dõi của bọn mật thám tay sai Nhật, bảo đảm cho Cổ Loa và an toàn khu khỏi bị khủng bố.
Trấn áp được bọn phản cách mạng, phong trào quần chúng ngày càng phát triển hơn. Những tên phản động khác rút vào hoạt động ngấm ngầm, hoặc cũng phải dè chừng đôi chút. Để tiếp tục tấn công kẻ thù, đội công tác thấy cần phải cảnh cáo tên lý trưởng làng Xuân Trạch. Hắn cũng chống đối cách mạng, nhưng ở mức độ thấp hơn tên lý Khanh. Phải đe dọa, và tiến tới thuyết phục hắn. Tuy không hy vọng hắn theo ta, nhưng ít nhất cũng làm cho hắn phải làm ngơ trước những hoạt động của ta.
Sau khi chuẩn bị kế hoạch chu đáo, anh Thiệp và tôi nhận nhiệm vụ đến gặp hắn. Chúng tôi mượn được hai chiếc xe đạp “cọc cạch”, phụ tùng, săm lốp mọi cái đều đã rão, rách vá lung tung. Ngồi trên xe mà cứ thấy rung rung như đi qua cầu treo. Tôi nghĩ, lúc rút lui mà cả hai xe đều bẹp lốp, phải dắt lếch thếch thì gay go. Ấy thế nhưng hồi đó có xe đạp để đi là ghê lắm rồi! Ai mà đuổi kịp?
Đến Xuân Trạch, sau khi bố trí cho các thanh niên địa phương Ng., Th., V., N. canh gác xong, anh Thiệp cùng tôi đến nhà tên lý trưởng. Gặp một người đứng ở cổng, tôi nói:
- Tôi muốn gặp ông lý.
Dáng chừng thấy chúng tôi bận quần trắng, áo the, đội nón chóp ra vẻ chức dịch, người kia dẫn hai chúng tôi vào ngay, không hỏi vặn vẹo gì.
Tên lý trưởng đang nằm hút thuốc phiện, thấy chúng tôi hắn gật đầu, rồi lên tiếng gọi người hầu pha nước tiếp khách. Chúng tôi ngồi đàng hoàng trên ghế tràng kỷ, im lặng nhìn chằm chằm vào mặt hắn để dò xét thái độ và đánh đòn tâm lý. Sau khi người nhà hắn đã đi ra cả, anh Thiệp nói:
- Chúng tôi là cán bộ của Việt Minh đến nói chuyện với ông.
Sắc mặt hắn hơi biến đổi, nhưng hắn vẫn tỏ vẻ cứng cỏi:
- Vâng, có gì ông cứ nói.
Anh Thiệp bảo luôn cho hắn biết là phát-xít Nhật rồi cũng chung số phận như đế quốc Pháp trước đây và khuyên hắn không được làm tay sai cho Nhật, không được chống phá phong trào cách mạng.
Hắn ngồi xoay người lại, mặt câng câng:
- Các ông dạy thế thì biết thế, chứ tôi cứ ăn ở phải phép thì thôi chứ…
Tôi trừng mắt, bẳn giọng:
- Phải phép là phải phép với ai? Nếu ông ăn ở phải phép với phát-xít Nhật… - Tôi nhô người ra, chau mày: - …thì ông noi gương lý trưởng làng Cổ Loa đấy. Chúng tôi không dọa suông đâu và có đủ điều kiện để thực hiện.
Tên lý trưởng mặt tái xanh hơn, ngồi quay đi, giọng lửng lơ:
- Vâng ! Việc đó thì…
Tôi vòng tay ra bên sườn rút súng lục ra, đặt trước mặt hắn, tay vẫn giữ báng súng, hỏi vặn:
- Thì sao?
Tôi im lặng và có cảm giác như nét mặt của tôi rất nghiêm khắc, cứng rắn. Tên lý trưởng cũng im lặng nhưng mặt hắn tái dần, rồi lờ đờ như kẻ mất hồn. Không khí căng thẳng, nặng nề. Anh Thiệp nói thêm:
- Chúng tôi đến đây còn muốn để ông suy nghĩ. Chúng tôi không thích đổ máu. Thế nhưng khi đã cần… - anh hất hàm – thì ông biết đấy, chúng tôi không do dự.
Mỗi lúc, lời nói của chúng tôi càng có hiệu lực mạnh mẽ. Tay tên lý trưởng đang cầm chén nước run lên bần bật không đưa nổi lên miệng. Mặt hắn xám ngoét, rồi gần như trắng bệch. Hắn khúm núm, lắp bắp:
- Dạ!… Vâng ạ! Các ông dạy sao con xin làm vậy.
Tôi hạ giọng, bảo hắn:
- Tình thế ngày càng rõ ràng, vận nước sắp đến! Lúc này đã là người Việt Nam thì phải hiệp lực nhau lại đánh đuổi phát-xít Nhật, giải phóng giống nòi. Nếu kẻ nào không chịu cải tà quy chính, tiếp tục làm tay sai cho quân cướp nước thì nhất định sẽ bị nhân dân trừng trị.
Tên lý trưởng cúi đầu im lặng. Người hắn run run.
Trở ra, chúng tôi dắt xe đạp đi rất đàng hoàng và bình tĩnh. Thấy chúng tôi làm việc có kết quả, anh em thanh niên địa phương đứng gác bên ngoài sướng lắm, yểm hộ cho chúng tôi rút đi thật xa. Từ đó, uy thế Việt Minh vùng này càng lớn, phong trào cách mạng của quần chúng càng lên cao.
Sau đó, chúng tôi tiếp tục đột nhập một số nhà hào lý khác để tuyên truyền, thuyết phục hay cảnh cáo. Do đó chúng tôi đã tranh thủ hoặc cô lập được khá nhiều tay.
Ở làng C.T. có một viên phó lý âm mưu tập hợp thanh niên rèn dao đánh kiếm, thành lập một lực lượng võ trang riêng để gây vốn chính trị, chờ thời cơ. Y cũng đã nghe tiếng Việt Minh nhưng vẫn chưa chịu bắt liên lạc. Y thường nói : “Dưới tay tôi có độ trăm mũi kiếm, Việt Minh chắc gì hơn tôi”. Sau vài lần tôi đưa sách báo và đi lại nói chuyện, thấy y chuyển biến không được là bao, chúng tôi bất đắc dĩ phải đưa súng lục ra để y biết rõ rằng Việt Minh có lực lượng vũ trang và hơn hẳn lực lượng của y. Quả nhiên anh phó lý đó đã ngả hẳn về ta và còn bố trí cho tôi đóng bộ thật sang, làm vai “con cụ chánh tổng” đi đến thuyết phục tên tiên chỉ trong làng là người bà con của anh ta.
Giải quyết món hào lý tương đối ổn, chúng tôi tính đến chuyện “các quan”. Tên tri huyện sau khi bị chúng tôi cảnh cáo, hắn hoảng sợ trao quyền lại cho thừa phái, rồi bỏ về quê sống an phận. Ta tha tội chết cho hắn.
Tình hình lúc này rất sôi nổi, tin tức về Việt Minh, về các đội du kích ở chiến khu được đồng bào bàn tán công khai ở các phố, các chợ. Ai cũng tưởng tượng ra cảnh Việt Minh có một đội quân to lớn đang tung hoành khắp các dãy núi ở Việt Bắc và sắp tiến quân về xuôi đánh tan giặc Nhật. Người ta tô vẽ nên nhiều chuyện thần kỳ. Và khi nói với nhau những chuyện như vậy, người ta cũng không quên mô tả những thất bại của bọn Nhật thật thảm hại, để thỏa nỗi uất ức bấy lâu nay. Ai cũng mong đợi một sự kiện lớn sẽ xảy ra vô cùng ác liệt, gay go, nhưng cũng hết sức tốt lành. Nhiều người náo nức đi tìm Việt Minh. Thanh niên đua nhau xin đi chiến khu. Hai tiếng “chiến khu” lúc ấy đối với tuổi trẻ sao mà hấp dẫn đến thế!
Nhiệm vụ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa đòi hỏi phải có lực lượng vũ trang. Các đội tự vệ chiến đấu được tổ chức rất nhanh chóng. Các đoàn viên thanh niên cứu quốc rất hăng hái và sẵn sàng chiến đấu. Vấn đề vũ khí lúc ấy cũng có nhiều thuận lợi. Bên cạnh việc tìm kiếm súng ống, đạn dược của Pháp bỏ lại trong lúc chúng bị hất cẳng, anh em còn mua cả của những người đã lấy trộm được trong các đồn Nhật. Thanh niên làng Xuân Trạch kiếm được một khẩu đại liên, nhiều làng khác đều mua được súng trường.
Tôi được các anh chỉ định phụ trách huấn luyện quân sự cho những đội tự vệ trong khu tôi và cả trong khu anh Thiệp. Vốn liếng quân sự học mười lăm ngày ở chiến khu năm trước giờ đây được đem ra sử dụng rất tốt. Lúc ấy tôi huấn luyện chẳng theo phương pháp nào, chẳng có sách vở, cứ nhớ đâu dạy đấy, thường có “nghiêm… nghỉ”, “đi đều bước”, các tư thế bắn và cách bắn. Chỉ thế thôi. Thêm vào đấy là các cuộc nói chuyện về chiến thuật du kích. Những danh từ “hóa chỉnh vi linh, hóa linh vi chỉnh”, “dương đông kích tây” được nhắc nhiều lần, nghe ghê lắm. Mấy tay “trí thức” ở địa phương cứ đồn là tôi học ở tận trường Hoàng Phố bên “Tàu” về. Họ cho rằng cán bộ đã học quân sự là phải học trường Hoàng Phố, mà học ở trường đó ra là ghê lắm!?
Đêm đêm dù có trăng hay trời tối, chúng tôi đều tập cả. Nhỡ phải đêm mưa thì kéo nhau vào một căn nhà hẻo lánh, dọn hết các thứ, đốt đèn lên và tập. Có điều là trong những trường hợp như vậy thì không dám hô to. Chỉ hô vừa nghe, nhưng nghe ra cũng đanh lắm, có đủ dự lệnh và động lệnh hẳn hoi.
Trên khắp các bãi sông, trong các mảnh vườn xa làng xóm, đêm nào cũng rậm rịch tiếng chân, tiếng cười nói lao xao của nam nữ thanh niên. Tất cả những thứ đó đã tạo nên một hơi thở rạo rực nơi nông dã. Anh em trai gái đều nhiệt tình và hồn hậu ngày ấy, về sau đều có mặt trong đội Giải phóng quân đầu tiên ở địa phương chúng tôi. Và cũng trong số thanh niên ấy đã có nhiều người trở thành cán bộ ưu tú của quân đội ta.
IV
Đầu tháng Tám năm 1945, chúng tôi mở một lớp huấn luyện chính trị ở Chèm. Lớp học đang sôi nổi thì có tin Nhật đầu hàng Đồng minh. Tôi vội vã trở về Đông Anh tìm các đồng chí trong đội công tác để bàn cách hành động trong tình hình mới.
Qua sông Hồng, đang đi trên đê làng Chài, tôi lấy làm lạ khi thấy một chiếc ô-tô, cắm lá cờ đỏ sao vàng, trên có người cầm loa dõng dạc kêu gọi đồng bào đi hộ đê.
“Có lẽ Hà Nội đã cướp chính quyền rồi chăng?” – Nghĩ vậy, tôi càng sải bước rõ nhanh đi tìm các đồng chí trong đội. May quá, anh Thiệp và cả chị Điệp (cùng trong đội) cũng đang đi ngược tìm tôi. Chúng tôi kéo nhau vào ngay làng Ruộng, cách đê sông Hồng vài chục thước để họp.
Trong những ngày giờ vô cùng khẩn trương ấy, các anh Trường Chinh, Lê Đức Thọ lại đi công tác cả. Đội của chúng tôi chỉ có ba người ở nhà: anh Thiệp, chị Điệp và tôi. Chúng tôi rất lo lắng. Tuy hăng hái, nhưng gặp việc lớn như thế, cả ba chúng tôi đều thận trọng. Song nếu cứ chờ các anh về mới hành động thì e lại chậm trễ, mất thời cơ. Nghĩ vậy, chúng tôi cứ mang vấn đề vận động quần chúng khởi nghĩa ra bàn. Chúng tôi liền dựa vào nội dung bản chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Ban Thường vụ Trung ương để phân tích tình hình cụ thể ở địa phương chúng tôi phụ trách và xét tới cả sự liên quan đến tình hình chung.
Phát-xít Nhật đã đầu hàng Đồng Minh, chính quyền tay sai đang hoang mang cực độ. Đó là một trong những điều kiện tốt để tổng khởi nghĩa. Nhưng bọn Nhật đóng ở huyện lỵ Đông Anh này, qua tình hình chúng tôi nắm được, vẫn chưa cam phận, còn tỏ nhiều thái độ hung hăng, ngạo ngược. Điều này buộc chúng tôi phải suy tính thật chín chắn.
Chúng tôi còn tự đặt những câu hỏi khác để thảo luận:
- Tổ chức biểu tình đi cướp huyện, lập chính quyền đã được đông đảo quần chúng hưởng ứng chưa? Quần chúng đã thật quyết tâm chưa?
- Lực lượng vũ trang có đủ sức đánh bại kẻ địch, nếu chúng ngoan cố chống lại không?
Chúng tôi cũng tự kiểm điểm bản thân và đánh giá xem các cán bộ cơ sở sắp tham gia dẫn đầu cuộc biểu tình khởi nghĩa này đã kiên quyết dốc lòng hy sinh chưa?
Đang họp bàn thì tiếng trống ngũ liên rùng rùng từ ngoài đê vọng vào. Tiếng người chạy rậm rịch… Có một bà nào đó kêu lên:
- Ối giời ơi! Làng nước ơi! Ra cứu đê, làng nước ơi!
Một thanh niên cứu quốc của địa phương đang canh gác cho cuộc họp nghe vậy, vào gặp chúng tôi, thì thầm:
- Mặc kệ, Nước to nữa cũng không vỡ đê được đâu. Mà dù có vỡ đê cũng cứ khởi nghĩa, các anh chị ạ.
Lời nói của anh thanh niên này cũng là một khía cạnh biểu hiện quyết tâm khởi nghĩa của quần chúng. Nhưng không thể bỏ mặc công việc chống lụt được. Chúng tôi ngừng cuộc họp và cùng nhau chạy lên đê, xem xét tình hình cụ thể. Nước vẫn mỗi lúc một dâng cao. Bà con đổ ra đê mỗi lúc một đông. Chúng tôi liền mời các cụ già và một số thanh niên cốt cán đến trao đổi mấy vấn đề cần thiết rồi lại vội vã chạy về, tiếp tục cuộc họp.
Sau khi phân tích kỹ lưỡng, chúng tôi quyết định vận động quần chúng gấp rút biểu tình khởi nghĩa cướp chính quyền ở khu vực chúng tôi phụ trách, đồng thời vẫn để một lực lượng tiếp tục việc hộ đê.
Lúc này tôi phụ trách công tác đội trong an toàn khu của Trung ương vùng ven sông Hồng thuộc Phúc Yên, phương thức hoạt động là tuyệt đối an toàn, không rải truyền đơn, không mít-tinh.
Sau đấy chúng tôi nhận được lệnh Tổng khởi nghĩa của Kỳ bộ Việt Minh gửi xuống. Chúng tôi quyết định tổ chức một cuộc biểu tình võ trang thật lớn để cướp huyện và lập chính quyền nhân dân, chẳng cần bí mật gì nữa. Tôi ngang nhiên đạp xe đi khắp vùng, khai hội cấp tốc của các Ủy ban dân tộc giải phóng và các Ủy ban chấp hành Việt Minh. Xe tôi thường bị níu lại vì rất nhiều người muốn hỏi han tin tức. Có những cụ già nháy mắt nhìn tôi hóm hỉnh: “Cố lên cho lão nhờ cút rượu. Uống rồi chết cũng hả”. Những khẩu súng bấy lâu bị giam hãm trong những ống tre, mái bếp, nay được đưa ra lau chùi cẩn thận; những con dao, mã tấu, những thanh gươm các kiểu được mang ra mài và bôi dầu sáng loáng.
Nước sông vẫn mênh mông. Những nhà cao nhất ở các làng ngoài bãi đã bị ngập tới mái; sóng đã tràn lên mặt đê. Dân làng phải thi nhau đắp con chạch trên mặt đê. Có tin đồn đê ở Vĩnh Yên sắp vỡ rồi. Một vài nhà trong đồng đã chạy thóc gạo và làm lều trên đê. Trâu bò dồn lên kín mặt đê, mỗi quãng lại có người coi trâu nấu cơm, khói bay nghi ngút. Mọi người lo lắng cuống cuồng, trâu bò cũng lầm lì buồn bã. Trời vẫn xam xám nằng nặng, gió cứ vi vu đều đều. Sóng từng lớp rào rào, dữ dội. Không khí khởi nghĩa cũng tràn ngập khắp mọi nơi, sôi nổi không kém.
Tôi đặt làng Ruộng làm tổng hành dinh. Sau khi đã họp với anh Thiệp, chị Điệp và phân công rõ rệt, tôi sẽ làm tổng chỉ huy cuộc biểu tình và địa điểm tập trung nhân dân toàn khu vực để đi biểu tình sẽ là ngã ba Cây gạo Ba Đê, một nơi mà mọi bà con trong vùng từ già chí trẻ đều biết. Chiều nay nước đứng không làm dân làng yên tâm mà mọi người càng lo lắng, vì có người đạp xe đạp ngược đê mười cây số để xem xét thì thấy quả là nước đã trắng xóa trong đồng có lẽ sắp tràn về tới đây. Lại thêm tin ở chỗ điếm canh đê đầu làng bị thẩm thấu. Nhất là tin dân làng bên kia sông muốn “gửi nước” bên này, (vì họ định sang phá đê bên này, chịu thiệt thòi một bên để cứu lấy lúa một bên).
Thành ra dân làng Ruộng cũng như nhiều làng khác đều lo chuyện nước lụt. Dưới ánh trăng mờ người ta tíu tít gồng gánh lên đê. Nào chuyển thóc, gạo, ngô, khoai lên những chỗ cao nhất: nào gửi nhau đồ thờ, quần áo; nào chạy trâu bò, trên đê cảnh huyên náo gọi nhau, van la, quát nạt nhốn nháo. Rất ít tiếng cười. Đội hộ đê lo phát hiện kịp thời chỗ thẩm thấu. Thỉnh thoảng họ lại trao đổi với nhau về mức nước để mà thất vọng. Nước mà lên nữa, sẽ tràn đê, còn nếu rút đi thì tất có vỡ đê ở đâu rồi. Trời vẫn lầm lỳ u ám. Con sông đầy ắp nước cứ cuồn cuộn, mang mang, như một con quái vật khổng lồ.
Thế nhưng Ủy ban dân tộc giải phóng cứ họp. Có mấy việc gấp rút phải làm để chuẩn bị cho cuộc biểu tình cướp chính quyền ngày mai:
1) Thảo những lời kêu gọi thật mạnh mẽ, hào hùng ;
2) Viết biểu ngữ và hẹn ngày giờ tập trung đi biểu tình ;
3) Tổ chức mít tinh ngay tại làng để cổ động cho cuộc biểu tình.
Ngoài Hà Nội phong trào đã rầm rộ lắm rồi, cả một vùng kinh thành náo động, tiếng vang khua rộn khắp nơi. Dân chúng xôn xao bàn tán, chờ đợi, ai nấy đều náo nức sửa soạn cướp chính quyền, say sưa khởi nghĩa. Nhưng dòng nước lũ tai ác kia cứ ám ảnh họ. Mọi người hớt hải bồn chồn. Mỗi người chúng tôi đều thấy ngoài việc cướp chính quyền ra còn phải làm cái gì nữa rất quan trọng để giải quyết vấn đề lũ lụt. Song chưa ai nghĩ ra việc gì cụ thể cả. Chỉ có lo thôi!
Các anh trong Ủy ban dân tộc giải phóng làng Ruộng sau khi mua đủ giấy, bút lông, mực tàu, phẩm đỏ về, cứ độ mười lăm phút lại chạy thật nhanh về nhà xem xét nhà cửa thế nào rồi trở lại hì hục trải rộng những tờ giấy ra phản, phủ phục viết lia viết lịa, xong mỗi tờ giấy lại say sưa ngắm nghía. Đã mười một giờ khuya, trăng lẩn trong mây, sáng mờ mờ. Trong làng vẫn rậm rịch người đi lại. Chỗ chúng tôi, người ra vào tấp nập. Tôi phải ngừng tay viết để trả lời đủ thứ câu hỏi hoặc để xem các kiểu dao kiếm, gậy bà con mang tới hỏi ý kiến. Nhiều anh em hăm hở khuấy hồ và tình nguyện đi dán khẩu hiệu trong làng. Người được nhận may cờ cứ khăng khăng đòi may khổ lớn để chiếm giải hôm mít tinh biểu tình. Người lo cán cờ cũng vất vả ngược xuôi tìm cây tre cho ưng ý.
Việc lập Ủy ban nhân dân hàng xã được bàn đến nhiều nhất. Nào là việc thu các bằng sắc, triện, việc bầu chủ tịch, cách bầu, cách đối phó với hương lý, kỳ hào, việc chọn một phụ nữ để bầu vào ủy ban. Ai cũng say sưa náo nức. Việc mình được tự tay bầu ra ủy ban là dân cũng có quyền rồi. Những dòng chữ cũng như đang nhảy múa…
Tuy thế, tiếng trống ngũ liên đang đổ dồn cũng làm nỗi vui mừng không trọn vẹn. Tiếng chó sủa vang khắp làng… Thật là một đêm đầy ắp niềm vui lớn và nỗi lo âu thắt lòng…
Bỗng có lệnh tù và báo động khẩn cấp ngoài đê. Mấy chị tay ẵm con nhỏ giật bắn mình, ơi ới gọi những đứa lớn, kêu la đầy kinh hoàng: “Ối giời ôi! Làng nước ôi! Ra cứu đê mau!”.
Đám đàn ông trầm tĩnh hơn, tỉnh táo đi lấy cuốc, mai chạy ra. Một anh giúp tôi thu xếp giấy mực, nói giọng đau đớn thiết tha:
- Thôi rồi anh ạ! Thế này thì còn khởi nghĩa làm sao! Sao mà cái vận nước mình nó oái oăm thế! – Anh như sắp bật khóc. Tôi chưa biết phải nói gì với anh, cứ lo thu xếp gọn các thứ để lao ra với mọi người.
- Phải đấy! Anh ra với chúng tôi! Nhỡ có chuyện gì, anh khuyến khích dân làng vài câu cho đỡ buồn anh nhé!
Tôi nghẹn ngào với ý nghĩ: “Mình chỉ có ít kinh nghiệm lãnh đạo dân chúng chống Pháp, chống Nhật, còn chống nước lũ thì biết làm sao đây! Những con người này sẽ hăng hái bao nhiêu nếu cần chiến đấu!”
Tôi giắt khẩu súng vào người, song cảm thấy không tự tin lắm, khác những lần khi khai hội trừ gian trước đây. Anh thanh niên thì hăm hở nhắc:
- Súng đâu? Đem theo đi nhá!
Một cụ già lật đật bước vào, thở dốc:
- Hỏng! Hỏng! Hỏng tất!
Chạy vào gường, cụ vớ cái điếu cày vừa thông, vừa nói tiếp:
- Các cụ đi ra đi! Ra hết đi! Tôi cũng ra bây giờ, nguy quá!
Tiếng trống, tiếng mõ đổ dồn. Tiếng tù và trầm trầm rền rĩ kéo dài. Tiếng trẻ khóc, tiếng người lớn thúc giục. Tôi theo anh thanh niên chạy ra đến đầu làng thì thấy lố nhố trên đê người và người, mấy anh tay cầm gậy cho hay:
- Có ba chiếc thuyền từ từ tiến vào. Tuần canh đê hỏi thuyền nào họ không trả lời. Tưởng là thuyền bên kia sông sang “gửi nước” nên báo động, nhưng họ đã quay ra giữa dòng rồi.
Như thế là tình hình chưa đến nỗi nào. Mọi người lục đục trở về nhà. Mối lo chưa tan hẳn nhưng cũng tạm yên tâm tiếp tục công việc chuẩn bị. Rồi có tin: “Nước đứng rồi, nơi thẩm thấu không còn rỉ nước”. Mấy bà cũng chen vào xem chúng tôi viết và hỏi dò xem họ có được đi biểu tình không?
Sáng hôm sau, các điếm canh đê đều phủ kín biểu ngữ. Nơi nào người dân cũng chen chúc đọc. Trên đê làng Ruộng, lác đác mấy cái lều nhỏ. Trời âm u, nước lững lờ trôi. Còn lòng người thì nao nức đến khó tả.
- Giặc Nhật đã đầu hàng,
- Thời cơ khởi nghĩa đã tới,
- Quốc dân đồng bào mau mau nổi dậy cướp chính quyền!
- Cách mạng thành công muôn năm!
Những câu chữ truyền miệng lan đi như cơn lốc. Không ai nghĩ đến làm ăn gì cả, chỉ khấn trời “cho nước rút mau” và “phen này có chết cũng thơm thịt”. Khắp nơi, đâu đâu cũng sát khí đằng đằng. Nhìn họ tôi sung sướng nghĩ tới tờ hịch của đức thánh Trần học thưở trước.
Tờ mờ sáng hôm sau, hàng ngàn người đổ ra chật cả đường làng, mặt đê. Các cụ già, trẻ em cũng tham gia. Dòng người cứ dài ra mãi. Nhân dân từ Vọng La đổ lên, Xuân Trạch kéo đến. Cổ Loa đi ra… các nơi khác trong toàn vùng đổ về tập trung tại Cây gạo Ba Đê.
Giữa lúc tôi đang làm nhiệm vụ tổng chỉ huy, sắp xếp và chỉnh đốn đội ngũ, đột nhiên một bà từ trong đám đông chạy đến trước mặt tôi, đon đả nói:
- Ô, thế hóa ra là cậu à? Hôm nay cậu khác hẳn đấy!
Sau một phút trấn tĩnh, tôi nhận ra bà và mỉm cười:
- Chào bà, vâng, tôi…
Chả là suốt từ khi được phân công về phụ trách vùng này, hầu như ngày nào cũng có việc phải đi qua chỗ ngã ba này, phần nào cũng ỷ vào việc thay hình đổi đổi dạng thường xuyên của mình – hôm thì áo the quần trắng, hôm thì đóng bộ tây vào, hôm thì quần nâu áo vải – nên tôi thường đánh bạo nghỉ ở quán bà uống chén nước, ăn bát bún hay vài cái kẹo ngay ở gốc cây gạo. Và, tôi cứ đinh ninh là bà chủ quán đông khách thế sẽ không nhận mặt được ai! Vả lại, tôi rất thích được ngồi nghỉ lại đây. Từ gốc gạo này tôi có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát được cả một vùng rộng lớn các làng xã ven đê. Mỗi khi dừng mắt lại làng nào, lại hiện ra hình ảnh thân thương của các đồng chí, các bạn vào sinh ra tử cùng với cảnh đời và công việc của họ. Tôi cảm thấy mình ấm lòng và nhiệt thành thêm. Cũng chính bên gốc gạo Ba Đê này, sau bao năm tháng bị tù đày chỉ ước ao ngày trở lại hoạt động cho cách mạng và lần đầu tiên tôi được đồng chí Trường Chinh giao công tác cũng trên đê này. Còn bao cuộc hẹn hò gặp gỡ các đồng chí khác.
Thấy tôi ngập ngừng lúng túng, bà nói vui:
- Giờ thì biết rõ cậu là tướng Việt Minh rồi. Thôi, lâu nay cậu ăn bún gà của lão mãi, hôm nay cậu phải cho lão ăn cháo gan… Nhật đấy! – Nói xong, bà tất tưởi quay lại đội ngũ. Tôi bất giác mỉm cười, thầm nghĩ: “Một bà bán quán cũng quyết tâm đánh Nhật! Khối quần chúng đông đảo này nhất định sẽ đập tan bọn phát-xít, giành được chính quyền hôm nay!”
Sau khi chúng tôi nói mấy lời về tình hình, về thời cơ cướp chính quyền, anh em thanh niên hát bài Tiến quân ca và đoàn rầm rộ xuất phát. Đi đầu là lá cờ đỏ chói lọi, bay phần phật. Bốn thanh niên tự vệ chiến đấu khiêng khẩu đại liên, tiếp đến đội tự vệ với hơn chục khẩu súng trường, rồi đến các khối quần chúng đi theo từng xã. Trong đoàn có một ông già trước đi lính kèn cho Pháp, lại còn giữ được cái kèn, thỉnh thoảng ông thổi toe toe. Chẳng hiểu đó là bài gì, nhưng lúc bấy giờ tiếng kèn có vai trò quan trọng làm thêm phấn chấn đoàn người đi đổi đời.
Từng quãng chúng tôi đặt súng nổ lên trời ít phát. Quần chúng sôi nổi  hô khẩu hiệu:
- Đả đảo bọn phát-xít!
- Cách mạng thành công muôn năm!
Tiếng hô vang động như sấm rền. Kiếm, dao, giáo, mác lấp lánh dưới ánh mặt trời. Đoàn đi tới đâu, quần chúng tại chỗ tự động nhập đội ngũ. Chúng tôi lòng rất phấn chấn, vững tin vào quần chúng. Bây giờ bọn tay sai phản động chắc chẳng dám ngo ngoe. Nhưng phải đề phòng bọn phát-xít Nhật vì bản chất của chúng rất tàn bạo. Nhất định quần chúng sẽ toàn thắng, nhưng nếu không chuẩn bị đối phó với tình huống quyết liệt thì sẽ bị lúng túng. Chúng tôi nghĩ tới cách áp dụng những điều mà đã được học tập, dự kiến các việc như cắt dây điện thoại, đốn ngã cây, phá đường, cô lập lực lượng Nhật đóng ở Đông Anh để bảo đảm việc cướp chính quyền được nhanh chóng.
Lúc ấy, dù gặp phải cản trở gì, quyết tâm khởi nghĩa giành chính quyền cũng không hề nao núng, ngược lại còn bốc mạnh hơn. Chị Điệp nai nịt gọn gàng, tay lăm lăm khẩu súng lục, dây súng quấn vào cổ tay. Anh Thiệp và tôi cũng vậy, luôn luôn ở tư thế tiến công.
Khoảng gần trưa, đoàn biểu tình kéo tới huyện. Lúc này, anh em công nhân hỏa xa Đông Anh đã đến phối hợp cùng làm nhiệm vụ đánh chiếm huyện. Tên tri huyện đã trốn từ lâu nên việc cướp chính quyền không gặp khó khăn phức tạp. Chúng tôi chuyển sang trại lính Nhật. Quần chúng vây quanh trại, hô vang khẩu hiệu. Tôi được cử ra giao thiệp với bọn Nhật. Anh Thiệp chỉ huy tự vệ sẵn sàng… Nếu trong lúc nói chuyện, bọn Nhật giở trò thì quân ta lập tức đánh trả. Chị Điệp đôn đốc đội ngũ quần chúng, giữ trật tự chung.
Bọn Nhật có một tiểu đội. Khi chúng tôi vào đến phố huyện thì gặp tên chỉ huy Nhật và mấy tên lính. Chúng tôi tìm ngay một thông ngôn và bắt đầu thuyết phục. Tên chỉ huy đội mũ lưỡi trai bằng vải, mặc quần áo màu cứt ngựa, gặp tôi nó hơi ngơ ngác một lúc rồi nhìn ngang, nhìn ngửa, quan sát lực lượng của ta. Tôi bảo hắn:
- Nhật đã đầu hàng Đồng Minh. Ở Việt Nam hiện nay Việt Minh đã làm chủ. Chúng tôi đã có chính quyền cách mạng. Vậy các anh phải nộp vũ khí, giao trại lính cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ bảo đảm đưa các anh về Hà Nội an toàn.
Hắn suy nghĩ một lát rồi nói ngập ngừng:
- Cho tôi gọi điện thoại về Hà Nội vì chúng tôi cần có lệnh từ Hà Nội.
Tôi đoán có thể là hắn âm mưu gọi xin quân tiếp viện, tôi bảo hắn luôn:
- Mọi đường dây đều đã bị cắt. Nếu các anh làm theo lời chúng tôi thì sẽ được bảo đảm an toàn về tới Hà Nội.
Hắn lấm lét nhìn hai bên, miệng lẩm bẩm một hồi dài nhưng rất nhỏ. Mấy tên lính đi theo lảng dần. Còn người thông ngôn thì mặt tái đi. Tôi cho là hắn vừa nói điều gì quan trọng với chúng nó. Nhìn vào trong trại thấy bọn lính đeo vũ khí và tập hợp về một phía, rồi tỏa ra khuân vác hòm xiểng – chắc là hòm đạn – về phía một căn nhà kiên cố. Rõ ràng bọn chúng chuẩn bị đánh lại ta rồi. Bên ngoài, quần chúng cũng thấy như thế, nên đã tiến sát bao quanh lấy tôi, miệng hô khẩu hiệu vang động. Tôi bình tĩnh bảo tên chỉ huy:
- Các anh không nên nổ súng vào nhân dân chúng tôi. Làm thế, buộc lòng chúng tôi phải tiêu diệt các anh.
Hắn vừa lùi, vừa làu bàu, tỏ vẻ cục cằn và láo xược. Tôi bảo hắn:
- Nên nhớ rằng, chiến tranh đã kết thúc, các anh sắp được hồi hương…
Tôi đang nói thì tên Nhật chạy tụt hẳn vào trong trại. Tôi giận sôi lên. Quần chúng cũng căm phẫn sôi sục. Bên trong, tên chỉ huy Nhật khoát tay ra hiệu. Bọn lính bắn ra.
Khí thế quần chúng như một chảo dầu sôi. Tiếng súng của bọn Nhật khác nào một tia lửa bắn vào làm bùng to lên một đám cháy lớn. Quần chúng gào thét. Các đội viên tự vệ được lệnh lập tức tản ra và bắn vào trong trại. Các tổ phụ nữ vừa hô khẩu hiệu, vừa giương cờ ào lên. Tiếng kèn của ông già lại vang lên thôi thúc. Thanh niên vung kiếm, múa gậy xông vào. Chúng tôi cố ngăn lại để các đội tự vệ có súng xáp vào chiến đấu. Khẩu đại liên đặt ngay ở cổng trại nổ rầm rầm. Anh em công nhân xe lửa Đông Anh tới tấp ném lựu đạn vào trại. Quần chúng không ngừng hô “Đả đảo phát-xít Nhật!”, nhặt đủ thứ ném vào. Anh Môn là bí thư chi bộ làng Xuân Trạch dẫn đầu tốp thanh niên lao lên bị trúng đạn ở đùi, máu chảy đẫm ống quần. Anh vẫn thản nhiên động viên:
- Bà con giữ vững tinh thần. Tôi thấy chúng chết hai thằng rồi!
Anh thét lên:
- Anh em tiến lên!
Xô tới gần cửa trại, anh lại bị thương vào tay. Anh định giấu không để mọi người biết, nhưng các đồng chí vội kéo anh ra chỗ khuất, băng bó. Vừa được băng xong, anh lại vùng ra, hô:
- Anh em xông lên! Tiêu diệt quân phát-xít!
Tiến được mấy bước, anh ngã xuống, miệng vẫn không ngớt hô:
- Xông lên! Anh em xông lên!
Tin anh Môn hy sinh truyền đi. Một niềm căm thù sôi sục:
- Trả thù cho anh Môn!
- Tiêu diệt phát-xít Nhật!

Ảnh : Bà Nguyễn Thị Phúc Hằng bên những di sản của ông Trần Độ.
 Quần chúng càng xiết chặt vòng vây. Bọn Nhật tập trung bắn ra phía cổng. Một anh lấy mũ chụp lên đầu chiếc gậy, đưa thập thò trên đầu mép tường. Anh khác đứng bên đưa mũi súng chờ sẵn. Mấy tên Nhật nhỏm lên bắn chiếc mũ bị anh này bắn trước. Một tên đổ xuống giãy đành đạch. Anh G. cũng là thanh niên, nhưng lùn quá, cố kiễng chân cũng không sao bắn được qua tường, liền rón rén đến bên cửa sổ, chĩa súng bắn chết một tên khác. Sướng quá, anh khoe:
- Bà con ơi! Thịt thêm một tên nữa!
Giữa lúc đó, mấy anh chạy lại níu lấy áo tôi:
- Anh! Lại chữa hộ chúng em khẩu súng máy, đang bắn thì nó tắc!
Người đứng bên tôi liền gạt đi:
- Thôi! Anh đang bận.
Ở hướng khác, chị Điệp cầm súng lục bò sát tường ló đầu lên cửa sổ dò xét. Đoàng! – Chị phục ngay xuống rồi nhô lên bắn trả lại.
Anh Thiệp vẫn hò hét ở phía cổng:
- Bình tĩnh! Giữ vững hàng ngũ!
Một bà già trạc năm mươi tuổi, tay phất cao cờ đỏ, miệng la lớn:
- Anh chị em tiến tới! Tiến tới!
Mấy ông cụ quần xắn đến gối, xách kiếm chạy ngược, chạy xuôi, góp kế:
- Đốt. Đốt nhà!
Quần chúng hưởng ứng:
- Phải đấy! Ném rơm vào! Ném rơm vào!
- Ra phố lấy rượu, dầu hỏa nữa, mau lên!
Mấy thanh niên hăng hái lao đi:
- Rơm đâu? Ném hết vào!
- Trèo lên mái dỡ ngói, tống xuống!
Em Diệp, một thiếu niên mười hai tuổi, nhanh nhẹn nói:
- Em bé, em trèo cho!
- Không được, để tôi trèo!
Tiếng hò hét, ai cũng gào như quát. Ai cũng đầy hào hứng góp sức mình hạ bốt.
Trận chiến đấu kéo dài hàng tiếng đồng hồ cứ sôi sục như thế, càng về sau càng dữ dội hơn.
Tiếng súng của địch thưa dần và làn đạn từ trong bắn ra cứ bay lên ngọn cây. Sau một cuộc hội ý chớp nhoáng, chúng tôi cùng thống nhất nhận định: Bọn Nhật chỉ còn vài thằng bị thương, ta vào được rồi. Lập tức tôi hạ lệnh xung phong. Cả dòng thác người ập vào trại địch. Bọn địch bị tiêu diệt. Anh Thiệp, chị Điệp và các đồng chí đảng viên các xã cùng tôi hô đến khản cả tiếng, đồng bào mới chịu ngừng tay.
Sau khi làm chủ hoàn toàn được huyện, Ủy ban khởi nghĩa phân công: chị Điệp chịu trách nhiệm cùng quần chúng chôn cất bọn giặc đã chết, thu dọn chiến trường. Anh Thiệp và tôi đi lập chính quyền và tổ chức lực lượng võ trang ở địa phương. Tới huyện đường, chỉ còn cảnh hoang tàn vô chủ. Chiếc ô-tô hòm nằm chỏng chơ, cửa ngõ đổ nát hoang tàn, giấy tờ, sổ sách vung vãi…
Ủy ban khởi nghĩa và đại biểu quần chúng nhất trí cử anh Thiệp làm chủ tịch huyện, chị Điệp là phó chủ tịch. Sau đó chúng tôi tổ chức đội vũ trang thoát ly gọi là Giải phóng quân. Có đến hàng trăm thanh niên nhập ngũ. Chúng tôi phải gọi danh sách và giải thích là hiện nay mới tạm tổ chức một đơn vị nhỏ, sẽ tổ chức lớn hơn và sẽ gọi thêm sau. Tập hợp thành đội ngũ xong, chúng tôi cử luôn anh em đi mai phục các ngả đường, đón đánh Nhật nơi khác kéo tới.
Ngay sau đó, chúng tôi tổ chức lễ truy điệu và an táng đồng chí Môn. Chúng tôi lấy một lá cờ đỏ sao vàng phủ lên người đồng chí. Hàng trăm người đứng im lặng mặc niệm, tỏ lòng thương nhớ anh, biết ơn anh và càng nung nấu căm thù bọn phát-xít xâm lược.
Đám tang đồng chí được cử hành rất trọng thể ngay chiều hôm ấy.
Để bảo đảm an toàn, chính quyền huyện tạm dời về làng Cổ Loa, vì ở đó là cơ sở vững mạnh của ta, địa thế lại hiểm trở, xa đường cái lớn, “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”.
Tới đình Cổ Loa, trời sẩm tối. Chính quyền nhân dân bắt tay vào việc ngay. Việc trước tiên là phân công thêm một số cán bộ và thanh niên cùng nhân dân tiếp tục hộ đê chống lụt. Nước sông Hồng đã lại dâng lên, tràn qua đê, chảy xiết ghê người. Tai họa vỡ đê từng phút, từng giây.
Trong thời gian chuẩn bị khởi nghĩa cho đến hôm biểu tình cướp chính quyền, đội công tác chúng tôi suốt ngày đêm bận rộn, có những buổi quên cả ăn uống. Tuy vậy, người nào cũng cảm thấy mình khỏe mạnh, vui sướng hơn trước.
Nước sông Hồng vẫn mênh mông. Ngoài bãi nhiều nhà ngập sát mái. Có nơi nước tràn vào cánh đồng. Dân làng làm lều kín mặt đê. Tuy bị lụt lội uy hiếp, nhưng mọi người rất hồ hởi. Gặp chúng tôi, ai cũng xúm lại nói chuyện tình hình. Một cụ bảo:
- Sung sướng quá! Chính quyền về tay mình, bây giờ có chết cũng sướng!
Mọi công việc vẫn được tiến hành khẩn trương. Chúng tôi đi dọc đê, tới từng làng thu triện và các giấy tờ của hội đồng hương chính, tuyên bố lập chính quyền cách mạng. Đồng bào tập trung mít-tinh ngay trên mặt đê. Chúng tôi đọc danh sách Ủy ban nhân dân cách mạng địa phương do cán bộ hay quần chúng tích cực giới thiệu và bảo đảm. Nhiều nơi chúng tôi đang tổ chức lập chính quyền ở làng này, thì làng bên kia đồng bào cũng mít-tinh rầm rộ chờ đợi. Lập chính quyền đến đâu, tổ chức đội tự vệ đến đấy.
Công tác ở Đông Anh một thời gian nữa thì tôi được lệnh gọi về Thủ Đô nhận nhiệm vụ mới. Qua gốc gạo Ba Đê – nơi xuất kích cướp chính quyền ngày nọ - các đồng chí tiễn tôi đã trở lại, nhưng biết bao nhiêu kỷ niệm từ những ngày chúng tôi còn “tay trắng, bụng trơn; đi trăng về thầm” cho đến những ngày chúng tôi đứng trong “đội ngũ điệp trùng; tay cờ tay giáo”… cứ quấn quýt tâm trí tôi. Và những con người ấy, việc ấy trong những ngày tháng Tám lịch sử ấy, tôi không thể nào quên được. Cứ đi được một quãng, tôi lại ngoái lại tần ngần nhìn mãi cây gạo Ba Đê!

Tháng 8 năm 1964.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét