Thứ Ba, 10 tháng 8, 2021

Nợ nước thù nhà


I
Chỉ huy sở mặt trận đặt trong một khu rừng già. Đất bằng, cây to cao vút, ánh nắng chỉ chiếu xuống từng khoảng nhỏ giống đủ mọi hình thù. Mặt đất chằng chịt những thứ cây nhỏ, dây leo và loáng thoáng đôi khóm cỏ xanh tươi, lá khô, cành gãy ngổn ngang. 


Lều của ông Sáu được Hoàng, anh chiến sĩ cần vụ lầm lỳ và cần mẫn, dựng lên rất gọn gàng khéo léo. Đồng chí cần vụ lặng lẽ này đi với ông Sáu đã ba năm, đã hiểu cặn kẽ những nhu cầu sinh hoạt và làm việc của ông. Khi đã biết rõ chỉ huy sở đặt tại đâu, cần phải ngủ lại, vừa hạ bòng xuống là anh lập tức căng tạm cái võng giữa hai thân cây chắc chắn cho ông Sáu nằm nghỉ và suy nghĩ. Anh không quên đặt ở đó ca nước trà trút trong bi-đông ra. Xong, anh cầm dao ngắm địa thế. Anh chọn chỗ tương đối sạch sẽ, không có cây to, không có cây khô để tránh những cành cây gãy “bất tử” có thể gây tai hại cho thủ trưởng, đưa mắt ước lượng qua cự ly rồi anh đi chặt “cây mồi” để cột võng. Khi cắm xong hai cây mồi và cột nó thật chắc vào hai thân cây cách nhau độ hơn ba thước, anh nhanh nhẹn cột một sợi dây thun dài từ cây này qua cây kia làm dây nóc. Chỉ trong một lát, anh đã căng xong hai miếng ni-lông nối nhau qua dây nóc và cột ra bốn phía làm thành hình hai mái nhà xinh xắn, nhẹ nhàng, phẳng phiu, thẳng thắn. Mọi tính toán hình như thành hình rất kỹ trong đầu anh, anh lặng lẽ ngắm nghía, ước lượng, lặng lẽ làm và không chịu được một sự cẩu thả nhỏ nào.
Ông Sáu đôi lúc cũng xuống võng, phụ anh, tham gia trao đổi ý kiến và lần nào cũng thế, khi đã có được mái nhà, ông cũng giục anh:
- Thôi, cậu đi làm chỗ ở của cậu đi đã rồi sẽ hay.
Nhưng không được, anh còn nhiều việc lắm. Còn phải xem cái hầm mà công binh tới trước đào cho thủ trưởng thế nào, có chắc không ? Còn làm cho thủ trưởng cái bàn con để nước, bản đồ, sách vở, một cái cây lớn có ngạnh để đeo bộ thắng lưng có súng, địa bàn và bi-đông của thủ trưởng. Một cái cây có ngạnh nhỏ cắm gần võng để thủ trưởng khi mỏi có thể treo ra-đi-ô vào đó nghe tin hoặc treo đèn để đọc tài liệu và nếu cần, phải có cái ghế dài để cán bộ đến làm việc với thủ trưởng có chỗ mà ngồi.
Cho nên ông Sáu nói gì cứ nói, anh cứ làm mọi việc đó xong xuôi rồi mới lo đến chỗ ở của anh. Đôi khi, gặp trời mưa to thì anh phải đổi thứ tự đó đi chút ít. Anh phải căng ni-lông của anh ngay sau khi căng ni-lông cho ông Sáu rồi mới làm các việc khác được.
Lần này, mọi việc cũng được thu xếp yên ổn như vậy. Nhưng Hoàng vẫn ngắm nghía những công trình của mình một cách lo lắng. Vì từ hơn một tuần nay, anh xây dựng nhiều công trình quá rồi mà không công trình nào được sử dụng quá hăm bốn tiếng đồng hồ. Mỗi lần đến một địa điểm, trong khi anh đang lúi húi với nhiệm vụ của anh thì ông Sáu lại chúi đầu vào tấm bản đồ trải trước mặt, lấy bút chấm chấm gõ gõ. Rồi cán bộ các nơi đến, báo cáo, thảo luận. Và sau đó, lại có lệnh nhổ trại đi nơi khác. Hoàng không hiểu vì sao, nhưng Hoàng cũng không có lý do gì để oán trách cái lệnh oái oăm đó. Hoàng thấy ông Sáu và các cán bộ khác đang lo lắng một điều gì dữ lắm. Hoàng thấy thương ông Sáu về những sự lo nghĩ của ông mà Hoàng không có nhiệm vụ và không đủ trình độ để hiểu được. Hoàng chỉ biết lặng lẽ nhìn mái tóc hoa dâm biếng chải của ông Sáu, lặng lẽ chăm chú làm mọi việc của mình. Hoàng cho như thế là chia sẻ được phần nào sự lo nghĩ nặng nề của ông Sáu. Riêng hôm nay, Hoàng tuy hơi lo, nhưng cũng cảm thấy có những điều có thể yên tâm. Sau cuộc họp gay go ở địa điểm cũ thì chỉ huy sở rời đến đây. Hoàng thấy ông Sáu không giở bản đồ ra nữa mà lại nằm duỗi dài trên võng, lim dim mắt, hút những hơi thuốc ngon lành, nói bông đùa đôi câu, phụ với Hoàng cột cái bàn và rồi lại tiếp tục nằm hút thuốc. Các cán bộ đi đâu vắng cả. Có vẻ ông Sáu đang yên tĩnh chờ đợi một cái gì… Xa xa vẫn lắc rắc tiếng chặt cây làm lều và tiếng thình thịch đào công sự, tiếng rì rào của các cán bộ, chiến sĩ nói chuyện, thỉnh thoảng chỏi lên một tiếng gọi đòi rựa, đòi xẻng và tiếng the thé của cô cấp dưỡng đang đối đáp một điều gì.
Lúc này, trông bề ngoài tưởng ông Sáu đang có vẻ ung dung thanh thản. Ông nằm im trên võng, một tay cầm điếu thuốc lá đang cháy dở, thỉnh thoảng gõ gõ cho nó rơi tàn, một tay ông đè lên sau gáy gối đầu, mái tóc ông đã nhiều sợi bạc trắng, lởm chởm, lòa xòa, toàn bộ mặt sạm đen của ông đang im lặng như một bức tượng khắc bằng cây gỗ. Đôi mắt ông đục lờ hẳn đi và hơi xanh xám. Đó là kết quả quen thuộc sau một thời kỳ suy nghĩ mệt nhọc của ông. Khuôn mặt dài hơi vêu vao của ông đầy nét nhăn, miệng ông hơi mím, hai vành môi khép lại vẽ thành một đường dài rắn rỏi, nghiêm khắc. Cả thân hình dài nghêu ngao của ông Sáu dán chặt xuống đường cong của cái võng làm cho cả cái võng bẹp lại, khác hẳn những cái võng căng tròn in hẳn thân thể chắc lẳn của thanh niên.
Bỗng ông xem đồng hồ, ngồi nhỏm dậy, vuốt vuốt mái tóc xòa trên trán rồi hai tay dang ra hai bên nắm lấy mép võng, cúi đầu im lặng, suy nghĩ. Đôi vai nhô lên làm cho cái đầu của ông cúi xuống càng nặng nề, như nó đang chịu đựng một sức nặng vô hình nào lớn lắm. Đúng, ông đang chịu một trách nhiệm rất nặng nề và những điều suy nghĩ để làm tròn trách nhiệm nhiều khi đã như bung đầu óc ông ra. Cấp trên đã trao cho ông nhiệm vụ phải đem bộ đội đánh phủ đầu quân Mỹ đang ồ ạt kéo vào miền Nam một trận ra trò và để lấy kinh nghiệm cho nhiều bộ đội và du kích khác đánh được Mỹ. Đây là một việc có ý nghĩa lịch sử …
Ông và các đồng chí trong Đảng ủy mặt trận nhận nhiệm vụ mới này với một niềm phấn khởi náo nức lạ thường. Vì từ mấy tháng nay, những triệu chứng Mỹ vào trực tiếp tham chiến đã quá rõ ràng. Tất cả bộ đội đã được học tập tình hình nhiệm vụ chuẩn bị tinh thần đánh Mỹ. Các đơn vị sôi nổi đều phát động căm thù, phát động đăng ký đánh Mỹ, phát động hiến kế đánh Mỹ và học tập kinh nghiệm đánh Mỹ. Mọi người không những thấy căm thù mà còn náo nức tự hào : sẽ đánh bại một kẻ xâm lược, đầu sỏ đế quốc mạnh nhất và gian ác nhất thời nay làm rạng rỡ thêm truyền thống dân tộc.
Ngay bản thân ông Sáu, một niềm náo nức gần như trẻ thơ cũng xâm chiếm cả tâm hồn ông. Từ gần hai mươi năm nay, ông luôn luôn đứng trước nhiều bài toán chiến đấu cách mạng rất khó khăn, tưởng như không giải đáp nổi. Thế nhưng nhờ có đường lối chung, có tập thể và với một sự vận dụng trí tuệ và nghị lực phi thường, ông đã cùng các đồng chí vượt qua cả. Từ một số cố nông không biết chữ, ông qua những bước làm liên lạc, làm chiến sĩ, chỉ huy trung đội, làm cán bộ lãnh đạo ở huyện, ở tỉnh rồi chỉ huy tiểu đoàn, trung đoàn, học tập văn hóa, chính trị cho đến ngày nay ông là một cán bộ cao cấp của Quân đội giải phóng, chịu trách nhiệm lãnh đạo và chỉ huy một mặt trận rộng lớn, có một trách nhiệm chủ yếu trong Đảng ủy mặt trận. Ngày nay, ông nghiễm nhiên là một người nắm vững trong tay nhiều tri thức quân sự hiện đại và nhất là rất nhiều lý luận và kinh nghiệm thực tiễn của chiến tranh nhân dân ngay trên quê hương đất nước ông. Đầu óc ông thường phải làm việc không ngừng để giải đáp hàng loạt vấn đề lớn nhỏ trong rất nhiều hoàn cảnh khác nhau. Từ việc lo ăn uống, lo chỗ ngủ, lo công sự, lo thuốc men, phòng bệnh cho bộ đội, đặt vấn đề giáo dục, tìm hiểu từng người cán bộ trong các cương vị công tác khác nhau, trong mỗi nhiệm vụ cụ thể đến hoàn cảnh gia đình của từng cán bộ, đến việc tìm hiểu những âm mưu thủ đoạn của địch, dự kiến các hành động của địch, tính toán cách đánh của ta sao cho thích hợp nhất, chắc chắn nhất, đỡ tốn xương máu nhất. Ông lại phải thường xuyên làm cho những ý nghĩ suy tính của mình kết hợp chặt chẽ với những suy tính, ý nghĩ của các đồng chí trong Đảng ủy, làm cho các khía cạnh khác nhau bổ sung cho nhau, làm cho nó thành một tư tưởng thuần nhất, rồi lại làm cho tất cả cán bộ trong các đơn vị nhất trí đầy đủ. Kinh nghiệm suốt đời hoạt động của ông dạy cho ông thấy chỉ có điều đó mới tạo nên một sức mạnh vô giá trong đơn vị. Khi nào đứng trước một nhiệm vụ, ông cảm thấy có được sự nhất trí trong cán bộ rồi thì ông tin tưởng chắc chắn vào thắng lợi.
Nhưng lần này sự việc mới quá, phức tạp quá. Nhiều anh em muốn cho thuận chiều thì đề ra ý kiến là mặt trận cứ mở đầu chiến dịch bằng cách đánh điểm diệt viện. Ngụy quân hết khả năng viện thì thế nào Mỹ cũng phải tới và ta đánh Mỹ.
Nhưng khi cấp trên phân tích âm mưu thủ đoạn của Mỹ thì đề ra là đánh với Mỹ cần chủ động linh hoạt, có thể đánh điểm diệt viện. Nhưng gặp quân Mỹ mới sang hùng hổ đi ra ngoài công sự càn quét thì cũng có thể chủ động đánh Mỹ trước và coi đó cũng là một cách mở đầu chiến dịch không cần phải chờ đợi đến ngày “N”,
Ông Sáu và một số đồng chí trong Đảng ủy thì thấy tìm cơ hội đánh Mỹ trước một trận là hay hơn, đánh được mạnh hơn, địch bị đau hơn. Nhưng một số anh em khác thì vẫn còn lướng vướng.
Ông Sáu tự thân mình đi nghiên cứu địch và nhận định Mỹ sẽ đóng ở Biên Hòa, Lai Khê, Phước Vĩnh. Vậy thì thế nào chúng cũng di chuyển trên hai trục đường Biên Hòa – Lai Khê và Biên Hòa – Phước Vĩnh. Sau khi đã chuẩn bị căn bản xong phương án đánh điểm X để diệt viện, ông kéo cán bộ đi chuẩn bị đánh Mỹ trên đường 16. Nhưng nhiều hiện tượng tỏ ra địch biết ta chuẩn bị nên không đi nữa, ông lại chuẩn bị đánh địch trên đường 13, ông vừa định tập trung lực lượng đánh địch một trận ở Lai Khê khi chúng mới tới, nhưng chỉ ít lâu sau thì nhiều tin tức cho biết chúng ở đó quá đông, quá rộng và đã tăng cường công sự, ta đánh không chắc thắng hoàn toàn … Như thế là trừ phương án đánh điểm diệt viện ra ta vẫn chưa có một phương án nào đánh Mỹ được tốt cả. Các cán bộ đi theo dõi địch, chuẩn bị chiến trường đều tỏ vẻ thiếu tin tưởng rằng cứ linh hoạt tìm Mỹ mà đánh là có thể đánh được. Những ý kiến yêu cầu quay về phương án đánh điểm cho nó ổn định lại nổi lên.
Ông Sáu quả thật cũng bối rối. Khi họp với cấp trên, ông nhận nhiệm vụ và có yêu cầu trên cho những phương châm hoạt động cụ thể. Nhưng đồng chí đại diện cấp trên nói rằng : “Ta làm chiến tranh nhân dân, có khi có phương châm rồi ta mới đánh. Nhưng cũng có khi cứ đánh rồi nó ra phương châm. Bây giờ chỉ biết là chúng ta nhất trí trên dưới nhất định phải đánh bại Mỹ. Thế còn phương châm thế nào, ở bàn hội nghị không có thì ngoài chiến trường nó sẽ có. Các đồng chí có trách nhiệm sáng tạo phương châm đánh Mỹ”. Thế là ông Sáu phải bàn với anh em. Về lý thuyết, mọi người thấy hợp lý nhưng về thực tế ở chiến trường thì ta tìm mãi chưa chộp được thằng Mỹ nào để đánh, thế thì “linh hoạt” đến bao giờ ?
Với kinh nghiệm lâu năm, ông Sáu cảm thấy có nhiều cơ hội đánh Mỹ, nhưng ông không làm sao có được chứng cớ cụ thể để thuyết phục anh em. Trong lúc đó điện cấp trên lại nhắc : “Ngày “N” đến rồi, nếu tìm Mỹ đánh có khó khăn thì nên tập trung lực lượng vào phương án cơ bản, kẻo mất thời gian”.
Vì thế mà chỉ huy sở dời về đây để chỉ huy bộ đội gấp rút bước vào tác chiến theo phương án cơ bản, nhưng vẫn trong một thế triển khai cơ động, đánh địch được nhiều mặt.
Giờ đây, trong đầu óc ông Sáu vẫn lẩn quẩn hai vấn đề lớn không dứt ra được. Một là tại sao chưa đánh được Mỹ ? Có còn cơ hội đánh Mỹ nữa không ? Hai là trong dịp tới, trận đánh Mỹ sẽ diễn biến như thế nào ? Có gặp Mỹ không, sẽ đánh Mỹ thế nào đây ? Đối với quân ngụy, ông Sáu có thể dự đoán được các diễn biến và dễ làm chủ tình hình. Nhưng còn quân Mỹ, ông chỉ mới nghiên cứu nó trên lý thuyết, ông chưa hình dung được diễn biến cụ thể của trận đánh với Mỹ.
* * *
Bây giờ mọi việc đã xong xuôi, tất cả cán bộ và bộ đội đang tập trung vào nhiệm vụ cơ bản. Một đơn vị ở xa đã được lịnh điều về gần. Nhưng ông Sáu vẫn bị phân tán tư tưởng, ông vẫn cảm thấy một cái gì hơi tiêng tiếc, vẫn cảm thấy niềm khát khao được đánh Mỹ một trận ra trò chưa được thỏa mãn. Ông ngồi lặng giờ lâu trên võng, thấy thèm có người trao đổi. Nhưng ông biết lúc này cả anh Ba, tham mưu trưởng và anh Tư, chủ nhiệm chính trị, hai người bạn chiến đấu gần gũi của ông đi vắng cả.
Nhưng chợt nhớ ra điều gì ông vỗ túi quần túi áo, nắn nắn tìm tìm. Rồi ông “à” lên một tiếng, lật đật đứng dậy, với lấy cái túi vải treo ở đầu võng, rút ra một bọc nhỏ, cầm trân trọng ở nơi tay ngắm nghía. Bộ mặt nâu đồng nhiều nét nhăn của ông bỗng rạng lên một niềm vui sướng, đôi mắt xanh đục mệt mỏi bỗng sáng lên một ánh sáng dịu dàng, miệng ông nở một nụ cười thật rộng, thật âu yếm, cả thân hình cao cao gày gày của ông bỗng thoáng một nét trẻ trung khỏe mạnh. Ông xoay người nhanh nhẹn ngồi xuống võng và ngắm chầm chậm “Nguyễn Thị Ngân – Bến Tre gửi chú Sáu Nguyễn, Hộp thư …”. Ông gật gù ra vẻ đắc ý. Một niềm hân hoan khó tả đang rung động trái tim ông. Gần như cùng một lúc, ông thoáng thấy bàn tay tròn trịa cầm bút nắn nót, mái tóc ngắn rậm, đen và rồi có một mùi thơm dịu dàng, đôi mắt nhỏ trong suốt với đôi lông mày dài rất đẹp, cái miệng cởi mở, khỏe khoắn phô cả lợi ra, cái miệng mà nhiều người nói là giống miệng ông nhất, của một người cháu gái chắc chắn, dịu dàng rất thân thiết với ông.
Ông cũng lại thoáng thấy cả hình ảnh vạm vỡ, với bộ mặt trắng trẻo, cũng cái miệng rộng giống với những tiếng nói ồm ồm mà nhão nhẹt của thằng Thắng cháu ông, tiểu đội trưởng một đơn vị thuộc ông chỉ huy, mà ông mới gặp cách đây mấy hôm. Ông vẫn cười một mình, từ từ xé mép miệng ni-lông bọc ngoài và mở cái bọc ra, bỗng ông thấy rơi tóe ra trên đùi ông hai cái thư nhỏ, một tấm ảnh và một bọc nhỏ con con mềm mềm. Ông nhặt từng thứ một xem và hơi chau mày với một vẻ tự hào âu yếm kín đáo, ông lẩm bẩm một mình :
- Con nhỏ này lắm chuyện dữ !
Ông xếp gói nhỏ và cái thư có đề “nhờ chú chuyển cho anh Thắng” lại, rồi cầm tấm ảnh ngắm nghía sung sướng. Trên tấm hình là một cô gái – Cô Ngân, cháu ông đứng cạnh gốc dừa, mặc bộ bà ba đen, quấn khăn rằn ở cổ. Tấm hình thực ra không có gì đẹp. Nhưng ông Sáu thấy xúc động lạ, ông cảm thấy chưa lúc nào đứa cháu gái ông gần gũi và thông cảm với tâm hồn ông bằng lúc này. Một ý nghĩ rất phấn khởi chạy qua đầu ông: “Đây, đứa cháu gái này là của ta, tâm hồn này cũng là tâm hồn của ta đây !”. Rồi chợt vội vàng, ông xé bì thư đề tên ông ra để đọc, ông làm như đọc những dòng thư kia, nó sẽ làm cho tình cảm của ông càng sáng rõ ra, càng thấm thía thêm. Nhưng ông Sáu hơi thất vọng, bức thư chỉ có mấy dòng:
Chú,
Con nhớ chú quá, muốn gặp chú quá. Chuyến này con đi thanh niên xung phong phục vụ chủ lực đây, may ra con gặp chú. Mai con lên đường. Má con vẫn khỏe. Con đi, má con sang ở bên cậu Năm. Má con khuyến khích con nhiều lắm, nhưng con cũng nhớ má con quá. Con thích đi lắm, mà sao vẫn khóc quá chú ạ.
Chú đưa hộ thư cho anh Thắng con và con gởi tặng anh con cái khăn tay nhỏ. Chú coi, nếu chú thích, con sẽ may tặng chú một cái. Chú chịu không? Hình con đấy, chú giữ cho con và cho anh Thắng coi, hay chú đưa cho anh Thắng cũng được. Bây giờ con vội quá. Con mong gặp chú, gặp chú con nói nhiều chuyện quê hương chú nghe. Chắc chú cũng vui lòng cho con đi heng chú.
Con của chú
Ngân
Ông đọc lại một lần nữa, gấp thư lại và cầm tấm ảnh nhìn, ông lật mặt sau tấm ảnh, đọc mấy dòng chữ:
Con Ngân của chú
Em Ngân của anh.
Và chữ ký nguệch ngoạc. Ông lại mỉm cười, thu tất cả nhét vào túi, đứng chắp tay sau lưng thong thả đi lại trước võng. Niềm vui của ông vụt tắt mất phần nào rạo rực sôi nổi. Ông nhớ tới con ông, thằng Xuân cùng với má nó bị bom Pháp giết mất năm nó chín tuổi, thằng con trai đẹp đẽ, khôn ngoan và người vợ hiền tận tụy, cần cù. Ông nghĩ tới anh Tư của ông là tía thằng Thắng và con Ngân, một cán bộ kháng chiến ở xã rất tốt, bị Mỹ - Diệm chặt đầu trả xác bắt nộp phạt. Nghĩ tới cảnh chị Tư và thằng Thắng, con Ngân líu ríu khóc lóc đi nhận xác chồng, xác cha… Ôi, thằng Xuân còn thì năm nay cũng kém thằng Thắng một tuổi và hơn con Ngân hai tuổi đây, có lẽ nó cũng đi bộ đội Giải phóng quân…
Ông nghĩ lại những cảnh gian khổ của chị Tư và hai cháu. Những năm đen tối, ông hoạt động ở tỉnh nhà, giúp đỡ chị Tư, dạy bảo hai cháu. Hồi năm 1956, ông đã có quan hệ tình cảm thật tốt đẹp với một chị cán bộ huyện. Chị ngót ba mươi tuổi mà vẫn chưa có chồng. Trong kháng chiến chị là du kích. Chị hết sức tận tụy công tác và tính tình hiền dịu lạ thường. Các đồng chí chung quanh cũng đã có ý muốn xây dựng lại cho hai người nhưng đến năm sau thì chị bị bắt và sau đó chị bị bọn Mỹ - Diệm giết hại một cách âm thầm. Thế là từ đó ông Sáu lại càng trút hết cả tình thương yêu vào hai đứa cháu và thật sự ông đã thấy ở chúng, hai đứa con đẻ của ông. Ông lo lắng cho chúng. Ông tự hào vì chúng. Ông cảm thấy được an ủi, đầm ấm với chúng. Chúng nó tin cậy ông, quấy rầy ông, nhũng nhẽo với ông và nghe theo tất cả những lời khuyên lớn nhỏ của ông. Ông dạy chúng không phải bằng những lời lẽ nghiêm khắc mà bằng một tình cảm dịu dàng lạ thường. Chúng nghe ông không phải vì sợ mà vì thương ông. Đôi khi ông cảm thấy đôi chút cô đơn và có các đồng chí nhắc nhở thúc giục, ông cũng thoáng thấy nghĩ đến một tình cảnh đầm ấm gia đình. Nhưng một mặt công tác quá bận rộn, ông lần lữa quên đi, một mặt hầu như ông không muốn chia sẻ tình thương của ông với ai nữa ngoài hai đứa cháu yêu quý của ông.
Mỗi lần có gì gợi lại cảnh gia đình, ông đều thấy có một cái gì đau xót tê tái, một sự thù hận thấm thía, nhưng ông cũng thấy một niềm vui đặc biệt, một sự tin tưởng ấm áp. Ông thấy mình đang đứng giữa những người thân thiết, trong trắng lành mạnh, ông thấy cuộc sống của ông rõ ràng dứt khoát thoải mái. Ông thấy ông không phải là đang chiến đấu mà là đang xây dựng một cuộc sống mới với những con người có tâm hồn đẹp đẽ lạ thường. Ông và các cháu ông, những người thân thiết của ông và tất cả các gia đình khác trên mảnh đất miền Nam yêu dấu này cũng đang như ông, cùng ông sống một cuộc đời mới như thế. Căm thù sự tàn ác bạo ngược và căm thù sự lừa dối lắng sâu trong người ông. Ông gắn bó với các đồng chí của ông, các chiến sĩ của ông, với mỗi gia đình trong nhân dân ở miền Nam cũng bằng cái tình cảm căm thù đó. Đã có lần ông ngồi kể chuyện đời ông cho một nhóm chiến sĩ nghe nhân có Thắng ở đó. Ông xúc động biết bao khi nhìn vào những ánh mắt, những tiếng thở dài xuýt xoa và ông đã thức gần trọn đêm để nghe lại tất cả các cuộc đời của hơn hai mươi chiến sĩ ấy. Đối với mỗi cuộc đời, ông đều thấy thù cha truyền đến đời con, thù nhà chồng lên hận nước. Cả một dân tộc căm thù và chiến đấu. Và chính trong cuộc chiến đấu này, cả một dân tộc lớn lên vĩ đại và anh hùng.
Một niềm thương cảm dạt dào trong ông. Ông khao khát có được đôi chút rảnh rang đón con Ngân, thằng Thắng về chơi với ông một ngày để ông hưởng những giờ phút trẻ trung mãnh liệt của những đứa con oanh liệt của ông, để hướng những phút chăm sóc dịu dàng, để ông lại truyền cho những đứa con đó những tình cảm, những kinh nghiệm, những hiểu biết, đưa chúng nó tiến bước mới trên con đường chiến đấu rộng rãi bao la ; cầm tay chúng nó, nhìn vào mắt chúng nó, cho chúng nó ăn một bữa cơm, khuyên nhủ chúng nó vài lời, nhìn chúng nó chải đầu, ngắm chúng nó trong giấc ngủ … Ôi ! Chúng nó, những giọt máu của máu ông ! Những giọt máu đi trả thù cho những giọt máu …
Nắng chiều nhạt dần. Rừng thẫm màu hơn, Hoàng đã tất tả đi về phía nhà bếp để lấy cơm cho ông Sáu. Ông Sáu chợt xem đồng hồ. Nỗi tê tái trong tình cảm của ông vụt biến. Một sự sốt ruột đột ngột đến với ông. Ông lẩm bẩm : “Sao đến giờ này không có tin tức gì kìa ?”. Và ông với lấy cái túi vải khoác vào người, bước vội về phía ban tác chiến của mặt trận.
* * *
Đêm đã khuya, ông Sáu cùng anh Ba, tham mưu trưởng mặt trận và anh Tư, chủ nhiệm chính trị mặt trận còn ngồi trao đổi thảo luận. Ba người ngồi quanh chiếc bàn nhỏ trên có ngọn đèn con với ngọn lửa đỏ quạch lay động không ngừng. Ba người lại cũng là ban thường vụ của Đảng ủy mặt trận.
Lúc chập tối, khi anh Tư, anh Ba đi công tác về, thu thập tin tức thì lại thấy nhiều dấu hiệu tỏ ra địch sẽ tiến quân trên đường 13 và có thể sẽ có quân Mỹ đóng ở Bàu Bàng. Nào là phi cơ trinh sát, pháo bắn dọn đường, nào là quân Mỹ ở Lai Khê chuẩn bị hành quân xe tăng, xe cơ giới, Mỹ tập trung ở Lai Khê nhiều … Nhân dân cung quanh vùng này với kinh nghiệm chiến tranh già dặn đều nói là địch sắp càn và tấp nập cùng du kích chuẩn bị chống càn. Ông Sáu lại bị xáo động tư tưởng một phen. Một việc hiện đang hướng vào việc đánh điểm. Đêm mốt là phải đánh. Cán bộ đơn vị đánh điểm đi chuẩn bị thêm ở điểm rồi. Tất cả cán bộ hậu cần – dân công cũng triển khai theo kế hoạch đánh điểm rồi. Bây giờ lại có tin mới. Tin này có đúng không ? Ngày mai, Mỹ đi thật không ? Có đúng nó sẽ đóng một bộ phận ở Bàu Bàng không ? Nó sẽ đóng thế nào ? Đóng nhiều hay đóng ít. Nếu nó đóng mà lại đóng nhiều thì đánh làm sao ? Có đánh được gọn không ? Nếu không đánh được thì quay lại đánh điểm còn kịp không ? Bộ đội cứ chụp hụt địch mãi có mệt không ? Quyết định thế nào đây ? Ông Sáu phải có ý kiến cho dứt khoát, rõ ràng, đủ lý lẽ để báo cáo thường vụ quyết định ? Phải quyết định ngay để kịp dồn bộ đội lại theo một đội hình thuận lợi. Điện lên cấp trên xin chỉ thị thì không kịp, sẽ lỡ cơ hội. Mà đã là Bộ chỉ huy mặt trận thì phải có ý kiến quyết định rõ ràng tại mặt trận chứ ! Ông Sáu vừa là chỉ huy trưởng vừa là chính ủy và là bí thư Đảng ủy, ông phải có ý kiến đề nghị.
Ông còn nhớ hồi chập tối anh Ba tham mưu trưởng ngồi một tay ôm cái xà cột to tướng trên bụng, một tay xoa xoa bộ râu quai nón xanh rì, chớp đôi mắt tròn thô lố, hắng giọng ba lần rồi mới nói :
- Đánh được trận này kể cũng hay, nhưng cứ ham bắt cá hai tay, không tập trung lực lượng vào một quyết tâm thì cũng gay.
Còn anh Tư, nhìn một cách tiếc rẻ vào cuốn sổ tay ghi chằng chịt những con số và những tình hình tư tưởng bộ đội mà anh chưa được báo cáo với chính ủy, nói một cách rành rọt :
- Tôi nghĩ rằng đánh Mỹ trước cũng tốt và đánh ngụy trước rồi sau đánh Mỹ cũng tốt, miễn là phải đánh và đánh cho chắc thắng !
Ông Sáu không có ý bực mình gì về hai người cán bộ rất thân thiết này đối với ông. Những suy nghĩ của họ không phải là dở, không phải có cái gì lệch lạc. Đó là những suy nghĩ đầy tinh thần trách nhiệm. Ông chỉ bực cho ông chưa nói hết được ý nghĩ và tình cảm của ông. Một tình cảm sâu sắc thúc giục ông phải đánh Mỹ trước. Ông cảm thấy đó cũng là tình cảm của hàng ngàn chiến sĩ trong đơn vị ông, biểu lộ ra trong các quyết tâm thư gởi lên Đảng ủy Mặt trận. Đó cũng là tình cảm của hàng ngàn nhân dân khi họ rủ nhau đi dân công.
- Đi dân công đánh Mỹ đây nè !
Ông cũng tính toán, cũng phán đoán và ông thấy dù là có một khả năng ít ỏi, nhưng cứ tranh thủ chộp lấy, tạo ra cơ hội cho mình. Nhưng những lý lẽ của các đồng chí của ông cũng thật là cứng, khó lòng bẻ gãy. Ông chỉ mới bẻ gãy về tình cảm mà chưa có lý nào rõ hơn sâu hơn. Vả lại các đồng chí đó không phải không muốn đánh Mỹ. Các đồng chí đó muốn tiến hành công việc một cách vững chắc. Các đồng chí đó chưa tin vào những phán đoán và những tin tức …
Từ chập tối, suốt mấy giờ liền, ba người hết nghe trinh sát báo cáo, nghe tác chiến báo cáo, truyền tay nhau đọc từng tin viết nguệch ngoạc ở các nơi gởi về, dò dẫm trên bản đồ, trao đổi phân tích. Trong lúc ấy đồng chí trưởng ban tác chiến người bé nhỏ, răng hơi thô, mắt kèm nhèm phải đeo kính trắng thường xuyên, thỉnh thoảng lại chen vào :
- Báo cáo xin các anh quyết định sớm. Tôi đề nghị cho đánh Mỹ trước ạ - Rồi không chờ ai trả lời, anh quay quả ra đi, cái xà-cột đen bên người kêu lên phành phạch.
Anh Ba còn nhận được thư của anh Chín trung đoàn trưởng trung đoàn 2 hỏi xem có gì thay đổi trong nhiệm vụ không và nói Mỹ sắp ra đây, có đánh không ? Anh Chín đang đi đón bộ đội của anh từ ở xa điều về.
Anh Năm, đoàn trưởng đoàn 3 thì chạy ào vào như một cơn gió, móc vội trong túi ra một sơ đồ, nói hối hả một tràng dài về nhận định của anh và đề nghị với Đảng ủy cho đánh Mỹ. Anh Năm là một đoàn trưởng mà ông Sáu hiểu rõ hơn cả vì đã cùng ông trưởng thành trong một đơn vị mà lên. Anh còn trẻ, rất hăng, rất thông minh, nhưng ý kiến thường vội vàng, gặp sự biến đổi đột ngột cũng hay bối rối. Ông Sáu gặp anh, bao giờ cũng vui. Ông giãn đôi chút sự căng thẳng trong suy nghĩ, bắt tay anh và nói :
- Được rồi, cậu về nghỉ đi. Nắm cho vững các phân đội, sẵn sàng chờ lệnh nhé. Quyết định đánh sao cho thắng mới hay chứ, hử hử - Ông Sáu nói hay hử hử ở cuối câu, mỗi khi xúc động nhiều, chẳng phải để hỏi ai, nhắc ai, nhưng là để chấm hết câu thôi.
Cho đến bây giờ mọi ý kiến đã ngã ngũ. Cả thường vụ nhất trí là nắm quân Mỹ đi ra và sẽ đánh chúng một trận ở Bàu Bàng. Còn nếu vì tình hình gì không đánh được địch ở Bàu Bàng thì việc đánh điểm xin chậm đi vài ngày, chắc cấp trên cũng chấp thuận.
Anh Ba và anh Tư lúc này đều vui vẻ. Anh Ba đeo kính vào ngó bản đồ lần nữa, rồi nói :
- Đánh Mỹ trận đầu có nhiều cái hay về mặt chung cũng như về mặt riêng của đơn vị mình, việc gì lúc đầu chả khó, nhưng làm đi, rồi nó ra kinh nghiệm cụ thể. Thuận lợi lớn nhất của ta lúc này là khí thế đánh Mỹ đang lên cao, bộ đội triển khai được cơ hội, địa hình trận địa được nghiên cứu kỹ. Chỉ sợ đánh không được, chứ đánh thắng thì cấp trên không phê bình bao giờ. Các đồng chí ấy cũng nhiều lần nói thế rồi !
Anh Tư thì nói :
- Quyết định này không trái gì tinh thần của nghị quyết Đảng ủy và mệnh lệnh của cấp trên. Đây là một quyết định linh hoạt và rất hay. Ta nhất trí làm thôi anh Sáu hè !
Ông Sáu tháo kính ra đặt vào hộp, rồi vừa gấp bản đồ, vừa nói :
- Thôi, bây giờ anh Ba lệnh cho anh Bảy trở về chỉ huy sở, chỉ để lại ít trinh sát bám điểm, tổ chức liên lạc cho chặt chẽ. Tôi sẽ viết điện vắn tắt báo cáo cấp trên.
Mọi người sắp đứng dậy thì Hoàng từ đâu chạy đến, tay xách bi-đông nước, tay cầm một gói giấy :
- Ấy các anh, có nước trà bánh in, các anh ăn chút cho đỡ đói.
Anh Tư xem giờ, ngáp nói :
- Hay lắm, có bồi dưỡng đây, gần mười hai giờ đêm rồi còn gì …
Ông Sáu nằm duỗi dài trên võng cầm miếng bánh in cười khà khà :
- Tay Hoàng này có chính sách chu đáo thật ! Khá lắm !

II
Ông Sáu bị gọi dậy từ ba giờ sáng và được báo tin là có anh Mười, đại diện cấp trên về, đang ở bên tỉnh ủy muốn gặp ông Sáu để biết tình hình và chủ trương tác chiến. Ông Sáu tỉnh hẳn ngủ và cảm thấy đỡ căng thẳng. Tuy đã gần năm mươi tuổi mà ông cảm thấy lúc này có một niềm vui sướng rất trẻ trung. Đã nhiều lần như thế. Mỗi khi ông phải quyết định một việc gì hệ trọng mà có một đồng chí cấp trên trao đổi thêm, đôi khi cũng phân tích như ông thôi, nhưng ông thấy vững vàng hơn, cảm thấy có một sự nâng đỡ khuyến khích kỳ lạ. Ông thấy cấp trên thông cảm rất rõ với những lo lắng, khó khăn của ông và thông cảm cả với những quyết tâm của ông.
Nhiều lúc ông Sáu thấy ông không thể nào tưởng tượng nổi là ông làm việc mà lại không có một tập thể, không có cấp trên cấp dưới dựa vào nhau. Tuy có những việc ông tin chắc vào quyết định của mình là đúng, là chắc ăn, nhưng có người để trao đổi, có cấp trên để báo cáo, ông vẫn thấy sung sướng hơn, vững chắc hơn, bật ra nhiều khía cạnh mới mẻ hơn. Lần này ông vội đi ngay, rất tỉnh táo vì ông cũng cần đi ngay để báo cáo những ý kiến của thường vụ Đảng ủy và sẽ được sự quyết định tại chỗ. Quyết định đó sẽ là chỗ dựa vững chắc cho mọi hành động của ông.
Tám giờ sáng, khi quyết tâm của ông được chấp nhận một cách nhanh chóng, ông còn biết thêm là cấp trên cũng có một quyết tâm rất lớn là phải làm sao đánh được Mỹ một trận trước, không câu nệ thời gian, không câu nệ vào nguyên tắc mở đầu chiến dịch, sáng tạo ra một lối đánh mới thích hợp với đối tượng địch là Mỹ.
Ông Sáu và Hoàng về đến chỉ huy sở thì mười giờ sáng. Tình hình đã rõ ra nhiều : Quân Mỹ có di hai tiểu đoàn bộ binh và có nhiều cơ giới yểm hộ. Nhân anh Năm ở gần, ông Sáu hội ý qua với anh Ba, anh Tư xong lại đi thẳng xuống chỗ anh Năm bàn bạc và hướng dẫn thêm.
Ông dặn dò anh Ba nắm đơn vị anh Bảy cho chắc, phổ biến nhiệm vụ cho anh Bảy rõ ràng. Ý định của Đảng ủy là sẽ tiêu diệt một tiểu đoàn Mỹ và đoàn anh Năm sẽ là lực lượng chủ yếu đánh địch. Đoàn anh Bảy tham gia một phần lực lượng còn thì là dự bị cho trận đánh. Đoàn anh Chín sẽ tập hợp về một chỗ cơ động, sẵn sàng cho những nhiệm vụ tiếp theo của ngày hôm sau. Ông Sáu đi rồi, các cơ quan tham mưu, chính trị xoáy lên như một cơn lốc, hàng trăm việc dồn dập phải làm. Trưởng ban tác chiến Cương ngồi đứng không yên, tháo kính ra lau, đeo lên mũi rồi lại tháo ra lau nữa. Cán bộ đi về tấp nập. Nào là thông tin thiếu dây không triển khai được đủ ; kế hoạch thông tin của đoàn 7 vì chuyển đột ngột nên lúng túng ; đoàn 7 chuyển chỉ huy sở, thông tin mặt trận chưa biết ở đâu ? Nào địa điểm quân y đặt vào chỗ vừa bị bom làm tan nát, xa nước ; nào là đoàn B đón thanh niên xung phong chưa gặp, đoàn A lĩnh vũ khí thiếu mấy chục thủ pháo ; sắp đánh Mỹ mà địch vận chỉ có toàn truyền đơn cho ngụy ; điện đài của thông tấn xã hỏng ra-gô-nô, yêu cầu mặt trận cho mượn cái khác …
Một việc lý thú khó xử cho anh Ba là có một đội du kích đến ngay chỉ huy sở đòi gặp ông Sáu xin tham gia trận đánh, đề đạt ý kiến về cách đánh. Anh Ba không hiểu tại sao ý định tác chiến của mặt trận lại lộ bí mật, hỏi anh đội trưởng là tại sao biết thì anh chỉ cười … Bây giờ bảo họ về không được, mà việc nhỏ thế này cũng phải hỏi ý kiến ông Sáu thì coi bất tiện quá.
Anh Ba đành phải lên mặt nguyên tắc :
- Bây giờ các đồng chí cho biết, các đồng chí ở xã nào ? Tôi còn phải cho người đi báo cáo chi bộ ở xã xem ý kiến chi bộ thế nào chứ ? Nhiệm vụ của các du kích xã đã phân công rồi mà.
Đồng chí đội trưởng người ốm nhách hay cười có đôi mắt sâu thăm thẳm, nói lửng lơ :
- Chúng tôi không thuộc xã nào cả !
Đôi mắt thô lố của anh Ba lại chớp lia chớp lịa, tay vỗ vỗ vào cái xà-cột to tướng trước mặt, anh càu nhàu :
- Vậy là thế nào ?
Anh đã nhấp nhổm định đi làm việc khác, nhưng lại thấy thương và mến cái anh đội trưởng lạ lùng này, anh cố nén sốt ruột, hỏi kỹ lại thêm. Thì ra không phải là du kích của xã nào cả. Đây là một đội công tác của huyện hoạt động ở vùng này, võ trang tuyên truyền, xây dựng cơ sở sâu vào ấp chiến lược. Đồng chí đội trưởng này quen biết ông Sáu từ lâu nên muốn trực tiếp gặp ông Sáu. Nhưng anh cũng sẵn sàng báo cáo thêm tình hình địch và nêu ý kiến với anh Ba …
Công việc cứ thế rồi bung lên cho đến năm giờ chiều. Lúc này ông Sáu đã về chỉ huy sở nghiên cứu, kiểm tra lại tình hình một lần nữa. Thấy rõ thế địch đóng đúng như dự kiến của Bộ chỉ huy, ông vui vẻ hạ lệnh cho các đơn vị xuất kích. Tất cả đều theo kế hoạch đã định : tập trung một lực lượng lớn tiêu diệt một tiểu đoàn Mỹ ở phía bắc Bàu Bàng, một bộ phận kiềm chế địch ở Lai Khê, một bộ phận nghi binh bao vây bọn Mỹ ở Đồng Sổ và chặn đánh chúng khi chúng tiếp viện cho Bàu Bàng.
* * *
Sau khi đã truyền lệnh xuất kích cho các đơn vị, chỉ huy sở mặt trận rơi vào một không khí yên lặng, đợi chờ. Các nhóm cán bộ lặng lẽ tranh thủ đi ăn cơm, thu xếp lại chỗ làm việc, xếp đặt lại giấy tờ, gọt bút chì, lấy mực thêm vào bút. Mấy đồng chí thông tin giữ máy điện thoại thỉnh thoảng lại khàn khàn cất giọng “A-lô, a-lô”, bắt liên lạc với các đầu mối … Các nhóm cán bộ hình thành dần, các cuộc nói chuyện trao đổi lại xoay quanh các chủ đề quen thuộc. Nhóm thì gợi lại những kỷ niệm trận đánh tương tự, dự kiến những giây phút hồi hộp. Nhóm thì bình luận các kiểu võng, kiểu xà – cột, các kiểu ra-đi-ô. Có nhóm thì đang say sưa với cỗ bài Tu-lơ-khơ với những tiếng cười nhè nhẹ, tiếng sịt sịt kín đáo. Nhóm của trưởng ban tác chiến Cương thì hăng hái tìm mọi sáng kiến cho sự trang bị được nhẹ nhàng. Anh chàng răng hô này là quán quân về môn trang bị nhẹ nhàng. Ra-đi-ô của anh đút túi được. Võng của anh cũng đút túi được. Cái xà-cột của anh thì thật là tinh vi và cầu kỳ, nó rất nhỏ, rất nhẹ và rất đẹp, quai nó là một sợi dây dù hai đầu có móc nhỏ rất xinh, sổ sách của anh đều nhỏ bằng nửa của người khác và mỏng tanh. Anh chàng này hợp lý hóa trang bị cao độ. Miếng vải dù lớn của anh vừa làm tấm đắp vừa làm ngụy trang, vừa làm khăn quấn cổ. Anh có hai bộ quần áo lót, một cái quần, một áo sơ mi bằng thứ vải đắt tiền giặt mười phút là khô. Không mấy khi anh phải phơi quần áo. Tất cả các đồ dùng của anh đều nhỏ gọn, bàn chải đánh răng lại cắt ngắn, muỗng cũng cắt ngắn, dao cũng nhỏ xíu. Và tất cả những thứ đó với hộp dầu cù là vài thứ thuốc cần dùng, anh đều xếp đặt khéo trong một túi con may rất xinh xắn móc vào thắt lưng.
Trông anh túi bụi trong việc và nhìn vào các thứ trang bị được chau chuốt cầu kỳ chăm nom kỹ lưỡng, người ta không thể tưởng tượng nổi anh làm sao có đủ thì giờ vừa lo công việc vừa có thể sửa sang các đồ dùng được đẹp như thế. Anh ngược lại hẳn với anh Ba. Anh Ba thì người cũng to, xà cột lúc nào cũng đầy căng to sù sù ! Cái ra-đi-ô cũng cồng kềnh không kém. Người đang sốt rét mà trông thấy cái xà-cột và cái ra-đi-ô của anh đeo thì cũng phát hoảng lên mà thấy mệt không đi nổi nữa. Cho nên, ít lâu nay, anh không tham gia vào chủ đề trang bị nhẹ với anh trưởng ban tác chiến nữa vì lần nào anh cũng bị ghẹo và xin thua. Nhưng anh không chịu được những thứ đồ dùng tắt mắt cầu kỳ. Anh không thể ôm cái ra-đi-ô khư khư mà gượng nhẹ, mò mẫm từng tý để tìm sóng điện được … Anh Ba tuy bận trăm công nghìn việc nhưng lại là người mê nghe ra-đi-ô vào loại quán quân. Anh có thể nói một cách trôi chảy toàn bộ chương trình phát thanh từ sáng tới tối của đài Tiếng nói Việt Nam và đài phát thanh Giải phóng. Anh có thể phân biệt hết tiếng của các người phát thanh, tiếng của Việt Hoa, Việt Hà, Lan Hương, Tuyết Mai … Anh còn ước đoán tuổi của từng người phát thanh qua giọng nói của họ và anh hay lôi cuốn người ta vào những cuộc bàn luận như vậy. Anh mê những buổi phát thanh nông thôn và các buổi tiếng thơ. Có lần đang mải nghe báo cáo và viết điện mà anh chợt nhìn đồng hồ, nhớ ra buổi tiếng thơ, anh vội mở ra-đi-ô rồi vừa nghe vừa viết điện, vừa gọi đồng chí liên lạc đến để đưa điện. Vì thế, nghe anh nói chuyện về kiến thiết xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, người ta cứ tưởng anh vừa mới ở ngoài Bắc vào.
Còn anh Tư thì lại hoạt động khác hẳn. Anh Tư người nhỏ nhắn gọn gàng, trạc ngoài ba mươi với bộ mặt nhỏ hơi dài có nước da bánh ếch. Mới thoáng nhìn, ta thấy anh khắc khổ nghiêm nghị, nhưng nhìn kỹ vào đôi mắt hết sức lanh lợi với cặp lông mày dài đẹp, cái miệng luôn luôn sẵn sàng mỉm cười và khi cười có hai cái răng nanh chìa ra rất rõ, thì lại thấy anh là người dễ tính, thẳng thắn, hay nói chuyện. Anh là người say mê công tác và cũng sang mê vui chơi, anh có thể đánh tu-lơ-khơ liền mấy tiếng đồng hồ và khi nào anh thích đánh thì anh rủ cho bằng được đủ người để chơi. Nhưng hôm nay, anh còn đang lo một chuyện. Anh chạy vội về lều tranh thủ cắm cúi viết cho xong bản báo cáo tóm tắt kinh nghiệm động viên đánh Mỹ của đơn vị anh để gởi về Cục Chính trị, theo chỉ thị của cấp trên.
Vì vậy quang cảnh chỉ huy sở hôm nay cũng như trong những giờ phút chờ đợi của nhiều trận trước đây, hoạt động phân tán thật nhiều vẻ phong phú.
Như thường lệ, ông Sáu đi đảo qua các nơi, nhắc lại cách sắp xếp thu dọn, tham gia đôi câu vào các câu chuyện rồi vòng về lều mình. Ông gọi anh Ba, anh Tư tới uống nước và gọi anh cán bộ thông tấn xã đến, nêu các ý kiến bình luận về trận đánh sắp tới để giúp ý cho anh đưa tin tức và bình luận. Đó là một cách để ông trút được những sự suy nghĩ thu hút về trận đánh ra cho nhẹ nhàng thoải mái và cũng là cách ông tiếp tục suy nghĩ về trận đánh cho đỡ nặng nề, căng thẳng. Tất cả những cảm giác xúc động khi nhận ra thư cháu, cảm giác náo nức khi gặp cấp trên của ông bây giờ tan biến hết. Mấy bức thư nhỏ bé quên trong đáy túi ông không nhớ gì đến nữa. Tâm trí ông bị hút hết vào trận đánh. Ông thoáng nghĩ đến Thắng trong trận này. Ông thấy hoàn toàn yên tâm vào kinh nghiệm và bản lĩnh chiến đấu của Thắng cũng như ông yên tâm về một cán bộ nào đó.
Thỉnh thoảng ông có nghĩ đến sự thương vong của anh em một cách đau xót trong người. Nhưng như một người cha đã chịu nhiều đau đớn nặng nề về các con, ông khẽ mím môi lại, tính đến cách giành thắng lợi cho trận đánh. Ông ít khi nghĩ đến chuyện Thắng hy sinh hay bị thương. Hình như đối với ông, chuyện đó không thể có được.
Tiếng rì rào đều đều của chỉ huy sở cứ đều đều cho đến lúc tiếng anh thông tin giữ máy nói bỗng hét to :
- A-lô, 12 đây ! Cái gì ? Anh Năm cần nói chuyện với anh Ba gấp phải không ?
Mọi người bỗng lặng cả lại, chờ đợi. Anh Ba lật đật ôm cái xà-cột lớn, bấm đèn chạy đi. Anh Tư cũng đi theo, ông Sáu bình tĩnh đứng dậy châm điếu thuốc lá hút, mắt đưa theo bóng anh Ba đi một cách chăm chú. Anh cán bộ thông tấn xã lặng lẽ cầm điếu thuốc lá ông Sáu mời, anh chưa kịp hút, cũng nhẹ nhàng rút lui …
Tin về như một gáo nước lạnh xối mạnh vào những trái tim đang sôi nổi, nhiệt tình của cán bộ. Trinh sát đi khắp chỗ quân Mỹ chuẩn bị đóng quân lúc chập tối không thấy có địch đâu cả. Trên đường 13 im lìm lặng lẽ. Cả trinh sát ở Bắc Bàu Bàng và trinh sát ở Đồng Sổ cũng đều báo tin như thế.
Anh Ba tháo chiếc xà-cột vứt đánh rầm trên mặt bàn, bảo đồng chí thông tin quay máy nói chuyện lại với anh Năm, rồi nói như gắt với trưởng ban tác chiến :
- Cương cho gọi Xuyên lên đây !
Xuyên là trưởng ban quân báo mặt trận. Ông Sáu cũng vừa bước tới. Cương đứng dậy mời ông Sáu ngồi vào chỗ mình, rồi tất tưởi sửa lại kính, bấm đèn chạy đi. Ông Sáu nhìn vào tấm bản đồ để trước mặt, vứt điếu thuốc lá dở đi, rồi mím môi lại, lơ đãng rút điếu thuốc lá khác cầm nơi tay. Anh Tư mặt lo lắng nói như nói một mình :
- Bộ đội xuất kích lâu rồi, khéo sắp đến nơi rồi còn gì ?
Ông Sáu hắng dặng, hừ hừ trong miệng chưa nói được tiếng nào, ông có cảm tưởng như ông đang trong trạng thái vận dụng hết sức lực toàn thân sắp nhảy chụp lấy kẻ địch thì bỗng kẻ địch đó biến mất. Ông suy nghĩ một cách bực tức tới khuyết điểm của việc bố trí trinh sát. Người ông nóng bừng lên khó chịu, thái dương căng và giật giật. Ánh đèn đỏ quạch chiếu vào mặt ông càng làm cho những nét nhăn hằn lên rõ rệt và đôi mắt càng sâu thẳm, nheo thêm. Trong giây lát, trong ông già hẳn đi. Cương trở về báo cáo rất to :
- Báo cáo các anh, Xuyên đi ra chỗ đại đội trinh sát rồi.
Anh Ba ngồi phịch xuống ghế :
- Thế đấy, cứ lúc cần tin tức thì nó lại đi đâu mất.
Các cán bộ khác đều lặng lẽ ngồi thu gọn lại chờ đợi. Cương sà vào bàn gợi chuyện.
- Tôi xin phép có ý kiến.
Ông Sáu đảo cặp mắt chợt sáng rực lên nhìn Cương, rồi khuyến khích :
- Nói đi !
Cương phấn chấn trình bày :
- Lúc chiều các tin tức đã được kiểm tra kỹ, đúng lúc sáu giờ là địch còn ở đó. Chỉ có từ đó đến giờ, cán bộ trinh sát lui về không chỉ đạo cho anh em trinh sát chặt chẽ, địch lợi dụng lúc đêm tối di chuyển đi. Theo lý thuyết quân sự của Mỹ, chúng không đóng quân cố định để tránh đối phương tập kích. Tôi chắc nó chỉ quanh đâu đấy !
Ông Sáu chậm rãi nói :
- Đúng, tôi cũng nghĩ như thế. Nhưng vấn đề là bây giờ nó nằm ở đâu ? Ta còn cơ hội đánh được nữa không ?
Rồi ông quay lại anh Ba, hỏi :
- Cậu Năm có ý kiến gì không ?
- Chưa, cậu ấy chỉ mới báo tin tức và còn đang lo nắm lấy hai phân đội, các phân đội khác kể cả phân đội phối thuộc cho cậu ấy không có kế hoạch mắc điện thoại, nên cậu ấy đang lo …
Ông Sáu như chợt nghĩ ra, nói vội :
- Anh chỉ thị cho cậu ấy tiếp tục cho trinh sát đi tìm dọc đường 13. Tìm mọi cách nắm cho chắc bộ đội. Thông báo tin cho cậu Bảy biết. Ta hội ý một chút !
Một lúc sau, mọi người lại được tin thêm : “Anh Bảy báo về là cả Đông Sổ cũng không có Mỹ, chưa biết Mỹ ở đâu”.
Lúc ấy, thường vụ Đảng ủy phán đoán :
- Hoặc là địch rút hết về Lai Khê,
- Hoặc là địch di chuyển quanh đây và chắc là nhiều khả năng địch vẫn ở ven đường 13,
- Cần xác định sớm tin tức để xử trí cho kịp, nếu không lộ cả đội hình quân ta ra, dễ bị phi pháo địch sát thương vô ích,
- Một vấn đề đặt ra là : Nếu địch cụm lại một chỗ cả hai tiểu đoàn bộ binh và hàng năm mươi xe cơ giới. Ta có thể diệt gọn được không ?
Tất cả chỉ huy sở lúc này chìm vào không khí nặng nề. Ai nấy đi lại đều rón rén, thì thào với nhau hoặc ra dấu làm hiệu. Không ai muốn làm náo động sự suy nghĩ cân nhắc của các đồng chí lãnh đạo. Ai cũng đang đặt ra cho mình những tình huống phải xử trí, sẵn sàng chờ lệnh của bộ chỉ huy để xoay vào công việc. Anh trưởng ban thông tin rón rén vào báo cáo khẽ với trưởng ban tác chiến Cương nhưng đủ để ông Sáu nghe, với một vẻ thỏa mãn của một cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ :
- Báo cáo anh, liên lạc với đoàn anh Năm và anh Bảy rất tốt và bảo đảm, trung tâm thông tin làm việc đều, liên lạc với trên tốt.
Nhưng anh chợt tiu nghỉu liếc nhìn các đồng chí thông tin ôm máy điện thoại rồi lặng lẽ đi ra, khi Cương trả lời :
- Địch nó đi đâu mất mẹ nó rồi, chưa tìm thấy.
* * *
Đến mười một giờ ba mươi khuya thì vấn đề gay cấn mà ông Sáu đặt giả định đã thành sự thật. Anh Ba nói lại :
- Anh Năm vừa báo cáo lên : Trinh sát đã nắm rõ là địch tập trung về phía Nam Bàu Bàng, trú quân thành một bãi lớn có xe cơ giới nằm bọc xung quanh. Trận địa dài gần hai cây số. Anh Năm vẫn chưa liên lạc được với hai phân đội phía bắc và phía đông. Anh ấy xin lên chỉ huy sở báo cáo và xin chỉ thị.
Ông Sáu hừ một tiếng, rồi kéo anh Ba, anh Tư và Cương lên lều ông, trao đổi. Cuộc trao đổi chưa ngã ngũ thì anh Năm đã ào ào tới, đèn bấm chiếu loang loáng.
Bộ mặt trẻ măng và đen sạm với hai hàm răng rất trắng, rất đều của anh Năm không làm ông Sáu có cảm giác vui vẻ như mọi lần nữa. Ông lạnh lùng bảo anh Năm :
- Ngồi xuống đây. Nói đi, uống nước đi ! Có hút thuốc không ? – Ông đưa cho anh Năm một điếu thuốc.
Anh Năm như không hề quan tâm tới không khí căng thẳng ở đây, anh hăm hở trình bày :
- Theo kế hoạch cũ, ta định diệt một tiểu đoàn Mỹ. Bây giờ nó đóng thành cụm lớn, tôi chỉ nắm được có hai phân đội, điều quân được đến nơi bố trí hỏa lực xong cũng gần sáng rồi. Tôi sợ không đánh được, nên phải trực tiếp lên báo cáo để xin ý kiến cho rõ.
Ông Sáu xem đồng hồ, đã gần một giờ sáng. Ông lặng lẽ cầm ca uống nước từng ngụm nhỏ. Người ông lại nóng ran lên một lần nữa, thái dương ông giật giật. Ông hừ hừ trong miệng. Ông nhìn anh Năm. Ông thấy anh Năm có lý. Đầu óc ông đang xoay tròn mấy chữ : “ưu thế binh lực” – “đánh chắc thắng” – “đánh ban ngày” – “Cái thằng Năm này, đặt vấn đề hóc búa !”.
Anh Ba hỏi anh Năm :
- Bây giờ tăng thêm cho anh một phân đội của anh Bảy, rồi cho đơn vị từ Đồng Sổ đánh thúc lên, được không ?
Anh Năm không cần suy nghĩ, trả lời ngay :
- Được chứ ! Nhưng còn hai phân đội kia tôi chưa bắt được liên lạc và đánh ban ngày có đánh không ? Quân đông thế mà phi pháo địch thì nhiều …
Anh Tư bỗng xoay mạnh người nhìn vào anh Năm :
- Đơn vị ta có truyền thống hiệp đồng theo tiếng súng kia mà. Anh có thấy là từ vị trí các phân đội kia đến chỗ Mỹ đóng, đủ nghe tiếng súng không ? Chỗ này anh em cán bộ nghiên cứu nhiều rồi. Anh em có lạc được không ? Tôi chắc không lạc …
Ông Sáu bỗng cảm thấy nhẹ nhõm một chút, dịu dàng nhìn anh Ba và anh Tư với khóe mắt và ngụ ý cảm ơn hai anh đã nói lên được rõ ràng những ý nghĩ đang hình thành trong đầu ông. Ông còn định suy nghĩ nữa, nhưng bỗng thấy một ý nghĩ vừa lóe lên trong đầu, ông không để cho thành hình hẳn, vội vàng rướn người về phía Năm, nói tiếp :
- Này cậu Năm, cậu có đánh phục kích ban ngày trên đường bao giờ chưa ?
Năm vẫn vô tư, hăm hở đáp :
- Có chứ !
Ông Sáu tiếp :
- Thế cậu thấy, nếu quân ta đến trận địa mà trời sáng, quân địch đang lục tục chuẩn bị hành quân, ta nện ngay thì có khác gì đánh phục kích không ? Mà lại là một trận phục kích rất đẹp chứ. Mình không phải chờ lâu. Mình đến là có địch đánh ngay rồi còn gì. Quan trọng là đánh cho trúng vào chỉ huy sở chúng nó, đánh thật mãnh liệt, chen vai vào địch, chia cắt chúng nó ra thì phi pháo làm gì được mình.
Năm vứt điếu thuốc lá hút dở đi, đứng phắt dậy :
- Báo cáo anh, thế thì được, tôi về làm ngay.
Ông Sáu dịu dàng nói thêm :
- Cậu lo ngại là đúng. Nhưng mỗi trường hợp ta đều có cách giải quyết cả. Lần này chắc sẽ có nhiều kinh nghiệm mới giúp cho bọn mình suy nghĩ được nhiều hơn, hử hử ! Thôi về đi, về làm đi, có gì khó cứ gọi dây nói lên nhé ! Năm giờ sáng nổ súng nhé ! Chúc thắng lợi nhé !
Tất cả mọi người bỗng thoắt thấy mọi sự việc quá giản đơn, quá rõ ràng. Ông Sáu thấy máu ở thái dương hết giật, người không nóng nữa. Cương lách chách đi như chạy về chỗ ban tác chiến. Ông Sáu bảo anh Ba :
- Anh Ba liên lạc ngay với anh Bảy, chỉ thị cho anh ấy đi. Anh ấy nắm vững bộ đội chứ, phải không ? Tìm cách liên lạc với các phân đội cậu Năm. Anh bảo cậu nào gọi hộ dây nói sang bên tỉnh ủy cho tôi nói chuyện báo cáo với anh Mười lại tình hình mới này. Chắc ăn được rồi đây, phải không ? Phải cho bọn Mỹ biết rằng nhân dân Việt Nam quyết đánh bại và có đầy đủ khả năng đánh bại chúng mới được !
Rồi ông quay lại anh Tư :
- Anh Tư nên gọi dây nói, nói chuyện trước với chính ủy các đoàn, nói rõ ý định và quyết tâm, phân tích thuận lợi khó khăn cho các cậu ấy thấy trước, trao đổi thêm cho các cậu ấy nhất trí để bảo đảm lãnh đạo cho chắc ăn.
Không khí chỉ huy sở lại rộn lên, tới tấp.
* * *
Ông Sáu nằm yên lặng trên võng nghỉ ngơi. Ông định ngủ một chút cho lại sức để tỉnh táo chỉ huy trận đánh. Nhưng ông nằm mãi không ngủ được. Ông chợt nhớ đến Ngân, đến Thắng, muốn dậy thắp đèn đọc lại thư của Ngân, xem cái khăn tay Ngân gởi cho Thắng thế nào, xem lại hình của Ngân … Nhưng ông chưa kịp thực hiện ý định thì dòng suy nghĩ của ông lại hướng về anh Năm, người cán bộ trẻ đầy triển vọng mà ông theo dõi giúp đỡ từ lâu. Ông như đang nhìn thấy hàm răng trắng đang sáng rực lên của Năm và thế rồi ông lại suy nghĩ miên man đến trận đánh, đến những triển vọng thắng lợi, đến dự kiến điều quân sau trận đánh, đến những trận đánh tiếp sau. Ông cân nhắc sức chiến đấu từng đơn vị, ông nghĩ đến tương lai sắp xếp một số cán bộ. Ông vừa cảm thấy phấn khởi thấy hàng ngũ cán bộ ngày càng hùng hậu, càng xuất hiện nhiều người xuất sắc, vừa cảm thấy nhói trong tim vì có thể sau trận này ông sẽ không còn được gặp lại một vài bộ mặt quen thuộc, thân yêu nào đó.
Vùng Hòn Chông, tỉnh Kiên Giang. Ảnh : Trần Độ.
 Ông cảm thấy trong người không được thoải mái lắm, sờ túi thấy hết thuốc lá, ông yên lặng đi nhè nhẹ sang lều Hoàng tìm thuốc. Nhưng đến nơi, Hoàng còn thức, ngồi bật dậy hỏi ông :
- Anh cần gì ?
Sau khi Hoàng đưa thuốc lá cho ông, ông hỏi Hoàng :
- Hoàng có biết sắp đánh to không ?
- Dạ, biết.
- Có biết là ta đánh Mỹ không ?
- Biết chứ.
- Có thích không ?
- Chà, đã quá trời !
- Có chắc ăn không ?
- Ta đã đánh thì phải thắng chứ !
- Mấy hôm nay các cậu cho mình ăn khá quá, còn các cậu ăn có gì không ?
- Cá khô, đậu phộng, hôm nay có thịt trâu, mấy hôm trước thì bị một bữa không có gì.
- Anh em có thuốc rê hút không ?
- Cũng có lai rai.
- Cậu Nghiệp hôm nọ bị bom mất võng, mùng, đã được phát lại chưa ?
- Phát rồi.
- Sao cậu không ngủ đi ?
- Sắp đánh nhau, nôn lắm không ngủ được. Sao gần sáng rồi chưa đánh anh Sáu ?
Ông Sáu chợt nhớ ra, xem đồng hồ, rồi thong thả đi ra chỗ ban tác chiến. Một số cán bộ đang nằm trên võng, miếng vải dù đắp lên người, lên mặt, ngủ ngon lành. Đồng chí trực ban tác chiến đang thức đọc sách. Các đồng chí thông tin vẫn ôm máy ngồi yên. Đồng chí trực ban đứng dậy, động vào cái bàn kêu loạt soạt.
Ông Sáu giơ tay ra hiệu im lặng. Nhưng anh Ba nằm ở lều gần đấy đã choàng dậy, ngó sang thấy ông Sáu, anh liền hối hả ôm xà-cột sang và nhắc đồng chí trực ban :
- Thôi gọi dậy hết được rồi đấy, gần đến giờ rồi.

III
Trận đánh bắt đầu hơi muộn : vào lúc hơn năm giờ sáng. Ông Sáu đã có chủ định dự kiến đầy đủ nên ông hết sức bình tĩnh trước sự nôn nóng ngọ nguậy, gắt gỏng của Cương và sự cau có khó chịu của anh Ba. Ông chăm chú nhìn vào bản đồ, tay cầm điếu thuốc lá chưa kịp châm, thỉnh thoảng lại gõ gõ vào mặt giấy. Rõ ràng là ông cũng đang chờ đợi. Thỉnh thoảng liếc nhìn đồng chí thông tin giữ điện thoại như để bắt gặp đồng chí đó gọi cán bộ lại nghe báo cáo của cấp dưới. Lúc này không khí chung quanh rất vắng lặng, không có những tiếng pháo nổ vu vơ, cũng không có tiếng máy bay địch bay đêm đáng ghét nữa. Quang cảnh chỉ huy sở cũng như nhiều lần chờ đợi các trận đánh trước đây, nhộn nhịp một cách lặng lẽ khó chịu. Hình như có một cái gì căng ra. Cảm giác quen thuộc của mọi người là chờ đợi một tin báo cáo hoặc chờ đợi nghe một loạt tiếng nổ quen thuộc bùng lên xa xa về hướng trận đánh mà ai nấy đều đã biết. Cương thì tay cầm bút chì lăm lăm, miệng cằn nhằn : “Chà sắp sáng rồi, không khéo lại phức tạp ! Này, thông tin vô tuyến điện lên máy sẵn sàng rồi đấy chứ ? …”.
Anh cán bộ thông tấn thì đang kéo anh Ba ra một góc thì thào hỏi chuyện và ghi chép lia lịa vào sổ tay của mình. Bỗng cả hai thứ mọi người chờ đợi cùng đến một lúc : tiếng súng lớn rộ lên ở hướng Bàu Bàng, đồng chí thông tin nói như quát vào máy : “A lô ! Sông Bé đây, phải rồi ! Sông Bé đây ! …” Cương liệng bút chì nhảy chồm lại, vồ lấy máy. Anh Ba ngừng nói chuyện, đi vội lại trước bản đồ. Ông Sáu liếc nhìn mọi người một lượt, khẽ mỉm cười và ung dung châm lửa đốt điếu thuốc thở một luồng khói lớn rất mạnh vào không gian. Mỗi khi thấy rõ được sự già dặn bình tĩnh của mình, ông đều vui vẻ nghĩ lại đời ông đã có hàng trăm lần sống những giờ phút như thế này rồi. Hình ảnh của Cương bây giờ gợi cho ông nhớ lại phảng phất hình ảnh của ông hồi chín năm, lúc ông còn là tiểu đoàn trưởng. Ông cũng không có ý thức rõ rệt là bây giờ ông bình tĩnh điềm đạm như thế nào ? Nhưng những cái hồi hộp, nôn nóng mong đợi đã quá quen thuộc với ông, nên ông cũng thấy không cần phải nôn nóng gì cả mà phải trầm tĩnh, tìm hiểu. Trước những tình hình diễn biến cụ thể phức tạp, khi chưa rõ được nguyên nhân, ông thường tự nhủ và nói với anh em : “Mỗi việc đều có nguyên nhân của nó, cái gì phải đến thì thế nào nó cũng đến thôi”.
Bây giờ cũng thế, ông cứ lẳng lặng nghe Cương nhắc lại từng câu trong máy nói làm như việc đó không quan hệ gì đến ông cả. Ông cứ hút thuốc. Nhưng trong đầu óc ông thì đang hiện lên rất rõ quang cảnh một chiến trường rộng lớn bao gồm tất cả các chỉ huy sở của anh Năm, anh Bảy, đến những khẩu đội súng nặng đang di chuyển, đến động tác một số đại đội trưởng, đến hình dáng thằng Thắng đang dẫn tiểu đội tấn công đến cả khu trú quân của Mỹ ngổn ngang xe cộ đang nhấp nháng sáng liên tiếp dưới ánh lửa các cỡ đạn pháo của ta.
Và các tình huống của trận đánh diễn ra trong đầu óc ông, ông suy nghĩ … ông bóp mạnh điếu thuốc.
Bỗng ông hỏi anh Ba :
- Liệu phòng không có tới kịp không ?
- Tôi vừa cho kiểm tra lại, có lẽ 4 giờ sáng nó mới nhận được lệnh.
Một cảm giác ân hận hối tiếc tràn lên trong lòng ông : việc điều quân chưa thật chu đáo. Ông mím môi lại, giữ một ý nghĩ xót xa không cho bật ra :
- Khuyết điểm ! Nếu trận đánh kéo dài không khống chế được máy bay địch thì thật ta có lỗi với chiến sĩ ta.
Anh Ba nói tiếp :
- Tôi đã chỉ thị cho các đoàn tổ chức phòng không bằng đại liên sẵn.
Ông Sáu lại trầm ngâm nêu ra các bài toán và tự mình giải đáp. Ông thầm ước tính : nếu mọi việc thuận lợi thì tám giờ sáng có thể thu dọn chiến trường. Ông suy nghĩ tiếp : chà một đòn lớn nện vào bọn Mỹ, thật là trên sự mong ước. Ta chỉ mới tính toán diệt mày từng đại đội, thế mà bọn mày lại ngu ngốc tập trung lại đây, ngay trên mảnh đất quen thuộc của đơn vị tao rồi. Ít nhất tao cũng ăn mày một tiểu đoàn.
Có hai bóng người tiến vào. Hoàng và cô cấp dưỡng xách lên bốn bi đông nước và bốn, năm cái ly đủ kiểu, đang lúng túng không biết đặt chỗ nào. Ông Sáu bỗng thấy một cảm giác dịu dàng thân thiết đối với những đồng chí quen thuộc của mình, ông đỡ bi đông từ tay cô cấp dưỡng và hỏi một cách thú vị :
- Các đồng chí đã nghe thấy gì chưa ? Đánh Mỹ rồi đấy !
Hoàng cười :
- Nôn quá, bây giờ mới hết nôn !
Cô cấp dưỡng cười bẽn lẽn, trả lời với một vẻ ngụ ý : tôi chẳng lạ gì điều đó !
- Nghe thấy rõ quá chú à !
Hoàng và cô cấp dưỡng quay ra rồi thì anh cán bộ thông tấn xã ra vẻ thành thạo :
- Này, tiếng súng thay đổi rồi nhé. Bây giờ tiếng súng lớn không dồn dập nữa. Nhiều tiếng súng nhỏ rồi. Giáp lá cà rồi đấy !
Mọi người đang uống nước thì Cương buông chiếc máy thứ ba anh vừa nghe xong, chạy vụt lại bàn vớ lấy bút, sửa lại kính sẵn sàng báo cáo. Ông Sáu giục Cương với một giọng vui vẻ, thân mật :
- Nào, cậu tường thuật đi !
Cương, với tất cả vẻ thông thạo nghiệp vụ của mình, cầm bút chì đỏ vạch trên bản đồ những ký hiệu và nói lại diễn biến trận đánh bắt đầu như thế nào một cách rành rọt như chính anh đã chạy qua tất cả các cánh tiến quân trở về vậy. Trận đánh bắt đầu một cách tương đối thuận lợi. Ba mũi nổ súng chênh nhau từ ba đến bảy phút. Mũi từ phía tây bắc đã xung phong đánh các xe của địch ở trước mặt và tiến sâu vào giữa đội hình của địch, mũi tây nam và nam cũng đã giáp địch, liên lạc với các mũi tốt.
Anh Ba nóng nảy :
- Còn phía bắc và phía đông có tin gì chưa ?
Cương thong thả, ung dung, ra vẻ một người nắm chắc vấn đề, đáp rành rọt :
- Báo cáo các anh, tôi đã hỏi, nhưng anh Năm chưa có tin gì. Tôi đã chỉ thị cho đài quan sát theo dõi động tĩnh ở phía trên và thấy có gì báo cáo ngay.
Ông Sáu vẫn im lặng, ông lấy làm hài lòng về những sự lo lắng chu đáo của các cán bộ cùng làm việc với ông. Ông nói như an ủi :
- Được, cứ yên chí, mới bắt đầu thôi. Ta có thể tin anh em nghe thấy tiếng súng thế nào cũng tự động hiệp đồng. Đặc điểm của quân đội cách mạng mà. Lo gì !
Cùng lúc ấy, một số người kéo thêm vào phòng tác chiến. Có anh Tư, chủ nhiệm chính trị, một đồng chí cán bộ hậu cần và anh trưởng ban thông tin, anh cán bộ thông tin vẫn bước vào rón rén một cách vội vàng, hớn hở, nhìn mọi người với một niềm phấn khởi của riêng anh : thông tin thông suốt. Ông Sáu nhìn từng người, vui vẻ trao đổi với mỗi người mấy câu về phạm vi công tác của người đó, hồ hởi rút thuốc lá “khao” mỗi người một điếu, rồi lại chăm chú nhìn vào những mảnh xanh trắng đỏ trên bản đồ.
Mọi người đều phấn khởi, lao xao tính toán và bình luận :
- Ít ra là ăn một tiểu đoàn.
- Đơn vị ông Năm chuyến này lại giữ chặt cờ thôi. Ông này húc phải biết. Bọn Mỹ này thật bạc phước.
- Chắc bọn chỉ huy Mỹ sẽ vỡ óc về trận này, bị bất ngờ và bị đau quá xá !
- Đúng là nó dàn quân mai nó càn mình đây. Thật ta ra tay kịp thời hết sức.
- Nhưng liệu có gay không ?
- Gay thì gay ở món xe tăng. Nhưng anh em mình đã nhiều kinh nghiệm rồi, trang bị đánh xe kỳ này khá lắm.
- Để xem bọn Mỹ đánh chác ra sao ? Chắc không bằng được bọn Pháp trước.
- Nhưng súng nó nhiều hơn !
- Cái đó thì đã hẳn !
Ông Sáu ngửng đầu lên hỏi Cương :
- Liệu xem có tin tức gì thêm không ?
Không khí lại lắng xuống. Mọi người như chợt nhớ ra rằng : “Trận đánh mới bắt đầu. Còn nhiều điểm chưa giải quyết được”.
Chỉ huy sở cứ lúc thì trào lên sôi nổi, phấn khởi và căng thẳng, lúc thì lại lặng đi nặng nề, lo lắng, từng lớp từng lớp liên tiếp diễn ra với những nhịp điệu không đầu, rất quen thuộc mà lại rất mới mẻ.
Không khí ồn ào lên nhiều là lúc được tin tất cả các mũi phía đông và phía bắc của các đơn vị mất liên lạc đã nổ súng, tiếng súng tiến rất nhanh, rồi tin bọn địch ở Lai Khê, Đồng Sổ rục rịch bắn pháo tiến ra, nhưng cối ta bắn lại rất trúng, làm chúng co lại và pháo câm họng.
Còn không khí căng nhất là lúc này tin dồn dập : Mũi phía bắc bắn cối vào chỗ không có địch, mũi phía tây đột sâu vào giữa đội hình địch, cắt thẳng sang phía đông rồi mất liên lạc, mũi phía nam đánh lên thì cứ rúc mãi vào bụi mắc cỡ, không xung phong lên được.
Lúc ấy, ông Sáu lại vứt mất một điếu thuốc chưa kịp châm và hử hử nhiều lần làm Cương nhụt mất một chút cái nhanh nhẹn thường ngày. Anh Ba bẻ gãy mất một cây bút chì, trưởng ban thông tin lại lùi ra đi mất. Còn cô cấp dưỡng đang tươi cười hớn hở đem nước vào, nhưng chẳng ai hỏi gì, lại xịu mặt quay ra.
Lúc này trời sáng rõ, mặt trời đã lên cao, tiếng bom rền của máy bay B.52 làm rung chuyển đất chỗ chỉ huy sở. Một vài máy bay trinh sát đầm già vè vè nghe khó chịu. Mặt trời chiếu lấp loáng trên các mặt lá còn ướt sương và rắc nhiều khoanh nắng vàng to nhỏ khác nhau xuống mặt đất.
Mấy con cò ngẳng vẫn hăng hái rúc lên gọi tình nhân và từng đàn bù chao kêu chi chéo lao xao.
Không khí chỉ huy sở bừng lên vui mừng dữ dội nhất là tin thắng lợi đưa về.
Hết anh Ba trực tiếp cầm máy nói chuyện với anh Năm, anh Bảy, lại đến ông Sáu cũng muốn tự tai mình nghe rõ những tin tức quan trọng này. Hàng chục cán bộ từ các cơ quan chính trị, tham mưu ùn kéo đến, đứng vòng trong vòng ngoài, nghển ngó vào trong, làm như chính cái bàn đầy bản đồ trước mặt Cương kia là bãi chiến trường đang ngổn ngang xác Mỹ. Họ chen lấn nhau, chọc ghẹo nhau. Cương phải giữ trật tự mãi để ông Sáu nói chuyện ở máy được yên. Anh cán bộ thông tấn cứ nằm bò ra bản đồ ghi lấy ghi để, vẽ cả sơ đồ vào sổ tay của mình. Anh cán bộ hậu cần chạy lại bên anh Tư :
- Báo cáo anh cho thêm cán bộ chính trị cùng với tôi chạy đi lo thương binh cho gấp.
Anh Tư tất tả chạy đi :
- Ừ đi, đi với mình, mình bố trí – Và vừa bước đi anh vừa ngoái lại, nhắc Cương – Này, hỏi xem có tù binh không nhé, có nhiều không nhé.
Hoàng ở đâu chạy vào bám lấy vai anh Ba và nhộn hẳn lên, hỏi :
- Anh Ba ! Anh Ba ! Diệt gọn hả ! Hay quá ha ! Bên mình có sao không ?
Anh Ba quay lại nắm hai vai Hoàng lắc lắc :
- Sướng quá trời, mày !
Hoàng vội giúi cho anh Ba bao thuốc lá nói : “Đưa cho ông già giùm nghen anh, sợ ông hết thuốc hút rồi đó !” – Rồi chạy ù đi, chắc là đang lo một chuyện gì quan trọng hơn.
Ông Sáu đã nói chuyện xong và quay lại, hoạt bát khác hẳn ngày thường :
- Các đồng chí có biết không ? Trận đầu ta thắng Mỹ thật oanh liệt ! Nếu không có gì sai lớn thì ta đã diệt hai tiểu đoàn bộ binh Mỹ và hơn bốn mươi xe cơ giới ! Tuyệt không !
Tiếng reo mừng bật lên, có cả tiếng xuýt xoa thán phục và vài cán bộ vỗ tay đôm đốp, kêu lên : Hoan hô !
Cương bỗng đứng dậy, đĩnh đạc công bố lại tin tức một cách rất có hệ thống :
- Theo các báo cáo đầu tiên. Địch ở Bàu Bàng có hai tiểu đoàn bộ binh và hai tiểu đoàn cơ giới. Chúng trú quân làm hai cụm, bộ binh nằm trong, cơ giới bảo vệ chung quanh. Hồi năm giờ sáng, chính trong lúc chúng mới tỉnh giấc và chuẩn bị hành quân thì quân ta nổ súng. Chúng bị hỗn loạn ngay từ đầu. Sau ba giờ chiến đấu, ta đã tiêu diệt hoàn toàn quân Mỹ ở đấy cả cơ giới và bộ binh. Quân ta đang thu dọn chiến trường.
Tiếng xì xào lại rộn lên một lần nữa. Ông Sáu xé bao thuốc lá vui vẻ phân phát cho mọi người. Anh Ba cũng mở cái xà-cột to tướng, lấy ra một bao thuốc lá bẹp dúm, liệng lên mặt bàn, nói to :
- Khao chiến thắng đấy !
Tiếng cười nói lại vui vẻ ồn ào. Ông Sáu quay lại cười với mọi người, rồi giục :
- Thôi, tin tức sơ bộ thế đủ rồi, ai về việc nấy đi ! Chuẩn bị di chuyển ! Chú ý phòng không nhé ! Máy bay nó bắt đầu hoạt động mạnh đấy.
Ông nói với anh Ba :
- Anh theo dõi ngay xem các đoàn thu dọn chiến trường ra sao. Hiện nay pháo và bom của địch bắt đầu trút xuống trận địa rồi đấy. Những thằng Mỹ bị thương ngắc ngoải cũng bị chúng nó diệt hết. Ở chỗ cậu Năm, anh em thanh niên xung phong hăng quá, cứ đòi xông ra trận địa. Anh nhắc các anh ấy phải tổ chức cho cẩn thận, nhớ thứ tự ưu tiên như đã quy định. Các chỉ huy sở phải bảo đảm thu quân xong mới được di chuyển …
Anh Ba đứng dậy nói thêm :
- Phải báo cáo ngay về Bộ chỉ huy chứ anh ?
- Được, tôi với Cương sẽ làm.
Vừa lúc ấy, tiếng pháo nổ càng ngày càng dồn dập phía trận địa và tiếng máy bay gầm rít trên đầu ngày càng nhiều. Thỉnh thoảng một tiếng nổ rung cả đất, cây lá lao xao khua động.
Giữa những tiếng động ầm ĩ hỗn loạn ấy, tiếng ông Sáu đọc điện cho Cương viết vang lên đều đều : “Điện … gởi bộ chỉ huy …” Cương vừa ngoáy lia ngoáy lịa vừa hô “Xong, xong …” luôn miệng, thỉnh thoảng lại sửa vội lại cặp kính cứ xệ xuống mũi.
Bao giờ cũng thế, sau một trận đánh thắng, ông Sáu cũng thích tự mình chọn từng chữ đặt vào trong báo cáo. Ông thích nhắc đi nhắc lại những chữ đó, ông còn bắt Cương đọc đi đọc lại nhiều lần để ông sửa. Những điện khác thì ông nói ý cho Cương viết, nhưng điện báo cáo một khi ông hoàn thành nhiệm vụ thì ông lại rất cẩn thận cân nhắc. Ông không muốn báo cáo lên sớm quá những kết quả mà ông chưa kiểm tra, nhưng ông cũng muốn xác định ngay những chiến công mà các chiến sĩ anh hùng của ông vừa lập, báo cáo nhanh chóng lên trên để cấp trên nhận được tin tức sớm nhất và cho ông những chỉ thị tiếp theo sớm nhất.
Sau khi Cương đã đọc lại bức điện, ông lại còn hỏi thêm :
- Này, đừng quên chữ tin đầu tiên và phải nhấn mạnh là diệt hai tiểu đoàn nhé ! Việc này ý nghĩa quan trọng lắm đấy, cậu biết không ?
Niềm vui chiến thắng đang dào dạt trong người ông, nhưng ông không quá say sưa, mà ông nhớ ngay đến những việc tiếp theo : biểu dương đơn vị, kiểm tra lại chỗ các đơn vị rút về trú quân, nhận định về địch và nghiên cứu lại cách bố trí quân cho thích hợp, động viên thêm đơn vị, bổ sung quân số, đề bạt cán bộ …
Ông dặn Cương :
- Này cậu nghiên cứu và đề nghị kế hoạch di chuyển chỉ huy sở nhé. Mình về chuẩn bị họp thường vụ Đảng ủy cái đã. Cậu báo anh Ba, anh Tư sau nửa giờ lên chỗ mình và lúc nào các đơn vị rút hết khỏi trận địa, báo ngay cho mình biết nhé !
Rồi ông nhanh nhẹn bước về phía lều mình với một niềm vui dạt dào và những suy nghĩ mới tuy nặng nề nhưng phấn khởi. Ở lều ông, Hoàng và cô cấp dưỡng đã có mặt ở đó với một tô bún tàu nấu thịt gà khói còn lên nghi ngút.

IV
Sáng sớm hôm sau, tại một địa điểm khác, trong khi tiếng đào công sự thình thịch vẫn còn đang tiếp tục ở một vài nơi, cán bộ các ngành đi lại nhộn nhịp, tiếng máy bay địch gầm rú lượn quanh chỗ trú quân, pháo địch nổ từng chập chi chát đâu đây, anh Tư ngồi chồm hỗm trước lều mình đang nghe một cuộc báo cáo đầy náo nhiệt, hào hứng. Chung quanh anh, năm, sáu cán bộ tuyên huấn và tổ chức mới ở các đơn vị về báo cáo, có cả một anh phóng viên báo Quân giải phóng, mặc áo len mà còn ngồi bó gối run rẩy sốt trên một cái võng mắc tạm vào hai thân cây nhỏ. Các cán bộ, người ngồi trên võng, người ngồi lên một khúc cây ngắn, người tụt dép mình ra kê vào đít ngồi để sổ tay ngay trên đùi. Mọi người đã báo cáo xong tình hình các đơn vị trong và sau trận đánh. Bây giờ đến mục kể chuyện tự do. Nhưng những câu chuyện đều xoay quanh các gương chiến đấu dũng cảm của cán bộ và chiến sĩ trong trận đánh vừa qua.
Anh Tư là một cán bộ chính trị tổng hợp được trong người hai tác phong trái ngược nhau mà rất hòa hợp. Một mặt anh là một cán bộ khắc khổ, giản dị, luôn luôn nắm vững và kiểm tra kỹ lưỡng các nguyên tắc tổ chức của Đảng, các nguyên tắc về công tác. Anh luôn theo dõi và hỏi han tỷ mỉ xem các cấp ủy sinh hoạt có đều không, khi họp có thể hiện thực sự được dân chủ tập thể không ? Thủ trưởng có phát huy tác dụng tốt không, cấp ủy có chịu nghiên cứu thảo luận kỹ ý nghĩa nhiệm vụ của cấp trên không … Tác phong này của anh ảnh hưởng lớn đến các cán bộ trong cơ quan chính trị. Họ đi kiểm tra ít khi họ chịu thỏa mãn về một số báo cáo và các kế hoạch công tác chung, mà họ chú ý theo dõi hành động, cách thức làm việc của cấp ủy và cơ quan chính trị, họ có những nhận xét rõ rệt về nội dung các quyết định của cấp ủy …
Nhưng mặt khác, anh Tư theo cách mạng từ hồi còn nhỏ tuổi, được giúp đỡ học tập văn hóa nhiều, anh có sự hiểu biết rộng rãi về mọi lĩnh vực, anh chú ý đến văn học nghệ thuật, hay kết bạn với cán bộ văn nghệ trao đổi học tập thêm. Thành ra anh cũng là người hay nói chuyện nhân tình thế thái hay phát hiện các khía cạnh thẩm mỹ của công tác chính trị, thích nghe ngâm thơ, thích đọc tiểu thuyết. Anh hay say sưa giới thiệu những tiểu thuyết hay cho ông Sáu, lôi cuốn cả ông Sáu vào cái thú đọc tiểu thuyết. Anh còn bình luận cả Tam quốc chí và truyện Kiều cho ông Sáu nghe. Cho nên sau mỗi trận đánh, bao giờ anh cũng có một tiết mục vui vẻ là thu thập các chuyện chiến đấu. Anh làm việc này với một tâm hồn nghệ sĩ, tuy rằng anh chẳng bao giờ viết được một cái gì gọi là văn học.
Các cán bộ đang gần như tranh nhau kể các chuyện thần kỳ vừa mới xảy ra nóng hổi gần đây.
Anh thì kể chuyện một trung đội của ta đánh cắt ngang đội hình địch, xuyên lụi qua đội hình địch rồi lại đánh vòng quay trở lại. Anh thì kể chuyện những đơn vị ở phía đông mất liên lạc đến gần sáng, đang tìm cách rút quân về, khi nghe tiếng súng thì cán bộ hô anh em trở lại và cứ như thế chạy về hướng có tiếng súng, đến khi chạm phải mấy xe tăng cảnh giới của địch mới triển khai, vừa triển khai vừa diệt ngay được hai xe tăng địch.
Anh thì kể chuyện đơn vị phía bắc cũng mất liên lạc và cũng nghe tiếng súng quay lại, đinh ninh địch ở Bàu Bàng nên bắn cối vào. Nhưng mới bắn mấy phát thì gặp ngay một bác nông dân đến báo địch nó ở phía dưới kia, trong ấp không có và bác bảo : “Mỹ ở dưới đó, mấy em sáp vô mà đánh đi !”.
Anh khác kể chuyện đôi thanh niên xung phong không được cùng bộ đội xung phong vào thu dọn chiến trường về thắc mắc mãi, đồng chí đội trưởng lúc nào cũng giục ban chỉ huy bộ đội cho nhiệm vụ, nhiệm vụ này chưa hết đã đòi nhiệm vụ khác. Anh xúc động kể một nữ đội viên bé nhỏ đã cõng một đồng chí thương binh vượt qua làn mưa đạn pháo địch để đưa thương binh về hậu phương, giữa đường pháo bắn nhiều quá, nữ đội viên này đã đặt thương binh xuống công sự, lấy thân mình nằm dài trên bờ công sự che cho thương binh và chị đã hy sinh để cứu đồng chí này.
Một anh nữa kể chuyện một chiến sĩ đã lợi dụng một xác xe tăng địch và các tứ giác của xe tăng, một mình một cây các-bin quần nhau với xe địch rất lâu. Thằng Mỹ lái xe tăng không bắn được, rồ máy lên thì vướng xác xe tăng khác, quay chạy không dám chạy. Sau nó nhô ra khỏi nắp xe tăng để bắn chiến sĩ ta thì chiến sĩ ta lại bắn nó chết trước và nhảy lên liệng thủ pháo vào phá xe tăng. Lại còn chuyện có chiến sĩ ta nhảy lên bám vào xe địch, lật nắp xe tăng mà thả thủ pháo vào, buông người ngã lăn xuống đất mà tránh ; một chiến sĩ khác, nhỏ quá, gặp Mỹ gần quá, bóp cò diệt luôn ba tên. Có đồng chí đánh Mỹ bằng báng súng …
Một anh kể chuyện đơn vị anh Năm phát hiện có một mũi đánh độc lập tự động, sau hỏi ra thì là đội du kích “võ trang công tác” mà đồng chí đội trưởng có quen ông Sáu …
Khi một anh kể đến chuyện một tiểu đội diệt sáu xe tăng và đồng chí tiểu đội trưởng diệt hai xe bằng thủ pháo và hy sinh khi còn nằm bò trên chiếc xe tăng thứ ba của địch thì ông Sáu cũng vừa tới nghe chuyện.
Mọi người đứng dậy chào ông Sáu, anh Tư nhường chỗ cho ông Sáu ngồi, ông vui vẻ ngồi xuống và nói với mọi người :
- Mình làm xong việc với tham mưu và hậu cần, mình đoán chắc là chính trị đang có tiết mục “sinh hoạt” nên sang đây. Trận đầu đánh Mỹ của đơn vị ta thế là khá, phải không ? Chắc chắn là nhiều đồng chí chiến sĩ khi đã nói lên lòng căm thù của mình và hạ quyết tâm với cách mạng thì sẽ lập được nhiều thành tích xứng đáng. Những chuyện anh hùng của ta đồng thời cũng là những kinh nghiệm chiến đấu rất tốt đây ! Các cậu tiếp tục kể chuyện cho mình nghe với.
Anh Tư tóm tắt lại một số chuyện và nói là đang kể chuyện một tiểu đội rất anh hùng, một tiểu đội trưởng rất giỏi … Ông Sáu bỗng thấy một linh tính khác thường, ông nghiêm mặt lại, hỏi :
- Có, tôi có nghe thấy rồi. Có đồng chí nào biết tên đồng chí tiểu đội trưởng đó không ?
Anh phóng viên đang run rẩy trên võng bỗng vươn thẳng người dậy, lật lật cuốn sổ tay :
- Có, tôi có ghi. Tên là Thắng, Nguyễn Chiến Thắng hai mươi ba tuổi, quê ở Bến Tre, vào bộ đội …
Cả ông Sáu và anh Tư cùng một vài cán bộ khác hầu như đồng thanh khẽ kêu lên, nhắc lại :
- Nguyễn Chiến Thắng !
Không khí lặng đi một lúc. Ông Sáu nhíu lông mày, đưa hai tay lên vuốt vuốt mái tóc, môi hơi mím lại, ông xoay người ngồi cho thoải mái rồi cố nén xúc động, nói với anh em :
- Còn chuyện gì khác nữa kể đi.
Anh Tư bồn chồn lo lắng nhìn chăm chăm vào mặt ông Sáu với đôi mắt ân cần trìu mến.
Anh phóng viên vẫn hăm hở bổ sung tiếp câu chuyện với những điều anh biết. Vì anh cũng đã quen thuộc với thái độ người cán bộ cao cấp đứng tuổi đáng kính này. Anh đã gặp ông Sáu cảm xúc nhiều lần như thế đối với những sự hy sinh của các cán bộ và chiến sĩ khác.
Riêng ông Sáu, tuy cố nén mà thấy trong người cũng dậy lên những xúc động khó tả. Đồng thời ông thấy nhiều cảm tưởng khác nhau. Có một phía ông cảm thấy nhiều sự hy sinh và bản thân ông cũng đã có nhiều hy sinh. Nhưng một phía khác ông lại thấy có một cái gì đột ngột đập mạnh vào người ông. Một cái gì lạ kỳ không thể tin được. Thằng Thắng của ông, ông còn phải gặp nó chứ, thư con Ngân ông chưa chuyển cho nó kia mà và cũng đồng thời ông thấy bồn chồn như đánh mất một cái gì quen thuộc ông vẫn có trong tay hàng ngày mà bỗng dưng ông tìm không thấy và cũng đồng thời một niềm tự hào sâu kín xuất hiện trong tâm tư của ông. Ông vẫn giữ đôi môi khẽ mím, người ông nóng ran lên, ông có cảm giác phải cởi bớt áo ra, ông vẫn nhìn anh phóng viên, nhưng hầu như ông không nghe gì về những điều anh phóng viên nói thêm, ông biết cả rồi.
Anh Tư thương ông quá vì anh biết rõ cuộc đời của người đồng chí lớn tuổi của anh. Anh bối rối một chút rồi trấn tĩnh lại, đứng lên nói :
- Thôi, hôm nay nghe tạm thế đã, các đồng chí còn mệt cả. Anh Sáu cũng còn chưa được nghỉ. Ta tạm nghỉ rồi tiếp tục sau.
Ông Sáu nửa muốn tán thành, nửa muốn không, nhưng ông cũng đứng lên, nhìn kỹ mọi người một lần, rồi nói :
- Ừ ! Các cậu mới đi về hãy tranh thủ nghỉ một chút. Phóng viên nhà báo vẫn chưa hết sốt kia à ? Có thuốc gì chưa ? Thôi, hãy nghỉ đã nhé.
Rồi ông bình tĩnh bước đi với một vẻ ung dung đầy nghị lực. Nhưng anh Tư và vài cán bộ khác nhìn theo mãi đôi vai rộng của ông hơi so lên và vuông góc hơn mọi lần, rồi lại nhìn nhau im lặng, một sự im lặng đầy thông cảm. Bỗng anh bảo các cán bộ :
- Thôi các cậu về nghỉ, mình sang với anh Sáu một chút.
* * *
Ông Sáu về gần đến lều thì rút thuốc lá, châm lửa hút, ông hít thật mạnh, như để nén nỗi xúc động và để kìm những tiếng thở dài nó cứ muốn từ trong tim phổi bật ra. Ông cảm thấy một điều gì như một nỗi khổ tâm. Ông cảm thấy ông bình tĩnh tự chủ, ông cảm thấy cao lớn và chế ngự được nỗi buồn. Nhưng một niềm thương tiếc cứ nhoi nhói trong tim làm ông nghẹn ngào. Ông bắt gặp tình cảm này một cách quen thuộc vì đời ông đã biết bao nhiêu lần phải xúc động như thế, mỗi khi được tin một đồng chí thân yêu của ông hy sinh và mỗi khi sau một trận đánh, ông được nghe những tin tức thắng lợi và những tin tức đau lòng. Nhưng lần này, niềm thương tiếc ấy lại đượm một cái gì xót xa riêng thân thiết hơn, gần gũi hơn. Nó lại gợi lên những hình ảnh anh ông, vợ ông, con ông trước đây. Niềm tự hào về sự hy sinh với cách mạng rõ nét trong ông hơn lên và thoáng rất nhanh, ông cảm thấy được một cách rất sâu sắc, rất rõ rệt, rất cụ thể sự cao quý vĩ đại của sự nghiệp cách mạng, ông thấy một sức mạnh hùng vĩ của công việc ông đang làm. Ông nghĩ đến má của Thắng và nghĩ đến nhiều bà mẹ, nhiều người cha có những đứa con yêu bị giết hại, lòng ông càng se thắt lại thêm.
Ông Sáu thong thả nằm dài trên võng, ông đang bắt đầu suy nghĩ đến công việc thì anh Tư êm ái bước đến gần. Ông Sáu nhìn anh Tư, hiểu ý anh, nhưng ông cũng vụng về không biết nói sao với anh. Ông chỉ hơi nhỏm dậy mời anh Tư ngồi vào cái ghế cây gần võng và lúng túng không biết làm gì nữa. Anh Tư thì cũng ngượng nghịu không kém, anh chỉ cảm thấy anh cần gần ông Sáu một chút trong lúc này, còn gần để làm gì, để nói gì, anh cũng nghĩ chưa ra. Nhưng ngay lúc ấy thì cả anh Ba và Cương lại đang ào ào bước tới. Tiếng anh Ba sang sảng rộn rã :
- Quân công hạng nhất ! Bộ chỉ huy vừa điện thông báo khen thưởng trận đánh Quân công hạng Nhất và có điện chỉ thị …
Tin vui đến như một làn gió kỳ diệu xua tan nhanh chóng những nỗi ưu tư đang đượm trên mặt ông Sáu và anh Tư. Hai người đứng cả dậy, mặt tươi cười hớn hở, mắt sáng long lanh. Ông Sáu lật đật đập túi tìm hộp kính rồi hỏi lấy bức điện, đeo kính đọc từng chữ một cách săm soi như còn tìm những cái gì khác nữa dưới những dòng chữ thú vị này. Ông đọc xong, trao điện cho anh Tư và hoạt bát thúc giục :
- Thông báo ngay đến các đơn vị cho anh em phấn khởi. Hay quá. Các cụ trên động viên kịp thời. Vừa dịp các đơn vị đang phổ biến nhận định kết quả trận đánh.
Cương nhanh lẹ :
- Chúng tôi đã thông báo ngay lập tức rồi ạ. Có lẽ bây giờ các đơn vị biết hết rồi.
Ông Sáu nói tiếp :
- Ta nên phổ biến cho hết ý bức điện, cả mấy câu có ý nhận định về ý nghĩa trận đánh nữa. Làm ngay đi !
Cương “rõ” thật to rồi tiếp bức điện từ tay anh Tư quày quả đi ra. Tiếng Cương từ xa giòn giã vọng lại : “Này các cậu ơi ! Quân công hạng Nhất ! Bộ chỉ huy vừa điện xuống đấy !”.
Ông Sáu mời anh Tư, anh Ba ngồi, bảo anh Ba lấy bản đồ ra và nói :
- Thôi, tiện đây ta trao đổi ngay để xác định quyết tâm nay mai. Ta có thể thảo luận tiếp vấn đề bàn hôm qua. Bữa nay có chỉ thị rõ về những nhận định địch tình và phương hướng rồi, thật là đúng lúc quá. Thế trận hiện nay biến hóa có lợi cho ta. Ta vẫn hoàn toàn làm chủ tình thế. Thằng Mỹ đem quân đi tấn công mà nay lại ở vào một tình trạng dao động thật sự. Với thế bố trí này, ta có thể đánh vài ba trận tốt nữa. Như vậy là bộ chỉ huy rất nhất trí với chúng ta. Bộ đội ta có thể nói còn sung sức lắm và hôm nay coi như được nghỉ ngơi rồi phải không ?
Thế là ba đồng chí thường vụ của Đảng ủy mặt trận lại châu đầu vào tấm bản đồ trải rộng dưới đất, dưới làn khói trắng nhẹ nhàng bay tỏa của điếu thuốc lá trong tay ông Sáu. Tâm trí của ba người lại bị thu hút vào hình ảnh các đường hành quân, các trận địa, những tin tức về ý đồ của địch, về hành động cụ thể về địch, những phán đoán, những giả thuyết và những phương án.
Cương và trưởng ban trinh sát cũng được gọi lên báo cáo và tham gia ý kiến, đồng chí cán bộ hậu cần cũng được gọi lên báo cáo thêm sự biến chuyển của tình hình kho tàng, thương binh và các đội dân công. Những chỉ thị tỷ mỉ cho trinh sát và việc theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động trên không dưới đất của địch được ông Sáu nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
Đến bữa cơm trưa thì mọi việc bàn xong. Ông Sáu ăn cơm xong lại vội vã đi trao nhiệm vụ và hướng dẫn cho anh Chín vì đơn vị anh lần này nhận một nhiệm vụ khá nặng mà chưa có kinh nghiệm cụ thể như đơn vị anh Năm và anh Bảy. Sau đó, ông còn dự định tạt vào tỉnh ủy báo cáo tình hình với anh Mười, đại biểu cấp trên và các đồng chí tỉnh ủy cho rõ ràng hơn.
Cứ thế đi lại, thảo luận, báo cáo liên tục cho đến khuya gần chín giờ đêm ông mới về đến chỉ huy sở và lúc này, lều của ông đã được thay thế bằng một công sự vững chắc do công binh mới làm. Theo chỉ thị của anh Ba, toàn bộ chỉ huy sở cũng đang hối hả hoàn thành một hệ thống công sự đủ cho tất cả mọi người ngủ và làm việc dưới mặt đất.
Ông Sáu bước vào hầm với một cảm giác ấm cúng quen thuộc. Ông vuốt tóc ngồi hút thuốc trong khi chờ đợi Hoàng có thì giờ chuẩn bị chỗ ông nghỉ. Ông lắc lắc nhẹ đầu mấy cái như để rũ bớt đi những suy nghĩ căng thẳng trong ngày và chuẩn bị một sự nghỉ ngơi trong chốc lát. Vừa ngậm thuốc, ông vừa mở chiếc máy thu thanh nghe những tin tức cuối cùng trong ngày.
* * *
Sau một ngày mệt nhọc, ông Sáu tưởng chừng nằm lên võng là có thể ngủ thiếp ngay đi được. Nhưng ông nằm một lúc rồi tự nhiên thấy đôi mắt khô khốc, ông cố nhắm lại mấy lần mà vẫn không có chút cảm giác buồn ngủ nào. Dần dần ông nhận rõ được một cảm giác phấn khởi sâu sắc sau khi hoàn thành nhiệm vụ, niềm phấn khởi đó được tăng lên mãi từ khi nhận điện khen, thấy được những nhận định của cấp trên, đến lúc thấy thái độ náo nức hăng hái nhận nhiệm vụ và những tính toán chi li của cán bộ đơn vị anh Chín, cho đến lúc gặp anh Mười và các đồng chí tỉnh ủy địa phương phân tích sâu thêm về giá trị trận đánh Mỹ đầu tiên. Ông đang cảm thấy lòng tin tưởng của ông vững chắc hơn bao giờ hết, ông cảm thấy tinh thần khỏe khoắn hơn bao giờ hết, vì ông đang hình thành một kết luận hết sức quan trọng : Quân giải phóng có thể đánh bại các đơn vị lớn tinh nhuệ và trang bị hết sức hiện đại của Mỹ. Và từ đó ta có căn cứ cụ thể và vững chắc để thấy rằng cách mạng miền Nam có thể đánh bại quân đội viễn chinh Mỹ mà nếu ta có thể đánh bại Mỹ ở miền Nam này thì tức là ta đã bảo vệ một cách chắc chắn cho miền Bắc. Dân tộc Việt Nam đã đánh được Mỹ thì không có một quân đội đế quốc nào trên thế giới này có thể xâm phạm được nền độc lập của Việt Nam.
Từ khi có vấn đề đánh Mỹ, ông chỉ tập trung tư tưởng tìm mọi cách theo dõi địch để lại đánh cho kỳ thắng một trận. Nhưng cho đến bây giờ, ông thấy rõ rằng ông đã thắng một sư đoàn tinh nhuệ của Mỹ, ông thấy các đơn vị Quân giải phóng của ông thật kiên cường, thật dẻo dai, thật nhanh nhẹn, ông có thể điều khiển bố trí các đơn vị thật dễ dàng, ra những mệnh lệnh chiến đấu thật khó khăn mà các đơn vị của ông thế nào cũng làm được. Chà, khi đi vào chuẩn bị một trận chiến đấu thì sao nó rối tung lên trăm thứ việc, nào là lĩnh súng lĩnh đạn, lĩnh lương thực, xếp sắp cán bộ, điều tra chiến trường, nắm tình hình địch, kế hoạch hành quân, kế hoạch hiệp đồng, v.v… Nhưng lạ thay khi trận đánh diễn ra và kết thúc xong thì có lúc ta lại cảm thấy mọi việc xảy ra một cách hết sức kỳ diệu. Từ trước tới nay, đi sâu vào từng trận đánh thì thấy còn nhiều khuyết điểm ghê gớm, nhưng nhìn chung lại các trận đánh, thì lại thấy rõ ràng ta đã thắng hết trận này đến trận khác. Một sức mạnh nào đây ? Qua nhiều năm kinh nghiệm, ông Sáu thấy được rõ ràng tinh thần của các cán bộ và chiến sĩ, vai trò quyết định của các cấp ủy và chi bộ. Nhưng ông vẫn cảm thấy hầu như còn có một sức mạnh thần kỳ nào đó làm cho tất cả mọi người trở thành mạnh hơn gang thép. Trong khi theo dõi chiến đấu, ông như nhìn thấy được những ý nghĩ cụ thể của từng chiến sĩ và cán bộ, những ý nghĩ nhiều khi thật giản đơn mà sâu sắc đã bốc từng người xông tới, đè bẹp mọi sắt thép khói lửa tàn bạo của kẻ địch …
Lần này đây, ông thấy rõ được sự trưởng thành của sức mạnh đó. Và ông đi tới một kết luận thật rõ ràng chắc chắn : Quân giải phóng đánh bại được quân Mỹ ! Từ đó ông còn đang suy luận khác : Quy luật hành động của quân Mỹ là thế nào ? Ta dựa vào cái gì, dùng cái gì có thể đánh bại được quân Mỹ ?
Càng nghĩ, đầu óc ông như có những ánh sáng kỳ diệu bừng lên. Ông rít thuốc mạnh hơn, nhanh hơn, mắt ông mở to hơn. Ông không mím môi nữa, ông mỉm cười một mình. Cảm giác thắng lợi tăng mãi lên trong người ông một cách vững chắc và rộng lớn, không phải chỉ vì thắng một trận lớn, mà ông còn thấy cả một thắng lợi quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp của đời ông. Nhưng đồng thời ông cũng cảm thấy một nỗi buồn quyện chặt với niềm phấn khởi. Trong những trận thắng khác, ông cũng có cái cảm giác buồn thương, tiếc hận này. Nhưng lần này, nỗi buồn đậm thêm một chút nét riêng tư, làm cho ông có thêm một cảm giác hơn cô quạnh.
Sau khi nằm một lúc, ông nhẹ nhàng trở dậy, lục túi lấy gói thư của Ngân ra, rồi lại nằm xuống võng để nó ở trên ngực, dùng đèn bấm soi chọn cái phong bì của Ngân gởi cho Thắng và xé ra đọc, cũng bằng thứ ánh sáng loa lóa của chiếc đèn bấm. Thư Ngân viết cho Thắng chỉ có ít chữ và có kèm một bài thơ. Hình như chủ yếu là cô gởi đến cho anh cô những tình cảm thân thiết gói ghém vào trong bài thơ và cái khăn tay. Ông Sáu đọc kỹ bài thơ :
Gởi anh
Hôm ấy trên đường đi diệt Mỹ,
Mỉm cười, anh nắm chặt tay em,
Dặn dò “Em ráng lo nuôi mẹ
Công tác phong trào tích cực thêm,
Anh sẽ trở về khi đất nước
Không còn bóng giặc, hết phân chia”
Em cứ khóc hoài, không nói được,
Lặng nhìn bụi cuốn bước anh đi.  
Đã trọn mấy mùa cây trút lá,
Mấy mùa chiến thắng nở muôn hoa.
Anh vẫn chưa về, vì giặc Mỹ
Còn đang giày xéo nước non ta.
Em lớn khôn rồi, không khóc nữa,
Luôn vui công tác, dựng quê nhà.
Em mong cầm súng, theo quân ngũ.
Bảo vệ quê hương, trả hận cha.
Gởi anh, em viết đôi dòng chữ,
Bày tỏ tâm tình em bé thơ.
Gởi thêm tất cả lòng thương nhớ
Của các bà con thôn xóm ta.
Chúc anh giết Mỹ nhiều hơn nữa.
Ngày gặp lại anh, đỏ bóng cờ.
Gặp lúc khác thì có lẽ ông đã phá lên cười với một cảm giác dịu dàng, kiêu hãnh và đầy trìu mến đối với những màu sắc ngộ nghĩnh của tâm hồn cô cháu gái. Nhưng lần này, ông không cười được, không thấy có gì đáng cười, mà ông thấy một cái gì trang nghiêm trân trọng lạ thường. Ông không thấy cô cháu gái ông ngộ nghĩnh nữa mà ông thấy một người bạn gần gũi với ông, sắp cùng ông chia xẻ một sự mất mát. Ông đã xem chiếc khăn tay. Chiếc khăn tay đã nhàu nát khi đi qua các chặng đường giao bưu. Trên khăn tay Ngân thêu hai dòng ngày tháng và một ngôi sao. Ông Sáu suy nghĩ mãi thì đó là ngày vào Đảng của Thắng và ngày vào Đoàn của Ngân. Ông xúc động quá, tắt đèn nằm thở dài và suy nghĩ miên man về những người trẻ tuổi đầy sức sống lành mạnh kiên cường này, vừa đau xót mà lại vừa tin tưởng, tự hào. Ông vừa nghe được tin đội thanh niên xung phong ở Bến Tre đã tới chiến trường và đang ở gần đâu đây. Ông định sẽ đi tìm Ngân và ông tưởng tượng tới buổi ấy sẽ gặp Ngân. Ông thấy ông đang chờ Ngân ở một địa điểm trú quân của đội thanh niên xung phong, thân mật và gần gũi như đang ở một đơn vị quân đội. Chà con Ngân, nó sẽ chạy ào đến, vừa chạy vừa kêu : “Chú Sáu ! Chú Sáu !” Nó sẽ không sao nén nổi nỗi vui mừng dạt dào, niềm vui vừa đi công tác về, lại được gặp người thân, nó sẽ cười hoài. Rồi đưa cả hai tay chụp lấy tay ông Sáu mà giật mà lắc, nhìn ông thật kỹ và nhận xét một tràng :
- Trời ơi ! Chú già quá rồi, chú ốm quá. Chú có rét không ? Tóc chú bạc nhiều rồi …
Ông cũng sẽ im lặng, mỉm cười nhìn nó. Tóc nó còn đang rối sù lên, coi càng cứng và rậm, mồ hôi còn bết cả ở thái dương và ở trán, vai áo, lưng áo, còn lốm đốm vết bùn đất ; đôi tay khỏe mạnh tròn trĩnh đầy vết chai sần của nó cũng nhom nhem đất, giống hệt cách đây vài năm. Khi ông về thăm nhà, Ngân đang ở ngoài đồng chạy về với ông vậy.
Trước niềm vui ngây thơ hồn hậu của cháu, chắc là ông sẽ bối rối. Ông Sáu nghĩ Ngân sẽ không thể ngờ tới lúc đó, nó sẽ nhận được một tin đau đớn nặng nề nhất, kể từ khi nó khôn lớn. Chắc là ông sẽ càng bối rối khi Ngân thôi thúc hỏi chuyện Thắng. Ông sẽ cố kéo dài thời gian để hỏi chuyện quê hương, chuyện gia đình, hỏi thật kỹ về đời sống và hoạt động của má Ngân, người chị dâu đáng kính của ông. Nhưng kéo dài mãi thì phút nặng nề mà ông muốn tránh kia cũng sẽ phải tới. Ông nghĩ ông sẽ yên lặng lấy trong túi vải ra gói thư và chiếc khăn tay, nắm lấy tay Ngân, lặng lẽ đặt vào. Và câu đầu tiên ông sẽ nói với Ngân là :
- Nó đã lập công rất tốt trong trận Bàu Bàng. Nó không kịp nhận thư và khăn của con.
Chà, con Ngân, đứa cháu gái bé nhỏ của ông ! Chắc nó sẽ kêu thét lên : “Chú ! Anh Thắng …” rồi gục đầu vào gối ông. Ông sẽ nói thêm với nó : “Ngân à ! Chú đã xem cái khăn của con. Chú đã hiểu những chữ con thêu trên đó. Bây giờ con hãy thêu vào ba dòng chữ nữa, bằng màu đen những ngày cha con bị giết, anh con hy sinh. Và con thêu hộ chú cả ngày thím con và em con bị hại … để con nhớ lấy cho hết những mối thù của gia đình ta, con nhớ lấy cả cho chú nữa, con à …”
- Ngân ạ, chú cũng không muốn khuyên con đừng khóc, con cứ khóc đi cũng được, nhưng con nhớ lời chú dặn con vừa rồi, để con biến căm thù, nhớ tiếc thành hành động. Con nghĩ đến thù nhà, nghĩ cả đến thù nước, nghe con ! Ráng cống hiến nhiều cho cách mạng …
Ông thiếp đi với một cảm giác nhen lên trong giấc ngủ. “Con đi trả thù cho cha và nay cha lại trả thù cho con … Thù này không dứt được !”.
Ông Sáu không biết rằng ở chỉ huy sở hôm nay cũng có một sự trùng hợp tình cờ lạ lùng : Anh Tư nhận được thư vợ (chị ấy là huyện ủy viên ở Mỹ Tho). Anh Ba nhận được thư con (đứa bé mười lăm tuổi đang học lớp bảy ở ngoài miền Bắc). Hoàng nhận được thư má gởi cho hai trăm đồng và cô cấp dưỡng thì nhận được thư bà cô công tác ở Bộ thương nghiệp ngoài Bắc với cái đồng hồ đeo tay nhỏ xíu. Mọi người đâu đang chờ đến sáng hôm sau, như thường lệ, khoe mọi việc này với ông Sáu. Riêng Cương thì cằn nhằn vì sáu tháng nay không nhận được thư vợ. Một niềm vui dạt dào, hồn hậu và thân tình của mọi người đang chờ đợi để xua tan giấc ngủ nặng nề của ông Sáu.
Hôm sau, ông Sáu lại lên đường đi công tác sớm. Ông không biết rằng trong lúc ấy gần đó, một đội thanh niên xung phong đang chuẩn bị đi làm nhiệm vụ. Tiếng cười, nói, tiếng chạy đi chạy lại rộn rã. Ánh nắng sớm mai le lói những tia vàng dịu, tươi tắn trên khắp cánh rừng.
Từng tốp, từng tốp thanh niên cả nam lẫn nữ vẻ mặt thật ngây thơ, măng sữa đang hăm hở hồn nhiên cột bòng, sửa dép, nai nịt lại quần áo, thu xếp lá ngụy trang… Mọi người ở đây cũng đều có một mối thù, một cái tang riêng của một người thân thích. Họ náo nức đi tìm một lẽ sống, một lẽ sống lành mạnh tự do và đầy tự hào, những con người của một dân tộc vùng lên. Tiếng chim rừng hót vang lên như giục giã mọi người lên đường. Ông Sáu lại chợt nhớ đến những nhiệm vụ sắp nhận và những trận đánh sắp tới với một niềm vui náo nức vừa quen thuộc vừa mới mẻ…
Tháng 2-1967

(Trích Trần Độ tác phẩm, tập I, Nxb Hội Nhà văn, 2012) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét