Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2022

Kỷ niệm về người cha

Thưa anh!

Cha tôi là một diễn viên kịch nói. Sâu đậm trong ký ức, lúc tôi còn là thanh niên, là những câu chuyện của cha tôi nói về bác Trần Độ. Đó là thời kỳ bác Trần Độ là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, rồi Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương. Khi cha tôi nói câu chuyện có nhắc đến bác Trần Độ thì đó là những lúc cha tôi thường dành những lời ngưỡng mộ nhất, trân trọng nhất và kính nể nhất, chưa từng được cha tôi nói về người khác như vậy trong gần suốt cuộc đời
 


Cha tôi thường kể về những dịp Nhà hát trình diễn buổi tổng duyệt vở mới, nếu mà biết là có bác Trần Độ ngồi xem thì tinh thần cả đạo diễn lẫn đoàn diễn viên và cả những người phục vụ ánh sáng, hậu đài đều vô cùng phấn chấn và tràn đầy không khí muốn thể hiện hết mình. Cha tôi từng nói rằng là người diễn viên, ông có diễm phúc được “làm lính tướng Trần Độ”. Cha tôi không ngớt thán phục sau khi nghe những lời đánh giá vở kịch từ một vị lãnh đạo văn hóa văn nghệ, nguyên là ông tướng quân đội mà có trình độ thẩm mỹ tinh tế để “tiếng lòng ông ấy” rung cảm và hòa nhịp được với tâm hồn người nghệ sĩ. Cha tôi thường bảo ông tướng làm tuyên huấn mà lại nghệ sĩ như thế thì thật là hồng phúc cho nghệ thuật nước nhà. Cha tôi thấm thía điều đó lắm vì đã không biết bao nhiêu lần Nhà hát kịch của ông đã bị buộc phải “hạ màn” những vở diễn ngay sau buổi tổng duyệt, hoặc mới chỉ ra mắt được vài buổi, chỉ vì một lời nói tưởng là bâng quơ nhưng lại “có gang có thép” của những vị được mời ngồi hàng ghế đầu có trọng trách. Đối với cha tôi, đó là những đau đớn không thể nói thành lời của kẻ phải bóp chết đứa con tinh thần của mình. Vai Xéc-gây do cha tôi đóng trong vở kịch Câu chuyện Iếc-kút, một tác phẩm có tiếng vang rộng rãi trong công chúng, mà mãi sau này mọi người vẫn còn nhắc tới như một đỉnh cao của kịch nói, đã phải “dẹp tiệm” trong hoàn cảnh như thế. Có nhiều vở kịch hay mà Nhà hát kịch của cha tôi đã từng dàn dựng cũng chỉ diễn được một lần cho buổi tổng duyệt rồi chấm hết, không bao giờ được ra mắt người xem, chỉ vì một lời thoại của nhân vật trong kịch đã không lọt tai ai đó.    

Những lần nào về nhà sau những đêm diễn hoặc những dịp hoạt động được tiếp xúc với bác Trần Độ, cha tôi thường rất phấn khích, ông thường kể ngay cho cả nhà nghe những cảm nghĩ của ông về con người đặc biệt đó. Mọi sự kiện về đời diễn của cha tôi hay được ông chia sẻ trong gia đình với con cái. Chúng tôi rất thương cha mình, là người chỉ biết sống cho nghệ thuật, sống cho những người hiểu mình và hiểu nghệ thuật, nên ông sống cuộc đời gian truân. Cha tôi khước từ mọi ân huệ của tổ chức, tỏ thái độ không quan tâm đứng vào hàng ngũ để phấn đấu, tự nhận mình thuộc đám “bạch vệ” như giới nghệ sĩ thời đó thường nói. Hồi đó tôi chỉ biết nghe những tâm sự của cha mình, bản thân tôi lúc ấy cũng loay hoay bước vào đời… Bây giờ tôi mới có thời gian đọc sách và được kết nối đến với những tác phẩm của bác Trần Độ. Nhờ vậy tôi mới hiểu thêm về những điều cao cả và cả những điều giản dị của cuộc đời và sự cống hiến của bác Trần Độ, làm tôi nhớ tới tình cảm mà cha tôi dành cho bác. Đó là tình cảm đối với một người mà cha tôi vẫn luôn coi là bậc đàn anh rất dũng cảm trong đời và rất tài giỏi trong nghệ thuật. Hồi đó, cha tôi vẫn coi “anh Trần Độ” như là vị cứu tinh của văn hóa và ngành nghệ thuật sân khấu, như là một người có cái duyên và cái khả năng hiếm có có thể thôi thúc được cảm hứng sáng tạo của mọi người để tác phẩm của họ ra được với ánh sáng mặt trời. Qua những câu chuyện của cha tôi hiện lên hình ảnh bác Trần Độ là một người  thu phục được nhân tâm xung quanh bằng lối hành xử cương trực và nhân hậu trong những việc ông phải giải quyết hoặc những quyết định ông đưa ra ở cương vị của ông ở Tuyên huấn hay ở Bộ Văn hóa đối với ngành sân khấu và Nhà hát kịch hoặc đối với cụ thể người nào trong ngành nghệ thuật. Hồi đó, mỗi lần nói việc gì có nhắc đến bác Trần Độ thì cha tôi nói chuyện hào hứng lắm nên tôi vẫn nhớ mãi những lần như thế.   

Tôi chỉ tiếc là bây giờ khi có dịp ở gần cha tôi, thì ông đã không còn minh mẫn để chia sẻ những nỗi niềm như trước, nên tôi không còn được nghe cha tôi nói chuyện về bác Trần Độ nữa. Tôi xin gửi những hàng chữ này tới anh, chắc anh sẽ càng tự hào có người cha như thế.     
Kính thư

2 nhận xét:

  1. Một bức thư hay của thế hệ con cháu. Con người cụ Độ đúng là như thế - quý trọng hiền tài, thương yêu cảm thông với văn nghệ sĩ. Và những văn nghệ sĩ rất cần có những người lãnh đạo như cụ.

    Trả lờiXóa
  2. Giọt nước mắt cứ lăn khi đọc về những con người hết lòng vì dân vì nước.

    Trả lờiXóa