Thạc sĩ Ngữ văn Đinh Thị
Thanh Huyền
1. Tác phẩm phải hài hòa giữa nội dung và hình thức
Vấn đề nội
dung và hình thức của tác phẩm văn học đã được nhiều nhà nghiên cứu văn học đặt
ra. Theo quan điểm của Trần Độ, tác phẩm nghệ thuật là một chỉnh thể thống nhất
giữa nội dung tư tưởng và hình thức diễn đạt mà ta thường quen gọi là hình thức
nghệ thuật.
Trần Độ đã
khái quát một thực trạng trong sáng tác và thưởng thức văn nghệ, đó là hiện
tượng hoặc ít bàn đến tính tư tưởng của tác
phẩm mà quan tâm nhiều đến hình thức hấp dẫn trong văn nghệ, thiên về mặt hình
thức hấp dẫn trong văn nghệ, thiên về mặt hình thức biểu hiện, phong cách nghệ
thuật, thủ pháp nghệ thuật, câu chữ, lời văn, v.v… còn về nội dung thì miễn
không sai là được rồi! (sự thật là đã có những cái sai về nội dung tư tưởng) hoặc
chỉ chú ý nội dung tư tưởng của tác
phẩm. Như vậy, coi trọng yếu tố này mà xem nhẹ yếu tố kia là chưa có sự thống
nhất hài hòa về nội dung và hình thức nghệ thuật của tác phẩm.
Đối với Trần Độ, cả hai yếu tố nội dung và hình thức đều được ông chú trọng. Ông cho rằng,
nói nghệ thuật là nói đến cái mới, tính độc đáo của ngôn ngữ quán xuyến trong
việc xây dựng hình tượng nghệ thuật. Ngôn ngữ diễn đạt thô thiển, tạo ra hình
tượng nghệ thuật mờ nhạt thì bản thân nó không đủ sức chuyên chở tư tưởng tốt
đến với công chúng. Tiếp xúc với tác phẩm, mà nội dung giáo huấn của nó quá lộ
liễu thì người xem dễ có cảm giác khó chịu, dường như bị xúc phạm vào tính tự
trọng của họ.
2. Tác phẩm phải thu hút người đọc
Tác phẩm văn nghệ muốn thu hút người đọc tất nhiên phải tạo
được sự hấp dẫn, phải mang đến cho người thưởng thức khoái cảm, sự thú vị.
Nhưng bên cạnh đó ông yêu cầu cần phân biệt sự hấp dẫn chân chính, sâu sắc và
hấp dẫn “rẻ tiền”, có những thị hiếu, nhu cầu chính đáng, cao cả và những thị
hiếu, nhu cầu tầm thường, lạc hậu, thậm chí phản động nữa trong những người
thưởng thức. Như vậy có nghĩa là tác phẩm hay không những phải hấp dẫn ở nội
dung mà phải được biểu hiện trong một hình thức đẹp. Và để thu hút người đọc,
nâng họ lên một tầm cao mới, tác phẩm văn nghệ phải tạo được sự hấp dẫn chân
chính.
Cuối cùng, ông khẳng định: Sự hấp
dẫn không phải là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá giá trị một tiểu thuyết, một
cuốn phim, một bài ca. Nhưng một bài ca, một cuốn phim, một tập truyện hay thì
bao giờ cũng phải hấp dẫn. Một thị hiếu thấp có thể thờ ơ với một nghệ thuật
cao nhưng với thời gian, với sự giáo dục thẩm mỹ và văn hoá cho công chúng thì nghệ
thuật cao sẽ chiếm lĩnh được tình cảm công chúng và đánh bạt thị hiếu thấp
3. Tiêu chuẩn của một tác phẩm hay
Có nhiều ý kiến về cách đánh giá một tác phẩm hay. Đây là
một vấn đề còn nhiều tranh cãi. Mỗi người có một tiêu chí riêng. Tuy nhiên, vẫn
phải có những tiêu chuẩn thẩm mỹ tối thiểu để đánh giá một tác phẩm. Trần Độ
quan niệm: Một tác phẩm hay phải có tính tư tưởng cao và tính nghệ thuật cao,
phải tạo ra được những cảm xúc sâu sắc và mạnh mẽ, tạo ra những khoái cảm thẩm
mỹ đậm đà, đem lại cho tâm hồn và tình cảm con người một chiều cao mới. Nghĩa
là tác phẩm không chỉ hài hòa giữa nội dung và hình thức mà còn phải hấp dẫn và
có tác động tích cực đến người thưởng thức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét