Thứ Năm, 15 tháng 9, 2022

Quê hương trong ký ức

Thôn Liễu Khê (nay thuộc xã Song Liễu, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) là một miền quê yên bình nằm giữa một cánh đồng bao la trù phú bên cạnh dòng sông Thiên Đức thuở xưa (sông Đuống ngày nay). 

Phố Từ Sơn, Bắc Ninh, năm 1940 (tư liệu)

Vùng đất này được sử sách nước nhà ghi lại là kinh thành cổ Luy Lâu với những dấu tích lịch sử thờ vị vua đầu tiên của nước Việt: Kinh Dương Vương. Từ thời Lý, Trần, Lê đã có nhiều trai tráng của Liễu Khê tham gia chống quân xâm lược phương Bắc. Khi thực dân Pháp xâm lược, cùng với nhân dân cả nước, những người dân của quê hương Liễu Khê, Liễu Lâm (năm 1946 hợp nhất hai thôn thành xã Song Liễu) đã vùng dậy đấu tranh, gây dựng cơ sở cách mạng, trở thành địa phương được nhiều cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản, cán bộ cao cấp của Đảng,… chọn làm căn cứ hoạt động bí mật từ những năm 30 đến tháng Tám năm 1945. Ngày 11/6/1999, xã Song Liễu được Chính phủ phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân để ghi nhớ công lao của nhân dân và lực lượng vũ trang trong kháng chiến giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Bà Nguyễn Thị Phúc Hằng nhớ lại lúc còn nhỏ, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo. Cha đi làm thuê, mẹ chạy chợ, làm hàng xáo, ngày mùa thì đi cấy thuê… để trừ nợ. Bà có ba người anh trai và một người em trai, chỉ có bà là gái duy nhất. Các anh em trai của bà lần lượt bỏ quê ra các thành phố lớn làm ăn. Ông anh cả là ông Hoàng Văn Tùy, sinh năm 1914, ra Hà Nội làm thợ sửa chữa ô tô, ông Hoàng Văn Truy, sinh năm 1916 cũng theo anh ra Hà Nội làm chân bán vé ô tô. Ông em út là Hoàng Văn Hạng cũng xuống Hải Phòng làm nghề lái xe ô tô. Riêng ông anh Hoàng Văn Biền, sinh năm 1919, do đau yếu nên chỉ ở nhà. Sau này, ông Truy tham gia cách mạng ở địa phương năm 1945 và làm công tác thương nghiệp, còn ông Hạng làm đến chức Phó quản đốc xí nghiệp ô tô quốc doanh ở Hải Phòng, rồi mất sớm vì ốm đau.

Mọi việc trong gia đình phụ giúp cha mẹ đều đến tay bà Hằng từ nhỏ tuổi. Khi mới lên 6 tuổi, cha mẹ gửi bà đi ở với bà cô họ ở xóm trên. Tiếng là đi ở nhưng không được trả công mà chỉ được nuôi ăn ngày hai bữa. Tuy vậy, công việc hàng ngày bắt đầu từ 4 giờ sáng khi mà trời vẫn còn tối đen cho đến tối mịt. Đầu tiên là nhóm bếp bắc một nồi cám to. Khi cám chín tắt bếp và xách cái giỏ lớn đi cắt cỏ. Đến trưa thợ cày thả trâu thì bà lại dắt trâu đi chăn. Những ngày mưa rét, người làng vẫn thấy một cô bé rách rưới co ro trong chiếc áo tơi xơ xác đi chăn trâu bên các bờ cỏ rìa làng. 

Chiều dắt trâu về, bà lại tiếp tục đi vớt bèo ở cái ao rộng giữa làng. Mang bèo về, bà rửa sạch, rồi sau đó băm, giã chuẩn bị để sáng mai nấu cám. Việc chính là vậy, nhưng nhà nông thì biết bao nhiêu việc vụn vặt không tên khác chồng chất lên đôi vai bé nhỏ của bà. Cứ như vậy, bà quần quật như một nông dân thực thụ suốt ngày, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác,… Đến năm 13 tuổi, thấy nhiều chị em trong làng đi chợ, làm hàng xáo, bà xin với cha mẹ cho bà đi chợ. Thế là hàng ngày bà ra chợ, sau đó đi lên chợ Sặt mua rau mang về bán ở chợ gần để có chút tiền giúp thêm cha mẹ và chi tiêu cho cá nhân. 

Làm lụng vất vả như vậy mà cuộc sống vẫn vô cùng gian khổ, tối tăm mặt mũi,… Có đôi lúc bà đứng thẳng người, tay gạt giọt mồ hôi trên trán, nhìn bầu trời rực nắng mà ước ao có ngày cha mẹ bà, anh em bà sẽ được đủ ăn, đủ mặc và cuộc sống sẽ hạnh phúc hơn.


(Trích cuốn Bà Nguyễn Thị Phúc Hằng, Nxb Phụ nữ, 2013)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét